*





Đọc sách:TRẦN LỆ XUÂN

Giấc Mộng Chính Trường       


Trần Lệ Xuân Giấc Mộng Chính Trường là tựa đề cuốn sách dầy 290 trang của tác giả Lý Nhân bút hiệu của nhà báo Phan Thứ Lang do Nhà xuất bản Công An Nhân Dân Hà Nội phát hành vào tháng 6 năm 1999.  Cuốn sách viết về Bà Ngô Đình Nhu nhủ danh Trần Lệ Xuân, người đàn bà có vóc dáng và sức quyến rũ của một tài tử điện ảnh hơn là một người vợ năng động của Ông Ngô Đình Nhu, cố vấn chính trị của TT Ngô Đình Diệm.  Bà Nhu là người  có nhiều liên hệ với những biến chuyển và thăng trầm của Đệ Nhất Cộng Hoà VN. Bà Nhu là nạn nhân của những đàm tiếu vô luân. Bà Nhu là ngục sĩ của bọn thời cơ đón gió và Bà Nhu cũng là cái bia đỡ đạn của những người bất mãn hoặc được mua chuộc để chống đối.  Cuối cùng thì Bà Nhu là người đã phải gánh chịu "một bể oan cừu"  đắng cay tủi hờn bên cạnh những hào quang quyền lực phù du ngắn ngủi.

 

          "Nói về cách ăn mặc thì Lệ Xuân cũng ăn mặc bình thường như những người đàn bà VN khác thôi.  Nhưng sở dĩ Lệ Xuân bị người ta phê phán vì Lệ Xuân là vợ Nhu, lại là em dâu của Tổng Thống Diệm." (Tr. 122)  Người khen thì ca ngợi Bà Cố xinh đẹp duyên dáng, thông minh tài giỏi.  Kẻ chê thì chửi rủa con  mụ lăng loàn dâm đãng.  Lịch sử vẫn chưa có những tiếng nói trung thực cho một người đàn bà sa cơ thất thế muốn thực sự đứng ra ngoài lề của những khổ nhục trần ai nhưng vẫn không đạt được sở nguyện.  Gần bốn thập niên sau ngày Đệ Nhất Cộng Hoà VN xụp đổ những ngọn giáo căm thù, những mũi tên đố kỵ và ganh ghét vẫn còn đang tới tấp phóng vào trái tim tan nát của người đàn bà đã bị những đứa tay sai của bọn "phiêu lưu chánh trị" dầy xéo thảm thương.  

 

          Trần Lệ Xuân sinh năm 1926 là con gái thứ hai của luật sư Trần Văn Chương và bà Thân Thị Nam Trân. Năm 17 tuổi Lệ Xuân đậu tú tài phần thứ nhất của Pháp và được gia đình gả cho Ông Ngô Đình Nhu hơn Lệ Xuân đến 16 tuổi.  Ông Chương là bạn vong niên của Ông Nhu và "phục Nhu giỏi vì trước đó chưa có người Việt Nam nào được nhận vào học ở trường Chartes, một trường danh tiếng nhất của Pháp và cả thế giới." (Tr. 11)  Lệ Xuân kính phục Ông Nhu là một học giả uyên bác và cũng là một chính trị gia lão luyện.  Từ lòng kính trọng chuyển sang tình yêu hầu như không có ranh giới và cô học sinh trung học nhỏ bé xinh tươi Lệ Xuân dã trở thành Bà Ngô Đình Nhu sau này được xưng tụng là Bà Cố và báo chí quốc tế gọi là Madame Nhu.

 

          Sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình vọng tộc nói tiếng Pháp giỏi hơn tiếng Việt với lối sống  phóng khoáng của một phụ nữ Âu Tây từ cách suy diễn tư tưởng đến những hành xử thông thường nhưng Bà Nhu đã có đủ thông minh và sức chịu đựng để hoàn toàn lột xác làm dâu một gia đình quan lại với truyền thống nho phong đạo đức .  Bà Nhu đã mau lẹ thích nghi với nếp sống mới mặc dầu chỉ mới 17 tuổi nhưng đã biết chu toàn bổn phận của người vợ "lo toan tất cả cho chồng, từ bao thuốc lá Job xanh mỗi ngày cho đến tiền chợ." (Tr. 24).  Đối với đại gia đình nhà chồng bà Nhu cũng đã tỏ ra mẫu mực và đảm đang "Cái Tết năm 60 có lẽ là cái Tết cậu Út không vất vả, không phải la hét gia nhân lo cơm nước như những năm trước vì đã có Lệ Xuân quán xuyến tất cả." (Tr. 119)

 

          Mặc dù chưa học hết trung học nhưng lại được ở gần một "bồ chữ" nên Bà Nhu đã hấp thụ và học hỏi được rất nhiều từ ông chồng uyên thâm để sửa soạn bước ra sân khấu chính trị.  Bà Nhu được nói đến như là người có những quyết định thông minh hợp thời hợp cảnh, cứng rắn và dứt khoát trong vụ Bình Xuyên năm 1954 và nhất là vụ đảo chánh 11-11-60, ai cũng thẩm định rằng nếu Bà Nhu có mặt ở dinh Gia Long vào ngày 1-11-63 thì sự việc đã không diễn ra như vậy.  Bà Nhu chính là một viên gạch lót hoàn hảo để điền khuyết vào những trống vắng và đòi hỏi lễ nghi ngoại giao mà vị Tổng Thống độc thân không có. Khi tiếp thu dinh Độc Lập "Diệm đã phải dùng một tấm gỗ làm phản để ngủ" (Tr. 67), sau này một tay bà Nhu dã trang hoàng lại dinh để tiếp khách và làm việc.  "Vốn là người có học, lại có khiếu thẩm mỹ nên bà ta đã đôn đốc gia nhân trang trí toàn bộ dinh Độc Lập " (Tr. 67)  Bà Nhu cũng thể hiện trọn vẹn vai trò của một "tiếp viên quốc gia" khi đươc chính thức ủy thác tiếp đón phu nhân các vị lãnh đạo ngoại quốc đến thăm Sàigòn.  Thông minh,duyên dáng và có sức hấp dẫn lôi cuốn người đối diện Bà Nhu đã thu phục được cảm tình và sự ủng hộ của các vị lãnh đạo các quốc gia bạn mang về những thắng lợi ngoại giao rất cần thiết cho VNCH.  

 

          Bà Nhu làm chính trị nhưng lại bị công kích nặng nề về những phát ngôn rất  vô chính trị.  Đó là một nhược điểm to lớn của Bà Nhu và những người thù hằn ganh ghét bám vào đó như một loại võ khí duy nhất để tấn công.  Bà Nhu tin tưởng ở sứ mạng, thành tâm thiện ý của mình và đơn giản nghĩ là những người khác tất cả đều "đồng tình" như vậy.  Khi đưa dự luật gia đình và lành mạnh hoá xã hội ra quốc hội Bà Nhu tin chắc sẽ được tất cả các đồng viện nhất tề ủng hộ vì dự luật đó chỉ mang phúc lợi đến cho mọi người và đồng thời xây dựng một xã hội đạo đức lành mạnh văn minh tiến bộ.  Nhưng Bà Nhu đã bàng hoàng đến giận dữ khi phải trực diện với một số dân biểu chống đối mà những người này tất cả đều có một đời sống cá nhân bê bối không vợ nọ con kia thì cũng nghiện hút.  Từ một phản ứng tự nhiên đối với những gian giảo ngoài tầm dự đoán Bà Nhu đã lập tức kết án tư cách của đám người nghiện hút vợ hai vợ ba này "thật hèn".  Phe chống đối làm dữ và văn phòng Bà Nhu đã phải ra một thông cáo để sửa hai chữ "thật hèn" thành "thất hẹn".  Thật là một giai thoại chữ nghĩa lý thú.  Công khai phê vào lý lịch cá nhân đám dân cử nghiện ngập vợ này con kia hai chữ "thật hèn" cũng chẳng có gì gọi là quá đáng.  Ở vào những trường hợp khác Bà Nhu cũng đã có những phản ứng mau lẹ thiếu chín chắn như vậy và đã trở thành một nguyên cớ cho những người thù hằn ganh ghét.

 

1- Những câu chuyện của bọn lưu manh gian giảo.

 

          Đối với một người đàn bà và đặc biệt người đàn bà Việt Nam thì chữ tiết hạnh bao giờ cũng vẫn là một đề tài để hoặc là tán tụng hoặc là chê bai mạt sát.  Bọn người chống đối Đệ Nhất Cộng Hoà VN cũng đã biết lợi dụng cái quy luật lễ nghĩa đạo đức này và chúng cũng đã ngụy tạo ra được những câu chuyện vô cùng tục tĩu để bôi xấu Bà Nhu.  Mặc dù ai cũng biết đó chỉ là những câu chửi rủa của bọn côn đồ đầu đường xó chợ nhưng thực tế đã tạo được những xầm xì to nhỏ.  Sau ngày "cách mạng thành công" bọn khố xanh khố đỏ đã mang ra phòng thông tin đô thành trưng bầy một cái ghế của thợ uốn tóc và chúng  gọi là cái ghế khoái lạc của Bà Nhu.  Đám đông hiếu kỳ bị lôi cuốn bởi những trò bịp bợm lại không đủ bình tĩnh và sáng suốt để nhìn ra cái chân tướng của bọn gian manh và đám đông vụng về ham vui đó đã ít nhất có những giây phút đồng loã với bọn gian manh bịp bợm.   

 

          Bọn lưu manh đầu đường xó chợ đã được thuê mướn phao tin TT Diệm có những liên hệ tình dục loạn luân với bà Nhu.  Đầu óc  rặt những phân và nước tiểu trong những thân xác bệnh hoạn của các "sử gia chân chính" đã ngụy tạo ra những chuyện bẩn thỉu dơ dáy nhất mà chúng có thể nghĩ ra được chỉ để thoả mãn những thù hằn đê hèn vì không được làm bộ trưởng, vì không được đeo lon tướng...Tác giả Lý Nhân đã nói lên sự thật hiển nhiên và không có bất cứ một biện giải nào có thể đứng ra ngoài sự thật vĩnh cửu đó.  "Vào đầu năm 1958, khi chế độ Ngô Đình Diệm đang ở vào thời kỳ cực thịnh, một buổi tối, bà Nhu bận đồ ngủ, mặc áo choàng vào phòng ông Diệm để kiện cáo một vài chuyện lặt vặt, ông già Ẩn khép cửa đi ra...Bỗng ông Tổng Thống quát tháo ầm ĩ, bấm chuông gọi ông Ẩn và đại úy Bằng vào mắng vu vơ trước mặt bà Nhu.  Từ buổi đó, biết ý Diệm nên mỗi khi bà Nhu vào phòng Tổng Thống thì ông Ẩn hay  một sĩ quan tùy viên phải có mặt." (Tr.86)   Nhiều người vỗ ngực xướng danh "chính trị gia" to mồm khoác lác từng trải, sành sõi , lão luyện thêu dệt ra những huyền sử về những người mà trong thâm tâm họ rất mong có được cơ hội  hầu hạ phục dịch.  Không được vâng dạ sai bảo thì quay ra chống đối một cách hèn hạ ngu xuẩn "Có người còn tỏ ra biết nhiều chuyện Ngô cung bí sử đầy hấp dẫn mà hai nhân vật chính là anh chồng và cô em dâu.  Sự thực, theo chỗ chúng tôi  biết được, đã không diễn ra như vậy," (Tr. 112)

 

          Cũng có những tiếng đồn thổi Bà Nhu có những liên hệ tình cảm tội lỗi với  Trần Văn Đôn.  Tác giả Lý Nhân cũng phân giải một cách rành rẽ đó chỉ là một bịa đặt nhơ nhớp của bọn cầm thú hèn hạ.  "Lệ Xuân vì không ưa mấy ông tổng bộ trưởng, lại khinh mấy tay tướng lãnh xuất thân từ lính khố xanh khố đỏ thời Pháp thuộc nên bà ta không thèm đứng nói chuyện, mà kéo tay chồng ra một góc nói chuyện riêng" (Tr. 118) Và để rõ ràng hơn, tác giả viết "Lệ Xuân ở trong phòng nghe tiếng mấy viên tướng từ bỏ quốc tịch Pháp để đứng sau lưng Diệm, bà ta đã nói với chồng: Mấy tướng tá này phe nào mạnh theo phe đó, chúng nó chẳng trung thành với ai đâu, có ngày nó cũng thịt cả mình nếu nó có quyền, có tiền ai cho.  Câu nói trên ám chỉ Trần Văn Đôn và mấy tướng tá khác, vì vậy Đôn rất căm thù vợ chồng Nhu" (Tr. 59)  Trong quyển Việt Nam Nhân Chứng, Trần Văn Đôn đã minh thị xác nhận câu chuyện tình cảm bỉ ổi này không hề có.  Như vậy đó chỉ là sản phẩm bẩn thỉu ngụy tạo của bọn lưu manh ngu dốt tập tành học đòi làm chính trị và cũng biết đâu với bản tính gian giảo sẵn có chính "xừ lủy" là người đã ngụy tạo và thuê mướn bọn đầu đường xó chợ làm cái công việc đốn mạt này.

 

2- Đệ Nhất Cộng Hoà VN và Phật giáo

 

           Công ơn của TT Ngô Đình Diệm đối với Phât giáo VN đã được sử sách ghi nhận và chứng tích hãy còn đó, đầy rẫy trên khắp mọi nơi phía nam vĩ tuyến 17.  Chỉ trong vòng chín năm (1954-1963) đã có 1275 ngôi chùa mới được xây dựng và hàng ngàn ngôi chùa khác được trùng tu.  Hệ thống giáo dục trung tiểu học Bồ Đề được thành lập tại hầu hết các tỉnh thị.  Các hội đoàn Phật giáo được chính quyền khuyến khích và hỗ trợ hoàn chỉnh tổ chức và phát triển.  "Giữa Phật giáo và nhà Ngô cho tới lúc ấy (6/1963)  còn có sự giao hảo và có thể nói là ưu đãi nữa.  Lễ Phật Đản được tổ chức rất lớn, năm 1961 làm tại công trường Mê Linh bến Bạch Đằng, năm 1962 tại chùa Xá Lợi, tới tháng 3 năm 1963 khánh thành Phật đài tại Bãi Dâu Vũng Tầu, cờ Phật giáo treo la liệt từ ngoài đường vào chùa không ai nói gì, chính phủ còn trợ cấp thêm tài chánh để tổ chức cho trọng thể " (Tr. 170).

 

           Một lỗi lầm hành chánh của chính quyền về việc treo cờ tôn giáo không phải là lý do để "tranh đấu" nhưng bọn CIA và cộng sản đã quỷ quyệt lợi dụng lỗi lầm này để tiến hành những mưu mô côn đồ dã man nhất trong công tác triệt hạ Đệ Nhất Cộng Hoà VN.  "Hàng ngày hai đài VOA và BBC cứ loan tin và còn thổi phồng vụ đàn áp Phật giáo lên để dư luận thế giới theo dõi"  (Tr. 191).  Trước khi bọn phản loạn tấn công dinh Gia Long thì các cơ quan truyền thông quốc tế dưới sự hướng dẫn và điều động của CIA đã bắn những quả đạn ngàn cân vào thành trì của tiền đồn chống Cộng.  Đám con buôn quốc tế mà Bà Nhu gọi là những tên "phiêu lưu chánh trị" đã mang tiền ra mua chuộc bọn cộng sản và những đứa tay sai địa phương để thanh thoả lợi lộc cá nhân và phe nhóm.   Cờ Phật giáo đã được bọn sư hổ mang dùng như một phương tiện để tranh đấu nhưng ba năm sau cũng bọn người này đã hoàn toàn thất bại và bị nguyền rủa thậm tệ khi mang bàn thờ Đức Thích Ca ra ngoài đường để bên cạnh những cống rãnh rác rưởi, vì chúng đã không có được sự yêu cầu của CIA và bọn cộng sản lại chưa sẵn sàng.

 

          Chính quyền Đệ Nhất Cộng Hoá VN nếu không được xem như là đã ưu đãi Phật giáo thì chính quyền ấy cũng chưa hề có tì vết ngược đãi Phật giáo.   Vì khiếp sợ bộ áo cà sa khoác trên mình một tên cộng sản nên Nguyễn Khánh đã ra lệnh hành quyết Ông Ngô Đình Cẩn nhưng cánh cửa chùa Phổ Quang đã hoan hỉ mở ra để đón nhận thân xác phàm trần của Ông Cẩn dưới bóng từ bi nhà Phật.  Ông Cẩn là kẻ thù không đội trời chung với bọn cán bộ cộng sản mặc áo cà sa.  Ông Cẩn là nạn nhân của những tên "phiêu lưu chính trị" lợi dụng tôn giáo để trục lợi nhưng Ông Cẩn là ân nhân của Phật giáo Việt Nam.  Các vị chân tu và những phật tử thuần thành đã không quên ơn Ông Cẩn, một người đã có những giao hảo tốt đẹp và những hành động tích cực trong việc tổ chức và phát triển đạo Phật.  Thân xác Ông Cẩn đã bị bọn gian manh lật lọng hãm hại nhưng anh linh Ông Cẩn, một con chiên Công Giáo ngoan đạo, lại được bao bọc chở che bằng ánh đạo vàng của Phật Tổ.  

 

3- Bà Nhu kinh tài

 

          Có quá nhiều lơi đồn đại về những hoạt động thương mại bất chính của Bà Nhu, nhiều "sử gia" quả quyết Bà Nhu có 18 tỷ mỹ kim ở ngân hàng Thụy Sĩ, vài cái thương xá nhộn nhịp xầm uất ở trung tâm thủ đô Paris và một đồn điền mấy ngàn mẫu cà phê ở Ba Tây.  Trong nước thì cái gì cũng của Bà Nhu.  Cây xăng của Bà Nhu.  Xe tắc xi của Bà Nhu.  Hãng bột ngọt của Bà Nhu.  Đất của Bà Nhu...  Tác giả Lý Nhân đã có một cái nhìn chính xác về những lời đồn đãi vô lối này. "Chung quanh bà ta thì lại không thiếu những kẻ dựa hơi bà Cố để loè bịp mọi người, nào là lập công ty này, công ty nọ thậm chí cả công ty phân bón, vệ sinh cũng được khai là của bà Nhu" (Tr. 127)  Và để giải bầy một cách khách quan và trung thực hơn, tác giả đã dùng tài liệu của Ông Huỳnh Văn Lang cựu Tổng Giám đốc Ngân Khố "vì bất mãn với Nhu mà bỏ đi ngoại quốc" (Tr.272) như sau "Người ta cũng thường kháo nhau về những chuyện làm tiền của bà Nhu.  Tôi có thể quả quyết những lời đồn đại như thế đều hoàn toàn thất thiệt.  Có lúc người ta bảo nào ô tô buýt của bà, công ty đường của bà, Vinatexco cũng của bà nốt, ngoài ra, bà còn độc quyền than củi vé số...  Những doanh nghiệp mà mọi người ở trong chánh phủ đều biết rõ ràng là thuộc về ai.  Tôi chắc không thiếu những kẻ lưu manh muốn doanh nghiệp của mình được mọi dễ dàng đối với chính quyền hoặc được quần chúng quan tâm, thường tự phóng tin cho rằng cơ sở của họ là ông này bà kia hoặc là có sự hùn hạp của các nhân vật tai to mặt lớn.  Suốt chín, mười  năm tôi có trách nhiệm trong giới kinh tế, tiền tệ trong nước, tôi không bao giờ thấy có một cơ sở kinh tế nào của bà Nhu hoặc có các phần hùn của bà." (Tr. 273)

 

          Đến bây giờ thì mọi người đều đã biết Bà Nhu chẳng có gì và cũng không ai có thể trưng ra được một bằng chứng Bà Nhu có của chìm của nổi ở ngoại quốc.  Những năm đầu của kiếp lưu vong Bà Nhu và các con sống rất chật vật được gửi gấm ở nhờ gia đình một vị Bá Tước người Ý ở La Mã.  Sau này mua được một căn nhà nhỏ bé ở Paris cũng do tiền tặng dữ gián tiếp của một người hảo tâm giầu có.  Bây giờ các con đã thành đạt Bà Nhu hiện có một cuộc sống vật chất thoải mái như đại đa số các gia đình Việt Nam ở Pháp chứ cũng chẳng dư dả gì.

 

4- Luật Bà Nhu

 

           Đạo luật gia đình và lành mạnh hoá xã hội "thực sự do một số dân biểu như Nguyễn Phương Thiệp, Lại Tư và một số luật gia khác soạn thảo rồi Lệ Xuân góp ý sửa đổi thêm bớt vào" (Tr. 134) vẫn được gọi là "luật Bà Nhu."  Nói chung đạo luật này đề cao giá trị đạo đức gia đình, tôn trọng nhân phẩm và bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ.  Đạo luật này cũng dự trù những biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa các tệ đoan xã hội.  Đó là một đạo luật rất tiến bộ nhằm xoá bỏ những hủ tục , xây dựng nền tảng gia đình theo quan niệm đạo đức dân tộc và nhất là xác định vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội.    Những người kém văn hoá lại không có một ý niệm căn bản luật học kết tội Bà Nhu đưa ra đạo luật này để ngăn chận luật sư Nguyễn Hữu Châu có ý định ly dị người chị ruột của Bà Nhu là Trần Lệ Chi. Đó là một lối lập luận gian trá ngu xuẩn.  Luật sư Nguyễn Hữu Châu là một  luật gia thời danh, nếu muốn ly dị vợ Ông có đủ trăm phương ngàn kế thực hiện ý muốn.  Những người chống báng "luật Bà Nhu" là bọn người vợ nọ con kia, bọn chứa thổ đổ hồ và đám người có một cuộc sống vô vọng.  Những người ăn ở lương thiện đàng hoàng tử tế không ai ta thán "luật Bà Nhu" nhưng lại hết lòng ủng hộ.  Bà Nhu đã đứng cạnh những người phụ nữ chân yếu tay mềm tranh đấu cho một xã hội công bằng hạnh phúc và văn minh.  Người phụ nữ phải được kính trọng và có chỗ đứng xứng đáng trong gia đình cũng như ngoài xã hội.  Đời sống của nhân dân phải phù hợp với hiện trạng văn hoá, chính trị va kinh tế trong nước.  Quốc gia đang ở trong thời chiến không có lý gì một đám thiểu số nhởn nhơ hút sách nhẩy nhót trong lúc người chiến binh đang từng giây phút đối diện với tử thần và vợ con họ đang vất vả ngược xuôi kiếm miếng ăn hàng ngày.   Người chiến sĩ tiền phong Trần Lệ Xuân đã can đảm đứng lên giải phóng phụ  nữ ra cái vòng đầy đọa vì hủ tục, vì giai cấp  và người chiến sĩ này  có ước vọng biến cải xã hội VN trở nên văn minh lành mạnh để đổi mới một xã hội đã quá bầm dập vì những năm tháng sa đọa vì chính sách thực dân của ngoại bang và những phó sản còn rơi rớt lại. 

 

5- Một chuyện tình thăng hoa.

 

          Quyển sách cũng viết về một chuyện tình thánh thiện và đẹp như thiên đàng của cậu ấm Ngô Đình Diệm và tiểu thư Trang Đài con gái út Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài (Tr.89-94).  Chàng và nàng đã gặp nhau vài lần ở sân nhà thờ Phủ Cam, chỉ có lời thăm hỏi và chưa một lần nói tiếng yêu nhưng "Tình trong như đã mặt ngoài còn e."    Gia đình Cụ Nguyễn Hữu Bài rất vui lòng và tiểu thư Trang Đài cũng mộng mơ.  Khi được biết cậu ấm Diệm đã thề hứa với Chúa giữ cuộc sống độc thân để hy sinh trọn đời cho dân cho nước thì tiểu thư Trang Đài cũng từ giã tuổi hoa niên dâng mình cho Chúa sống cuộc đời tu trì trong dòng kín.   Người đời đã tốn bao nhiêu giấy mực để ca tụng những chuyện tình cao đẹp nhưng có chuyện tình nào cao hơn và đẹp hơn chuyện tình của cậu ấm Diệm và tiểu thư Trang Đài.

 

          Tác giả Lý Nhân có thể là một cán bộ cộng sản, một loại cán bộ chính quy hay một thứ ăn theo 30 tháng 4.  Ông cũng có thể là một trong những "ngụy" bị kẹt lại.  Nhưng dù ở bất cứ một vị thế nào Ông cũng đã giữ cho ngòi bút của mình luôn được rành mạch nghiêm túc.  Mặc dù quyển sách cũng có những chi tiết thiếu khách quan vì không được kiểm chứng một cách tường tận do thiếu phương tiện.  Độc giả có cảm tưởng như tác giả Lý Nhân đã đóng vai trò của một luật sư biện hộ cho Bà Nhu trước toà án lịch sử và Ông đã hoàn thành bổn phận của mình một cách đáng trân trọng.  Tổ chức công an trị của Hà Nội có một Ủy Ban Tư Tưởng đứng ngang hàng với Bộ Chính Trị và những người làm thơ viết văn cũng đã mặc nhiên ký một khế ước với nhà nước tuân thủ mọi đường hướng mệnh lệnh trong công tác vận động và hướng dẫn tư tưởng người dân.  Chỉ cần một câu văn hay một từ đi ra ngoài đường lối chính sách của nhà nước cũng đủ cho người viết lên đường đi cải tạo hay vào ngồi trong nhà tù.  Vấn đề đặt ra là quyển sách đã đi qua nhiều bộ phận kiểm duyệt rất cẩn thận và quyết đoán của nhà nước Cộng Sản và lại đươc một cơ quan của bộ máy công an ở Hà Nội xuất bản đã đặt ra một câu hỏi to lớn cho người đọc. Câu trả lời có vẻ giản dị nhưng lại là một chân lý: Dưới ánh sáng mặt trời sự thật bao giờ cũng là sự thật và ngay cả người Cộng Sản cũng không thể nào chối bỏ sư thật.

 

          Ngày 12 tháng 9 năm 1963 trước khi lên đường đi Nam Tư dự hội nghị Liên hiệp Nghị sĩ quốc tế Bà Nhu đã nói với những người đưa tiễn "chúng ta có thể bị người hủ lậu chỉ trích nhưng nhất định chúng ta không bị khinh bỉ." (Tr. 210)  Những người chống bác hiềm khích Bà Nhu quanh quẩn cũng chỉ mấy anh khố xanh khố đỏ thiếu văn hoá, một anh cán binh cộng sản Bắc Việt hồi chánh chưa học hết lớp ba trường làng được một tờ báo chợ ở Seattle xưng tụng là đại bình luận gia và một anh phu đồn điền cao su mới chỉ đọc thông viết thạo ở San Diego.  Khối đại đa số những người Việt thầm lặng với một lương tâm ngay lành và trí tuệ an bình vẫn luôn dành cho Bà Nhu lòng quí mến trọng vọng và đó là chỗ đứng đích thực của Bà Nhu trong lịch sử. 

 

Trương Phú Thứ