- Bi kịch Mỹ da đen: Đời và Thời
của Richard Wright.
Theo thần thoại, nhân loại
có lửa là nhờ Prometheus ăn cắp từ mặt trời. Tương tự Prômêtê, R.
Wright ăn cắp chữ, từ da
trắng. Nói một cách khác, chẳng có một tác phẩm nào nói lên được cái
sức mạnh của dòng kể văn học Mỹ gốc Phi Châu, cho tới khi Richard
Wright cho
xuất bản "Những Đứa Trẻ của Chú Tom" (1938), gồm bốn câu
chuyện dài về bạo động mầu da ở Miền Nam nước Mỹ
Trong một đoạn văn mang tính
tự thuật, và được sử dụng làm lời tựa cho lần xuất bản năm 1940,
tác giả kể lại, bằng cách nào ông ăn cắp chữ của người da trắng. Đó
là vào năm 1927, là một đứa trẻ 18 tuổi, ông tìm được can đảm, để hỏi
một người da trắng ở nơi ông làm việc, nếu có thể, xin ông cho phép
thằng
nhỏ đa đen này sử dụng thẻ thư viện của ông. Là một tín đồ Catô thuộc
dòng
Protestant tại Miền Nam, người đàn ông có thể đã có cảm tình với một
đứa
trẻ da đen muốn thăm viếng thư viện công cộng. Tuy được "võ trang" bằng
cái thẻ thư viện, nhưng để cho chắc ăn, Wright cài thêm một dòng chữ:
"Làm ơn cho thằng bé da đen này có những cuốn sách sau đây," rồi ký tên
người đàn ông da trắng.
Những câu chuyện về nô lệ,
chắc là Wright chưa hề được biết tới; những người nô lệ, cho dù có
biết đọc biết viết chút chút, chắc gì đã biết đến Prometheus; tuy
nhiên, như nô lệ da đen chạy trốn tìm tự do, cậu bé Wright tiến vào thư
viện, tìm kiếm tự do, trốn đâu đó ở trong những con chữ.
Được cổ võ bởi những độc giả,
‘quá xúc động khi đọc cuốn sách’, thí dụ như Eleanor Roosevelt, Wright
quyết định, phải sản xuất thêm một tác phẩm, làm độc giả của nó ‘chỉ
có thể tìm được niềm an ủi bằng những giọt nước mắt’. Đó là ‘Native
Son’ (Thằng bé bản địa, 1940). Tiếp theo, là một tiểu luận về câu
chuyện
người da đen ở Mỹ, "Mười hai triệu tiếng nói da đen" (1941); một tự
thuật,
"Black Boy" (1945): tác phẩm sau cùng khi còn ở Mỹ.
"Đời và Thời của Wright",
(tác giả Hazel Rowkey, nhà xb Henry Holt, 626 trang, $35.00), thuật
lại cuộc đời Wright. Trốn khỏi Miền Nam, trước tiên tới Chicago, sau
New York, và sau cùng là Paris năm 1947, và mất ở đây năm 1960, thọ
52 tuổi. Tuy ở Paris, nhưng chủ nghĩa McCarthy vẫn không buông tha và
làm cho những năm cuối đời của ông thật cực nhọc, tuy nhiên ông viết
thêm được ba cuốn tiểu thuyết, Kẻ bên lề (The Outsider, 1953), Ngày
nghỉ dữ dằn (The Savage Holiday, 1954), Giấc mộng dài (The Long Dream,
1958), bốn tác phẩm về du lịch và về chủ nghĩa thực dân thuộc địa Quyền
lực đen
(Black Power, 1954), Bức màn mầu (1955), Tây ban nha ngoại đạo (1956),
và
Da trắng, hãy lắng nghe! (1957). Một tuyển tập truyện ngắn, Tám người
đàn
ông, 1961, được xuất bản sau khi ông mất.
Như Bigger Thomas, nhân vật chính
của
cuốn tiểu thuyết Native Son của Wright, ‘Bigger thấy mình ở
trong
nhà tù, Wright thấy mình ở trong Đảng CS’, Darryl Pincknery, trong bài
điểm
cuốn Đời và Thời của Wright, đã nhận định như vậy, và theo ông,
có
thể có những điều chúng ta mong ông ta đừng viết ra. Nhưng đây cũng là
điều
mà Sartre nhận định về Wright trong "Văn chương là cái gì?" (1949):
"Đôi
khi thật tai hại cho một xã hội, khi nó bắt đầu tự ý thức về nó".
Vẫn là cơn đau trưởng thành. Tuy
nhiên,
như Alfred Kazin nhận định về Wright: một người quá sức thành thật về
thời
đại của mình, quá sức thành thực về những nỗi đau khổ mà người da đen
đã
phải chịu đựng, có lẽ chúng ta phải mượn lời cay đắng của Cioran, để
giải
thích số phận nghiệt ngã của những người da đen, trước và sau "hai" nhà
tù
(như Bigger thấy mình ở trong nhà tù, Wright thấy mình ở trong Đảng
Cộng
Sản): Có một vài xứ sở sướng điên lên vì được chúc phúc, sờ tới đâu là
thành
công tới đấy, kể luôn cả những nỗi bất hạnh, những thảm họa của họ;
trong
khi có những xứ sở khốn nạn chẳng làm sao mà khấm khá lên được, ngay cả
thành
công của họ cũng chỉ là thất bại. Khi họ muốn tự xác định, muốn nhẩy
lên
một bước, số phận nghiệt ngã từ bên ngoài bèn ra tay, bẻ gẫy nỗ lực của
họ,
và cột cổ họ vào điểm khởi đầu."
(Trích dẫn bởi Tony Judt trong
bài viết về xứ Romania "Romania:
Bottom of the Heap", mà
ông coi ở dưới đáy của cái mớ hỗn độn những xứ sở Âu Châu, là đủ mọi
vấn đề như kinh tế, mức
thu nhập, tuổi thọ… trên tờ Điểm sách Nữu Ước, NYRB, số đề ngày 1 tháng
11, 2001. Sau đây là câu tiếng Anh dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, của
Cioran, trong bài viết "Một lý thuyết nho nhỏ về Số mệnh", được in
trong "La tentation d’Exister" (Dụ sống): "Some countries are blessed
with a sort of grace: everything works for them, even their misfortunes
and their catastrophes. There are others for whom nothing succeeds and
whose very triumphs are but failures. When they try to assert
themselves and
take a step forward, some external fate intervenes to break their
momentum
and return them to their starting point."
- Cha già dân tộc
Cha già dân tộc ở đây là Adenauer.
Dân
tộc, dân Đức sau Lò Thiêu. Một nước Đức mới. Và đó là tựa đề cuốn sách
của
Charles Williams, "Adenauer: The Father of the New Germany" (nhà xb
Wiley,
584 trang $35.00). Dưới đây là tóm tắt bài điểm cuốn sách trên, của
Gordon
A. Craig, trên tờ NYRB số đề ngày 1 tháng 11, 2001.
Mùa thu năm 1944, Konrad Adenauer
bị
Gestapo bắt giữ vì bị tình nghi dính vào vụ gài bom tính làm thịt
Hitler.
Ông bị đưa đến nhà tù ở Brauweiler. Sau khi bị lột hết quần áo, và bị
tịch
thu những vật dụng dính vào người như thắt lưng, dây giầy, dao nhíp,
ông
bị tống vào một phòng giam chật hẹp không có hệ thống sưởi ấm; viên cai
tù,
chắc là cám cảnh cho thân phận ông, và cũng sợ rắc rối, đã ân cần căn
dặn:
Bẩy mươi tuổi đầu, sắp xuống lỗ rồi, đừng bầy đặt tự tử, chỉ làm khổ
thằng
này thôi.
Ở vào hoàn cảnh như trên,
một câu khuyên như vậy là hợp tình hợp cảnh. Có điều, cả người khuyên
lẫn người được khuyên, đều không ngờ, quãng đời còn lại của người
tù già được "ông Trời" trao cho một trách nhiệm lớn lao: hai mươi năm
trời tiếp theo sau, Adenauer, khi được giao chức vụ chancelor (thủ
tướng), đã đưa đất nước vượt qua nỗi đau, và cũng là nỗi nhục, như là
di sản
của chế độ Nazi, và cùng với nó, Lò Thiêu, biến đổi nước Đức, từ kẻ thù
bại trận thành đồng minh đáng kính trọng.
Theo Craig, nhan đề cuốn tiểu
sử về ông, Người cha sáng lập nước Đức mới, thật xứng đáng đối với
Adenauer. Williams, tác giả cuốn tiểu sử nói trên, viết, Adenauer
sử sự trước đám đông như một nhà độc tài, nhưng thêm vô, trách nhiệm mà
ông ôm lấy, trên toàn thể, đã được hoàn tất.
Konrad Adenauer sinh tại Cologne
vào tháng Giêng năm 1876, là con trai thứ ba, cha phục vụ 15 năm trong
quân đội Phổ, được huy chương dũng cảm tại Koniggrat, rồi cố
gắng vượt lên, trở thành viên chức cao cấp ngành tòa án trong chính
quyền Phổ. Con cái trưởng thành qua một giáo dục rất nghiêm và rất
ngoan đạo (Catô giáo), đây là nguồn gốc sự tự tin của Konrad ngay từ
những
năm mới lớn. Học luật tại Freiburg, ra trường và kiếm được việc làm
(junior
prosecutor) tại một văn phòng nhà nước tại Cologne, vào năm 1902.
Cùng năm đó, ông gặp Emma
Weyer, thuộc một gia đình giầu có, và hai năm sau, hai người thành
hôn. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng người chồng ngày càng cảm
thấy không được thoải mái, với vai trò luật sư lương lậu có phần khiêm
tốn của mình. Nhờ ảnh hưởng gia đình bên vợ, một phần, và nhờ tài tranh
cãi nơi pháp đình, ông được đắc cử vào chức vụ hội đồng thành phố, mặc
dù chẳng có một chút kinh nghiệm chính trị. Ông bỏ hết nghị lực vào
công
việc, và vào năm 1909, khi chức bí thư thứ nhất của thị trưởng trống
chỗ,
đảng Center Party đẩy ông ra nắm lấy.
Thời gian này, nước Đức đang
trên đà lao vào cuộc chiến. Khi phải nhìn lại, ông nói, "… cuộc chiến
1914-18… là ‘thành quả’ của sự ngu xuẩn, của tất cả mọi người".
Williams rõ ràng cho rằng,
Adenauer đã không hiểu Hitler, và luôn luôn coi chủ nghĩa cộng sản
là một đe dọa thực sự cho một nước Đức như là ông tin tưởng. Đúng ra là
vào tháng Chạp năm 1932, những ngày cuối cùng của chế độ Cộng hòa
Weimar, ông viết thư cho người cầm đầu Center Party, cho rằng, giải
pháp khẩn yếu, đó là coi việc gia nhập của Quốc xã vào chính quyền
Reich [được] giải quyết theo đường hướng tích cực (positive sense).
Nhưng cho dù nguyên nhân nào chăng nữa, tình huống ngày một vuột khỏi
tầm nhìn của ông. Một khi Hitler lên cầm quyền, bản chất dã man của
những chính
sách của ông ta tự nó lộ ra, và Adenauer thấy rằng, để tránh nguy hiểm,
càng
thu mình lại chừng nào tốt chừng đó. Ông cũng tránh không liên lạc với
lực
lượng kháng chiến. Khi Carl Goerdeler, cựu thị trưởng Leipzig, và là
nhân
vật then chốt trong âm mưu chống lại Hitler muốn nhận ông vào nhóm, ông
đã từ chối gặp. Tuy nhiên, chắc chắn tên của ông đã nằm trong một danh
sách
đen, của một người nào đó, và ông bị Gestapo bắt hai lần, một vào năm
1935,
và lần sau vào năm 1944, khi xẩy ra vụ gài bom.
Rõ ràng là, trong khi thu
mình lại, ông đã mơ tưởng tương lai một nước Đức sau Hitler. Tuyệt
vời, là đoạn Williams mô tả Adenauer miệt mài với hai tác phẩm "Rerum
Novarum" và "Quaragesimo Anno", trong đó xác định đường hướng, thái
độ của Nhà Thờ La Mã khi phải ứng xử với những vấn đề hàng ngày mang
tính xã hội và chính trị. Willimas viết, Adenauer đã tìm kiếm một trụ
cột mang tính lý thuyết và quyền thế, làm cơ sở cho những chính sách
chính
trị mang tính thực hành, trong tương lai. Thật rõ rệt, trong những năm
chiến tranh do Hitler gây nên, ông đã suy tư hoài về một tương lai nước
Đức, tương lai đó sẽ chẳng mắc mớ gì tới những điều ghê rợn đang trải
ra
trước mắt ông, và ông là người đầu tiên nhận ra rằng nước Đức tương lai
phải được cai trị bởi nhiều nguyên lý (principles), và chính sách khác
nhau,
không như trong quá khứ.
Ngay khi lực lượng thắng trận
cho phép đảng phái chính trị hoạt động ở Tây Đức, mặc dù tuổi đã cao,
Adenauer lao vào chính trường. Tuy thoạt đầu ngần ngại, lực lượng đồng
minh đã chọn ông, thay vì người cầm đầu đảng Xã hội Dân chủ (SPD:
Social
Democratic Party), Kurt Schumacher, một người can đảm nhưng giáo điều.
Đối với Adenauer, quan trọng là tạo được liên minh giữa Hiệp hội Kytô
Dân chủ, (CDU: Christian Democratic Union), tức Đảng của ông, với Hiệp
hội Kytô Xã hội (Christian Social Union) bảo thủ hơn. Liên minh đã
thắng
cuộc bầu cử hạ viện năm 1949, và khả năng trở thành thủ tướng đối với
ông
đã bắt đầu ló dạng.
Những năm đầu trong chức vụ
thủ tướng, ông giao kinh tế cho đồng sự Ludwig Erhard, với ông này,
kế hoạch thị trường tự do (free market) đã có những thành công đầu
tiên; còn Adenauer chú tâm vào ngoại giao. Ngay từ khởi đầu, nó đã mang
tính cách mạng, bởi vì ông tin tưởng, cựu lục địa Âu Châu với những
quốc gia của nó đã hết còn đáp ứng những nhu cầu và hy vọng của thế
hệ hậu chiến, và chẳng thể còn những quyền lực lớn lao ở Âu Châu, theo
nghĩa cũ của từ này. Mục tiêu của ông là một Tây Âu hợp nhất
(integration), và trong lần viếng thăm Hoa Kỳ vào năm 1953, ông nói rõ
ra điều này trong bữa ăn trưa tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia: Mỗi thời
đại có riêng những nhiệm vụ của nó. Tại Âu Châu, ý kiến của bất cứ một
cá nhân hiểu biết
nào, đều chỉ ra một điều, một ngày nào đó, sẽ có một Hiệp Chúng Quốc
của
Âu Châu. Không ai hiểu rõ điều này hơn là những người trẻ tuổi của lục
địa chúng tôi."
Hy vọng một Âu Châu hợp nhất
đã gặp một cú dội, vào năm 1954, khi Quốc hội Pháp từ chối chấp thuận
Cộng đồng Phòng thủ Âu Châu (The European Defence Community). Trong
một cuộc nói chuyện bị ký giả báo Der Spiegel nghe lén, ông tỏ ra lo
sợ, chuyện nước Pháp rẫy ra sẽ đưa tới hậu quả, là sự sống lại chủ
nghĩa quốc gia và trọng binh tại Đức. Nhưng Anh và Mỹ đã thuyết phục
Pháp bằng lòng cho Đức gia nhập Nato, như là một thành viên với đầy đủ
quyền hạn
của nó. Đây là một thắng lợi ngoại giao quá sức lớn lao. Một tờ báo ở
Thụy Sĩ đã cho rằng, không thể tưởng tượng được, về những thành quả như
vậy, nếu nhìn lại một nước Đức vào năm 1949, và cũng không thể ngờ được
chuyện, Adenauer đã lèo lái đất nước trở thành một quốc gia theo đồng
minh. Nhưng rất nhiều người Đức lại tỏ ra lo ngại, điều này càng làm
cho chuyện thống nhất nước Đức tỏ ra xa vời nếu không muốn nói là không
tưởng.
Trong một cuộc thảo luận nhằm
phê chuẩn hiệp ước Nato, Audenauer đã thuyết phục những người chỉ
trích ông, rằng một chính sách về sức mạnh dựa trên tái vũ trang và
liên kết Tây Phương, sau cùng sẽ khiến cho Liên Xô nhận ra sự thực, là
việc thống nhất nước Đức là không thể tránh được. Viễn mơ đấy, nhưng
không phải không có cơ sở. Khi tới Moscow vào năm 1955, ông nhận thấy
nước chủ nhà tỏ ra khinh khỉnh khi ông cố gắng nêu ra vấn đề. Nhằm
thuyết phục Liên Xô bảo đảm việc thả mười ngàn tù nhân chiến tranh vẫn
bị cầm
giữ tại đây, Adenauer đã đồng ý ký một thỏa ước tái lập liên lạc ngoại
giao giữa Liên Bang Đức với Liên Xô, một thỏa ước làm đồng minh "bực
mình",
bởi vì nó có thể đưa tới hệ quả là thừa nhận Cộng Hòa Dân Chủ Đức.
Lo sợ của đồng minh trở nên
hiển hiện khi xẩy ra cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, và cuộc nổi
dậy tại Hung vào năm 1956, những sự kiện trên cho thấy, những thế
lực Tây Phương tỏ ra bất lực, không có hiệu quả. Liên Xô nắm lấy cơ hội
này, và vào tháng Mười Một năm 1958, Nikita Khruchchev gửi một tối
hậu thư cho London, Paris và Washington, cho biết, chính sách bốn quyền
lực chia nhau kiểm soát Berlin đã hết thời và một chính sách mới phải
đưa
ra trong vòng 6 tháng, nếu không Liên Xô sẽ xé lẻ, ký hiệp ước với Cộng
Hòa Dân Chủ Đức. Tối hậu thư gây khủng hoảng kéo dài tới 1962, và đây
là
giai đoạn Adenauer ở vào những phút vinh nhục nhất trong cuộc đời chính
trị của ông. Ông tỏ ra không tin cậy tất cả những đồng minh, và sự mất
tin
tưởng này thường không dựa trên những chứng liệu có cơ sở. Ông tin chắc
ngoại trưởng Dulles của Mỹ, trong những ngày cuối cùng của mình, đã
muốn
một cuộc chiến tranh nguyên tử. Rằng thủ tướng Anh, Macmillan, là một
"thằng
ngu đần", chỉ khoái được Liên Xô nịnh bợ. Rằng tổng thống Kennedy, mà
ông
gọi là "điểm gặp gỡ giữa một tên hải quân bé con và một gã hướng đạo
sinh
Catô La mã", đã giấu không thông báo cho ông biết những cuộc trao đổi
với
Liên Xô. Cuối cùng chỉ còn trông cậy được vào tướng de Gaulle, vào
tháng giêng năm 1963 ông ký một hiệp ước với nhà lãnh đạo nước Pháp, mà
ông coi là người bảo đảm cho tương lai của Âu Châu.
Sự kiện không mất Berlin vào
thời kỳ này phụ thuộc vào những yếu tố phức tạp. Một trong số đó,
là de Gaulle từ chối ký kết hoặc thỏa thuận, dưới sức ép của tối hậu
thư. Nhờ vậy mà đồng minh đã không đi đến quyết định đành nhả Berlin
cho phe đỏ. Nhưng phần nhiều là do những hành động của Khruschev: bỏ
hội nghị thượng đỉnh vào năm 1960, một cuộc họp chắc là sẽ đem đến cho
ông hầu hết những gì mà ông đòi hỏi về Berlin, trong đó bao gồm việc
kiểm soát Berlin sẽ thuộc về Đông Đức; quyết định chiếm một nửa bằng
cách dựng Bức Tường vào tháng Tám 1961, và lầm lẫn tiếp theo sau, khi
từ bỏ chiến lược nhắm vào Đức và lao vào cuộc phiêu lưu hỏa tiễn tại
Cuba.
Tuy nhiên, vai trò của Adenauer không phải không quan trọng, nếu nói về
những yếu tố quyết định. Ông tiếp tục góp phần vào việc kiểm soát Tây
Bá
Linh, do khăng khăng chống lại những kế hoạch nhằm thỏa hiệp với Liên
Xô,
vẽ chi li những giải pháp của riêng ông, tuy thật khó thực hiện nhưng
nhằm
kéo dài thời gian, luôn cả sự đe dọa, nếu tình hình trở nên quá sức tồi
tệ, ông sẽ xé lẻ nói chuyện thẳng với Khruschev, cho đồng minh ra rìa…
đã khiến mấy ông bạn phát hoảng!
Trong thời gian đó, ông tiếp
tục làm mưa làm gió trên chính trường trong nước. Cuộc bầu cử toàn
quốc vào năm 1957 còn thành công lớn lao hơn so với năm 1953. Nhờ kinh
tế phát triển, tăng 7% mỗi năm, nhờ kế hoạch sửa đổi hưu bổng cho người
già, trong 87% người đi bầu, liên minh của ông (CDU/CSU) chiếm 50.2%.
Chưa
từng có một độc đảng chiếm được số phiếu cao như vậy, trong lịch sử bầu
cử tại Đức. Và tác giả cuốn tiểu sử về ông, Williams, viết: Vào tuổi
81,
Adenauer là vị hoàng đế không vương miện của nước Đức. Nhưng đây là
chiến thắng cuối cùng của ông.
Sự kiện, ông coi như chẳng
có gì xẩy ra, khi Bức Tường "ô nhục" được dựng lên, đã gây bất mãn
trong dân chúng, trong khi đối thủ của ông là Willy Brandt đã đích
thân tới Berlin to tiếng phản đối. Những tấn công mang tính cá nhân của
ông vào Brandt cũng gây ra những hậu quả đáng tiếc. Và trong cuộc bầu
cử vào năm 1961, ngay sau khi bức tường được dựng lên, số phiếu dồn cho
đảng của ông xuống dốc thê thảm, mất quyền kiểm soát đa số. Những sự
kiện
tiếp theo sau đó càng làm ông mất uy tín, và sau cùng đảng đã chọn
người
thay ông, là Ludwig Erhard.
- Thiên Đàng và Bệnh Than
Chuyện khoa học giả tưởng,
loài người đã từng đổ bộ lên một hành tinh có sinh vật. Đoàn quân
viễn chinh của "chúng ta", do những yếu tố bất ngờ, hoặc do vũ khí
tối tân, mặc tình sát hại "địch quân", và chiếm trọn được hành tinh
trên. Sau đó, họ cứ thế nằm xuống, và hiểu ra được một sự thực thê
thảm: cái
chết chính là một truyền nhiễm ghê gớm nhất tại hành tinh này. Hãy thử
tưởng tượng hành tinh đó là… Thiên Đàng! Và chỉ cần một con người bị
giết là Thiên Đàng bị tiêu diệt!
Trong một bài viết trên một
tờ báo hàng ngày ở Bắc Mỹ, tác giả đưa ra một lời khuyên, hãy tạm
quên trong giây lát những gì bạn đọc, hay nhìn thấy, hoặc nghe nói về
bệnh than, và hãy nhớ điều này: những con người ở Bắc Mỹ, như bạn,
đã được chúc phúc, vì chưa có, hoặc chỉ có chút chút kinh nghiệm về
những
bệnh truyền nhiễm. Chưa từng gặp cái cảnh tượng như Camus mô tả: Có một
lần một trận dịch đã đóng chặt mọi cánh cửa của một thành phố, làm cho
nó cách biệt hẳn với hơi ấm của đời sống, vốn là nguồn của lãng quên.
Ký ức con người vốn làm việc
theo kiểu này: quên! Chính vì vậy những môn như sử ký, hay văn chương
được "bịa đặt" ra để giúp cho con người: nhớ!
Chữ [giúp con người] nhớ. Nó khiển
trách
con người khi lạm dụng trò xa xỉ: quên. Nó suy tưởng. Nó căn dặn, dậy
bảo
[con người]. Rằng, hệ thống miễn nhiễm không phải là cái áo giáp tuyệt
hảo
đâu. Thoạt kỳ thuỷ, có những mầm, những phôi, những bào tử. Sự sống bắt
đầu
từ đó. Và cái chết cũng bắt đầu từ đó.
Hãy bắt đầu bằng Kinh Thánh. Kinh
Thánh
ghi nhận bệnh dịch (pestilence) "lâu lâu" lại viếng thăm con người. Bốn
Chàng
Kỵ Mã (Lời của Chúa, Chiến Tranh, Nạn Đói, và Bệnh Dịch, hay là Thần
Chết)
cứ thế mà xào nấu lịch sử, với những đề tài quen thuộc, cũ mòn,
như cách mạng, hạn hán, lũ lụt, mùa màng thất thu… Trong số đó, những
chiến công của chàng kỵ mã thứ tư (Bệnh Dịch), là hiển hách nhất!
Lịch sử cho biết, trước khi
Kha Luân Bố kiếm ra Mỹ Châu, dân số ở đây đông đảo lắm. Nhưng người
Âu Châu xuất hiện, và mang theo cùng với họ những mầm bệnh như đậu
mùa. Thế là thổ dân cứ thế mà nằm xuống, vì trong người chưa có miễn
dịch với bệnh trên.
Vào thế kỷ thứ 14, nhà thơ người Ý
Giovanni
Boccaccio quan sát phản ứng kỳ cục của những người chung quanh ông, khi
xẩy
ra bệnh dịch. Theo ông, họ chia thành bốn nhóm: Nhóm thứ nhất, sống
riêng
ra, và ăn uống ngon lành. Nhóm thứ nhì, chẳng thèm nhắc tới bệnh dịch.
Nhóm
thứ ba, uống như hũ chìm, ca hát ỏm tỏi. Nhóm thứ tư, thu gom đồ đạc,
và
chuồn. Bệnh dịch, nói theo khía cạnh tâm lý, đã chẳng ảnh hưởng gì tới
nhà
thơ. Và đây là trận dịch đã tiêu diệt ba phần tư dân chúng (chừng 30
triệu
người), làm tan hoang đế quốc Hồi giáo, và tiêu huỷ luôn chế độ phong
kiến.
Bệnh dịch luôn luôn đóng vai
một tên khủng bố dân chủ (a democratic terrorist) với vũ khí tuyệt
hảo của nó: bất ngờ, lặng lẽ vô nhà bạn, mà chẳng cần thông báo!
Một người khách không bình thường (no ordinary visitor), giống như
một tên trộm ban đêm. Nhưng nó có một trợ thủ khủng khiếp vô cùng: sự
sợ hãi. Trong Dịch Hạch, của Camus, khi Thần Chết Đen viếng thăm một
ngôi làng ở Algeria, nó nuốt tất cả, bất cứ cái gì cựa quậy, và lẽ dĩ
nhiên, cùng với nó: hơi ấm của sự sống. "Chẳng còn những số phận cá
nhân. Chỉ
còn một số phận tập thể, do Thần Chết ban phát, và những cảm xúc do nó
mà có, và được chia sẻ bởi tất cả cái tập thể có cùng chung một số mệnh
đó."
Nhưng văn chương dậy con người
điều gì, trước bệnh dịch?
Đại khái, là những điều này: một
niềm
tin vào Thượng Đế. Một cảm quan về bi kịch, như là số phận của con
người.
Và một trân trọng, dành cho tình yêu.
"Từ ngữ giải phóng chúng ta khỏi
gánh
nặng và nỗi đau làm người là: tình yêu."
Hay nói như Camus: "Có trốn lên
trời,
khi có bệnh dịch. Chúng ta phải chọn, hoặc yêu thương, hoặc thù hận:
Thượng
Đế."
(There is no escape in a time
of plague. We must choose to either love or hate God).
- Nói thêm về Nobel 2001.
Năm
2001 cũng là kỷ niệm lần thứ 100 giải thưởng Nobel văn chương. Naipaul,
người thắng giải, trả lời báo chí khi nghe tin được giải, rằng, đã ngỡ
mình ra rìa. Tuy sinh ra
và lớn lên ở Trinidad, ông hiện nay là công dân của Vương Quốc Anh. Xứ
sở này chắc là sẽ rất vui mừng chia sẻ niềm vinh quang với vùng
đảo Caribbean. Naipaul là người Anh đầu tiên được giải, nếu tính từ
William Golding (Nobel 1983). Nhưng sự tình lại không phải như vậy.
Trung
Quốc, năm ngoái, đã tỏ ra hết sức giận dữ, khi người Pháp gốc Trung
Quốc
là Cao Hành Kiện, một nhà văn lưu vong đoạt giải Nobel. Nhưng ít ra,
nhà
nước cũng đã chính thức lên tiếng, cho dù là để tố cáo, Nobel bị chính
trị
hoá. Năm nay, nhà nước Anh vờ luôn chuyện công dân của họ đoạt giải,
theo
như tờ TLS, số đề ngày 19 tháng 10, 2001.
Tòa
soạn báo nói trên đã gọi điện thoại tới Dinh Thủ Tướng, Phòng Báo
Chí (The Downing Street Press Office), để hỏi thăm Ngài Thủ Tướng
có bình luận gì không về giải thưởng.
-Như
chúng tôi được biết, thì chưa nghe Ngài nói gì hết. Giải thưởng
công bố khi nào vậy?
Nhân
viên trả lời điện thoại hứa kiểm tra và gọi lại tòa báo, nhưng
vờ luôn. Tòa soạn quay qua Bộ Văn Hóa, Thông Tin, và Thể Thao. Và
sau đây là nội dung cuộc đàm thoại:
-Đây
là báo TLS. Chúng tôi gọi điện thoại là về chuyện nhà văn V.S.
Naipaul được giải thưởng Nobel văn chương.
Ngưng
một lát.
-Xin
giữ máy…. Chắc là ông đang nói về giải thưởng [của Anh] The Booker?
-Không.
Giải Nobel văn chương.
-Right.
Xin giữ máy.
Ngưng
thật lâu.
-Thường
thì chúng tôi không đưa ra những lời bình luận về những giải thưởng như
vậy.
-Nhưng
đây là giải thưởng văn chương cao quí nhất trên thế giới, và đây là lần
đầu tiên người Anh được giải kể từ 18 năm nay.
-Như
vậy, theo như cảm nghĩ của tôi, ngài bộ trưởng thể nào cũng đưa
ra lời bình luận…
Bà
ta hứa sẽ theo dõi, và hiển nhiên đã cho chìm xuồng luôn.
Cách
đây chừng trên một năm, Naipaul đã phóng ra một đợt tấn công (launched
an attack) nhắm ngay chính phủ của ngài thủ tướng Blair, "cái chính
quyền chán mớ đời" (this appalling Governement: Chính quyền kinh khiếp
này). Ông chỉ trích tính "phàm phu tục tử" (philistine), "hạ lưu" của
nó, đưa tới "một nền văn hóa tâng bốc chính nó, ta là một thứ văn hóa
hạ
lưư". Và nhà nước Anh đã không thèm lên tiếng.
Tờ
báo TLS tự trả lời: có thể sự im lặng lần này, là một đáp ứng muộn
màng của nhà nước Anh, trước cuộc tấn công trước đây của Naipaul.
Trong
một kỳ tới, người viết sẽ trở lại với dòng văn chương viết bằng tiếng
Anh
của những người di dân, và câu hỏi: nếu không có họ, liệu văn chương
Anh
có thể sẽ trở thành "phàm phu tục tử, hạ lưu"? Nói một cách khác, đợt
tấn
công của Naipaul liệu có thực sự nhắm vào chính quyền Anh của thủ tướng
Blair,
hay là nhắm vào toàn thể cõi văn chương viết bằng tiếng Anh, trước khi
có
thế hệ nhà văn di dân thời kỳ hậu thuộc địa.