nqt 
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

TƯỞNG NIỆM






Nhị


"Đó là một cuộc sinh mới. Tôi tự làm mới chính tôi. Tôi được mọi chuyện, thêm một lần nữa."

Romain Gary viết, trong di cảo, Cuộc sống và cái chết của Émile Ajar . Ông tự huỷ mình, ngày 2 tháng Chạp, năm 1980. Chỉ vài tháng sau khi ông mất, Cuộc Sống và cái Chết xuất hiện, gây một cú sốc tại thủ đô nước Pháp; trong đó, tác giả thú nhận, ông là tác giả của bốn cuốn tiểu thuyết được nhiều người biết dưới bút hiệu Émile Ajar. Cuốn tiểu thuyết "Ajar" thứ nhất, Đại Ma Đầu, Gros Câlin, là một best-seller 1974. Cuốn thứ nhì Cuộc Đời Trước Ta, La vie devant soi, trúng Goncourt 1975, nhưng Romain Gary đã được giải này rồi, vào năm 1956, với cuốn Cội Rễ Nhà Trời, Les Racines du Ciel. Theo điều lệ, mỗi nhà văn chỉ được một lần, cho nên ông phải từ chối.

Gary gốc Do-thái, sinh tại Vilna, hay Wilno, thủ phủ Lithuania, (cùng quê hương với Czeslaw Milosz). Theo mẹ chạy qua Pháp năm 1928, lúc mười bốn tuổi, khi đất nước bị Bôn-sê-vích tấn công, chiến tranh với Ba-lan, hận thù Do-thái, và họa độc tài. (Cùng với sự sống sót của một cậu bé, là một nghệ thuật: kể chuyện). Gary học trung học tại Nice, và luật tại Paris. Tháng Sáu 1940 gia nhập Không Lực Hoàng Gia Anh, và Nước Pháp Tự Do. Đại uý phi đoàn Lorraine, tham dự chiến trận Anh, Phi, Abyssinie, Libye, Normandie từ 1940 tới 1944. Huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh và Người Bạn Giải Phóng. Gia nhập ngành ngoại giao, cố vấn tòa đại sứ ở Sofia, Berne... Phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc từ 1952 đến 1956. Tham vụ ngoại giao ở Bolivie, lãnh sự trưởng tại Los Angeles. Kết hôn và sống với nghệ sĩ Jean Seberg, từ 1962 tới 1970. Bà vợ tự tử, vì bị FBI khủng bố bằng cách loan tin thất thiệt, do bà giúp đỡ nhóm Báo Đen. Cuốn Bài Học Âu-châu, Éducation Européenne, viết trong thời gian chiến tranh, được dịch ra 27 thứ tiếng, Giải thưởng của những Phê bình gia, Prix des Critiques năm 1945. (Đoạn những núi rừng Âu-châu kể chuyện, làm độc giả người Việt liên tưởng tới những nốt nhạc bi tráng của Lê Thương, trong Hòn Vọng Phu). Nếu Cội Rễ Nhà Trời là một cuộc chiến cô đơn, tuyệt vọng của một con người giữa rừng già Phi châu, nhằm bảo vệ loài voi, Cuộc Sống Trước Ta, La Vie Devant Soi, câu chuyện tình của một cậu bé Ả-rập, dành cho một bà già Do-thái. Cậu bé Momo phải chống lại sáu tầng thang lầu Madame Rosa không muốn trèo lên nữa, chống lại cuộc đời, bởi vì "điều đó không thể tha thứ được"; bởi vì "không cần thiết có lý do để mà sợ hãi". Cậu giấu bà già vào cái lỗ Do-thái (trou juif), như vậy bà sẽ không chết tại nhà thương; làm bạn với bà cho tới cái chết, và có thể vượt quá cả giới hạn đó.

Chiến lược in ấn những cuốn sách dưới bút hiệu Ajar cũng rất ly kỳ: bản thảo được gửi tới Paris từ Rio de Janeiro, và một "thế thân" của Ajar, vốn là một người bà con của Gary, đã tự cho phép mình gặp gỡ phóng viên nhà báo. Giải thích chuyện này, trong di cảo, ông cho biết, đã quá chán là một Gary nổi tiếng, ông muốn là một người nào khác. Ở tuổi 59, ông đã viết 33 cuốn sách, với một mớ giải thưởng, và là một trong những tác giả thành công nhất, được ái mộ nhất trong số những nhà văn Pháp. "Tôi luôn luôn là một người nào khác." Ông nói. Và nói thêm: "Tôi muốn là khán giả nhìn ngắm cuộc đời thứ hai của chính mình." Dẫn lời nhà văn Ba-lan, Witold Gombrowicz: Rồi cũng có ngày, cái ngày mà nhà văn trở thành tù nhân, bởi cái mõm mà người ta gán cho, la gueule qu'on lui a fait, nói rõ hơn, bộ mặt mà những nhà phê bình đã cho người viết, một bề ngoài chẳng liên quan đến tác phẩm, hay chính người đó. Đối với Gary, còn một nguyên nhân, làm ông quá chán căn cước của mình, luôn cảm thấy là một người khác: ông là một nhà văn lưu vong, không chỉ với nơi chốn ra đời, với ngôn ngữ mẹ đẻ.

Vào năm 1984, Hàn Lâm Viện Văn Học Nghệ Thuật Hoa-kỳ, American Academy và Institute of Art and Letters, đã trao giải thưởng cao quí nhất của họ về thể loại giả tưởng, cho một nhà văn mới, "trẻ", người Mỹ gốc Mễ, có tên là Danny Santiago, với cuốn đầu tay Nổi Tiếng Khắp Tỉnh, Famous All Over Town. Liền đó, người ta khám phá ra nhà văn trẻ này chẳng liên quan gì tới Mỹ-Mễ: Danny Santiago hóa ra là nhà văn già 73 tuổi, Daniel James, tác giả vài cuốn sách, được biết nhiều như là một nhà viết kịch, và truyện phim. Điều làm mọi người bực mình nhất: Ông có tên trong danh sách đen của Hollywood vào thập niên 1950: một cựu đảng viên CS. Đây là thời điểm chủ thuyết McCarthy đang thịnh hành, với những trò khủng bố, lên án, lên danh sách đen... nhằm quét sạch "mầm mống" CS tại thiên đường châu Mỹ. Tác giả cho biết, cuốn sách là kinh nghiệm khi ông là một thiện nguyện viên làm công tác xã hội tại một khu vực Mỹ-Mễ ở Los Angeles, vào những năm 1950 và 1960. Và ông chọn bút hiệu đó, vì đã mất tin tưởng vào khả năng viết lách của chính mình. Cũng có thể, khi chọn một cái tên gốc da mầu, Santiago, thay vì James, gốc da trắng, trong câu chuyện được kể bởi một đứa bé 14 tuổi Mỹ-Mễ, ông cảm thấy gần gụi với Santiago, hơn là James.
Joyce Carol Oates, trong bài viết Những Cái Tôi Giả Danh, Pseudonymous Selves, cho rằng, đến một tuổi nào đó, bản năng đòi vô danh của chúng ta mạnh hơn là đòi căn cước thực, hay nói rõ hơn, bản năng đòi tẩy xóa cái tôi đầu, nhờ vậy, lòi ra một cái tôi khác. Sau khi tạo nên một căn cước của mình dưới con mắt thế nhân, một cái mặt nạ đóng kịch, persona, không có cách chi có thể huỷ diệt nổi, con người lại mong ước chạy trốn nó! Đây là sự ngang bướng, bản năng đòi tự do, cái mới, của tâm lý con người.

Người viết đọc (lại) bài viết của Oates, trong cuốn Nhà Văn (Đàn Bà), (Woman) Writer, tình cờ cùng thời gian Mai Thảo mất. Trong bài tưởng niệm ông, của Thanh Tâm Tuyền, trên tạp chí Thơ, người ta được biết, ông còn có bút hiệu Nhị, cho một số bài thơ, và trong nhiều năm, ông "viết văn, bằng lòng làm nhà văn." Bởi vì: "như mọi thi sĩ của một thời điêu đứng," ông "đã trốn thơ, cho đến lúc không thể trốn được nữa".
"Đáng lẽ Mai Thảo phải là thi sĩ, một thi sĩ toàn phần như chữ ông thường dùng... Ngay cái bút hiệu của ông hiện nay, cũng nẩy sinh từ một mối tình đối với thơ." (Nguyễn Hưng Quốc viết về Mai Thảo, Văn số đặc biệt).
Bút hiệu Nhị phải chăng, là từ núi Nùng, sông Nhĩ, Nhị Hà? Một bài viết đầy chất thơ của Mai Thảo: Tiếng còi tầu trên sông Hồng. Và đây là "thổ ngơi" căn nhà vùng nước mặn, (còn là quê hương của Tú Xương), như trong bài viết của Nguyễn Đăng Khánh, (Văn, số đặc biệt): Trước mặt và bên hông nhà là con sông đào, thuyền bè qua lại nhộn nhịp vào những ngày họp chợ.
Ông chạy trốn thơ, như mọi thi sĩ của một thời điêu đứng? (Pourquoi des poètes, en temps de détresse? Holderlin). Ông chạy trốn thơ, bỏ (bút hiệu) Nhị, bằng lòng làm nhà văn, phải chăng còn vì một câu văn bất hủ, mở đầu nghiệp văn: Phượng nhìn xuống vực thẳm: Hà-nội ở dưới ấy?
(Nhiều năm, nhiều lần, trong tiềm thức của riêng tôi, mỗi lần dư âm thành phố xưa vọng lên, câu văn lại dội về, như thế này: Phượng nhìn xuống Hà-nội: địa ngục ở dưới ấy. Chỉ đến khi đọc bài viết của Thanh Tâm Tuyền, tôi mới hiểu mình nhớ lộn, hoặc đọc lầm, ngay từ đầu, như thể đâu đó ở trong tôi, đã có sẵn một câu văn, và (câu văn) Mai Thảo là một dịp để cho nó bật ra: phải chăng trí nhớ của con người vẫn dành riêng cho nó một quyền năng, tự do sáng tạo, hoặc tiên tri?)
Ông chạy trốn thơ, hay chạy trốn một bút hiệu: Nhị? Khi từ bỏ một bút hiệu, ông cảm nhận (chấp nhận?), phần số lưu vong, chết nơi quê người?
Ra hải ngoại, ông làm thơ trở lại, như một hòa giải với một nơi chốn, một miền đất? Như một toan tính sau cùng: cởi bỏ mặt nạ văn chương làm dáng, văn chương thù tạc, giao duyên?
Ông là một thi sĩ, tuy tự trào, bỡn cợt, nhưng "cũng đành" (résigné), với thời gian, số mệnh, lẽ tử sinh, nhất là với bệnh tật, và cùng với nó, nỗi cô đơn. Thơ ngày một lạnh thêm. Mai Thảo, trước khi để cho người ta nhìn thấy ông, như ông là (một nhà thơ), nghĩa là một vị khách nhẫn nhục, và hóm hỉnh, của Địa Ngục; đã chịu đựng rủi ro, làm một nhà văn thời thượng, vô sắc, một cách thật đặc biệt. Đọc (ông, thấy) nhàm chán, hàm hồ, những chi tiết vô hại (vô tác dụng) làm phiền chúng ta. Sau vài trang, người ta nhận ra, sự hời hợt, cẩu thả, là cố ý, cốt cho đầy cuốn sách. (Mô phỏng Borges, khi ông viết về Henry James: "James, avant de laisser voir ce qu'il est, c'est à dire un hôte résigné et ironique de l'Enfer, court le risque de passer pour un romancier mondain...", Jean- Yves Pouilloux trích dẫn, trong Borges, Fictions.)
Ai cũng biết, điều này: Trước 1975, hầu hết truyện của Mai Thảo, là tiểu thuyết đăng báo.


Go on, run away, but you'd be far safer if you stayed at home.
(John Fowles trích dẫn Martial, nguyên văn: I, fugi, sed poteras tutior esse domi.)

Trong Tựa đề cho những bài thơ, Foreword to the Poems, John Fowles cho rằng cơn khủng hoảng của tiểu thuyết hiện đại, là do bản chất của nó, vốn bà con với sự dối trá. Đây là một trò chơi, một thủ thuật; nhà văn chơi trò hú tim với người đọc. Chấp nhận bịa đặt, chấp nhận những con người chẳng hề hiện hữu, những sự kiện chẳng hề xẩy ra, những tiểu thuyết gia muốn, hoặc (một chuyện) có vẻ thực, hoặc (sau cùng) sáng tỏ. Thi ca, là con đường ngược lại, hình thức bề ngoài của nó có thể chỉ là trò thủ thuật, rất ư không thực, nhưng nội dung lại cho chúng ta biết nhiều, về người viết, hơn là đối với nghệ thuật giả tưởng (tiểu thuyết). Một bài thơ đang nói: bạn là ai, bạn đang cảm nhận điều gì; tiểu thuyết đang nói: những nhân vật bịa đặt có thể là những ai, họ có thể cảm nhận điều gì. Sự khác biệt, nói rõ hơn, là như thế này: thật khó mà đưa cái tôi thực vào trong tiểu thuyết, thật khó mà lấy nó ra khỏi một bài thơ. Go on, run away... Cho dù chạy đi đâu, dù cựa quậy cỡ nào, ở nhà vẫn an toàn hơn.

Khi trở về với thơ, vào cuối đời, Mai Thảo đã ở nhà. Cái lạnh, trong thơ ông, là cái ấm, của quê hương. Của Nhị.

[Nhị còn có nghĩa là Hai. Anh Cả lo việc viết văn, nhưng Anh Hai mới là cõi mơ tưởng. Về già, Mai Thảo làm thơ, vì lúc này đâu còn Anh Cả nữa! Những miếu đền, không phải chuyện tôn xưng cá nhân, mà là hương khói cho người đã chết, bất cứ một ai.]
Theo nghĩa ấm lạnh đó, (sống với hơi ấm của nỗi chết ở trong lòng bàn tay), người Việt nói: sống gửi, thác về.
[Một bạn văn giải thích riêng với tác giả: nóng lạnh (âm dương) ở đây chỉ là tranh chấp giữa hai thần Eros - hay Dục, Libido - và Thần Chết (Thanatos).]
Hãy tưởng tượng ra thế chân vạc của "văn chương": Một đỉnh, một câu thơ: Chỉ thấy mưa sa... (Trần Dần). Rồi một đỉnh, một câu văn: Phượng nhìn xuống... (Mai Thảo). Và một đáy: một mầu cờ, hay một vực thẳm.
[Vẫn người bạn văn kể trên, cho rằng cái tam giác văn chương này quá giản lược, còn bị méo mó bởi tư tưởng chính trị. Anh đề nghị thay đỉnh thứ ba, bằng Đinh Hùng, hoặc Vũ Hoàng Chương, vẫn những đứa con của Hà-nội. Theo anh, chỉ có những Mê Hồn Ca, Đường Vào Tình Sử... của Đinh Hùng hoặc Mây, Say... của Vũ Hoàng Chương mới hóa giải nổi ám ảnh mưa sa, mầu cờ, vực thẳm... Lạ một điều, Vũ Hoàng Chương, đỉnh "viễn mơ" Mây, Say, Vân Muội, Rừng Phong... kia, là muốn vượt lên cuộc tranh chấp, cuối cùng lại trở thành kẻ tuẫn nạn, cho một cõi văn chương Miền Nam.]
Tưởng tượng, hãy tưởng tượng: Giao Thanh [Xin coi bài viết về MaiThảo, của Thanh Tâm Tuyền, trên tạp chí Thơ, số Mùa Xuân, 1998] in được tập truyện của mình, trước hoặc sau trại tù.
Từ vực thẳm, địa ngục, ở dưới ấy, là hệ quả: thời gian Mai Thảo hạnh phúc nhất, bảnh nhất, là ba năm kể từ ngày mất Sài-gòn. Ông là nhà văn "phản động" độc nhất không trình diện học tập cải tạo, "nhởn nhơ" trước mũi súng, trước cuộc săn người, lâu lâu vẫn có dịp họp bạn, cho tới ngày vượt thoát.
  NQT