nqt
   
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Tạp Ghi 
 





Liệu liệu mà viết!


Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi, ông còn mê viết giả tưởng (tiểu thuyết), George Steiner cho biết, ông cứ nhức nhối với một đề tài, nhưng vốn hiểu rõ khả năng "sáng tác" của mình, ông không dám làm hỏng nó.

Nó, là mộr câu chuyện xẩy ra tại một xứ sở công an trị, hoặc công an hoá, có một đôi vợ chồng, đã có con cái. Ông chồng làm nghề công an. Và cứ mỗi bữa cơm chiều, sau khi ông chồng từ sở làm về, tắm rửa sạch sẽ, ngồi vô bàn ăn, hoặc sau khi cơm nước xong xuôi, tới giờ leo lên giường, nằm bên cạnh vợ, là bà ngửi ra cái mùi đồ tể ở nơi ông, mặc dù ông chồng chưa hề thố lộ với vợ, rằng, việc làm của "tớ" là đánh người, suốt buổi.

Khi hiệp định Genève chia đôi đất nước xẩy ra, bà cụ tôi chỉ kịp đem hai đứa con đi cùng, bỏ lại hai đứa (bà chị và đứa em út của tôi). Vào nam, cuộc sống khó khăn, cụ thử đủ tay nghề, đổi đi đổi lại hoài chiếc đòn gánh, từ bánh cuốn nhân thịt theo kiểu Bắc, qua bún thang, tới bún chả, bún riêu cua... nhưng sáng gánh đi thì nặng, chiều gánh về thì "vưỡn" ... nặng! Sau cùng cụ đành đi giữ trẻ cho một gia đình người quen. Thằng em được gia đình cụ cử Ngô nuôi giùm, vừa lo việc hầu hạ cụ cử, vừa tiếp tục việc học. Phải tới khi tôi ra trường, bắt đầu cuộc đời một gã chuyên viên bưu điện, ba mẹ con mới gom về một mái nhà, nhưng việc học của đứa em kể như quá trễ, sau thời gian dài bữa đực bữa cái. Quân trường gọi đến đít, cu cậu cuống quá, tới kỳ thi tú tài I bèn nhờ đám bạn hữu đứng bên ngoài phòng thi ném bài giải vô, mấy người giám thị cũng vờ đi, vì biết rằng, đám thí sinh này chỉ mong có mảnh bằng đi học lớp sĩ quan, may chưa biết, nhưng lỡ rủi, còn có được chút tiền tử kha khá cho gia đình, vợ con....

Trước khi thi vô trường bưu điện, tôi đã loay hoay tìm việc làm theo kiểu mì ăn liền, nói theo thuật ngữ bi giờ, nghĩa là khỏi cần qua "công đoạn" học việc (training). Thời gian đó, đậu được cái bằng tú tài II thật trầy da tróc vẩy, do đó cũng dễ kiếm việc. Một ông xếp bưu điện của tôi, trưởng một đài phát tín, đã thi đi thi lại tất cả 7 năm cái bằng tú kép, hay tú đợp, tức 14 lần thi, mà vẫn vỏ chuối hoàn vỏ chuối.

Khi biết tin nha cảnh sát Gia Định cần biên tập viên, tôi tới xin tờ đơn, điền ngay tại chỗ, đưa lại cho nhân viên trực, kèm bản sao mảnh bằng tú tài II, chắc như bắp sẽ được tuyển dụng. Buổi chiều về khoe với Bà Trẻ, khi đó lo việc nuôi tôi. Bà trợn mắt, mắng:
-Mai đến lấy ngay lại cái đơn, xé bỏ! Đói thêm ít lâu chưa có chết. Nhà mày không có mả đánh người!

Bữa sau, tôi tới, xin lại tờ đơn và bản sao bằng tú tài. Nhân viên lo việc tuyển nhận ngạc nhiên hỏi:
Chúng tôi đang cần người, nhất là những người có bằng cấp như anh. Tại sao lại rút đơn?
Ngay thật, và ngu ngốc, tôi kể lại lời bà trẻ của tôi đã nói. Anh ta, mặt xám ngắt, xé nát tờ đơn ném về phía tôi, nói như thét:
-Bộ anh tưởng hễ cứ làm cảnh sát là có quyền đánh người, hả?

Chuyến về của tôi, một trong những lý do của nó, là tìm câu trả lời cho một "truyền thuyết" theo đó, dòng họ Nguyễn tại Thanh Trì, Thanh Lạng, Quốc Oai (Sơn Tây) không có mả đánh người.


******

Gia đình họ Nguyễn làng Thanh Trì đã có người từng làm Thành Hoàng sống, và đó là lý do, khi tôi xin đi làm biên tập viên cảnh sát, Bà Trẻ của tôi nói không được. Bà giải thích: Vào thời kỳ đó, có bệnh dịch, nhiều người chết lắm. Sau hỏi người âm qua cô đồng. Đồng nói, phải nhờ một người đức vọng, đỗ đạt, có phẩm vật của vua ban cho, thờ làm Thành Hoàng sống, cúng bái, dâng lễ vật như Thành Hoàng chết, thì dịch mới lui được. Nhưng bao cái oán sẽ đổ vào dòng họ đó. Gia đình con cái sẽ gặp rất nhiều điều đau khổ, oan khuất. Con trai thường chết trẻ, mà thường là chết bất đắc kỳ tử. Bố mày cũng chết trẻ. Rồi tới thằng Sĩ em mày, rồi tới mày. Nếu không có hai thằng Phi Luật Tân ở mãi Ma Ní qua lãnh giùm thì cũng đã xong đời rồi...

Trở về làng, coi lại gia phả, có ông Nguyễn Ngọc Chất, đời thứ 14, sinh năm Giáp Thìn 1844, mất năm Mậu Thân 1908, thọ 66 tuổi. Đỗ tú tài năm 1864. Cử nhân năm 1867, khi 26 tuổi. Thi Hội, vào nhị trường, đỗ số 12. Làm quan thời Tự Đức, Đồng Khánh, sau về làm Giáo Thụ tại Quảng Oai. Sau khi mất, làng Tiên Cát xin thờ cụ làm Thành Hoàng.

Theo truyền thuyết, làng Tiên Cát xin cụ làm Thành Hoàng sống, từ khi cụ còn ít tuổi.


****


Trong lần qua Đức thăm gia đình một bạn văn, ra đi từ miền bắc, cuộc gặp gỡ này là nguyên nhân của chuyến trở về quê nhà, tôi có nghe ông chồng kể, về lần ghé thăm một nơi chốn trước kia là Lò Thiêu. Anh nói: Lạ thật, cứ như quang cảnh, thì rất ít người gác, và người Do Thái như cứ thế tình nguyện từng người xếp hàng đi vào Lò Thiêu.

Và anh kết luận: nếu là người Việt, thì không thể có chuyện đó.

Người Do Thái vẫn tin rằng, đó là phần số của họ, và nếu là phần số, thì làm cho xong, rồi mới tính đến chuyện khác được.

Liệu cái ác gặp phải ở cuộc đời này, là do cái tốt của cuộc đời trước?

Trong lần hỏi cung, khi trình diện học tập cải tạo, sau khi nghe tên ngụy quyền cung khai lý lịch nội ngoại, anh cán bộ tiếp quản buông cây viết than: Như vậy là cả nhà anh theo cách mạng, chỉ có một mình anh phản động!

Tôi lại nghe câu nói trên, từ miệng bà chị P., lần trở lại đất bắc, sau nửa thế kỷ xa cách:

-Cả lò nhà mày là cộng sản. Ra ngoài ấy, liệu liệu mà viết!

(còn tiếp)


NQT