Trong hoàng hôn
rét mướt ảm đạm, ông đi về phía Hồ Gươm. Người chết đói nằm la
liệt, người sống thoi thóp. Đêm đó nét nhạc đầu tiên bài Tiến Quân
Ca xuất hiện...
Con
tem bưu chính 12 xu khổ 32x43mm in bài Quốc ca nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam phát hành lần đầu tiên vào tháng 9/1980 mang mã số 1194.
Đây cũng là lần đầu tiên bài hát Tiến Quân Ca của nhạc sĩ Văn Cao (được
chính thức chọn làm Quốc Ca từ tháng 1/1946) được in trên tem thư.
Khi
làm tờ tạp chí Cửa Việt số Tết Nhâm Thân 1992, chúng tôi hân
hạnh được nhạc sĩ Văn Cao tặng cho con tem này để in kèm theo một bài
viết về Tân nhạc Việt Nam. Nhân dịp đó, chúng tôi có hỏi ông về sự ra
đời của bài hát này, bài hát đã làm rạng danh cho tên tuổi của người
nhạc sĩ ngay từ khi bước vào con đường hoạt động Cách mạng.
Đấy
là vào mùa đông 1944, Văn Cao gặp đồng chí Vũ Quý ở sân ga Hàng Cỏ (nay
là ga Hà Nội). Vũ Quý là người từng quen biết Văn Cao và đã động viên
ông viết những bài ca yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc
ca... Trong một tiệm cơm gần đấy, Vũ Quý đề nghị Văn Cao thoát ly
hoạt động Cách mạng, và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc
cho đội quân Việt Minh. Văn Cao rất ngạc nhiên, vì ông nghĩ rằng mình
sẽ được giao một khẩu súng chứ không nghĩ là mình sẽ quay lại viết bài
hát. Nhưng đây là nhiệm vụ Cách mạng. Văn Cao nhận lời, và trong hoàng
hôn rét mướt ảm đạm ấy, ông đã đi về phía Hồ Gươm. Những người chết đói
nằm la liệt. Những người sống thoi thóp bới tìm trong rác rưởi những
thứ có thể ăn được. Văn Cao đau xé lòng, trở về căn gác xép ở phố
Nguyễn Thượng Hiền, và đêm hôm đó nét nhạc đầu tiên của bài Tiến Quân
Ca xuất hiện: Đoàn quân Việt Nam đi...
Bài
hát đang làm dở thì ông nghe tin mẹ và các em đã từ Hải Phòng về quê
Nam Định bị đói, và đứa cháu gái 3 tuổi con người anh trai bị lạc dọc
đường. Bao nhiêu uất nghẹn của người dân nô lệ dưới hai tròng Pháp -
Nhật như trút vào bài hát đang viết dở: Tiến
lên! Cùng thét lên!... Chí trai là đây nơi ước nguyền.
Văn
Cao nói rằng, tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ ca
khúc Thăng Long hành khúc ca trước đó: “Cùng tiến bước về
phương Thăng Long thành cao đứng” và bài Đống Đa: “Tiến quân
hành khúc ca, thét vang rừng núi xa”... Và ông đã rút lại những ca
từ trong bài hát đó thành Tiến Quân Ca.
Bài
hát viết xong, Văn Cao gặp lại đồng chí Vũ Quý và hát cho ông ấy nghe.
Vũ Quý rất hài lòng, giao cho Văn Cao tự tay viết bài hát lên đá in. Và
lần đầu tiên Tiến Quân Ca được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập
tháng 11/1944 bằng bản in đá do chính Văn Cao viết. Nguyễn Đình Thi khi
nghe Văn Cao hát bài hát này, đã xúc động thật sự, và đề nghị mỗi người
viết một bài hát nữa về mặt trận Việt Minh. Sau đó Nguyễn Đình Thi viết
được bài Diệt phát xít, Văn Cao viết thêm bài Chiến sĩ Việt
Nam, cả hai bài hát này đều phổ biến rộng rãi trong công chúng.
Ngày
17/8/1945, dù đang ốm nặng, Văn Cao vẫn cố gắng đến dự cuộc mít tinh
của công chức Hà Nội ở quảng trường Nhà Hát Lớn. Ông kể: “Khi ngọn
cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn Nhà Hát xuống, bài Tiến Quân Ca đã
nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra...”.
Đã có
lần, Nhà nước và Quốc hội mở cuộc vận động sáng tác một bài Quốc ca mới
để thay Tiến Quân Ca, nhưng hàng nghìn bài hát dự thi đã không bài nào
thay thế được bài hát lịch sử ấy. Tiến Quân Ca đã gắn bó với lịch sử
Cách mạng Việt Nam, đã gắn bó máu thịt với người dân Việt Nam, đã trở
thành tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam, bởi đấy là bài hát
“mang hồn nước”, mãi mãi vững bền cùng “nước non Việt Nam ta vững bền”.
Sau
khi bài Tiến Quân Ca được in trên con tem bưu chính Việt Nam trong bộ
tem Quốc kỳ, Quốc hiệu, Quốc ca 14 năm, nhạc sĩ Văn Cao cùng vợ vào
thành phố Hồ Chí Minh và được Xí nghiệp in tem bưu điện mời thăm. Tại
đây, một sự kiện bất ngờ đã xảy ra: Xí nghiệp đã trân trọng mời ông làm
người công nhân số 01 của xí nghiệp, trao cho ông chiếc thẻ mang số 01
và cấp cho ông bậc lương cao nhất của công nhân cho đến trọn đời. Thật
là một vinh dự hiếm có đối với một người nhạc sĩ tài ba trọn đời hiến
dâng cho Cách mạng. Một năm sau, Văn Cao qua đời vì căn bệnh hiểm
nghèo, hưởng thọ 73 tuổi (15/11/1923-10/7/1995), ban lãnh đạo Xí nghiệp
đã ra tận Hà Nội viếng ông và góp tiền lo tang lễ như lo cho một công
nhân đăc biệt của đơn vị mình. Một nghĩa cử thật là cao đẹp! Cho đến
hôm nay, bà quả phụ Văn Cao Nghiêm Thuý Băng vẫn giữ gìn cẩn thận chiếc
thẻ công nhân số 01 của chồng, và tự coi mình là người dâu của Xí
nghiệp in tem bưu điện.
Nhân
10 năm ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao, tôi rất cảm ơn các bác đồng nghiệp
ở tạp chí TEM đã gợi ý cho tôi viết bài này, cũng là để tưởng nhớ một
con người tầm cỡ, một người anh lớn của chúng tôi đã gởi gắm nhiều hy
vọng vào thế hệ mai sau - nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ Văn Cao.
-
Nguyễn
Trọng Tạo
-
Trích Vietnam.net
|