Mùa Xuân nói
chuyện Mậu Thân
Những người Cộng sản rất khôn khéo trong việc giấu diếm những tội ác
của họ. Và càng giỏi hơn, khi chối tội, khi không dám nhận ai là tác
giả những tội ác đó. Khi chiến tranh chấm dứt, họ dễ dàng có được những
"Viện Bảo Tàng, Nhà Trưng Bầy Tội Ác Mỹ Ngụy", phần lớn hình ảnh, tài
liệu là do báo chí, giới truyền thông Tây Phương cung cấp. Nhưng thật
khó mà kiếm ra, và chắc là vô phương có được những hình ảnh về cảnh
giết người hàng loạt, trong biến cố Mậu Thân tại Huế chẳng hạn, khi
người Cộng Sản phải bỏ chạy. Đã từ lâu, dư luận đồn đại, đằng sau tội
ác đó có bóng dáng của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhưng ông chẳng bao giờ
lên tiếng, cho dù chỉ để phủ nhận (1). Cũng vậy, vụ giết hại những
người theo Trotsky. Chẳng ai là đao phủ. Chỉ có nạn nhân. Ở đây, những
người Cộng Sản Việt Nam có vẻ như không chấp nhận lối của giải thích,
về sự dung tục của cái ác (the banality of evil, chữ của Hannah Arendt
khi bàn về tính tình, thái độ của những tên đao phủ Nazi).
Trước khi chết, tổng thống Pháp, Francois Mitterrand đã "chiến đấu với
chính mình", để có được lời nói cuối, về việc ông đã tham gia trong
chính phủ Vichy, trước khi gia nhập lực lượng kháng chiến. Việc ông cho
tới năm 1986, là bạn thân của René Bousquet, một viên chức trong chính
quyền Vichy theo Đức Quốc Xã, bị kết án năm 1989 về tội ác chống lại
nhân loại, khi đẩy người Do-thái vào lò thiêu. Trong cuốn "Hồi Tưởng
qua hai giọng nói" (Memory in two voices), với người đối thoại là Elie
Wiesel - một nạn nhân sống sót tại lò thiêu người, Nobel Hòa Bình 1986
- khi nói ra những tội ác đó, ông chỉ làm một sửa soạn bất khả tri
trước khi chết, một cái chết không có sự an ủi của một niềm tin. Tôi
không biết tôi có "biết" không. Tôi không biết tôi có "không biết"
không: điều không thể quy định một cách ngay thẳng, công bằng trong từ
"niềm tin", ông nói. Và ông nói thêm, dẫn lời ghi trên bia mộ Willy
Brand, cựu thủ tướng Tây Đức: "Tôi đã làm cái điều tôi có thể làm".
Những người Cộng Sản Việt Nam, tuy không có niềm tin về một Đấng Toàn
Năng, nhưng thừa sức làm điều họ có thể làm.
Nhưng đối với chúng ta, đâu là điều chúng ta có thể làm? Sau này, những
con cháu đời thứ năm, thứ "mười mí" của đám lưu vong, khi phải truy tìm
nguyên nhân bỏ nước ra đi của những ông cố bà cố, họ sẽ hoang mang giữa
đống tài liệu chứa trong thư viện. Và càng hoang mang hơn, giữa đống
hồi ký, được viết ra với quá nhiều niềm tin, của những người quốc gia,
khi phải giải thích vai trò của họ trong biến cố lịch sử, trong việc
làm mất Miền Nam.
Nếu có chăng, một chứng cớ hiển nhiên về tội ác của những ngưòi Cộng
Sản, thì chỉ là một bức hình đăng trên trang bìa tờ Time (Thời Báo)
thời gian sau khi ông Diệm bị giết ít lâu, chụp một ông xã trưởng Miền
Nam bị du kích chặt đầu, rồi đặt cái đầu lên bụng tử thi, bên dưới là
bản án. Bức hình đã làm cả thế giới sáng đó không thể uống cà phê, ăn
điểm tâm. Và đây có thể coi như "niềm tin còn một chút này", đối với
những quân nhân Hoa Kỳ, Đồng Minh, khi họ tham gia cuộc chiến tại Việt
Nam. Nhưng cũng chẳng biết ai là đao phủ. Cũng vậy, thủ phạm hạ sát
những ký giả ngoại quốc trong vụ Mậu Thân tại Chợ Thiếc. Hình như sau
đó, khi được hỏi, Trần Bạch Đằng trả lời không biết, y hệt Trần Văn
Giàu trả lời, trong vụ giết hại Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu.
"Pictures to be killed" (Những tấm hình để giết đi), là một thuật ngữ
được giới báo chí Mỹ dùng, khi gửi những hình ảnh họ biết không thể sử
dụng, ít ra vào thời điểm đó. Trong chiến tranh Việt Nam, đã có những
bức hình chụp cảnh Việt Cộng dùng mã tấu, binh sĩ Mỹ dùng búa, tàn sát
lẫn nhau, như trong một phim, thời kỳ "khai hóa" dân da đỏ. Cảnh tàn
sát ở Mỹ Lai... tất cả những hình ảnh đó, sau này đã được sử dụng, khi
cần một cái cớ để rút khỏi Việt Nam "trong danh dự" đối với tổng thống
Nixon. "Nghe nói", phong trào phản chiến ở Mỹ cũng do CIA bỏ tiền ra,
thuê người đi biểu tình.
Những người Cộng Sản vẫn thường nói, hãy quên quá khứ, xúm nhau lại xây
dựng tương lai. Chúng ta sẵn sàng quên quá khứ, và có khi cũng chẳng
cần điều họ có thể làm, như tổng thống Pháp F. Mitterrand đã làm. Nhưng
chỉ cần họ không quên tinh thần "chống Mỹ cứu nước", không phải của họ,
mà là của những người dân Miền Nam, của những người họ gọi là Ngụy,
giống như những người họ gọi là Tề, ở Miền Bắc, trong cuộc chiến tranh
chống Pháp.
Trong thời gian người Mỹ tham chiến tại Miền Nam, có những gia đình cấm
con em không được làm sở Mỹ, có những công chức, ngày đi làm, tối chạy
xe ôm, nhưng nhất định không để cho người Mỹ vô nhà của họ, với những
hợp đồng thuê mướn thật hấp dẫn. Nghe nói, vẫn chỉ là nghe nói, Ngô
Đình Nhu đã từng cho người ra ngoài Bắc, bảo thẳng với ông Hồ, nếu còn
tiếp tục đánh phá Miền Nam, thì chính ông là người có tội ác với lịch
sử, trong việc đưa quân đội Mỹ vào Việt Nam, và nếu cần, ông sẽ gửi con
tin, là hai người con ruột của ông, qua một nước trung gian là Thụy sĩ.
Nhiều viên chức Cộng Sản đã cay đắng thú nhận, họ thắng người Mỹ trên
chiến trường, nhưng thua trên thị trường, thua đồng đô la.
Chỉ mong họ đừng bao giờ gây ra cảnh cả nước Việt Nam cay đắng vì Mỹ,
như Miền Nam đã từng cay đắng.
Như các cô gái bán ba đã từng cay đắng khi người Mỹ, bắt chước ông Tú
Vị Xuyên, chơi trò đổi tiền đô la đỏ.