Vang Vang
Trời Vào Xuân
Từ trái, các ca sĩ Quỳnh Giao,
Mai
Hương, Thái Thanh.
WESTMINSTER
(VB) -- Hơn 120 người đã dự buổi Tưởng Niệm Thanh Tâm Tuyền đêm Thứ Năm
30-3-2006 tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Việt Báo.
Trong buổi lễ thân tình và cảm động, các nghệ sĩ và thân hữu
vùng Nam California đã cùng nghe lại một số bài thơ của thi sĩ Thanh
Tâm Tuyền,
một số ca khúc phổ thơ ông bởi Cung Tiến và Phạm Đình Chương, và lời kể
về các
kỷ niệm với nhà thơ quá cố từ các thân hữu.
Trong vai trò người điều hợp, nhà thơ Đỗ Quý Toàn, tức nhà
bình luận Ngô Nhân Dụng, đã hướng dẫn một cách linh động, không theo
chương
trình nào có sẵn, nhưng đã mời được nhiều nghệ sĩ lên kể về thời quá
khứ nhà
thơ Thanh Tâm Tuyền và các kỷ niệm với các ca khúc, bài thơ của ông --
trong
đó, ông Toàn kể về nguyên do vì sao nhà thơ chọn bút hiệu “Thanh Tâm
Tuyền,” và
nhắc rằng chuyện kể này bí mật “giữa trong phòng này thôi.”
Trong những người tham dự có các nhà báo, nhà thơ, ca sĩ,
nghệ sĩ và thân hữu như Đỗ Quý Toàn, Huỳnh Hữu Ủy, Đỗ Việt Anh, Trịnh
Cung,
Kiều Chinh, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Lê Bi, Nguyễn Hương, Phan Quốc Sơn,
Nguyễn Chí
Kham, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Xuân Nghĩa, Thái Thanh, Mai Hương, Quỳnh
Giao, Lệ
Thu, Phạm Phú Minh, Đông Duy, Nguyễn Ngọc Chấn...
Kiều Chinh kể về lời nhà văn Mai Thảo khi nói là chỉ yêu thơ
Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên.
Thaí Thanh đã hát “Đêm Màu Hồng,” ca khúc do Phạm Đình
Chương phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Bài này là bài mở đầu và cũng là bài
kết thúc
dùng cho vũ trường Đêm Màu Hồng ở Sài Gòn hơn 30 năm trứơc. Ca sĩ Thái
Thanh kể
rằng thường thì sinh nhật Thái Thanh làm ở Đêm Màu Hồng, và nhà thơ
Thanh Tâm
Tuyền thường tới dự, gọi nữ ca sĩ ra mà nói, “Bạn tôi ơi, chúc sinh
nhật vui vẻ
nhé, nhớ hát nhiều nhiều cho chúng tôi nghe nhé...”
Nhà văn Thảo Trường đang nằm bệnh, không tới được, đã gửi
một bài viết để nhờ Trần Dạ Từ đọc cho đêm Thanh Tâm Tuyền, trong đó
nói rằng
CSVN chỉ có thể giam được đại úy Dzư Văn Tâm, nhưng không thể nào giam
nổi nhà
thơ Thanh Tâm Tuyền.
Nhà báo Đông Duy lên kể chuyện từ thời xứ Bắc, khi quen với
Chất, em của Thanh Tâm Tuyền, và rồi vào Nam cũng gặp lại.
Ca sĩ Lệ Thu được mời hát bài Dạ Tâm Khúc, một bản nhạc được
Phạm Đình Chương phổ từ thơ Thanh Tâm Tuyền. Chị kể thời còn ở Sài Gòn,
cứ nhầm
“đưa em vào quán rượu” lại hát thành “đưa em vào quán trọ” và một lần
được nhà
thơ ghé tai vừa chỉnh vừa đùa... Đó cũng là những dòng thơ và dòng nhạc
bất tử:
Đi đi anh đưa em vào quán rượu
Hay nửa đêm Hà Nội
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới ...
Tiếp theo, ca sĩ Quỳnh Giao hát bài Lệ Đá Xanh, do Cung Tiến
phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Ca sĩ nhắc một kỷ niệm khi hát bài này năm 17
tuổi, đã
nói với Thanh Tâm Tuyền, “Thưa chú, về già chắc chú đau lòng mà chết vì
bài này
toàn là khóc không thôi...”
Rồi tới ca sĩ Mai Hương kể về từng làm học trò Thầy Tâm, khi
học năm Đệ Tứ (lớp 9 bây giờ) ở Trung Học Nguyễn Bá Tòng. Sau đó, 3 ca
sĩ Thái
Thanh, Mai Hương, Quỳnh Giao hợp ca bản “Ngợi Ca Tình Yêu,” nhạc Phạm
Đình
Chương phổ thơ Thanh Tâm Tuyền.
Nhà báo Bùi Bảo Trúc và nhiều người khác cũng lên kể về nhà
thơ quá cố.
Đặc biệt, Đỗ Quý Toàn nói về trường hợp nhà văn Võ Kỳ Điền,
một học trò cũ của Thanh Tâm Tuyền thời trung học Nguyễn Trãi, Thủ Dầu
Một (sau
này là Bình Dương). Lá thư họ Võ kể những kỷ niệm cảm động, bùi ngùi.
Thanh Tâm Tuyền có một vị trí đặc biệt và độc đáo trong văn
học Việt Nam
-- một nhà thơ lớn, một nhà văn dị thường, một người đi đầu cho phong
trào Thơ
Tự Do. Nhưng trước hết, Thanh Tâm Tuyền đã dùng đời mình để nói lên
khát vọng
sống tự do, khát vọng sáng tác tự do... ông đã đau cái đau của người
sinh viên
Budapest khi xe tăng Liên Xô tràn vào, rồi ông đau nỗi đau của toàn dân
Việt bị
áp bức khi vác nứa trong trại tù CS, và rồi ông đã chứng tỏ được không
một gông
xiềng nào buộc được người thi sĩ. Luôn luôn.
Nơi trong mắt nhà thơ
vang vang trời vào xuân...