*

TƯỞNG NIỆM

viet_bao_ttt



Nhà Thơ Thanh Tâm Tuyền Ra Đi

Ôm em trong tay 

mà đã nhớ em ngày sắp tới...

 

Tác giả những dòng thơ tình trên vừa mới từ biệt trần gian hôm Thứ Tư: nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã chết vào lúc 10:30 giờ sáng, giờ California, ngày 22-3-2006 tại tiểu bang Minnesota, vì bệnh ung thư phổi. 

Thanh Tâm Tuyền là một trong những người cầm viết đã để nhiều dấu ấn trong dòng sinh hoạt văn học Miền Nam VN trứơc năm 1975 và sau này là hải ngoại. Tuy là một trong những người đầu tiên mở đường cho phong trào Thơ Tự Do, nhưng tính ông ưa sống khiêm tốn, lặng lẽ. 

Thanh Tâm Tuyền có tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13-3-1936 (theo thông tin trên trang web Luân Hoán). Theo lời nhà văn Phan Nhật Nam thì ngày sinh Thanh Tâm Tuyền đúng ra là ngày 15-3-1936. 

Ông sinh tại Vinh, Nghệ An, từ Bắc di cư vào Nam năm 1954, cựu sĩ quan VNCH, những năm cuối đời định cư tại Minnesota, Hoa Kỳ. 

Khoảng năm 1957, Thanh Tâm Tuyền chủ trương tạp chí Sáng Tạo cùng với Mai Thảo, Nguyên Sa, Vũ Khắc Khoan, Tô Thùy Yên, Doãn Quốc Sỹ, Quách Thoại, Lý Hoàng Phong, Lữ Hồ, Trần Thanh Hiệp, Thanh Nam... và các họa sĩ Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Tạ Tỵ, Duy Thanh. 

Năm 1960, làm Sáng tạo bộ mới, có thêm Cung Trầm Tưởng, Thạch Chương, Dương Nghiễm Mậu... 

Năm 1962, Thanh Tâm Tuyền nhập ngũ, học ở Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, rồi về dạy Đại Học Chính Trị Đà Lạt và phụ trách Nguyệt San Quốc Phòng. 

Các tác phẩm đã xuất bản :

Tôi Không Còn Cô Độc (thơ,1955) 

Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (thơ,1964) 

Khuôn Mặt (truyện ,1964) 

Bếp Lửa (truyện, 1966)

Dọc Đường ( truyện, 1966) 

Ba Chị Em (truyện, 1967) 

Cát Lầy (truyện,1967) 

Mù Khơi (truyện, 1970) 

Tiếng Động (truyện,1970) 

Tạp Ghi (1970) -- tập này gồm nhiều bài trên báo gom lại, lúc đầu ký bút hiệu Ba Tê

Thơ Ở Đâu Xa (thơ, Hoa Kỳ). 

Theo lời nhà văn Phan Nhật Nam kể, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền ở tù CS sau 1975 rất là lâu, thuộc nhóm tù 776, đoàn Hoàng Liên Sơn, đưa ra Bắc. 

Sau khi ở tù ra, Thanh Tâm Tuyền đi Bình Giã, Phước Tuy để làm ruộng. Có lúc viết văn gửi ra, ký tên Trần Kha. 

Trả lời phỏng vấn của VB, nhà văn Phan Nhật Nam gọi Thanh Tâm Tuyền “có bút pháp độc lập, mạnh mẽ ở cả hai thể loại thơ và truyện, cũng là người đầu tiên khai sáng Thơ Tự Do tại Miền Nam VN.” 

Nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc, trong bài viết từ năm 1986 có nhan đề “Thanh Tâm Tuyền, Người Thi Sĩ Ấy” và đăng trên Talawas.org ngày 12-9-2005 đã nhận định:

 “Như con sư tử và như đứa trẻ thơ (đúng, Thanh Tâm Tuyền cũng có đôi khi như thế) của Nietzsche, Thanh Tâm Tuyền đi vào đời sống với tất cả những say đắm, yêu thương, thơ dại và phẫn nộ chất chứa trong hồn ông. 

...Hãy chỉ nhớ là, bây giờ, Thanh Tâm Tuyền vẫn đang ở tại quê nhà, vẫn còn canh giữ cho ta những giấc mộng cũ, và những bài thơ của ông, lang thang ở những xó góc tối tăm nào đó của đời sống, của trí óc ta, lâu lâu vẫn còn khua gõ những bước chân âm thầm trở về. Và ta lại nhìn ra những bóng mưa của thời gian xưa cũ, những dòng sông vẫn chảy lặng lẽ, mưa vẫn rơi, mưa rơi nhỏ nhẹ, mưa rơi ngoài châu thành. Trái tim ta ướt đẫm nước mắt...”
 
Thanh Tâm Tuyền ra đi là một mất mát lớn cho văn học Việt Nam. Không chỉ là một nhà thơ, một nhà văn phi thường, ông còn là một nhân cách lớn lao tuy lúc nào cũng ẩn dật. 

Việt Báo thành kính chia buồn cùng gia đình nhà thơ, và cầu nguyện nhà thơ sớm về cõi vĩnh phúc.