*




Matute ?
“Một chút Matute (Tây Ban Nha”) thì tôi mù tịt hai chăm phần chăm; không những tôi chỉ không biết Matute là ai, là ông hay bà, tôi còn chưa bao giờ nghe nói đến cái tên Matute. Chuyện nhân vật Matute là ông hay bà chắc tôi phải kính hỏi ông Nhà Văn kiêm Nhà Biên Khảo Nguyễn Quốc Trụ, hỏi cho chắc ăn, bất sỉ thượng vấn, lỡ ra Matute là bà mà tôi không biết tôi gọi là ông, để rồi bị ông Nguyễn Quốc Trụ lâu lâu ông ý buồn, ông ý móc ra, bị ổng ghét thì ổng chửi là ngu, được ổng thương thì bị ổng riễu, ổng chọc quê! Dại gì!
CTHĐ: VỢ…, TUYẾT và TRƯƠNG PHI…
[Đặc Trưng online]

Kính ông anh CTHĐ,
NQT này cũng chẳng biết Matute là ai, nhưng vào thời đại net, cứ vô Google, hay Britannica, là có ngay:
Ana María Matute
born July 26, 1926, Barcelona, Spain
Spanish novelist known for her sympathetic treatment of the lives of children and adolescents, their feelings of betrayal and isolation, and their rites of passage.
Như thế, Matute là nữ văn sĩ TBN
Chú thích: CTHĐ là bạn với ông anh của NQT, là ký giả Hiếu Chân, hay nhà văn Nguyễn Hoạt.

Kính Ông HHT
Tôi đã đọc những thư độc giả của ông, gửi cho ông, trên tờ Sài Gòn Nhỏ. Lạ một điều, không một ai còn nhớ, hoặc nhắc tới Hoàng Hải Thuỷ nhà văn, mà chỉ khen Hoàng Hải Thuỷ, nhà phóng tác.
Ngay chính ông, ông cũng không bao giờ nhắc tới tác phẩm đó. Tại sao vậy?
Không lẽ ông đã quên tác phẩm tuyệt vời đó?
Đó là một tác phẩm tuyệt vời. Thật là tuyệt vời, không phải ngày xưa khi tôi đọc nó, mà ngay cả bây giờ, vào lúc này, khi về già, và tưởng tượng ra nó.
Hi NQT
Ông nói đến quyển nào thế, cho tôi biết với. HHT
*
Cái tác phẩm đầu tiên mà tôi đọc, và mê liền, rồi cứ phải tưởng tượng ra nó, của Hoàng Hải Thuỷ, như tôi còn nhớ được, là một cuốn tiểu thuyết đăng báo hàng ngày, tờ Ngôn Luận thì phải.
Tên của nó là Nổ Như Tạc Đạn.
Cái cảnh tượng tuyệt vời nhất, mà tôi còn nhớ, là nhân vật chính, một thứ James Dean của La Fureur De Vivre, hay một Salinger của Bắt Trẻ Đồng Xanh, anh chàng này vào một tiệm sách, không phải để mua, mà là để chôm...
Tớ thích làm thế, chẳng để làm gì cả, chẳng để chứng minh, chứng tỏ gì gì cả...
Hình như thế, nếu phải giải thích một hành động...  như thế.
Một thứ "acte gratuit" chăng?
Một thứ tự khẳng định mình, của tuổi trẻ chăng?
Nào ai biết được!
Nổ Như Tạc Đạn. Nội cái tít thôi, "cũng đủ lãng quên đời" rồi, phải chăng ông anh HHT?
NQT

HHT đã từng sáng tác. Tôi không hiểu Nổ Như Tạc Đạc, là sáng tác đầu tay, hay cũng là dịch phẩm, nhưng tôi nhớ là nó khác hẳn những cuốn phóng tác sau này của HHT. Tôi đọc nó, khi còn là một cậu học sinh, nhà nghèo, chuyên môn đọc cọp. Hoặc đứng ở sạp báo đọc cọp báo. Hoặc vô tiệm đọc cọp sách. Tôi nhớ có một lần vô nhà sách Lê Phan ở đường Phạm Ngũ Lảo, đọc cọp cuốn Những Người Khốn Khổ, nguyên bản tiếng Tây, mê mẩn [cô Cô Dét] đến nỗi một cô bán hàng phải đến bên cạnh nhắc nhở, đủ rồi, đi chỗ khác chơi, cho người ta nghỉ ngơi một chút!
Đứng trông chừng ông nhóc cả một buổi, mệt quá!
Ấy vậy mà có một kẻ hiên ngang vô tiệm sách, chơi một cuốn, "chẳng để gì cả", thì quả là ghê gớm thật!
Nhưng rõ ràng là HHT có sáng tác. Ông có thể không nhớ, nhưng tôi nhớ.
Đó là một truyện ngắn, đăng trên tuần báo Nghệ Thuật, lẽ dĩ nhiên là tại Sài Gòn.
Liệu ông anh còn nhớ "nó" không?
NQT

Cùng một lứa bên đèn lận đận.
Đó là câu chuyện, về cái chết của Bá Thỏa, chị ruột nhà văn Nguyễn Hoạt.
Bà Thoả này, suốt đời không lấy chồng, ở vậy, lo cho ông em, là ký giả Hiếu Chân, tức  nhà văn Nguyễn Hoạt. Bà, do bị đau mắt hột, từ khi còn nhỏ, nên trở thành mù dở. Bữa đó, bà đi lấy mấy bộ đồ giặt ủi cho ông em, hình như hôm sau, đi hội đi họp. Do mù dở, bà té xuống một cái giếng cạn. Bà cố leo lên, rồi lại té xuống. Đám thanh niên trong xóm, khi biết chuyện, bèn nhảy xuống giếng, thòng dây, kéo bà lên, gần tới miệng giếng, dây đứt, bà rớt xuống thêm một lần chót, và mất. Người xây xát, nát bấy, lúc đầu cảnh sát nghi, bà bị giết hại, nhưng thực sự, bà chết là do lòng tốt và do sự quá sốt sắng của mấy người thanh niên trong xóm. Giá họ chờ kiếm cho được một sợi dây mới hơn, bền hơn, thay vì sợi dây mục, bà đã không chết.
Câu chuyện trên, ông HC kể cho ông bạn HHT nghe, trong một quán đen. Tối hôm đó, về nhà,  say quá, buồn quá, thương bạn, thương người đàn bà già không chồng, chết lãng xẹt, HHT kể lại cho độc giả tờ Nghệ Thuật nghe.
Hai Luá nhớ, vì một số chi tiết. Bà Thoả, Hai Lúa biết từ những ngày đầu về Hà Nội học, ở trọ nhà bà chị Giậu, vợ ông Hoạt. Có thể vì Bà Thỏa "khó tính khó nết", nên Cô Dung của Hai Luá mới kêu Hai Luá tới ở với bà, nhờ vậy mà Hai Luá được ăn học đàng hoàng.
Những quan trọng nhất là chi tiết quán đen.
Người đầu tiên đưa Hai Lúa tới một quán đen, khi Gấu còn đi học, là ông anh Hiếu Chân.
Như thể ông biết, thằng em, sau này sẽ thế ông, tới lo dọn dẹp, hương khói đèn nhang.
Quán!

*
Lần đầu tiên, tôi bị bắt là năm 1977, chỉ vì mấy bài viết kiểu “tạp ghi” thương thân trách phận, than khóc kẻ đi người ở, nói nỗi buồn của tôi, gia đình tôi, của người dân Sài Gòn. Họ bắt giam tôi 2 năm. Tôi không hề tham gia tổ chức chính trị nào, tôi cũng không thể dùng võ lực để chiếm lại chính quyền, tôi cũng không kêu gọi ai cầm dao, cầm súng để lật đổ chế độ…

HHT trả lời phỏng vấn
Viết mấy bài kiểu "tạp ghi" mà đi tì hai niên. Tạp ghi gì mà ghê vậy?
Hai Lúa nghe đồn, HHT sưu tầm những câu chuyện, những bài hát 'nhạo nhại" trong dân gian, về chế độ mới. "Như có Bác Hồ trong nhà thương Chợ Quán"? Hay "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, Râu Bác dài, Bác nhảy tango"?
Những ngày đầu 'giải phóng', quả là có quá nhiều tiếu lâm, nhạc nhại, chủ yếu nhắm vào Bác Hồ. Ghi lại ở đây, không hề có ý xỏ xiên, vì dù sao Bác cũng mất rồi. Nhưng như là một thứ "sử liệu", dành riêng cho VHQ, Thăng Long Văn Sĩ, nếu sau này, anh muốn viết văn trở lại, thay vì viết những bài vớ vẩn như "thư góp ý".
Hai Lúa cũng đã từng có một kỷ niệm khủng khiếp, vì dám đụng tới Bác Hồ! Nhưng lần đó, phải công nhận, mấy đồng chi cán bộ quản giáo đã giữ đúng lời hứa, không bắt tội.
Lần đó, bây giờ nghĩ lại, vẫn còn thấy rùng mình, vì, sao mà ngu đến như vậy!
Có một truyền thuyết, những ngày đầu 'giải phóng', đám 'Ngụy' có quyền bàn luận, chỉ trích, phê bình chủ nghĩa CS, nhưng chớ có đụng đến Bác Hồ! Thế mà ông anh lại dám đi vài bài tạp ghi, thì "bảnh" thật!