jenny
Jenny, Jen's sister

weil

Thánh Simone – Simone Weil 

“We must prefer real hell to an imaginary paradise”
Simone Weil
(Phải chọn địa ngục thực, thay vì một thiên đường dởm).
“Không thành công cũng thành nhân”
Nguyễn Thái Học 

George Steiner, trong bài viết Thánh Simone – Simone Weil, có nhắc tới truyền thuyết, theo đó, Plato đã nói về Diogenes: “Ông ta là một Socrates phát  khùng” (He is Socrates gone mad). Ông tự hỏi, liệu có thể áp dụng câu nói đó vào trường hợp Simone Weil?
Nhà xuất bản Gallimard, tủ sách Quarto vừa cho phát hành (1999)  tác phẩm của Simone Weil; gồm 55 bản văn, bài viết, thư từ trao đổi.
Sinh tại Paris, ngày 3 tháng hai 1909. Tự huỷ mình bằng cách nhịn ăn, Simone Weil mất ngày 24 tháng tám 1943, tại London, nơi bà tham gia lực lượng kháng chiến Pháp. Triết gia, sử gia, nhà huyền học, Simone Weil (1909-1943) đã trải qua những năm tháng đen tối của thế kỷ. George Steiner cho rằng, khí hậu thế kỷ sẽ không thể hiểu được, nếu thiếu sự đóng góp của Simone de Beauvoir, và Annah Arendt, nhưng trên hết vẫn là của Simone Weil. Như Marx, bà là triết gia luôn quan tâm tới điều kiện lao động mang tính tâm lý, xã hội, thể chất, chính trị, và luôn cả triết học, của người công nhân, hay là thân phận đổ bát mồ hôi kiếm miếng ăn của đàn ông đàn bà và trẻ em trên thế giới, dưới cái nhìn háu háu của con quái vật nhà máy. Đây là một trong những ý niệm nữ hoàng (notion reine), ý niệm về lao động, được coi như là chủ chốt trong lý thuyết về tri thức của bà: “cái thực chỉ có được bằng trầy trật, bằng cố gắng, tức là bằng lao động. Cái thực là cái cưỡng lại chúng ta” (Le réel est ce qui nous résiste). Từ đó bà cho rằng: Những người thợ biết hết, nhưng ngoài lao động, họ không biết rằng họ đã sở hữu đạo lý làm người (la sagesse). Giấc mộng về con người hoàn toàn (l’homme total) của Marx, được Simone Weil diễn tả như sau: “Chúng ta muốn đem đến cho lao động chân tay, phẩm giá mà nó có quyền được hưởng; bằng cách đem đến cho người thợ đầy đủ trí tuệ, thay vì làm mà chẳng hiểu gì hết; và dí vào tận tay trí tuệ, cái vật dụng của chính nó, bằng cách đẩy trí tuệ tiếp xúc với thế giới, thông qua lao động.”
Sau đây là trích đoạn, bài giới thiệu của Florence de Lussy, người phụ trách xuất bản toàn bộ tác phẩm của Simone Weil:
Một hình tượng đen, vàng ròng, hơi khác thường (une figure noire, et or – siêu nhân, surhumaine, theo như một vài người – vừa cuốn hút, vừa xô đẩy, đó là Simone Weil dưới mắt người đương thời là chúng ta. Ngay từ khi bà còn sống, (đã chọn lựa thái độ) một mình chống tất cả, gây xáo trộn, bực bội, tạo bực bội (scandale), và [cũng tạo nên] sự cuốn hút mãnh liệt.
“Thiên tài là một thói quen mà một vài người sử dụng” (Le ‘génie’ est une habitude que prennent certains. Valéry). Kém ông anh ba tuổi; André Weil, nhà toán học lừng danh mất tích vào ngày 5 tháng tám 1998; ngay từ nhỏ, bà cũng có những thiên tư kỳ lạ, và đau khổ vì chúng. Tới tuổi thành niên, nghĩ mình vô tài, bà quá đỗi thất vọng và chỉ thoát ra được, nhờ điều gọi là “một cú đảo chính trí thức”: đồng hóa thiên tài với ham muốn chân lý, hoài hoài, bền bỉ. Bà tin rằng, “bất cứ một con người nào, cho dù chẳng có một chút xíu thiên tư, [cũng có thể] vào được vương quốc chân lý dành cho thiên tài, nếu, và chỉ nếu, người đó ham muốn, và luôn luôn cố vươn tới, đạt cho được chân lý.”
Là một học trò cưng của Alain; ông thầy nhận ra bà luôn luôn vượt đồng bạn, làm đồng bạn thất vọng, ngỡ ngàng. Simone Pétrement đã nhận xét về bạn mình: Bà đã vội sống, và quá hối hả (qu’elle était pressée de vivre et qu’elle a couru trop vite). Sau này, khi đụng đầu với thế giới tâm linh, bà bước đi bằng những bước bẩy dậm, và chẳng còn ai theo kịp nữa… Bí mật của bà vượt ra khỏi những tài năng số một, và luôn cả những người yêu thương bà. 

Qua cuốn Simone Weil, Tác Phẩm nói trên, bà đã từng có ý định tới Đông Dương vào cuối năm 1938.
Quan điểm chống thực dân thuộc địa của bà được diễn tả qua hai bài viết trong cuốn kể trên, Những dữ kiện mới mẻ về vấn đề thực dân thuộc địa trong đế quốc Pháp (1938), và Về vấn đề thực dân thuộc địa trong tương quan với số mệnh của dân tộc Pháp (1943). Ngoài ra còn những bài viết được Louis Roubaud gom lại thành một cuốn nhan đề: Việt Nam. Bi kịch Đông Dương (nhà xb Valois, 1931). Tất cả những bài viết về chủ nghĩa thực dân thuộc địa, trừ bài cuối (1943), sau được nhà Gallimard xuất bản, trong Toàn Tập II, 1989.

 Qua bài giới thiệu, của D.C., Simone Weil quan tâm đến vấn đề thực dân thuộc địa rất trễ, thời gian 1937-1938. Nhưng liền đó, đây là một trong những mối âu lo lớn của bà. Thái độ chống đối của bà không phải chỉ là một trong số những đề tài, nhưng bà đẩy nó tiếp cận với những vấn đề khái quát hơn, đó là nghiên cưú về sự áp bức thợ thuyền và thân phận đớn đau của con người. Và đây là phát hiện lớn lao của Simone Weil, khi bà nghiên cứu về yếu tính của cái gọi là sự kiện thực dân thuộc địa: “Những vấn đề của thực dân thuộc địa đặt ra trước hết bằng những từ của sức mạnh. Thực dân thuộc địa hầu như luôn luôn bắt đầu bằng cách biểu dương sức mạnh, dưới dạng ròng của nó, tức là chiến thắng, chiếm đoạt” (Les problèmes de la colonisation se posent avant tout en termes de force. La colonisation commence presque toujours par l’exercice de la force sous sa forme pure, c’est-à-dire par la conquête).

 Theo người giới thiệu, chính khởi nghĩa Yên Bái khiến bà quan tâm tới số phận người Việt, nói rõ hơn số phận người dân thuộc địa của Pháp. Bà như chết sững trước sự độc ác của đám người Pháp cầm quyền tại Việt Nam: 150 án tử hình, hàng ngàn người bị xử bắn, và hàng ngàn người bị cầm tù. Simone Weil hết sức quan tâm đến một số bài viết, về số phận người Việt (khi đó còn gọi là Annamites), trên tờ Người Paris Nhỏ (Le Petit Parisien), ngay sau khi vụ khởi nghĩa Yên Bái xẩy ra và bị dập tắt trong vòng hai tuần lễ. “Tôi không bao giờ quên được giây phút mà, lần thứ nhất trong đời, tôi cảm và hiểu được bi kịch thực dân thuộc địa” (“Je n’oublierai jamais le moment où pour la première fois, j’ai senti et compris la tragédie de la colonisation).

 Câu ‘châm ngôn khủng khiếp”, dịch qua tiếng Anh ở đầu bài viết, “We must prefer real hell to an imaginary paradise”, là từ bài viết của G. Steiner, về Simone Weil, in trong No Passion Spent, Mê Đắm Chẳng Hoài, (nhà xb Yale University Press, 1996).

 Trong toàn tập Simone Weil còn có một tài liệu về vụ khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Yên Bái (1930): phóng ảnh tờ truyền đơn bằng tiếng Pháp, yêu cầu thả những nhà ái quốc bị tuyên án tử hình:
Những người vô sản và bị áp bức,
Hãy ngăn chặn những tội ác của đế quốc!
Những tên thực dân sát nhân,
Hãy trả tự do cho 56 người của chúng ta,
bị kết án tử hình tại Yên Bái.
Và tất cả những tù nhân chính trị!
Hãy giải phóng Đông Dương.

(Tổ chức) Những di đân Đông Dương tại Pháp.