Dec JAN APR
Previous capture 13 Next capture
2004 2005 2006
17 captures
3 Jan 05 - 17 Apr 13
sparklines
Close Help




Tưởng niệm Susan Sontag


Susan Sontag, the writer and activist whose powerful intellect helped shape modern American thinking for nearly half a century, died yesterday at the age of 71. Wednesday December 29, 2004
The Guardian
Tác giả Nhìn nỗi đau của những người khác, Susan Sontag vừa mới mất, ngày 28 tháng Chạp, 2004, thọ 71 tuổi 

1.

Phỏng vấn Susan Sontag

PV: Cuộc phỏng vấn này bị hoãn mấy lần, vì những chuyến đi của bà tới Sarajevo, mà nghe bà nói, đây là một trong những kinh nghiệm dữ dằn nhất trong đời. Tôi đang nghĩ tới chiến tranh và sự hiện diện của nó, tái đi tái lại, trong tác phẩm của bà.
Sontag: Tôi đã từng tới Bắc Việt, hai lần, khi Mỹ ném bom. Chuyến đầu, tôi kể lại trong "Đi Hà Nội, Trip to Hanoi". Và khi xẩy ra cuộc chiến Yom Kippur War vào năm 1973, tôi tới Israel thực hiện phim Đất Hứa, ngay tại tiền tuyến. Bosnia là cuộc chiến thứ ba của tôi.
-Trong Đất Hứa, bà viết, "Đề tài của tôi là chiến tranh, và bất cứ thứ gì dính dáng tới chiến tranh, mà lại có vẻ sạch quá - nguyên văn, 'mà không nói lên tính cụ thể khốn kiếp của huỷ diệt và chết chóc' - là bố láo."... Bà có tính viết về Sarajevo?
Không, tôi muốn nói, chưa. Chắc là còn lâu. Và không phải dưới dạng tiểu luận, hay phóng sự. Con trai tôi, David Rieff, tới đó trước tôi, và đã viết một thứ phóng sự-tiểu luận về nó. Một người trong gia đình viết về sự diệt chủng ở Bosnia, là đủ rồi. [Vả chăng].... tới đó để chứng kiến, để than thở, để chường bản mặt của mình ra, như muốn nói lên một kiểu mẫu trí thức, nghĩa là không đồng lõa... như vậy cũng là đủ rồi. Đó là những bổn phận của một con người, một con người tin vào hành động đúng, không phải của một nhà văn.
[Trích Điểm Sách Paris]

 
"Trong một đoạn tuyệt vời của phim Xa quá Vietnam [Far From Vietnam], nhà làm phim người Pháp, Godard đã cho rằng, thật tốt, nếu mỗi người chúng ta làm bật ra, một con người Việt nam, từ bên trong của chính chúng ta, đặc biệt, với những người không thể tới đó [ông bị Hà Nội từ chối không cho giấy nhập cảnh, khi tính tới quay phim về Bắc Việt]. Quan điểm của Godard, từ Che mà ra, là, để phá vỡ bành trướng Mỹ, cách mạng có nhiệm vụ tạo ra "hai, ba, nhiều Việt nam", theo tôi thật là đúng. Trong bốn năm qua, Việt nam bám chặt lấy tôi, ở trong đầu, ở dưới da, ở một chỗ quái quỉ nào đó trong dạ dầy. Nhưng..."
Susan Sontag: Chuyến đi Hà Nội

2.

DQ

 Ông ta “tự chôn mình vào trong sách, đọc, hàng đêm, từ chập tối tới sáng sớm, hàng ngày, từ sáng sớm tới chập tối, và vì ngủ ít quá, đọc nhiều quá, não của ông trở trên khô kiệt, và ông trở nên khùng”.

Don Quixote, giống như Madame Bovary, là về bi kịch của sự đọc, the tragedy of reading. Nhưng cuốn tiểu thuyết của Flaubert là một mẩu của thực tại: trí tưởng tượng của Emma bị hư ruỗng bởi thứ sách mà bà đọc, những câu chưyện bá láp, tầm phào nhằm thoả mãn một đầu óc lãng mạn. Với Don Quixote, một người hùng của sự thái quá, vấn đề không nặng ở chỗ, những cuốn sách thì dở, nhưng hoàn toàn do số lượng đọc. Đọc không chỉ làm méo mó trí tưởng tượng, nhưng mà là, nó bắt cóc anh ta! Anh ta nghĩ, thế giới thì ở bên trong một cuốn sách. [Theo Cervantes, mọi thứ, mọi điều Don Quixote nghĩ, nhìn, hay tưởng tượng đều đẻ ra từ việc đọc của anh ta]. Ngược hẳn với Emma, tính sinh sự sự sinh của sách đó [bookishness] khiến anh ta chới với, vượt  quá ra khỏi sự chừng mực, và hư ruỗng. Nó làm anh ta khùng; nó làm cho anh ta trở nên sâu thẳm, hào hùng, phong nhã nhất mực.

Không chỉ nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, mà luôn cả người kể chuyện, cũng đều biến thành khùng, vì đọc. Người kể chuyện trong Don Quixote cho biết, anh ta thèm đọc đến nỗi không tha cho ba mẩu giấy nằm lăn lóc trên đường phố. Tuy nhiên, nếu hậu quả của việc đọc thái quá của Don Quixote là khùng điên, của người kể chuyện, là tác quyền.

Đúng là bản “hùng ca” [epic] đầu tiên, vĩ đại nhất về… nghiền. Don Quixote vừa tố cáo định chế văn chương, vừa réo rắt mời gọi nó. Một cuốn sách còn hoài, chẳng bao giờ cạn kiệt. Đề tài của nó, là tất cả [trọn thế giới], và chẳng gì cả (cái bên trong cái đầu của một người, tức khùng điên, the inside of someone’s head – that is, madness). Cứ thế tiến tới, cứ kéo mãi ra, cứ ăn thịt mình, nhìn lại mình, đốt đuốc chơi đêm, bất cần mọi chuyện, bồi thêm mãi, tự in mình ra mãi: Cuốn tiểu thuyết của Cervantes đúng là hình ảnh thứ thiệt, thật là tuyệt vời, về tuồng ảo hóa cứ bầy ra mãi, hay là sự hình thành của hố thẳm [mise-en-abime, tiếng Tây trong nguyên bản], tức đích thị văn chương, và cơn điên nhè nhẹ, mong manh, tức tác quyền và cái vòi bạch tuộc ma quái của nó.

Một nhà văn, trước hết, là một độc giả - một độc giả trở thành khùng; một độc giả độc ác, tinh ma, quỉ quái,  a rogue reader; một độc giả dai như đỉa, cứ nghĩ rằng, mình dư sức làm khá hơn, bảnh hơn thế. Tuy nhiên, đúng ra là như thế này: khi một tác giả vĩ đại nhất còn sống, ông này tạo một ngụ ngôn chung quyết, về thiên hướng của một nhà văn, ông ta phát minh ra một nhà văn ở vào đầu thế kỷ 20, ông này chọn cho mình tham vọng lớn nhất trong đời, là viết [những phần, những chương, hồi, của ] Don Quixote. Lại một lần nữa. Y hệt như là nó (đã là như vậy). Bởi vì, hơn hết thẩy, bất cứ một cuốn sách nào đã được viết ra: Don Quixotelà” văn chương.

NQT dịch

[nguyên tác được in trong tập tiểu luận Where the Stress Falls, nhà xb Picador USA, Farrar, Strauss, and Giroux, New York].

 3

Joan Acocella

Lời Bạt 

Susan Sontag viết cho báo này [Người Nữu Ước], tuy không liên tục, nhưng ròng rã trên ba chục năm. Bà mất bữa Thứ Ba vừa rồi, trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, mặc dù, ai cũng biết bà bị ung thư, và thuốc thang chữa trị từ hồi thập niên 1970, nhưng chẳng bao giờ bà để tâm đến chuyện này, cũng như không để cho ai để tâm đến nó, rằng, bịnh này có thể giết bà. Một ý nghĩ như thế đó, là một vi phạm, violation, đối với sự cần thiết sâu xa nhất của bà, the deepest need, the need to live, cần sống và có được kinh nghiệm mà thế giới đem tới cho bà. 

Một lần, viết về tuổi thơ, và những bữa ăn thịt nướng trong gia đình, bà cho biết, "Tôi ăn, ăn, và ăn... Tôi luôn luôn đói." 

Luôn luôn đói, bà giữ cho mình suốt đời là như vậy đó. Bà đọc mọi thứ, và viết đủ thứ: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, tiểu luận văn học, phim ảnh, chính trị. Bà làm phim. Bà đọc diễn văn. Bà đi Bắc Việt, Cuba, và Bosnia, và từ đó, gửi về những bài tường thuật. Gần như chẳng có điều gì bà nghĩ, bà không thể làm được, và chẳng có điều gì bà không tính làm, và làm thật lẹ, liền tức thì. 

Khi tôi bắt đầu phỏng vấn bà, vào năm 1999, cho một bài báo thuộc loại chân dung nhìn nghiêng [profile] của báo này [The New Yorker], bà vừa trải qua một chuỗi những chữa chạy mới, rất, rất ư hung bạo [agressive], căn bịnh ung thư, và chúng gây tổn thương về thần kinh ở nơi bà. Bà phải sử dụng thuốc giảm đau, đúng ra, tôi muốn nói, lúc đó bà sống bằng những thuốc giảm đau, the painkillers; bà phải nhìn xuống chân, mỗi khi bước. Nhưng, nhằm nhò gì ba thứ lẻ tẻ đó, bà cười, khi tiếp tôi. Bà dang rộng hai tay, ôm lấy trọn một cuộc đời mới của bà. Trước đó, bà là một nhà viết tiểu luận. Bây giờ, bà là một tiểu thuyết gia. Thực ra, bà đã từng viết tiểu thuyết, hai cuốn, ngay lúc khởi nghiệp, vào thập niên 1960. Bà không thích chúng lắm, vì vậy mà bà trở thành một nhà phê bình, đúng ra phải nói, nhà phê bình nổi tiếng nhất, và nhà phê bình trẻ có ảnh hưởng nhất, của thập niên 60 và 70, khuôn mặt trung tâm nổi cộm của một đảo nghịch mỹ học, "the aesthetic bouleversement", của thời kỳ đó: sự hấp thụ, absorption, văn hóa đại chúng vào văn hóa cao, huỷ bỏ thể loại cổ điển, để đổi lấy sự đứt đoạn, nét gẫy, vết rạn hiện đại, làm lễ tấn phong cho ý thức tan hoang, rã rời, đêm tóc rối, thay cho chủ nghĩa hiện thực, những nền tảng đạo đức, những lớp lang mở đầu, thân bài, và kết luận. Nhưng vào năm 1999, tất cả mọi chuyện đó chấm hết, nếu kể như chúng đã là những quan tâm của bà trước đó. Bà đã cho xuất bản một cuốn sách như thế vào năm 1992, "Người Tình Hoả Diệm Sơn", "The Volcano Lover", viết về cuộc tình đã trở thành truyền thuyết giữa Lord Byron với người đàn bà có chồng, là Emma Hamliton. Cuốn sách là một best-seller. Bây giờ, bà vừa mới kết thúc một tác phẩm mang nhiều tham vọng hơn, so với cuốn trước, một cuốn tiểu thuyết lịch sử, "Ở Mỹ", "In America", và bà đang khởi sự một cuốn tiểu thuyết khác, về nước Nhật hiện đại.

 Thật không rõ, trong tương lai, chuyện gì sẽ xẩy ra, đối với một Susan Sontag với một nghiệp viết nhiều mặt như thế. Có thể việc viết tiểu thuyết sẽ chỉ được coi là thứ yếu. "Người Tình Hoả Diệm Sơn" là một đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực hiện đại mang tính tâm lý, nhưng rõ ràng là, so với những tiểu thuyết khác của bà, nó tách biệt hẳn ra, theo nghĩa, không mặn mà, xứng hợp với những cuốn còn lại. Nếu có một cái gì khác, ngoài cuốn tiểu thuyết đó ra, ở trong những thành tựu đỉnh cao của bà, như người ta thật dễ dàng nhận ra, và sẽ nhớ mãi, thì đó là những tiểu luận mang tính phê bình, hầu hết viết về những nhà văn, những nhà làm phim, mà bà thu gom và cho in trong "Chống Dẫn Giải", "Against Interpretation" (1966), cuốn  sách đã làm bà nổi tiếng; "Những Phong Cách Về Ý Chí Cấp Tiến", "Styles of Radical Will" (1969), "Sinh dưới một vì sao xấu xố", "Under the Sign of Saturne" (1980). Cuốn sách sẽ còn sống dai khác nữa, là "Về Phim Ảnh", "On Photography" (1977). Cuốn này, như "Người Tình Hoả Diệm Sơn", là một best-seller, nhưng, đây là một chuyên khảo về quyền lực xa [the distancing power] của hình ảnh, nó thực sự không trông mong có được một thứ vinh quang mang tính bình dân, hay đại chúng. Trong những bài viết ở trong đó, Susan Sontag kết hợp một đam mê cho nhiều cách mới mẻ trong cái nhìn (Godard, Artaud, "ngẫu hứng", "happenings") với sự trung thành với những giá trị mang tính cổ điển (chân lý, cái đẹp, sự thanh lịch), và từ đó, xây dựng một cây cầu cho chúng ta, chỉ cho chúng ta bằng cách nào, làm sao xâm nhập được Cái Hiện Đại, The Modern.

 Sau đó, khi mà hiện đại sau cùng đã hất cẳng [supplanted] cổ điển, bà đổ dồn đóng góp của mình cho sự phát triển này. Cũng như thế, là với những phát triển mang tính chính trị. Vốn là một người tả phái dấn thân, bà đã từng ca ngợi những chế độ ở Cuba, ở Bắc Việt Nam, vào thập niên 1960, và đã diễn tả "giống trắng", "the white race", như là "ung thư của lịch sử nhân loại". Điều này làm bà bị mất cảm tình rất nhiều, từ hữu phái. Rồi thì, vào năm 1982, bà công khai tuyên bố "Chủ nghĩa Cộng sản là chủ nghĩa Phát xít", ngược hẳn những gì bà ca ngợi và tin tưởng trước đó, điều này càng làm cho phái hữu có lý do để mất cảm tình thêm với bà (Thế đấy, bây giờ  đã mở mắt ra chưa!), trong khi cùng lúc, làm tả phái nghỉ chơi, bỏ chạy bà!

 Nhưng, như cách bà nhìn, bà được sinh ra, là để nói ra những quan điểm mạnh bạo như thế đó. Và để thay đổi chúng, như là thế giới thay đổi. Bà trải qua những năm đầu đời ở Paris, thành thử ở trong bà có điều chi gần gụi với Pháp hơn so với Hoa Kỳ: một trí thức của đám đông, một con người với quyền của người đó, có thể nói, với bổn phận của người đó, là đưa ra, trình tới cho bàn dân thiên hạ, những tư tưởng, những ý nghĩ, như là sự đóng góp của mình cho công cuộc bàn luận của xã hội, về cuộc sống của nó. Bà thì cũng thật là hăm hở, thật là tình cảm, dễ xúc động. Mắt bà đẫm lệ, khi nói về những chuyện như là chính quyền Miến Điện, hay Hilton Kramer, hay "Anh em nhà Karamazov", (tác phẩm của Dostoevsky). Với bà, đọc và kinh nghiệm không chỉ là những sự kiện mang tính tâm thần, tâm linh; bà đón nhận chúng như là đón nhận những ngọn phi tiêu lửa. Không có bà, thành phố Nữu Ước như trở nên lạnh lẽo hơn.

 Joan Acocella.

 [Người Nữu Ước, số đề ngày 10 Tháng Giêng, 2005)

 NQT dịch