nqt
   
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Tạp Ghi 
 




Nhà văn chọn bên

Tôi chọn sống ở miền bắc, thay vì miền nam Việt Nam.

Graham Greene

Trong cuộc chiến Việt Nam, đa số nhà văn trên thế giới đã chọn miền bắc thay vì miền nam, và đây là một quyết định, theo người viết, "hợp lý cho tới khi cuộc chiến chấm dứt". Thành thử, một lời cảnh báo vào những ngày như thế này, là rất quan trọng. Sự kiện một siêu cường gần như độc nhất trên thế giới lao mình vào một cuộc chiến, sau những kinh nghiệm đau thương ở Việt Nam, là một vấn đề thật sự không đơn giản.

Trong tác phẩm nghiên cứu Một Vấn Đề Từ Địa Ngục, [xin xem bài điểm sách này trên trang Tin Văn, mục Điểm Sách, tác giả Power cho rằng, ngay khi Hitler ló mòi làm cỏ dân Do Thái, nếu Washington và London "làm một cái gì đó", thì có thể đã không xẩy ra vụ Lò Thiêu. Và nhân loại phải đợi tới tháng Tám, tân thiên niên kỷ (2001), khi Radislav Krystic tư lệnh quân đội Serbs tấn công những vùng an toàn được LHQ bảo vệ, ông ta mới là người đầu tiên được dán nhãn hiệu: phạm tội ác diệt chủng.

Thập niên 1980, Iraq lâm chiến chống Iran của Khomeini, ông giáo chủ này tố cáo Mỹ là Quỉ Bự (Great Satan), Mỹ đã hỗ trợ Iraq và làm ngơ chuyện Saddam Hussein sử dụng hơi độc giết dân Kurds, chiếm 1/4 dân số trong nước của ông ta. Vào những năm 1987 và 1988, ông ta đã làm thịt gần 100 ngàn dân Kurds, phá hủy làng mạc, toan tính làm cỏ sạch người, và luôn cả văn hóa của sắc dân này. Chính quyền Reagan đã vờ đi, vẫn chấp nhận chế độ Baghdad như là đồng minh của họ.

Power đã nhấn mạnh tới hai lý do đưa đến sự thất bại của thế giới và đặc biệt, của Hoa Kỳ, trong việc ngăn chặn những tội ác diệt chủng nói trên. Lý do thứ nhất: cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, vốn được gọi bằng cái tên hoa mỹ là: không muốn xâm phạm chủ quyền của một nước khác, vì đây là công chuyện nội bộ của họ. Hậu quả của nó, khi bạn làm cỏ một vài sắc dân thiểu số, thì đó là quyền của bạn, tôi không dám xía vô. Thổ Nhỹ Kỳ vào năm 1915, Hitler thập niên 1930, và 40, Pol Pot, Saddam Hussein, Slobodan Milosevic... đã lợi dụng quyền tự do làm gì thì làm, ở bên trong nước của họ. Lý do thứ nhì thực sự không liên quan tới lý do thứ nhất: Những người giữ trách nhiệm, quyết định đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ – và có thể nói, của đa số nước trên thế giới – thường cảm nhận về chính họ, như là những con người thực tế (realists), hành động vì lợi ích của chính quốc gia họ và ít quan tâm tới công chuyện nội bộ của nước khác. James Baker, cựu bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đã diễn tả thật tuyệt vời tính thực tế này, qua câu nói, khi xẩy ra những vụ làm cỏ người (ethnic cleaning) tại Bosnia: Chẳng có một con chó Mỹ nào bị kẹt ở đó (We don’t have a dog in this fight: Chúng ta không có một con chó nào ở trong trận đánh). Toan tính, hành động nhằm ngăn chặn tội ác diệt chủng là phải sử dụng tới sức mạnh, và sẽ hao tiền của, tốn nhân mạng, và đây là một điều mà những nhà lãnh đạo khôn ngoan, cẩn trọng, không muốn, cái sẩy nẩy cái ung.

Nhìn theo quan điểm này, mới thấy cái ung sẽ khủng khiếp như thế nào, cả trong hai tình huống: Mỹ và Anh thắng, hay... bại, ở cuộc chiến Iraq.

***

Vào ngày 17 tháng Giêng 1970, tờ Thời Báo Luân Đôn cho đăng lá thư ngỏ của người con trai 17 tuổi của nhà văn ly khai người Liên Xô, Yuri Daniel, gửi cho nhà văn người Anh, Graham Greene, cầu cứu ông này can thiệp cho ông bố bị nhà nước Liên Xô cho nắm ấp, khi tình trạng sức khỏe của ông bố coi bộ không xong. Ông nhà văn nguòi Anh bèn lên tiếng, trong một lá thư, (in trong Thư Gửi Báo Chí, Yours etc. Letters to the Press 1945-89, nhà xb Christopher Hawtree, London), trích đoạn sau đây:

"Thư này đúng ra phải gửi tới báo Pravda và báo Izvestia, nhưng hai báo này đã vờ đi [đã thất bại trong việc cho in] không đăng những lời phản đối của công dân Xô Viết, khi xẩy ra vụ án xử hai nhà văn ly khai Daniel-Sinyavsky, thành thử tôi đâm ra ơn ớn, rằng lá thư của tôi cũng chịu chung một số phận như trên.

Như nhiều nhà văn Anh, tôi đang đợi nhận tác quyền ở Liên Xô, nơi hầu hết những cuốn sách của tôi đã được xuất bản. Tôi đã viết thư cho ông Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn Liên Xô ở Moscow, nhờ ông ta giúp giùm tôi một việc, là chuyển những số tiền đó, tới Bà Sinyavsky và Bà Daniel, hầu các bà có thêm chút "xây sả", và đi thăm nuôi chồng hiện đang ở tù.... Tôi chẳng thấy thú vị gì, lại đi thăm Liên Xô vào lúc này, bằng số tiền đó, một khi mà những nhà văn trên còn nằm trong tù, cho dù kỷ niệm những chuyến đi vui vẻ hạnh phúc cũ, vẫn còn ngời ngời ở trong tôi.

Có nhiều cơ quan, thí dụ như Đài Phát Thanh Âu Châu Tự Do, mở ra những chiến dịch chống Liên Xô, Tôi mong rằng những cơ quan như trên đừng coi lá thư này của tôi, như là một cú chống Liên Xô. Nếu tôi phải chọn sống, ở Liên Xô hay ở Hoa Kỳ, tôi chắc chắn sẽ chọn Liên Xô, cũng như vậy, tôi sẽ chọn Cuba để sống thay vì những nước cộng hòa ở Nam Mỹ, như Bolivia, bị láng giềng phương bắc thống trị. Hay là sống ở Bắc Việt Nam thay vì Nam Việt Nam. Nhưng bạn càng yêu một miền đất bao nhiêu, bạn càng bị lôi cuốn vào việc lên tiếng phản đối bấy nhiêu, một khi công lý bị thất bại ở đó."

Thái độ của Greene, chọn sống ở Liên Xô thay vì Huê Kỳ như trên, đã bị nhiều ký giả phóng viên nhiều báo sỉ vả. Chỉ có một người bênh ông, là James Brazil (từ Ilford). Ông này nhận xét:

"Ông Greene, như nhiều người, nhận thấy thật khó khăn, khi phải hòa giải, một bên là lòng ngưỡng mộ cách sống Xô Viết, (the Soviet way of life), và một bên là hình thức toàn trị của chính quyền ở đó, tức cái chính quyền đã làm cho lối sống kia trở thành khả hữu. Tôi tin rằng sự lưỡng lự, phải nói là sự lầm lẫn của ông, là thành thực. Nhà văn người Nga, Dostoevsky đã từng nói: ".... Cái đầu con người ta, nếu một khi chấp nhận ý tưởng bình đẳng (equality, ai cũng như ai), thế là mất đi ý niệm về tự do. Nếu ôm lấy tự do, là mất tiêu bình đẳng." (".... the human mind, if it accepts the idea of equality, almost invariably loses the concept of liberty. If it maintains the idea of liberty, it loses the conception of equality).

Jennifer Tran giới thiệu