gau 
  
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Tạp Ghi 2
 




Tam sinh vạn vật.

Cuốn Vụ Án của Kafka số 3, trong Bảng Phong Thần Cuối Cùng trước khi dâng hiến tất cả cho lò thiêu. Đây là kết quả cuộc bỏ phiếu của sáu ngàn độc giả Pháp, lựa chọn 50 cuốn sách của thế kỷ vừa qua, và được bình bởi Frédéric Beigbeder.

Tại sao số 3? Có lẽ vì tam sinh vạn vật.

Frédéric Beigbeder thì cho rằng, có lẽ tại tĩnh từ “kafkaien” mà ra. Nó nói lên, phận người, tức nỗi sợ… sắp hàng tại  một cơ quan nhà nước, thí dụ như phòng xuất cảnh chẳng hạn, và khi tới lượt thì chẳng có tên mình:

-Sao, ông nói sao? Tôi không phải số... 3 hả? Xin ông coi lại hồ sơ giùm. Tôi số 3 mà, chắc chắn có sự nhầm lẫn ở đây, tôi chắc chắn có tên trong danh sách chuyến bay… HO này mà!...

Đó là nỗi sợ con quái vật bàn giấy (angoisse bureaucratique), là cái phận người tủi hổ “như một con chó”, “sự tủi hổ sống dai hơn tôi”, của Joseph K, nhân vật chính trong Vụ Án.

 

Joseph K. là một nhân viên nhà băng, ít nói, độc thân, cả đời chưa từng đòi hỏi ai bất cứ một điều gì, một bữa bị những nhân viên nhà nước ăn mặc đồng phục bắt. Họ nói, anh sẽ bị đưa ra tòa xử, Nhưng anh có làm chuyện gì đâu! Đâu cần làm, và thế là cả thành phố đều biết. Người ta thả lỏng anh, nhưng lúc nào cũng có người trông chừng…

Liệu có thể coi, Vụ Án là một thứ tiểu thuyết luận đề, chính trị tố cáo chủ nghĩa toàn trị? Có thể, nhưng hơn thế, đây là một thứ “chống lại phận người”, theo nghĩa: vào đời nghĩa là vào với tra tấn và tử vong. Vụ Án chẳng tha một ai trong số chúng ta.

 

Trong một tác phẩm mới đây, Pierre Dumayet viết, một cách ngồ ngộ, rằng “Với Kafka, sự nhục nhã, tủi hồ chính là ‘phong cảnh quê ta’ [“chez Kafka, l’humiliation est un paysage”]. Nhưng, ‘may mắn thay’ với Kafka, còn là những câu chuyện hài, và chính cái hài này, “nó” cứu rỗi. [Ở Việt Nam, bạn có thể tìm thấy cái chất hài này, qua những câu chuyện có tí hiện thực ma tuý - huyền ảo thì cũng rứa - thí dụ như của Hồ Anh Thái, hoặc loại chuyện thiếu nhi dành cho người lớn, như truyện dài “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần, hiện đang đăng từng kỳ trên Talawas, hoặc thứ phê bình văn học kiểu cà chớn của Trần Đăng Khoa chẳng hạn]: nên nhớ, Kafka đã từng đọc bản thảo cho bạn bè nghe, và vừa đọc, vừa cười ngặt ngẽo [en hurlant de rire, chữ của Frédéric Beigbeder). Từ đó, chúng ta hiểu được, không phải Thượng Đế, mà là con người, bị kết án phải cười. Với Kafka, tất cả những câu chuyện buồn tủi nhục nhã khốn khổ của ông (Vụ Án và luôn cả Toà Lâu Đài, và Hoá Thân) đều là những câu chuyện tiếu lâm to tổ bố, grosses farces, vẫn chữ của Frédéric Beigbeder. Theo ông này, Kafka đi trước đám Tiểu Thuyết Mới ở Tây cả nửa thế kỷ, 12 chương của Vụ Án được viết bằng một thứ văn gẫy đoạn, người ta có thể nói, của  Nathalie Sarraute.

Vụ Án còn là một thứ chuyện “Liêu Trai” có tính tiên tri (un fantasme prophétique), như rất nhiều cuốn sách khác ở trong Bảng Phong Thần Cuối Cùng. Cuốn tiểu thuyết được in và xuất bản vào năm 1925, nhưng Kafka đã viết nó mười năm trước, tức là năm 1914, trước khi có cuộc cách mạng Nga, Cuộc Đệ Nhất Thế Chiến, chủ nghĩa Quốc Xã Nazi, chủ nghĩa Stalin: thế giới được miêu tả ở trong cuốn sách, chưa hiện hữu, chưa “đi vào hiện thực”. Vậy mà ông nhìn thấy! Liệu có thể coi ông là Ông Thầy Bói Nostradamus của thế kỷ 20? Không phải vậy: cái thế kỷ có tên là Goulag đó chỉ là một đứa trẻ ngoan ngoãn tuân theo lời phán bảo của ông thầy của nó, mà thôi.

Ở đây, là một giả thuyết, nghe đến rởn tóc gáy lên được, và cũng hoàn toàn có tính Kafkaien: Liệu tất cả những trò kinh tởm của thế kỷ: chiến tranh lạnh, những chuyện đấu tố, luôn cả bố mẹ, hiện tượng con người có đuôi, lò thiêu, trại tập trung cải tạo, Solhzenitsyn, Orwell…. tất cả là đều nảy sinh từ cái đầu của một anh chàng làm cho một công ty bảo hiểm ở Prague? Liệu hàng triệu triệu con người chết đó, là để chứng minh cho sự có lý, của một cái đầu chứa đầy những ác mộng?

NQT