*




Khi nào bạn bắt đầu làm thơ?


Những người lính chuyên nghiệp kể cho Jennifer tôi một kinh nghiệm như thế này: sau khi ăn một quả pháo mà không chết, nói rõ hơn, ngay sau khi một quả pháo nổ kế cận bên họ, là nhẩy vào cái hố vừa mở ra, biết chắc chắn một điều, quả pháo kế tiếp không thể nào nhè chỗ đó mà nổ.

Những cư dân của một thành phố Sài Gòn thời kỳ chiến tranh chắc còn nhớ kinh nghiệm này: khi nghe tiếng hoả tiễn réo xèo xèo ngang đầu, là biết rõ một điều, trái hoả tiễn đó không dành cho mình
*

Richard Murphy, trên tờ Granta số Mùa Thu 2001, đã tự hỏi, không hiểu mình bắt đầu làm thơ vào lúc nào, và ông nhớ ra là đúng vào thời kỳ ăn bom bay của Đức quốc xã. Ông viết: Trong trí nhớ của tôi, cái tham vọng mần thơ đã tóm lấy thằng bé vào đúng cái tuổi xốn xang vừa mới lớn, khi học thuộc lòng mấy vần thơ Shakespeare tại trường trung học Wellington College. Đó là năm 1944. Người Đức đang trút bom bay như mưa xuống Anh Quốc. Khi bạn nghe thấy tiếng, giống xe bình bịch (xe gắn máy) nổ, ở trên trời, là biết, bạn an toàn. Khi nó không nổ nữa, có nghĩa hết nhiên liệu, và “cái” thời gian bạn hết nghe tiếng xe gắn máy nổ, biết trái bom sắp rớt, biết đâu lại không ngay trên đầu mình, đó là lúc hứng thơ dâng trào!
 
 Ấy là Jennifer tôi hơi “bị” cường điệu. Đúng ra, tác giả nhớ lại là, vào lúc đó, ông mê một người bạn cùng một tuổi với ông, một tay điền kinh “mà số phận” (… who was destined) là phải vô Hải quân Hoàng gia. Sợ bom gần chết, lại thêm một ông quản gia vốn sống sót sau vụ “the Somme” (địa danh, nơi xẩy ra những vụ làm thịt người đầu tiên, vì tín ngưỡng) thúc thêm vô, thế là tôi tìm một chỗ ẩn núp, trong cái quan niệm về tái sinh, theo đó, một bài thơ, nếu được làm cho tới nơi tới chốn, nó sẽ thọ hơn người làm ra nó, sẽ đem lại đời sống sau cái chết, cho chính anh ta, và những người thân thương, ở trong trí tưởng của người đọc.
 
 (Liệu có phải đây là lý do, văn minh “nhân loại” bắt đầu bằng những trận đánh, đầu tiên là giữa những vị thần, những bán-thần, rồi tới người trần mắt thịt. Bởi vì, hết chiến tranh thì lấy đâu hứng mà bắt đầu làm thơ! Tưởng chuyện đùa, nhưng hãy thử hỏi, tại sao văn học Tây phương bắt đầu bằng “Iliade”? Hãy “thử” đọc Simone Weil, “Chiến tranh hay là Bài thơ của Sức Mạnh”, viết về “Iliade”.) 

 Tác giả kể tiếp, một năm sau đó, cỡ chừng vậy, khi là một sinh viên 17 tuổi ở Oxford, đói sex gần chết, ông lại quanh quẩn với ý nghĩ trở thành một thi sĩ. Kết quả là, ông trượt kỳ thi kiểm tra.
 

 Murphy, tác giả bài viết ‘Những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi” trên số Granta nói trên, sinh năm 1927 tại Tây Ireland. Cuốn tự thuật của ông, “The Kick”, sẽ được Granta Book xuất bản vào năm tới (2002). “Tuyển tập thơ” của ông đã được xuất bản ở Ireland và ở Mỹ. Hiện đang sống ở Dublin, Durban và Nam Phi. Trong bài viết, ông kể lại những kinh nghiệm đói sex, đói thơ, và những cuộc gặp gỡ những nhà thơ. Sau đây là trích đoạn, cuộc gặp gỡ thi sĩ W.H. Auden.

  Barbara Epstein, biên tập viên của tôi ở tờ Điểm Sách Nữu Ước, mời tôi ăn tối tại căn phòng của bà ở Nữu Ước, vào bữa 22 tháng 11, 1975. Người khách độc nhất còn lại kia, là W.H. Auden. Cách đó vài năm, tôi đã gặp ông, ở Stratford-upon-Avon, trong một buổi đọc thơ, và nó để dấu ấn ở trong tôi, bởi vì ông thuộc lòng những bài thơ của mình. Khi ông ngần ngừ ở một dòng, trong một bài thơ dài, ông chẳng thèm mò mẫn cuốn thơ của mình, mà lại nhắm mắt lại, ngẩng mặt lên, như hỏi ông Trời, hãy nhắc giùm ông điều gì ông muốn nói, khi mần thơ. Và một khi trở lại với bài nói chuyện, ông như được tạo hứng từ cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với ông Trời như thế đó, và cứ thế chuyển những ý tưởng của mình thành lời. Đó là điều làm cho bài thơ thật là thú vị.

  Barbara kể lại, một lần mời nhà thơ, ông lầm phòng, bấm chuông, và được một cặp, chẳng phản đối phản điếc gì cả, mời vô, ông ngồi bệ vệ trong chiếc ghế bành, đòi một ly martini vodka. Tay cầm ly rượu, ông cứ thế độc thoại, và cặp vợ chồng ngớ người, không dám lên tiếng ngắt cuộc độc thoại, cho tới khi ly rượu cạn. Như nhận ra sự vắng mặt của chủ nhà, Auden hỏi, và được trả lời, vợ chồng Epsrein ở căn phòng tầng lầu bên trên.

  Murphy kể lại, cuộc gặp gỡ chẳng thú vị gì, vì bất cứ chuyện gì, hễ chủ nhà và ông vừa mới mở miệng là bị nhà thơ ngắt lời. Khi “bị gợi ý”, rằng nhà thơ là một tay lang chạ, Auden phản đối, “Các bạn có vẻ không hiểu, tôi luôn luôn tìm kiếm một người bạn thứ thiệt”. Và giải thích thêm: “Mọi lang chạ trên đời là để tìm kiếm một người bạn lý tưởng.” [Ghi chú thêm ở đây: Auden là một nhà thơ đồng tình luyến ái].

  Sau bữa ăn, ông nói: “Tôi hy vọng ông Trời cho tôi đi ở tuổi bẩy mươi. Đừng sống quá khoảng đời tự nhiên của mình.” Ông muốn mọi thư từ của ông được đốt bỏ, khi ông chết, như ông đã từng đốt bỏ thư của người cha, mà không đọc, khi cha ông mất; ông muốn bạn bè đốt bỏ thư của ông gửi cho họ, và điều này được ghi trong di chúc. Bằng cách đốt bỏ mọi giấy tờ như vậy, ông hy vọng chẳng ai có thể viết về cuộc đời của ông. Như những y sĩ của một thời xa xưa, giấu kín mọi khám phá y học, ông hy vọng mọi bí mật về đời mình sẽ cùng đi với ông xuống mồ.

  ***

 Và câu chuyện nàng Hélène thành Troie liệu có giông giống chuyện hai ông thần Sơn/Thủy tranh nhau một cô công chúa con vua Hùng? 

 Nhưng Hélène đâu còn đáng kể gì nữa, khi Troie sẵn sàng quì mọp trước những người thắng trận: 

 Bây giờ người ta chẳng thèm những của cải Pâris
 Kể cả Hélène; bằng ấy kẻ, dù là tên ngu xuẩn nhất, đều nhận ra,
 Troie bây giờ đang bên bờ thất thủ…

 “Qu’on n’accepte à présent ni les biens de Pâris,
Ni Hélène; chacun voit, même le plus ignorant,
Que Troie à présent sur le bord de la perte.” 

Như vậy là chúng ta lại trở lại với nỗi chết không rời, những trái hoả tiễn, và câu hỏi khi nào bạn bắt đầu làm thơ. 

Simone Weil viết:

“Điều mà họ muốn, phải là tất cả: Tất cả những của cải của Troie, như là chiến lợi phẩm; tất cả những dinh thự, đền đài, nhà cửa: tro bụi; tất cả những đàn bà, trẻ em: nô lệ; tất cả những người đàn ông: xác chết.”

Jennifer Tran