Ba cung nức nở
- Cô
độc
như Celan - Thiên tài lòe bịp - Bạo Mồm - Cho đến
khi câu chuyện thê lương của tôi được kể.
Ba
cung nức nở
(A lament in three voices)
Helen Vendler, trên tờ Điểm sách New York, số đề ngày
31 tháng Năm, 2001, qua bài viết "Nức nở bằng ba giọng" (A lament in
three voices) cho rằng, đôi khi, một bài thơ mãnh liệt đến nỗi phá bung
mọi câu thúc về ngôn ngữ, địa lý, và thời đại. Và theo tác giả, đó là
trường hợp bài thơ Hoang Địa (The Waste Land) của Eliot.
Đôi khi: Hoang Địa được viết năm 1922. Bây giờ, theo Helen Vendler,
lại có một bài thơ mãnh liệt chẳng kém. Đó là Luận về thơ (Treatise on
Poetry), của Milosz (sinh năm 1911, Nobel văn chương 1980). Nguyên bản
tiếng Ba Lan, bản dịch tiếng Anh do nhà thơ Robert Haas và chính tác
giả
(nhà xb Ecco, 2001).
Đôi khi: Treatise được viết thời gian 1955-1956.
***
Những độc giả tiếng Anh của Milosz đã từng sửng sốt,
vào năm 1988, khi một đoạn chừng năm trang của bài thơ trên xuất hiện
trong Tuyển tập Thơ của ông. Họ nhận ra rằng, ở một nơi chốn nào đó tại
Ba Lan có cất giấu một cõi thơ, được ấp ủ bởi một trong những nhà thơ
vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Cõi thơ đó nói gì về thời trai trẻ của người
coi vườn, tức thời kỳ trước chiến tranh? Về thơ Ba Lan? Về thế giới? Về
chiến tranh mà Milosz chứng kiến tận mắt tại Ba Lan bị Đức chiếm đóng?
Về nghệ thuật,
nói chung? Về những rằng buộc của người nghệ sĩ? Về mối liên hệ giữa
chất
(matter) chính trị và dạng (form) mỹ học?
Đó là những đề tài mà Milosz quan tâm, ai đọc thơ ông đều nhận ra,
nhưng chưa có một bài thơ nào mãnh liệt ôm lấy tất cả những đề tài
trên, và cùng lúc muốn bung ra, như là Treatise on Poetry.
Khi viết Treatise, Milosz ở giữa cuộc đời (44 tuổi), một quãng đời cực
kỳ bất trắc, cực kỳ khốn đốn về tiền bạc, và cảm xúc cực kỳ căng thẳng.
Ông đã đốt bỏ mọi cây cầu nối liền với nơi chốn ông ra đời, bốn năm
trước đó, khi xin tị nạn tại Pháp trong khi là Bí thư thứ nhất của Toà
Đại sứ Ba Lan ở Paris. Đây là một hành động thật thê lương bi đát đối
với một nhà thơ, bởi vì như người ta được biết, thi sĩ thật khó mà đoạn
tuyệt với ngôn ngữ của mình; và Milosz thật khó mà được cái xã hội di
dân quốc gia Ba Lan ở Paris
chấp nhận: họ nghi ngờ ông, một cựu viên chức ngoại giao của chế độ
Cộng
sản Ba Lan. Chính vào thời điểm căng thẳng, rã rời, chán ngán đó, nhà
thơ
xoáy sâu vào mình, những câu hỏi về chính quá khứ của riêng ông, và của
văn
chương Ba Lan; và từ đó bật ra Treatise, như là đỉnh cao cõi thơ ông,
với
tất cả quyền năng của nó.
Phần đầu, ‘Những Đoạn Đời Tuyệt Vời’ (Beautiful Times)
mô tả Krakow và văn hóa Ba Lan ở vào khúc quanh của thế kỷ 19 (tiểu đề
của Milosz: ‘Krakow, 1900-1914’). Phần hai, ‘Thủ Đô’ (‘The Capital’)
miêu tả Warsaw (1918-1939), và đưa ra một thẩm định – giữa thi sĩ với
thi sĩ - về thi ca Ba Lan trong ba hoặc bốn thập niên đầu thế kỷ, đặc
biệt là sự thất bại của nó, khi không đếm xỉa tới thực tại tràn ngập
phố phường (its failure to account the reality that overwhelmed that
city). Phần thứ ba,‘Tinh thần của Lịch sử’ (‘The Spirit of History’),
về những năm chiến tranh (1939-1945), là một suy tưởng về bản chất lịch
sử, về ngôn ngữ, và về sức mạnh thô sơ… Phần thứ tư, ‘Natura’
(1948-1949), là một bước nhẩy vọt ngỡ ngàng. Chiến tranh
kết thúc. Người kể chuyện ngồi trên thuyền, trên mặt hồ ở phía bắc
Pennsylvania,
đợi một viễn ảnh từ những cuốn sách đọc thời thơ ấu. Đây là một suy
tưởng
về thiên nhiên, về Âu Châu và Mỹ Châu và về vai trò của nhà thơ trong
một
thế giới hậu chiến.
Nhà thơ và đồng thời dịch giả Robert Haas, qua tóm tắt
một nửa thế kỷ như trên – Krakow thời hoàng kim; khí hậu văn chương
Warsaw những năm trước chiến tranh; Warsaw bị Nazi chiếm đóng trong
thời chiến; thiên nhiên trong Thế Giới Mới hậu chiến – cho thấy ‘sự
kiện’ (matter), chứ không phải ‘thái độ’ (manner) – khổ hạnh, trăn trở,
bức xức – của bài thơ, theo nhận định của tác giả bài viết "Ba cung nức
nở". Nhưng chia bài thơ thành
những phần như trên đã giúp chúng ta nhận ra "thái độ" của Milosz qua
những
chọn lựa của ông. Thí dụ như bài thơ sau đây, thời hoàng kim của Krakow
[một
thành phố ở Ba Lan], vào năm 1900 – những công trình tưởng niệm, những
thi
sĩ, những nhật báo-treo-trên gậy ở quán cà phê, những người bồi bàn của
nó:
"Cabbies were dozing by St. Mary’s tower.
Krakow was tiny as a painted egg
Just taken from a pot of dye on the Easter.
In their black capes poets strolled the streets.
Nobody remembers their names to-day,
And yet their hands were real once,
And their cufflinks gleamed above a table.
An Ober brings the paper on a stick
And coffee, then passes away like them
Without a name."
(Tạm dịch:
"Những ông tài tắc xi ngủ gà bên tháp nhà thờ St.
Mary.
Krakow nhỏ xíu như trái trứng mầu
Vừa lấy ra từ lọ nhuộm vào dịp lễ Phục Sinh
Trong chiếc áo choàng đen, những nhà thơ dạo phố.
Bây giờ chẳng ai nhớ tên họ,
Mặc dù đã có lần những bàn tay của họ có thực,
Và những tay áo của họ đã ánh lên trên mặt bàn.
Một Ober mang tờ báo-trên cây gậy tới
Và cà-phê, rồi bỏ đi, giống như họ
Không một cái tên").
Bài thơ cho thấy những nét đặc biệt của Milosz khi mô
tả bước đi của lịch sử bằng những hình ảnh của nó: thu nhỏ thành phố
vào một trái trứng, nỗi u hoài muốn thời gian đừng trôi, đời vẫn đẹp
như thuở nào (‘chẳng ai còn nhớ…’), sức nóng bỏng của chi tiết (‘những
tay áo ánh lên’), bước chuyển từ quá khứ vào hiện tại gần như chẳng ai
có thể nhận
ra (những bàn tay của họ ‘đã’ có lần có thực, những tay áo ‘đã’ ánh
lên),
một Ober mang tờ báo…/rồi bỏ đi giống như họ/Không một cái tên…. Giữa
những
chi tiết hình ảnh nhìn/đã nhìn đó, là nỗi bức xức của nhà thơ thời kỳ
1900-1955.
Phần hai: Thủ Đô Warsaw, 1918-1939, cho thấy nhiệm vụ của nhà thơ
[Milosz] khi làm công việc ghi nhận theo kiểu biên niên, nỗ lực của văn
chương, từ chủ nghĩa quốc gia Ba Lan thế kỷ 19 nhập vào dòng văn chương
hiện đại thế giới. Ông nói: Ở Ba Lan, thi sĩ là một phong vũ biểu. Ông
chỉ ra từng trường hợp thất bại của những thi sĩ Ba Lan, ngay cả những
người mà ông mến mộ, khi họ đụng đầu với thực tại Ba Lan sau Đệ Nhất
Thế Chiến:
"Chẳng thể nào có được một Nhị Thập Bát Tú!
Tuy nhiên trong những lời nói của họ có một điều gì nứt rạn
Một nứt rạn của sự hài hòa, như là ở những sư phụ của họ.
Bản đồng ca đã được thi vị hoá
Chẳng khác gì lắm, so với sự hỗn độn của đời thường."
Sau đây là một số nhà thơ đã từng toan tính vượt thực
tại thời của họ, và thất bại, được Milosz mô tả bằng những mẩu, đoạn
thơ. Nhà thơ đầu tiên, Jan Lechon, tác giả bài thơ viết năm 1918,
‘Herostrates’ (từ tên một kẻ đốt dền thờ Artemis), đã quyết định từ bỏ
lịch sử và chọn lựa thiên nhiên để rồi ngậm ngùi trong hoài nhớ
(nostalgia); nhà thơ thứ
nhì, Antoni Slonimski, dâng hiến đời mình cho chủ nghĩa duy lý thời kỳ
Soi
Sáng, mà theo nhà thơ, đã được bạo lực làm cho sống động, tràn trề sinh
lực.
Thứ ba là Julian Tuwim một nhà thơ viễn tưởng khổ vì những viễn tưởng
của
chính mình, cuối cùng trở thành láp nháp (rơi vào những suy tư ước lệ
của
chính mình). Cả ba nhà thơ đều bị vướng bẫy và rớt vào những tuyệt lộ
cho
chính họ tạo ra:
Lechon-Herostrates mắc bẫy quá khứ
Ông muốn nhìn mùa xuân
Chứ không phải Ba Lan.
Thế là cứ trầm ngâm cả đời về chiếc áo dài của một Ba Lan Cổ
Và những thói xưa…
Buồn, và cao cả phong nhã,
Slonimski thì sao?
Kẻ nghĩ rằng thời của lẽ phải đã điểm
Tự hiến mình cho tương lai
Xưng tựng nó
Theo kiểu của Well,
Hoặc một kiểu nào khác.
Khi bầu trời của Lý Trí đỏ như máu,
Ông ta đem những năm tháng xanh xao của mình
Cho Aeschylus…
[Tuwim] mơ những trường ca,
Nhưng tư tưởng của ông ta thì ước lệ, cũ mòn
"Vô tư" như âm điệu thơ ông.
[Bằng những thứ đó, ông muốn] choàng lên những viễn mộng của mình,
Những viễn mộng mà ông ngày càng cảm thấy hổ thẹn.
Từ những nhà thơ đặc biệt, Milosz trở qua những nhóm thơ. Nhóm tiền
phong bị phế bỏ vì bị coi là thoái hoá, cuối cùng ôm lấy bóng trăng
"nghệ
thuật vị nghệ thuật", cộng thêm ý thức quốc gia hư ruỗng. Rồi tới nhóm
những nhà thơ hò theo Stalin, dửng dưng trước những tội ác của ông trùm
đỏ, tiêu biểu là nhà thơ Lucjan Szenwald, ‘một trung uý Hồng quân’, mặc
dù niềm tin bị xúc phạm, vẫn viết ra những vần thơ ‘tốt’:
"Thi ca chẳng mắc mớ gì tới đạo đức,
Như Szenwald, một trung uý Hồng quân đã chứng tỏ.
Vào lúc ở những trại tù gulags nơi miền bắc,
Những thân xác của một trăm dân tộc trở thành trắng hếu,
Nhà thơ ngồi viết khúc ca dâng Mẹ Hiền Siberia,
Một trong những bài thơ tuyệt vời bằng ngôn ngữ Ba Lan."
Trong khi làm công việc của một người biên niên, ghi lại tinh thần,
ở trong nó, là một chủ nghĩa hiện đại bị ức chế cố tìm cách thể hiện,
và
rồi nhận ra, chỉ là manh mún, hoặc chẳng là gì - Milosz cho thấy sự bối
rối của chính mình, như một người đàn ông trẻ tuổi, trong khi tìm kiếm
những
thể loại mỹ học có tính thuyết phục, chỉ thấy những kiểu mẫu bất toàn
không
làm sao thỏa mãn những ham muốn của mình. Rồi thì chiến tranh bùng nổ
tại
Âu Châu, cuộc đời, và cùng với nó, nghệ thuật của ông, vĩnh viễn thay
đổi.
(còn tiếp)
Chú thích: The Waste Land (Hoang Địa): Tập thơ của T(homas)
S(tearns) Eliot (1888-1965) ra đời vào năm 1922, nói về cảm thức bàng
hoàng của trí thức phương Tây tỉnh mộng sau Đại Chiến 1914-18. Ảnh
hưởng khắp thế giới, nhất là những vùng thuộc địa cũ của Âu Châu, vì
giấc mộng tiến bộ khoa học và ngày mai tươi sáng bị ngay chính giới ưu
tú của "mẫu quốc" chối bỏ.
Người ta có thể lấy năm tác phẩm này được dịch ra các ngôn ngữ khác, để
đánh dấu sự bước vào đương đại (tức hậu hiện đại) của các dòng văn học
địa
phương - chẳng khác nào lấy dịch bản của tác phẩm Tractatus
Logico-Philosophicus (1921), Luận Lý Triết Học Luận, của Ludwig
Wittgenstein (1889-1951), triết gia người Áo, để đánh dấu dòng triết
học mới của thế kỷ thoát khỏi những lộng ngôn duy tâm và siêu hình vô
căn cứ.
Bách Khoa từ điển Encarta coi Hoang Địa là một bản phân
tích tan hoang (devastating analysis) cái xã hội thời Eliot.
Cô độc như Celan
"Celan est malade – Il est incurable"
(Celan bịnh. Vô phương cứu chữa).
Heidegger
"Trong cuốn sách căn lều,
Nhìn ngôi sao con suối,
Và ở nơi trái tim,
Hy vọng
Một lời sẽ tới"
(Dans le livre de la hutte,
avec un regard sur l’étoile de la fontaine,
avec, au coeur,
l’espoir d’une parole à venir)
Celan.
Paul Antschel sinh năm 1920 tại Czernowitz thuộc vùng Bukovina; sau
khi Đế quốc Áo Hung sụp đổ (1918), vùng đất này trở thành một phần của
Romania. Vào những ngày đó, Czernowitz sống cuộc sống êm ả trí thức với
một nhóm nhỏ Do Thái nói tiếng Đức của nó. Anstchel được nuôi dưỡng để
nói
thứ tiếng Đức bậc cao; học vấn, một phần tiếng Đức, một phần tiếng
Romania,
trong có cả phần học vấn từ một trường Hebrew. Khi còn trẻ, ông làm
thơ.
Như Rilke.
Sau một năm học trường y (1938-1939) tại Pháp, gặp nhóm Siêu Thực, ông
trở về nhà nghỉ hè, và chiến tranh làm kẹt luôn. Do hiệp ước giữa
Hitler và Staline, Czernowitz bị sáp nhập vào Ukraine, thế là ông trở
thành một "đề tài Xô viết" (a Soviet subject).
Tháng Sáu 1941, Hitler xâm lăng Liên Xô. Nhóm Do Thái ở Czernowitz bị
xua vào một ghetto; liền theo đó là tống xuất. Hình như được báo trước,
Antschel trốn được, vào cái đêm cha mẹ ông bị bắt. Họ bị đưa xuống tầu
tới
trại lao động khổ sai ở Ukraine bị Đức chiếm đóng, rồi chết ở đó, bà mẹ
bị bắn vào đầu, khi bà không còn đủ sức đi lao động. Chính Antschel
cũng
đã trả qua những năm chiến tranh như một lao động khổ sai tại Axis
Romania.
Được những người Nga giải phóng vào năm 1944, ông làm việc một thời
gian, như một trợ viên tại một bệnh viện tâm thần, rồi làm biên tập
viên
và dịch giả tại Bucharest, lấy bút hiệu là Celan, một đảo tự của từ
Antschel
theo cách đọc Romania. Vào năm 1947, trước khi bức màn sắt của Stalin
buông xuống, ông thoát được, tới Vienna, rồi từ đó, tới Paris. Tại đây,
ông lấy được mảnh bằng Cử nhân văn khoa, và được bổ nhiệm làm
"lecturer", về văn học Đức tại ngôi trường nổi tiếng Cao Đẳng Sư Phạm,
một chức vụ mà ông giữ tới khi chết. Ông kết hôn với một người đàn bà
Pháp, theo Ca tô giáo, và thuộc dòng quí tộc.
Cuộc thành công, khi di chuyển từ Đông qua Tây, chẳng mấy chốc cho thấy
mầm độc hại của nó.
Trong số những nhà thơ mà Celan chuyển dịch, có thi sĩ người Pháp Yvan
Goll (1891-1950). Claire, bà vợ góa của nhà thơ này đã lên tiếng tố cáo
Celan ăn cắp một số bài thơ bằng tiếng Đức của chồng bà. Mặc dù những
lời tố cáo bẩn thỉu, có lẽ phải nói là khùng điên, nhưng thảm thay,
chúng thấm vào Celan, đến nỗi ông tin rằng Claire Goll là một phần
trong một âm mưu chống lại ông. "Những người Do Thái chúng ta còn phải
chịu đựng thế nào nữa?",
ông viết cho một bạn tâm phúc Nelly Sachs, cũng nhà văn Do Thái viết
bằng
tiếng Đức. "Bạn không thể đếm được bao nhiêu người trong số chủ chốt
đâu,
không, bạn Nelly Sachs, bạn không hiểu gì hết! Nếu tôi đọc tên [những
kẻ
đó], bạn sẽ cảm thấy ghê rợn."
Phản ứng của nhà thơ không phải là hoang tưởng. Cùng với một nước Đức
hậu chiến ngày thêm tự tin về nó, chủ nghĩa bài Do Thái lại ló mòi,
không chỉ ở phía hữu, mà luôn cả ở phía tả. Celan cảm thấy – không phải
là không có căn cứ – rằng ông là một cái đích thuận tiện của phong trào
đòi hỏi
một văn hoá Đức mang tính thượng đẳng Aryan. Phong trào này đã không
chịu
buông tay đầu hàng vào năm 1945, và chỉ đi vào hoạt động bí mật.
Claire Goll không bao giờ chùn bước trong chiến dịch bôi nhọ Celan,
truy đuổi ông xuống tận dưới mồ; những trò truy bức này đã ảnh hưởng
nặng
nề tinh thần nhà thơ, và góp phần rất nhiều trong việc đẩy nhà thơ tới
suy sụp hoàn toàn, và cuối cùng là tự trầm.
(còn tiếp)
Malraux:
Thiên
tài của sự lòe bịp.
Đó là nhan đề bài viết của Didier Sénécal trên tờ Đọc (Lire), số tháng
Năm 2001, về cuốn tiểu sử Malraux, mới ra lò, của Olivier Todd
("Malraux: một cuộc đời"; 690 trang; nhà xuất bản Gallimard, Paris.)
Sự thực, tất cả sự thực, chỉ sự thực: tôn trọng công thức này, Olivier
Todd đã biến mình thành một nhà khảo cổ. Ông dẹp bỏ huyền thoại, đào
sâu những tầng nửa-dối trá (demi-mensonges), hoàn toàn bịa đặt, thuần
chỉ là ghi chú tài liệu, được tích luỹ theo năm tháng, của Malraux và
những tiểu sử gia khác viết về Malraux. Ông đối chiếu đủ các nguồn
thông tin, chưa từng in ấn, hồ sơ CIA, Quai d’Orsay. Kết quả thật đáng
kể. Và cũng đáng nể: ông không hề "làm thịt" Malraux, cho dù, theo như
tên bài viết của Didier Sénécal, đây chỉ là một thứ thiên tài của sự
lòe bịp. Ông thừa nhận những tài năng sáng chói của Malraux.
Khởi từ một chàng thanh niên hai mươi tuổi, và một lời tuyên bố nẩy
lửa, "Tôi sẽ tạc pho tượng của chính tôi". Để bắt đầu [tạc pho tượng
của
chính tôi], chàng bèn "chôm" mấy pho tượng nhỏ tại một ngôi đền ở
Cambodge.
Mấy tay tổ trong nghề buôn chữ, Gaston Gallimard, Paulhan… ngửi thấy
mùi
tiền qua thiên tài lòe bịp này, bèn giúp đỡ Malraux tự đánh bóng hình
ảnh
của chính mình. Sau thành công của [cuốn tiểu thuyết] Người Chinh Phục,
tới vinh quang của Phận Người. Đâu cần biết thiên tài văn chương được
giải
Goncourt này hiểu biết Trung Hoa và cuộc Cách Mạng ở đó tới mức nào! Ba
năm sau, cuộc chiến Tây Ban Nha cho Malraux cơ hội bằng vàng để ném vào
đó tất cả nghị lực của mình. Todd coi thời gian 1936-38 là đỉnh cao
trong
cuộc đời Malraux: ông đã đóng một vai trò không thể chối cãi được trong
những
chiến dịch hành quân, chứng tỏ lòng can đảm, tình chiến hữu, và viết Hy
Vọng,
cuốn tiểu thuyết khá nhất của ông. Hào quang tỏa sáng tới thế cũng là
quá
xá rồi, vậy thì tại sao ông lại làm hỏng những trang sách này, bằng một
vết
thương dởm vì trúng đạn, và phải nằm dưỡng thương tại bệnh viện? Y hệt
như
Hemingway, địch thủ của ông, cả hai cùng nổi tiếng vì thêu dêät những
huyền
thoại về họ, và thường là liên can tới súng đạn; cả hai đều rút những
cuốn
tiểu thuyết ra từ cuộc đời của mình, và sống [cuộc đời của họ] ở trong
những
cuốn tiểu thuyết đó.
Thế cũng chưa đủ tệ. Tài liệu cho thấy, Malraux gia nhập lực lượng
Kháng Chiến vào cuối tháng Ba năm 1944, sau khi hai anh/em của ông bị
bắt. Chỉ vài tháng sau đó, không biết anh binh nhì xoay sở ra sao mà
được gắn lon trung tá! Ông trung tá này xun xoe quanh những chiến tướng
thứ thiệt, và thành
công trong việc mập mờ đánh lận con đen, biến mình thành một thứ gan dạ
có
thừa! Ngụy tạo hồ sơ, biến thời gian gia nhập lực lượng trở thành tháng
Chạp
1940, cộng thêm nhiều tài liệu ngụy tạo khác nữa, cuối cùng được trao
tặng
huy chương Người Bạn Giải Phóng, một trong những mề đay cao quí nhất
của
Pháp và Đồng Minh. Trong khi đó, hai anh/em của ông đã chiến đấu và
chết, như là những người lính thực thụ, hoàn toàn trong vô danh…
Vào năm 1945, người bạn đường của những người cộng sản "cải giáo",
chuyển qua phò De Gaulle, và hết sức "ngoan đạo", cho tới ngày chết.
Thật dễ dàng hiểu được chuyện ông thờ phụng một trong những vị anh hùng
của nước Pháp, và của thời đại chúng ta; ngược lại, người ta tự hỏi vị
đại tướng nghĩ gì về "đệ tử" của mình. Todd đưa ra nhiều câu trả lời:
đối với De Gaulle, Malraux được coi như một đảm bảo của tả phái; cùng
với Bernanos và Mauriac lại
là một đảm bảo văn chương; nhiều người nhìn Malraux như là "nữ diễn
viên"
của Đại tướng (la danseuse du Général).
Malraux là một trong những khuôn mặt của thế kỷ. Thành thử có những
cái nhìn khác hẳn Todd, về ông. Những cuốn tiểu thuyết của ông đã đem
những
giấc mộng lớn đến cho nhiều thế hệ những người trẻ tuổi đam mê công lý
và
phiêu lưu. Những bài diễn văn của ông, chứa đầy điện, cứ thế truyền qua
người nghe/người đọc.
Khi khép lại cuốn tiểu sử của Todd, người ta còn giữ lại, ít ra là hai
lời phẩm bình về Malraux, một của bạn thân của ông là Raymond Aron:
"Một phần ba thiên tài, một phần ba dởm, phần ba còn lại: không thể
hiểu được (incompréhensible)." Một của nhân viên Quai d’Orsay, khi thầm
thì với bạn bè, trước chuyến đi Ấn Độ của Malraux: "Cầu cho ông ta đừng
táy máy gì ở đó!"
***
Trên tờ Điểm sách London, số đề ngày 9 tháng Tám 2001, lại là một bài
điểm khác cuốn tiểu sử Malraux của Todd. Tác giả bài điểm, John
Sturrock, biên tập viên (consulting editor) báo trên. Nhan đề bài viết:
Người từ
không đâu (The Man from Nowhere), với tiểu đề, ở bìa báo: Mai táng
Malraux
(Burying Malraux).
Tại lễ mai táng Malraux vào tháng 11 năm 1976, có hai vòng hoa được
chuyển (delivered) tới nghĩa địa, một của Đảng Cộng sản Pháp, một tổ
chức
mà Malraux chưa từng tham dự; vòng hoa kia là từ Lasserre, chủ một nhà
hàng ba sao ở gần Grand Palais. Đây là nơi Malraux thường lui tới dùng
bữa
trưa – và ‘đành’ móc bóp trả tiền nếu không có ai đi cùng. Malraux còn
được
hưởng vinh dự, là có tên trong tờ menu (thực đơn) của nhà hàng này –
món
"bồ câu Malraux" – ngay từ khi còn sống. Vinh dự này chỉ dành cho nhà
văn,
mà phải là "những con người hành động".
Bài viết trên tờ Điểm sách London cho biết rõ thêm về những ngụy tạo hồ
sơ cá nhân tham dự kháng chiến của Malraux – một tay kháng chiến thứ
thiệt, a résistant of stature, đã từng bị bắt, bị tra tấn, bị bịt mắt
trước đội hành quyết… rồi tìm cách thoát được… - hai người anh em của
Malraux chỉ
là những anh em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; và có lẽ do xấu
hổ vì những trò anh hùng dởm kể trên, Malraux đã thực sự tổ chức một
toán
kháng chiến có tên là Alsace-Lorraine Brigade (Đội quân vùng
Alsace-Lorraine). Cho dù trang bị thô sơ, họ đã chiến đấu thật can
trường, chịu tổn thất nặng nề, bên cạnh những toán quân chính quyï của
tướng De Lattre de Tassigny ở vùng phía đông nước Pháp vào mùa đông
cuối cùng của cuộc chiến. Bài điểm cũng
cho biết thêm chi tiết về những hoạt động của Malraux, tại Đông dương,
ngoài
cái chuyện ‘tháo gỡ’ mấy bức tượng nho nhỏ tại một ngôi đền từ thế kỷ
thứ
mười tại Cambodge, bị bắt, bị tống giam và bị toà án thuộc địa kêu án
ba
năm tù, nhưng do bạn bè ở Pháp can thiệp, án giảm còn một năm, và là tù
treo.
Chỉ hai tháng, sau khi được thả, trở về Paris, Malraux cùng Clara trở
lại
Sài Gòn, tính xuất bản một tờ nhật báo, với mục đích làm cho nước Pháp
và
nước An Nam nhích lại gần nhau (a ‘daily paper of franco-annamite
rapprochement’),
lấy tên là "Đông dương", sau đổi thành "Đông dương bị xiềng", cho có vẻ
‘dấn
thân’ (engagé, chữ của tác giả bài viết). Dự định nhật báo, nhưng chỉ
là
bán nguyệt san. Theo tác giả bài viết, Malraux tự chứng tỏ, ông là một
quan
sát viên, phân tích gia sắc bén về chế độ thực dân thuộc địa. Tờ báo
của
Malraux trình bầy, ghi nhận những điều bất công mà chế độ thuộc địa đối
xử
với dân bản xứ, cùng là hạ tầng cơ cấu xã hội nghèo nàn, điều kiện sinh
sống
tệ hại… Không theo một ý thức hệ nào, sự quan tâm của Malraux hoàn toàn
là
do cảm tình của ông đối với người dân, và cuộc sống ở đây. Ông là một
người
chống chế độ thực dân thuộc địa, nhưng theo kiểu của ông: sứ mệnh khai
hóa
của nước Pháp đã không được thực hiện tốt, nhưng đúng là một thất bại,
nếu
bỏ chạy. Như trong Phản Hồi ký, ông đã từng viết: Người Pháp ra đi,
nhưng
nước Pháp ở lại [Đông dương; Việt Nam nói riêng].
Đây có lẽ là một trong những lý do khiến một số nhà văn Việt Nam tại
miền Nam trước 1975, đã từng say mê Malraux.
Bạo Mồm
Tin Văn kỳ trước có trích dẫn một số câu trả lời phỏng vấn, từ cuốn
"Partis Pris", nguyên bản tiếng Anh "Strong Opinions", mà Jennifer tôi
tạm dịch là "Bạo Mồm". Đây là tuyển tập những câu tuyên bố, trả lời
phỏng
vấn, thư từ trao đổi, những bài viết ngăn ngắn của nhà văn Nga lưu vong
Nabokov. Cuốn này trước đây đã được dịch ra tiếng Pháp với cái tên
"Intolérances" (Chịu không nổi), nay đổi thành Partis Pris (Định kiến),
cho nó đỡ gây sốc. Nhưng Didier Sénécal, trên tờ Đọc (Lire, số tháng
Năm 2001), lại chọn cho mình một cái tên dữ dằn hơn nhiều, khi giới
thiệu bản dịch: Nabokov bắn trực diện (à bout portant).
Không những bắn trực diện mà còn bắn hàng tràng! Chẳng nể nang ai, ngay
cả những bạn văn thân thương, thuộc hạng hiếm quí như nhà phê bình
người Mỹ Edmund Wilson. Có khi ông "phạng" luôn người phỏng vấn, do
trích dẫn
sai, hoặc "ngu quá" không hiểu một câu văn của ông, hay của người khác,
hoặc "thừa nước đục" (phỏng vấn), thả câu (để khoe rằng mình đã từng
đọc
nhiều)! Một vài nhận xét của ông về cuốn "Bác sĩ Zhivago" của Pasternak
cho thấy, ông quả có thành kiến, giống như trường hợp những nhà văn
phản
kháng ở Việt Nam đã từng bị coi là "chống cộng cuội". Không những có
thành
kiến mà còn "tự cao tự đại": "Tôi nghĩ như thiên tài, viết như một tác
giả
lỗi lạc, và nói như một đứa trẻ" (Je pense comme un génie, j’écris
comme
un auteur distingué, et je parle comme un enfant), Nabokov đã tự giới
thiệu
về mình, trong Lời Mở Đầu cuốn sách trên. Riêng cái phần "Tôi viết như
một
tác giả lỗi lạc", người Việt chúng ta rất thông cảm, và tâm đắc nữa,
bởi
vì giống y chang nửa đầu câu tục ngữ "văn mình, vợ người".
Nhưng ông không phải là trường hợp duy nhất trong giới viết lách, vốn
thường "iả vào miệng nhau", nói như trong câu chuyện tiếu lâm từ bắc
lưu truyền vào nam, những ngày sau 30 tháng Tư.
Khổ một nổi, độc giả hình như lại khoái những chuyện, nói một cách nhẹ
nhàng là "hàng thịt nguýt hàng cá", giữa mấy ông nhà văn nhà thơ. Ngay
tờ báo thuộc loại đứng đắn số một thế giới, phụ trang văn học của tờ
Thời Báo London, cũng phải dành một mục cho ba chuyện này, với cái tên
NB. Người viết cũng dùng tên tắt, J.C. Chắc cũng ớn! Số mới nhất, đề
ngày 10 tháng tám,
2001, là những lời phẩm bình chẳng êm ái chút nào với đồng nghiệp, của
nhà
văn gốc Ấn V.S. Naipaul. Trong trả lời phỏng vấn mới đây trên tờ
Literary Reviews, ông gọi nhà văn Phi Châu Wole Soyinka, từng được
Nobel văn học, từng
ngồi tù bởi chế độ độc tài ở Nigeria, là "một khuôn mặt Quyền Uy,
Establishment figure, tuyệt vời". Về James Joyce: Không thể đọc được,
"tôi không thể hiểu tác phẩm của một người mù". Ngay cả Dickens cũng
không thoát: "Ông ta chết vì cắn phải đuôi mình (vì tự nhại mình)." Khi
người phỏng vấn khen ông, về sự thành công của cuốn đầu tay, ông phạng
liền: Tôi mà thành công cái quái gì! Tay phỏng vấn cố vớt vát, quay qua
cầu cứu những độc giả của ông, nhà văn phạng tiếp: Cái thứ nhà văn như
tôi mà cũng có độc giả, hả?
Không biết "đồng nghiệp" Phạm Chi Lan và nhóm Ô Thước nghĩ sao, nếu
Jennifer tôi đề nghị, mở một mục tương tự, trên VHNT?
Cho đến
khi
câu chuyện thê lương của tôi được kể…
Trong bài viết của Hoàng Ngọc Hiến, "Đọc văn học Việt Nam hải ngoại",
đã đăng trên VHNT, ông nhấn mạnh đến tính văn học, còn chuyện hải ngoại
hay không hải ngoại chỉ là thứ yếu. Chống cộng hay không chống cộng,
chính
trị hay không chính trị, gì thì gì cũng phải có tính văn học. Nhân đó,
ông
cho rằng, "Không ít tác giả trong những người cầm bút ở hải ngoại tôi
thấy
gọi đơn giản bằng từ nhà văn như thế là đúng và đầy đủ, chẳng cần kèm
theo
bất cứ định ngữ nào. Nhà văn Nguyễn Bá Trạc sớm hiểu ra điều này. Trong
thư
của ông, gửi Phan Nhật Nam sắp rời Việt Nam sang Mỹ, có đoạn viết:
"Nước
Mỹ không phải là điểm đến. Nó là điểm khởi hành. Từ điểm này, người ta
có
thể bắt đầu những hành trình mới để nhìn thế giới một cách toàn bộ hơn.
Nếu
ông còn muốn tiếp tục viết thì cũng tốt lắm. Sau khi ổn định nên viết.
Từ
điểm khởi hành mới mẻ này, ông sẽ viết như một nhà văn, chứ không phải
là
nhà văn quân đội.".
Nhà văn, đơn giản vậy thôi, nhưng chắc là chỉ…"cho đến khi nào câu
chuyện thê lương của tôi được kể".
Đây là một dòng thơ, của thi sĩ Samuel Taylor Coleridge, trong "Bài
ca của người thuỷ thủ già":
Since then, at an uncertain
hour,
That agony returns:
And till my ghastly tale is told
This heart within me burns.
(v. 582-585).
[Tạm dịch:
Kể từ đó đâu biết giờ nào,
Cơn hấp hối đó trở lại:
Và cho đến khi nào câu chuyện thê lương của tôi được kể
Trái tim này trong tôi bỏng rát.]
***
Primo Levi là một nhà văn người Ý gốc Do Thái, sống sót Lò Thiêu, trở
về căn nhà mà ông dự định sẽ sống hết cuộc đời ở đó, cuối cùng tự huỷ
mình, một năm sau khi cho xuất bản tác phẩm chót, "Những kẻ chết đuối
và những người được cứu thoát", như là kinh nghiệm sau cùng về Lò
Thiêu.
Mấy câu thơ trên được ông dùng làm đề từ cho cuốn sách trên.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Risa Sodi, khi người phỏng vấn cho
biết, sử gia H. Stuart Hughes đã liệt kê ông là một trong sáu nhà văn Ý
gốc Do Thái, hay nói gọn nhẹ, "nhà văn Do Thái", và hỏi, "cái định
nghĩa ‘nhà văn Do Thái’ có hơi quá đối với ông không", Primo Levi đã
trả lời:
-Ở Ý, chụp cái mũ "nhà văn Do Thái", hay "nhà văn không Do Thái", là
điều không thể xẩy ra. Cái mũ này, người Mỹ ban cho tôi đầu tiên, chứ
không phải người Ý. Ở Ý, người ta biết tôi là nhà văn, và "chuyện cũng
thường thôi," có người còn biết thêm, tôi gốc Do Thái; theo kiểu, ông
ấy là con ông A, ông B nào đó. Ở Mỹ lại là chuyện khác. Khi tôi tới đó
vào năm 1985, người ta làm cho tôi có cảm tưởng, lại được gắn cho ngôi
sao Do Thái ở trên ngực! Nhưng tôi chẳng cần…. Ngoài ra, tôi nhớ, sử
gia Hughes đã gọi tôi là
"người Do Thái độc nhất", hay "người Do Thái thực sự đầu tiên", (le
premier vrai juif), tôi không nhớ rõ đúng từ ông dùng. Riêng về phần
tôi, những cuốn
sách khoa học giả tưởng chẳng mắc mớ gì tới Do Thái, cuốn "Chiếc mỏ
lết"
cũng chẳng phải là một "cuốn sách Do Thái". Nhưng nói gì thì nói, tôi
thoải
mái (de bon gré) chấp nhận cái định nghĩa "nhà văn Do Thái".
Người phỏng vấn hỏi tiếp, "Ở đầu cuốn ‘Những kẻ chết đuối và những
người được cứu vớt’, ông trích dẫn những dòng thơ trong ‘Bài ca của
người thuỷ già’; sau khi đọc cuốn sách đó, tôi [Risa Sodi] tự hỏi, liệu
có thể ngưng ‘kể’ được không".
Primo Lévi trả lời:
-Người ta có thể tìm thấy câu trả lời ở trong cùng cuốn sách đó. Một số
bạn tôi, những bạn rất thân, chẳng bao giờ nói tới [Lò Thiêu]
Auschwitz. Ngược lại, một số khác, không bao giờ ngưng nói. Tôi thuộc
một trong số
sau đó. Tôi hơi lố (exagéré), khi trích dẫn nhà thơ Coleridge. Trái tim
của tôi không thường trực bỏng rát…. Có thể nói, tôi hơi làm dáng
(rhétorique:
sử dụng tu từ) khi trích dẫn những dòng thơ đó.
Nhưng quả là những dòng thơ thật là tuyệt vời!
Jennifer Tran
|