nqt
   
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Tạp Ghi 
 




Karl Marx: Ta còn để lại gì không?



Sau đây là giới thiệu bài viết của Robert Skidelsky, điểm cuốn tiểu sử Marx, của Francis Wheen (Karl Marx: Một cuộc đời, A Life, nhà xb Norton, 431 trang, $27 USD), trên tờ Điểm Sách Nữu Ước NYRB số đề ngày 16 tháng 11, 2000. Skidelsky là Giáo sư môn Kinh tế Chính trị tại [Đại học] Warwick University, Anh quốc. Nhan đề bài giới thiệu, mượn câu thơ của Vũ Hoàng Chương trong bài Nguyện Cầu), thay vì "What’s Left of Marx", của Skidelsky.


"Tất cả... những nhân vật có tầm quan trọng lớn lao trong lịch sử thế giới, thường xuất hiện, như đã từng xuất hiện, hai lần, một lần như bi kịch, lần thứ hai, như trò hề."

K. Marx (The 18th Brumaire of Louis Bonaparte).

"Lịch sử chấm dứt, có vẻ như không phải với chủ nghĩa xã hội, mà với chủ nghĩa tư bản"

Robert Skidelsky



Khi Karl Marx mới 24 tuổi, một người đương thời viết về ông: "Hãy tưởng tượng Rousseau, Voltaire, Holbach, Lessing, Heine và Hegel bị thẩy vào lò cừ, và trở thành một người, thì đó là Dr. Marx". Marx không phải là một trong những con người trẻ tuổi, thông minh sáng láng đó, những người đã thất bại không sống đúng như lời hứa hẹn của họ về cuộc đời. Ông sản xuất ra một hệ tư tưởng mãnh liệt nhất, hài hoà nhất, chưa từng có người nào nghĩ ra nổi, nhằm giải thích quá khứ của con người, nghiên cứu hiện tại, và trù tính tương lai cho nó.

Cái mà lò cừ sản xuất ra, là một lý thuyết biện chứng, về những lớp lang, giai đoạn của lịch sử, một lý thuyết duy vật lịch sử (trong đó cuộc đấu tranh giai cấp thay thế cuộc đấu tranh tư tưởng trong cuộc tiến hoá của nhân loại, của Hegel), một phê bình kinh tế và đạo đức nền văn minh tư bản (qua những chủ đề về bóc lột và tha hoá), một chứng minh mang tính kinh tế, rằng chủ nghĩa tư bản sắp sửa sụm, (do những mâu thuẫn nội tại của nó), một lời kêu gọi hãy "làm cách mạng", và một lời tiên đoán (một lời đoan chắc), rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ là giai đoạn kế tiếp – và là sau cùng – của lịch sử. Hệ tư tuởng của ông được khai triển rất kỹ càng, tuy không hoàn tất, ở trong cuốn sách vĩ đại "Tư Bản Luận", trong đó, lý thuyết đấu tranh giai cấp được gắn liền với những vấn đề kinh tế kiếm lợi nhuận, theo một đường lối làm sao cho chủ nghĩa tư bản sụp đổ đem đến sự thay thế cho nó, là chủ nghĩa xã hội. Kể từ khi Marx mất vào năm 1883, chủ nghĩa Marx sụp đổ, như là một hệ thống. Còn lại, là những tản mạn không nối kết lại được với nhau, của một đồ án (design) đã một thời [được coi là] hài hoà (coherent).

Cái ít nhất bị phế bỏ đầu tiên, từ hệ tư tưỏng đó, trong thế giới phát triển hiện nay, là lời tiên đoán chủ nghĩa tư bản sẽ nổ tung; thay vì vậy, là sự sụp đổ của một phương án mang tính chính trị cách mạng. Chủ nghĩa tư bản đã trải qua những giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, nhưng – may mắn thay – nó "thất bại" trong việc sản xuất ra một sự nghèo đói mang tính tập thể, cho những khối lượng lớn lao những con người. Nói rõ hơn, nó có thể tự sắp xếp, tái tạo mà chẳng cần tới những tự-mâu thuẫn đưa đến tự huỷ diệt. Ngoài điều này ra, sự đăng quang, thế tất thắng của chủ nghĩa cộng sản đã ngày một lu mờ, do những biện pháp kinh tế vừa mang tính khủng bố, vừa vô hiệu quả, tại những quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản, như ở Nga, và Trung Quốc. Tính năng nổ của chủ nghĩa tư bản, cùng với sự yếu ớt, ù lì thụ động của Liên Bang Xô Viết đã là cái giá mà lý thuyết về lịch sử của Marx phải trả: Chẳng hề có chuyện gọi là biện chứng trong chủ nghĩa tư bản, từ đó đẻ ra chuyện, chủ nghĩa xã hội sẽ thay thế nó.

Cái còn lại, lấy ra được, từ chủ nghĩa Marx, tức là từ đống vụn nát mới ngày nào tự phong đả biến thiên hạ vô địch thủ, bách chiến bách thắng, là phê bình mang tính đạo đức về nền văn minh tư bản, và đây đúng là của Marx, vắt ra từ trái tim nhỏ máu của ông trước nỗi đau khổ của người công nhân Anh trong những xưởng thợ, nhà máy. Bạn có thể "đọc" thấy nỗi đau này, qua những tác phẩm của Dickens, chẳng hạn, nếu không muốn nhức đầu vì mớ sách tư tưởng.

Vào thập niên 1960, "Marx Trẻ" (Young Marx) - "Bản thảo Kinh tế và Triết học" do "chàng" sáng tác vào năm 1984 - được thiên hạ xưng tụng như là "triết gia của [tư tưởng] vong thân", một cặp bài trùng, nếu nói về hai ông nổi cộm thời đó: Marx và Freud. Chủ nghĩa duy vật lịch sử - tư tưởng "không phải ý thức quyết định cuộc đời, mà là cuộc đời quyết định ý thức" , hay nói theo kiểu hiện sinh, "hiện hữu có trước yếu tính" – cũng hớp hồn chẳng kém, mặc dù nó không còn nối kết với bất cứ một mưu đồ lịch sử mang tính giai đoạn nào, [mưu đồ lịch sử mang tính giai đoạn, thí dụ như "người ta" coi biến cố Xô Viết Nghệ Tĩnh là một tổng diễn tập, sửa soạn cho Cách Mạng Tháng Tám sau đó]. Những câu nói của Marx, những văn đoạn của ông, là "tiếng nói đầu con gọi" của bất cứ băng, nhóm, ở bất cứ đâu, khi mà những cá nhân thành viên cảm thấy mình bị cho ra rìa (excluded), bởi những cơ cấu quyền lực hiện hữu. Tiểu luận của ông "Về Vấn Đề Do Thái" được coi là "luôn mang tính thời sự". Tiếp theo sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, "Tuyên Ngôn Cộng Sản" của Marx, được viết năm 1948, lại sống lại, và được coi như lời tiên tri, cảnh báo nhân loại trước "hiểm họa" Toàn Cầu Hoá. Sự "chuyển dịch", "làm mới" tư tưởng của ông như trên, càng "làm sáng" niềm tin của chính Marx, về "những xã hội sử dụng những tư tưởng mà chúng cần, chứ không cần những tư tưởng mà chúng sử dụng".


"Marx: Một Cuộc Đời" của Francis Wheen là cuốn "hậu-Mác xít" đầu tiên về cuộc đời của Marx. Tất cả những cuốn tiểu sử trước đó, yêu hoặc ghét ông, đều cho rằng, những tư tưởng Mác xít, cho dù tốt hoặc xấu, đều liên quan (mattered); rằng chúng cần được chống đỡ, bảo vệ, hoặc bị tấn công, phản bác; hay ít ra, chúng cần được bàn luận tới một cách thật nghiêm túc, rằng, cuộc đời của Marx không thể bị bỏ đi, và là một phần trong lịch sử của chủ nghĩa xã hội vẫn chưa được hoàn tất đó. Nhưng những tiểu sử sau cùng, theo kiểu trên, chấm dứt vào thập niên 1970. Nội dung lớn mang tính chính trị văn hóa của cuốn của Wheen không phải chỉ là về sự sụp đổ của chủ nghĩa Marx, mà là về sự sụp đổ của tư tưởng Soi Sáng - Skidelsky dùng từ phóng chiếu, project - mà chủ nghĩa Marx là một nhánh của nó. Nói rõ hơn, đây là về sự sụp đổ của quan niệm, rằng, lịch sử có một "siêu-tự sự" (meta-narrative) nối kết quá khứ với tương lai, và cái siêu-tự sự này có thể nhận ra được bằng thuần lý, và dưới ánh sáng của nó, những diễn giải được đưa ra và những hành động được thực thi. Ngày nay, chúng ta hoàn toàn sống trong hiện tại. Với hầu hết mọi người, quá khứ chỉ có một tí ti ý nghĩa; theo đó, chẳng thể có tương lai ở phía chân trời, nếu không có nhiều hiện tại như hiện chúng ta đang có như thế này đây, ấy là không kể những gì mà khoa học hứa hẹn, cho dù hàm hồ cỡ nào. Lịch sử có vẻ như chấm dứt, không phải với chủ nghĩa xã hội, mà là với chủ nghĩa tư bản.

Trong hoàn cảnh "từ chết tới bị thương" – lịch sử có vẻ như không chấm dứt với chủ nghĩa xã hội, mà chấm dứt với chủ nghĩa tư bản – làm sao viết, nếu có người còn muốn viết, về Marx?

Vậy mà vẫn còn tới hai toan tính mang tính chiến lược về tiểu sử của ông.

"Mặt trận" thứ nhất: coi tiểu sử Marx như một "lăng, đài" (monument), của những nỗ lực và hy vọng "không đúng nơi đúng chốn". Chất liệu và những tao ngộ trong cuộc đời của ông có thể thâu gom, chắt lọc, sắp xếp... và rút ra từ đó, một lời giải thích, tại sao một triết học nhân bản, vị tha, một hy vọng về một con người toàn thể, về một xã hội không còn người bóc lột người, lại đẻ ra trái đắng là chủ nghĩa Marx? Tiểu sử vị "cha già chủ nghĩa" mang tính chiến lược như vậy, còn có thể trả lời cho câu hỏi, tại sao một công trình lớn lao như thế lại sụp đổ, và những gì cần gìn giữ, nâng niu, ở trong đống vụn nát đó? Nói một cách ngắn gọn, một "tự sự" về cuộc đời của Marx có thể được dựng lên theo một nội dung như sau: như một phương án - giấc đại mộng của ông về một thiên đường cộng sản - và sự thất bại của nó.

Robert Sidelsky tác giả bài điểm cuốn tiểu sử Marx của Wheen cho biết, nếu phải viết, ông sẽ chọn cách như trên. Nhưng đó không phải là cách viết của Wheen.

Cách tiếp cận [cuộc đời Marx] của Wheen khác hẳn. Cuốn sách của ông là về Marx mà không có chủ nghĩa Marx (about Marx without Marxism), về một lịch sử nho nhỏ cắt ra khỏi một lịch sử lớn.


Lịch sử nho nhỏ bắt đầu tại Trier (Rhineland), nơi Marx chào đời vào năm 1818, trong một gia đình Do Thái; bố mẹ sau cải qua Protestantism. Nó dẫn chúng ta tới những ngày học đại học Berlin, nơi Marx rơi vào ảnh hưởng của Hegel, xuyên qua môi trường chính trị cách mạng tại Đức và Pháp, mà đỉnh cao của nó là cuộc cách mạng 1848, và chấm dứt với chuyến lưu vong dài tại Anh quốc, xứ sở độc nhất đã chứa chấp ông. Sau 18 năm tại Luân Đôn, phần lớn thời gian dùng vào việc mài đũng quần tại Phòng Đọc Sách Viện Bảo Tàng Anh Quốc, kết quả là, vào năm 1867, ông sản xuất ra tập đầu cuốn "Tư Bản Luận", ông nổi tiếng chủ yếu nhờ nó, tuy chẳng bao giờ hoàn tất. Chính tại Luân Đôn, nơi ông hoàn toàn dửng dưng với những cư dân và những vụ việc (affairs) của họ, Marx từ bỏ cõi đời vào năm 1883, trong tình trạng cạn kiệt, nghĩa là hết sạch, chẳng còn gì.

Wheen dâng hiến cho chúng ta - như ông tự hào là người đầu tiên - "Marx the man", Marx như một con người, không phải Marx như một kịch sĩ đóng tuồng lịch sử, Marx the human being, không phải Marx, một nhà nhân bản (the humanist). Tới một chừng mực nào đó, ông đã thành công tuyệt vời trong cố gắng này. Cuốn sách của ông thật dễ đọc. Marx, "chính là chàng", bị thẩy vào cuộc đời, với thói hư tật xấu, kể cả những "ung nhọt". Marx có thể nhắm vào "sự huỷ diệt trí thức nền kinh tế chính trị cổ điển", nhưng ông bật ra từ những trang sách thật là sống động của Wheen, nhất là trong những ngày còn trẻ, như một tay du côn (hooligan), không chỉ muốn quẳng đi cái gánh nặng trí thức của mình, mà còn ăn bám người khác, kể những chuyện tiếu lâm thô tục, bò lê bò càng vào quán rượu, thách quyết đấu tay đôi, và đập bể đèn đường. Marx, như trong những trang sách này của Wheen, đúng là một "thằng chả chịu chơi", và "chơi chịu", a one hell of a lad!

"Thằng chả chịu chơi", sau đó là một người chồng (hầu như hết mực) trung thủy, và một người cha rất thương yêu và hay nô đùa với các con. Wheen thật tuyệt, khi viết về những nhức nhối tiền bạc của Marx, ("tiền bạc cứt đái", như Marx thường gọi), và những tủi nhục và những bi kịch mà thứ "cứt đái" đó ảnh hưởng tới gia đình ông: Ba trong số những con của ông, chết trẻ, hầu hết là nạn nhân của cuộc sống trong những căn nhà ổ chuột mà Marx phải đưa vợ con tới trú ngụ, trong những ngày đầu ở Luân Đôn. Hình ảnh Marx mà chúng ta thường nhìn thấy, là một ông chủ gia đình thời Victoria, bên bàn ăn thịt cá ê hề vào những ngày cuối tuần, đi dạo quanh vùng Hampstead Heath với mấy cô con gái, và mấy đứa cháu. Cuốn sách của Wheen còn tuyệt vời, với những chân dung hấp dẫn và thú vị của Engels, Lassalle, Bakunin, và những cộng sự viên khác của Marx. Ông kể thật hào hứng, cuộc đấu trí giữa những "tinh hoa, trí tuệ hàng đầu" – Marx và những bạn bè quanh ông – trong cuộc Hoa Sơn luận kiếm, giản dị chỉ là những lời nói trao đổi giữa họ, và từ đó suy ra, ai xứng đáng là minh chủ võ lâm, "bậc thầy của những bậc thầy", và tại sao võ lâm từ đó chia năm xẻ bẩy, nguồn cơn nào nhóm đầu não cách mạng này tan rã ra. Nếu chỉ nói riêng về sự hóm hỉnh, thì Marx xứng đáng là bậc thầy, và cuốn sách của Wheen cũng hưỏng cái phần của nó, nhờ những chi tiết còn nguyên, chưa bị xóa bỏ, trong những thư từ trao đổi giữa Marx và Engels. Những tư tưởng chính của Marx đã được tác giả xen kẽ thật tài tình vào dòng kể, khiến nó không bị đứt quãng làm độc giả bực mình.

Nhưng Wheen đã thất bại, khi không làm bật ra được sự "cao cả trí tuệ" (intellectual grandeur) của Marx. Ông quả quyết Marx là một nhà tư tưởng lớn, một người làm việc cật lực, rằng những gì ông ta viết ra làm đầy 50 cuốn sách, nhưng người đọc vẫn không nhận ra đâu là sự nghiêm túc của vấn đề. Đâu là "chỗ đứng" (situation), của Marx, và của Âu Châu, trong nửa đầu thế kỷ 19, từ đó cái kho thuốc nổ chứa đầy nội lực (energy) cách mạng – cả về trí tuệ lẫn chính trị - nổ tung ra? Người đọc cũng khó mà khôn ngoan hơn Wheen để mà luận ra được "thế đứng" này. Ông còn tỏ ra ít tò mò, về tâm lý của Marx. Nếu không kể nỗi đau, và tấm lòng của ông đối với tầng lớp công nhân, thợ thuyền Anh, nguồn cơn nào đã khiến ông hô hào "Hỡi những kẻ trầm luân, Hỡi những kẻ vô sản trên toàn thế giới, hãy đoàn kết lại"? Nếu những đệ tử của ông sau này chủ trương không phải bạn ta thì là kẻ thù của ta, mà kẻ thù là phải tận diệt, lòng hận thù này cũng là của Marx, và là nguyên nhân đưa đến chủ nghĩa cộng sản. Và như thế một "Marx con người đầu tiên", như Wheen tự hào khám phá, hoá ra là một Marx con người đầu tiên bị [lòng hận thù làm] biến chất, "the first dehumanized Marx". Tức là một Marx bị cắt ra khỏi câu chuyện của nhân loại.
(còn nữa)

Jennifer Tran giới thiệu