|
How
many languages do you know?
(Anh biết mấy ngôn ngữ?)
Do đến trại tị
nạn sau “tử
điểm”, tức là sau thời hạn được
“tự động” coi là tị nạn chính trị, những người như tôi phải trải qua
một
cuộc thanh
lọc, qua đó nhà chức trách nước tạm dung sẽ quyết định coi đủ tư cách
tị nạn
chính trị, hay chỉ là di dân kinh tế.
Thời gian chờ
đợi thanh lọc thường trên dưới một năm. Với
chúng tôi, nó còn là thời gian “chạy thuốc”: liên lạc thân nhân ở nước
ngoài,
nếu có, hoặc bạn bè, cơ quan, đơn vị cũ… để xin tiếp tế và lo giấy tờ
xác nhận,
hoặc làm hồ sơ bảo lãnh.
Nhân đọc một số báo (hình như của lực lượng
kháng
chiến Hoàng Cơ Minh) ở trong trại, thấy tên nhà văn Trùng Dương, tôi
viết thư
tới bà, qua địa chỉ toà soạn.
“Thư
của bạn
tới tôi sau khi đã đi gần hết nửa vòng trái
đất,” bà viết thư trả lời, từ một địa chỉ Hồng Kông, do đang được học
bổng
nghiên cứu về Trung Hoa lục địa. Bà than giùm, “Bạn qua trễ quá!”
Kèm,
là thư
của Nguyễn Ngọc Ngạn (khi đó là chủ tịch Văn Bút
Việt Nam Hải Ngoại), gửi cho Trùng Dương, chứ không phải cho tôi, “Bạn
nhờ tôi can thiệp cho
một ông
bạn nào đó, nhưng lại quên không cho địa chỉ…”.
Tôi liên lạc. Anh trả
lời, gửi
tặng sách (cuốn Ý Trời, nguyên tác tiếng Anh, anh là tác giả, The
Will of Heaven, chắc là muốn dặn dò khéo: hãy cố lo học
tiếng
Anh!).
Kèm
giấy xác
nhận. Là hội viên Văn Bút Việt Nam từ trước 1975.
Sau này gặp, anh cho biết, đã
phải nhờ một tờ
báo địa phương lo in giùm, chỉ bốn giấy chứng nhận, với tiêu đề Văn Bút
Việt Nam
Hải Ngoại thật tuyệt. Bốn tờ xác nhận, cho bốn người, lúc đó
đang ở
trại tị nạn vùng Đông Nam Á. Ở Thái Lan, có ký giả Hồ Ông và tôi.
Có thể, việc xác nhận là
“bổn phận”
của anh, với tư cách đương kim chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại,
nhưng cứ nghĩ đến cảnh
anh
loay hoay nhờ cậy người này người nọ “vẽ” giùm cho một “tác phẩm” đẹp
tuyệt vời như trên, thật là đáng quí.
Thật sự, nếu gặp một người
khác, không phải anh, có thể mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Chả là, trước 1975, do viết ba
thứ phê bình điểm sách, khi tuổi còn
trẻ, ngựa non háu đá, như các cụ nói, Gấu tui gây không ít ân oán
giang
hồ. Cứ nghĩ, nếu gặp một ông, hay một bà, đã từng bị Gấu tui phạng,
chưa chắc người
đó đã xử sự như Nguyễn Ngọc Ngạn. Hơn nữa, tôi còn nhớ, đúng
thời gian đó, một số nhà văn hải ngoại đang
vận
động ký tên danh sách yêu cầu nhà nước Việt Nam thả nhà văn Dương Thu
Hương [thời gian 1990 -1992, hình như vậy]. Trên tờ Làng Văn, có bài
viết về trường hợp này, của Nguyễn Ngọc Ngạn. Anh
cho rằng, cái việc khóc người hàng xóm, trong khi bà con thân nhân của
mình đang bị kẹt ở trại tị nạn, và có nhiều nguy cơ bị trả về cho ông
nhà nước xi-xi, là một việc làm cần xét lại.
Tôi gặp Hồ Ông
tại trại cấm Sikiew, do anh tới trại trước,
và đã trải qua thanh lọc. Anh dặn tôi, khi đi thanh lọc, phải nổ. Và nổ
thật dữ. Đừng khiêm tốn. Không được quyền khiêm tốn!
Anh lấy thí dụ, tay thanh lọc đã hỏi anh:
-Ông có nghĩ, ông là một ký giả nổi tiếng, chống Cộng, và rất nguy hiểm
cho chế độ hiện thời ở Việt Nam?
Hồ Ông trả lời:
-Đúng như vậy. Riêng về trường hợp nổi tiếng, tôi có thể chứng minh
liền lập tức. Khi thuyền tị nạn chúng tôi tới bờ biển Thái Lan, đài
truyền hình địa phương đã cho phóng viên tới gặp, và phỏng vấn tôi.
Ngoài tờ giấy
xác nhận của Văn
Bút, tôi có thêm được một
tài liệu
quí giá cũng chẳng kém: cuốn "Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam", còn có
tên
thật nổ là "Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta", do
Nguyễn
Đông Ngạc
xuất bản. Trong, có hình tôi, và vài dòng tiểu sử. Cuốn này tôi cũng
tình cờ gặp được ở trong trại. Chủ nhân cuốn sách, một học trò học
tiếng Anh của tôi,
đã tặng
luôn cho thầy, làm tài liệu thanh lọc.
Phỏng vấn
thanh lọc, thường do một sinh viên luật Thái Lan
đảm trách, với một thông dịch viên,thưòng là một người Việt ở Thái Lan.
Như đa
số ở đây,
họ đều có cảm tình với miền bắc. Nhà thường có treo hình ông Hồ. Nhưng
cảm
tình hay
không cảm tình, nói chung, họ cố dịch trung thực những gì họ nghe, và
hiểu được.
Trong
cuộc
phỏng vấn thanh lọc, có mấy chi tiết thật lý thú liên quan
tới “văn chương” có lẽ cũng nên viết ra ở đây, để bạn đọc cùng thưởng
thức.
Nói
chung,
thường rất khó mà hiểu được, người phỏng vấn tin
hay không tin, những câu trả lời. Và thường ra, họ giữ một bộ mặt hết
sức khách
quan, phải nói là dửng dưng, lạnh lẽo, suốt buổi hỏi cung. Riêng trường
hợp của
tôi, khi nghe tôi nói là nhà văn, anh sinh viên luật nhìn phần lý lịch
ghi trên
tờ phiếu cá nhân trong hồ sơ Cao Uỷ Tị Nạn, và không qua thông dịch
viên, hỏi
thẳng bằng tiếng Anh:
-Anh nói anh
là nhà văn, nhưng anh viết thứ gì?
Nhớ lời dặn
của Hồ Ông, tôi cho tới luôn:
-Tôi viết
truyện ngắn, và phê bình văn học.
Anh nhìn lại
tờ lý lịch và nói:
-Tôi cho anh
nói lại. Ở đây, thấy ghi anh học hết trung học,
có một văn bằng đại học. Anh nói anh làm thơ, viết truyện ngắn, tôi
tin. Nhưng
phê bình văn học, tôi không tin. Tôi cho anh nói lại.
-Tôi mê văn
chương từ hồi nhỏ, lại may mắn biết chút ngoại
ngữ, nên có đọc văn chương thế giới, và có chút khiếu về phê bình văn
học.
-Anh học tiếng
Anh ở đâu, bao nhiêu năm?
-Tôi học hồi
trung học, và sau đó có làm cho một cơ quan
thông tấn nước ngoài.
-Anh nói, anh
có chút hiểu biết về ngoại ngữ, anh biết mấy thứ
tiếng?
-Tôi biết ba
thứ tiếng.
-Trong này chỉ
ghi tiếng Anh?
-Tôi biết
tiếng Pháp nữa.
-Như vậy mới
có hai, làm sao anh nói ba?
Tới lúc đó,
tôi cũng hết còn bình tĩnh, và hỏi lại:
-Ông quên
tiếng mẹ đẻ của tôi ư?
Anh ta chợt
mỉm cười.
Tôi nghĩ,
trong số những người bị phỏng vấn, có lẽ tôi là
người độc nhất được hưởng một nụ cười như vậy!
|
|