*

Tạp Ghi 
 



Ngợi Ca Mì Gói

Trên Talawas mới đây có bài viết của Thảo Hảo, về mì gói. Không biết tác giả "mết" mì gói, hoặc "mết" viết về mì gói, từ hồi nào, nhưng không thể trước 1975 được, tôi đoan chắc như vậy. Và chuyện, nó trở thành một món "quốc hồn quốc tuý, vực dậy cả một dân tộc", lại càng là chuyện "về sau này".

Nhân đây, cũng xin được vun xới thêm chút tình cảm, xung quanh gói mì, và cùng với nó, là nỗi băn khoăn "bạn hay thù", không phải "với" mì gói, nhưng mà là "giữa" những người đã từng xơi mì gói.

Khi mì gói lần đầu tiên xuất hiện tại miền nam, vào những năm chiến tranh, tôi còn nhớ, một "bạn văn", ký giả LR, khen "um" lên, "đả biến thiên hạ vô địch thủ", "số một", và ký giả Ba Tê lắc đầu, "thua phở xa"! Ông giải thích, lẽ dĩ nhiên thua phở, đủ mọi thứ thua, nhưng "nhất là ở chỗ này: với phở, bánh và nước quyện vào nhau; với mì gói, mì và nước không làm sao làm được chuyện, nói theo ngôn ngữ bi giờ, "giao lưu hòa giải".

Ký giả LR vốn có thời ở trong đơn vị tác chiến. Có lần, ngồi ăn sáng tại Quán Chùa, đường Tự Do Sài Gòn (trước 1975), nhân nói chuyện sách, ông kể trong một chuyến hành quân tại miền bắc, ông "lạc" vào một căn nhà thật nhiều sách, và khi ông kể thêm, về vị trí, khu vực hành quân, căn nhà, cách bầy biện... một "bạn văn" ngồi cùng bàn vỗ đùi đánh đét, "Mày vô đúng nhà tao rồi!"

Hoá ra là "căn nhà vùng nước mặn"!

Với người lính tác chiến, mì gói là "số một", so với ba thứ lương khô khác. Cứ thử tưởng tượng, ngồi bên mì gói, trong một khung cảnh đầy sách như trên, thì "ai bảo hành quân là khổ, hành quân sướng lắm chứ!"

Người thứ nhì nức nở ngợi ca mì gói, với tôi, là ông xếp "bất đắc dĩ", và cũng thật ngắn ngày, thời gian mới tiếp quản thành phố Sài Gòn. Quá ngắn ngày, nhưng tôi cũng có quá đủ thời gian để thông cảm với những ngày tác chiến, những ngày ở rừng của ông.

Tôi không hiểu "hiện thực" cả nước mết mì gói đó, có liên can tới hiện thực cả nước "mết" chiến tranh, như nhận định của một tác giả nước ngoài (nhà văn, triết gia người Pháp, André Glucksmann), khi ông cho rằng, "họ" (ông muốn nói Cộng Sản Miền Bắc) bị kết án phải gây chiến tranh, như là "yếu tính" của họ [của một miền đất?].

Càng nữa, có khi chỉ vì được nuôi ăn "như heo", nên có mì gói thì quí quá cũng nên?...

Nguyễn Tuấn Anh

Ghi chú:

1. Từ "mết", tôi mượn của PXN, lần ghé Hà Nội. Ông bảo tôi: Thế là bạn "mết" em rồi!

2. Ý nghĩ "nuôi như heo", tôi mượn của Cioran, trong bài Miếng Cơm, Manh Chữ đã đăng trên Talawas.

3. André Glucksmann, thuộc trào lưu "triết học mới", trong những năm 1970; tác giả cuốn "La Cuisinière et le mangeur d’hommes, Essai sur l'État, le marxisme, et les camps de concentration" ("Bếp ăn và kẻ ăn thịt người, Luận về Nhà nước, chủ nghĩa Marx, và những trại tập trung", nhà xb Seuil, 1975). Ông còn là một trong những thành viên của Ủy Ban kêu gọi "Một Chiếc Tầu Cho Việt Nam", thời gian 1979, gồm Jean-Paul Sartre, André Glucksmann, Raymon Aron, và một số thành viên khác như Bernard Kouchner, người sáng lập tổ chức "Y Sĩ Không Biên Giới".

*

Thảo Hảo      13.12.2002

Mỳ gói, bạn hay thù

1. Có một lần, em gái tôi được ra nước ngoài cùng một đoàn 10 người đàn ông. Mười người đàn ông Việt Nam dễ thương, rất chăm sóc thành viên nữ hiếm hoi trong đoàn, như những người anh chăm sóc em gái út.

Cả đoàn rong ruổi, từ ngày này sang ngày khác, từ thành phố này sang thành phố khác, đánh vật với phong cách ăn uống này rồi phong cách ăn uống khác. Trong cuộc chiến cuối cùng này, các anh trai của đoàn gục ngã. Và chị y tá, bà tiên, cô Tấm... đến nâng họ dậy chính là... mì gói.

Ðã được nghe nhiều những mẩu chuyện về người Việt Nam ta đi công tác với một va li toàn mì. Không chứng kiến tận mắt thì cứ nghĩ chắc đây là một cách tiết kiệm. Có ở cạnh những chủ nhân của đống mì rồi mới thấy, nhiều khi không phải thế, em tôi nói. Chủ nhân của những thùng mì rất rộng rãi, chi tiêu thoải mái, nhưng họ cần mì. Có mì họ mới an tâm, như em tôi lúc nào cũng phải mang theo thuốc đau bụng rồi mới dám ăn ốc. Anh hướng dẫn viên du lịch thất vọng ra mặt khi thấy những món ăn địa phương chỉ được động tới một cách tự tin khi mì gói của đoàn đem theo đã được rót nước sôi để sẵn. Tô mì gói đứng lù lù trên bàn như một cái ao làng thân thương, nhìn thấy nó rồi thì những cậu trai mới dám (rón rén) đi chinh phục những miền đất mới.

2. Có người bạn, chị X., hay đi công tác nước ngoài. Chị bảo, tao buồn cười nhất là sang đến nơi là y như rằng có người trong đoàn đòi đi ăn... cơm Việt Nam, hoặc tệ hơn, ăn phở. Có người ăn chỉ để so sánh cơm Việt Kiều với cơm Việt Nam (trong khi còn vô vàn cái lớn hơn thì không so sánh); có người lại đơn thuần ăn là để đỡ nhớ, dù cách đó hai ngày vừa mới chén một bát phở đêm tú hụ, đến nỗi lúc đứng dậy còn nghĩ bụng, khéo phải một tháng nữa mới dám ăn lại.

Chị bảo, mình thì chỉ muốn có dịp ra nước ngoài thì ăn thứ họ ăn, uống thứ họ uống, thở không khí họ thở, nói tiếng họ nói, cố mà hiểu theo cách họ hiểu. Lần nào đi đến một nơi mới lạ, chị cũng ám ảnh rằng cuộc đời mình chỉ có một lần duy nhất, và biết đâu lần ghé thăm này cũng là duy nhất, khi xa Trái Ðất rồi thì không còn dịp quay lại. Cho nên cố mà sống cho đầy, bằng tất cả những giác quan mà trời đã cho... Ấy thế mà những dịp hiếm hoi ra nước ngoài, thời giờ eo hẹp thế, vẫn có những người trong đoàn của chị đòi đi chợ Việt Nam bằng được, rồi lúi húi nấu cho dẻo một nồi cơm, đến nỗi chẳng còn mấy thời giờ mà đi chơi; hoặc tệ hơn, ăn không được thức ăn người, đến nỗi coi như chuyến đi ấy là thất bại, dù xứ sở ấy có đẹp đến chừng nào.

3. Gắn với nồi cơm hay gói mì đến mức không có không được, về sâu xa, cũng là một phần của tâm lý "giá người giống ta". Quên cái khẩu vị của mình đi ít ngày, "bỏ thói quen của mình ở nhà" vài bữa để sống với thói quen của người khác mà cũng đã khó vậy, thì cái gọi là "từng trải" làm sao có được nhiều?

Mà ở nước mình, hình như người ta không thích người từng trải cho lắm. Nếu bạn đổi mỗi hai năm một cơ quan, thì đến năm thứ sáu người ta đã e dè bạn rồi. Người ta đặt ra câu hỏi, hay là bạn có khuyết điểm gì mà không ai chịu đựng nổi? Không từng trải thì khó thông cảm, thế nên đa phần đàn ông Việt Nam chỉ chấp nhận vợ có quá khứ trắng tinh như... nồi cơm, và phụ nữ khó mà ngồi nghe (một cách đầy chia sẻ như một người bạn thân) chồng kể chuyện mình đi chơi vui với các cô bạn cũ ra sao. Lại đến bố mẹ thiếu từng trải, chưa bao giờ mạo hiểm, nên khó mà hiểu được tâm lý khi con làm liều để còn giúp nó vượt qua...

4. Tôi có người bạn, sống nay đây mai đó như chim, như gió. Sự tự do tỏa quanh anh này như một vòng hào quang. Trong cái bếp ở chỗ anh thuê có đầy mì gói. Nhưng đống mì để mãi chẳng thấy suy suyển là bao. Anh nói, để mì ở đấy cho tiện, nửa đêm có đói thì ăn, bận việc thì ăn, khỏi nấu, khỏi chạy ra ngoài; còn ra ngoài rồi thì ăn gì cũng được, có quan trọng gì!

Thế đấy, mì gói cũng như đàn bà, tùy hoàn cảnh mà biến thành bà hoàng hay chỉ là con ở, còn tùy theo người mua nó muốn là nô lệ hay ông hoàng (của thói quen).

(Thể thao - Văn hoá  2002)