nqt
   
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Tạp Ghi 
 




Sao vẫn mần thinh?

Một diễn đàn nóng như Talawas, trước một vấn đề nóng như Iraq, vậy mà chưa thấy nhà văn nào lên tiếng?

Trong khi chờ đợi, thôi đành nói chuyện nhà văn nước người chọn bên vậy.

Trên tờ Phụ Trang Văn Học Thời Báo London, số đề ngày 24 tháng Giêng mục NB, tiểu đề mục Nhà Văn Chọn Bên trước Cuộc Chiến với Iraq. Theo bài báo, hai tuần trước, tờ Observer và Independent on Sunday đã làm một cuộc thăm dò dư luận với một số nhân vật, trong có mấy ông nhà văn, về quan điểm của họ, trước cuộc chiến có nguy cơ xẩy ra, và chắc là khó tránh khỏi. "Hội chứng" mê chiến tranh hình như không còn hợp thời, nhất là về mặt dư luận đám đông, ít ra là từ cuộc chiến Việt Nam. "Tôi nghĩ, đây là một cuộc cuộc chiến không đúng (wrong war), vào một thời điểm không đúng, với những đồng minh không đúng, chống lại những người không đúng (wrong people), nhà soạn kịch truyền hình, Alan Bleasdale nói. Ông nói thêm: "Nhân loại đã đến lúc làm tôi hoang mang". Bạn đồng nghiệp của ông, là David Hare, thì cảm thấy khó nghĩ. "Tôi mong một sự chấm dứt chế độ độc tài ở Pakistan, Saudi Arabia, Miến Điện, Trung Quốc cũng như là ở Iraq [ông quên thêm vô Việt Nam]. Hơn hết, và trên hết, tôi mong [có] một chính quyền Huê Kỳ chịu chơi, dám ‘tưởng tượng’ ra một chính sách vì hoà bình."

Một vài nhà văn cùng có ý nghĩ, rằng siêu quyền lực độc diễn là Huê Kỳ, có những động cơ sâu xa, kín đáo, và thật khó nói huỵch toẹt ra được. Trong số này, là nhà văn Nobel người Đức, Guenter Grass. Ông chơi ván bài lật ngửa: "Ối dào, chỉ tại dầu hôi hôi quá, nó bốc mùi tới tận xứ Huê Kỳ." Quan điểm của ông được một số nhà văn chia sẻ, trong có Martin Jacques, cựu Chủ biên tờ "Chủ nghĩa Marx bây giờ". Và nhà văn A.S. Byatt: "Tôi nghĩ có mùi dầu ở đó." Cả hai nhà văn, J.G. Ballard và Frederick Forsyth đều cho rằng, thủ tướng Anh, Tony Blair nắm trong tay nhiều thông tin hơn, so với mớ tin tức ông nói ra cho công chúng hay. Trong khi Ballard cho rằng, thật là "một nhục nhã lớn lao", và nó khiến cho dân chúng thật khó mà quyết đoán, rằng cuộc chiến chính đáng hay là không, còn Forsyth thì đặt một sự tin cậy thật là cảm động vào những người lãnh đạo của ông: "Nến bạn nói rằng Bush quyết định xâm lăng một xứ sở xa lắc xa lơ xứ Cờ Hoa, là nhà của ông ta, một xứ sở chẳng đe dọa ông ta, như vậy bạn phải là một thằng khùng, thằng điên. Ông ta đã dụ khị Mr. Blair cùng làm điều đó và Mr. Blait thì đâu có khùng. Có thể cả hai biết một điều gì đó mà chúng ta không biết."

Những ngày này, xung đột, có lý hay không có lý, là chẳng ai ham, thành thử bên phò chiến chỉ lơ thơ vài mạng. Trong khi những nhà văn như John Le Carré, Richard Dawkins và một số nhà văn khác chống chiến tranh, còn trơ ra là Forsyth và nhà văn Anh gốc Ấn Độ, Salman Rushdie. Rushdie tin rằng, "có trường hợp không thể trả lời được, thí dụ như thay đổi chính quyền ở Iraq.... Nếu Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc thoả thuận được với nhau, như vậy là thế giới còn lại phải ngưng ngồi lên tay của mình và cùng theo người Mỹ, và người Anh trong việc khử bỏ cho thế giới tên cầm quyền quỉ sứ này."

Bây giờ thì chẳng cần LHQ, Mỹ cứ một mình một cuộc chiến. Thành thử chúng ta vẫn có quyền ngồi lên tay của mình!

Jennifer Tran