Tô Hoài
Tình Buồn
Ngày trước
ai đi lấy chồng như bà Tứ người ta bĩu môi chửi là gái nứng đi theo
chồng và
khinh ra mặt. Ông Tứ nghề thợ ngõa, quanh năm đeo hòm vác cưa, cầm cân
nảy mực
đi ăn cơm tứ chiếng. Năm ấy, bỗng dưng đưa về một người con gái. Làng
nước thì
thào cô này chửa buộm, đứa con trai đầu lòng ấy không phải con phó Tứ.
Có người
bảo là anh thợ mộc cuỗm con gái chủ nhà. Cô ấy người dưới nam, nghe rõ
giọng kẻ
bể. Lại người thì nói cái tiếng ấy là người chẳng đâu xa, vùng bên kia
sông
thôi. Không biết thế nào.
Bà con rồi cũng gọi là thím Tứ,
cô Tứ. Dần dà
thì sự khinh khi của người ta cũng nhạt đần. Đến khi con cái trong nhà
đã lớn
và thế sự đã thay đổi nhiều thì cũng chẳng còn ai rỗi hơi bới móc gốc
rễ cái
người đàn bà ngày trước khăn gói lấy chồng theo không ấy nữa. Thời buổi
mới,
cho qua.
Vợ chồng phó Tứ có ba người con. Chồng đặt tên
con theo cái thú chơi cờ bạc là sáu tên sáu mặt con thò lò thoạt nghe
cũng có vẻ
buồn cười một tý nhưng rồi sinh có ba con, nên chỉ có được thằng Nhất,
cái Nhị,
cái Tam. Thế mà đứa con nào cũng khá cả. Thằng Nhất học hết bậc phổ
thông, được
làm anh giáo trường làng. Cô Nhị, cô Tam lấy chồng làng bên, những con
rể có chức
vị có máu mặt. Người nào cũng khi chủ tịch, khi chủ nhiệm, khi bí thư...
Một năm kia,
ông Tứ ốm. Rồi ông mất bệnh già. Chẳng bao lâu, thấp thoáng đấy mà bà
phó Tứ đã
lọm khọm lúc nào. Từ khi ông mất, bà không ở hẳn với con nào. Cứ liều
liệu ở mỗi
nhà ít lâu, nhưng Tết nhất hay giỗ chạp thì bà thế nào cũng về nhà con
trai là
anh Nhất. Mới năm trước, còn đi ra ruộng làm cỏ lúa. Giữa trưa, nắng
chang
chang mà xách được giỏ cua dưới đồng sâu về, lấm như vùi. Mấy năm nay
thì chịu
rồi, chỉ loanh quanh nhặt nhạnh cái rau cái cỏ trong bờ rào. Tính nết
đâm ra lẩm
cẩm dần, ăn đấy lại quên đấy.
Bà Tứ ngồi rười rượi trônra
ngoài ngõ, có
người đi qua, chào hỏi: "Bà đã xơi cơm chưa?". Vừa xong bữa hẳn hoi,
mà bà Tứ ngây mặt ra rồi hừ một cái: "Nào đã cơm cháo gì đâu ! ". Người
con dâu trưởng đã để ý cái nhẵng tính tai ác đấy của bà mẹ chồng từ
lâu. Có lần
chị cũng nói trong bữa ăn, nhưng nói vui thôi. Bà buông đũa xuống, đứng
lên:
"Tôi vu oan giá họa cho ai để tôi chết không nhắm mắt à?".
Các
cháu cũng không dám nói cợt bà thế. Tưởng
chỉ ở nhà giáo Nhất thì có thể sinh ra chuyện "chó dữ mất láng giềng,
dâu
dữ mất họ!" bà lão mới hay dở chứng, nhưng cả những khi ở bên nhà các
cô
Nhị, cô Tam bà cũng vùng vằng, mà trước mặt các con gái, bà còn rủa xả
ác khẩu
gấp mấy: "Là con chó dại cắn càn thì mới mở mõm ra ăn không nói có thế".
Cả năm nay
bà lão ngại đi, chỉ ở nhà giáo Nhất, không sang nhà các con gái. Thỉnh
thoảng
hai cô em đèo lên anh yến gạo và ít tiền. Được cái anh em nhà này vốn
cũng dễ
dãi, êm ấm cả. Nhưng mà người ta bảo số tuổi càng gông đeo trĩu cổ thì
lại chỉ
trái tính hơn. Bao nhiêu nết na, kỹ càng, ý tứ và thời con gái nhanh
nhẹn ve vé
việc nhà của cô Tứ xưa mà bà lão Tứ bây giờ vẫn còn nhớ vanh vách đấy
nhưng bà
lão thì hàng ngày chỉ còn làm trò chơi cho lũ trẻ con.
Bà
vẫn nói: Người ta trước kia không tuềnh
toàng đoảng như chúng mày bây giờ đâu. Nồi cơm bưng lên phải nhớ lót
rế, sới
cơm thì có đũa cả, đàn bà con gái phải ngồi đầu nồi... Không vét nồi
quèn quẹt,
vét nồi là điềm năm ấy đói kém, mà cũng là nhà keo kiệt mới thổi ít cơm
phải
vét nồi thế. Dâu con trong nhà, giá có ăn được ba bát thì cũng chỉ
thong thả
hai lưng, mà khéo ý tứ đứng lên sớm hơn trước cả nhà. Bà lão vẫn thuộc
in những
thói phép thế. Bà hay mắng: "Bố chúng mày là thầy giáo mà chúng mày ăn
uống
hùng hục như lợn thế thì bố chúng mày đi bảo người ta học cái gì! ". Bà
rỉa
róc thế, các cháu chỉ cười hô hố.
Không phải
chúng nó cười những sự cổ tích nhiêu khê của bà đâu. Mà chúng nó cười
cái khác,
cái hâm của bà. Chả là những răn dạy khuôn phép của bà lão bây giờ lẫn
lộn cả với
những cái dở hơi. Thói quen trên dưới nhường nhịn vẫn nhớ đời mà con
người thì
già đi, ít ai nhận ra tuổi đã khác thì cũng sinh lắm tính khác.
Ăn đói thì
phải chóng đói. Mà người già ở trong làng, cả đời chưa chắc đã được đủ
ngày hai
bữa. Bụng còn thòm thèm, nhưng lại nghĩ, bây giờ chẳng còn làm ra của
nả cho
nhà mày, mắt kèm nhèm đuổi con gà cũng không được, nên bớt mồm bớt
miệng lại.
Nhưng mà thế thì đói, làm thế nà.
Khi
nhà vắng, bà lão Tứ lần xuống bếp. Bà lão
sờ soạng các thứ từ cái mâm chõng ăn cơm lên chạn. Có bát tương, bà lão
thò hai
ngón tay chấm rồi đưa vào hàng móm mút chùn chụt. Chỗ cơm nguội còn đến
lưng liễn.
Bà lão bốc một nắm to. Mỗi lần bốc rồi, bà lão lại lấy tay san phẳng
vun khéo lại
như cũ. Hai hàm răng bà lão đã rụng hết, lâu nay chỉ nhai bằng lợi.
Hình như của
ăn vụng bao giờ cũng ngon hơn hay là bà lão đương đói, lại đứng trong
bếp một
mình, cho nên cứ việc bốc bải, nhai nuốt, mặc sức mặc nhiên.
Bà
lão tưởng thế thôi, chứ không phải lúc ấy
có một mình đâu. Hai con mắt bà lão bị nhài quạt, bấy lâu chỉ còn thấy
mờ mờ,
đi trong nhà đã quen bước chân và người thì chỉ nhìn bóng mà đoán ra.
Mấy đứa
nhóc tụ tập ngay ngoài hiên. Trẻ con thích nghịch ác, chúng nó bấm lưng
nhau im
lặng rón rén vào xem bà ăn vụng. Bà mút tương, bà húp nước dưa, bà bốc
cơm...
Chốc bà lại hốt hoảng nhìn ra. Nhưng chẳng nhìn thấy gì cả.
Có đứa thích
quá, thúc cùi tay vào sườn đứa kia. Thằng nọ kêu toáng:
- ối!
Bà
lão Tứ giật mình, đặt vội cái liễn vào trạn,
khép hai cánh gỗ lại, quay mặt ra hỏi ngay ngắn tự nhiên:
- Đứa nào về
đấy?
Bà
lão còn lúng túng chưa biết nói thêm thế
nào, một đứa đã hét to:
- Một, hai,
ba...
Rồi
cả lũ ồn ào hét một lượt:
- Bà ăn vụng
cơm ? Một, hai , ba. Bà ăn...
- Cha đẻ mẹ
chúng bay!
- Mép bà còn
dính hạt cơm kia kìa. Cơm lại vãi dưới đất nữa...
- Cha đẻ mẹ
chúng mày ? Tao thề có thổ thần hai vai, tao mà nuốt trộm một hột cơm
của nhà
chúng mày thì giời tru đất diệt tao.
- Ê, ê... Một,
hai...
- Tao thề...
Hôm ấy câu
chuyện vui, trẻ con khoái quá kể với bố mẹ ngay ở bữa ăn. Bà lão đặt
bát cơm ăn
dở xuống, run run đứng dậy, nước mắt đổ ròng ròng, ra ngồi ngoài ngõ.
Vợ giáo
Nhất chỉ tủm tỉm cười, giáo Nhất thì quát chúng nó im. Giáo Nhất vốn
người dễ
tính, mãi đến chiều mới nói với mẹ:
- Bận sau bà
cứ ăn cơm cho no, đừng phải làm thế.
- Tôi thề,
tôi thề có quỷ thần hai vai, tôi không...
- Con chỉ
xin mẹ thế thôi. Đến bữa cứ ăn đủ, đừng nhường nhịn mà khổ thân, mà để
các cháu
nói hỗn thế nó sinh hư ra.
Sáng
hôm sau, nhà lại vắng như mọi hôm, bà lão
Tứ nghe ngóng xung quanh im ả, rồi lần lần vào bếp. Những đứa trẻ lại
đến đứng
ngoài hiên từ lúc nào, thêm cả mấy đứa hàng xóm cũng sang xem "trò
chơi" bà ăn vụng. Mà bà không biết.
Bà
lão Tứ bốc cục cơm, móm mém nhai. Thì...
- Một, hai,
ba...
- Bà già ăn
vụng! Một, hai... bà già...
Bà
lão trợn hai con mắt cùi nhãn, lật đật đóng
cánh cửa chạn.
- Đẻ mẹ
chúng bay?
- Một, hai,
ba...
- Có quỷ thần
hai vai...
Thường
mỗi buổi sáng lại sinh ra trò chơi ấy của
trẻ con. Ngồi vào mâm, có hôm quên bố mắng, trẻ em lại lỡ miệng ríu rít
kể. Bà
lão lại bỏ bát cơm, lần thần ra ngồi ngoài ngõ. Giáo Nhất phải quát:
"Không được hỗn!". Rồi những đứa trẻ cũng sợ bố, không dám nói huyên
thuyên, bắt chước cả bà bốc cơm, nhưng mỗi buổi sáng chúng nó vẫn rủ
nhau rón
rén đến đứng xem bà vào bếp ăn vụng. Mẹ chúng nó chép miệng nói trống
không:
"Cả tối bà cũng lần xuống bếp, chả cứ ban ngày!".
Giáo
Nhất lặng im. Nông nỗi nhà này cũng lắm
éo le. Vợ giáo Nhất chẳng ưa mẹ chồng, nhưng nể chồng cho nên không bao
giờ nói
một lời nặng nhẹ như cái câu thế gian mai mỉa: "Cha mẹ nuôi con bằng
trời
bằng bể; con nuôi cha mẹ con kể từng ngày", nhà không hề có tiếng bấc
tiếng
chì về gánh nặng mẹ già. Nhưng mọi việc phải làm cho mẹ, Nhất cáng đáng
tất. Nhất
không cho mẹ ra cầu ao, sợ nhỡ bà cụ lẩy bẩy sa chân thì khốn. Nhất tự
tay rũ
giặt xống áo cho mẹ. Vợ giáo Nhất làm như không để ý.
Cái
sự con trẻ xấc xược thì giáo Nhất cũng chỉ
coi như một bực mình lặt vặt dẹp đi thì thôi. Nhưng mà việc đời đổi
thay như
mưa nắng có con kiến và con người vần xoay ở trong, vả chăng, nghĩ hay
chẳng
nghĩ thì rồi cái việc ấy, cái ngày ấy cũng đến. Mỗi năm mỗi tuổi, bà
lão Tứ
ngày một yếu. Rồi bà lão Tứ ốm. Việc ấy, ngày ấy đương tới rồi.
Bà
lão Tứ không dậy được. Rồi cũng chẳng ăn uống
gì nữa. Giáo Nhất che chiếu lên một gian bên, kê cái giường ra phía
ngoài cho
sáng một chút. Rồi bẻ hai quãng nan giường dưới đặt một thúng tro. Lại
cắt thủng
cái chiếu để bà cụ nằm lọt một phần lưng vào chỗ giường khoét, cho tiện
đái ỉa.
Nhà
có người ốm cứ buồn thiu như ngày có mưa dầm,
ấy là bà con xóm giềng rồi các thầy cô, học trò trường làng và trường
bên đến
thăm hỏi, quà bánh, lúc nào cũng có người ra vào.
Nhất
bưng bát cháo vào giường mẹ. Mấy hôm nay
bà lão không nghiêng người được. Nhất ngồi đút từng thìa cháo cho mẹ.
Bà lão
ngoẹo cổ ra cố nuốt, trông tội tội như con cá ngáp trên cạn.
Cũng
hết được lưng cháo. Nhất đặt cái bát, kéo
lại mép chiếu lệch góc trong. Một lúc, bà lão bỗng bảo Nhất:
- Mẹ có việc
nhờ anh.
- Có gì thì
mẹ bảo.
- Mẹ không
phải là người làng này.
- Mẹ cứ lẩn
thẩn nghĩ ngợi điều ấy làm gì?
- Không, mẹ
có nghĩ đâu. Mẹ chỉ muốn nhờ con.
- Vâng.
- Mẹ quê ở
Giang Hạ bến kia sông thôi.
- à làng
Giang, làng Hạ.
- Làng Hạ,
con ạ. Hôm nào con sang Hạ, con vào xóm Đồng, bây giờ già rồi thì không
biết
tên là gì, nhưng ngày trước tên là Cõi, anh cả Cõi. Con nói rằng ông
Cõi có được
thư thả thì mời ông sang chơi.
Nhất
còn muốn hỏi thêm mẹ thế nào nữa, nhưng
bà lão đã lặng lẽ nghiêng mặt vào vách.
Cái
người ngày trước tên là Cõi, cái anh cả
Cõi ấy là tôi. Bây giờ tên tôi vẫn là Cõi, bởi tôi vẫn bà cô ông mãnh
thế. Có
điều, đã tuổi tác, theo tục lệ và thói quen kính nể, ít người réo tên
tục người
già ra nữa mà làng xóm gọi tôi là ông Ba, cụ Ba - chỉ có mấy con mẹ bán
bánh
đúc tương ở chợ hay ỡm ờ chớt nhả thỉnh thoảng cứ réo tên cúng cơm gọi
đùa lão
Cõi, ông mãnh Cõi, bao giờ ông Cõi cưới bà ấy cho chúng cháu được ăn
cỗ. Có mà
lấy bà sáu tấm. ấy, chúng nó cứ trêu chọc thế. Tôi chẳng chấp.
Anh
giáo Nhất chắp tay nói:
- Mẹ cháu có
lời thưa với ông...
Chỉ
mới nghe thoáng thế thôi, tôi đã như thấy
ngay cả rồi. Như là có thần linh cách cảm giao nhau khi người ta cùng
nghĩ đến
nhau hay là bởi nét mặt người đàn ông này, cái mũi và con mắt sao mà
phảng phất
cô ấy đến thế.
Mấy chục năm
đã qua. Nhưng mấy chục năm ở quãng giữa trống không, người trong cuộc
thì ngỡ
như chẳng có khoảng cách nào. Cô ấy ngày trước con nhà khá giả vườn
trên ao dưới.
Mà tôi thì bố mẹ nghèo quá. Dây dợ đâu đâu vương tơ khi trai gái đương
thì, cái
duyên cái nợ mà gặp nhau thôi. Cô ấy bảo tôi: "Anh về nói với mẹ bỏ cái
nghề cắp thúng đi khâu mướn thì...". Tôi bực mình, mát mẻ: "Nếu mẹ
không bỏ được cái tội đi khâu mướn ăn cơm nhà người thì giá xem có được
ngày nhờ
người đến đánh tiếng chắc ông phó lý bố em cho tuần cầm ba toong ra
đuổi ông mối,
chứ gì! ". Thế là cô ấy lại khóc, chỉ khóc.
Làm
sao cho mẹ tôi vứt đi đâu được việc khâu
mướn ăn cơm khoán, cho bố con tôi thôi đi bổ củi thuê và các em tôi
ngày không
cắp cái bị bật quai ra cửa đình nhặt lá đa về phơi lấy cái đun. Chúng
tôi như
con săn sắt, con mài mài trong ao làm sao bỗng thành con cá hóa rồng
được. Làng
xóm dần dà cũng biết cuộc dan díu thầm vụng éo le này. Ông phó lý đã
đánh cô
con gái thừa sống thiếu chết. Có khi xích chân vào cột buồng cả phiên
chợ.
Nhưng mà dường như cô ấy lại càng bồng bột như điên. Xểnh ra lại đi tìm
tôi. Có
khi khóc đến hết nước mắt rồi cô bảo tôi hay là bây giờ hai đứa cùng ra
cái đầm
đầu làng nhảy xuống trẫm mình. Tôi phải chắp tay van lạy níu cô ấy lại.
Thế
rồi chỉ một việc nhẹ nhàng, vừa tan hoang
lại vừa xong. Bố mẹ cô ấy tìm gả được chồng cho con gái. Đất làng này,
nơi môn
đăng hộ đối những nhà phó lý, trưởng bạ thường thường bậc trung, trước
sân có
hàng cau, vườn sau chuồng lợn ao bèo thì cũng chẳng mấy khó khăn. Mà cô
ấy cũng
chẳng tai tiếng đâu đến nỗi. Những chuyện trai gái phải lòng nhau làng
nước coi
như chuyện trẻ con mà người ta đồn đại dông dài chứ phải đâu gái chửa
hoang,
quân giăng há lên tỉnh la liếm hàng cơm quán trọ. Thế nào thì rồi mọi
chuyện gả
bán cũng xong xuôi như trăm nghìn đám cha mẹ đặt đâu ngồi đấy thôi.
Rồi
nhà nọ đi xem mặt, dạm ngõ, ăn hỏi, lại đã
qua một cái sêu tết tháng bảy, đến dạo cơm mới tháng mười này thì cưới.
Một
hôm, cô ấy đi chợ rồi không về nữa. Thế là biệt tăm từ ngày ấy.
Bây
giờ anh giáo Nhất mới nhớ lại và nhận ra
hình như cả một hồi còn trẻ không khi nào mẹ đi xem hội hè đình đám
chèo hát ở
đâu, cũng chẳng biết mặt cái chợ huyện, mà quanh năm mẹ chỉ như gái đẻ
chít
khăn vuông xùm xụp, ra cái chợ hôm lèo tèo mấy mủng cá tép ươn của nhà
chài dưới
sông đem lên đầu làng lúc xẩm tối. Con người gan liều đến thế. Chẳng
được đẹp
phận như người ta, thôi thì coi như một đời đành vùi vào chiêm bao, chỉ
có một
mình mình biết.
Cái
lão ba Cõi tôi theo giáo Nhất về bên sông
ngay hôm ấy. Hai ông con qua đò ngang. Chiếc đò ngang xưa kia, ừ con đò
ngang
ngày ấy. Có lẽ như từ bao giờ vẫn thế. Bên này ới bên kia, con đò tai
nghễnh
ngãng, chểnh mảng, ẽo ợt, lững lờ sang. Năm xưa, đã có những giêng hai,
mưa bụi
như phấn hoa ngô bay, những chuyến đò đưa đầy người vào xem hội làng
trong cánh
đồng.
Còn
đương bâng khuâng về những ngày nào, thì
mũi đò đã đụng bờ cát. Anh giáo Nhất vác cái xe đạp lên trước làm chòng
chành
con đò ọp ẹp. Ông Cõi đứng dậy, chị nhà đò một tay bế con, một tay giơ
chiếc
bơi chèo cho ông lão níu lấy, lẩy bẩy lần lên. Rồi tôi lại vẫn đương đi
về ngày
xưa. Tôi vừa lập cập vừa xăm xăm bước. Anh giáo "mời ông lại lên xe cho
con đèo ông đỡ mỏi" nhưng tôi bảo anh cứ để cho tôi đi thanh thả thế
này.
Xóm nhà anh tôi cũng biết rồi, chỗ khoanh tre quãng sông dưới kia chứ
đâu.
Nghĩ
thế thì tôi bồi hồi giật mình. Làm sao chỉ
vài bước chân mà cả đời tôi không nghĩ được ra, không tìm ra cô ấy ở
đâu mà cô ấy
dường như vẫn biết tôi, vẫn nhìn thấy tôi.
Nếp
nhà ba gian lợp lá mía, dứng tre trát
xi-măng xám nhạt. Trước sân, hai cây mít xum xuê lá. Một vườn xoan sau
nhà. Cái
cổng rong cành rào trống hốc, con chó cũng chui lọt. Nhà tuy ngăn nắp
nhưng
cũng chẳng có của nả, cũng không cần cửa giả nên hồn. Tôi bỗng ngỡ tôi
đương đi
về nhà tôi. ừ giá mà ngày ấy chúng tôi lấy được nhau thì nhà cửa, vườn
tược,
con cái chắc cũng tương tự thế này. Ngày ngày ra sông xuống đồng kiếm
cái ăn, cả
đời người chẳng có điều phải nghĩ xa nghĩ gần. ở trong làng xóm, ngẩng
mặt lên
bốn phía khoanh tre mù mịt, quan tâm đâu đến ngoài kia đồng đất thế
nào, tôi
đương đi về nhà tôi đây. . .
Tôi
ngồi xuống chiếc ghế đẩu kê đầu giường bà
Tứ. Lũ trẻ lại đã lấp ló ngoài hiên. Từ hôm bà ốm, mỗi buổi sáng trẻ
con không
còn trò xem bà ăn vụng nữa. Chúng nó cũng buồn. Bây giờ chỉ còn ngóng
khách đến
chơi thăm bà- nhưng nhiều khi chỉ toàn người làng, nhìn mãi cũng chán
mắt, lại
tản ra ngoài vườn nhặt quả xoan non đánh chắt, chơi đố lá.
Không,
bà lão nằm ốm liệt giường kia không phải
là cô ấy. Trong tưởng tượng của tôi chưa bao giờ nghĩ ra nông nỗi buồn
thảm
này. Tôi ngồi im. Tôi nghĩ thầm, tôi cầu mong không phải. Thì cũng đâu
phải cô ấy
ngày xưa, cô ấy ngày xưa cơ mà.
Tôi
cởi gói bánh lúc nãy đi qua mua ngoài chợ
và rồi lại lặng im chẳng biết nên nói thế nào.
- Nhà vẫn ở
dưới Hạ, chỗ cái bụi duối to ấy, hả ông?
- Vẫn đấy.
Nhưng cây duối thì làng xẻ đóng làm bàn cho trẻ học rồi, bà ạ.
- Ông thứ lỗi
cho tôi.
- Làm gì mà
phải nặng lời thế. Cố thuốc thang ít lâu cho khỏe rồi còn đi hội làng
trong.
Tôi vừa qua đò, sắp sang tháng hai rồi đấy.
Trên
khuôn mặt méo mó thoảng một nét cười mếu.
- Ông vẫn
chúa hay pha trò. Ông ơi, tôi chết không nhắm mắt được, tôi không giữ
được lời
với ông.
- Đã bảo
thôi mà. Ngồi dậy ăn bánh, cái bánh nếp mật ở chợ bây giờ chúng nó làm
cũng
khá.
- Ông bỏ lỗi
cho tôi.
- Thôi mà .
. .
- Ông nói
đi, ông bỏ lỗi cho tôi.
Tôi
run rẩy đưa hai bàn tay lên mặt người con
gái năm xưa. Mặt người ốm trắng nhợt nhạt như đá, mà nước mắt thì nóng
ấm đầm
đìa lòng bàn tay tôi. Tôi sờ đến hai con mắt, hai con mắt mềm mềm nhắm
lại, tôi
dừng tay. Anh giáo Nhất quỳ xuống, ôm hai đầu gối tôi. "Ông ơi, mẹ cháu
đi
rồi". Tôi vuốt lại hai con mắt người vừa nhắm. Thôi thế bà ấy đi rồi,
cô ấy
đi rồi.
Những
người con dâu, con gái đứng ở chân giường
ôm mặt khóc nức nở. Lũ trẻ con chạy tán loạn ra vườn, tiếng khóc ánh
ỏi, léc
téc như những con chim sẻ bay vỡ đàn.