Những
bức
hình
Lưu Na
Ông bạn hân
hoan khoe, khều, này, đọc cái này đi, hay lắm.
Cái này là một quyển sách cũ, được đưa lên mạng năm
2009. Sách về chính trị thì tôi chịu,
nhưng lại
mang một khía cạnh và hình ảnh lịch sử cần biết, tôi ghé mắt đọc bảng
mục lục,
lời giới thiệu v.v… Thấy bạn còm cõi trước
máy, tôi hứa in ra giấy để ông khỏi phải ngồi ôm computer đọc mấy trăm
trang.
Bản download
của ông có nhiều hình ảnh và format trang nhỏ nên sách dài hơn ba trăm
rưởi
trang. Tôi loay hoay lên net tìm bản
khác download cho nhẹ. Thật là rách việc. Có lấn cấn chuyện ai là tác giả.
Tôi tốn 3 ngày mò mẫm, biên thư hỏi thẳng người
có bản quyền và bị mắng té tát. Tôi
không giận. Nếu Ba có viết sách mà có ai
lại hỏi tôi rằng có thực sách đó của Ba thì tôi còn làm dữ hơn là mắng. Những người đặt vấn đề không có chứng cứ. Và những người biết, những người mà tôi tin,
cũng lại phải im lặng vì không thể nói một chuyện không giấy trắng mực
đen: người
đã không toàn mạng, hỏi chi chuyện tài liệu xa vời…
Tôi chỉ còn cách nhắc ông bạn của mình chuyện
bản quyền. Bù với vài giọt nước té tát
vào mặt, tôi hiểu thêm đôi chút về quá khứ, về người của muôn năm cũ. Quí hơn nữa là những ghi nhận được từ các bức
hình chụp 50 năm trước.
Nhìn vẻ tần
ngần của bạn trước những bức hình đính kèm trong sách, tôi hiểu ông lưu
luyến
người xưa và lưu tâm tìm thêm hình trên mạng để bạn xem cho “đã.” Mà rồi tôi “đã” !!!!
Hình, người
đàn ông ấy không như những gì tôi đã được đọc.
Người ta tả ông là một cái bóng uy quyền then chốt
của triều đại ấy. Người ta tả ông lạnh
lùng kín đáo. Tôi thấy ông có vẻ là người
cô đơn_cô
đơn_không phải lạnh lùng, giản dị, trí thức (không có nghĩa kiêu ngạo),
và hơi
ngại ngần đám đông. Ở rất nhiều hình, hiếm
thấy ông nhìn vào ống kính. Nhưng cái tự
tin trong im lặng toát ra trên mỗi bức hình.
Thì ông có chuyên nghiệp về quản thủ thư viện, một
công việc đòi hỏi kiến
thức và học thức. Người ta tả ông là lý
thuyết gia then chốt, tôi thấy nét mặt ông mang vẻ suy tư hơn là nghiêm
cẩn đằng
đằng, không mấy khi đứng trước đám đông hay có mặt trong vị thế chỉ đạo. Ông giữ đúng vị trí quân sư chăng? Và như vậy có gì đáng chê trách?
Thích nhất
là những bức hình của bà. Hay tôi lây bịnh
của ông bạn: thích phụ nữ?
Người đàn bà
ấy đã lãnh rất nhiều phê phán. Chưa biết
viết một bài luận tôi đã nghe Ba phán cho bà 2 chữ nặc nô (không biết
nghĩa
gì). Khi đã biết đọc, tôi đọc không biết
là bao những lời chỉ trích thái độ hành động lời nói của bà. Mà quả bà có những lời quá quắt tai hại và
tôi ngờ là những lời ấy đã làm lung lay một chân ngai vàng. Nhưng 50 năm qua đi, những gì được tiết lộ
theo với thời gian cũng như những gì vẫn còn trong nghi vấn khiến tôi
phải
thành thật nhận với tôi rằng những lời ấy tựa như bức hình tướng Nguyễn
ngọc
Loan giơ súng bắn người cán binh Cộng sản.
Trong hình,
bà là người tự tin và bộc lộ. Bà luôn
nhìn vào ống kính, nụ cười luôn mang vẻ thông minh thách thức, và
thoáng chút
tinh nghịch trẻ thơ. Bà ăn mặc thực ra
là đơn sơ so với địa vị. Hàng vải nội
hóa chứ đâu có lụa là nhung gấm chi nhiều.
Nữ trang vừa phải chứ đâu có oằn cổ vẹo tay quay con
mắt. Tôi đã thấy hình nhiều mệnh phụ đài
trang quyền
quí rực rỡ muôn phần hơn. Nhưng tấm áo
không làm nên con người. Ở bà, cái thanh
lịch nằm trong chọn lựa thẩm mỹ, trong cử chỉ, trong vẻ tự nhiên tự tại. Bà dám chọn màu thích hợp cho bà, dù nó khác
khẩu vị đám đông. Bà dám họa kiểu cho
mình (kiểu chả có gì quá đáng), dù nó tách khỏi truyền thống. Và bà dám đảm nhiệm vai trò cần thiết ở ngoài
tam cung lục viện như đã định sẵn. Bà
dám là bà trước đám đông, dám chấp nhận thử thách đặt trước mình.
Hình cho thấy
bà có mặt trong nhiều lãnh vực hoạt động của xã hội trong nền Cộng hòa
mới hình
thành. Nếu nhìn những phụ nữ thời nay,
xa là công nương Dianna, gần là bà Clinton, công nương Kate, thì những
việc bà
làm thực ra đúng với vai trò đã đặt lên vai.
Cái khác, là họ, những người phương Tây, được giáo
dục và huấn luyện, được
expected để làm những việc đó, nhận những vai trò đó.
Còn bà ở một nước mà mới trước đó có tây học
như cô Nguyễn Hữu Thị Lan về nước làm Nam Phương Hoàng Hậu thì cũng
phải mũ mão
cân đai, và cũng phải đứng đúng vị trí mà truyền thống đã định. Những gì đặt trước mặt bà lúc đó mới với toàn
thể người dân Việt, và bà đã đảm nhiệm tích cực. Như
vậy, chính là đám đông chậm đổi thay cho
phù hợp, sao lại chê trách người đã kịp thời thích ứng?
So với đệ nhất phu nhân triều sau, bà vẫn là
người đi trước, không giới hạn công việc trong hoạt động từ thiện xã
hội: ra nước
ngoài vận động dư luận, tiếp xúc báo chí, gây phong trào hoạt động hỗ
trợ chính
quyền, hỗ trợ chồng…
Nhưng thích
hơn hết là những bức hình bà cùng gia đình quây quần bên nhau. Ông luôn tươi cười thoải mái.
Các con luôn đứng gần bên mẹ với nét thích
thú. Một người đàn bà độc đoán hay quá
quắt khó gieo được sự thoải mái nơi chồng con.
Một phụ nữ thiếu nữ tính khó tạo được nét êm đềm khi
đứng bên nhau nơi
người chồng. Tôi ngắm mãi những bức hình
ấy, bức hình bà vai tựa má kề với ông, bức hình bà đang tươi cười vuốt
mặt ông,
bức hình bà đang đứng sát kề bên ông cười nhắm cả mắt, bức hình bà
khoác tay
ông dạo bước, bức hình bà vui chơi nơi hội chợ cùng ông.
Trong những bức hình ấy thấy ông thật thoải
mái tươi cười không né tránh ống kính hay ngại ngần ống kính như những
bức hình
chụp trước đám đông (có muốn gian dối hay đóng kịch cũng không qua được
mắt các
ông phó nhòm). Ở chỗ này bà vẫn đi trước
thời đại của mình: tỏ niềm yêu ái như người phương tây.
Nhưng tôi
không chỉ thấy người đàn bà ấy qua hình.
Tôi còn thấy bà trong bóng tối lặng thầm. Trong lúc quả phụ Kennedy, bà Jackie Kennedy
luôn chiếm một góc trên sân khấu xã hội, thì người đàn bà ấy lui ra
khỏi mọi
ánh sáng với vành khăn tang và một mình nuôi 4 đứa con.
Mẹ góa con côi không chỉ mình bà, nhưng khi
trang sử triều đại của gia đình bà bị xé rách, bà vẫn giữ vẹn toàn cái
lề trong
thinh lặng. Tôi phải nói rằng cảm kích
khi không phải thấy bà mặc áo dạ hội thật đẹp (phô nửa cái lưng nõn nà)
lên sân
khấu thương mại trao giải văn nghệ hay hoa hậu gì đó cho một chương
trình ca nhạc
thi đua gì đó; không phải nghe bà hát khoe giọng, không phải thấy bà
khiêu vũ
trong dạ tiệc mua vui, và không phải nghe nhắc tên bà 26 lần trong một
bài viết
về một chuyện vớ vẩn đến nỗi tôi không biết được ý chính là gì để nhớ. Tôi còn nghiêng mình trước chọn lựa của bà,
không sống trên đất kẻ thù. Khi từ chối
định cư trên đất kẻ thù, bà đã nhổ bãi nước bọt thầm lặng.
Vẫn không chỉ riêng bà có chọn lựa đó, nhưng
một người đàn bà đứng trong uy quyền mà trong một phút mất mọi thứ từ
địa vị đến
hạnh phúc cá nhân bằng một cách thật thê thảm, bà đã không gập người
khuất phục. Bà không có hồi ký phân trần
kể lể, cái thứ
có thể mang lại ánh sáng và tiền bạc, hay chí ít là lòng thương cảm. Bà vẫn là bà, và dù lịch sử có thể phê phán
hành động lời nói của bà, nhưng có lẽ khó chê trách được tư cách đó.
Tôi phải cảm
ơn những người đã chụp những bức hình 50 năm trước ấy.
Lưu Na _
08/16/2011