logo

Thiếu Nhi

 

Cái ngày mà tôi... đặt một trăm câu hỏi

Thu Giang

 

Lên năm, tôi chưa kịp học tên họ ba đầy đủ, chưa kịp được ba tập đi xe đạp hai bánh như các bạn thì ba tôi đã bỏ hai mẹ con tôi ra đi.

 

Năm tuổi, tôi không hiểu hết tất cả những gì đã xảy ra giữa cha mẹ tôi nhưng tôi thấy hai người  xé hết tất cả những tấm hình kỷ niệm, những tấm hình đám cưới mẹ tôi e ấp nép vào vai ba tôi.

 

Tôi lớn lên trong nghèo nàn. Mẹ tôi chật vật lắm mới nuôi nổi tôi. Ngày Tết tôi không có áo mới mặc. Tôi không dám chạy nhảy mạnh sợ mau mòn dép. Lựa vải may áo tôi lựa thứ vải dày để mặc được lâu. May áo tôi lựa kiểu rộng cũng để mong mặc được lâu.

 

Tôi lớn lên trong tủi nhục. Các bạn có cha mẹ đầy đủ cứ nghĩ rằng nhà tôi có chuyện gì đó nên ba tôi mới bỏ đi. Chẳng ai có cái nhìn trung thực, người thì nghĩ chắc mẹ tôi không làm tròn bổn phận nào đó, người thì nghĩ ba tôi không đàng hoàng. Nghĩ thế nào đi nữa tôi cũng cảm thấy nhục. Tôi chưa đủ mạnh để đương đầu với cái nhìn dò hỏi của người khác.

 

Tôi lớn lên trong cay đắng. Làm sao tôi chịu đựng được tiếng thở dài của mẹ tôi. Cảm giác mình bị bỏ rơi là một cảm giác rùng rợn. Tôi không thể nào tả được cảm giác này, nó làm cho tôi hụt hẫng mỗi khi nghĩ đến, như thử bước đi nào của mình cũng là một bước hụt.   

 

Tôi lớn lên với một trăm câu hỏi trong đầu.

 

-          Tại sao ba bỏ hai mẹ con tôi?

-          Người đàn bà kia có gì hơn mẹ tôi?

-          Mẹ tôi chỉ là bản nháp?

-          Làm sao ba tôi có thể ngủ được?

-          Làm sao ba tôi có thể nhìn bà con hàng xóm, bạn đồng nghiệp được?

-          Làm sao ba có thể cười đùa, hưởng lạc thú khi bỏ rơi một đứa con vô tội?

-          Vì sao ba tôi nghĩ cụt như thế, ông nghĩ rằng bỏ mẹ con tôi thì sẽ hạnh phúc hơn sao?

-          Ba tôi không bén được tình phụ tử sao?

-          Tình phụ tử là gì?

-          Vì sao tôi không thể nào gạt cái tình phụ tử này ra khỏi đầu?

-          Vì sao cuộc đời khổ như thế này?

-          Đời khổ vì sao mọi người không yêu thương nhau?

-          Không có tình thương làm sao tôi lớn lên được?

-          Vì sao đời bất công như thế này, giàu nghèo, hạnh phúc bất hạnh cứ đan vào nhau.

-          Làm sao tôi thoát được cảnh nghèo?

-          Cái gì có thể làm tôi quên được quá khứ này?

-          Cái gì có thể làm tôi vui sống quãng đời còn lại?

-          Đời người có định mệnh không?

-          Làm sao để thoát khỏi định mệnh này?

-          Vì sao đàn ông đàn bà không thể yêu thương nhau được?

-          Có trường nào dạy yêu thương trước khi lập gia đình để đàn ông đàn bà học yêu thương nhau trước khi về sống chung, có con với nhau?

 

Không một ngày nào qua đi mà tôi không đặt những câu hỏi như thế. Tôi không còn hồn nhiên. Tôi bị ám ảnh bởi cái nghèo, tôi không đủ ăn đủ mặc. Càng lớn lên tôi càng tự hỏi không biết việc ba bỏ đi và việc gia đình tôi nghèo, cái nào khổ hơn? Lắm lúc tôi thèm có tiền để may áo quần mới, để hồn nhiên theo bạn đi ăn, đi xem phim, để hãnh diện khoe nhà mình có xe mới, có bếp mới. Rất ít khi tôi thấy các bạn hãnh diện khoe cha mình!

 

Ba tôi đã lấy mất tuổi thơ của tôi.

 

Tuổi thơ êm đềm là kho tàng sinh lực dự trữ để sống cho cả một đời, ba tôi đã lấy mất, nhưng vì sao tôi không hận ba tôi được?

 

Năm nay tôi lên cấp ba, tôi vừa chuyển trường, chuyển lớp, tôi học chung với bạn Nam. Bạn bị liệt hai chân từ nhỏ. Nhìn bạn học hành sinh hoạt, tôi tự hỏi vì sao bạn có sinh lực dồi dào như thế, bạn vui vẻ, bạn quan tâm đến người khác, bạn đưa bài bạn dịch cho tôi đọc, bài Tờ giấy bạc mười đồng.

 

Chuyện kể  bà J. A. Jance hay ngủ trong lúc nghe cha giảng. Bài giảng ngày chủ nhật hôm đó, vị mục sư gọi trẻ con lên đọc lời cầu nguyện. Lúc đầu các em ngồi trước mặt ông nhưng sau ông kêu chúng ngồi thành một hàng dài. Ông rút trong túi xấp tiền một đồng và để lên bàn tay từng em một đồng. Ông lại cho tay vào túi áo lấy ra một tờ mười đồng và nói: “Các con có thể có được tờ mười đồng này.”

 

Tay cầm chặt tờ một đồng, ông nói: “Nhưng để có được đồng này, các con phải cho đi những gì các con đang có." Ông đưa tờ mười đồng ra trước mặt chúng.

 

Và thật là một cảnh tượng buồn cười, không đứa nào sẵn sàng cho đi tờ một đồng chúng đang cầm trong tay, mặc dù chúng đủ khôn lớn để biết tờ mười đồng trị giá gấp mười tờ một đồng!

 

Vị mục sư cất tờ mười đồng lại vào trong túi.

 

Bài giảng đó làm cho bà tỉnh ngủ chốc lát trước khi rơi vào giấc ngủ như thường lệ.

 

Bà có ông chồng nghiện rượu, bà không dám từ bỏ căn nhà. Sau khi nghe bài giảng bà nghiệm ra bà đang cầm chặt trong tay tờ bạc một đồng, bà không dám liều, không dám từ bỏ căn nhà, từ bỏ ông chồng nát rượu để xây dựng một tương lai tốt hơn. Bà suy nghĩ rất nhiều về bài giảng, cuối cùng bà dứt khoát ly thân, dứt khoát từ bỏ căn nhà cũ để đến một thành phố khác lập nghiệp.

 

Bà bỏ tờ giấy bạn một đồng để lấy tờ mười đồng.

 

Câu chuyện làm tôi suy nghĩ dữ dội.

 

Đồng bạc một đồng là quá khứ bất di bất dịch của tôi. Tôi phải bỏ quá khứ này để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. Vì sao tôi cứ bám vào quá khứ này mãi? Tôi có dám vứt quá khứ chỉ đáng một đồng để lấy một tương lai hứa hẹn mười đồng không?

 

Tôi biết tôi phải bỏ cái quá khứ này nhưng bỏ quá khứ này thì tôi còn gì, tôi bám vào đâu, khó cho tôi quá.

 

Bạn Nam còn giới thiệu tôi với bác An ở Canada, bạn gởi bài viết Lặng lẽ và bé nhỏ của tôi cho bác ấy đọc. Biết hoàn cảnh bị bỏ rơi của tôi, bác gởi cho tôi đọc bài Tôi nuôi con nuôi trong đau đớn của bà Evelyne Pisier.

 

Chuyện kể bà Evelyne Pisier là một giáo sư dạy chính trị ở trường đại học Sorbonne, người tranh đấu cho nữ quyền. Sau khi ly dị với người chồng trước là bác sĩ Bernard Kouchner, bà lấy ông Duhamel. Bà đã có ba đứa con với người chồng trước, với người chồng sau, hai người quyết định nuôi con nuôi. Khi vào viện mồ côi, bà nhìn ánh mắt lạc hồn như van lơn xin nuôi của các em mà lòng đi không đành. Họ về Chí Lợi nuôi hai em bé. Bây giờ các em đang độ tuổi mười bảy, mười tám. Mấy năm vừa qua, gia đình bà gặp đủ vấn đề với các em, hết đem các em đi tâm lý trị liệu đến ra tòa, lại còn vướng vào ma túy.

 

Làm gì rồi lúc nào bà cũng cảm thấy mình tội lỗi về một cái gì đó đối với con cái. Bà tự hỏi bà có dành ưu tiên quá cho công việc? Một người bênh vực cho nữ quyền mà phải đặt câu hỏi này, đến thế thì thôi! Thỉnh thoảng các con có cảm thấy bị bỏ rơi không? Đủ loại câu hỏi hành hạ bà ngày đêm và bà chỉ có thể lặp lui lặp tới câu này với con: Simon, con là con của mẹ, con là tình yêu của mẹ, dù con có nói gì đi nữa, dù con có nghĩ gì đi nữa, mẹ cũng là mẹ con.

 

Lại thêm một lần nữa đầu óc tôi bị lung lay dữ dội, tôi lại đặt một trăm câu hỏi trong đầu.

 

-          Đến lúc nào người lớn mới ý thức được đem một đứa bé ra đời là phải chịu trách nhiệm suốt đời với đứa bé đó?

-          Vì sao họ có thể dứt khoát bỏ con được?

-          Làm sao họ có thể quên được con mình?

-          Liều lượng tình thương nào là vừa đủ cho trẻ con? Dư quá thì sao? Thiếu quá thì sao?

-          Lúc còn nhỏ, trẻ con đã thấm được thiếu tình thương là khổ như thế nào, được đem về yêu thương nuôi nấng là hạnh phúc rồi vì sao các em lại hành hạ cha mẹ nuôi, lấy đủ lý do này lý do kia để lên án họ?

-          Vì sao trí nhớ con người cụt ngủn thế, mới ngày nào van xin cứ nuôi tôi, cực khổ gì tôi cũng chịu được nhưng lớn lên thì không còn thương cha mẹ nuôi?

-          Hành hạ cha mẹ ruột đã đành vì tôi không yêu cầu mà sinh tôi ra chứ cha mẹ nuôi, người ta thấy ách giữa đàng mang vào cổ vì sao lại hành hạ người ta thêm?

-          Cha mẹ làm gì để được con cái yêu thương?

-          Con người có thể lớn lên lành mạnh mà không có cha mẹ nuôi dạy không? Tại sao có người lớn lên lành mạnh được, có người không được?

-          Tâm trạng những em bé mồ côi sẽ như thế nào, oán trách ông trời, căm thù số phận nghiệt ngã?

-          Những em bé mồ côi đổ tội cho ai?

-          Làm sao để các em quên quá khứ?

-          Hy vọng vào đâu để các em xây dựng một cuộc sống tươi đẹp?

 

Những câu hỏi đó cứ quay cuồng trong đầu óc tôi, nhất là câu hỏi “Những em bé mồ côi đổ tội cho ai?”.

 

Tôi có khác gì các em mồ côi không?

 

Bỗng tôi nhớ lại câu chuyện “Chiếc thuyền không” của Trang Tử.

 

Có hai chiếc thuyền đi trên sông, chiếc này đụng vào chiếc kia, người lái thuyền suýt buộc miệng chửi thề tên lái thuyền nghễnh ngãng, nhưng khi nhìn lại chiếc thuyền kia thì chẳng thấy ai lái cả. Chửi ai bây giờ? Thế là ông ta lẳng lặng đẩy chiếc thuyền đi hướng khác.

 

Tại sao tôi phải đòi ba tôi bồi thường tuổi thơ cho tôi? Ông không có ngay cả tuổi thơ của ông, ông lấy gì để đền cho tôi mà tôi nằng nặc đòi?

 

Tại sao tôi không thể nào tự đứng lên một mình, dù từ đôi chân yếu đuối của tôi để rồi tôi tập tễnh đi từng bước một hướng về một chân trời đầy ánh sáng.

 

Tại sao tôi không nhìn bạn Nam, chân bạn không đi được nhưng có thể nói bạn đã đứng vững trên đôi chân cuộc đời của bạn.

 

Tại sao tôi không nhìn bác An, bác tìm đến tôi, bác sửa bài cho tôi, bác ghép sắt thép vào đôi chân của tôi để tôi vững bước hướng về một tương lai tươi đẹp.

 

Ngày tôi đủ vững mạnh, tôi sẽ tìm đến ba tôi, tôi ôm ba tôi vào lòng và nói: “Ba ơi, con tha lỗi cho ba nhưng con rất khó quên những năm tháng đau khổ không có ba. Dù sao cũng nhờ vậy mà con vững mạnh như ngày hôm nay.”

 

Và với mẹ tôi, tôi không cần phải nói gì vì bao nhiêu năm tháng, tôi đã sống gần như hòa làm một với mẹ. Tôi chỉ có thể nói: “Mẹ ơi, làm mẹ là làm chức năng cao cả: chức năng cưu mang. Mẹ đã cưu mang con, mẹ có thể hãnh diện về con.”

 

Và với cuộc đời, tôi sẽ nói “sau cơn mưa, trời lại sáng.”

 

Tôi đã đứng lên cái ngày tôi đặt một trăm câu hỏi trong đầu!

Thu Giang 05-2005