*

TẠP GHI



Hạt thóc của Phù Thăng
 

"Nếu tính cách là do hoàn cảnh tạo ra, thì cần phải làm cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo hơn." 

Marx
"Liệu con người có hồi sinh được không, từ những đòn đau ê ẩm của Chekhov?"

Gorki

(Phan Hồng Giang trích dẫn, trong giới thiệu tuyển tập truyện ngắn Chekhov, nhà xb Văn Học, hai tập, 1977). 

Trong số những bài viết của "Chân Dung và Đối thoại" (Trần Đăng Khoa), được hải ngoại đăng lại, kèm hoặc không kèm lời bình, "đạt", có: bài viết về (con nai vàng ngơ ngác của) Lưu Trọng Lư, (đôi tất của) Lê Lựu, (trận cháy của) Xuân Diệu, và (hạt thóc của) Phù Thăng. 

"Hạt thóc", là câu chuyện "về một gã tâm thần. Gã từng là nhà văn, từng làu làu tiếng Pháp. Thế rồi chẳng biết do ngộ chữ thế nào đó, gã đâm lẩn thẩn. Gã cứ nghĩ mình là hạt thóc bé bỏng tội nghiệp. Và vì thế cứ trông thấy gà qué ở đâu là gã co cẳng chạy". 

"Thật tội nghiệp cho gã! Thà gã cứ nghĩ mình là một cục cứt để rồi mà sợ chó, thì đời gã chẳng đến nỗi khổ như vậy." 

Bởi vì hạt thóc, gà... liên quan tới nhà quê, cho nên Trần Đăng Khoa giải thích cụm từ "thà gã cứ nghĩ mình là một cục cứt để mà sợ chó": 

"Chó đang thưa vắng dần. Ở làng quê bây giờ có bói cũng chẳng tìm thấy bóng dáng một chú chó nhỏ. Để đề phòng bệnh dại, người ta đã triệt chó". Nhưng liền đó, là:"Chỉ ở Hà Nội mới có chó. Rất nhiều chó." (tôi cứ tưởng tượng cái cảnh Trần Đăng Khoa viết đến đoạn này, khoái quá, rồi sợ quá, ông bèn viết thêm) "Chó ngào ngạt suốt một rẻo đê Nhật Tân. Nhưng đó là những con chó hòa bình, chẳng có gì phải sợ". (Ở đây, loáng thoáng câu tục ngữ: chó chết, hết chuyện!). 

Một truyện ngắn "mini", (truyện cực ngắn) như Trần Đăng Khoa cho biết. Ông giải thích, "có truyện chỉ vài trăm chữ, thậm chí vài chục chữ, mà vẫn chuyển tải được tới bạn đọc một vấn đề lớn. Chỉ một dúm chữ, nhưng truyện vẫn có hồn, có cốt, có cả nhân vật. Nói tóm lại, nó vẫn là cái truyện nghiêm chỉnh, chứ không phải một dạng tiểu phẩm, có tráng qua chút văn chương." 

Sau đó người bệnh được một bác sĩ tâm thần chữa trị. "....bằng tấm lòng nhân ái ấy, ông bác sĩ tài ba ấy đã cứu được gã, đã đưa gã từ cõi mộng mị hoang tưởng về với xứ người. Ông anh làm nghề gì? Tớ là nhà văn. Cóc phải! Người ta bảo ông anh là hạt thóc. Bậy! Tớ là con người. Cậu nói gì mà lạ thế? Tớ là con người!" 

Trong bài về Xuân Diệu, người viết có nhắc tới nhà văn Nga, Nabokov. Trong "Độc giả tốt và nhà văn tốt" ông viết: "Văn chương không bắt đầu vào cái ngày, một đứa trẻ chạy trối chết từ một cánh rừng ra, và chạy và la: 'chó sói, chó sói!', và một con sói bén gót chú bé. Văn chương ra đời cái ngày chú bé la lớn 'chó sói, chó sói!', và đằng sau lưng chú chẳng có con sói nào.... giữa con sói ở góc rừng và con sói ở góc trang sách, có một mắt xích lóng lánh. Mắt xích đó, lăng kính đó, là nghệ thuật văn chương". 

Ở đây, với "Hạt Thóc" của Phù Thăng, có một ẩn dụ, không những liên quan tới văn chương, mà còn tới phận người. Chồng chất những nỗi cơ cực ở trong đó.
 

Qua Trần Đăng Khoa người đọc biết, Phù Thăng là một nhà văn bị biếm, may không bị giết, nhờ đã chút công với cách mạng. Một cách hết sức tự nhiên, người đọc liên tưởng từ hạt thóc tới tác giả của nó: ông là một hạt thóc, bị những đồng chí cách mạng chạy theo bén gót, may được "đồng quê" chữa trị. Với tôi, đoạn Trần Đăng Khoa viết về những ngày bị biếm của Phù Thăng, và một con trâu điên - (bạn hay Phù Thăng đích thị?) - là những trang sách đạt nhất của "Chân Dung và Đối thoại": 

"Phù Thăng làm quần quật như một nông dân. Chẳng ai biết ông là một nhà văn hào hoa phong nhã một thời. Bà bán nước chè xanh ở quán nước đầu xã Cộng Lạc, vốn là một giáo viên nghỉ hưu tỏ ra rất am tường: 'Các bác muốn tìm ông Thăng mà hỏi nhà văn Phù Thăng thì chẳng ai biết đâu. Cứ hỏi ông Thăng có con trâu sứt tai, hoặc gọi tắt là ông Thăng sứt, thì cả làng này ai cũng biết.... Mà kể cũng lạ... ông lão người cứ quắt như gốc sắn khô, mà trị được con trâu to vật. Con trâu ấy dữ lắm, trẻ con đứa nào cũng hãi. Con điên sứt ấy đã cho mấy ông thợ cày thủng bụng rồi đấy. Vậy mà nó chịu ông Thăng...'

 "Vậy đó. Con điên. Con điên sứt. Những biệt hiệu đầu gấu sặc mùi đao búa của con trâu ương ngạnh, ai ngờ lại là đặc điểm, là chứng chỉ để người ta nhận diện một nhà văn... Thực tình Phù Thăng đâu đã bỏ văn, để rồi phải núp sau cái tai sứt của con trâu điên khùng. Ông vẫn viết cần mẫn. Ngày cày ruộng quần quật, đêm lại chong ngọn đèn dầu, cặm cụi 'cày' trên cánh đồng giấy trắng rợn, trắng đến sởn cả da gà. Bà vợ hơn ông hai tuổi lại rên rẩm:'Thôi, tôi lạy ông! Đừng viết nữa. Khổ đến thế còn chưa đủ sao? Nhất nhỡ lại sa sẩy nữa thì sống sao nổi. Ông già rồi...' Nhưng Phù Thăng làm sao bỏ viết được. Cái nghiệp văn chương nó thế. Không phải ông chọn văn chương mà chính văn chương đã chọn ông để đầy đọa, để hành hạ ông trong cõi người này.... Chồng bản thảo mỗi ngày dầy thêm. Phù Thăng gói bản thảo thành từng bó, quấn giấy xi măng, rồi cho vào chum ủ lá xoan tươi. Đấy là cách phòng chống mối mọt của những nông dân nghèo thời trung cổ. Trong căn buồng ẩm thấp, tối sẫm, lúc nào cũng vo ve tiếng muỗi, ngoài chum thóc, chum sắn còn có cả một chum văn nữa..."

 Đoạn chót bài viết, là chuyện chum văn "chết" gặp gỡ những chum văn "sống":

 "Thấy chúng tôi, ông sững lại, rồi reo òa lên như một đứa trẻ:

 -Ối giời, các ông! - Và rồi, thật bất ngờ, Phù Thăng sụp xuống. - Tôi lạy ông Khải, tôi lạy ông Lựu, tôi lạy ông Khoa!

 Ô hay, sao lại thế này? Lê Lựu há hốc mồm kinh ngạc. Nguyễn Khải đứng dậy, luống cuống. Xưa nay người ta chỉ lễ người chết, chứ mấy ai lễ người sống bao giờ..."

 Độc giả thấy thấp thoáng đoạn kể, nỗi sợ bất thần của anh chàng tâm thần khi thung thăng ra viện: "Nhưng thật oái oăm, chính cái lúc ấy... thì lại vút lên tiếng gà gáy. Thế là gã co cẳng chạy.... Ông làm sao thế hả? Con gà... con gà... gã líu lưỡi lại. Ông anh có phải là hạt thóc không? Bậy! Tôi không phải là hạt thóc. Tôi là người. Là con người.... Nhưng con gà, vâng chính con gà ấy, nó vẫn cứ tưởng tôi là hạt thóc, thì sao?"

 Tôi là người nhưng những con gà nó không chịu cho tôi làm người, thì sao?

 Và Trần Đăng Khoa kết luận: "câu chuyện mi-ni của ông xưa, lại ám ảnh tôi, chợt làm tôi ớn lạnh. Bất giác, tôi nắm chặt bàn tay gầy guộc của Phù Thăng, lòng mơ hồ rờn rợn. Chỉ sợ ở một xó xỉnh nào đó, sau lùm cây tối sẫm kia, lại bất ngờ cất lên một tiếng gà gáy..."

 Bạn có thấy câu văn đóng bài viết "đạt" không? Trần Đăng Khoa nhập vào nhân vật chính trong chuyện mini "Hạt Thóc", cũng như Phù Thăng đã nhập vào trước đó. Ở đây, có tới ba chuyện mini "Hạt Thóc". Ba nhân vật là một nhân vật (anh chàng bệnh tâm thần; anh chàng "tớ là nhà văn" - Phù Thăng; anh chàng "tớ là nhà thơ" - Trần Đăng Khoa).

 Để giải thích kinh nghiệm tuyệt vời này, cho phép tôi được nhắc tới bài tựa thi phẩm "Lá Cỏ" (Leaves of Grass, của Walt Whitman), của Jorge Luis Borges (trong cuốn Sách Tựa, Livre de Préfaces).

 Borges nhắc tới cảm giác bực bội, của ông và cũng là của nhiều người, khi chuyển từ những dòng thơ tuyệt vời trong Lá Cỏ, qua những cuốn viết về tiểu sử tác giả, nhà thơ Walt Whitman: người đọc cố tìm nhà thơ lang thang bán-thần, người đã làm nên những câu thơ thần trong Lá Cỏ, và ngạc nhiên vì không làm sao tìm ra. Bài Tựa của ông, là để giải thích lý do tại sao đó.

 Lá Cỏ là hùng ca về nước Mỹ, vào thời kỳ lập quốc, và là một trong những biểu tượng về một cõi lý tưởng, thiên đàng hạ giới (có thể bây giờ vẫn còn được nhiều người tin như vậy). Những hùng ca, với những nhân vật như Achille, Ulysse... đã thuộc về một thế giới bị tiêu huỷ, hoặc chúng ta muốn tiêu huỷ: thế giới quý tộc. Thế giới của tôi (Whitman) không thể bắt chước những khuôn mẫu đó: nhân vật chính của nó (hùng ca) phải ở số nhiều.

 Trong tập thơ, nhân vật chính, chính là Walt Whitman, ở số nhiều. Không những ở số nhiều mà Whitman còn muốn, nó vô tận: ông cộng vào nhân vật chính, một nhân vật thứ ba: độc giả!

 Bởi vì, như Borges giải thích: Đọc Macbeth, một cách nào đó: là Macbeth.

 Bịa ra một nhân vật, đã khó. Biến nó thành hai, thành ba, rồi thành vô cùng, làm được như vậy, chỉ mới có Whitman.

 Đọc Phù Thăng của Trần Đăng Khoa, độc giả cũng cảm thấy rờn rợn, vì một tiếng gà gáy bất thình lình ré lên...

 Một bài viết thật tuyệt vời, với riêng tôi. 

Theo Trần Đăng Khoa, Phù Thăng viết truyện Hạt Thóc khi đã rời bỏ Hà Nội, trở về quê, làm một thợ cầy. Trước đó, ông từng là tác giả kịch bản nổi tiếng. Tiểu thuyết Phá Vây dày 500 trang, viết trực tiếp về cuộc chiến tranh vùng Bắc Bộ. Một cuốn sách ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nếu không có vài dòng ông luận về chiến tranh. Trong đêm, trước buổi mai một trận đánh lớn, nhìn cậu lính nào cũng trẻ đẹp, sức trai như thế kia vào trận mà chết thì uổng quá. Nếu không có chiến tranh, những sức vóc ấy mà cho đi phạt bờ, cuốc góc thì sướng biết mấy... Tôi nghĩ Hạt Thóc đã nẩy mầm ngay lúc đó. Ông muốn là một hạt thóc của văn chương, thay thế những hạt thóc bị phí phạm của cuộc đời. Nói một cách riết ráo, điều mà Phù Thăng muốn, là một thứ văn chương của hạt thóc, chứ không phải văn chương của đàn gà! Cái đoạn tả ông sụp lạy những đàn anh văn nghệ cho thấy: hãy cứ cho tôi là (văn chương của) hạt thóc, đừng săn đuổi tội nghiệp! (Bài viết của Trần Đăng Khoa có thể làm độc giả ngộ nhận: Phù Thăng đã trở nên điên khùng như nhân vật của ông. Đây là một cách quy chụp, thường xẩy ra cho những nhà trí thức từng theo Đảng và sau đó phản tỉnh, như trường hợp Trần Đức Thảo chẳng hạn). 

Ngay trong bút hiệu của ông, đã có một ước vọng (phù thăng đọc ngược là thằng phu).

 Nhưng cũng có thể, khi Phù Thăng cho nhân vật nhập vào một hạt thóc, ông còn liên tưởng tới kỷ niệm thuở ấu thời. Mấy bà mẹ, mỗi lần thấy đứa nhỏ để vương vãi khi ăn, thường căn dặn: hạt thóc, hạt gạo, hột cơm là những hạt ngọc của trời, nhặt lên đi con. Mấy bà mẹ làm sao hiểu nổi định luật bảo toàn năng lượng - chẳng có gì sinh ra, chẳng có gì mất đi - hạt thóc vương vãi dành cho gà qué, hột cơm vào bụng, tiêu hóa, nuôi cơ thể, phần dư thừa biến thành thức ăn của chó, rồi tất cả ngào ngạt ở Hà Nội... nhưng ở giữa hạt thóc mà đàn gà săn đuổi, và ao ước giá là một cục cứt thì đỡ khổ biết bao nhiêu, là thân phận (hoặc vinh quang của) người viết: chọn văn chương hay "được" văn chương chọn lựa...

 Nguyễn Quốc Trụ