nqt
   
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Tạp Ghi 
 





Cội Rễ Nhà Trời. Oulipo. Hội Họa Dở và Hội Họa Bẩn.

Những Trái Đắng Của Quá Khứ. Nhân Danh Tất cả Mọi Người. Đi.
 

Cội rễ nhà trời 

"Đây là một con người mà trong nỗi cô đơn của mình, đã đi xa hơn những kẻ khác". 

Romain Gary 

Cuốn "Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng", của Ngô Thế Vinh, được một số nhà điểm sách coi là một báo động sinh thái cho một vùng đất. "Cội rễ nhà trời" (Les Racines du ciel), của nhà văn Pháp Romain Gary, có lẽ là cuốn tiểu thuyết đầu tiên nói tới hiểm họa này. Người viết xin chuyển ngữ bài viết của chính tác giả, nhân lần tái bản năm 1980 cuốn sách của ông: cuộc hành trình vô vọng của một con người giữa rừng rậm Phi châu, chiến đấu nhằm bảo vệ loài voi thoát họa diệt chủng. 

"Từ khi xuất hiện cuốn sách này cách đây 20 năm, người ta rất muốn viết về nó, như là cuốn tiểu thuyết ‘sinh thái’ đầu tiên (le premier roman ‘écologique’), lần đầu tiên đưa ra lời cầu cứu, rằng trái đất sinh học của chúng ta đang bị đe dọa. Bản thân tôi, thật ra, vào lúc đó, cũng không thể ngờ được, sự tình lại đến nỗi quá bi đát như là bây giờ, và sự hủy diệt cứ thế tăng lên mãi. 

Vào năm 1956, tôi ngồi cùng bàn với một ký giả nổi tiếng, Pierre Lazareff. Một người nào đó thốt lên từ ‘sinh thái’. Trong số trên hai chục người hiện diện, chỉ có bốn người hiểu ý nghĩa của nó… 

Vào năm 1980, người ta cân nhắc con đường vạch ra. Trên khắp mặt đất, những cơ quan, hội đoàn, những lực lượng được thành lập, và đứng đầu là giới trẻ đầy quyết tâm chiến đấu. Rõ ràng là họ không biết đến cái tên Morel, kẻ tiên phong trong cuộc chiến đấu và là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết của tôi. Chuyện đó đâu có gì là quan trọng. Trái tim đâu cần đến một tên khác, để gọi. Và nhân loại đã đề nghị những con người tuyệt hảo nhất của nó, nhằm bảo vệ một cái đẹp nào đó của cuộc đời. Một cái đẹp nào đó của thiên nhiên…

 

Tôi chọn lựa cho cuốn tiểu thuyết của tôi một nơi chốn mà vào năm 1956 người ta vẫn còn gọi là "Phi châu nhiệt đới của Pháp", bởi vì tôi đã sống ở đó, và có lẽ bởi vì tôi không thể quên, đây là xứ sở đầu tiên trước đây đã đáp ứng lời kêu gọi nổi tiếng: hãy chống lại sự buông xuôi bỏ mặc, và niềm thất vọng chán chường. Và sự từ chối của nhân vật của tôi, từ chối làm một con người bất lực, chịu thua luật đời sừng sỏ, chính sự từ chối này đã ở với tôi trong những giờ phút lạ thường khác nữa…

 

Thời gian chẳng thay đổi nhiều, kể từ khi cuốn sách này được xuất bản: người ta vẫn tiếp tục sử dụng một cách thật là dễ dàng thoải mái, những dân tộc, nhân danh quyền con người, quyền dân tộc, xúi họ sử dụng chính họ. Ýù thức về ‘sinh thái’ (la prise conscience ‘écologique’), chính nó, đã đụng phải cái mà tôi gọi là sự phi nhân của nhân loại (l’inhumanité de l’humain). Vào lúc tôi đang viết những dòng này, 1200 con voi đã bị tàn sát ở Zimbabwe… Đúng là một nghịch lý cơ bản [sự phi nhân của nhân loại] mà không một tư tưởng, tông giáo nào có thể giải đáp được.

 Nếu nói về sắc thái tổng quát, phổ cập, của công cuộc bảo vệ thiên nhiên, lẽ dĩ nhiên nó không mang tính đặc biệt, như chỉ xẩy ra ở Phi Châu không thôi: đã từ lâu con người rú lên như bị lột da. Như thể, quyền con người, chính chúng, cũng trở nên những sống sót làm bực mình, gây khó chịu, của một thời đại sinh thái nào đó, đã qua rồi: thời được gọi là nhân bản. Những con voi ở trong tiểu thuyết của tôi tuyệt nhiên không phải là những ẩn dụ: chúng có thật, bằng xương bằng thịt, y hệt như quyền con người…

Một lần nữa, tôi xin được cám ơn những con người mà tình bạn của họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều, khi viết cuốn tiểu thuyết này, trong những điều kiện khó khăn: Claude Hettier de Boislambert, giáo sư J. E. de Hoorn, René Agid, và Jean de Lipkowski, Leigh Goodman, Roger Saint-Aubyn và Henri Hoppenot, là những người mà cuốn sách này được đề tặng." 

Romain Gary 

***

 Tôi quen Ngô Thế Vinh rất sớm, từ cái thuở anh còn là sinh viên ở cư xá Minh Mạng, Sài Gòn. Anh học y, nhằm chữa bịnh cho từng con người. Anh làm báo Tình Thương, toan tính chữa bịnh cho một thời đại. Anh viết văn, mơ tưởng chữa bịnh cho một dân tộc. Nhân làm báo Tình Thương, với tư cách phóng viên, anh khám phá ra một cuộc chiến trong một cuộc chiến: cuộc chiến của những đồng bào Việt ở vùng thượng du. Cuộc chiến đấu dành đất đai, dành quyền làm người Việt nam ở miền thượng du, hiện nay, ở trong nước, như xác nhận nỗi đau của nhà văn người Pháp, Romain Gary và Ngô Thế Vinh, tác giả cuốn "Vòng Đai Xanh", cũng có thể lập lại lời nói của Romain Gary: Bản thân tôi, vào lúc đó, cũng không thể tưởng tượng được, sự tình lại bi đát đến như vậy… Và những con voi giả tưởng của Romain Gary trong "Cội rễ nhà trời", đã biến thành hiện thực bằng xương bằng thịt, như thể "Cội rễ nhà trời" biến thành "Cội rễ nhà Việt".

 Theo dòng liên tưởng, chúng ta hãy thử tưởng tượng, sự tình sẽ bi đát tới mức nào, khi đọc "Cửu Long dậy sóng…", vào khoảng… mười, hay hai mươi năm sau?

 Trong trả lời phỏng vấn của báo Bách Khoa (thời gian trước 1975 tại Sài Gòn), nay được dùng làm tựa cho tác phẩm "Mặt trận ở Sài Gòn", Ngô Thế Vinh cho biết, ông có ý định viết một cuốn sưu khảo về cao nguyên thay vì cuốn tiểu thuyết "Vòng Đai Xanh". Lý do là để tránh kiểm duyệt. Nhưng sau đó, báo Tình Thương bị bắt buộc phải đóng cửa. Ông đã có thì giờ để "tưởng tượng hoá" tư liệu, cho chúng chết đi, để rồi sống lại, ở trong cuốn tiểu thuyết. Nhưng thật kỳ cục, khi đọc nó, tôi có cảm tưởng, đây là một cuốn sách thuộc loại khảo cổ học. Ở đây, là mô khảo cổ học về nguồn gốc một cuộc chiến (trong một cuộc chiến). Hoặc có thể coi đây như là chương mở đầu một cuốn trường thiên tiểu thuyết về cuộc chiến Việt Nam.

 Hãy cùng nhau đồng ý, ở điểm này: không hề có "một" cuộc chiến Việt Nam. Đây là một cuộc chiến trong một cuộc chiến: cuộc chiến Nam Bắc bao trùm lên cuộc chiến của những đồng bào Thượng. Cuộc chiến sinh thái bao trùm lên cuộc chiến nhằm bảo vệ cội rễ nhà Việt….

 [Từ khảo cổ học ở trên được sử dụng theo nghĩa của triết gia người Pháp, Michel Foucault, không dính dáng gì tới các môn địa chất học (geology), hoặc phả hệ học (genealogy), và chỉ là nghiên cứu một thư khố (it’s the analysis of discourse in its modality of archive). Michel Foucault cho biết ông luôn bị ám ảnh bởi một cơn ác mộng từ hồi còn nhỏ: dưới mắt ông là một bản cổ văn mà ông không làm sao đọc được, hoặc chỉ một phần rất nhỏ của bản văn được "giải mã". Tôi (M. Foucault) làm bộ như đang đọc nó, nhưng tôi biết rất rõ, là tôi đang bịa đặt.… rồi bản văn bỗng mờ hẳn đi. Tôi không đọc được gì nữa. Ngay cả bịa đặt cũng không… cổ họng tôi thắt nghẹn, và tôi tỉnh dậy…". Chúng ta, những độc giả của Ngô Thế Vinh, cứ giả dụ rằng, ông cũng bị ám ảnh bởi một bản cổ văn (về một cuộc chiến trong một cuộc chiến), và chỉ một phần rất nhỏ của nó được giải mã (Vòng Đai Xanh, Mặt trận ở Sài Gòn… và mới đây, Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng…), và ông (và chúng ta) cũng đang làm bộ đọc nó, mà sự thực là đang bịa đặt…]

 Thế rồi bản cổ văn bỗng nhiên mờ hẳn đi…

  Oulipo, cái quỉ gì vậy?

 Độc giả VHNT hiện đang làm quen (và có thể đang… nhức đầu) với những thử nghiệm văn chương của một số tác giả như Nguyễn Đức Thuần, Ian Bui… Liệu có thể coi đây chỉ là một trò chơi của trí tuệ?

 Hai nhà văn người Pháp là Raymond Queneau và Francois Le Lionnais chắc cũng đã từng gặp một câu hỏi như vậy, khi toan tính khai phá những tiềm năng của văn chương và rộng hơn, của ngôn ngữ. Họ tập hợp những nhà văn, toán học gia, thi sĩ, lý luận gia (logiciens), và cùng nhau nhào nặn (sắp xếp và tái sắp xếp: assembler et réassembler) những mẫu tự và những từ, theo những hình ảnh trong kính vạn hoa, tùy theo những cấu trúc, hình dạng, khổ, luật mới, làm sao tạo nên những tác phẩm mang tính uyên nguyên. Thế là Perec viết một cuốn tiểu thuyết không sử dụng tới nguyên âm "e", Calvino xây dựng lớp lang một cuốn sách theo những hình vuông Greimas….

 Oulipo: Ouvroir de Littérature Potentielle (tạm dịch: Xưởng văn chương tiềm năng) – không phải là một trường phái văn chương, mà là một xã hội bí mật sẵn sàng theo đuổi cuộc truy tìm theo kiểu Borges, qua bao thế kỷ, xứ sở, văn hóa… Khởi đầu coi như có ba thành viên (Queneau, Perec, Calvino), bốn mươi năm sau, Oulipo phát triển lên mãi, mở ra những xưởng văn (ateliers d’écriture), và chia sẻ trò chơi với biết bao con người, hạnh phúc vì muốn là những người khai phá, mở đường.

 Tạp chí Văn học Pháp, Magazine Littéraire, số tháng Năm 2001 đặc biệt dành cho Oulipo: văn chương như một trò chơi, với những thành viên nổi cộm của nhóm như là: Queneau, Le Lionnais, Roussel, Roublaud, Perec, Calvino…

 Sau đây là nhận định của Marcel Néabou, bốn mươi năm sau khi Oulipo ra đời.

 "Những con chuột đào một mê cung mà chúng nghĩ rằng sẽ thoát ra được", những thành viên của nhóm Oulipo thuờng nói như vậy. Lẽ dĩ nhiên, có một chút đỏng đảnh ở trong đó. Một thành viên nói rõ hơn: "Oulipo có nghĩa là chống lại chuyện ngẫu nhiên." Không phải tự nhiên mà trong nhóm có những nhà toán học. Trí tuệ, trí tưởng tượng, và phương pháp làm việc, lòng ham muốn mở ra những chân trời mới… đó là những đức tính của nhà khoa học, khác con người bảo thủ, không chỉ có ở trong giới viết lách. Oulipo do đó, có một cái gì tương tự với Bourbaki, một nhóm người muốn đem đến cho toán học một "nền tảng vững chãi", và từ đó, đẻ ra môn tân toán, vào thập niên 1930.

 Người ta thường chê thơ Đường luật quá gò bó, nhưng gò bó chính là một trong những đòi hỏi của nhóm Oulipo, theo như định nghĩa của họ: "Chúng tôi gọi văn chương tiềm năng, sự tìm kiếm những hình thức, những cấu trúc mới lạ, có thể được những nhà văn sử dụng theo kiểu họ thích." (Nous appelons littérature potentielle la recherche de formes, de structures nouvelles et qui pourront être utilisées par les écrivains de la facon qui leur plaira). Thách đố của nhóm: Cưỡng ép hệ thống - ở đây là ngôn ngữ - ra khỏi "chuyện thường ngày ở huyện", lề thói quen thuộc của nó. Hãy thử áp dụng "qui luật" này vào một hệ thống khác, một ý thức hệ khác, chẳng hạn…

 Hãy nghe Queneau, sáng lập viên của nhóm, nói về "hứng khởi" (inspiration): "Phải xác định một điều, rằng thi sĩ chẳng bao giờ ‘được’ gợi hứng… Anh ta chẳng bao giờ được gợi hứng, bởi vì anh ta không ngừng là chính nó: hứng khởi; bởi vì những quyền năng của thi ca luôn luôn sẵn sàng để anh ta sai khiến, sử dụng".

 Không phải những thành viên đều nhất trí về những "chân lý" của nhóm. Phản ứng trước những "qui luật khắt khe", Georges Perec lại chiều theo một cung cách thực hành thong dong, theo kiểu đường ta, ta cứ đi. Sự thực, đây là một toan tính mang tính hệ thống của ông, nhằm khuynh loát (motiver) những trói buộc của qui luật.

 Từ Oulipo ra Oupeinpo, hội họa tiềm năng, (peinture potentielle). Sinh nhật lần thứ 20 của nhóm là vào năm nay (thành lập ngày 12 tháng Chạp năm 1980). Ngày 14 tháng Sáu 1985: Ra mắt những tác phẩm đầu tiên của nhóm tại xưởng họa của Carelman, một thành viên. Tháng Tư 1991: Tuyển tập của nhóm, dưới nhan đề: "Hãy coi chừng hội họa tiềm năng!"… Trong bài viết "Hai mươi năm hội họa tiềm năng" trên cùng số báo trên, Thieri Foule vẽ lại con đường đã trải qua của nó, trường phái néo-minimalisme thay thế minimalisme, néo-kitsch tiếp nối kitsch, trans-avant-garde thay thế avant-garde, figuration libre thay thế cho figuration narrative (cho phép Jennifer tôi được để nguyên những thuật ngữ trên, vì chưa kiếm ra những từ tương đương trong tiếng Việt), rồi hội họa dở (bad painting) thay hội họa xấu (mauvais peinture): có thể coi những chủ nghĩa trên đây, như là những "bạo chúa" đang rong ruổi sợi xiềng buộc những bức tranh: những bức tranh của tự do, và của thực tại.

 Oupeinpo không phải là một chuyển động nghệ thuật (mouvement artistique). Đây là một "xưởng" (ouvroir), nơi con người "ouvre" (từ động từ "ouvrer": làm việc, tạo tác phẩm…). Sự thực, những tác phẩm mà những thành viên đang "làm việc" ở đó, chỉ là "những viển vông", hay dùng một từ đã một thời vang bóng, những viễn mơ: những thiết bị, cấu trúc, phương pháp, những bộ máy lý thuyết, những thủ tục, nguyên tắc, những thao tác theo nghĩa toán học, chiến lược, hoặc theo nghĩa giải phẫu…

 Liệu chúng ta có thể nhìn và đọc những thử nghiệm văn học của những thành viên nhóm "VHNT" theo nghĩa trên?

 Hội họa dở và hội họa bẩn

 Trên tờ Người Nữu Ước, số đề ngày 9 tháng Bẩy 2001, có bài viết của Peter Schjeldalhl, về cuộc triển lãm tranh của Picasso, tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật ở Montreal, Canada. "Picasso huê tình" mở ra ở Jeu de Paume, Paris, mùa đông năm ngoái. Chặng cuối là Museu Picasso, Barcelona. Không ghé Mỹ.

 Peter Schjeldahl viết, "cuộc trình diễn (a show) ‘Picasso huê tình’ (Picasso Érotique) sẽ đem đến cho bạn những ý nghĩ tươi mát về bậc thầy hội họa của thế kỷ 20. Và đây là một trong những ý nghĩ của tôi: tất cả những bức họa của Picasso đều dơ dáy (dirty). Chúng cắm rễ vào tính dâm (lust), và được nuôi dưỡng (cultivated) bằng niềm hân hoan thích thú. Chẳng mắc mớ gì đến tình yêu, may ra, có tí ti. Hãy quên điều gọi là "cuộc tình thơ mộng"! [Làm sao có chuyện "Làm sao tôi qua khỏi con trăng này?", How can I survive this romance?].

 Picasso tuyên bố, với ông, dục tính và nghệ thuật là một. Câu nói của ông làm cho chúng ta tin rằng, ông ta làm tình như làm nghệ thuật. Nghĩa là, cùng với sự táo bạo hống hách, và lòng kiêu hãnh hả hê, như nhau! ["Em đã biết tay anh chưa? (chửi tục)", như một nhân vật của Thanh Tâm Tuyền khoái chí la lên!]. Tác giả bài viết tưởng tượng, mỗi cái hôn của bậc thầy đều được ký tên Picasso. Rằng Picasso đang làm chuyện đó (sáng tạo) đấy!

 Theo tác giả bài viết, thật lầm lẫn khi chúng ta cho rằng thiên tài phải rắc rối (that genius must be complicated). Ngược lại. Thường nhân chúng ta dùng cả sinh lực vào chuyện sắp xếp những cái tôi tản mạn (fragmented selves) cho nó gọn gàng ngăn nắp, cho dễ làm ăn! Nhà bác học Albert Einstein cho biết, những lý thuyết của ông sinh ra từ những chuyện phóng đãng, của những hoạt động về "nhìn" và "cọ quậy" (fantasies of ‘visual’ and ‘muscular’ activities). Câu nói của ông làm Jennifer nhớ lại bài học tâm lý khi còn học trung học: Khoái lạc tăng cường cử động!

 Nhưng nhà bác học thêm vô: chỉ khi nào những phóng đãng nhìn và cọ quậy được thoả mãn và có thể được tái tạo (could be reproduced) theo như ước muốn, khi đó ông mới bắt đầu thực hiện bài toán [chứng minh những lý thuyết]. Hãy so sánh câu nói của Einstein với câu nói đao to búa lớn của Picasso: Tôi không tìm, chỉ kiếm thấy (that he – Picasso – never sought but only found).

 Và tác giả bài viết kết luận: Chúng ta không cần sống với Picasso, cám ơn Trời, nhưng chỉ có giải phẫu não mới có thể làm cho bậc thầy ngưng sống ở trong chúng ta. (We needn’t live with Picasso, thank goodness, but only brain surgery could stop him living in us).

 Mùa Ổi, Những Trái đắng Quá Khứ;

 Những Trái đắng Quá khứ; đó là nhận định của Margot Cohen/HANOI, trên tờ Viễn Đông Kinh Tế số đề ngày 12 tháng Bẩy 2001, về cuốn phim mới nhất của nhà đạo diễn người Việt, khi ông động tới những vết thương của giới trí thức dưới chế độ Cộng Sản.

 "Một người đàn ông nhón chân, cố nhìn qua bức tường toà nhà ngày xưa anh ta đã từng sống. Anh đưa mắt về phía cây ổi cha anh đã trồng ở trong vườn. Bây giờ, nó ở ngoài tầm tay của anh."

 Với xen mở ra cuốn phim, House of Guavas (Mùa Ổi), Đặng Nhật Minh, nhà đạo diễn 63 tuổi của Việt Nam mời khán thính giả nhập vào một giai đoạn lịch sử cho đến nay vẫn còn là một đề tài "tế nhị, nói về mặt chính trị". Khó mà có thể đồng tình, lại càng khó nói thẳng, đó là "thủ pháp" của nhà đạo diễn, khi dựng lại câu chuyện một gia đình thuộc thành phần trí thức, hấp thụ văn hóa Pháp, đã mất căn nhà của họ ở Hà Nội, khi xẩy ra vụ cải cách đất đai thuộc vùng đô thị, cao điểm của nó là vào khoảng từ 1959 tới 1960, tại miền bắc Việt Nam. Nhằm mục đích xóa đi sự phân biệt giai cấp trong xã hội, chiến dịch kể trên đã để lại cả một di sản, là những cuộc sống tan nát, và cùng với nó, vấn đề tư hữu, cho tới tận bây giờ. Đề tài của cuốn phim cho thấy đã có một sự chuyển hướng, thoát ra khỏi một cái di sản khác nữa, là phim hùng ca, thời đại của những người lính can trường và những dân làng hy sinh hết mình cho chiến tranh, và chiến thắng.

 Nhà cầm quyền đã để ra hai năm, chỉ để nghiên cứu và chấp nnhận kịch bản. Bây giờ, có vẻ như Mùa Ổi đang trên đường chinh phục cả thế giới. Trước mắt là Đại hội điện ảnh Cannes, chung quanh nó, là những quốc gia Âu Châu như Pháp, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, và cả Bắc Mỹ như Canada. Viễn ảnh một thị trường Mỹ cho cuốn phim đang được mở ra. Cách sử dụng hồi ức, và từ đó cho thấy sức chịu đựng của con người, của Đặng Nhật Minh, rất thấm thía, song song với một viễn ảnh thành công về thương mại của cuốn phim.

 Tuy nhiên, cho tới nay, chỉ một số ít người được coi cuốn phim, vì chưa được cho chiếu, ngay tại quê hương của nó. Nguyen Nhung Quynh, một nữ tài tử nổi tiếng ở Hà Nội nói: "Tôi chia sẻ hồi ức đó, và rất xúc động khi coi phim." Như những người khác, bà tin rằng, đã có sự dễ dãi (tolerance), từ phía nhà cầm quyền, khi cho phép dựng phim này. Theo bà, "Cuốn phim cho thấy, những nhà lãnh đạo ở Việt Nam muốn nói sự thực về những lỗi lầm mà họ đã phạm phải đối với giới trí thức." "Nếu kịch bản đưa ra cách đây năm hoặc mười năm, khó mà được chấp thuận".

 Theo tác giả bài viết trên tờ Viễn Đông Kinh Tế, ngay cả bây giờ, không phải bất cứ ai cũng được "cái may" như Đặng Nhật Minh, với cuốn phim mới nhất của ông. Tuy không bị coi là cái loa tuyên truyền cho nhà nước, nhà đạo diễn họ Đặng rất tin tưởng vào cái thế giới làm phim do nhà nước kiểm tra (enjoys solid-respect in Vietnams state-controlled film world). Với một nghề nghiệp trải dài trên ba thập niên, và với 9 cuốn phim, ông đã từng được tin cậy để dựng phim thuộc loại hùng ca về cuộc đời vị chủ tịch thứ nhất Hồ Chí Minh. Là con một vị y sĩ hấp thụ văn hóa Pháp ở Huế, vốn hoạt động trong lực lượng kháng chiến Cộng Sản, Minh được cho đi học tiếng Nga tại Moscow vào năm 1955. Khi trở về Hà Nội, ông làm công tác dịch những phụ đề tiếng Nga của lố phim nhập cảng từ Xô Viết. Tuy vào nghề một cách kỳ cục như thế, ông đã tiến tới vai trò đạo diễn, lúc đầu còn phải trung thành với những kịch bản của nhà nước, dần dần, ông đã có riêng cho mình một số đề tài. Với Mùa Ổi, là kinh nghiệm gia đình bên vợ, một trong số những gia đình đã gánh chịu mất mát đau khổ như trên.

 "Một xã hội văn minh là một xã hội biết kính trọng cõi riêng của từng con người, vì đây là một tài sản tinh thần chỉ thuộc về con người đó." (A civilized society is a society that respects private spiritual property", ngồi tại một cái bàn trong phòng bếp, ở Hà Nội, ông nói chuyện với tác giả bài viết. Qua đó, là niềm tin của ông, rằng hồi ức tập thể được nhà nước thừa nhận, không thể nhận chìm hồi ức cá thể. Tuy vậy, ông thừa nhận, chưa dám bạo tay khi dựng phim, "Tôi như đi trên dây", ông nói. Một số người cũng đã phê bình Mùa Ổi là quá dịu dàng, tình cảm, trước nỗi đau của những người được coi là tinh hoa của giới trí thức, trong những ngày đầu của chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng có những người khác nói, "Ông ta muốn phản ảnh thảm kịch của thế hệ ông ta, nhưng cuốn phim chỉ nửa vời", như tuyên bố của Dương Trung Quốc, tổng thư ký Hội Những Nhà Sử Học Việt Nam. Thí dụ, cuốn phim chỉ lờ mờ cho thấy, sự uất ức của rất nhiều cư dân Hà Nội đang cố đòi cho được những căn nhà ngày xưa của họ.

 Trở về Hà Nội, sau một chuyến "đi thực tế" tại Sydney, như là một thành viên trong đoàn quay phim Người Mỹ Trầm Lặng, một tác phẩm dựa theo cuốn tiểu thuyết gián điệp của nhà văn Anh Graham Green, khi được hỏi về những cuốn phim dư dả vốn liếng như vậy, cùng kinh nghiệm chuyến đi, ông trầm ngâm, "Tôi không thể học được gì, từ đó. Tôi chỉ mơ mộng." (I cannot learn anything from this. I can only dream". Nên nhớ, Mùa Ổi được hoàn thành, với lưng vốn 750 triệu đồng (52 ngàn đô la), cộng thêm chừng 116 ngàn, từ nguồn tài trợ của Pháp, và Thụy sĩ, để thực hiện những công việc hậu-sản xuất [thí dụ lồng tiếng nước ngoài, những sảo thuật điện ảnh khác nữa…].

 Nhân danh tất cả mọi người

 Nhà văn một thời lẫy lừng, vì sự phổ cập, vì tính bình dân; một khuôn mặt không dễ dàng có được, nhưng cũng thật quá thân quen; được ngợi ca thái quá, bởi những người "không chuyên" (wrong people). Và được khoan nhượng thái quá.

 Tính đặc thù, ở Gorky, là tuyệt đối. Nó đem đến cho ông, tiếng tăm, trước hết ở Nga, rồi ở cả thế giới; ông gìn giữ được nó, xuyên suốt thời gian đọa đầy kéo qua bốn thập kỷ hung bạo, tới cái chết của ông, vào năm 1936. Bốn thập kỷ, cùng với nó, là mớ gia sản thật đồ sộ, chính trị, văn hoá, văn học. Cho đến nay, chúng ta chẳng có gì, nếu nói về một nghiên cứu đầy đủ, nghiêm trọng, bằng tiếng Anh hay tiếng Nga, tác phẩm nghệ thuật của ông. Có những bài phê bình, những nghiên cứu tuyệt hảo, nhưng manh mún, ngắn gọn. Chân dung con sư tử của văn chương hiện thực, vẫn chưa hiện ra với tất cả những nét hào hùng, bi đát của nó: ngay cả cái chết của ông, như người ta được biết, là do lệnh của Staline.

 Lý do một phần, nằm ngay trong từ Gorky, có nghĩa là chua chát (bitter). Nó chỉ ra một tư nhân (private man), kẻ đã chọn cho mình một bút hiệu như thế; một tác giả, chỉ được tìm biết trong những gì được ông viết ra, và một truyền thuyết nối kết cả hai.

 Tên khai sinh của ông là Aleksei Maksimovich Peshkov, sinh năm 1868. Tác phẩm của ông xuất hiện vào những năm giữa thập kỷ 1890, tượng trưng cho một tầng lớp xã hội mới, cùng với nó là những thái độ, cách nhìn mới, về văn học. Đây là một con người thực sự vươn lên, từ đám đông, viết về họ, cho họ; khác hẳn những người khác đã từng viết: không có sự đứng trên nhìn xuống cảnh bùn lầy nước đọng, không có nỗi đau thương giùm, vốn là nỗi đau truyền thống của đám trí thức, khi viết về dân quê; kẻ thù ghét người dân quê, được miêu tả và thần thánh hóa bởi những tác giả, từ Turgenev, Tolstoy, tới Dostoevsky; một người tự học mang chất Nietzsche, đầy nghị lực, luôn nổi loạn, thật khó mà xếp loại.

 Như trên đã viết, truyền thuyết về ông, là nơi gặp gỡ, giữa con người - một cá nhân riêng tư - và một tác giả. Cả hai bổ sung, làm mạnh cho nhau. Điều quan trọng, theo Boris Eikhenbaum, một nhà nghiên cứu về ông: Gorky đã nhìn, hiểu, và làm được, cái điều trước đó, không một nhà văn Nga nào, đã nhìn thấy, đã hiểu, và có thể làm được. "Đằng sau những câu chuyện, ngay từ khởi thuỷ, đã có sẵn một truyền thuyết về đời ông." (Behind the stories, from the very beginning, lay the legend of his life).

 Để trở thành một nhà văn, ông "chính uỷ từ đám đông vô danh" còn làm được một điều gì, hơn cả một nhà văn - không phải nhà hiền giả, hay một nhà tiên tri, theo cách hiểu của những đàn anh nổi tiếng của ông, nhưng mà là một hiện tượng chưa từng thấy tại Nga, trước đó: một tiếng tăm, theo đúng nghĩa hiện đại của chúng ta. Đằng sau nó, là cả một đoàn phóng viên, ký giả. Đầu đường, góc phố, đâu đâu cũng thấy Gorky, ông còn có trên những chiếc hộp quẹt, những bao thuốc lá... Một Peshkov khiêm tốn đến trở thành nhút nhát, ngay cả điều này cũng nhập vào huyền thoại. Cộng thêm vào đó, một con người lao động cật lực, đọc cật lực, đọc đủ thứ, quan tâm đến tất cả mọi người. Một giai thoại: ông có thể viết 10,000 bức chân dung, của những con người khác nhau mà số phận run rủi cho ông được gặp.

 Đấy là tư nhân Peshkov; ngoài ra còn Gorky, người công nhân thất nghìệp lang thang suốt nước Nga, ký sự viên của đám đông nửa-thành thị; Gorky, bạn của Lênin; người quyên tiền cho Bolsheviks; Gorky đối thủ của chế độ Lênin non trẻ, thời kỳ 1917-18; Gorky, cứu tinh của những nhà văn, học giả Nga trong nội chiến; Gorky, kẻ bị khu trục, tống xuất, nhà văn với những câu chuyện xám xịt của những năm 1920; Gorky, người cha sáng lập văn chương Xô-viết, người phát minh dòng văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa. Gorky, người thống hối, kẻ nói lời cầu xin tha thứ, cho Gulag, cho thù hận giai cấp. Và sau cùng Gorky, tù nhân của Stalin, người có thể đã ra lệnh giết ông.

 Điều chúng ta còn thiếu ở đây, để vượt lên tất cả những mâu thuẫn, là một Gorky thực, the real Gorky. Có thể chúng ta sẽ thiếu mãi, điều đó. Một tiểu sử nghiêm trọng, cũng như một cuốn tiểu thuyết nghiêm trọng, phải là một câu chuyện đẩy tới hoài vọng, ước ao. Nó đòi hỏi, ở nơi nhân vật, sức căng thẳng, sự xung đột, bật ra từ hiện hữu tư nhân, song song với con người xã hội. Ở Gorky, chúng ta thiếu phần trên: Ông tìm đủ mọi cách để hạn chế những người viết về ông: họ chỉ có thể biết tính tình, cách cư xử của ông, nhưng không chứng tỏ được, do đâu mà có, và hậu quả của nó. Có thể mượn lời của Mandelstam, để giải thích: thời kỳ sau chiến tranh và cách mạng, những người Âu châu nói chung, và người Nga nói riêng, tiểu sử của họ bị khu trục, tống xuất, giống như những hòn bi lấy từ trong túi ra. Thay vì tiểu sử, chỉ có thể còn ký sự, hay truyền thuyết - những chuyện kể về một số phận - đây là cách thức độc nhất để hiểu cuộc đời khác thường, và nghiệp văn của Gorky.

 Tuyển tập những bức thư chọn lọc của Gorky, do Andrew Barratt và Barry P. Scherr dịch từ tiếng Nga (391 trang, nhà xb Oxford: Clarendon Press), trong có một lá thư gửi cho Tolstoy, tháng Tư 1889: Lev Nikolaevich! Tôi có gọi tới nhà ông, ở Iasnaia Poliana, và ở Moscow, nhưng được trả lời là ông bịnh và không tiếp khách. Tôi quyết định viết thư cho ông. Vấn đề là một số công nhân hỏa xa, trong có người viết thư này, muốn chọn nông nghiệp, và sống ở đồng quê. Nhưng lương chỉ chừng 30 rouble một tháng, cho nên số tiền dành dụm thật là nhỏ nhoi, không biết đến chừng nào mới có đủ số tiền cần thiết, cho một căn nhà nhỏ. Do đó, chúng tôi trông mong ở sự giúp đỡ của ông. Chúng tôi nghe nói ông có đất chưa được canh tác. Chúng tôi yêu cầu ông cho chúng tôi mẩu đất đó. Ngoài giúp đỡ về vật chất, còn về tinh thần, chỉ dẫn, để cho chúng tôi đạt được nguyện vọng. Chúng tôi cũng tin tưởng, ông sẽ không từ chối cho chúng tôi những ấn bản của Confessions, My Faith... những cuốn sách bị cấm bầy bán.

 Bức thư đầu tiên này, viết khi 21 tuổi, công nhân hỏa xa, ký tên Aleksei Peshkov, tận cùng bằng những từ: "nhân danh tất cả mọi người".

 
Đi

 "Du lịch không còn là một trò xa xỉ, và chưa chắc, là một cuộc du hí. Rất nhiều chuyến đi cần được thực hiện – để về nhà hoặc để bỏ chạy một kẻ thù, để làm việc, hoặc để tìm một nơi chốn nghỉ ngơi sau cùng, hay là bởi vì có một người nào đó bảo bạn đi. Số Xuân Granta này [Spring 2001], là về những chuyến đi như vậy. Bạn có thể gọi, những bài viết, về chuyện cần đi."

 Xin bạn đọc theo dõi chuyến đi của Yangdol, một cô gái nhỏ người Tây Tạng.

 
***

 Vào ngày 19 tháng Chạp, 1996, Deyang, một cô gái mười ba tuổi người Tây Tạng (tên cô có nghĩa là "Hạnh phúc êm đềm"), đã chết vì cháy nắng, khi vượt dẫy Hy Mã Lạp Sơn tới Nepal. Đó là lần vượt biên thứ ba của cô. Lần đầu, cô đã tới được biên giới Nepal. Một tuần lễ sau, một bé trai mười ba tuổi người Tây Tạng, đã chết tại bệnh viện Kathmandu, vì tay chân tê cóng, sau khi thực hiện cùng một chuyến đi như vậy. Vào tháng Một (November) 1998, công an biên phòng Trung Quốc đã bắn một bé trai mười lăm tuổi người Tây Tạng, khi cậu vượt biên giới, và sau đó chết vì những vết thương tại bệnh viện.

 Mỗi năm có chừng hơn 2.000 người Tây Tạng tới Nepal và Ấn độ xin tị nạn. Hầu như một nửa là trẻ em. Đa số đều một mình thực hiện chuyến đi, không có bố mẹ đi cùng. Các em chỉ trông cậy vào người dẫn đường, hoặc những người lớn cùng đi.

 Hàng ngàn trẻ em đã rời bỏ Tây Tạng theo con đường này, kể từ khi Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng vào thập niên 1950. Một khi tới Ấn Độ, các em được học trong những ngôi trường của người Tây Tạng, theo học vấn truyền thống, vốn đã được thay thế bằng "giáo dục yêu nước" ở quê nhà. (Ở Trung Quốc cũng áp dụng nền giáo dục yêu nước này, cho tới hết trung học).

 Xứ Tây Tạng tự do ở hải ngoại đặt thủ đô tại Dharamsala; văn phòng trung ương của Dalai Lama thứ mười bốn cũng đặt tại đây. Ngài đã từng thực hiện một chuyến đi như trên vào năm 1959. Chị/em của Ngài hiện lo điều hành một số trường học dành cho trẻ em Tây Tạng.

 Vào năm 1995, nhiếp ảnh viên người Thụy Sĩ, Manuel Mauer, đã bắt liên lạc với một người Tây Tạng toan tính đi bộ, vượt Hy Mã Lạp Sơn, cùng với cô con gái sáu tuổi. Ông đã đồng ý cho Bauer (một người chuyên leo núi) cùng đi.

 Dưới đây là những trích đoạn, từ nhật ký của Bauer.

 Ngày một: Tôi đang ngồi trong căn phòng một khách sạn ở Lhasa, vừa trở về đây từ một căn cứ quân sự Bayi của quân đội Trung Quốc tại vùng trung tâm Tây Tạng. Bayi có nghĩa là 1 tháng Tám, ngày quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc được thành lập, vào năm 1927. Cứ nhìn cái vẻ bề thế, dũng mãnh của căn cứ trên, là nhìn ra nỗi tuyệt vọng của người dân Tây Tạng, trong việc cố gắng giữ gìn căn cước quốc gia, ngay ở bên trong xứ sở của họ.

 Ngày ba: Tôi bắt liên lạc được với một người Tây Tạng, đang dự tính đưa bé gái sáu tuổi qua Ấn Độ sống lưu vong. Mong ước ôm ấp trong năm năm trời của tôi như vậy là có cơ hội thực hiện.

 Ngày bốn: Gặp gỡ lần đầu giữa tôi và Kelsang đã diễn ra tại một khu thương xá của người Trung Quốc tại Lhasa. Ông tính mua một đôi giầy cho chuyến đi. Đôi giầy là rất quan trọng, nếu không muốn bị tê cóng, có thể dẫn tới chuyện phải cưa chân khi tới bến an toàn.

 Ngày bẩy: Kelsang dẫn tôi tới gặp gia đình ông tại khu phố cổ của thành phố. Phố xá vắng hoe. Đồng hồ Lhasa vặn theo đồng hồ Trung Quốc, và người Trung Quốc có thói quen đi ngủ sớm. Vợ và bà má của ông đón tiếp tôi với chút nghi ngờ; một bé gái bưng khay trà mời khách. Đó là Yangdol. Những cử chỉ điệu bộ của cha mẹ cô, là để diễn tả, họ đặt mọi niềm tin cũng như hy vọng vào cô bé: như là người tiếp tục truyền thống gia đình và Tây Tạng, ở bên ngoài đất nước.

 Ngày chín: Tôi đóng vai một người chuyên môn bán đồ cổ. Kelsang là một người thợ mộc, và như thế chuyện tới lui nhà ông không gây nghi ngờ. Trung Quốc không muốn có một thái độ báo chí tiêu cực, về sự có mặt của họ tại Tây Tạng, thành thử mọi tiếp xúc với ký giả nước ngoài đều bị hạn chế tối đa. Mãi khuya, Kelsang gõ cửa phòng tôi. Ông có vẻ ngà ngà, và cho biết đã "dụ" được một viên chức cao cấp cấp cho ông và con gái một giấy di chuyển, cho phép đi hành hương ở Hồ Manasarovar. Tốn khá nhiều rượu, và tiền bạc, nhưng được việc. Riêng tôi cũng xoay được một giấy phép tới Kathmandu, đoạn đầu cuộc hàønh trình.

 Ngày mười: Chúng tôi rời Lhasa, ở thùng sau một chiếc xe tải. Tới đêm, tại trạm ngưng đầu tiên, chúng tôi được cho biết, nên chờ vài ngày hãy tiếp tục, vì thời tiết xấu. Yangdol và ông bố sử dụng mấy ngày rảnh rỗi bất ngờ vào việc cầu nguyện cho chuyến đi bình an, tại một tu viện gần đó. Còn tôi, lo tập dượt leo núi, bằng những ngọn đồi kế bên, và ngắm đàn kên kên vần vũ tại khu đất dành cho những người đã chết. Người Tây Tạng thường cắt những xác chết ra thành từng mảnh, để lộ thiên ngoài trời, để cho cái xác kia tự hoàn thành một kiếp người của nó, theo đúng luật lệ của thiên nhiên.

 Ngày mười lăm: Liên lạc độc nhất giữa tôi và Kelsang, là qua những dấu hiệu, trên lớp bụi khách sạn, cho biết ngày nào có thể tiếp tục cuộc hành trình. Mấy người ở trong khách sạn đã có vẻ nghi ngờ tôi.

 Ngày mười bẩy: Chuyến đi tiếp tục, bằng xe tải, tới chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Chúng tôi có thể nhìn thấy đỉnh Everest, và Cho Oyu, cao tám ngàn mét, từ phía xa.

 Ngày mười tám: Buổi sáng, chúng tôi đi nhờ xe tới một vùng cao nguyên rộng lớn. Khi đi qua một trại binh, chúng tôi quyết định đi bộ tiếp. Bộ dạng chúng tôi thật đáng nghi ngờ, và bất cứ một chiếc xe nhà dép nhà binh nào cũng có thể chặn bắt chúng tôi. Cứ mỗi lần nghe tiếng động, hoặc một vật di chuyển, là chúng tôi tìm kiếm chỗ ẩn núp. May mắn thay, thường là bò hoặc cừu. Chúng tôi lội qua những con sông đóng băng, lớp băng tan lách cách dưới chân. Tới chiều, chúng tôi ngừng tại một làng nhỏ. Ông trưởng làng tỏ ra rất bực bội, vì sự hiện diện của tôi, và ông giữ tất cả giấy phép di chuyển qua đêm, để kiểm tra. Chúng tôi trọ tại một nhà trong làng. Yangdol tìm cách đánh bạn với chú mèo.

 Ngày mười chín: Chúng tôi mướn một chiếc xe ngựa và người đánh xe, cho đoạn đèo đầu tiên. Tới một khúc, cầu gẫy, chúng tôi đành bỏ xe đi bộ vượt qua một khu vực sa mạc đá tảng. Chỉ cần bước hụt một bước, là đủ trẹo chân, chấm dứt cuộc hành trình. Phải vượt qua thật mau, bởi vì đây là khu lính biên phòng tuần tiễu nghiêm ngặt. Gió mạnh làm chúng tôi phải bò, nếu không muốn bị thổi bay đi. Tới chiều, tới một khu đất được bao bọc bởi những tảng đá lớn, như những bức tường chắn gió. Chúng tôi quyết định trải qua đêm tại đây, và tất cả chui vào trong chiếc lều một người dùng của tôi.

 Ngày hai mươi: Bữa nay thời tiết tốt, nhưng gió vẫn mạnh. Yangdol khá thiểu não so với ba ngày trước đó. Ở độ cao này, mỗi người phải uống ít nhất ba lít nước mỗi ngày, để tránh bị khô nước trong cơ thể. Nước trở thành vấn đề nghiêm trọng, cái lò nấu nước của tôi không hoạt động, do thiếu oxy, và những bị plastic đựng nước uống bị đông cứng. Tôi đã kỳ vọng vào một chuyến đi khá đông người, và được tổ chức chu đáo, nhưng bây giờ, chỉ có ba người, và chúng tôi phải nương tựa vào nhau, nêu muốn sống sót.

 Ngày hai mươi mốt: Sáng nay, Kelsang phải cõng Yangdol. Cô bé bị tê cóng. Gió cộng thêm tuyết làm hạn chế tầm nhìn, và như vậy có nghĩa chúng tôi phải di chuyển chậm chạp. Tới trưa, chúng tôi gặp con sông đóng băng đầu tiên, và mặt trời cũng vừa ló dạng. Yangdol đi bên cạnh ông bố. Ông đã thoa mỡ bò lên mặt cô bé, để tránh bị ánh nắng mặt trời làm cháy da. Không khí loãng thêm, và chúng tôi cứ phải ngưng lại để thở. Nhưng ít ra, gió cũng không đủ mạnh để thổi những cục tuyết vào trong mũi chúng tôi, gây nghẹt thở, và một số người tị nạn đã chết vì tình trạng này.

 Bất thình lình, chúng tôi nhìn thấy ba đốm đen từ trên đèo chuyển động dần xuống. Hoá ra là một nhóm buôn lậu, trên đường trở về từ Nepal. Kelsang hỏi họ về thời tiết phía trước. Họ nói, đừng lo, chúng tôi sẽ không gặp phải tình trạng thời tiết xấu.

 Sau cùng, khát nước, đói, chân tê cóng, chúng tôi tới được đỉnh khu đèo, và là khu vực biên giới với Nepal. Kelsang la lớn, "Lha Gyallo!", vào đợt gió lạnh băng. "Lha Gyallo"có nghĩa là "Vinh quang cho những vị thần". Ông trải một tấm khăn trắng lên trên những tảng đá được xếp thành một bàn thờ. Trước mặt chúng tôi là một sa mạc tuyết và băng. Trên đường xuống đèo, Yangdol trượt chân té lăn xuống, may mắn sao, thân thể cô được một miếng đất cao chặn lại. Chân cô hình như hơi bị trẹo, nhưng không chịu để cho bố cõng. Trời đổ tuyết vào lúc hoàng hôn. Sau cùng nhờ ngọn đèn pin, chúng tôi tới được một khu chuồng nuôi gia súc. Cơ thể cạn nước, mệt nhoài, và gần như mê sảng, chúng tôi cứ thế thiếp đi.

 Ngày hai mươi hai: Tôi thức giấc, thân thể tê cóng. Bên ngoài, tuyết ngưng rơi. Chúng tôi đào lỗ, và sau cùng cũng có được nước. Xế trưa, chúng tôi gặp một người chăn cừu và đứa con trai của ông. Ông cho biết, có đội tuần tiễu, ở làng ngay phía trước. Chúng tôi lần theo bờ một con sông, trong bóng tối. Bất thình lình, một ngọn đèn pha chiếu về phiá chúng tôi, cả đám nép sau một bức tường thấp. Chúng tôi gặp may, lính tuần chưa đi vào giờ này. Chúng tôi vượt con sông, kiếm chỗ ẩn núp trong đêm.

 Ngày hai mươi bốn: Chúng tôi thức dậy, cùng với mặt trời và đi qua một vùng rừng dầy đặc, nhắm một căn cứ du lịch dành cho những người thích lặn lội trong rừng. Chúng tôi ngưng tại một tu viện địa phương, và một vị nữ tu đã lo tắm rửa cho Yangdol, và coi cô bé có chấy rận không.

 Ngày hai mươi lăm: Khuỷu chân Yangdol bị đau, sưng phồng. Cô bé không thể nào đi bộ tới Kathmandu, và Kelsang quyết định dùng trực thăng. Bởi vì những người tị nạn không được quyền mua vé, tôi mua luôn cả ba tấm. Ngày mốt mới khởi hành, như vậy là có một ngày nghỉ.

 Ngày hai mươi sáu: Trở lại khách sạn, Kelsang gọi một chai uýt ky và mang lên phòng. Tôi tự hỏi, tại sao ông lại cần uống rượu đến như vậy. Tôi đi theo ông. Khi ông cởi giầy, mấy ngón chân của ông bị tê cóng, trở thành xám đen. Ông tính cưa, vì không thể nào chịu nổi cơn đau đớn kéo dài, và ngoài ra, chắc chắc sẽ bị nhiễm trùng. Tôi ôm ông trong tay, nước mắt và mồ hôi của ông dàn dụa trên mặt. Tôi khuyên ông hãy cố đợi tôi đi kiếm vài viên thuốc giảm đau. Dần dần ông dịu xuống, cố cưỡng lại ý nghĩ tự mình cưa những ngón chân.

 Ngày hai mươi bẩy: Phi cơ trực thăng sau cùng cũng tới, và một giờ sau, chúng tôi đặt chân xuống Kathmandu. Người Tây Tạng lưu vong đã thành lập được hạ tầng cơ sở dành cho những người tị nạn tại Nepal và Ấn Độ. Có những trung tâm tiếp nhận ở cả hai xứ sở kể trên. Ở đó, họ được chích ngừa, cấp phát giấy tờ, và tiền bạc, đủ cho một chuyến đi tới Dharamsala. Cao Uỷ Tị Nạn hỗ trợ những trung tâm tiếp nhận, và cấp giấy nhập Ấn Độ. Nhưng vẫn có rủi ro, đó là bị những viên chức Nepal đẩy trở lại biên giới Trung Quốc.

 Ngày ba mươi: Chúng tôi tới Delhi bằng xe buýt, trên đường tới Dharamsala. Xe chạt cứng thành thử trạm kiểm tra tại biên giới đã không kiểm tra giấy tờ từng người, kể cả tôi. Nhưng họ đánh thêm một thứ "lệ phí phụ trội", dành riêng cho những người nom có vẻ là dân Tây Tạng. Và những hành khách này không có cách nào hơn, là răm rắp đóng tiền. Có rất nhiều trạm kiểm tra như vậy, và trạm nào cũng đòi tiền lệ phí phụ trội. Cuối cùng cũng tới ngoại vi thành phố, nơi có trung tâm dành cho người tị nạn Tây Tạng. Cô bé Yangdol chưa quen với khí hậu đồng bằng sông Hằng, mặt mũi, da dẻ sưng phồng do độ ẩm, và những vết ruồi muỗi cắn.

 Ngày ba mươi mốt: Buổi sáng Kelsang và Yangdol được ghi danh lần nữa và cấp pháp tiền bạc cho chuyến đi tới Dharamsala. Chúng tôi tới đây, vào lúc sáng sớm, trời mưa tầm tã, và tới ngay Viện Trình Diễn Nghệ Thuật Tây Tạng, để yết kiến Đức Dalai Lama. Chúng tôi đứng xếp hàng, trong những bộ quần áo ướt sũng nước, và sau cùng cô bé Yangdol cũng đã được nhìn thấy Đức Phật Sống, bằng xương bằng thịt, trước mặt cô.

 Mấy ngày sau. Yangdol được học trong một trong những ngôi trường, do người chị/em của Đức Dalai Lama trông coi, nơi có chừng 2,500 trẻ em Tây Tạng theo học. Ở đó, các em được học tiếng Tây Tạng, tiếng Anh, tiếng Hindu, và thổ ngữ. Ngay sau khi cô bé được ổn định, người cha từ giã cô. Kể từ đó, Yangdol chưa gặp lại người cha. Tuy nhiên, sau đó ít lâu, cô bé khám phá ra rằng, mình có một bà cô hiện đang sống tại Ấn Độ. Người cô đón cô bé về nhà chơi, trong những dịp nghỉ học, và cũng ghé trường thăm cô.

 Kể từ năm 1995, hàng năm, nhiếp ảnh viên Bauer lại có được một dịp trở lại Dharamsala, thăm cô bé Yangdol. Ông biết những tiến bộ trong việc học, và đôi khi, chụp hình cô bé. Một khi học xong tại đây, như những trẻ em khác cùng học, cô sẽ có cơ hội được tiếp tục học, đặc biệt là tại Âu Châu, hoặc Hoa Kỳ. Sau đó nữa, sẽ có vài chọn lựa: hoặc làm việc ở hải ngoại, hoặc trở lại Ấn Độ, làm việc trong cơ cấu hành chánh thuộc quốc gia Tây Tạng tự do tại đây, và sau cùng là chọn lựa cam go nhất: trở lại Tây Tạng, làm việc giữa những đồng bào của mình.

 Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về Tây Tạng, qua địa chỉ: Mạng Thông Tin Tây Tạng http://www.tibetinfo.net

 Nguyễn Tuấn Anh dịch bài viết của Manuel Bauer, trên tạp chí Granta số Mùa Xuân 2001. Ông là nhiếp ảnh viên trước đây làm cho cơ quan nhiếp ảnh Thụy Sĩ. Từ đầu thập niên 1990, ông quan tâm tới xứ Tây Tạng, và những người dân sống lưu vong của đất nước này.

 Jennifer Tran