*





Trái Tim Của Bóng Đen Ở Đâu?

Thật khó mà bỏ qua một câu hỏi: chế độ thực dân đã huỷ hoại đất đai, con người, môi trường sống tới mức nào ở một đại lục nay biến thành đại dương giông bão (this ocean of troubles); và những người Phi Châu đã làm gì với quê hương của mình, khi không còn thực dân? Ở đó, không có khu vực nào gây ra nhiều tranh cãi cho bằng xứ Congo. Thời kỳ thực dân, đây là nơi diễn ra những điều tàn bạo, “trời không dung, đất không tha”, trải dài mấy chục thập niên, khi nó còn là tài sản riêng của vua Bỉ, King Leopold II. Ông này thu được một tài sản khổng lồ, bằng cách bắt dân lao động nô lệ, thu gom cao su mọc hoang dã ở trong rừng. Quân đội riêng của ông bắt người dân làm việc kiệt lực rồi cứ thế nằm xuống; hãm hiếp, cầm tù, bỏ đói vợ con, (như là những con tin để bắt chồng, cha của họ lao động); dẹp tắt mọi bạo động, mọi cuộc trốn chạy vào rừng núi của những con người khiếp sợ… Theo tài liệu thống kê của chính quyền Bỉ, cỡ chừng 10 triệu con người đã nằm xuống trong thời gian trị vì, và tiếp theo sau đó, của vua Bỉ. Một vài nhà sử học cho rằng, con số thực cao hơn. Hannah Arendt, trong cuốn Những Cội Nguồn của Chủ Nghĩa Toàn Trị (The Origins of Totalitarianism) đề nghị con số 12 triệu, còn nhà sử học đương thời của Congo, Isadore Ndaywel e Nziem: 13 triệu.

Chừng 12 năm sau khi tài sản riêng của ông vua chuyển qua chính quyền Bỉ (1908), những viên chức nhà nước nhận ra một sự thực: nguồn nhân lực lao động nô lệ sẽ cạn. Nhưng cũng như hầu hết những xứ sở Phi Châu, lực lượng lao động cưỡng bức vẫn cứ thế lai rai suốt trong thời Đệ Nhị Chiến. Tới buổi đêm của Ngày Mai Độc Lập (the very eve of Independence), chiếc roi gai dùng để dậy dỗ nô lệ, “chicotte” vẫn được coi là hợp pháp.

Với một gia tài của mẹ như thế, làm sao mà khá cho nổi! Nhưng người ta không thể đổ lỗi cho chủ nghĩa thực dân thuộc địa. Nói theo nhà văn Jamaica Kincaid, trong một cuộc phỏng vấn:

Di sản của chiến thắng, chinh phục hầu hết là dưới dạng của sự tàn nhẫn, độc ác. Không phải tình yêu, lòng nhân ái, từ thiện, nhưng mà là sự độc ác… và đây là đúng kiểu, cho mọi cuộc sống thuộc địa… Bạn cứ tới những nơi mà chiếc xiềng thực dân thật sự bằng thép, và tỏ ra hết sức hữu hiệu: Phi Châu, vùng Caribbean… Phi Châu là một thảm họa. Tôi không hiểu đất đai con người ở đây có ngày sẽ lành mạnh trở lại hay là không…. những người Phi Châu đối xử với nhau thật là độc ác. Làm sao có chuyện những ngài thủ lãnh Phi Châu nhìn vào mặt con dân của họ, và rớt nước mắt… Bởi vậy dưới thời thực dân, con người ở đây ăn rất ít, dưới thời của người Phi Châu, họ chẳng ăn gì cả…

Bạo chúa Mobutu Sese Seko, trị vì từ 1965 tới 1997, đổi tên nước là Zaire, và “đòi” đất nước “trả công” cho ông: 4 tỉ, hơn cả con số chắt chiu dành giụm trong bao nhiêu năm trời của vua Bỉ Leopold II. Ông và thân quyến, đệ tử… vắt kiệt xứ sở đến nỗi, khi bạo quyền cáo chung, người dân ở đây còn thê thảm hơn thời kỳ cáo chung của 80 năm thực dân thuộc địa. Đám viên chức của cái chính quyền bị phá sản đó đã cứ thế mà đánh nhanh rút gọn, vơ vét cào cấu bằng đủ mọi trò có thể nghĩ ra được: đánh cướp chính mình, tức là biến đồng tiền đang là của chung thành của riêng, ăn hối lộ… (liệu chúng ta có thể tưởng tượng ra nổi, thời kỳ cáo chung của chủ nghĩa toàn trị ở trong nước?).

Người ta có thể đổ lỗi cho Tây Phương, khi sử dụng con bài Mobutu. Ông ta khởi nghiệp bằng cách làm nhân viên chìm cho nhà nước bảo hộ, trong lực lượng kháng chiến đòi hỏi độc lập. Rồi ngay sau Độc Lập, là sự cầm tù và sát hại Patrice Lumumba. Đây là do bàn tay lông lá của Mẽo, (nhưng có sự hỗ trợ của ‘đàn em’, tức chính quyền Bỉ, theo như một cuốn sách mới nhất, Vụ ám sát Lumumba, L’Assassinat de Lumumba, tác giả Ludo De Witte, nhà xb Karthala, Paris). Khi làm thịt một vị lãnh đạo dân chủ đầu tiên, do nhân dân chọn lựa, Tây Phương đã đóng lại vĩnh viễn (ít ra là cho tới bây giờ, và cho tới bao giờ?) mọi cánh cửa mở ra cho một xứ sở.

Làm sao người ta có thể tưởng tượng một Nam Phi bây giờ, nếu thiếu Nelson Mandela?

Kurtz là tên nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết của Joseph Conrad, Trái Tim Của Bóng Đen, một cuốn tiểu thuyết viết về “điều mà ông (Conrad) mô tả”: một cuộc tranh giành của cải (ngà voi, nô lệ da đen) xấu xa thô bỉ ở Phi Châu (Congo), làm méo xệch lịch sử lương tâm nhân loại. Tác giả đã tạo ra nhân vật của mình, từ một số nhân vật có thực ở ngoài đời, những kẻ tiên phong trong công cuộc thực dân khai hóa, đem ánh sáng văn minh của Âu Châu tới những vùng đất còn man rợ, tới Trái Tim của Bóng Đen, là Phi Châu, nhưng sau cùng nhận ra, Trái Tim của Bóng Đen này nằm trong hồn, trong tủy của… chính họ!

 Jennifer Tran