*

TẠP GHI



PHIM SÁCH NHẠC

Đọc “Ba người khác”

SGGP:: Cập nhật ngày 27/01/2007 lúc 20:50'(GMT+7)

Tấn bi kịch hãi hùng về cải cách ruộng đất ở một xã đồng bằng Bắc bộ do chính người trong cuộc: ông đội phó đội cải cách, kiêm chánh án, kể. Một trong những ông đội phó cải cách, kiêm chánh án những năm tháng “nhất đội, nhì trời” ấy, lại chính là nhà văn lớn Tô Hoài (năm 1954-1955, ông mới 34 - 35 tuổi), tác giả Ba người khác. Vì thế, tiểu thuyết này rất sinh động, hấp dẫn, khiến người đọc chỉ có thể từ tin đến rất tin những điều trần trụi, khốc liệt được lần lượt phơi bày trong tác phẩm.

Ba người khác, có thể hiểu như tự truyện của nhân vật “tôi”, tên Bối, đội phó Đội cải cách ruộng đất, kiêm chánh án, kể về mình và hai người khác là Cự (đội trưởng) và Đình (cán bộ đội), cùng không hiểu biết gì về nông thôn, nông dân, nhưng “được tiếng là đánh địch (địa chủ, phản động) giỏi, có thành tích” trong ba đợt cải cách ở Thanh Hóa, được cấp trên tin cậy, điều về “cải thổ” một xã ở Hải Dương, mới tiếp quản sau khi quân Pháp rút.

 Và tấn đại bi kịch đã được nhà văn vẽ ra. Một vùng quê đang yên lành, bỗng chốc chìm ngập trong các cuộc đấu tố, tranh giành, oan khốc, đen tối và đẫm máu... 

Thực tế, những bi kịch về cải cách ruộng đất, nếu các tác phẩm văn học nhiều năm qua, vì nhiều lý do, chưa nói đến hoặc nói không đầy đủ thì những dấu ấn nặng nề về những sai lầm và hậu quả xã hội lâu dài của nó đến nay, sau hơn 50 năm, nhiều cá nhân, gia đình vẫn chưa hết nhức nhối. 

Bởi vậy, bi kịch về những sai lầm trong cải cách ruộng đất ở Ba người khác, với những người quan tâm hoặc hiểu biết về nó, đều đã quen thuộc. Có lẽ cũng biết điều này, để tránh sự “quen thuộc”, nhà văn Tô Hoài đã chọn cách viết tác phẩm từ lời kể của tên tội phạm, khác với những tác giả trước đây, viết với tư thế là nạn nhân, pháp quan, thầy đời v.v…

 Và sự lựa chọn này đã khiến Ba người khác ngay lập tức được các nhà phê bình, nhà văn “tài cao, đức trọng”, tôn vinh nhiệt liệt như đón chào ngôi sao rực sáng trên bầu trời văn chương Việt Nam.

 Trong Ba người khác, nếu cứ căn theo lời kể của “Tôi”, thì Bối, Cự, Đình thực sự là ba gã bản chất lưu manh theo ba kiểu khác nhau. Khi về địa phương, họ bắt mối và tập hợp quanh mình các “rễ”, “chuỗi” u tối, toàn đui, què, mẻ, sứt, nếu không cũng khùng khùng, điên điên...

 Cả ba ông Đội tuy cùng trình độ văn hóa thấp, vẫn đều đủ khôn ranh để biết việc nào đúng, sai, tốt, xấu, lợi, hại, nhưng vì sức ép thành tích, vô trách nhiệm, tham vọng quyền lực cá nhân, ham muốn thỏa mãn dục vọng thấp hèn, biết sai, xấu vẫn làm; biết dối trá, tội ác vẫn “vô tư” lăn xả… gây ra bao nhiêu bi thương, tang tóc cho làng xóm.

 Bằng thứ giọng bình thường hóa tội ác, toàn bộ lời kể của Đội Bối, trong Ba người khác, không chỗ nào tỏ ra đau khổ hay sám hối. Không biết khi kể chuyện, Bối đã hết chất lưu manh, dối trá hay chưa, nhưng ở cái xã và các xã đang “thổ cải” thời kỳ ấy, những nơi mà mầm mống nhân tính đã bị chính những người như họ tiêu diệt thì chắc chắn không thể có một ông Đội Bối vô can, và bây giờ lại uốn éo thanh minh rằng mình cũng chỉ là nạn nhân.

 Trong Ba người khác, chuyện tình dục tội lỗi được kể bằng thứ ngôn ngữ chính xác, khoái cảm hả hê, tâm đắc. Chỉ với 250 trang sách mỏng, những cảnh hoang dâm, quần dâm diễn ra thường xuyên, mọi lúc mọi nơi: Ba anh Đội: Cự, Bối, Đình thay nhau, nhường nhau làm tình các nữ dân quân, bần cố nông “rễ, chuỗi”: Đơm, Duyên… bất kể ban đêm, ban ngày, trước, sau lúc hội họp, lúc đấu tố; làm tình ngay bụi cây bên đường làng, bên đống rạ trong sân; làm tình cô Đơm trước người mẹ tàn tật, làm tình cô Duyên bên ông bố điếc; Đội Bối quần dâm với nhiều nữ dân quân trong một đêm ở lán gác…

 Trong Ba người khác, Đội thấy gái và gái thấy Đội, bất cứ hoàn cảnh nào, cũng như lũ cuồng dâm vồ nhau làm tình, không hề từ tình cảm mà chỉ từ động dục, đổi chác, lợi dụng nhau... giữa làng xã tiêu điều, đói khát, oan khốc, đấu tố tùy tiện. Viết về tình dục và dâm đãng để tạo ra sự rùng rợn về một loài kinh tởm hơn cầm thú và man di mọi rợ chưa từng có trong xã hội loài người, thì Ba người khác quả là “ép phê”.

 Nhưng người đọc buộc phải ngờ anh Đội Bối “tố điêu”, vì chắc chắn cái hiện thực hoang dâm hủ bại ngập ngụa trên, chỉ có trong trí tưởng tượng ác độc, vô luân của bọn tố điêu, chứ không thể có ở làng quê Việt Nam bất cứ thời kỳ nào. Cái giỏi của nhà văn lớn Tô Hoài chính là ở chỗ này: Vừa làm cho Ba người khác trở thành tác phẩm ăn khách mà vẫn tiếp tục lột trần Đội Bối, cà cuống chết đến đít còn cay, đã thất bại thảm hại, rơi xuống dưới đáy xã hội mà vẫn nguyên vẹn bản chất dối trá, lưu manh của anh Đội Bối ngày xưa.

 Trong Ba người khác, đội phó Bối, kiêm chánh án, không chỉ dùng “nghệ thuật” hoang dâm (vì ngày nay, hoang dâm đang được nhìn nhận là “đổi mới tư duy”) để bình thường hóa tội ác, mà còn trút hết mọi tội ác diễn ra ở xã thời cải cách, lên đầu đội trưởng Cự, một kẻ theo địch, đã chết, chẳng bao giờ có cơ hội viết tự truyện để bào chữa cho mình, đổ tội sang người khác, và nói thêm: Hàng nghìn vụ xử án, kết án oan “kẻ thù giai cấp” hồi đó đều không thể thiếu chữ ký của chánh án Bối. Dưới thần bút của Tô Hoài, có thể nói, Đội Bối là chân dung nhân vật tội đồ hoàn hảo nhất từ trước tới nay trong văn chương Việt Nam.

 Song đỉnh điểm cao thâm của nhà văn lớn Tô Hoài trong Ba người khác lại ở chỗ, vừa rút hết vốn sống của người trong cuộc, viết ra loại sự thật đáp ứng được khẩu vị và sự hiếu kỳ, khiến người đọc, nhất là các nhà phê bình đang muốn nổi của nền văn học Việt Nam, phải trầm trồ tâm phục khẩu phục, ông đồng thời vẫn tách bạch được sự thanh cao, thánh thiện bằng giọng văn dưng dửng, biếm biếm, như mình hoàn toàn là người ngoài cuộc, nên cùng lúc, ông cũng được ca ngợi là khách quan, dũng cảm khi dám mổ xẻ, phanh phui đến tận cùng một đề tài nhạy cảm.

 Đương nhiên, đọc văn học, phải cố gắng tách tác phẩm ra khỏi những hiểu biết về tác giả, nhiều bậc thầy đã dạy thế, nhưng khi chính tác giả tự ghép mình vào tác phẩm thì tách làm sao được...

 Trong Ba người khác, cuối cùng, ba kẻ gây tội ác, cũng phải chịu luật nhân quả, như nhiều chục năm qua, trong dân gian vẫn lan truyền về thân phận hẩm hiu của những kẻ gieo ác trong cải cách ruộng đất: Đội Cự vào Nam, chiêu hồi, bị đặc công ta giết; Đội Đình và vợ con đi ăn mày rồi tha hương vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng, tiếp tục đeo đuổi giấc mơ trại Đại Đồng hão huyền; Đội Bối bị vợ con bỏ, bật ra lề hè bơm xe... Bi kịch cải cách ruộng đất ở xã nọ kết thúc có hậu, kèm theo lời giải đáp “đúng hướng” về nguyên nhân đẻ ra sự xáo trộn làng quê kinh hoàng: Đội Cự có vẻ như do địch cài vào, Đội Bối là đảng viên giả mạo, còn Đội Đình, đảng viên thật sự, chỉ có mỗi tội lãng mạn không tưởng.

 Nhiều người bảo Ba người khác đã mở ra diện mạo mới cho văn chương Việt Nam. Nói như thế là chưa thấy hết tầm cỡ của Tô Hoài, chưa hiểu thế nào là thuật kim thiền thoát xác. Đọc xong Ba người khác, không nhìn ra người thứ tư, một anh Đội Bối B, sau cải cách, sau sửa sai, vẫn tiếp tục được thăng quan tiến chức, hưởng ngập mặt những bổng lộc, quyền lợi, nhờ cải cách ruộng đất, và đến tận cuối đời, chứng khôn ranh vẫn nguyên vẹn, vẫn thu hút được quanh mình đủ loại “chuỗi, rễ” đời mới, là chưa hiểu hết cái sâu xa, cái vô cùng của tác phẩm.

TRÚC ANH