*




Để Viết Cho Sướng Tay!
2


Villa trông ra biển. Tường phía trước thấp. Gió từ biển tới, vượt khoảng vườn nhỏ, mang những chiếc lá vàng trải lên thềm nhà.
Những Con Dã Tràng

Tôi nhận được một bao thư dầy cộm, không địa chỉ người gửi, trong đựng xấp bản thảo đánh máy. Bút hiệu Mai Thảo hoàn toàn xa lạ với tôi.
Liếc nhìn dòng chữ đầu tiên của bài gửi, tôi giật mình kinh ngạc: Phượng nhìn xuống vực thẳm: Hànội ở dưới ấy.
TTT Trong Đất Trời Nhau..

Câu văn trên làm Hai Lúa nhớ lại cái lần gửi bản thảo truyện ngắn đầu tay tới Sáng Tạo. Và, bởi vì, như TTT viết, ông lo chuyện "đầu bếp", như vậy cái khúc "Tôi nhận được một bao thư dầy cộm, không địa chỉ người gửi, trong đựng xấp bản thảo", cũng có thể áp dụng cho trường hợp Những Con Dã Tràng, truyện ngắn đầu tay của Hai Lúa, lúc đó còn ký Sơ Dạ Hương, cũng "hoàn toàn xa lạ đối với tôi" [TTT].

Tuy nhiên,nó không được đánh máy, mà viết tay. Trên giấy học trò, có dòng kẻ.

Tôi viết truyện này, khi còn thằng em. Nhớ, một bữa, nó lôi từ dưới gầm giường ra cả một thùng giấy, trong, là những tờ giấy học trò, tờ nào cũng bị vò lại, tờ nào cũng chỉ có mỗi một dòng: Villa trông ra biển.
Thằng em hỏi ông anh: Em không hiểu, tại sao mỗi lần viết lại, anh không lại bắt đầu từ cái chữ "biển" đó?
Tôi không thể. Vừa không thể trả lời câu hỏi của thằng em, vừa không thể "lại bắt đầu" từ chữ biển đó. Cứ mỗi lần lôi cái truyện ra, là, lại viết lại cái câu "phù chú" trên, chờ... "phép lạ" xuất hiện!
Không biết tới lần thứ bao nhiêu, bỗng bữa đó, khúc sau bật ra, và tôi biết rằng, được rồi, mình vượt qua được rồi!

Để vượt qua được rồi, như thế đó, với cuốn Trăm Năm Cô Đơn, Garcia Marquez đã phải viết tới ba trăm trang giấy!
*

Đăng bài Anh, tôi viết lời nhắn mời anh đến chơi tòa soạn. Mai Thảo đến.
Anh đi chiếc xe đạp đầm sơn trắng, đầu còn đội mũ phớt kiểu Hà Thành Công Tử. Yên xe đạp được nâng lên cao hết cỡ vẫn chưa vừa với tầm chân của anh. Chúng tôi rủ nhau ra quán cà phê đầu hẻm gần đấy, ngồi trên ghế thấp trên lề đường Lê Lai trông sang bờ tường rào của nhà ga Sàigòn nói chuyện. Hồi ấy anh mới vào Nam, còn ở chung với gia đình anh Viên trong một căn phố đường Jacques Duclos, thuộc khu Tân Định (đường này song song với đường Trần Quang Khải, trong khoảng từ nhà hát bội đến lối vào Xóm Chùa. Tôi nói bỡn: “Anh ở trúng vào con đường mang tên một tay tổ Cộng Sản Pháp”).
Chuyện giữa hai chúng tôi xoay quanh văn chương, thi ca. Anh đọc và nhớ khá nhiều thơ Việt Nam thời hiện đại kể cả loại thơ ít người đọc như thơ Nguyễn Xuân Xanh trong Xuân Thu Nhã Tập. Anh rất chịu thơ Chế Lan Viên. Nhân đề cập đến thơ ở Hànội rồi Sàigòn lúc ấy, tôi nhắc đến một bài thơ gần đây tình cờ đọc trong một trang Văn Nghệ của một tờ báo mới xuất bản: một bài thơ mới, lạ, chững chạc, dưới ký tên lạ hoắc chưa từng thấy: Nhị; một bài thơ lạnh, tôi rất thích chất lạnh của thơ,và cách biểu hiện cảm thức bằng những hình ảnh dở dang, trở đi trở lại dưới những ánh rọi khác nhau, đồng thời với cái tiết điệu biến hoá được nối kết lại bằng những câu trùng; tôi đọc những câu thích nhất, có hơi thơ gần siêu thực:
Lại thấy con đường như lặng
Những đỉnh cây xanh
Và những ngón tay trên phím dương cầm
Đôi guốc mộc trong căn phòng trừu tượng.

Cúi đầu xuống cúi đầu xuống.

Anh lặng nghe tôi bình phẩm, đọc thơ, rồi nói: Nhị là tôi.
Chúng tôi thân thiết nhau ngay từ buổi gặp gỡ ấy.

TTT: Trong Đất Trời Nhau..

Đọc đoạn hai người làm quen nhau, thân thiết nhau ngay từ buổi gặp gỡ ấy, thật khó mà tưởng tượng sau này, khi Mai Thảo ra hải ngoại, viết Chân Dung một số nhà văn, lại có đoạn nói về lần gặp gỡ Thanh Tâm Tuyền tại nhà in hồi làm báo của Vũ Ngọc Các, và ông lầm nhà thơ bạn mình, với một anh thợ sắp chữ!
Hai Lúa thành thực nghĩ rằng, khi MT viết như vậy, ông không hề tin rằng sẽ có ngày bạn mình ra khỏi nhà tù, ra được hải ngoại và viết những lời tưởng niệm, khi MT nằm xuống.
Cũng như những dòng của VP trong Văn Học Miền Nam, về nhóm ST.
Người ta thường cho rằng, bộ sách khổng lồ của VP là để cứu tử văn học miền nam, khi nó bị VC bức tử.
Hai Lúa nghĩ ngược lại.
Đây là cú "cho anh phát súng tim anh... nát" [capstan], tức phát súng ân huệ, "coup de grâce", sau đòn tù cải tạo của VC.