Gấu, Bắc Kỳ 54. Rời Hà Nội khi vừa mới biết yêu cái
cột đèn, cái ngã tư, tiếng còi mười giờ chạy
trên thành phố... Vào Nam, Gấu nhớ tiếng còi,
nhớ cái tháp rùa đến ngơ ngẩn mụ cả người, bèn
tự nhủ thầm, phải kiếm cho được một cô bé Hà Nội...
Cô là em của một người bạn học. Ông anh vợ hụt học dưới
Gấu một lớp. Quen qua một người bạn, tên Uyển, hồi ở hẻm Đội Có,
Phú Nhuận.
Kỷ niệm lần đầu tới nhà cô bé, nghĩ lại thấy thật buồn
cười.
Ông anh cô khi đó đang học Đệ Tam, ban toán, và
ông đã ra câu đố: muốn gặp em tao thì phải giải
cho được bài toán hình học này. Chẳng hiểu ông
thực tình bí, hay là muốn thử tài, theo kiểu:
mày có đủ sức chinh phục con em tao hay không? Hồi đi
học, Gấu vốn nổi tiếng là một cây toán. Cô em cũng
dân toán, sau học y khoa.
Lên đại học, ghi danh chứng chỉ Toán Đại Cương; tới kỳ thi,
không hiểu bài toán muốn gì, Gấu nộp giấy trắng
ra về!
Nhà nghèo, Gấu chỉ đủ tiền mua cours của giáo sư Monavon,
mà không hề làm một bài tập nào.
Ôi, giấc mộng đã tan mà sao ảo tưởng vẫn còn!
Khi Gấu quen, cô bé mới mười một tuổi, chưa có núm
cau. Chưa có gì, chỉ có một nỗi buồn Hà Nội, ở
trong đôi mắt thăm thẳm.
Như lạnh lùng tra hỏi: anh yêu tôi hay là anh
yêu Hà Nội?
Vừa ra ý ỡm ờ: anh yêu tôi, vì tôi độc?
Và đẹp?
Nhà cô bé giầu, Gấu sững sờ tự hỏi, tại sao lại có
nỗi buồn như thế ở trong cô bé mới mười một tuổi?
Sau này thân rồi, cô tâm sự: đi học, H. chỉ có
mỗi một cái áo dài trắng độc nhất. Có lần, H.
nghe mấy con bạn nói đằng sau lưng: con nhỏ này nó làm
bộ nghèo...
Lần cuối cùng gặp cô bé, khi mối tình đã
tan vỡ. Cô lúc này coi Gấu như một người thân, nói:
H. mới đi chợ cho mẹ, lỡ tiêu quá một chút, anh đưa H.
để bù vô. H. rất ghét phải giải thích...
Em gái của cô, mỗi lần thấy bố vô phòng, là
bỏ ra ngoài.
Lần cuối cùng hẹn gặp trước khi Gấu lấy vợ: cô đang học y khoa,
ở tít mãi trong Chợ Lớn. Chỗ gặp mặt là một quán
Tầu ngay Chợ Đũi. Gấu vẫn thường ngồi đó, chờ cô bé đưa
em đi học tại một trường kế bên, rồi ghé. Cô em gái
có lần thấy, đang bữa ăn chiều như nhớ ra, kêu "chị, chị ra đây
em nói cái này hay lắm: buổi sáng em thấy chị
đi với anh Gấu."
Bạn bè, cô, và cô em gái vẫn gọi anh bằng
cái tên đó. "Có thể bữa nào giận H. nó
sẽ nói cho cả nhà nghe, nhưng cũng chẳng sao..."; Gấu ngồi chờ,
cố nhớ lại những kỷ niệm cũ. Khi quá giờ hẹn 5 phút, anh bỏ
đi.
Sau này, anh nghe cô kể lại: Bữa đó, trời mưa lớn, H.
đội mưa chạy xe từ Đại học Y khoa, suốt quãng đường Chợ Lớn - Sài
Gòn. Cũng biết là vô ích, vô phương. Lũ bạn
nói, con này điên rồi. Tới nơi, đã trễ hẹn. Thường,
em vẫn trễ hẹn, anh vẫn chờ (có lần anh nói anh có cả
một đời để chờ...), nhưng lần đó, em hiểu.
Bữa đó, mưa lớn thật. Gấu đội mưa đi ra khỏi quán. Đi khơi
khơi, không chủ đích, mơ hồ hy vọng những đợt mưa xối xả trên
thành phố Sài Gòn xóa sạch giùm tất cả
những kỷ niệm về một cô gái
Hà Nội,
độc,
và
đẹp...
Độc, là chuyện sau này, do Gấu tưởng tượng ra, khi đi tìm
một cái tên, cho một cuộc chiến.
Sự thực, những kỷ niệm về một miền đất, về một thành phố, và
về cô bé, chúng thật đẹp.
*****
"Suốt khoảng phố gần trường toàn nhà một tầng cửa gỗ lùa,
lọt vào một nhà cửa sổ chấn song sắt luôn mở rộng. Có
một lồng chim ngày nào đi học tôi cũng thấy treo phía
ngoài. Chim gì chẳng đẹp. Trông như mớ cỏ rối. Nhưng tiếng
hót thì trong veo. Trong. Và phấp phỏng như nắng thu
đang do dự rây qua ngàn vạn lá xuống phố. Nhà ấy
không bán hàng. Có những đứa trẻ ăn mặc đẹp hơn
tôi, chân đi dép nhựa ra vào. Chúng đến
đó học đàn. Chúng làm tôi tủi thân
nhiều hơn là thẹn. Có một lần tôi bị tụt quai dép
cao su và tôi chẳng còn cách nào hơn là
lếch thếch xách cả dép lẫn cặp nhón nhén đi bộ
trên hè phố trước mặt chúng nó.
Từ ngôi nhà chúng ra vào bay ra những hợp âm
thô kệch, lập cập. Thua tiếng hót của con chim giống như nùi
cỏ rối (....) Nhưng không hiểu sao tôi cứ buồn buồn khi nghe tiếng
dương cầm vang lên lập cà lập cập dưới ngón tay bọn trẻ
con không quen biết..."
"Có lần tôi nhìn thấy cô chơi đàn. Tôi
không biết đó là bản gì. Nhưng tiếng pi-a-nô
buổi tối thành phố lên đèn ấy tôi nhớ lập tức. Tiếng
đàn mới cao sang làm sao. Trong vắt. Róc rách.
Dường như những thân sao đen cao vút đang từ từ vướn lên,
vòm lá mở ra để lộ một bầu trời đen thẫm, mịn màng như
một đĩa thạch và chi chít sao."
"Chiến tranh đánh phá lần thứ hai. Có vẻ ác
liệt hơn lần trước. Cũng có thể là vì tôi lớn
hơn và biết sợ nhiều hơn trước. Chúng tôi lại đi sơ tán.
Để lại Hà Nội những hầm công cộng dài rộng mênh
mông, những hố tăng xê ngập nước ngày mưa. Để lại tiếng
loa truyền thanh và tiếng còi báo động nghe hết hồn
hết vía rú lên từ phía Nhà Hát Lớn..."
".... Hồi ức chiến tranh thường chỉ quẫy cựa khi đi qua Phố Huế. Một đứa
lớp tôi chết ở đó. Vệt bom liếm hết nhà nó thì
dừng và hôm đó là hôm nó về lấy gạo
nuôi em."
(Những giọt trầm, truyện ngắn Lê Minh Hà)
Gấu được đi học Hà Nội, là nhờ bà cô lấy chồng
Pháp. Một kỹ sư Sở Hỏa Xa Đông Dương. Bà cô đẹp,
cao, sang, không một chút liên can tới cái làng
nghèo đói ven đê sông Hồng. Người ở đó không
muốn bà về. Chỉ cần tháng tháng gửi tiền. Vì cũng
là một người cùng làng, thằng cháu bị vạ lây,
thời gian đầu sống với bà cô.
Có thể, lúc đầu bà cô chỉ nghĩ tới Gấu, do tội
nghiệp. Chẳng bao giờ bà hỏi han. Gấu cũng chẳng dám đòi
hỏi gì, ngoài hai bữa cơm, rồi lo đi học. Bà cho Gấu
ở riêng một căn phòng kế bên nhà bếp. Không
được bén mảng lên nhà trên.
Gấu chỉ có một bộ quần áo đi học. Mỗi lần giặt, ủi liền, cho
kịp giờ đi học. Có những lần quá ướt, bàn ủi không
kịp nóng. Cho tới một bữa, Gấu ỷ y, chạy ra ngoài, khi ngửi
mùi khét thì đã xong một bên ống quần.
Đó là một villa trông ra hồ Halais. Nhà của hai
ông Tây, đều kỹ sư Sở Hỏa Xa Đông Dương. Ông Tây
già, là chồng bà cô. Chức vụ chắc thua ông
Tây trẻ, vì ông này có tới hai người hầu:
một người bếp, một người bồi. Ông Tây già ăn uống đều do
bà vợ. Ông bếp già, vào những ngày cuối
tuần, chủ đi chơi, thường dắt gái về nằm trong bóng tối hành
lang phía trước. Mỗi lần như vậy, Gấu lén lên nhà
trên, bò tới sát, chỉ cách bức tường, cánh
cửa, rồi hồi hộp lắng nghe. Một lần cô gái làng chơi biết,
nói: có người ở bên trong nhà. Ông bếp hừ,
hai thằng bé, trời tối mịt, chúng nó chẳng thấy gì
đâu.
Mỵ là tên anh bồi. Gấu không nhớ tên ông
bếp già. Ông rất thù ghét Tây, tuy làm
bồi bếp. Gấu biết từng chi tiết chiến thắng Điện Biên Phủ, là
do ông kể. Chắc cũng chỉ từ trí tưởng tượng của ông. Hiệp
định Genève chia đôi đất nước, ông về làng, chắc
chắn là khổ sở với quá khứ Việt gian. Gấu gặp cả hai vợ chồng
anh Mỵ, và đứa con gái duy nhất mới sinh được vài tháng,
ở Hải Phòng, những ngày chờ đợi tầu. Thằng em đã về quê,
ở với bà vợ lớn.
Lần đó, anh Mỵ nói với bà cô. Bữa hôm sau,
bà dẫn Gấu đi mua mấy bộ quần áo. Bà mắng: tại sao không
nói. Thấy thằng cháu im thin thít, bà như hiểu
ra, giải thích: Tao chỉ ghét mẹ mày. Cả làng cả
họ cứ xúm vào gấu váy con mụ me Tây này.
Không những mắng, mà còn tát cho Gấu vài
cái.
Đó là lần bà bắt gặp hai đứa, Gấu, thằng Hìu,
em anh Mỵ, trời tối thui mà cũng cố căng mắt nhìn ra phía
ngoài...
Lếch thếch xách dép, một kỷ niệm như vậy dù sao
cũng dễ thương hơn nhiều, so với của Gấu, những ngày đầu học Nguyễn
Trãi, với cái quần độc nhất, với đôi guốc lạch cạch nện
trên đường phố, trong sân trường. Nhưng dù dép,
dù guốc, cũng không bằng chân trần, lúc tan học,
nhìn lũ bạn đứng từ ngoài liệng cả dép lẫn cặp vào
tới tận gậm giường bên trong nhà, rồi theo nhau chạy ra bãi
cát dưới chân cầu sông Hồng, hoặc lang thang bên
dưới vòm trời thành phố. Và tiếng còi dễ thương
đuổi theo Gấu suốt đời chưa biến thành ghê rợn, nhưng tiếng kèn
đồng thê thảm từ một vũ trường gần bờ Hồ theo Gấu mãi, cùng
với hình ảnh cô gái bán rau muống bị Tây
hiếp đứng co ro cố túm chiếc quần còn rỉ dòng nước nhờn,
khi nhìn thấy thằng nhỏ đi học đang bước tới, ngay gần nhà
ở ngoại ô Bạch Mai, kế bên đường rầy xe điện.
"Vậy mà không hiểu sao đôi khi tôi cứ nghẹn
ngào, không làm sao dứt đứt ra khỏi lòng dạ những
xôn xao của cái thời ngốc".
(Lê Minh Hà, Những giọt trầm)
Ngay khi từ biệt, Gấu đã biết, sẽ có ngày cô
bé (Hà-nội?) trở lại, qua một hình bóng
khác. Khó mà dứt đứt ra khỏi lòng dạ, một thành
phố, một đoạn đời.
Sự thực, khi gặp ông anh vợ hụt lần đầu, Gấu không hề
biết, ông có một người em gái, tên là "cô
bé". Nhưng chuyện ông đưa ra bài toán đố là
có thiệt. Về già nghĩ lại, bao chuyện may rủi trên đời,
đều là do chuyện mê toán của Gấu, kể từ khi còn
ở Hà Nội. Người đầu tiên khám phá ra tài
làm toán của Gấu là Ông Tây, chồng bà
cô.
Bà cô Gấu, tuy bề ngoài lạnh lùng, nhưng
lúc nào cũng để ý đến Gấu, qua... Ông Tây.
Một lần bà nói, “Ông Tây bảo, mày còn
ngu hơn thằng Hìu, em anh Mỹ”.
Đó là một buổi chiều, Ông Tây đi làm
về. Có bà cô ngồi trên xe. Khi xe làm hiệu
rẽ vào cổng, thằng cháu nhanh nhẩu tập làm bồi, mở vội
hai cánh cổng bằng sắt. Thằng Hìu đứng bên, dơ tay chặn
lại. Không hiểu làm sao nó biết, hai người chỉ đậu xe,
về nhà thay đồ, và còn đi shopping.
Lần thứ nhì đụng độ Ông Tây, là bữa Gấu
mê mải làm toán, ngay hàng lang trước villa. Dùng
phấn trắng vẽ ngay trên mặt gạch. Gấu không nghe thấy tiếng xe,
tiếng mở cổng, ngay cả khi Ông Tây tới sát bên Gấu…
chỉ tới khi ông hừ một tiếng rất ư là hài lòng,
và sau đó bỏ vào trong nhà. Chắc ông đã
mê mải theo dõi, và hồi hộp, không hiểu thằng bé
nhà quê này có chứng minh nổi bài toán
hình học hay không. Ông là kỹ sư, và hình
ảnh thằng nhỏ đang say sưa với bài toán đến nỗi quên phận
sự làm bồi, không mở cổng cho ông, có thể làm
ông nhớ lại thằng nhỏ-là ông ngày nào.
Bữa sau, bà cô mặt mày tươi tỉnh cải chính câu
nói bữa trước, “Không, Ông Tây nói, mày
thông minh hơn thằng Hìu.”
Chính Ông Tây mới là người quyết định tương
lai của Gấu. Bởi vì bà cô, kể từ đó, đã
có ý định cố lo cho thằng cháu ăn học.
Trong quyết định bỏ vào Nam của Gấu, có giấc mơ học
giỏi tiếng Pháp, để viết một bức thư cám ơn một ông tây
thuộc địa.