Tản mạn về thơ, nhân một chuyến đi (2)
Hoạn nạn bầu lên thơ trẻ
Kỳ trước, người viết có đưa ra gợi ý, nhằm giải thích sự xuất hiện của
Thơ Trẻ ở trong nước: như là phản ứng chống lại một nền thi ca lẫm
liệt, và sự liệt bại của nó, khi không còn lẫm liệt được nữa. Liệu có
thể, Nguyễn Trọng Tạo, giới thiệu tập thơ đầu tay của Vi Thùy Linh,
Khát, cũng có ý nghĩ
đó, khi viết, "Chữ bầu lên nhà thơ, hoặc hủy diệt nhà thơ"?
Có lẽ chúng ta phải lật ngược câu nói của ông, mới dễ nhận ra, đâu là
hủy diệt (Thơ Lẫm Liệt), đâu là đăng quang (Thơ Trẻ: Thơ Hoạn Nạn - Tôi
có gì: chỉ hai tập thơ đầy hoạn nạn. Vi Thùy Linh).
Nói một cách khác: Hoạn nạn bầu lên Thơ Trẻ.
Hoạn nạn. John Fowles, nhà văn Anh, khi được hỏi tại sao ông lại gọi
cuộc phỏng vấn ông, là một "Unholy Inquisition" (Pháp Đình Tà Ma), đã
trả lời: Thì cũng giống một chiến sĩ bị mật vụ Đức Gestapo, hay một kẻ
vô thần bị mấy ông phán quan của Chúa, tra hỏi. Đâu có ai muốn "hoạn
nạn" như vậy!
Tuy là một nhà văn Anh, nhưng ông cho biết, điều này tiếng nọ làm cho
tôi cảm thấy mình là một kẻ lưu vong tại Anh. Vài năm trước đây, tình
cờ
tôi đọc được một câu trong một cuốn tiểu thuyết u tối viết bằng tiếng
Pháp:
Miếng bấc hòn chì thì là quê mẹ. (L’opinion est comme une patrie: Quan
điểm
thì cũng như đất mẹ) Kể từ đó, đây là "niềm tin" về quốc gia dân tộc
của
tôi. Niềm tin, là nói quá: một khi bạn chẳng còn có được cảm tưởng thế
nào
là tình tự quốc gia dân tộc, một khi những niềm tin của đồng bào của
bạn
thì đều khùng khùng điên điên, hoặc bị quỉ ám, bạn thật khó mà có niềm
tin,
và đành chọn cho mình nỗi cô đơn như là hậu quả tất nhiên của nó.
"Tại sao tôi không thể tin, những gì chúng tin... Nếu chúng chiếm được
cuộc đời, tôi đành chọn hư vô" (Thanh Tâm Tuyền: Cát Lầy).
Lạ một điều, khi thơ tự do vừa mới xuất hiện tại miền nam, thời kỳ
1954, tác giả của nó cũng bị đánh phá tơi bời trong khi tên tập thơ đầu
tay của ông: Tôi không còn cô độc!
Nhà thơ khốn khổ, khốn nạn, nhà thơ trời đánh (poet maudit). Nhà thơ bị
ám sát (poet assassiné). Nhà thơ hoạn nạn, nhà thơ "lưu vong trên đất
mẹ": đây là một tên bài viết của Phan Huyền Thư, nhưng sau tác giả đành
phải
đổi lại là: Thơ của tôi không dành cho bạn. Người ta đã cho rằng đặt
một
cái tít như vậy, là đụng chạm tới chính trị, coi quê hương là
"unholy"...
Nhưng, thì vẫn là quê mẹ (cà cuống chết đến đít vẫn còn cay): nhìn từ
một góc nào đó, lưu vong, hoạn nạn, là thách đố mà nhà thơ nhà văn nào
cũng phải chấp nhận, khi muốn làm mới thơ, làm mới ngôn ngữ. Proust
nói: Những tác phẩm lớn được viết bằng một thứ ngôn ngữ ngoại (bản
tiếng Anh: Great books
are written in a kind of foreign language). Hoặc Kafka, khi để cho một
nhà
vô địch về bơi lội nói: Tôi nói cùng một thứ tiếng với bạn, vậy mà tôi
không hiểu dù chỉ một từ bạn nói. (Tôi là nhà vô địch về bơi lội mà lại
không
biết bơi, tôi là nhà văn nhà thơ viết bằng tiếng mẹ đẻ vậy mà không
biết
tiếng mẹ đẻ!). Hoặc Roland Barthes: khi nhà văn xuất hiện là mở ra
trong
mình, một vụ án văn chương. Đây là hậu quả của văn chương lên ngôn ngữ
mẹ:
nó mở ra một thứ ngôn ngữ ngoại ngay trong lòng ngôn ngữ mẹ. Nó làm cho
tiếng
mẹ đẻ trở nên khác đi, để vẫn còn là tiếng mẹ đẻ. Theo nghĩa đó, cách
tốt
nhất để gìn giữ tiếng mẹ đẻ là tấn công nó, và mỗi nhà văn phải sáng
tạo
cho riêng mình một ngôn ngữ.
Sẽ có rất nhiều người hỏi: buồn tập tễnh là buồn thứ chi chi?
Hoặc người ta nói "đôi môi", chứ có ai nói "môi môi" bao giờ?
Hoa sữa lọt áo em bối rối
Hương của hương say môi môi
Vi Thùy Linh
Mưa gõ mõ cầu siêu
Hồn phiêu diêu đèn nhang cửa ngỏ
Buồn tập tễnh
Về ăn giỗ mình
Đầu giường sằng sặc giấc mơ mới
Phan Huyền Thư
[Lần đầu đụng câu thơ "về ăn giỗ mình", cũng là lần đầu trở lại đất
bắc, Hà Nội, sau hơn một nửa thế kỷ xa cách, tôi cứ tưởng tượng đây là
bữa giỗ của chính mình].
Và buồn tập tễnh.
Câu thơ có nghĩa: Buồn nên đành đi tập tễnh về ăn giỗ mình?
Nếu coi tập tễnh "đi" với động từ "về" sau đó, thì lại không xứng với
hình ảnh "mưa gõ mõ" ở trên:
Mưa gõ mõ - cầu siêu
Hồn phiêu diêu- đèn nhang
Buồn tập tễnh -giỗ mình.
(còn tiếp)
NQT