Kỷ
Niệm Lô Cốt
Lô cốt tại quê tôi, như ký ức ngày nhỏ
còn giữ được, có từ lúc quân đội Pháp nhẩy dù xuống đồng bằng Sơn Tây,
(hình như là vào năm 1946 thì phải), và lập hệ thống đồn bót dọc theo
đê. Cùng với
dân làng, mấy mẹ con rời làng, con đê, sông Hồng, chạy vào phía sâu
trong, tức phía núi Tản Viên, rồi khi tiếng súng đã im, tình hình yên
ổn trở lại, dân làng tìm cách mò về, riêng gia đình tôi, chạy ngược lên
Vĩnh Chân, Phố Ẻn, thuộc Phú Thọ. Rồi cũng thất tán mỗi người một nơi.
Khi trở về làng, mấy năm sau, tôi nhìn thấy cái lô cốt, lần đầu tiên.
Làng tôi có ông giáo Dực (hay Giực),
thầy dậy
của bố tôi, rồi của tôi. Ông là người từ đâu tới, lấy một bà cô của
tôi, rồi
"dừng bước giang hồ", không hiểu là do nhan sắc của bà cô, hay là do Cô
Ba,
tức nàng phù dung. Do biết tiếng Pháp, những ngày Tây chiếm đóng, ông
thường
lên bót gặp viên trưởng đồn, như là một người đại diện cho dân làng. Có
một
lần, ông dẫn tôi theo, và tôi nhìn thấy một ông Tây, lần đầu tiên.
Trẻ con vùng này hầu hết là học trò ông
giáo Dực. Ông là một người rất tự kiêu, như một kỷ niệm mà tôi còn giữ
mãi: Khi ông già tôi bị giết do tai họa đảng phái, bởi một người học
trò của ông, người học trò này cũng đã học ông giáo Dực, ông bảo tôi:
Bố mày bị giết vì thù oán cá nhân, chứ không phải học trò giết thầy.
Cái thằng giết bố mày, dưới mắt nó, chỉ có tao đáng là thầy dậy nó thôi.
Nhưng không phải ông giáo Dực, mà là một
người con trai út của ông, tức chú Trực, mới là người gần gũi với tuổi
thơ của tôi, tại quê làng.
Lớn hơn tôi vài tuổi, tài hoa nhất mực,
nào nghề đàn, nghề chụp ảnh. Chú là người đã dậy tôi hát, những bài hát
đầu đời như "Anh Kim Đồng ơi, anh Kim Đồng ơi", "Mơ Liên Xô". Chú dậy
tôi chơi đàn măng đô lin, chơi cờ tướng, gần như tất cả những thú vui
ấu thời này đã
theo tôi ra Hà Nội, rồi vào nam, rồi ra hải ngoại, rồi lên không gian
ảo.
Nhờ giỏi toán, giỏi đàn, tôi đã được Ông Tây, chồng của Cô Dung tôi để
ý,
thương hại, bảo bà cô của tôi lo cho ăn học, tại Hà Nội, và những ngày
sau
1954, khi đã về Pháp, ông bà vẫn gửi tiền cho tôi đóng học phí, những
ngày
di cư. Riêng cái món cờ tướng, nó làm tôi mê mẩn, theo tôi vào trong kỳ
thi,
và, lẽ dĩ nhiên, vào trong tù.
Tôi rớt tú tài phần hai, kỳ một, là vì
cờ tướng.
Vào trường thi, tôi không làm sao tập trung, bởi vì trong đầu chứa đầy
những
quân cờ, những nước đi của một con mã, con pháo, hoặc con xe...
Nói tóm lại, tôi nợ Chú Trực của tôi
nhiều lắm.
Khi trở về, gặp lại, biết được hoàn cảnh
thương tâm của ông, tôi mới nhận ra, tất cả những giấc mộng của ông, đã
được thực hiện, một phần nào, ở tôi, ở thằng cháu.
Chú Trực còn một người anh, là Chú Thức,
Học giỏi, sinh viên Hà Nội. Sau đó, ông theo Việt Minh, lên rừng, chưa
thi thố được một chút tài năng, thì chết vì bịnh sốt rét. Chú Trực cũng
đã từng được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, trong lần đi qua làng lên chiến
khu, nhận làm học
trò, và xin gia đình cho theo ông. Nhưng ông giáo Dực từ chối, viện cớ
không
có ai lo cho ông những ngày hiện tại và khi về già.
Về lại quê nhà, tôi mới hiểu ra, ông đã
giành cho người con trai út một việc: làm gián điệp cho Tây, mà "thuật
ngữ" hồi đó gọi là làm Việt gian.
Do tài đàn hát, chụp hình, chụp ảnh...
Chú Trực trở thành điểm gặp của thanh niên, trai tráng trong làng, và
trong vùng, lẽ tất nhiên, trong số đó, có nhiều người là du kích. Chẳng
ai nghi ngờ,
khi nhờ chụp hình, Chú đã dành riêng cho mình một tấm, và mang nộp cho
Phòng
Nhì Pháp, ở tỉnh lỵ Sơn Tây. Chỉ tới khi du kích bị bắt nhiều quá, và
tình
cờ, một người du kích nguỵ trang làm người đi mua đồng nát, thấy chú
Trực
ghé Phòng Nhì, sự việc mới đổ bể.
Đang đêm, du kích từ bên kia sông, về
bắt Chú
mang đi. Nhưng sau đó, có tin Chú được thả, do có người bà con làm Cách
Mạng
thuộc thứ gộc bảo lãnh. Nhưng chú không về làng, biệt tích luôn, thay
tên
đổi họ, lấy vợ, đẻ con. Chỉ tới khi Chú làm đơn xin vô Đảng thì lý lịch
cũ
mới lộ ra. Đám Cách Mạng trong làng tôi yêu cầu đưa Chú Trực về lại
làng, để quản lý. Người vợ của Chú xin Đảng cho ly hôn, và xin cho đứa
con "từ chối" ông bố Việt gian.
Về gặp, ông nhắc, hồi ở Hà Nội, tôi có
chép tất cả những bản nhạc nổi tiếng lúc đó, và gửi về tặng ông. Ông
giữ mãi làm kỷ niệm. Sau có thể vì hoạt động gián điệp, ông đưa lại tập
nhạc cho đứa
em trai của tôi. Tôi nghĩ, ông biết, sẽ có ngày ông bị Cách Mạng thủ
tiêu,
nên trả lại kỷ niệm của một thằng cháu đã vào nam, cho gia đình nó.
Liệu ông tin rằng, thằng cháu sẽ có ngày
trở về?
Lần gặp lại, nhìn ông, xót xa quá, tôi
quên hỏi.
Tập nhạc, thằng em tôi, vì chẳng bao giờ
nghe nhạc, nên đã để gián và mối xơi hết.
Trở lại với cái lô cốt. Cũng tại đây,
tôi nhìn
thấy con người (theo quốc gia) đánh con người (theo cộng sản), lần đầu
tiên.
NQT