Ngôn ngữ
sống không phải nhờ phê bình.
Đọc bài viết "Vai trò của nhà phê
bình"của Trịnh Thanh Thủy trên Talawas (
www.talawas.org), tôi bỗng nhớ
tới một kinh nghiệm của Bùi Giáng. Một
lần,
ông "phạng" nhà thơ Nobel văn học người Pháp, Saint-John Perse [người
viết
không còn nhớ, ông phạng như thế nào], nhưng sau đó, khi đọc Saint-John
Perse,
hóa ra những cú phạng của ông đều là "nhảm" cả! Ông cho biết, do đọc
một
bài phê bình Saint-John Perse, trên tờ Nouvelle Revue Francaise, và vì
uy
tín của tờ báo, khiến ông cứ thế nhắm mắt tin theo.
Mới đây thôi, tôi đọc
một bài báo, kể một trường hợp khá tương tự. Có một tay rách việc, bỏ
công truy tìm nguyên văn một số câu trích dẫn, trong một số bài viết
khá uy tín, và nhận thấy nhiều câu trích dẫn sai. Lần tìm thủ phạm,
chúng đã được những
phê bình gia hàng đầu trích dẫn. Và vì uy tín của họ, những người sau
cứ
thế lập lại nguyên xi theo mấy ông phê bình, không thèm bỏ thì giờ đọc
nguyên bản.
Sự nở rộ phê bình và
phê bình gia tại Tây Phương hiện nay, theo tôi, không có nghĩa coi
trọng, mà
là giảm giá, vai trò của cả hai. Trong một xã hội tiêu thụ, đúng như
tác
giả Trịnh Thanh Thủy đã nhận xét, "các tạp chí thương mại sách báo
thường
lôi cuốn độc giả bằng hình thức quảng cáo": như vậy vai trò của phê
bình
cũng chỉ là một hình thức quảng cáo, và chỉ có giá trị như một thứ fast
food,
một gói mì ăn liền, cho đỡ đói, trong khi chờ đợi món cao lương mĩ vị,
là
tác phẩm, đích thị chính nó.
Và chỉ khi đọc xong,
bạn mới hét lên một tiếng sảng khoái: nó đây rồi!
Ấy là tôi muốn nói,
một tác phẩm đích thị.
Đến đây thì tôi cũng
đồng ý với tác giả bài viết, chỉ xin "nối điêu" một tị, rằng vai trò
của nhà
phê bình [nhà độc giả], quả là không thể thay thế đuợc.
Bản thân người viết,
trong đời làm độc giả, cũng hân hạnh được thưởng thức hai lần "nó đây
rồi", một lần với cuốn Mrs Dalloway của Virginia Woolf, và một, với
cuốn "Ngôn ngữ
và Câm Lặng" của G. Steiner.
Lần đầu, là tại một
tiệm sách ở Sài Gòn, một ngày đẹp trời lang thang giữa những tiệm sách
ở đường Bonard, tình cờ cầm lên cuốn Bà Dalloway, vào thời điểm mà cả
thành phố
và lớp trẻ của nó đã, đang, hoặc sẽ đợi cái ngày con quỉ chiến tranh
gọi
đến tên mình, và trong khi chờ đợi như thế, đọc Sartre, Camus, hoặc
trực
tiếp, hoặc gián tiếp, cuốn tiểu thuyết của Woolf thật quá lạc lõng,
nhưng
chỉ tới khi bạn nhập vào một ngày trong đời người đẹp, nhập vào cái
giọng
thầm thì, hay dùng đúng thuật ngữ của những nhà phê bình, giọng độc
thoại
nội tâm, dòng ý thức... là bạn biết ngay một điều, nó đây rồi, đây là
đúng
thứ "y" cần, nếu muốn viết khác đi, muốn thay đổi hẳn cái dòng văn học
Việt
Nam...
Mấy ngày sau, khoe
với
nhà thơ đàn anh, về mấy ngày đánh vật với cuốn sách, ông gật gù, mắt
lim
dim như muốn chia sẻ cái sướng với thằng em, và còn dặn thêm: cậu hãy
nghe
"tớ", phải đọc đi đọc lại, vài lần, nhiều lần...
[Sau này, đọc phỏng
vấn Garcia Marquez, ông cũng cho rằng Woolf sử dụng kỹ thuật độc thoại
nội tâm điệu nghệ hơn Faulkner].
Còn cuốn Ngôn ngữ và
Câm Lặng là tại một thư viện ở Bắc Mỹ, như người viết đã từng kể lại,
trong
một bài viết về Steiner:
Lần đầu tiên, tôi làm
quen với G. Steiner, nhân chuyến ghé thư viện, tình cờ cầm cuốn Ngôn
Ngữ và Câm Lặng, lật đúng bài Nhà Văn và chủ nghĩa Cộng Sản, trong có
nhắc tới Dr.
Zhivago của Pasternak, vốn là một trong những cuốn vỡ lòng của tôi. Thế
là photocopy ngay tại chỗ, về nhà dịch liền, gửi đăng trên tạp chí Hợp
Lưu
ở Mỹ.
Thuở mới lớn, tôi
"mê"
Roland Barthes, cách ông đặt vấn đề ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ phê
bình...
G. Steiner mở cho tôi chiều sâu tối đen của ngôn ngữ, sự câm lặng:
"Thi sĩ phải thôi đi
sao? Trong một thời đại mà con người bị khiến phải thổi kèn đồng [hãy
nhớ những dòng thơ xưng tụng Stalin của Tố Hữu, chẳng hạn], hoặc tru
tréo nỗi khổ
đau của mình như sâu bọ, như lũ chuột, tiếng nói văn chương, thứ tiếng
mang
tính người nhất trong tất cả mọi thứ, liệu có còn được không?"
(Should the poet
cease? In a time when men are made to pipe or squeak their sufferings
like beetles and mice, is literate speech, of all things the most
human, still possible?)
***
"Khi ngoái lại, nhà
phê bình thấy cái bóng viên quan hoạn ở sau lưng." G. Steiner mở đầu
bài viết Nhân Văn, ngụ ý, "vung dao tự thiến" là thành nhà phê bình,
học được môn
võ công số một trong thiên hạ: Tịch Tà Kiếm Pháp (xin xem Tiếu Ngạo
Giang
Hồ của Kim Dung).
"Phê bình gia sống
kiểu tầm gửi. Anh ta viết ‘về’. Phải thí cho anh ta một bài thơ, một
cuốn tiểu thuyết hay một vở kịch; phê bình gia sống nhờ ân huệ thiên
tài, của những kẻ khác. Bằng văn phong, phê bình, tự thân, có thể trở
thành văn chương.
Nhưng chuyện này thường chỉ xẩy ra, khi nhà văn xử sự như nhà phê bình,
về
tác phẩm của chính y/thị; hay như một kẻ dọn đường cho thi pháp của
chính
hắn: phê bình ở Coleridge là tác phẩm đang tiến diễn; hay tuyên truyền
của
T. S. Eliot là giây phút sáng tạo. Ngoại trừ Sainte-Beuve, ai dám cho
rằng,
ta thuộc về văn chương, thuần tuý như một nhà phê bình? Ngôn ngữ sống
không
phải nhờ phê bình."
"Nhà phê bình thực
sự,
là đầy tớ cho nhà thơ; bây giờ, anh ta đóng vai chủ, hay bị coi là chủ.
Anh
ta quên bài học sau cùng của Zarathustra, bài học sống động nhất: ‘bây
giờ,
hãy làm, không [cần] ta’"
Tuy nói thế, nhưng
chính ông – G. Steiner - cũng đành vung dao tự thiến, với hàng trăm bài
phê bình điểm sách, mà ông đã có lần tự hào, chỉ có một vài bài "hỏng",
sau đi đã
nếm thử cái thú sáng tác, qua một vài tác phẩm, có tác phẩm đã từng
đoạt
giải thưởng văn học. Đó là cuốn "Cuộc di chuyển A.H. tới San
Cristobal",
(một thứ dụ ngôn, hoặc tiểu thuyết luận đề, A.H. ở đây là Adolf
Hitler).
Thú vị hơn, khi được hỏi, ông cho biết, cuốn sách - chính nó - viết,
chứ
không phải người (tác giả) viết.
Bởi vì theo ông, phê
bình không thể thiếu, nhất là thứ phê bình cứ chĩa mũi dùi vào văn học
thời mình. Như ông nhận xét, phê bình có ba vai trò, mà người viết xin
trích dịch sau đây:
"Thứ nhất, nó có thể
chỉ cho chúng ta cái gì [cần phải] đọc lại, và bằng cách nào. Tổng số
văn chương rõ ràng là bao la, và sức ép của cái mới thì lại thường
hằng. Người ta phải chọn, và chính do sự chọn lựa này, mà phê bình tỏ
ra hữu dụng. Điều này
không có nghĩa nó đóng vai trò [phó mặc cho] số mệnh và lọc ra một dúm
tác
giả hay tác phẩm như chỉ có dúm này là truyền thống có giá trị, loại bỏ
những
người khác (dấu hiệu chỉ ra phê bình tốt: nó mở ra nhiều cuốn sách, hơn
là
đóng lại). Điều đó có nghĩa, từ cái di sản rộng lớn, chằng chịt của quá
khứ,
phê bình sẽ mang ra ánh sáng và nhấn mạnh những gì nói với hiện tại,
bằng
cách nói thẳng đặc biệt hay riết róng.
Đây là khác biệt rõ
rệt giữa nhà phê bình và nhà sử văn hay ngữ văn. Với nhà ngữ văn, giá
trị một bản văn mang tính nội tại, nó có cái mê hoặc về ngôn ngữ hay
theo kiểu biên niên, độc lập theo một liên quan rộng lớn hơn. Nhà phê
bình, khi giành phần cho mình thuộc loại uyên bác, về ý nghĩa và sự vẹn
toàn của tác phẩm: anh ta phải chọn. Và anh ta sẽ nghiêng về những tác
phẩm có thể tạo ra cuộc
thoại với những người đang sống, là chúng ta.
Mỗi thế hệ có chọn
lựa
của nó. Có thi ca trường tồn, vĩnh cửu nhưng thật khó mà có phê bình
mãi
mãi "vũ như cẩn". Tennyson sẽ có ‘ngày của ông ta’, và Donne, ‘buổi
nhật
thực’. Hay là, để đưa ra một thí dụ chẳng liên quan gì tới thói ham mốt
này
mốt nọ: trước chiến tranh, tại những trường Pháp nơi tôi theo học, nói
chung
là ai cũng coi Virgil như là một kẻ bắt chước Homer một cách ngây ngô,
bắng
nhắng. Tất cả học sinh đều khẳng định với bạn bằng một thái độ rất ư là
tự
tin như thế. Cùng với thảm họa, chuyện thường ngày về "cuộc tháo chạy
tán
loạn", và lưu vong, cách nhìn trên đã thay đổi một cách triệt để. Bây
giờ,
Virgil trở nên một chứng nhân thật chín mùi, thật cần thiết. Simone
Weil
và cách đọc ngang bướng sử thi "Iliad"; hay "Death of Virgil" ("Cái
Chết
của Virgil") của Hermann Broch, cả hai đều góp phần trong việc tái thẩm
định.
Thời gian, theo dòng lịch sử và với cuộc sống cá nhân của từng con
người,
đã làm thay đổi cái nhìn của chúng ta đối với một tác phẩm, hay là phần
chủ
yếu của nghệ thuật. Có thi ca của những người trẻ, có văn xuôi dành cho
những
ông già. Bởi vì tiếng kèn rộn rã của họ về một tương lai huy hoàng,
tương
phản trớ trêu làm sao, với kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta. Những kẻ
lãng
mạn đâu còn là trung tâm của vấn đề? Thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, mặc dù
ngôn
ngữ thường mơ hồ và rắc rối, lại có vẻ gần gụi với lời nói chúng ta.
Phê
bình có thể làm cho những thay đổi do yêu cầu này trở thành có ích,
loại
bỏ những gì không cần thiết. Nó có thể chiêu tập từ quá khứ, những gì
mà
thiên tài hiện tại nhờ vả (đằng sau cái đẹp nhất của văn xuôi ở Pháp
vào
lúc này, là sợi gân của Diderot). Và nó có thể nhắc nhở chúng ta rằng,
những
phán đoán trước sau, này nọ của chúng ta chẳng tuyệt đối chẳng vĩnh
cửu.
Nhà phê bình sẽ "tiên cảm" (feel ahead); anh ta sẽ ngả người về phía
chân
trời, và sửa soạn mảnh đất cho những mùa gặt tương lai. Đôi khi, anh ta
nghe
tiếng vọng, khi tiếng nói đã chìm vào quên lãng; hay là trước khi nó
cất
lên. Vào những năm 1920, có một số người đã cảm thấy thời của Blake và
Kierkegaard
đang ở trong tầm tay; hay là 10 năm sau, một số đã nhận ra sự thực phổ
cập,
trong cơn ác mộng riêng tư của Kafka. Đây không phải vấn đề chọn kẻ
thắng,
nó có nghĩa: biết, rằng tác phẩm nghệ thuật tự khẳng định qua một tương
quan
phức tạp, theo nhu cầu, so với thời gian.
Thứ hai, phê bình có
thể kết nối. Vào một thời đại mà sự mau lẹ của truyền thông kỹ thuật,
nó thực sự che giấu những rào cản chính trị, ý thức hệ thuộc loại bướng
bỉnh; nhà phê bình có thể xử sự như một kẻ trung gian, và người bảo
quản. Đây là một phần của công việc của anh ta, để thấy rằng một chế độ
chính trị không thể giáng yểm một tác phẩm của một nhà văn vào cõi quên
lãng và bóp méo nó,
rằng những cuốn sách [dù có bị] thiêu huỷ, tro than được vun vén, và
được
giải mã.
Ngay cả khi tìm cách
tạo cuộc thoại, giữa quá khứ và hiện tại, nhà phê bình sẽ cố gắng, giữ
cho thênh thang những con đường giao tiếp, giữa những ngôn ngữ. Phê
bình mở rộng,
làm rắc rối đa đoan: bức bản đồ cảm tính. Nó nhấn mạnh, rằng văn chương
không thể sống, trong cách biệt, trơ trọi, mà trong một môi trường
nhiều
ngôn ngữ, nhiều quốc gia. Phê bình nở rộ, trong tương đồng, theo bước
nhẩy
xa, của giả dụ. Nó biết rằng, những kích động của một tài năng lớn hay
một
thể loại thi ca, trải dài theo những mẫu mã phức tạp của sự phổ biến,
truyền
đạt. Nó làm việc ‘à l'insigne de Saint-Jérôme’ (‘dưới huy hiệu của
Saint-Jérôme’,
tiếng Pháp trong nguyên bản tiếng Anh. CNTD) biết chẳng có
tương đương
thực sự, giữa những ngôn ngữ, mà chỉ có bội phản; nhưng toan tính
chuyển
dịch là một yêu cầu hoài hoài, nếu bài thơ [được viết ra là để] sống
trọn
cuộc đời đầy ứ của nó. Cả hai, nhà phê bình và nhà dịch thuật, cố làm
điều:
truyền đạt khám phá.
Trong thực hành, điều
này có nghĩa, rằng văn chương được giảng dậy, và dẫn giải theo con
đường so
sánh. Không làm quen trực tiếp với hùng ca Ý Đại Lợi, khi phán đoán
Spenser,
không nắm bắt được Boileau khi đánh giá Pope, không gần gụi với Balzac,
Stendhal, Flaubert khi ‘xem xét’ sự thành công của tiểu thuyết thời
Victoria
hay của Henry James: như vậy là đọc một cách hời hợt, giả tạo. Chỉ có
chủ
nghĩa phong kiến của những đại học mới chia rẽ thẳng thừng giữa nghiên
cứu
tiếng Anh và Những Ngôn Ngữ Hiện Đại. Thế ra là tiếng Anh không phải là
một
ngôn ngữ hiện đại, có thể tổn thương, và có khả năng hồi phục, tại bất
cứ
một thời điểm nào trong lịch sử của nó, trước sức ép của những thổ ngữ
Âu
Châu, của truyền thống lục địa về phép tu từ và thể loại? Nhưng câu hỏi
sắc
bén, chém sâu hơn là cái kỷ luật mang tính hàn lâm kể trên. Nhà phê
bình
nào tuyên bố rằng, con người có thể biết một ngôn ngữ cho tới nơi tới
chốn,
rằng việc thừa kế gia tài thi ca hay truyền thống quốc gia về tiểu
thuyết,
vậy là có giá trị, hay cao cả rồi; người đó đang đóng mọi cánh cửa, khi
đúng
ra chúng phải được mở rộng; người đó đang làm hẹp cái đầu, khi đúng ra,
nó
phải được mở ra cho một thành tựu rộng lớn, đồng đều hơn. Trong chính
trị,
chủ nghĩa Sô-vanh [chủ nghĩa ái quốc cực đoan] đã rống lên cuộc tàn
phá,
trận huỷ diệt; nó không có chỗ, trong văn chương. Nhà phê bình - lại ở
đây,
anh ta khác với nhà văn - không phải là người chết dí trong khoảnh vườn
của
riêng mình.
Chức năng thứ ba của
nhà phê bình mới thật tối quan trọng. Nó liên quan tới sự phán đoán văn
chương đương thời. Có một sự khác biệt giữa đương thời và tức thời. Tức
thời tóm lấy những nhà điểm sách. Nhưng rõ ràng nhà phê bình còn có
những trách nhiệm đặc biệt với nghệ thuật chính thời đại của mình. Anh
ta phải tra hỏi, không chỉ chuyện, hoặc là nó trình bầy một tiến bộ kỹ
thuật hay một tinh luyện, hoặc là nó thêm vô một cú xoắn về văn phong
hay chơi một đòn vụng về lên
cân não thời điểm; nhưng còn về những gì nó đóng góp, hay lấy đi, từ
những
tài nguyên nghèo nàn của đạo đức trí tuệ. Tác phẩm này đề nghị chi, nếu
nói
về chuyện cân đo đong đếm vóc dáng, hình ảnh con người? Đây không phải
là
một câu hỏi dễ nói ra, nó còn dễ bị coi là thiếu tế nhị. Nhưng thời đại
chúng ta là một thời đại không bình thường. Nó quằn quại (labor), dưới
sức ép
của phi nhân, được kinh nghiệm theo một qui mô khổng lồ, đặc thù, và
ghê
rợn; và khả năng của một điêu tàn thì lấp ló chẳng đỗi xa. Người ta
thích
ban cho mình trò xa xỉ, là chùm chăn, đợi thời, nhưng vô phương....
***
Những cuộc tranh luận
về văn học và phê bình văn học trên Talawas làm tôi nhớ tới một câu hỏi
của
Ronald A. Sharp với Georges Steiner, trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp
chí
Điểm sách Paris:
-Tình yêu là một quan
niệm thần học quan trọng của Ky tô giáo. Trong ấn bản tuyển chọn tác
phẩm của
ông, nhà xuất bản Penguin, ông có cho rằng, "Cội rễ của tất cả những
tác
phẩm kế tiếp nhau của tôi, của việc giảng dậy của tôi, là niềm tin có
từ
rất sớm, rằng phê bình triết học và văn học nghiêm túc: nó phải tới
[với
bạn] như là một món nợ tình." Ông có thể giải thích điều này?
-Rất hân hạnh. Tôi
đau
khổ, trọn đời, về [vấn đề] sống trong một thời đại, không như nhiều
người
nói: của âu lo, nhưng của khinh miệt, ham muốn, và ghen tức. Tôi đã cho
in
trên một trăm năm chục bài viết ở trên tờ The New Yorker, và cỡ chừng
trên
hai trăm năm chục bài khác, tại những nơi như là tờ Times Literary
Supplement (Phụ trang Văn học của Thời Báo, Luân Đôn) Trong ba mươi lăm
năm, tôi nghĩ, cho là có dở đi chăng nữa, cũng chỉ độ bốn hoặc năm bài
điểm sách tiêu cực. Tôi đã từng bỏ qua rất nhiều cuốn sách không điểm,
vì chúng ẹ quá. Tôi đã cố ca ngợi, tôi đã cố: được rạng ngời, tôi đã cố
la lên: "Hãy đọc cuốn sách này".
Tôi hoàn toàn lỗi
nhịp
với cung bậc Anh, mím môi thích thú từ khước, hạ cố, bắt ne bắt nét,
không
thèm để mắt (bất kiến, invidia: một từ to tát tiếng La Tinh về thần học
luân
lý), của tính hiện đại. Chúng ta đang ở trong văn hóa ghen tị. Khi tôi
có
những sinh viên có khả năng hơn tôi, lanh trí hơn, sâu lắng hơn, sáng
tạo
hơn – tôi có chừng năm hoặc sáu người như vậy, và trong số họ có người
hiện
đang nổi bật ở Mỹ – đây đúng là một đặc quyền lớn lao đối với tôi. Đó
là
lúc mọi chuyện trở nên có nghĩa, đó là lúc tôi thấy mình có ích.
Chức năng của những
người như ông như tôi, là gì? Chúng ta là lũ cá hoa tiêu, những sinh
vật kỳ quái, nhỏ nhoi, đi trước dẫn hướng cho loài cá thực, những con
cá mập, cá voi,
cảnh giác người ta: "Nó đang đến đấy!" Khi tôi ở Phi Châu, trong khu
biệt
lập dành riêng cho săn bắn, tôi thực sự nhìn thấy những con chim xinh
đẹp,
nhỏ bé, lông vàng; chúng đậu trên con tê giác, và chíp chíp như điên,
để
báo động cho mọi người rằng con vật đang tới. Vậy thì một vị thầy tốt,
một
nhà phê bình tốt sẽ nói, "Đây là thứ thiệt. Tại sao, thì đây này. Hãy
đọc
nó, đọc nó, hãy ghé vô mua nó. Hãy đi mua đi."
*****
Chúng ta tự hỏi,
những
tác giả tham dự vào cuộc tranh luận trên Talawas có thể hiện được cái
món
Nợ Tình đó không?
Tôi nghĩ là không.
****
Tôi "khởi nghiệp" với
truyện ngắn, không phải với điểm sách, hay phê bình, hay tiểu luận. Sau
này, tôi mặc nhiên coi, với chính mình, cũng như với một độc giả nào
đó, nếu có,
của mình, nếu được hỏi, rằng truyện đầu tay của cái truyện ngắn đầu tay
của tôi là truyện Những Ngày Ở Sài Gòn, đăng trên tuần báo Nghệ Thuật
số
9, (xuất bản vào năm 1965), tại Sài Gòn. Với bút hiệu Sơ Dạ Hương.
Sự thực rối rắm hơn
nhiều. Một cách nào đó, tôi có tới ba truyện ngắn đầu tay, mỗi truyện
có một câu chuyện của riêng nó, và Những Ngày ở Sài Gòn là đứa em út.
Truyện đầu tiên, tôi
chẳng còn nhớ nổi tên, đăng trên tuần báo Mã Thượng, trang văn học nghệ
thuật
cuối tuần, do nhóm chúng tôi chủ trương, khi đó đều còn học trung học,
có
Huỳnh Phan Anh, Dương Trần Thảo, tức Dương Văn Ba, sau làm dân biểu,
làm
báo Tin Sáng, và tôi. Chính trên trang báo này, Huỳnh Phan Anh và Dương
Trần Thảo đã cho đăng lá thư gửi nhóm Sáng Tạo, tranh luận về "nghệ
thuật
hôm nay" (bạn đọc có thể đọc bài viết này trên trang Tin Văn do Nguyễn
Quốc
Trụ phụ trách]. Lúc đó, nhóm chúng tôi chủ trương nghệ thuật hôm nay là
nghệ
thuật mô tả cuộc sống như nó là, gợi ý từ cụm từ "Tel Quel" của Pháp.
Truyện
ngắn đầu tay của tôi, lạ lùng thay, lại rất hợp với chủ trương của nhóm
(Tôi
còn nhớ, HPA gật gù, đúng là "tel quel" thật!). Câu chuyện một anh
chàng
chủ nhật khơi khơi đi ra đường, rồi khơi khơi ghé nhà em, nhìn em nhặt
rau,
rửa chén, rồi phơi phới ra về. Ra ngoài đường, trời mưa, và anh chàng
băn
khoăn hỏi trời, hỏi đất, hỏi người qua đường, hà cớ chi mà trời mưa?
(còn tiếp)
NQT