Trở về Pattivattna...
Trong một bài viết trên tạp chí Văn
Học (Cali, số tháng
Ba/1998), Ngô Thế Vinh nhắc tới André Malraux, sự quan tâm tới Đông
Dương, và
tác phẩm Con Đường Vương Giả của nhà văn người Pháp này. ‘Cũng trên con
đường
vương giả đó, khi còn là phóng viên chiến tranh theo chân những đơn vị
miền
Nam, ông Khắc (nhân vật chính trong bài viết mang nhiều tính phóng sự,
nhưng
với sự thận trọng cố hữu, tác giả nhấn mạnh, khung cảnh nhân vật chỉ là
hư
cấu), đã từng làm quen khắp vùng cao nguyên, và đồng bằng Cửu Long. Lần
trở về
Pattivattna, đi giữa mênh mông Những Cánh Đồng Chết, ông Khắc vẫn không
sao
hiểu được mối tương quan giữa nền văn minh Angkor rực rỡ, nền giáo dục
Pháp...
đầy tính khai phóng mà sản phẩm của nó lại là những trái đắng dẫn tới
một chính
sách tự diệt chủng...’ Theo ông Khắc, Pol Pot tuy được coi là biểu
tượng của
tội ác, nhưng tư tưởng chỉ đạo là từ Khieu Samphan, cùng du học Paris,
xuất
thân đại học Sorbonne. Trong luận án tiến sĩ 1959, ông ta đã đề ra
‘cương lĩnh’
của Khờ Me Đỏ: Muốn bảo vệ độc lập thực sự về chính trị và kinh tế cho
Cam-bốt
thì cần phải cô lập quốc gia này và trở về một nền kinh tế nông nghiệp
tự túc.
Để thực hiện cương lĩnh, chế độ Pol Pot đã trở thành lá cờ đầu, và là
tiền
thân, precursor, từ hai mươi năm trước, của những cơn khủng hoảng ở
cuối thế
kỷ, thí dụ như ở Rwanda, theo như nhận xét của Ben Kiernan. Trong cuốn
Chế độ
Pol Pot: Sắc tộc, Quyền lực, và Diệt chủng tại Căm-bốt dưới thời Khờ Me
Đỏ,
1975-79 (nhà xb Yale, tháng Tư/ 96), ông đã làm một nghiên cứu về nguồn
gốc Pol
Pot, liên hệ Những Cánh Đồng Chết với
những cuộc chiến diệt chủng ở khắp nơi trên thế giới.
Theo tác giả, những điểm nóng,
trouble-spots, đặc biệt từ
năm 1989 trở đi, ngày một gia tăng và trở nên một hiện tượng toàn cầu,
biến
trái đất thành một biển trầm, ocean of troubles. Hầu hết những xung đột
quốc
gia chủng tộc này mang tính nhà quê (rural), không hẳn theo nghĩa nông
nghiệp,
hay không-phải thành thị; nhưng đây là những khu vực nhà quê (rural)
chuyển
thành dân quê (peasant). Những khu vực đời này tiếp đời khác, con người
sở hữu
miếng ruộng, mảnh vườn, quần tụ lại thành những làng mạc, tỉnh lỵ, và
cùng với
nó, là những di sản, vừa tinh thần (đạo đức, niềm tin, phong tục, tập
quán...),
vừa vật chất (ruộng đất, của cải tiếp nối cho đời con cháu...). Xung
đột Sarajevo
cũng ở trong
trường hợp này, đây là một kiểu chiến tranh làng (village war), tuy
không ở
vùng quê. Và ngay cả những cuộc xung đột hiện nay tại một số đô thị,
vẫn có gốc
rễ miệt vườn mà con người đã bỏ lại ở phía sau. Cùng với nó, là nỗi ám
ảnh, về
một thế giới đã mất, ở những đứa con của đô thị. Còn một từ khác, cho
nỗi ám ảnh
này: chủ nghĩa quốc gia chủng tộc, tiến trình từ nông dân (peasantry)
quần tụ
thành quốc gia. Tại Căm-bốt, rõ rệt nhất là thời điểm giữa 1975 và
1979, đã có
một toan tính nhằm đảo ngược tiến trình trên, tái lập xã hội nhà quê
thành một
thể loại quốc gia khác biệt, một quốc gia hợp đồng nông nghiệp mà Ben
Kiernan
gọi là the indentured agrarian state. Mọi người đều biết những điều
rùng rợn đi
cùng toan tính đó, tuy nhiên chính thời kỳ này, cho tới nay vẫn chưa
được đánh
giá đúng mức, nếu không nói là sai lạc (ill-unsderstood). Cuộc cách
mạng
Cam-bốt, vào những ngày tháng ghê rợn của nó, vẫn được giải thích bằng
chủ
nghĩa độc đoán thời Chiến Tranh Lạnh, ý thức hệ CS hay Mác-xít. Địa
ngục
Căm-bốt là một biến dạng do sự phát triển quốc gia hơn là chủ nghĩa xã
hội.
Những quan niệm sắc tộc bao trùm lên trên những quan niệm giai cấp,
lịch sử đã
được làm lại, về dân số, cũng như là về lãnh thổ. Mục tiêu mà Pol Pot
mong đạt
được là một thuần-máu (pure-blood), hoàn toàn miệt vườn (rural), tự túc
tự
cường (self-sufficient); đó là quốc gia Khờ Me của ông ta.
Tên thực: Saloth Sar. Thế giới chỉ
biết đến tên Pol Pot, vào
ngày 14 tháng Tư 1975, khi ông trở thành thủ tướng tân chính quyền cách
mạng ở
Phnom Penh. Gia đình nông dân (12 mẫu ruộng, sáu con
trâu), nhưng dây dưa hoàng tộc; ông có bà
con là vũ công, vợ cưng của vua, có người anh làm người hầu trong cung,
ông
theo anh vào cung khi mới sáu tuổi. Như Kiernan cho thấy, ông ta chưa
hề biết
làm ruộng, và gần như chẳng biết gì về cuộc sống nhà quê. Pol Pot vào
chùa
hoàng tộc, học trường Thiên chúa giáo dành riêng cho con ông cháu cha.
Toàn thứ
dữ: với dân số 7 triệu, và sau gần thế kỷ Pháp thuộc, con số trường
trung học ở
Căm-bốt thật hiếm hoi, và cao học hoàn toàn không có. Độc lập vào năm
1953,
Căm-bốt chỉ có 144 người đậu tú tài. Năm 1948, tới Sài-gòn cùng với một
người
bạn 20 tuổi, trên đường đi Paris du học, họ cảm thấy như hai con khỉ
đen ở trên
rừng lạc về thành phố. Gặp Khieu Ponnary tại Paris, vào năm 1956, hai người thành
vợ
chồng, bà là người đàn bà Căm-bốt đầu tiên có bằng trung học. Học bổng
của ông,
là để làm nghề vô tuyến điện, nhưng ông thi rớt. Gia nhập Đảng Cộng Sản
Pháp
(khu vực Căm-bốt), thành viên lực lượng lưu vong đòi hỏi độc lập. Để
tránh bị
tầm nã, đám chóp bu thường dùng bút hiệu như là Công nhân Căm-bốt
(Cambodian
Worker), nhưng của Saloth Sar, thật khác thường: khmaer da’em, (gốc
Căm-bốt.) Hai chục năm sau, biểu tượng
của lòng trung thành với đất mẹ của ông là những núi sọ người ở Tuol
Sleng,
trung tâm hủy người.
Tất cả những ‘mặt mạnh’ này đều được
giấu kín, thời kỳ ở Paris,
cũng như sau này.
Bề ngoài, người ta chỉ thấy đây là một con người dễ thương, nhún
nhường, có
học, và còn biết khôi hài, rất ít khi tỏ ra giận dữ trước công chúng.
Nhưng tác
giả cuốn sách cho biết, ông đã từng bẻ giò (theo nghĩa đen), chính vị
Phó Thủ
Tướng của ông, Vorn Vet. Nói chung, chẳng ai có thể nhận ra một chút
điềm triệu
nào cho biết sự ghê tởm tha nhân của ông ta. Rồi xẩy ra vụ Malcolm
Calwell bị
giết.
Vào tháng Chạp 1978 một nhóm quan sát
viên độc lập Tây
phương được phép viếng Căm-bốt Dân chủ, trong có hai ký giả Mỹ và
Calwell, giáo
sư đại học London. Đây là những người được nhà nước coi như những cảm
tình viên
của cách mạng. Quan trọng nhất trong số họ là Calwell. Tương phản với
chủ nghĩa
Mác-xít qui ước, những nghiên cứu của ông như‘Sự Thịnh Vượng của Một số
Quốc
gia’ cổ võ sự phát triển tập trung vào
nông nghiệp và tự túc tự cường, như con đường cách mạng thích hợp nhất
cho
những điều kiện của Thế Giới Thứ Ba. Lúc đó, ông đang viết về đề tài
‘Kampuchia: [Một sự] hữu lý cho một Chính sách Đồng quê.’
Tuy bề ngoài làm ra vẻ du lịch, phái
đoàn tỏ ra thật bướng
bỉnh. Họ tỏ ra không thông, về chính
sách nhân quyền của nhà nước... Bất cứ điều gì chúng tôi cố gắng giải
thích, họ
đều từ chối không chịu hiểu, viên hướng dẫn du lịch nói về phái đoàn.
Họ đòi được
gặp những người đã bị giết, thành thử làm sao gặp được, và chúng tôi
lại cứ
phải bịa ra những cớ này cớ nọ. Rồi bóng dáng những đám người vũ trang,
và đám
trẻ rách rưới bầy ngay ra trước mắt làm cho họ như tìm ra câu trả lời,
và trong
nhật ký của Calwell đã có những câu chết người.
Như rất nhiều trí thức cùng thời đã
từng bất bình với phương
pháp phát triển kiểu Liên bang Xô viết, Calwell mong tìm một công thức
mới cho
vấn đề. Nhưng ông là một con người thành thật. Và những gì chứng kiến
tận mắt
lại càng khó thuyết phục ông, về một viễn ảnh hồng của chế độ. Nói ngắn
gọn,
hơn bất cứ một ai, Calwell ‘hiểu’ phương án của Pol Pot.
Vào cuối chuyến viếng thăm, phái đoàn
được phép gặp Nhà Lãnh
Đạo, để thực hiện một cuộc phỏng vấn hữu nghị, và chủ yếu là về vấn đề
nông
nghiệp. Một giờ sáng hôm sau, một kẻ lạ đột nhập căn nhà khách của nhà
nước, và
bắn chết Calwell. Kẻ sát nhân sau đó bị xử tử ngay lập tức, sau khi đã
thú
nhận, là người của Việt Nam. Chỉ vài ngày sau đó, Hà-nội mở cuộc tấn
công chấm
dứt chế độ Khờ Me Đỏ. Kiernan, tác giả cuốn sách chúng ta đang bàn tới,
hoàn
toàn tỏ ra không tin có bàn tay của Việt Nam trong vụ sát nhân. Sự kiện
Calwell
‘hiểu’ Pol Pot làm cho ông trở thành nguy hiểm, vậy thôi.
Trong bài diễn văn
dài ba tiếng đồng
hồ, vào ngày 27 tháng
Chín, 1977, Pol Pot vinh danh quốc ca Campuchea Dân chủ: Quốc ca hiển
nhiên cho
thấy yếu tính cuộc chiến đấu của dân tộc. Như chúng ta đều biết, quốc
ca của
chúng ta không phải do một thi sĩ làm ra. Yếu tính của nó là máu của
toàn thể
dân tộc... Tiếng gọi của máu đã được lồng vào trong bài quốc ca. Một
khối lượng
khổng lồ máu đã được Khờ Me Đỏ vung vãi. Kiernan ước tính, chừng 20%
dân số
trước đó, khoảng 1,5 triệu. Hai mươi năm trước [những chuyện xẩy ra ở]
Rwanda,
con đường diệt chủng đã được Pol Pot hoạch định. Chẳng có lý do gì để
chứng tỏ,
tiến trình diệt chủng sẽ chậm lại, nếu không có vụ Việt Nam xâm lược,
và chấm
dứt nó.
Quốc ca, gần như dòng
nào cũng nói đến
máu, không chỉ giản
dị có nghĩa cụ thể; ‘máu’ ở đây, trong ý nghĩa sâu thẳm, cơ bản nhất,
là tư
tưởng, ‘gia tài của mẹ’, bí mật liên can đến số phần của cả dân tộc,
được trao
từ đời này qua đời kế tiếp. Nhưng đâu phải ‘cả dân tộc’ hiểu được ‘bí
mật’ này:
Phnom Penh và chính quyền cũ ‘ancient régime’ đầy rẫy những tên phản
bội, Khờ
Me gian, những thằng bán nước, cũng như những người ngoại quốc. Chúng
phải bị
huỷ diệt, và điều này chỉ có thể thực hiện, với sự tiếp tay của nguyên
mẫu Khờ
Me đích thực.
Mặc dù khẩu hiệu bao
gồm nông dân và
thợ thuyền, sự thực Cambodia
chỉ có
nông dân, nhưng nông dân chưa chắc đã thuần chủng Khờ Me: nông dân khá
giả, ‘no
good’, bởi vì của cải, vật chất làm họ đi theo kẻ thù. Phải là nông dân
khố
rách áo ôm, những người nông dân giản dị mang trong họ ‘gánh nặng-máu’
của linh
hồn dân tộc. Nhà ý thức hệ, tư tưởng gia Khờ Me Đỏ, Khieu Samphan đã
nói rõ:
Đám sinh viên bằng cấp biết gì về những môn khoa học thiên nhiên thực
sự?
Không... tất cả là theo những sách vở, chuẩn mức ngoại quốc. Do đó vô
dụng.
Ngược lại, ngay trẻ con nhà quê của chúng ta luôn luôn
có một tri thức rất hữu ích. Chúng có thể chỉ
cho thấy con bò nào hiền, con nào dữ; chúng có thể trèo lên mình trâu
bằng cả
hai phía... Chúng là những người chủ thiên nhiên, do thực tế, do thực
hành, và
đây mới là khoa học thiên nhiên, bởi vì nó gắn liền với thực tại quốc
gia, với
những tư tưởng về một chủ nghĩa quốc gia, sản xuất, xây dựng, và quốc
phòng.
Phải bám vào đất, thay vì tiến về thành thị, hãy làm trống mọi thành
phố. Hoang
tưởng ngoại lai, ám ảnh hướng ngoại, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, tất cả
đều phải
khu trục, tẩy rửa cho sạch. Với sức người sỏi đá cũng thành cơm, lao
động cật
lực làm tăng thêm thực phẩm, làm dân tộc trở thành tự túc tự cường,
thực sự độc
lập. Phải làm sao tiến tới một hệ thống xã hội sạch, một xã hội mới,
không còn
đĩ điếm, côn đồ, cờ bạc, say sưa... Những phần tử không thể, hoặc không
muốn đi
theo đường lối dân tộc, là phải quét sạch.
Hiển nhiên, Pol Pot
và Khieu Samphan
đã bị ảnh hưởng bởi
cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Trung Hoa, nhưng, Đám Vệ Binh Đỏ chỉ là đồ
gà chết.
Sau khi kết liễu tụi đầu tròn như quả trứng của ancient régime, chế độ
cũ, đúng
ra là phải dọn sạch cỏ và người thành phố. Bây giờ hãy coi, đến lượt Cambodia.
Những
ngọn lửa sáng rực của chủ nghĩa ái quốc nông dân, đã được Mao thổi bùng
lên,
cùng với Bước Nhẩy Vọt, lần này lại càng rực rỡ, nóng bỏng hơn, ở những
người
Khờ Me, một dân tộc nhỏ bé, sức chống trả yếu ớt theo như lịch sử cho
thấy, chỉ
võ trang bằng lòng thù hận những láng giềng của họ. Vậy mà Cambodia
Party tin
rằng họ có thể xây dựng nên, một quốc gia xã hội chủ nghĩa-dân giả
gương mẫu
(rural-socialist state). Lần thứ nhất trong lịch sử hiện đại, một
‘autarchy’,
một quốc gia hoàn toàn tự túc tự cường, là chuyện có thể thực hiện
được. Caldwell
đã nghiên cứu,
trên lý thuyết, một kiểu mẫu như vậy, nhưng ông không làm sao tưởng
tượng ra
được, tiềm năng khát máu của nó.
Jennifer Tran