|
On Saturday, August 2, 2014 7:34 PM,
Hà Nội gió !!!
Trần Mộng Tú
Gió
mùa đông bắc làm em khóc
Hà
Nội, anh ơi phố rất gầy!
(tmt)
Tôi trở về nhà sau một chuyến
bay dài đỏ mắt. Không biết ai là người đầu tiên đặt tên cho những
chuyến bay đêm là 'đỏ mắt' thật
là hay. Chập chờn giữa thức và ngủ cả mười ba, mười bốn tiếng thì chắc
chắn mắt xanh như cô Kiều của cụ Nguyễn Du cũng thành mắt đỏ. Chữ nghĩa
mang ảnh hưởng đến đời sống tình cảm của ta rất nhiều, có những chữ
mình không thể nào thay bằng chữ khác được.
Chúng
tôi đi trong một Hà Nội đầy gió, người Hà Nội đặt tên cho gió này là
Gió Mùa Ðông Bắc. Có không biết bao nhiêu thi sĩ, bao nhiêu nhạc sĩ đã
xúc động về những cơn gió này và viết ra bao nhiêu tác phẩm làm thăng
hoa đời sống con người để ngay cả khi đang sống trong một hoàn cảnh khó
khăn nhất, con người vẫn tìm ra cái đẹp của nơi mình đang sống. Khí hậu
của tháng Mười Một và tháng Chạp âm lịch là khí hậu lạnh và đẹp nhất
trong năm của miền Bắc. Gió hay trở lạnh đột ngột như một người đi xa
bỗng trở về không báo trước. Có thể mới buổi sáng trời còn rất ấm không
có gì báo hiệu là một ngày lạnh, nhưng đến trưa gió ở đâu bỗng kéo về
chật phố. Gió chen chúc vào đám đông đang đi trên đường, gõ cửa những
ngôi nhà, hàng quán, ngồi sát vào những người buôn bán hai bên vỉa hè
rất là hồn nhiên. Chẳng cần nói năng gì cả. Chỉ cần có mặt, tôi đến,
tôi ngồi xuống và tôi ở lại. Giống như Caesar ngày trước I came, I saw,
I conquered. Thế là mọi người chạy ùa đi mua áo ấm để ngồi chung với
gió.
Hình
trong bài viết này là minh họa
Chúng
tôi đã được đi, được ngồi chung với Gió Mùa Ðông Bắc trong suốt mười
ngày ở Hà Nội.
Bây giờ ngồi đây nhớ Gió Mùa Ðông Bắc, muốn khóc.
Suốt từ Sài Gòn, đi xe ca theo tour Tiền Giang, Hậu Giang, Phan Thiết,
Nha Trang, Hà Nội rồi bay ra Phú Quốc, ta
nhìn thấy sự phồn thịnh luôn luôn đi bên cạnh nghèo đói một cách rất rõ
ràng.
Miền Bắc, miền Trung ở quê vẫn
còn khổ và nhiều người rất nghèo trong khi ở thành phố Sài Gòn, Hà Nội,
hàng đêm người ta đổ xô ra phố tiêu tiền (không
biết tiền ở đâu ra mà nhiều thế!). Ở những nhà hàng, những
quán ăn thì người trong nước tiêu phung phí hơn Việt Kiều. Thử vào một
chỗ ăn chơi như vào bar chẳng hạn, thì có thể chỉ nhìn chai rượu gọi sẽ
nhận ngay ra ai là Việt Kiều ai là Việt
Việt (chữ một cậu cháu tôi dùng để
gọi người trong nước). Việt Kiều xài sang gọi chai rượu 150 mỹ kim,
trong khi đó Việt Việt gọi chai rượu
1.500 mỹ kim. Tôi quê mùa, hỏi cháu:
- Chai rượu gì mà đắt vậy?
- Con không biết, nhưng thấy họ trả 1.500 mỹ kim cho chai rượu; họ đi năm, sáu người tiêu một buổi tối năm ngàn
đô là chuyện nhỏ.
Nghe nói một tối tiêu năm ngàn đô là chuyện nhỏ thì chắc ai cũng biết
cái xuất xứ của những số tiền nhỏ đó thật là mù mịt.
Ăn uống ở các tiệm bây giờ cũng đắt hơn gấp năm sáu lần của ba năm
trước và không ngon. Trung bình chúng tôi ăn một bữa cho một người là
từ ba cho đến bẩy mỹ kim. So với ở Mỹ thì rẻ, nhưng với tiền lương của
một người trung bình là 700.000 đồng Việt- khoảng hơn 40.00 mỹ kim một
tháng- thì làm sao trả được.
Tôi tự hỏi, Sài Gòn bây giờ
hình như không ai nấu ăn trong nhà hay sao mà tối nào các tiệm, các
quán cũng tấp nập khách ăn? Bao giờ nhìn chung quanh các bàn cũng rất
nhiều người địa phương ngồi ăn, phần đông là giới trẻ, và trung niên.
Trên bàn đầy ắp thức ăn và bia, nước ngọt.
Lương của một công chức không biết
con số thật là bao nhiêu?
Tôi có
một người em họ xa ở Hà Nội, làm phó giám đốc một công ty nhà nước gì
không rõ mà anh đi xe BMW, khi chúng tôi
tới thì vợ đang du lịch ở Singapore, con thì đi du học ở Mỹ, một năm
hết ba mươi ngàn Mỹ Kim tiền học, chưa kể chi phí ăn ở. Nghe mà giật
mình.
Theo cách anh nói chuyện thì ở Việt Nam bây giờ du học tự túc ở Pháp và
Ðức như một phong trào cho các con ông lớn. Học giỏi hay không thì chưa
rõ, nhưng mà đã là con của những ông lớn thì phải xuất ngoại, phải du
học. Sang bên đó không học được thì ở chơi một thời gian, may mắn kiếm
được người lấy thì ở lại, không thì về.
Nghe anh nói, tôi nhớ đến một ca làm việc của mình ở Mỹ. Khi tôi đến
thăm tại gia cho một sản phụ được hưởng Phiếu Y Tế (Medical Coupon) tôi mới biết đó là một
sinh viên Việt Nam du học tự túc, có bầu và ở lại. Cô là sinh viên du
học mà không nói được một câu Anh Ngữ nào. Căn nhà cô ở thuê là một
apartment water front. Tôi hỏi tiền đâu mà cô trả tiền nhà thì được cô
ạ cho biết căn apt. này cha mẹ cô chuyển
tiền sang mua, trả bằng tiền mặt, cho một người bà con có quốc tịch Mỹ
đứng tên. Nghe mà giật mình, vì tôi
biết căn apartermen đó ở Seattle ít nhất là 400.000 Mỹ kim, bởi gần sát
mặt hồ.
Khi có những người giầu không
rõ xuất xứ lợi tức như thế thì người nghèo có xuất xứ rất rõ ràng. Họ
sống bằng những món tiền kiếm được hàng ngày rất khiêm tốn. Nếu đi dọc
theo bờ hồ Hoàn Kiếm ta sẽ luôn luôn bắt gặp những người (một cụ già, hay một đứa trẻ đang tuổi đi
học) bán vé số, hoặc nước trà. Bán vé số thì lấy vé của nhà
nước đi bán lại mỗi vé số giá có hai ngàn, không biết lời được bao
nhiêu? Trong khi đó giá một gói xôi khoảng bốn ngàn đồng- một Mỹ kim
bằng 15.900 đồng-
Vốn liếng của người bán nước trà tất cả chắc chưa đến ba Mỹ kim: Một
cái ấm ủ trong cái khăn cũ kỹ, vài cái ly thủy tinh nhỏ, năm ba cái kẹo
lạc, kẹo vừng. Họ ôm cái gia sản bán buôn đó trong vòng tay gầy guộc,
mời khách bên hồ. Hy vọng họ kiếm đủ cơm ăn cho một ngày hôm đó.
Ngay ở trong khu phố có tấp
nập khách du lịch, thỉnh thoảng ta vẫn thấy một người gánh hai cái
thúng hầu như chẳng có gì trong đó, chỉ có vài ba mớ hành, mấy củ
su-hào, mấy quả chanh đem đi bán. Chắc đây là những thứ kiếm được trong
vườn nhà. Tiền thu về may ra đủ cho một gói xôi, hay hai chiếc bánh mì
không nhân.
Có cô bé lên năm cầm từng chiếc kẹo cao su lẻ bán cho du khách, cô bé
nhỏ xíu, đen thui, ốm nhách mà cái mặt tươi như một bông hoa Mười Giờ
chạy theo con gái tôi, đưa cái kẹo ra mặc cả bằng thứ tiếng Mỹ ngô
ngọng, thấy vừa buồn cười, vừa tội nghiệp. Cô con gái tôi trêu cho em
cười bằng cách nói tiếng Việt cũng ngô ngọng với em và gần như muốn bế
em lên, vì em bé xinh quá!
Ôi tuổi thơ Việt Nam! Khi em lớn lên, em sẽ có ước vọng gì?
Ði càng về miền quê càng thấy
những người nghèo. Ở những nơi ruộng nước như lối vào Tam Cốc, Bích
Ðộng ở Ninh Bình hay Suối Trong, Suối Ðục ở Chùa Hương thì những người
dân quê vẫn ngâm một nửa người trong nước nguyên ngày mò ốc, lưới tép
kiếm ăn. Một kí tép khoảng hai chục ngàn, ngâm nước nguyên ngày được
khoảng ba đến năm kí, kiếm được 60.000 -100.000 đồng cho nguyên một gia
đình bốn năm người, trong đó có cả tiền học cho con.
Trẻ con đi học cho biết đọc,
biết viết rồi nghỉ vì không có tiền trả tiếp, lại đi ngâm mình dưới
nước giống cha mẹ thôi. Suốt một đời họ ngâm dưới nước. Người chèo
thuyền chỉ cho chúng tôi xem một vài nấm mộ chôn một nửa chìm dưới
nước, nói là mộ của những ông bà cụ già suốt đời mò cua, xúc tép ở đây,
họ muốn con cháu họ chôn mình như thế, vì họ đã có câu: 'Sống ngâm da, chết ngâm xương' để
chỉ đời sống gắn liền với nỗi vất vả này.
Du khách Âu Châu đổ vào Việt Nam một ngày một đông hơn, sau sau vụ
khủng bố 11/9/2001. Cả nước sống về nguồn lợi thu nhập được của du
khách. Du khách nước ngoài vào, mang theo bao sự thay đổi. Việt Kiều
đóng một vai trò không nhỏ trong môi trường này.
Mỗi người đem một ít về cho thân nhân, giúp vốn buôn bán, xây lại nhà
cửa, mai mối cho lấy chồng nước ngoài. Cho nên ta thấy có những con hẻm
lầy lội, nghèo nàn tự nhiên mọc lên một cái nhà hai ba, thậm chí bốn
từng. Cửa kính, cửa sắt đứng cô đơn như một anh hề sau khi vãn hát.
Những cô gái được tân trang từ đầu đến chân để lấy chồng nước ngoài,
trông như những con búp bế vô hồn. Ðã có một số cô bằng lòng lấy bất cứ
ai, dù đó là anh cắt cỏ hay rửa chén bên Mỹ, bên Úc. Ngay cả một anh ăn
tiền tàn tật cũng vẫn lấy. Cứ lấy để đi đã, sang đó không ở được thì
bỏ. Những câu chuyện đó bây giờ không có gì là mới lạ nữa, chỉ có sang
bên đó mà sau năm năm không bỏ chồng thì mới gọi là 'Lạ'. Người không có thân nhân lo cho thì sẽ rơi
vào bất cứ một bàn tay không lương thiện nào đó, và đã xẩy ra bao nhiêu
thảm kịch. Ban đầu thì còn là chuyện thương tâm, sau đi đến
nỗi quốc nhục.
Nhiều cô gái quê lớn lên trong
cảnh nghèo sẽ làm bất cứ điều gì, không đắn đo để được thoát ra cảnh mò
ốc, bắt cua, làm ruộng. Cô ở tỉnh thì chạy theo những nhu cầu vật chất
và cũng một phần muốn có một cuộc sống nhàn nhã, không phải vật lộn với
đời sống xã hội khó khăn hiện tại, nên họ không ngần ngại làm gái bao
cho những người nước ngoài.
Chúng tôi đã gặp trên con đường từ Bắc vào Trung, ra Nam một vài cô rất
trẻ, khoảng 17 đến 22 đi cặp đôi với những người đàn ông luống tuổi
nước ngoài như Thụy Sĩ, Ðức, Pháp, Ðại Hàn, Ðài Loan.v.v.. Trên bãi
biển Phú Quốc nơi chúng tôi tắm, một lúc chúng tôi gặp ba người Ðức độ
ngoài sáu mươi tuổi cùng tắm với ba cô gái Việt rất trẻ. Họ ngồi ngay ở
mấy cái võng, và bàn ăn dưới gốc dừa cạnh chúng tôi. Họ nói tiếng Anh
với mấy cô, mấy cô nói rất ít, ngoài lắc, gật và cười ròn rã. Một lúc
sau có thêm một người nữa dắt một cô đến, họ làm quen và nhập bọn với
nhau. Họ ngồi ngay cạnh chúng tôi, nên dù không chú ý cũng nghe rõ
tiếng những người đàn ông nói với nhau:
- Gái ở đây hiền và dễ bảo hơn gái Sàigòn.
- Sống ở đây, cần bao nhiêu một tháng, kể cả tiền trả cho mấy cô này?
- Rẻ lắm, chỉ độ năm trăm mỹ kim
thôi.
Hình ảnh mấy ông già da nhăn nheo đó đùa rỡn dưới biển với mấy cô má
hồng còn lấm tấm mấy cái mụn dậy thì, trông
chẳng khác gì cảnh ông nội, ông ngoại ra bơi với cháu. Thật đáng buồn! cho Việt Nam!
Tôi nhìn sang con gái tôi, cô
đang nằm phơi nắng trong bộ áo tắm, cuốn tiểu thuyết The memoirs of a
Geisha úp trên mặt, tôi thấy cô thật là may mắn biết bao! Cô được đi
học, cô có việc làm tử tế, cô kiếm sống được bằng kiến thức và lòng tự
trọng. Nếu cô chẳng may sinh ra và lớn lên trong một cái làng, cái tỉnh
nghèo nàn nào đó Việt Nam, không được đi học đến nơi, đến chốn, thì có
gì bảo đảm cô sẽ không là một trong những cô gái đang bơi lội dưới kia?
Cái nghèo khó luôn luôn kéo theo cái bất hạnh.
Giữa mênh mông sóng biển, nhìn những cô gái trẻ đang bơi trong nước,
bỗng những cành đào Nhật Tân hiện ra trong trí tôi. Những cành đào hiếm
hoi còn sót lại năm nay ở làng này vì người ta đang cào xới đất để xây
những cao ốc trên đó. Rồi những cô gái làng này không còn hoa đào để
bán, không còn đất để trồng cúc, trồng lay-ơn, trồng hoa hồng nữa. Họ
sẽ đi đâu và sẽ làm gì để sống? Họ sẽ lại
ra những bãi biển với những người đàn ông già như ông nội hay sao?
Khu đất cổ truyền trồng hoa,
nổi tiếng về hoa đào Nhật Tân còn không cứu được, còn bị san bằng để
xây cao ốc thì những cô gái Nhật Tân có ai cần để ý tới là họ sẽ trôi
ra biển hay đi về đâu!
Người thanh niên hai mươi tám
hướng dẫn tour cho chúng tôi than:
- Tụi con bây giờ, những người lợi tức thấp, khó kiếm vợ và kiếm bồ
lắm. Họ cặp với người nước ngoài hết rồi cô ơi!'
Tôi hỏi :
- Nhưng các cô ở miền quê như Phú Quốc này, thì làm sao gặp được những
người du khác ở xa đến, trong khi họ lại không biết ngoại ngữ?
- Dễ lắm cô ạ. Cứ cô nào đi
trước kiếm được một người thì lại chỉ dẫn giới thiệu cho cô sau. Mấy
ông du khách đó lại giới thiệu cho nhau. Cứ cái đà này thì chẳng còn ai
cho tụi thanh niên chúng con ở đây nữa. Mấy tỉnh miền Tây bây giờ cũng
thế hết, con gái họ bỏ đi Sàigòn kiếm sống bằng cách làm gái bao cả
Anh ta nói như một tiếng than. Tôi ngồi im nghe không biết nên an ủi
thế nào.
Ở Sàigòn thì gặp mấy người chạy taxi kể lể:
- Cô ơi ! Mấy thằng Ðại Hàn bây
giờ nó khôn lắm. Nó sang đây giành giật của Việt Nam vừa đàn bà vừa
tiền. Nó không cần biết tiếng Việt, nó bỏ tiền ra thuê một cái mặt
bằng, thuê bao luôn một cô vợ ở đây đứng trông tiệm (bán đồ cho khách
du lịch) làm người ở và làm vợ tạm thời cho nó. Cô ta được trả
vài ba trăm đô một tháng là mừng lắm rồi. Làm ăn một thời gian vài ba
năm thôi, hết hạn, nó trả tiệm lại, trả cô nhà quê ra đường, ôm tiền về
nước. Mấy thằng Ðài Loan cũng vậy.
- Còn mấy ông già Việt Kiều nữa cô ơi! Ðến
tuổi hưu trí rồi, về Việt Nam kiếm một cô bồ chỉ bằng tuổi con gái, con
dâu mình. Giữ đấy, như một thứ vợ nhỏ, cho một tháng hai ba trăm đô la.
Mỗi năm đi, về hai, ba lần hưởng thụ. Cơm bưng, tình bưng đến tận miệng. Trong
khi ổng không có ở đây thì các cô muốn làm gì thì làm, khi ổng qua thì
các cô phải hoàn toàn phụng sự ổng là được rồi.
Anh nói thêm:
- Chuyện này đều đều từ nhiều năm nay rồi. Các cô rủ nhau, dắt mối cho
nhau, Ðại Hàn giới thiệu cho Ðại Hàn, Ðài Loan giới thiệu cho Ðài
Loan,Việt Kiều giới thiệu cho Việt Kiều. Mỗi người một tiêu chuẩn, một
dịch vụ khác nhau. Ai cũng vui vẻ hài lòng cả.
Tôi nghe, mà lòng buồn ruời
ruợi. Có lẽ những phụ nữ chọn cuộc sống này họ thấy còn hơn là phải
sang Ðài Loan làm nô lệ cho cả một gia đình, hay bị bán vào những nơi
họ không hề lựa chọn. Tôi nhớ đến một bản tin đọc được ở báo trong nước
về một người đàn bà Việt Nam muốn sang Ðài Loan kiếm tiền giúp gia
đình. Hai vợ chồng vay mượn một số tiền mười ngàn mỹ kim để được sang
bên đó làm công nhân, hay ở mướn gì đó qua trung gian môi giới. Không biết vì một lý do đau thương, tủi nhục
nào, người vợ đã không cho chồng biết, âm thầm chịu đựng rồi đi đến chỗ
tự tử chết. Người chồng vừa đau đớn vừa bị món nợ mười ngàn mỹ
kim hối thúc, tự tử chết theo vợ, để lại mấy đứa con thơ.
Thử hỏi có bản tin nào đau thương
hơn bản tin này!
Trong khi đó thì ở một mặt khác của xã hội, những cô gái của cả Sài
Gòn, Hà Nội bây giờ sống rất là thời thượng. Họ đi làm những công việc
văn phòng chỉ để lấy danh nghĩa đi làm, họ có một nguồn lợi tức ở đâu
đó cung cấp chuyện tiêu pha ăn, mặc hàng ngày cho họ mình không biết.
Họ rất giỏi về lãnh vực tìm bạn Việt Kiều trên mạng. Mỗi tối ngồi hàng
giờ để chat với một ai đó, rồi đưa đến hò hẹn.
Một cậu Việt Kiều ở Mỹ hay Úc, trước khi về Việt Nam, có thể tìm trên
mạng cho mình một cô bồ ra tận phi trường đón. Cô ta nói tiếng Anh
tương đối, hướng dẫn các dịch vụ ăn chơi, cô chỉ bảo tận tình và cho
cậu cái cảm tưởng là cô không đến vì tiền của cậu (cô có tiền rồi!) cô
sẵn sàng mời cậu về nơi cô ở thay vì ở khách sạn (tình cho không, biếu không), cô hiền lành,
chiều chuông hết mình, rồi cô cho cậu biết cha mẹ cô là những người có
địa vị trong xã hội, cô mời cậu ra Bắc hay lên Ðà Lạt, hoặc Nha Trang
gặp họ.
Trong khi chuyện trò, cô thường nói là 'Em không thích sống ở Mỹ', cô
cho cậu cái cảm tưởng cậu là người may mắn, gặp được một cô không giống
những cô mà trước đây cậu thường nghe tả. Có thể cậu Việt Kiều này sẽ
gặp ông bố của cô bồ là một Kỹ Sư nhà nước hay một ông bác sĩ thật (Một bác sĩ xuất thân là y tá và được thăng bác
sĩ nhờ tuổi đảng thâm niên). Và cô 'không thích sống ở Mỹ đâu'
chỉ có nghĩa là cậu lấy cô rồi cậu sẽ ở lại Việt Nam, và cô có cơ hội
vào quốc tịch Mỹ. Có trời mà biết những gì sẽ sẩy ra sau tấm màn sân
khấu này.
Những vở kịch này hiện nay
đang diễn ra thường xuyên ở Việt Nam. Những người thân quen ở Việt Nam
chỉ biết dặn dò:
- Cháu coi chừng đấy, gái Việt bây
giờ có cả ngàn chiêu, không biết đường nào mà đỡ đâu.
Tôi được nghe kể, còn một phương cách kiếm chồng nước ngoài cao hơn thế
nữa là các cô con ông lớn thứ thiệt, có đăng ký tên trong những cái bar
sang trọng. Khi chủ nhân thấy có một đám khách Việt Kiều trẻ nào, thuộc
loại mặt mũi sáng sủa, lịch sự, học thức, ăn xài sang vào bar là lập
tức họ thu dọn chiến trường, dẹp hết những cô tầm thường đang làm việc
ở đó, gọi những cô gái con các ông lớn trong danh sách đến. Các cô ăn
nói lịch sự, có học đến làm quen chuyện trò với khách, và sau một buổi
tối, nhiều cậu đã được mời về nhà, giới thiệu với gia đình. Nhà sang
trọng, có xe hơi, và tài xế riêng, cha mẹ niềm nở đón tiếp. Hỏi ra thì
được biết cha mẹ các cô toàn là những nhân viên cao cấp của chính quyền
cả. Những cậu được mời này, chắc chắn sẽ quay lại và kết thân cùng cô
gái. Mọi việc kế tiếp thì chỉ có Trời mới biết là sẽ được xếp đặt như
thế nào.
Ôi! Những chuyện quê nhà thì nói sao cho hết. Chuyện vui thì qua mau,
chuyện buồn thì ở lại. Mỗi lần về là một lần xót xa. Cứ nhủ lòng thôi
không về nữa. Thế mà một hai năm sau, nguôi ngoai một chút lại thu xếp
quay về.
Hà Nội bỗng dung nhan đổi khác
nhờ những cơn Gió Mùa Ðông Bắc. Thanh niên, thiếu nữ giấu trong chiếc
áo len, áo dạ, những mơ ước lãng mạn của mình. Họ khoác tay nhau ngồi
xuống những quán ăn đơn sơ ngay ở vỉa hè. Chuyền tay nhau những chén
lục tào xá, bánh trôi, bánh chay. Họ ăn bằng mơ mộng của tuổi trẻ, ăn
bằng hoang mang của những ngày cuối năm, ăn bằng nôn nao của mùa xuân
đang tới. Gió lãng mạn, gió phiêu du, gió làm gầy những con phố, làm
trái tim đập dịu dàng và làm những bài thơ bỗng nghiêng xuống, nằm sát
vào những chiếc lá cuối đông.
Bây giờ ngồi đây nhớ Gió Mùa Ðông
Bắc, muốn khóc.
Về Sài Gòn để được chen lách giữa những đám xe cộ, nhất là xe gắn máy.
Ðể nhìn khói bụi mù đường, nghe những tiếng gọi nhau ơi ới, những tiếng
rao hàng, hòa vào giữa tiếng xe nổ, tiếng còi xe inh ỏi. Ðể trong lúc
chen lấn giữa dòng người, dòng xe, thỉnh thoảng lại nhìn cái bảng tên
đường lạ hoắc, cố đoán ra trước đây là đường gì? Rồi chợt nghe đau nhói
trong ngực về một kỷ niệm thân yêu cũ ở con đường mình đang đi. Nước
mắt ứa ra, hình dung lại một buổi chiều êm ả đã xa lắm rồi.
Tình đã quan san từ đáy mắt
(Ðinh
Hùng)
Về để lại đi xuồng máy nguyên
ngày trên Tiền Giang, ghé vào những rạch, chỗ người dân làm bánh tráng,
làm kẹo dừa, đan võng, đan giỏ, để được ngắm những người dân miềm Nam
giản dị, chất phác, nhìn những vất vả của người mẹ, người cha:
Quê hương là cây cầu khỉ
khẳng khiu như cánh tay cha
quê hương gánh hàng nặng trĩu
mẹ về tất tả chợ xa
quê hương áo bà ba trắng
khăn lau lệ mẹ vắt vai
quê hương mồ hôi cha đổ
cho con miếng ngọt miếng bùi.
(tmt)
Về để đi ra Bắc, lên tận Yên Bái, đến ngôi nhà sát bên sông Hồng của
người anh họ, được soi mặt trong thau nước múc lên ở lòng sông, có phù
sa lắng hồng đáy chậu. Ðược ngồi trong một cái bếp còn đun củi, bám đầy
bồ hóng, được dùng gáo múc nước, được ăn măng trúc, măng mai. Nhớ về
câu thơ cũ trong bài Trấn Thủ Lưu Ðồn:
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Về để được chen chân đi trong
phố cổ Hà Nội nhỏ hẹp, có rác và cống trên từng bước đi, được đi trong
nắng, trong gió Hà Nội nhớ lại thủa ấu thơ, ngơ ngác đi qua nhà thờ xưa
như đứa bé tan Lễ ra, lạc mẹ:
Lâu lắm em mới về Hà Nội
đi trên viên gạch tuổi thơ ngây
gió mùa đông bắc làm em khóc
Hà Nội, anh ơi phố rất gầy!
(tmt)
Mấy ngày hôm nay Hà Nội lạnh, Hà Nội vào Tết, Hà Nội chạy ùa ra phố mua
áo ấm, gió mùa đông bắc thổi vạt áo bay tung, hai mẹ con đi sát vào
nhau, chen chân trong khu chợ đêm trong phố cổ. Cảm tưởng hương vị của
một ngày cuối đông đang tan trong cổ mình như những câu thơ:
Hà Nội rủ nhau mua áo ấm
gió mùa đông bắc thổi qua len
khăn san quàng vội vào cổ gió
trên vai một chiếc lá rơi nghiêng
(tmt)
Người, xe, hàng quà hai bên vệ đường cùng đan vào nhau, gần như dẫm lên
chân nhau. Hàng Ðào với những cửa tiệm sang trọng bán quần áo tơ lụa
cho du khách, Hàng Bạc lấp lánh những vòng vàng những xuyến bạc, và
kiềng trạm, Hàng Mã một mầu đỏ đến căng từng mạch máu của đèn lồng,
giây pháo giả, vàng mã. Người ta đổ xô đi mua về để đốt cho ông Táo lên
trời. Cứ thế đi theo dòng người, hai mẹ con bập bềnh trôi.
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
(Bùi Giáng)
Ðúng là mùa xuân đang về trước mặt cho con gái và sau lưng là cả một
giấc miên trường của đời sống mà người mẹ đã đi qua.
TRẦN MỘNG TÚ
|
|