*
   
Tạp Ghi 
 




*

*

Bức hình trên thuộc về hành trang tị nạn của Gấu, cùng với bức hình Thượng tọa Thích Quảng Đức, gỡ ra từ một bức tường trong một căn phòng dành cho khách vãng lai tại ngôi chùa Long Vân Tự, tại Parksé, Lào, trong khi chờ qua sông Mekong, tìm đường vô trại tị nạn.

Gầu vẫn cứ nghĩ, Gấu có nó, từ một Quán Đen ở Vạn Tượng. Mãi sau này, coi lại, thấy đề năm 1993, lúc đó mới biết, lấy từ thư viện Pháp ở trong trại Panat Nikhom, Thái Lan.

Kẻ Xa Lạ là một trong những bài viết được đọc nhiều nhất của Tin Văn
*
Kertesz
Đồng Vọng cho Hồn Thiêng Lò Thiêu
Đọc Kertesz
Diễn Văn Nobel
Trang Kertesz

J'ai subi un deuxième choc littéraire en 1957, quand « L'étranger », d'Albert Camus, a été traduit en hongrois. Pour moi, c'était une révélation décisive qui m'a radicalement influencé dans mes choix..
[Tôi bị cú sốc văn chương thứ nhì khi Kẻ Xa Lạ được dịch qua tiếng Hung, vào năm 1957. Đây đúng là một cú mặc khải ảnh hưởng tới sự chọn lựa của tôi]

Bữa nay mẹ tôi mất



Kẻ Xa Lạ của nhà văn Pháp Albert Camus, thuật câu chuyện anh chàng Meursault, được tin mẹ mất (Bữa nay mẹ tôi mất. Có thể bữa qua, tôi không biết. Tôi nhận được điện tín từ nhà dưỡng lão...), đi đám tang, trở lại sở làm, đi chơi với em và giết người tại bãi biển. Hỏi động cơ giết người, hỏi tại sao bắn thêm bốn phát nữa vào cái thân thể đã bất động, anh trả lời, tại mặt trời (à cause du soleil). Vẫn mặt trời ngày chôn mẹ. Tất cả được kể bằng một giọng văn đều đều, như muốn gạt bỏ mọi tình cảm, mọi phản ứng, trước bất cứ một "vụ việc". Một thứ văn chương "trung tính" (neutre), "một cách viết trắng", như Roland Barthes đã từng đọc Camus trong Không Độ Của Cách Viết. Tại sao một câu chuyện như thế lại quyến rũ không biết bao nhiêu thế hệ độc giả, nhất là đúng vào tuổi mới lớn?

Với họ, đây là một thứ sách-thờ (le livre culte), và tác giả của nó, "đẹp như Bogart, lái xe như James Dean, điếu thuốc lá luôn gắn trên miệng" (và chỉ bị lấy bỏ, trên con tem tưởng niệm ông!): Một kẻ dẫn đường, một bậc thầy đạo đức của thế hệ.

Của nhiều thế hệ?

***

"Tôi sinh ở Bạc Liêu năm 1958 trong một gia đình có tập quán đối nghịch, là mẹ Nam, lấy việc làm thay lời nói, và bố Bắc, gần như ngược lại, lấy lời nói thay việc làm. Tôi không khớp với người Nam bởi một ít máu Bắc, và cũng không trùng với người Bắc bởi một phần tính Nam. Tôi là sản phẩm méo mó của cái quan hệ nhùng nhằng đó. Nó ảnh hưởng nhiều đến cách nghĩ và thái độ của tôi. Tôi hiện sống ở Sài Gòn, và đã in hai tập thơ: Đêm Mặt Trời Mọc (1990) và Khí Hậu Đồ Vật (1997).


Tôi bị gọi nhập ngũ năm 1979, và có hai năm đứng trong hàng ngũ đi dép râu, đội nón cối và bắn vài loạt AK, nhưng cũng may chưa ra trận. Tôi nghĩ, nếu đánh nhau, tôi dễ trở thành một tù binh, hoặc một hàng binh, hoặc là người bị bắn đầu tiên. Không lâm trận nhưng cũng bị hai vết thẹo: một vết loét trong dạ dày vì đói và ăn bậy, một vết thẹo trong tâm lý, do bị dồn nén từ áp lực của một tập thể luôn bị bơm căng. Trong hai năm đó, tôi nhận ra tính hiếu chiến gần như bản năng tiềm ẩn trong con người Việt Nam, và điều đó làm tôi hoảng sợ hơn những cuộc đọ súng tưởng tượng với Pôn Pốt. Nhưng cũng may, nhờ loét dạ dày tôi được giải ngũ sớm.
&


Kẻ Xa Lạ, Thời Của Kẻ Giết Người, Zarathrustra Đã Nói Như Thế, là những cuốn sách không chỉ in những dấu ấn, nó còn là cây búa đập vỡ tôi ra. Kẻ Xa Lạ, Lê Thanh Hoàng Dân dịch của Camus, đọc lần đầu năm 1974, nó đã tác dụng đến tôi như một trận hỏa, thiêu rụi mọi cái ảo trong trí tưởng về sự hiện hữu của con người, và thay vào đó, là cái trơ trọi cứ lớn dần trong cảm thức. Khi còn là sinh viên, tôi vẫn đọc nó, bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại, và cả về sau, tôi tin, tư tưởng của Camus trong Kẻ Xa Lạ là nền tảng đạo đức không xa lạ nữa với mỗi người. Thời Của Kẻ Giết Người, Phạm Công Thiện dịch của Henry Miller viết về Rimbaud, đối với tôi lúc đó, hơn bất luận một giáo trình tâm lý và mỹ học nào, nó là tấm gương soi cho những kẻ đồng căn nhận ra tính nguyên sơ của cái đẹp thấu thị, và tính chất đó chỉ đạt đến trong ý thức nổi loạn. Zarathrustra Đã Nói Như Thế, Trần Xuân Kiêm dịch của Nietzsche, giáng vào tôi một khoái cảm điếng người của sự đứt đoạn, sự lìa bỏ, và sự vượt lên. Nó lắp đặt cho ý thức một cỗ máy tinh xảo để lọc mọi thứ cặn trong truyền thống cảm xúc ẩm thải ra từ đời sống và từ văn chương. Những cuốn sách đó đã thiết kế ý thức cá nhân của tôi đề kháng lại cái môi trường bán khai của qyyền lực tập thể, luôn thấy trong cá tính mối nguy hiểm cho sự an toàn tạm bợ của nó. Ngoài ra, sự không tưởng về kinh tế, chuyên chế về chính trị ở Việt nam sau chiến tranh đã gây ra những tai biến, những xung đột, những xáo trộn khắc nghiệt trong tâm lý, nên những hình ảnh kỳ dị, những ý tưởng đột ngột trong những câu thơ, kiểu: súng lục có tóc trắng, ruột gan của đá, không khí là một rễ cây, đá là cây của những đám mây... tức thì nhập vào tôi như một cơn gió độc; và thi pháp thơ siêu thực, mặc nhiên biến thành hơi thở, máu thịt, và làm nên phần chính yếu trong ý thức nghệ thuật của tôi. Vào thời đó, sách dịch từ Liên Xô độc chiếm trong các tiệm sách, và hầu hết những cuốn sách đều mặc đồng phục..."

Nguyễn Quốc Chánh

(Trích phỏng vấn, do Đinh Linh thực hiện, đăng lại trên diễn đàn Talawas)

***

Tôi đọc Kẻ Xa Lạ, hình như là vào năm 1958 thì phải, và cơn chấn động do nó gây nên đánh bật tôi ra khỏi giảng đường Đại Học Khoa Học, Sài Gòn.

1974, Nguyễn Quốc Chánh đọc nó, cũng tại thành phố Sài Gòn của tôi, và như ông cho biết, nó đã tác động tới ông như một trận hỏa...

Hai người đọc cùng một cuốn sách, trước và sau một cuộc chiến, và gần như cùng bị chấn động như nhau. Có vẻ như cuốn sách chẳng cần một thời gian, một biến cố lịch sử nào để mà biện minh. Có vẻ như nó mãi mãi thuộc về một thời mới lớn, như tác giả của nó, khi viết nó: "Camus ư? Đây là một tấm hình của ông. Một khuôn mặt đẹp, trầm trọng, một cái nhìn buồn bã, và dịu dàng của người thức đêm, trông chừng những cơn mộng của thời mới lớn...".

Và đây là câu văn mở đầu của một cuốn tiểu thuyết sẽ mãi mãi làm ngỡ ngàng những người trẻ tuổi:

"Bữa nay mẹ tôi mất" (Aujourd’hui maman est morte).

· · ·
*

Camus rất mê câu thơ của Rilke:

Ở đâu có nguy hiểm, ở đó có cứu rỗi. (Là où croit le danger, croit aussi ce qui sauve).

Như thể ông đã nhìn ra, sau Lò Thiêu, vẫn còn có cứu rỗi?

Và đó là giá mà Âu Châu phải trả để có được giải phóng, và sau đó, tự do?

Nhưng như một nhà phê bình Pháp, Bernard-Henry Lévy, trên tạp chí Le Point (số đặc biệt về Camus, tháng Tám 1993) đã nhìn ra ở ông: Càng ngày Camus càng muốn đảo ngược câu thơ của Rilke:

Ở đâu có hòa bình, ở đó có hiểm nguy. (Là où vient la paix, croit aussi le temps des dangers).

Liệu có thể áp dụng hai câu thơ trên, cho hai độc giả của Kẻ Xa Lạ, một trước, và một sau, cuộc chiến Việt Nam?

· · ·

Nguyễn Quốc Chánh viết, "Khi còn là sinh viên, tôi vẫn đọc nó, bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại, và cả về sau, tôi tin, tư tưởng của Camus trong Kẻ Xa Lạ là nền tảng đạo đức không xa lạ nữa với mỗi người". Chúng ta tự hỏi, đâu là nền tảng đạo đức của Camus?


Trong một bài viết trên tờ Le Point, là lộ trình của Camus, "Từ Alger tới Paris, từ thập niên 30 tới ngày 4 tháng Giêng 1960 – ngày ông tử nạn xe hơi – Camus đi theo những biến động của thời cuộc. Ông cảm thấy thất vọng, thương tổn, và do đó, thật gần gũi."

Kẻ xa lạ, Camus, đến từ mặt trời Địa Trung Hải, đã thất vọng, lần đầu gặp Paris, và khám phá vẻ nham nhở, xám xịt, mưa, những người gác cổng, và những vụ tự tử vô danh trong những căn phòng khách sạn, như trong Sổ Tay của ông, vào năm 1940, khi định cư tại đây: "Đọc Paris Buổi Chiều và cảm thấy trái tim của thành phố ê hề trên những trang báo, cái tính đê tiện của một cô thợ khâu.... Nó [Paris] thì thối rữa. Sướt mướt, mỹ miều, vui lòng khách đến, chốn ẩn trú nhớm nhúa, nơi con người phải cố mà sống trong một thành phố quá tàn bạo đối với nó."

Cảm giác đầu tiên và cũng là cuối cùng: Chẳng bao giờ ông có được một từ dịu dàng với thành phố đó. Ông cảm thấy lạc lõng, xốn xang. Đây là một con người khốn khổ vì hoài nghi, vì nghĩ rằng mình vô ích, vô tích sự, và chỉ cảm thấy dịu đi một phần nào, bằng những câu vắn ngắn thật sáng sủa, chỉ để tố cáo sự bất công của cõi người.

Sự thực, ông ở đâu đó, không ở chỗ đó: Paris. Ngay cả khi đã nổi tiếng, sau khi Kẻ Xa Lạ xuất bản, vào năm 1942, chẳng có một câu nào trong Sổ Tay nói lên niềm vui của ông, mà chỉ là niềm kinh hoàng (effroi). Ông bị chấn động bởi nỗi khốn cùng, mà ông chứng kiến, khi đi đi về về trên xe lửa, từ Saint-Étienne tới Chambon-sur-Lignon, nơi ông phải tới để chữa trị chứng lao phổi.


Và Camus viết về đạo đức:

"Tôi đã cố gắng bằng tất cả sức lực của tôi, biết rất rõ những yếu đuối của mình, để trở thành một con người của đạo đức. Đạo đức, chính nó, giết. (La Morale tue).


Vào thời cực thịnh của Camus tại miền nam Việt Nam, trên tờ Sáng Tạo của nhóm, Thanh Tâm Tuyền đã coi Camus muốn làm một kẻ "juste", đứng ở lưng chừng trời, ngó xuống thế gian... và kết luận: cái chết của Camus đã nhốt chặt ông vào quá khứ.

Khi gọi Camus là một "juste", Thanh Tâm Tuyền gợi đến kịch phẩm "Những người công chính" (Les Justes) của Camus, (bản tiếng Anh dịch là Những Tên Sát Nhân Chính Trực, The Just Assassins); người viết đọc, vẫn những ngày đầu, thời mới lớn, trong một thành phố Sài Gòn đang còn thanh bình, và chỉ còn nhớ mài mại, đây là về một tay khủng bố không chịu ra tay khủng bố, chỉ vì có những đứa trẻ tại hiện trường.

"Cái chết đã nhốt chặt ông vào quá khứ." Khi viết những dòng này, Thanh Tâm Tuyền có vẻ như vẫn còn tin tưởng, về một cuộc chiến bắt buộc phải chấp nhận, cho dù chẳng hề có huyền thoại Malraux, huyền thoại Lawrence d’Arabie, huyền thoại Rimbaud, và chẳng thể nào ngông cuồng (hay hèn nhát) bỏ chạy. Cuộc chiến phải chấp nhận. Tôi không thể giết người, nhưng "tôi có thể tự tử" (Bếp Lửa). Từ "có thể" của nhân vật Tâm, đến "tự tử" của Trí trong Cát Lầy, tới cái chết lãng xẹt của Kiệt trong Một Chủ Nhật Khác... đã nhốt chặt những nhân vật của Thanh Tâm Tuyền trong quá khứ - cuộc chiến Việt Nam, tuy vào thời điểm đó, nó chưa chấm dứt.

[Độc giả có thể nhận ra, sự liện hệ giữa những tên nhân vật: Tâm, Trí, Kiệt. Tâm là của Bếp Lửa, của thành phố Hà Nội những ngày 1954. Trí là của miền nam, của Cát Lầy. Trong một lần trò chuyện với người viết, khi được hỏi, tác giả xác nhận, khi đặt tên cho nhân vật Trí, ông có liên tưởng tới kẻ giết hụt ông Diệm trên cao nguyên Ban Mê Thuật năm nào. Trong Một Chủ Nhật Khác, nhân vật chính đã từng giải thích tên cúng cơm của mình, cho một nhân viên bưu điện tại thành phố cao nguyên Đà Lạt: "Đúng buổi sáng ngày Kiệt bị quật ngã, chàng mới có quyết định đánh bức điện tín cho Oanh. Chàng dội mưa chạy đến Bưu Điện. Cơn sốt đã bập bùng bên lỗ tai như tiếng sấm. Chàng viết bức điện tín, tay run như đuôi con thằn lằn đứt. Chàng viết, chàng nhớ đúng như in chàng đã nói: S.O.S. Au secours. Bớ người ta, cứu tôi với. Kiệt. Kiệt có nghĩa là hết sạch, chẳng còn gì...". Kiệt sau bị lính tuẫn tiễu bắn chết, vì lầm là Cộng Quân..].

Giống như Meursault, những nhân vật của Thanh Tâm Tuyền, một khi từ chối một cuộc chiến phải chấp nhận, họ đã "không có một căn cước xác định": Anh ta (Meursault) luôn luôn là anh ta và là một kẻ khác. Trong một bài tựa, Thanh Tâm Tuyền cho biết, đã từng để lên đầu bản thảo cuốn Bếp Lửa, câu của Rimbaud: Tôi là kẻ khác, nhưng sau gạch bỏ, khi đưa xuất bản. "Đi ra ngoài ấy [ra bưng, theo kháng chiến] thì cũng là một thứ đánh đĩ." [Bếp Lửa], nhưng ở lại thì cũng... không được!

Liệu phải đợi đến khi cuộc chiến chấm dứt, rồi cuộc bỏ chạy tán loạn ra biển, rồi ngục tù, trại cải tạo - cả với người miền bắc thí dụ như một Nguyễn Chí Thiện trước, và sau, một Bùi Ngọc Tấn.... - nhân vật tiểu thuyết Việt Nam mới dần dần định hình: một tù nhân vì lương tâm, một kẻ lang thang, lưu vong, quê mẹ hay không quê mẹ?

Kể từ lúc, "Bữa nay mẹ mất"?

Lạ một điều, nếu coi Mặt Trời Địa Trung Hải là một "bếp lửa" của Camus, chúng ta sẽ nhận ra tính anh em giữa hai "kẻ xa lạ", giữa Meursault trong Kẻ Xa Lạ, và Tâm trong Bếp Lửa. Meursault: Mer-Sol: Mer et Soleil, Biển và Mặt Trời; Tâm: Tim, Bếp Lửa, Cái Lạnh của một miền đất, của một thành phố, và Cái Nóng của một miền đất khác... Trong một bài tựa, Thanh Tâm Tuyền cho biết, ông cứ loay hoay hì hục viết lại Bếp Lửa, cho dù trong lần tái bản, 17 năm sau đó. Và đây cũng là số phận của Kẻ Xa Lạ, "một tuyệt tác, không thể nào làm lại, hay bắt chước, giống như một thứ tủ sắt đựng nữ trang mà chiếc chìa khóa lại ở bên trong..."

Cái Lạnh, Cái Nóng.... nhưng Biển, phải đợi đến sau 1975 mới xuất hiện, và vẽ nên nhân vật tiểu thuyết Việt Nam?

Camus viết về Kẻ Xa Lạ.

Vào năm 1954, một người Đức đã gửi thư cho Camus, đề nghị và xin phép đưa Kẻ Xa Lạ lên sân khấu. Sau đây là lá thư trả lời của Camus (lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc trưng bầy "Những câu chuyện về một cuốn sách: ‘Kẻ Xa Lạ’ của Albert Camus". 1990).

Paris, ngày 8 tháng Chín, 1954

"Ông thân mến,

... Ông hẳn cũng đoán ra được, dự án của ông làm tôi phân vân. Đã hai mươi năm tôi quan tâm tới kịch nghệ, từ đủ thứ khía cạnh của nó (tôi đã từng là diễn viên, và là nhà đạo diễn), và tôi biết rằng, thứ ánh sáng còn sống, còn tươi (cru) là ánh đèn chói lòa ở sàn quay, thật khác xa cái thứ ánh sáng được tính toán thật chi ly mà người ta đưa vào trong một cuốn tiểu thuyết. Trước ánh sáng chói chang đó, một nhân vật, cho dù đứng thẳng ở trong một câu chuyện kể, có thể ngã lăn đùng ra. Nhưng lá thư của ông, và của M. Deblue làm cho tôi thật muốn lao vào cuộc phiêu lưu này. Và do kinh nghiệm, tôi biết rằng, chỉ sự tương kính giữa hai cá nhân mới là đảm bảo số một, khi quyết định cộng tác. Và tôi đồng ý để ông thực hiện dự án đưa tiểu thuyết Kẻ Xa Lạ thành kịch trình diễn...

Được đấy, ông bạn ạ, cái dự án của ông. Chỉ có hai điểm xuyết nho nhỏ:

1. [Khán giả mà] không được coi cái xen giết người thì thật là bực mình lắm đấy. Bởi vì đây là trái tim [centre: trung tâm] của câu chuyện. Đây là một cú giết người có mặt trời ở trong đó. Mặt trời ở đây là trung tâm mà thảm kịch xoay quanh. Và thảm kịch sáng chói lên nhờ ánh sáng mặt trời chiếu vào nó. Theo tôi, đây là điều làm cho nó khác với một câu chuyện u tối, và thoát tục [désincarné: mất xác phàm; có xác phàm thì mới có chuyện giết người], theo kiểu của Kafka. Ông sẽ nói, khó lắm đấy, nếu trình diễn được như thế. Tôi trả lời: Đúng như vậy. Khó lắm đấy. Hãy cố mà tìm tòi, và một khi vớ được, vở kịch của ông mới nguyên xi biết bao; ấy là tôi muốn nói, cái chất sáng tạo của kẻ đạo diễn.

2. Cái xen độc thoại kết thúc màn thứ sáu, theo tôi, là bất khả thực hiện. Trên sân khấu độc thoại chỉ đi được với những cử chỉ, động tác (ấy là với những diễn viên số một). Thực hiện theo cách của ông, như ở xen đó, sẽ trở thành "lên lớp, giảng mo-ran", nghĩa là rất kịch cợm, tôi muốn nói, giả tạo.

... Nói ngắn gọn, tôi muốn làm sao tránh xa khỏi kiểu đua đòi Kafka, và chủ nghĩa biểu hiện (expressionnisme). "Kẻ Xa Lạ" không hiện thực mà cũng không kỳ quái (fantastique). Với tôi, đây là một thứ huyền thoại nhập thể (incarné: nhập xác phàm), không lơ mơ mà bám cứng lấy cõi người ta, tới tận da, tận xương, tận tủy. Và tới tận cùng của hơi nóng ngày ngày. Người ta muốn coi đấy là một kiểu cọ mới của vô đạo đức (immoraliste). Vậy là lầm to. Cái đập vào mặt chúng ta ở đây, không phải là đạo đức, mà là thế giới của vụ án, nó trưởng giả, nó quốc xã, nó cộng sản, nói tóm gọn, đây chính là vết lở lói đương thời.

Riêng với anh chàng Meursault, có chút hướng thượng ở anh ta, và đó là từ chối, tới chết: nói dối.... Meursault không ở phía những ông tòa, lề luật xã hội, những tình cảm ước lệ, đóng hộp. Anh ta có đó, như hòn sỏi, như ngọn gió, như biển cả, dưới mặt trời. Và cũng như sỏi đá, chúng có thể biết đau, nhưng không thể nói dối, chẳng bao giờ nói dối.... Nếu ông đọc cuốn sách theo kiểu tôi vừa đề nghị, ông sẽ nhận ra một thứ đạo đức của sự chân thành, và một niềm vui, vừa tiếu lâm vừa bi thảm, về cõi đời. Chính những điều này làm nó thoát ra khỏi vẻ u tối, biểu hiện, hay là thứ ánh sáng của sự tuyệt vọng....

Thân ái...

Albert Camus.

****

Nhưng "juste", ở đây theo tôi, còn muốn nhắc tới huyền thoại về một con người công chính tiềm ẩn (the myth of the hidden just man) của dân tộc Do-thái. Đây là một huyền thoại được nhiều nhà văn sử dụng, như là một biểu tượng để nói về phận người, (nhất là phận người Do Thái, trong thế kỷ của Lò Thiêu), thí dụ như trong truyện ngắn Cây Vĩ Cầm (Rothschild's Fiddle) của Chekhov (đã giới thiệu trên Văn Học Nghệ Thuật trên lưới do Phạm Chi Lan chủ biên, Việt Báo online, và trên Hợp Lưu). Hoặc trong cuốn tiểu thuyết "Người Công Chính Cuối Cùng", (của André Schwarz-Bart, đã được giải thưởng văn chương Pháp Goncourt năm 1959), theo đó, thế giới ngự trị trên 36 kẻ công chính. Kẻ công chính, le juste, hay "lamed-waf", người què gánh tội (waf: with all faults). Tuy là "những cội rễ nhà trời" (les racines du ciel, chữ của Romain Gary), nhưng bề ngoài, họ chẳng khác gì những con người bình thường. Giữa họ, cũng chẳng thể nhận ra nhau. Nhưng chỉ cần một, trong số 36 kẻ công chính thiếu đi, là nỗi đau khổ của con người làm độc ngay cả đến tâm hồn của những trẻ thơ, và nhân loại nghẹt thở vì tiếng khóc bi thương này. Bởi vì "lamed-waf" là trái tim của thế gian, nơi mọi đau khổ đều đổ xuống đó. Như thể nhân loại có bao nhiêu khổ đau, là có bấy nhiêu truyền thuyết về "người què gánh tội", bởi vì sự hiện diện của họ là ở khắp nơi. Vào thế kỷ thứ 7, những người Do Thái thuộc vùng Andalousie, Tây Ban Nha, đã sùng bái một khối đá mang hình giọt nước mắt, mà theo họ đây là linh hồn của một "lamed-waf". [Liệu chúng ta có thể hiểu huyền thoại hòn vọng phu, như là giọt nước mắt, linh hồn người đàn bà suốt chiều dài dựng nước của dân tộc?]. Và khi một kẻ công chính vô danh về trời, trái tim của người đó giá lạnh đến nỗi Thượng Đế phải ấp ủ một ngàn năm trong lòng bàn tay của Người, để sưởi ấm cho nó. Và như người ta được biết, hầu hết trong số họ, trái tim chẳng làm sao ấm lại được nữa. Thượng Đế cũng chịu thua. Và Người thỉnh thoảng lại phải vặn nhanh lên ‘một phút’ chiếc đồng hồ báo Cuộc Phán Xét Cuối Cùng.


Camus đã từng chịu ảnh hưởng của Simone Weil. Quan điểm đạo đức cũng như chính trị của ông vẫn bị coi là ngây thơ, giản đơn, nhưng chưa bị coi là khùng, như Weil. Nhưng đối với một số người, thí dụ như George Steiner, Weil là một vị thánh: Saint Simone – Simone Weil.


"Ông ta [Camus] nói những điều quá giản dị, quá độ lượng, quá tổng quát", như cách giải thích cuốn Kẻ Xa Lạ của một nhà phê bình Pháp, Bernard Pingaud. Nhìn theo cách này, chúng ta có thể hiểu tại sao một kẻ đứng ở lưng chừng trời, [Sartre cũng đã từng gọi Camus như vậy: Bạn không ở phía bên phải, bạn ở trên trời, Vous n’êtes pas à droite, Camus, vous êtes en l’air, ấy là chưa kể những từ như, tên du thủ du thực miệt vườn (nguyên văn: tên côn đồ đến từ Alger - trích trong Thế kỷ của Sartre, của Bernard-Henry Lévi], cuối cùng lại đáng yêu hơn là những kẻ cố chọn cho mình một thái độ, hoặc tả hoặc hữu. [Camus đã gia nhập đảng Cộng Sản rất sớm, và cũng rất sớm, từ bỏ Đảng].


Liệu chúng ta có thể coi Camus là người công chính cuối cùng của... loài người?


NQT