Đọc ở đâu
Trên tờ TLS, Robert Irwin điểm cuốn “Đọc ‘Lolita’ ở Teheran”, của Azar
Nafisi, một câu chuyện về tình yêu, về những cuốn sách và về cách mạng,
đã đưa ra một nhận xét thú vị. Theo ông, những nhà phê bình văn học chú
ý ai đọc sách, đọc sách gì, nhưng lại ít chú ý đến nơi chốn mà những
cuốn
sách được đọc.
Nhìn lại một đời đọc, nơi đọc, hoặc chỉ thấy mà chưa có hân
hạnh đọc, lần đầu tiên trong đời, quả là ghê gớm thật. Mà có khi còn
liên quan đến cái gọi là cơ may, vận mệnh của một đời văn, đời người.
Một cách nào đó, có thể nói, Mai Thảo đọc truyện ngắn đầu tay của Dương
Nghiễm Mậu, Cũng Đành, từ sọt rác tòa soạn báo Văn, tại đường Phạm Ngũ
Lão Sài Gòn, khi Trần Phong Giao làm tổng thư ký, như ông kể lại trong
một bài viết về họ Dương. Bởi vì ông đã lôi nó từ đó ra và đem lên Sáng
Tạo. (1)
Nguyên Ngọc đọc Nguyễn Huy Thiệp từ trong đống bụi của tờ Văn Nghệ, như
ông kể lại với Nguyễn Xuân Hoàng trên tờ Văn số tháng 6 & 7, 2003.
Như thể, trong khi chờ đợi người đọc, chúng - những cuốn sách – có khi
phải rúc sâu vào lớp bụi, nơm nớp sợ, một thằng cha cà chớn, một con
mắt
phàm phu tục tử nhìn thấy!
Giả sử như chẳng gặp được một Nguyên Ngọc, thì đành biến thành bụi...
Tôi, đọc Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền ngay trên hè đường Sài Gòn, khi
cuốn sách được đem bán xôn. Sau này, tôi vẫn cám ơn ông Nguyễn Đình
Vượng, người xuất bản, đã làm một
hành
động vô cùng ngoạn mục, là cho Bếp Lửa biến thành bụi đường, để rồi tái
sinh,
như truyền thuyết về một loài phượng hoàng.
Giả sử như ông không làm như vậy, một thằng học sinh nghèo như tôi, sức
mấy mà có tiền, hoặc dám bỏ tiền ra mua, một cuốn Bếp Lửa, nằm trên giá
sách?
Tay nghệ sĩ chơi nhạc, và soạn nhạc nổi tiếng Yanni, kể lại, vào năm 9
tuổi, ông bố đem cầm cố căn nhà của gia đình, lấy tiền mua cây đàn
dương
cầm cho thằng con con nít. Sau này ông con kể lại, ông không phục ai
trên
đời bằng phục chính ông bố của mình! Bởi vì, theo ông, mua cây đàn chậm
hơn một tí là... hỏng! Ông bố biết, phải có cây đàn, và phải có ngay
lập
tức, không là cái thiên tài ẩn náu ở trong thằng con nít, sẽ bỏ đi ngao
du,
bởi vì nó không thể đợi đuợc!
Tôi cứ tuởng tượng ra một ông Nguyễn Đình Vượng, một buổi sáng đẹp trời
tại Sài Gòn, bê chồng sách cũ, bán không được, là những cuốn Bếp Lửa,
cho xuống lề đường, để nó gặp được những độc giả... đích thực của
nó, thí dụ như...
tui, chẳng hạn!
Bởi vì hành động bệ những cuốn Bếp Lửa mà tôi còn nhớ rõ, bìa vàng vàng
đó, ra lề đường, đối thằng con nít nhà nghèo là tôi đó, nó giống như
hành động cầm cố nhà mua cây đàn. Có chút khác, là ông Vượng làm sao
biết có một thằng con nít, đúng vào thời điểm đó, cần đọc... cọp, cuốn
Bếp Lửa?
Ôi chao, khi đã kiếm ra đồng tiền, cày hai jobs, một cho nhà nước, một
cho báo Mẽo, thằng con nít ngày xưa ‘đăng ký’ mua báo Tây dài hạn
[hồi
đó gọi là ‘abonner’, thay vì ‘subscribe’], nhưng làm sao quên được cái
thú
đọc báo cọp, đọc sách cọp, ngay ở vỉa hè?
Thanh Tâm Tuyền đọc Đêm Giã Từ Hà Nội, cho cả băng bằng hữu Sáng Tạo
nghe, và sau khi đăng, mời Mai Thảo đến tòa soạn, cả hai kéo nhau đi
uống "cà
phe". Mai Thảo tâm sự, nếu anh mà không lôi nó ra đọc, rồi đăng, tôi đã
kiếm nghề buôn, thay vì viết, giữa những chuyến ngồi ngất ngưởng trên
xe
xích lô, từ tòa soạn báo này tới báo khác, tại Sài Gòn.
Theo tôi, Thanh Tâm Tuyền phải đợi tới khi Mai Thảo mất mới cho
đăng những chi tiết
trên, không phải là để đính chính một vài điều về nhóm Sáng Tạo, thí dụ
như “Ai là người cầm đầu
nhóm, ai là người khám phá ra Mai Thảo”... nhưng là để cho thấy, cái
gọi là nghiệp văn của Mai Thảo, sẽ biến thành nghiệp buôn, nếu không có
một độc giả là
Thanh Tâm Tuyền.
Và khi Thanh Tâm Tuyền cho rằng Mai Thảo “đã trốn thơ cho tới khi không
thể trốn được nữa”, thì chúng ta, những độc giả của cả hai, sẽ tự hỏi,
phải chăng, thi sĩ cho rằng, giả sử như Sáng Tạo không đăng truyện
ngắn_tùy bút_ thơ Đêm Giã Từ Hà Nội, biết đâu đấy, Mai Thảo sẽ
“bằng lòng” làm nhà
thơ, thay vì... “bằng lòng làm nhà văn” [chữ của Thanh Tâm
Tuyền, trong bài viết về Mai Thảo khi ông mất, trên tạp chí Thơ], tác
giả của những cuốn tiểu thuyết đăng báo, viết giữa những chuyến xe xích
lô ngất ngưởng trên
đường phố Sài Gòn....
còn tiếp
(1): Mai Thảo, trong Chân Dung Nhà Văn, không nói rõ tên tờ báo, nơi
ông
nhặt được bản thảo
truyện ngắn của DNM. Không phải truyện Cũng Đành, mà là Rượu Chưa Đủ.
Chắc chắn không phải
báo Văn, vì khi ST còn
sống, chưa có Văn. Báo Văn số 1, số ra mắt, là số Tết, Xuân 1964, theo
NCK. Cám ơn bạn đã
nhắc nhở về sai sót trên.
NQT