Góc Hà Nội
"Chó Bên Đường" của Milosz gồm những mẩu
chuyện về đủ thứ chuyện.
Có một mẩu, về một anh chàng nhà thơ da
đen ở Mỹ, làm một cuộc hành trình về đất mẹ.
-Vậy là anh đang ở Phi Châu, thấy sướng
chưa, hạnh phúc chưa?" Người ta hỏi anh.
-Chẳng có một mống da trắng khốn kiếp
nào, chỉ toàn da đen.
"Khốn khổ cho tôi", nhà thơ lẩm lẩm,
"tôi không
làm sao chịu nổi sự ngu si dốt nát của người da đen."
Sau rốt anh đành tự an ủi, rằng mình
thuộc về một bộ lạc cực kỳ thông minh ở Phi Châu.
***
Lần đầu tiên Gấu được mẹ cho ra thăm Hà
Nội, nó được bà cho ra chợ Đồng Xuân ăn bún chả. Cũng là lần đầu nó
được ăn bún chả. Nhớ hoài, nhớ đến già. Nhưng nhớ mãi, cái cảnh được
một thằng bé cũng trạc tuổi đứng quạt cho Gấu ăn. Vừa man mát, vừa
sương sướng, ngường ngượng. Rồi được ngồi xe xích lô, được ăn cây kem,
ăn hả, không dám đâu, không dám cắn, mà chỉ mút mút, vì lạnh quá! Về
già, đọc Trăm năm cô đơn của Garcia Marquez, ngay đoạn mở đầu, anh
chàng tử tội đứng trước pháp trường không nhớ
gì hết, mà chỉ nhớ tới cục nước đá lần đầu tiên được sờ... Chỉ tới lúc
đó,
kỷ niệm về cây kem mới thực sự sống lại cái định mệnh của nó, cùng với
định
mệnh của một thằng bé nhà quê may mắn được ra Hà Nội học.
Nhưng khi trở về làng quê, thằng bé
không nhớ
cây kem, không nhớ mẹt bún chả, mà cứ căng đầu vì một câu hỏi: Làm sao
cái
người đạp xích lô ở phía sau, có thể nhìn thấy đường phố, để đạp xe.
Thế
cái người khách ngồi ở đâu, ngồi như thế nào?
Thằng bé cứ hỏi hoài trí nhớ nhỏ nhoi
của nó,
về một hình ảnh cái xích lô "cấu trúc" của nó ra sao. Một lần lại được
ra
Hà Nội, nhìn anh chàng đạp xích lô ngồi ngất nghểu trên đầu khách, nó à
một tiếng, tự hỏi, tại sao dễ như thế mà không nghĩ ra!
Tại sao không nghĩ ra? Sau này, truy tới
cùng, nó nghĩ, thằng nhỏ nhà quê khi đó, không nghĩ được, thứ nhất: tại
sao cái thằng đạp xe, lại có quyền ngồi lên đầu lên cổ người khách? Thứ
hai: Ai là người thứ nhất nghĩ ra được cái cảnh đó? Và thứ ba: kẻ phát
minh ra đó, là một tên thực dân, hay là một kẻ nô lệ?
Nhìn từ góc độ "văn chương", liệu có cái
gọi là "sáng tạo" ở những kẻ không- tự do?
Tam Lang trong Tôi Kéo Xe, đã coi cái
xích lô là một bước tiến nhảy vọt, từ người kéo người, sang người đạp
người. Tiếc rằng trong tay lúc này, không có cuốn sách của ông để truy
nguyên, bằng
cách nào, và vào thời điểm nào, "kéo" thành "đạp"? Nhưng chắc cũng gian
nan lắm.
Nên nhớ, người phát minh ra máy hơi nước
bị nhân loại đập chết, vì sợ văn mình làm cho họ thất nghiệp. Nhân
loại-chủ cũng đâu có muốn nhân loại-tớ ngang hàng với mình?
Liệu người phát minh ra cái xe xích lô
có bị
đập chết hay không, là một câu hỏi thật lý thú, dành cho một nhà văn bí
đề
tài.
NQT