*

TẠP GHI




Nhật ký
Tạp văn
1.
Gặp cậu lần nào cũng ngó mình, rưng rưng, con Lam của cậu cùng tuổi với bây. Tuổi Tỵ. Tết này là ba mươi tròn. Rồi cậu lặng đi, trợn trạo nuốt ngụm trà như vừa uống nước mắt.

Đứa em họ có cái tên làm mình phải ghen tị hoài, bởi cảm giác Lam là cái gì đó rất êm đềm, dịu dàng, bảng lảng, mỏng manh, như lụa, như sương như khói, chẳng phải như tên mình, thô dày, nặng nề và có vẻ thách thức. Nghĩ vậy, nên đau nhói đôi lần, khi thấy Lam è ạch kéo xuồng qua đập, khi Lam trầm mình dưới bến sông làm bờ kè chống lở.

Lam lấy chồng sớm, ngày cưới mình, Lam đã hai con. Hiếm hoi, dịp cúng giỗ gặp nhau, giật mình khi Lam gọi mình bằng chế, đúng theo vai vế. Chưa đến nhà Lam nhưng cảm giác đã đến rồi, cũng lần dọc theo con sông miên man, rẽ vào mấy dòng kinh quanh co, sẽ đến một xóm nhỏ buồn buồn, với những hàng cau, bụi tre buồn buồn. Nhà cột cặm, hơi thấp, cũng buồn buồn. Cho đến một ngày buồn buồn, Lam tìm đến cái chết.

Mọi người vật ra, ngơ ngác, món nợ chưa đầy hai mươi triệu + bà mẹ chồng hơi khó tính + những mùa tôm cứ thất bát nối đuôi nhau + buồn = cái chết. Đơn giản như một bài toán trẻ con. Lam nằm lạnh ngắt, dửng dưng, hai đứa bé đứng ngơ ngác nhìn những người lớn đang thương khóc, mà chẳng hiểu làm sao họ khóc. Cảm giác của mình về một cái tên dường như đã sai ngay từ đầu, Lam dường như là lam lũ, cơ cực, cong oằn, cả cái chết cũng là cơn bão quăng quật tả tơi những người ở lại.

2.
Diễm cũng hưởng dương hai mươi chín tuổi. Đứa bạn sung sướng từ lúc lọt lòng, nghe nói chưa bao giờ đi chân không trên đất. Học trường điểm từ hồi mẫu giáo, cấp một hai ba cũng vậy, vào đại học cũng thuộc loại danh tiếng, xênh xang. Chưa ra trường, gia đình đã thành lập một công ty kinh doanh máy văn phòng lớn, với đầy đủ nhân sự, chờ Diễm về. Công việc không chê được, người yêu cũng tuyệt, đúng chuẩn đẹp trai để thương nhớ, giàu có để lấy làm chồng.

Nên hôm Diễm than buồn mình đã bật cười, trời ơi, Diễm mà buồn thì mình biết làm sao. Diễm cười, héo hắt như người ta đơm sẵn nụ cười ở đâu đó, và Diễm lấy gắn vào môi. Một cơn buốt lạnh chạy dọc sống lưng, mình đã từng cười như thế, đúng là Diễm buồn, buồn như một căn bệnh. Không phải là buồn như mình vẫn thường rêu rao, “Trời ơi, sao không ai rủ tui nhậu, tui buồn muốn chết rồi nè”. Bệnh buồn là hổn hợp của những đổ vỡ, ngơ ngác, thảng thốt, vu vơ, ngớ ngẩn, lạc lỏng, mất mát, vô nghĩa, không phương hướng. Những cái buồn không nắm bắt được. Mù mịt. Vây bủa. Không biết lối nào để thoát khỏi nó.

Từ những buồn rời, không tan được vì thiếu lửa, buồn kết thành băng. Diễm chọn cái chết. Đơn giản hơn cả bài toán đơn giản nhất. Cái chết chỉ là buồn + buồn + buồn + n buồn + vô tận buồn. Hôm tới tiễn nhau, mẹ Diễm không nói, chỉ nhìn mình, ánh mắt nhói lên, “tại sao lại là con mình, sao không là con bé xấu xí hom hem và phá phách, phiền phức này?” Mình muốn giận bà, mà giận không xong, chỉ thương ngập lòng.

3.
Những cơn buồn đã vùi Lam, Diễm vào đất cũng đã từng làm mình hoang hoải, điêu đứng, liêu xiêu. Như đã dìm một lớp người trẻ khác vào biển buồn, một thứ cạm bẫy mới, rất đáng sợ. Ở đó, những lời động viên, an ủi, công việc, tiền bạc… đều không có tác dụng, chúng chìm lỉm. Ai đó buông xuôi, ai đó vịn được bờ. Bến bờ là một cái gì đó tình cờ, đôi khi kết thành từ những vớ vẩn, bờ của mình là một thí dụ. Một loài cây trổ bông xanh. Một cao nguyên biền biệt đá, người sống trên đá, chết trên đá, cây cỏ mọc trên đá. Một vùng cát trắng khô cằn, những đàn bò gầy quắt mỏi mê tìm cỏ dưới cái nắng rát bỏng… Mình đã được đến những nơi ấy đâu ? Mình đã trải nghiệm cảm giác … làm sui, nỗi đau nhói khi tiễn con về nhà chồng đâu ? Những nỗi đau của người đời, mình chưa kịp viết. Và còn quá nhiều người mình chưa được gặp, còn nhiều cuốn sách hay (mà dạo này lại có quá nhiều sách hay), nhiều bộ phim chưa xem…

Đến một ngày, đứng bên một dòng sông lạ, gấp lại một cuốn sách, thấy rưng rưng biết ơn chúng, có chúng nên qua bão buồn mình còn sống sót.

Và còn nhìn thấy màu xanh đã thẫm lại của tuổi ba mươi. Dù con đường đi đã vắng vài bóng người quen, họ mỏi mê, họ không đi tiếp nữa. Mình vẫn một mình bước tới.
Nguyễn Ngọc Tư
Nguồn

Tạp Văn mới của Nguyễn Ngọc Tư

Nhật ký

Tạp văn

1.

Gặp cậu lần nào cũng ngó mình, rưng rưng, con Lam của cậu cùng tuổi với bây. Tuổi Tỵ. Tết này là ba mươi tròn. Rồi cậu lặng đi, trợn trạo nuốt ngụm trà như vừa uống nước mắt.

Đứa em họ có cái tên làm mình phải ghen tị hoài, bởi cảm giác Lam là cái gì đó rất êm đềm, dịu dàng, bảng lảng, mỏng manh, như lụa, như sương như khói, chẳng phải như tên mình, thô dày, nặng nề và có vẻ thách thức. Nghĩ vậy, nên đau nhói đôi lần, khi thấy Lam è ạch kéo xuồng qua đập, khi Lam trầm mình dưới bến sông làm bờ kè chống lở.

Lam lấy chồng sớm, ngày cưới mình, Lam đã hai con. Hiếm hoi, dịp cúng giỗ gặp nhau, giật mình khi Lam gọi mình bằng chế, đúng theo vai vế. Chưa đến nhà Lam nhưng cảm giác đã đến rồi, cũng lần dọc theo con sông miên man, rẽ vào mấy dòng kinh quanh co, sẽ đến một xóm nhỏ buồn buồn, với những hàng cau, bụi tre buồn buồn. Nhà cột cặm, hơi thấp, cũng buồn buồn. Cho đến một ngày buồn buồn, Lam tìm đến cái chết.

Mọi người vật ra, ngơ ngác, món nợ chưa đầy hai mươi triệu + bà mẹ chồng hơi khó tính + những mùa tôm cứ thất bát nối đuôi nhau + buồn = cái chết. Đơn giản như một bài toán trẻ con. Lam nằm lạnh ngắt, dửng dưng, hai đứa bé đứng ngơ ngác nhìn những người lớn đang thương khóc, mà chẳng hiểu làm sao họ khóc. Cảm giác của mình về một cái tên dường như đã sai ngay từ đầu, Lam dường như là lam lũ, cơ cực, cong oằn, cả cái chết cũng là cơn bão quăng quật tả tơi những người ở lại.

2.

Diễm cũng hưởng dương hai mươi chín tuổi. Đứa bạn sung sướng từ lúc lọt lòng, nghe nói chưa bao giờ đi chân không trên đất. Học trường điểm từ hồi mẫu giáo, cấp một hai ba cũng vậy, vào đại học cũng thuộc loại danh tiếng, xênh xang. Chưa ra trường, gia đình đã thành lập một công ty kinh doanh máy văn phòng lớn, với đầy đủ nhân sự, chờ Diễm về. Công việc không chê được, người yêu cũng tuyệt, đúng chuẩn đẹp trai để thương nhớ, giàu có để lấy làm chồng.

Nên hôm Diễm than buồn mình đã bật cười, trời ơi, Diễm mà buồn thì mình biết làm sao. Diễm cười, héo hắt như người ta đơm sẵn nụ cười ở đâu đó, và Diễm lấy gắn vào môi. Một cơn buốt lạnh chạy dọc sống lưng, mình đã từng cười như thế, đúng là Diễm buồn, buồn như một căn bệnh. Không phải là buồn như mình vẫn thường rêu rao, “Trời ơi, sao không ai rủ tui nhậu, tui buồn muốn chết rồi nè”. Bệnh buồn là hổn hợp của những đổ vỡ, ngơ ngác, thảng thốt, vu vơ, ngớ ngẩn, lạc lỏng, mất mát, vô nghĩa, không phương hướng. Những cái buồn không nắm bắt được. Mù mịt. Vây bủa. Không biết lối nào để thoát khỏi nó.

Từ những buồn rời, không tan được vì thiếu lửa, buồn kết thành băng. Diễm chọn cái chết. Đơn giản hơn cả bài toán đơn giản nhất. Cái chết chỉ là buồn + buồn + buồn + n buồn + vô tận buồn. Hôm tới tiễn nhau, mẹ Diễm không nói, chỉ nhìn mình, ánh mắt nhói lên, “tại sao lại là con mình, sao không là con bé xấu xí hom hem và phá phách, phiền phức này?” Mình muốn giận bà, mà giận không xong, chỉ thương ngập lòng.

3.

Những cơn buồn đã vùi Lam, Diễm vào đất cũng đã từng làm mình hoang hoải, điêu đứng, liêu xiêu. Như đã dìm một lớp người trẻ khác vào biển buồn, một thứ cạm bẫy mới, rất đáng sợ. Ở đó, những lời động viên, an ủi, công việc, tiền bạc… đều không có tác dụng, chúng chìm lỉm. Ai đó buông xuôi, ai đó vịn được bờ. Bến bờ là một cái gì đó tình cờ, đôi khi kết thành từ những vớ vẩn, bờ của mình là một thí dụ. Một loài cây trổ bông xanh. Một cao nguyên biền biệt đá, người sống trên đá, chết trên đá, cây cỏ mọc trên đá. Một vùng cát trắng khô cằn, những đàn bò gầy quắt mỏi mê tìm cỏ dưới cái nắng rát bỏng… Mình đã được đến những nơi ấy đâu ? Mình đã trải nghiệm cảm giác … làm sui, nỗi đau nhói khi tiễn con về nhà chồng đâu ? Những nỗi đau của người đời, mình chưa kịp viết. Và còn quá nhiều người mình chưa được gặp, còn nhiều cuốn sách hay (mà dạo này lại có quá nhiều sách hay), nhiều bộ phim chưa xem…

Đến một ngày, đứng bên một dòng sông lạ, gấp lại một cuốn sách, thấy rưng rưng biết ơn chúng, có chúng nên qua bão buồn mình còn sống sót.

Và còn nhìn thấy màu xanh đã thẫm lại của tuổi ba mươi. Dù con đường đi đã vắng vài bóng người quen, họ mỏi mê, họ không đi tiếp nữa. Mình vẫn một mình bước tới.
--------------------------------------------------------------------------------

Bên sông
Tạp văn
Nguyễn Ngọc Tư

Chiều ấy không có gì bất thường, trừ việc đứa cháu nằm dài coi phim Hàn Quốc, thấy đôi trai gái đẹp hẹn hò ở một nơi quá đẹp, con nhỏ thở dài cái thượt, thắt thẻo, “Được đi nước ngoài chơi chắc đã dữ lắm, ha dì. Mà trời ơi, biết chừng nào mình mới có tiền…” Cô đang nấu cơm, hơi quạu, đáng lẽ con nhỏ phải vô bếp tiếp mình, mà nó lại nằm đó nói chuyện tào lao. Ra sàn nước ngồi rửa rau, cô ngó sông, con nước rong đang dâng lé đé thềm nhà, cô hỏi, bỗng dưng, “Nhỏ, hồi nào giờ có qua bên sông không? Bên sông có cái gì?”.

Nhỏ cháu nín thinh, nó ngơ ngác, hoang mang, trong một chốc, nó thấy mảnh đất bên sông còn xa xôi hơn cả nước Hàn Quốc xa xôi, ít ra, nó biết ở Hàn Quốc có tuyết rơi trên những hàng cây xơ rơ, có những ngọn núi, những công viên cây cỏ xanh rời rợi. Nhưng bên sông thì nó không biết, vì ở đó chẳng có họ hàng, bạn bè nào, và vì dòng sông ngăn trở. Lúc còn trẻ con, người lớn không cho qua vì sợ rủi ro sông nước, lớn lên, mối quan tâm của con bé cùng lắm là đến giữa dòng, nó còn không biết nhận biết nước rong. Cô cũng vậy, cũng hoang mang, mình đã nghiên cứu đến nền dân trị của Mỹ rồi mà ngơ ngác trước câu hỏi chiều nay. Câu hỏi không chỉ cho đứa cháu gái vô tư kia, mà cho cả cô, riêng cô, vì cô.

Có gì nơi đó, nơi chỉ cách bờ bên này một dòng nước bạc, chừng hai mươi nhát chèo?
Hôm sau, cô bước chân xuống đò, sang sông. Cô ngó lại, thấy nhà mình kia, thấy rõ ràng mấy khăn treo phơ phất. Ngó lại lần nữa, cô hớt hãi khi nhà mình bỗng dưng mù mù xa xôi. Bởi cô đang ở một thế giới khác rồi.

Một con đường nhỏ chạy dưới bóng những cây gòn, những bụi tre gai. Và tiếng gà trưa vọt lên khỏi những hàng bông bụp tỉa thưa, rơi từng giọt. Những ngôi nhà lọt thỏm giữa sân, vườn, rêu mọc trên mái ngói Tây. Lúp xúp sát bờ sông có mấy cái trại xuồng, tiếng bào loẹt xoẹt, dăm bào lún phún tràn ra con đường tráng xi măng hằn nhiều dấu chân chó. Dọc theo xóm một quãng, chân bước ngẩn ngơ, tưởng mình đã vượt mười lăm cây số về đến quê mình. Cũng tiếng người thưa thớt lâu lắm mới nghe ới lên, cũng bầy trẻ con nhảy cò cò mé lộ, cũng ngôi nhà có hàng lơn nước đằng trước. Dưới cái chòi che tạm có con bé ngồi bán rổ củ sắn, mận ổi đã chớm héo, đằng kia, xập xệ quầy bán hột vịt lộn, chuối nướng. Ghé lại chỗ bà cụ bán bánh chuối chiên, hỏi con cháu đâu mà già chưa được nghỉ ngơi, bà cụ cười, “mới gã con Út về bên chợ”.
Cô ngó theo hướng bàn tay run rẩy, bỗng mắc cười, thấy mình đang xúng xính trong vai “người bên chợ” qua chơi, thấy con sông thật trớ trêu. Bờ bên kia rộn rịp phồn hoa, xe cộ đông như kiến, nhà cao tầng chen chúc nhau cố giành lấy một mảnh trời. Người ta ăn mặc đẹp, người ta bày tràn ra cả lề đường những món ngon lành, lạ mắt. Bên này, nhịp sống lừ đừ, người đàn ông đang chậm rãi vãi lúa cho gà ăn coi bộ không biết thời gian đang dồn đuổi chiều tới nơi rồi. Và khói nhì nhùng trong những gian bếp tối, và những người già đã sống gần hết đời mê mỏi, nằm đưa võng trước hàng ba, tuềnh toàng trong những bộ bà ba cũ kỹ. Trên sân trải phơi đống củi mục ngấm nước thâm sì, chắc là được vớt từ sông, còn những mảng rào thưa thì làm từ cây vụn lượm lặt từ các trại xuồng.

Con sông rõ ràng chẳng rộng là bao, bởi đứng ở đôi bờ có thể ngờ ngợ mặt nhau. Vậy thì sông phải rất sâu? Có sâu lắm, sâu đến vô cùng nên mức sống, nếp sống, mới cách biệt như vậy. Đêm đêm cái rẻo đất hiu hắt bên sông này vẫn thấy bờ kia lên đèn rực rỡ, vẫn nghe tiếng xe cộ dập dìu, nhưng ngóng hết đời người này đến đời người khác, nhịp sống đô thị đó vẫn là một cái gì rất xa xôi. Và cô, mỗi tối, vẫn nghe vọng từ bên sông tiếng những người đàn ông say cãi nhau, ai đó ca cải lương, heo sục vào cái máng không thất vọng kêu la chói lói, và khi ra phơi áo ở sân sau, nhìn ánh đèn vàng vọt bên kia, tự hỏi, bên đó có gì?

Cô mất hai mươi tám năm ròng mới qua được bên kia sông, nhưng có là gì so với bà cụ bán bánh chuối chiên kia, hết đời người, bên sông vẫn là một chỗ xa lạ, cao vời, chẳng thể nào với tới. Con gái bà đã sang bờ, và chiều chiều ra đứng cửa sau ngó sang, bỗng bùi ngùi như đã đi quá xa xóm cũ, nhà cũ.
Sau chuyến ấy về, cô bị ám ảnh bởi dòng sông. Ngồi viết cũng nghĩ mình như đang ở bên một bờ sông nào đó, cút côi, chẳng cây cầu, con đò nào đưa người đời đến với mình. Lại thấy bạn bè đứng ở một bờ sông khác, cô có thể cảm nhận được họ nói cười, họ sống cuộc sống nhẹ nhàng, đơn giản, và mình ngóng về bờ đó một cách tuyệt vọng vì biết chẳng bao giờ được vui cùng.

Sau này, đi… nhậu cô cũng nghĩ về sông. Thường thì cuối tuần cô với ông anh trai sẽ có cuộc hẹn ở quán… nhậu. Thường thì cuối buổi nhậu đó, cả hai sẽ nhắc tới chị Hai. Cái món này ngon quá, phải chị Hai ở đây, chị sẽ thích lắm. Chị Hai không biết uống bia đâu, chị chê đắng ngét, không ngon lành gì hết. Cái quán này đẹp thiệt, uổng cho chị Hai chưa tới lần nào. Mà, biết tới bao giờ cả ba chị em mình mới ngồi nhậu với nhau?
Sau câu nói đó là một nốt ngậm ngùi. Sau câu nói đó thì hình ảnh chị Hai hiện ra, với tất cả vẻ tất tả, nhọc nhằn. Giờ này, chị Hai chắc đang lui cui dọn quán, chùi xoong, rửa ly, chén, cẩn thận đếm những tờ giấy bạc nhăn nheo, toan tính cho bữa mai, phần nào cho con đi học, khoản nào mua cá, mua rau. Hơn mười năm trời, chị Hai chưa bao giờ được ngồi quán nhẩn nha thưởng thức cà phê, nghe nhạc, nói gì đến la cà nhà hàng này, khác. Bỗng dưng bia đắng, mồi lạt, bỗng dưng thắt lòng, như có con sông nào chảy giữa chị Hai với mình.
Bên bờ của chị Hai, còn có em bé bán đậu phộng luộc, với cái giọng ủ ê và đôi mắt ủ ê, cái áo trắng của em đã lấm lem, trên áo, thời gian đã ngưng đọng lại hàng chữ thêu “lớp 3A”, còn có người bán vé số ngồi nắn bóp đôi bàn chân mỏi, khoảng nối với khúc chân giả đã chai, còn có cô gái phục vụ bàn mướt mồ hôi mà vẫn gượng cười. Quán nhậu chật chội, hẹp te mà sông vẫn chia cắt người với người. Và dĩa chim sẻ nướng muối ớt cũng bị đẩy về một bờ nào đó, nơi có những người nghèo khổ đến mức tận diệt thiên nhiên để đổi lấy miếng ăn.
Và những dòng sông vô hình vẫn cứ chảy miên man, xuôi ngược giữa đời, để người không gần được với người, để bờ này xa lạ, lơ đãng với bờ kia.
*
Tản văn

Nguyễn Ngọc Tư

Cứ như là bạn sắp vướng vào chuyện động trời nào đó khi cứ nằng nặc hỏi tôi, T làm sao vượt qua những tháng ngày khó khăn của cái gọi là “sự cố tháng Tư” hay còn có cái tên khác là “sự cố cánh đồng…”. Tôi nói ờ ờ, để coi để coi, và suy nghĩ rất lâu. Trong bụng tự dưng… quạu khi bạn mình hỏi về một việc đã cũ, đã xa, đã khép.

Và đã tạnh nguội rồi. Kẹt quá, buộc phải nhớ về nó, tôi có cảm giác đang đứng ngó nghiêng, trầm trồ tai nạn, vết thương một ai đó.

Cảm giác như xem một đoạn phim rời. Rất hài hước. Trong phim có một đứa con gái tung tăng nhảy chân sáo trên con đường nhiều hoa cỏ, hai bên đường đâu đó người ta bày những “nỗi đau”, “niềm vui”. Con nhỏ thong thả đi qua, dáng nó lớn tồng ngồng nhưng tâm hồn chưa kịp lớn theo, chẳng chịu đằm thắm, dịu dàng gì cả. Và hơi hoang dã, đầu trần dang nắng, chân chẳng mang giày dép, ngộ cái là nó có vẻ chẳng ý thức được điều đó, nó tự tin và hồn nhiên, bước đi nhẹ nhõm và dứt khoát như thể nó không biết mình đang chân trần. Nhởn nhơ được một đoạn đường, thì nó vấp cái… rễ cây, té nhào. Nó nhăn mặt, rõ ràng là đau. Móng chân bị xước một mảng, máu ứa ra. Người đi đường xúm lại. Họ tranh cãi xem vết thương kia là tại vì cái rễ cây hay tại con bé không chịu mang giày như người ta. Vấn đề là cả thế giới đều mang giày, tại sao có một thiểu số chân không? Mang giày là đúng đắn, là xu thế chung thì tại sao không chịu mang giày? Con bé bệu bạo, khờ khạo, “em tưởng không có rễ cây”. Mọi người lại bàn cãi, tại sao con đường này lại có rễ cây? Tại sao rễ cây nằm đây mà con bé không thấy.

Người ta bắt đầu phân tích cái rễ cây. Rõ ràng nó nằm đấy đã lâu, tồn tại như điều tự nhiên của trời đất. Dầm sương dãi nắng, cái rễ gân guốc vắt ngang đường, sẹo vít chi chít, chứng tích của cuộc tranh đấu vì sự vững vàng của cây. Rễ cây phải nằm đây, điều đó là hợp lý, nhưng con bé này đâu đáng bị thương, nó ngây thơ và tội nghiệp quá chừng. Mọi người tranh luận. Con bé ngơ ngác, nó quên đi hoàn cảnh của mình mới vừa đo đất. Nó ngó quanh, rưng rưng nhìn cái cách người đời quan tâm tới mình. Họ ôm lấy nó, an ủi nó, đau đớn như vết thương tuôn máu kia là của họ, giận dữ như cái rễ cây kia vừa khiến họ bật ngửa. Con bé nhìn thấy nhiều người có vết sẹo đã khô, dấu vết của những lần vấp rễ cây, nó đọc được nỗi đau của họ khi vấp té mà không người đỡ dậy. Và họ thương con bé vì họ đã ngấm được cái đau trơ trọi đó, ngấm được sự mạnh mẽ, vô tình của rễ cây.

Con bé nhẹ nhõm hẳn, có lẽ nó thấy chân mình chẳng còn đau, vết thương chẳng là gì với những biến cố của cuộc đời, hồi nhỏ, nó cũng bị vỏ ốc cắt đứt chân hoài, mà nó vẫn chân không ngạo nghễ đấy thôi. Nó đứng lên, tiếp tục đi. Rồi khi ngó lại, thấy chơi vơi, thấy trong lòng người đời nó vẫn còn nằm bẹp kia. Người ta vẫn đang nói về vết thương của nó, gọi tên nó nhưng tất cả đang xúm quanh một con bé nào đó, giống nó. Hèn chi, mà nó cảm thấy trống rỗng, cái rễ cây đấy cũng có làm chân nó đau đâu, cái rễ cây trong cơn nắng hè cắc cớ làm ngã con bé nào giống nó. Và con bé ra khỏi màn hình, một mình lủi thủi.

Bây giờ thì nó đứng nhìn tôi, xa vắng, háo hức như nhìn một nhân vật ảo. Bởi vì tôi đã lọt tuốt vô phim, lại đi trên con đường đầy hoa cỏ, đầy niềm vui và nỗi đau mà con bé đã từng đi. Bộ vó tôi cũng rất ngạo đời, tung tẩy, và dù nụ cười khá kỳ dị, héo hắt, thiu thiu nhưng tôi rất hay cười, cho có vẻ là mình cũng vui như con bé đó. Tôi vẫn chưa chịu mang giày, vẫn chân không. Nhưng chẳng như con bé kia không biết mình chân không, tôi chân không mà nghĩ mình đang chân không. Nghĩa là tôi-chẳng-chân-không.

Và tôi nhận ra tại sao lại đổ quạu với bạn khi phải nhớ về “sự cố tháng Tư”. Tôi chưa ra khỏi nó, chưa khép lòng. Và trong lúc mọi người (cả bạn nữa) đang chăm chăm vào vết thương thấy được bằng mắt thường thì tôi đau quặn, đau buốt vì một vết thương khác, đó là sự cô đơn khi đi giữa đám đông mà đám đông chẳng thấy mình, chẳng hiểu mình. Đó là sự phản chiếu ám ảnh của những tấm gương (sau sự cố) đã vỡ rồi.

“Sự cố cánh đồng…” chỉ có thể tóm gọn lại, bóng tôi vấp vào rễ cây văng vào giữa biển người. Họ tưởng là tôi, họ gọi tên và mỉm cười với tôi. Nhưng tôi thì chẳng còn lòng dạ nào, bởi tim nghẹn lại, đau đáu nhớ về con bé chân không thuở trước.

Nguồn