logo

Thiếu Nhi

 

Người cha của 239 đứa trẻ
Tuoi Tre 12/11/2004

Anh Phí Văn Tinh cùng con trai Lê Văn Thịnh

Cách đây vài ngày, anh lại nhận thêm một bé gái bị bỏ rơi ngay sau khi chào đời ở Bệnh viện Thái Bình. Cũng giống như 238 “anh chị” của nó, bé gái này sẽ được vợ chồng anh chăm sóc, nuôi dưỡng và tạo cơ hội để hoà nhập xã hội.

Anh là Phí Văn Tình ở Đông Huy, Đông Hưng, Thái Bình. 52 tuổi mà trông anh già hơn 60 do những nếp lo toan đã hằn rõ trên khuôn mặt. Lâu nay, chẳng đêm nào anh ngủ trước 1h vì "con nhỏ" và vì việc học của mấy đứa lớn. Đã tạm qua thời gian khó, bây giờ vợ chồng anh có một cơ ngợi rộng trên 2.000m2 với bể bơi xi măng, sân tập thể dục, có chuồng nuôi một ít lợn, gà và mấy cây ăn quả.

Có một thời gian dài, từ năm 1975 đến năm 1991, Phí Văn Tình là chiến sĩ Công an. Cuộc sống khó khăn, anh xin nghỉ chế độ năm 42 tuổi và thành lập Xí nghiệp Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Thăng Long. Xí nghiệp làm nhiều thứ. Ông bà chủ bôn ba, tích lũy được nhiều kỹ thuật, bí quyết làm gỗ, làm sợi, đan mây, tre… Tưởng sẽ chuyên tâm làm giàu, nhưng sợi dây gắn bó với những đứa con lang bạt đến với anh ngẫu nhiên quá, cứ như cuộc đời thấy anh nhân hậu nên khéo trao vào tay anh niềm hạnh phúc và cũng nhiều gian nan ấy.

Năm 1992, trong một chuyến công tác ở Hà Nội, anh thấy thằng bé đang đánh giày 13 tuổi mà chỉ như đứa lên 10. Anh chợt nghĩ, nó quay sợi chắc là được, thế là đưa về nuôi và giao việc. Cứ nghĩ thế, đứa thứ hai, anh cũng tình cờ "nhặt" được ở Hà Nội, rồi đứa thứ ba, thứ tư… Dần dần, không phải anh đón bọn trẻ về là để làm việc nữa, anh nuôi chúng nó, cho đi học, đi làm. Bao nhiêu đứa đã lớn lên từ tay anh.

Cho đến nay, số con của bố Tinh đã là 239. Từ khắp nơi, chúng được đưa về đây, Thái Bình có, Vĩnh Phúc có, Thái Nguyên, Nam Định, Ninh Bình, rồi Thanh Hóa, Đà Nẵng, lại cả Phan Rang - Phan Thiết, Bình Thuận, Sơn La, Lạng Sơn… Có đứa anh đưa về, có đứa do các tổ chức, cơ quan hoặc những người biết việc làm của anh, họ giới thiệu.

Năm 1994, Sở LĐTB & XH tỉnh đưa xuống cả một "đoàn" 25 em bị câm. Lại có những đứa người ta mang đến bỏ lại… Anh cho ăn, cho mặc, dạy cho làm điêu khắc, làm mộc, làm hương, bê tông xốp, nuôi lợn gà, lại cả may mặc, cơ khí, xây, điện lạnh… Có nghề anh dạy, có nghề anh mượn thầy, mượn thợ. Nhiều người chia sẻ khó khăn với anh bằng việc dạy miễn phí.

Bây giờ, anh chỉ làm hương vì không có thời gian và tiền của đầu tư vào những mặt hàng kia nữa. Anh nuôi con bằng kinh phí cho thuê một phần đất mở khách sạn. Một ít từ dịch vụ tư vấn lao động mà khi thôi Xí nghiệp Thăng Long, anh đã thành lập Công ty Hỗ trợ phát triển việc làm Thái Bình. Năm ngoái, anh lại mở thêm Trung tâm đào tạo, cung cấp bảo vệ. Trời cho sức khỏe và những kỹ năng nghiệp vụ hồi anh đi bộ đội, làm Công an, bây giờ anh dạy chữ, dạy nghề rồi giúp lo chỗ làm cho hàng chục thanh niên Thái Bình, và cũng là để nuôi bọn trẻ…

Trong 239 đứa, liệt kê ra cũng đủ thấy chật vật: 27 đứa bị câm điếc, 12 đứa bị khoèo, 53 đứa mồ côi, 147 đứa lang thang… Trong số ấy, 129 đứa đang làm việc ở khắp nơi, 71 đứa trở về với gia đình, 7 đứa được nhận làm con nuôi.

Hồ sơ của em La Văn Thịnh ở Làng Phảy, Sơn Phú, Định Hóa, Thái Nguyên, ghi: Mẹ mất, bố lấy vợ hai, nhà đói, đứa em đang đi học, em bỏ nhà đã được 2 tuần. Sau khi lang thang, em đến Thái Bình, được chị Lâm tắm cho và đưa vào Trung tâm. Tài sản kèm theo: 3 quần, 1 áo rét, 2 áo phông, 2 quần đùi. Dạo mới xuống, Thịnh bị bọn xấu rủ rê, suýt nữa đã thành trộm cắp. Bây giờ, hỏi em có muốn về không, em bảo, chỉ muốn ở đây cùng bố Tinh, cùng mẹ và các anh chị.

Anh Tinh còn kể với tôi về Mai Thanh Tùng. Không có bố, năm 1993, lúc 12 tuổi, Tùng được Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em gửi vào Trung tâm. Lúc ấy Tùng đã bỏ nhà đi được 5 năm. Đến năm 1996, anh gửi Tùng lên Trường Cơ khí Đông Anh, rồi về làm ở Hà Nội. Mấy tháng trước, Tùng cưới vợ, bố Tinh đứng ra tổ chức. Hai vợ chồng hạnh phúc lắm.

"Phải đến 90% các cháu từ đường phố có nguy cơ sa đọa. Về đây, các cháu được sống ổn định, khỏe mạnh. Khi ra đường, cũng không còn giao du với bọn xấu… Qua một thời gian bị bỏ rơi, ghẻ lạnh và không được ai quan tâm, tình cảm trong các cháu dần được nhen nhóm lại. Cả nhà chúng tôi ở quây quần và ăn chung trong bếp tập thể. Các cháu có nơi sinh hoạt, rèn luyện thể chất và tâm lý nên đã xóa bỏ được mặc cảm và biết yêu thương mọi người. Bây giờ, các cháu đi làm xa vẫn liên lạc, giúp đỡ nhau và hỗ trợ cho các em nhỏ ở lại," anh Tinh tâm sự

 
Nguyễn Quang Hưng