*




Trước một đứa trẻ chết đói, cuốn "Buồn Nôn" chẳng là gì cả.

Phụ trang văn học báo Thế Giới, số tháng Tư 2001, đặc biệt về triết gia người Pháp, Jean-Paul Sartre ("Người ta đã xong chưa, với Sartre?"), đã ghi lại câu trên, được phát biểu trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo này, vào năm 1964: "En face d’un enfant qui meurt, la Nausée n’a pas de poids": Trước đứa trẻ đang chết…. Nhưng cũng chính trong phụ trang văn học nói trên, trong cuộc phỏng vấn nhà văn Peru, Mario Vargas Llosa, câu trên lại là: "… La Nausée ne fait pas de poids ‘face à un enfant qui meurt de faim’: cuốn Buồn Nôn chẳng có ký lô nào ‘trước một đứa trẻ chết đói’.
Sartre đã ảnh hưởng tới "một vài" thế hệ những nhà văn, trong số đó, có Llosa. Khi được hỏi, phải chăng, "Sartre ảnh hưởng rất nhiều ở nơi ông, cả hai mặt tích cực và tiêu cực", Llosa đã trả lời, "Đúng như vậy, Sartre quan trọng số một trong thời trẻ của tôi, cho tới khi tôi dãn ra, tới độ phủ nhận ông…. Cú sốc đưa đến chuyện đoạn tuyệt vô phương hàn gắn, đó là từ câu tuyên bố của Sartre, trong cuộc phỏng vấn trứ danh trên tờ Le Monde và năm 1964, như trên. Sartre còn nói thêm, đối với những nhà văn thuộc thế giới thứ ba, họ nên từ bỏ viết, lo những công tác giáo dục hay chính trị. Đây đúng là một sự phản bội, từ một con người đã từng dậy tôi (Llosa) rằng, "những chữ là những hành động." (les mots sont des actes).

Thật khó mà nói, "đã xong rồi", với một tác giả khổng lồ như Sartre. Khổng lồ, cả về hai mặt vinh quang và lỗi lầm. Dấn thân hết mình, về cả hai mặt, sống và viết. Như câu tuyên bố của ông cho thấy, Sartre không tin tưởng cho lắm vào văn chương. Ở một chỗ khác, ông viết, "Ham viết, thèm viết, một cách nào đó, là chối từ sống." ("L’appétit d’écrire enveloppe un refus de vivre."). Tuy nhiên, số lượng tác phẩm của ông thật khổng lồ, hầu hết do Gallimard xuất bản: Tưởng tượng (L’Imagination, 1936); Buồn Nôn (1938) Bức Tường; Phác họa một lý thuyết về cảm xúc (1939); Giả tưởng (L’Imaginaire,1940); Những Con Ruồi (kịch); Hữu Thể và Hư Vô (1943); Phê bình lý luận biện chứng (1960)… Ông đã ảnh hưởng tới rất nhiều nhà văn của hậu bán thế kỷ 20, thường thường, lúc đầu họ đều mê ông, như trường hợp nhà văn người Peru kể trên. Hoặc như trường hợp nhà văn người Đức, Guenter Grass Nobel văn chương. Grass cho rằng, khi chọn Camus thay cho Sartre, một cách nào đó, ông đã đúng, ít ra là đối với riêng ông: như là một nhà văn. Llsosa, trong một bài tiểu luận nhan đề "Giữa Sartre và Camus", đã chọn Camus.

 Sau đây là một vài trích dẫn, từ những tác phẩm của Sartre.
"Phải viết cho thời đại của mình, như những nhà văn lớn đã làm. Nhưng điều này không có nghĩa, phải chết cứng ở trong nó. Viết cho thời đại không có nghĩa, phản ảnh nó một cách thụ động, mà là, mong muốn nắm bắt, hay thay đổi nó, và như vậy có nghĩa, vượt qua nó, về tương lai, và chính sự cố gắng muốn thay đổi thời đại đã làm cho chúng ta ngự trị sâu thẳm ở trong nó; bởi vì thời đại sẽ không còn giản lược về một tập hợp chết, của những đồ dùng hay tập quán, mà là chuyển động nó tự vượt nó, hoài hoài, hoà nhập trong nó là một hiện tại cụ thể và một tương lai sống động, của tất cả những con người làm nên nó."
(Thời Mới, tháng Sáu 1948).
"Mỗi lần tôi phạm lỗi lầm, đó là bởi vì tôi đã chưa đủ triệt để"
(Nhận Định X)
Trong những lỗi lầm của Sartre, có vụ liên quan tới cuộc khởi nghĩa Budapest của nhân dân Hungary, vào năm 1956. "Một ô nhục", theo một tác giả trên tờ Le Monde, vào năm 1996, khi Sartre "chấp thuận" (approuver) chuyện chiến xa Liên Xô đè bẹp cuộc cách mạng. Trên tờ L’Express số đề ngày 9.11.1956, Sartre, trong một cuộc phỏng vấn, trước tiên đã "kết án, không chút dè dặt", sự can thiệp của Liên Xô vào Hungary, coi đây là "một lỗi lầm không thể tưởng tượng được", "một tội ác"… nhưng cần phải đọc hết cuộc phỏng vấn.
Lẽ dĩ nhiên, quyết định của điện Cẩm Linh là "một lỗi lầm không thể tưởng tượng được", nhưng… "tất cả cho thấy rằng, cuộc nổi dậy "có chiều hướng phá huỷ toàn bộ hạ tầng cơ sở xã hội". Đó là "một tội ác", nhưng… "trong những nhóm người này, kết hợp nhằm chống lại những người Xô Viết, hoặc để đòi hỏi họ ra đi khỏi đất nước Hungary, người ta nhận ra, có những thành phần phản động, hoặc bị nước ngoài xúi giục"…. "sự có mặt (chứ không phải hành động can thiệp thô bạo) của Liên Xô là "một điều cần thiết"….
Lịch sử sau đó cho thấy, nhân loại đã biết ơn rất nhiều ở cuộc cách mạng Hungary vào năm 1956. Chính nhờ nó, mà Liên Xô nhận ra một điều, chuyện nhuộm đỏ cả Âu Châu, là một toan tính cần phải "xét lại". Ngay Sartre, trong cuộc phỏng vấn kể trên cũng phải công nhận, lần đầu tiên có một cuộc cách mạng không mang mầu đỏ của phe tả (pour la première fois… nous avons assisté à une révolution politique qui évoluait à droite).
Tất cả những khẳng định của Sartre đã được tờ Pravda đăng tải, cộng thêm những lời ca ngợi cuộc can thiệp của Hồng Quân, như của Janos Kadar, vào ngày 5 tháng 11. Một tháng sau đó, chúng trở thành những lời buộc tội những người cầm đầu cuộc cách mạng…
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã ca ngợi cuộc cách mạng Budapest bằng những vần thơ sau đây, được thi sĩ trước tác vào tháng 12 năm 1956:

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest

Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi
Hãy cho anh ngủ bằng trán em
Đau dấu đạn
Đêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
 

Cũng vẫn thi sĩ, trong một, trong những bài thơ đầu tiên, đã nhận ra sự "thất bại trong chiến thắng", của một miền đất:
Chúng nó làm phát xít
Chúng nó làm cộng sản
Chúng ta làm tù nhân
(Trích bài thơ Tù Binh, trong tập Tôi Không Còn Cô Độc, Sài Gòn, 1956)