*



 


Huỳnh Phan Anh, Gấu, và Thời của Chúng Ta!

hpa

HPA tại nhà ở Sài Gòn
cc 2001

1. Phỏng vấn HPA

Nhà văn - dịch giả Huỳnh Phan Anh: Tôi đã và vẫn sẽ là một người VN.

"Tôi nghĩ rằng sống còn chưa ra con người mà muốn trở thành nhà văn thì hơi khó. Anh phải là con người có giá trị thì những gì anh viết ra, người ta mới tin được. Tôi nghĩ trong khi chờ đợi làm nhà văn thì hãy làm người đã. Điều đó cũng có ích cho xã hội".- HPA

 

  * Thưa ông, sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực văn học ở VN cả trước và sau năm 1975, bây giờ, ông có một vị thế rất thuận lợi để nhìn nhận cả hai nền văn học Mỹ và VN dưới góc độ của một nhà văn sinh sống tại Mỹ...

 - Trước hết, tôi xin khẳng định một điều là cho dù tôi có sống tại Mỹ một vài năm hay trong suốt phần còn lại của cuộc đời thì tôi cũng khó hội nhập được vào nước Mỹ! Tôi không bao giờ là một nhà văn lưu vong. Tôi là một nhà văn VN sinh sống tại Mỹ do hoàn cảnh riêng của gia đình. Tôi biết rằng có một vài người tại Mỹ tự bỏ tiền ra in tác phẩm của mình rồi tự xưng là nhà văn lưu vong... Nhưng tôi đã và vẫn sẽ là một người VN.

"Những tác phẩm văn chương mà cứ đâm sầm vào chính trị với những thiên kiến thì khó có thể có chỗ đứng trong độc giả.... Tôi vẫn nhớ lời nhà văn Boris Pasternak nói rằng "một nhà văn không thể xa rời tổ quốc mình". Nếu không nặng lòng với đất nước quê hương thì không thể nào hiểu được tâm trạng của những người cùng dòng máu..." - HPA.

* Dù sao thì ông cũng có quan sát đời sống văn học của nước Mỹ chứ?

 - Có, mặc dù không nhiều lắm. Do là một người từng dạy triết và dịch văn học nên tôi chú ý đến hai mảng này hơn cả.

 Thị trường văn học dịch ở Mỹ vô cùng đa dạng; tôi có cảm tưởng bất cứ tác phẩm cổ kim đông tây nào họ cũng đều dịch hết, chẳng thiếu một cuốn nào. Có điều khiến tôi ngạc nhiên là nhiều người sống khá sung túc, đầy đủ tiện nghi, nhưng họ vẫn dịch văn học, một công việc mà rõ ràng là không hề được trả công cao.

 Cách lý giải có lý nhất có lẽ cũng chính từ đặc điểm ấy: họ có nhiều tiền và khi đó, việc dịch văn học không phải nhằm mục đích sinh nhai nữa mà chỉ để làm phong phú thêm cho nền văn học Mỹ.

 Trong khi đó triết học ở nước Mỹ khá nghèo nàn, hay nói cho đúng hơn là nước Mỹ thiếu một căn bản triết học. Bởi vậy sách triết ở Mỹ không phong phú cho lắm. Chỉ cần một tác giả nào đó, người Mỹ hay nước ngoài cũng vậy, tương đối độc đáo một chút, là có thể dễ dàng nổi tiếng.

 * Trước đây, ông có nói đến con số cô đơn "1.000 bản" của mỗi tác phẩm in trên thị trường VN. Bây giờ, sau một thời gian biết về ngành xuất bản ở Mỹ, theo anh có cách nào để thoát khỏi cái tình trạng "cô đơn" kỳ cục đó không?

 - Tôi nghĩ chủ yếu vẫn do cơ chế xuất bản ở ta mà thôi. Cái cơ chế này chỉ làm giàu cho mấy anh làm sách, còn tác giả viết hoặc dịch sách không bao giờ có thể giàu được.

 Thực ra thì tôi biết không có cuốn nào tương đối đắt khách mà lại in dưới con số 2.000 bản đâu, nhưng tác giả thì bao giờ cũng chỉ được lĩnh nhuận bút theo con số 1.000 bản đó thôi.

 Ở Pháp, nếu in được 50.000 bản trở lên thì người ta khoe nhắng cả lên, còn ở ta thì càng giấu đi được bao nhiêu càng tốt! Chính cái hiện trạng này dễ tạo ra ấn tượng rằng người VN không đọc sách, còn tác giả viết sách, dịch sách thì không sống nổi. Như cuốn Thế giới của Sophie tôi dịch trước đây, trên thế giới bán được hàng triệu bản, ở VN cũng chỉ đề in có 1.000 bản mà thôi. Hầu hết sách đều do đầu nậu làm, chỉ cần nhấc điện thoại lên điều đình 5 phút là xong...

 * Ở nước ngoài, ông có theo dõi văn học trong nước hay không?

 - Thành thực mà nói tôi đọc không nhiều. Đó là thiếu sót lớn nhất của tôi. Nhưng qua những gì tôi biết, tôi vẫn cảm thấy những cây bút trẻ đã thổi một luồng không khí mới vào đời sống văn học VN. Những người trẻ viết ít run tay và rất trong sáng. Tôi vẫn nhớ những tên tuổi như Phan Thị Vàng Anh, Châu Giang, Phan Triều Hải. Đọc Bảo Ninh tôi rất thích. Cuốn Nỗi buồn chiến tranh anh ấy viết như một công trình văn chương chứ không phải một sơ đồ tư tưởng.

 * Hiện nay ông đang làm gì?

 - Tôi im hơi lặng tiếng lo những việc của mình. Sống ở Mỹ nhưng tôi không là công cụ của ai, cũng không thỏa hiệp với ai. Tôi thỏa hiệp với mình còn chưa xong nữa là!

 YÊN BA (Báo TN)

  Học triết ở Đà Lạt từ 1961 đến 1964 rồi về Sài Gòn dạy triết, Huỳnh Phan Anh là một nhà giáo "đi lạc vào văn học" - như ông tự nhận với bạn bè. Cả trước và sau 1975, cái tên Huỳnh Phan Anh được nhiều người biết tới với tư cách là tác giả - phê bình, dịch giả.

Các tác phẩm phê bình văn học của Huỳnh Phan Anh từng được nhiều người biết  như Văn chương và kinh nghiệm, Đi tìm tác phẩm văn chương...; hay các tác phẩm dịch của ông như Tình yêu bên bờ vực thẳm, Chuông gọi hồn ai, Bãi hoang, Thời gian của một tiếng thở dài, Hò hẹn trên đồi, Tình cuồng, Thế giới của Sophie, Sa mạc, Thơ Paul Eluard, Thơ Victor Hugo... đã quen thuộc với nhiều người. Từ năm 2002, ông sang định cư tại Hoa Kỳ.

[Trích báo Tuổi Trẻ trên web]

 2.

 Lưu Vong Hay Không Lưu Vong, Đó Là Vấn Đề.

 Huỳnh Phan Anh qua Mỹ năm 2002, là do cô con gái bảo lãnh. “Ông bạn của tui” có thể coi mình là một nhà văn di dân, thành thử khẳng định, tôi không bao giờ là một nhà văn lưu vong, là không cần thiết. Lại càng không cần thiết, khi HPA nhắc tới những người ở Mỹ tự bỏ tiền in tác phẩm rồi tự xưng là nhà văn lưu vong.

 Có lẽ nên để vào một dịp khác bàn về, thế nào là nhà văn lưu vong, nhưng một nhà thơ như Brodsky, một nhà văn như Kundera, bất cứ một độc giả khi đọc họ, đều nhận ra, đây là những người viết lưu vong, theo nghĩa, họ sẽ bị bỏ tù, bị sát hại, vì những gì họ viết ra, nếu còn ở quê hương của họ. Làm người đã, rồi hãy làm nhà văn, nếu nhìn theo quan điểm của những nhà văn nhà thơ trên, là như vậy. Họ vừa muốn làm người, vừa muốn viết văn. Ở quê hương của họ, họ không làm sao làm được cả hai. Với họ, vấn đề hãy làm một người dính cứng với vấn đề viết văn. Bởi vì họ không thuộc vào những người không hề biết tới văn chương, mà vẫn là những con người hoàn toàn!

 Về câu hỏi, “Thưa ông, sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực văn học ở VN cả trước và sau năm 1975, bây giờ, ông có một vị thế rất thuận lợi để nhìn nhận cả hai nền văn học Mỹ và VN dưới góc độ của một nhà văn sinh sống tại Mỹ...”… Tôi nghĩ đây là một câu hỏi tuyệt vời, dành cho HPA, và người hỏi đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào ông. Nhưng HPA đã trả lời chẳng đâu vào đâu cả, thật uổng cho người dụng tâm đặt câu hỏi, và cho độc giả, mong được nghe những lời thực, việc thực, và người thực. Huỳnh Phan Anh là một trong những người viết nổi tiếng của thập niên 1960, thuộc trào lưu “tiểu thuyết mới” tại miền nam Việt Nam, khởi nghiệp viết vào lúc cuộc chiến đang ở mức tàn khốc nhất của nó. Người phỏng vấn kỳ vọng ở ông, sẽ cho người đọc biết, ít ra là về ba giai đoạn văn chương, theo tôi:

 -Trước 1975 tại miền nam.

 -Sau 1975, tại miền nam, mà HPA đã tham dự ngay từ những ngày đầu, tác giả của, thí  dụ  như  “Những Tháng Ngày Êm Ả”, kịch bản chuyển thành phim ảnh.

 -Những ngày mới mẻ ở Mỹ của ông, như là một nhà văn trước 1975 của miền nam tái ngộ bạn bè “cùng hội cùng thuyền” ở Mỹ, những người cũng như ông, nhưng cũng khác ông….

 Về triết học ở Mỹ, tôi sợ HPA không rành, khi cho rằng triết học ở nước Mỹ khá nghèo nàn, sách triết ở Mỹ không phong phú cho lắm. Bởi vì bất cứ một nhà xuất bản đại học nào ở Mỹ đều có riêng một hay nhiều tủ sách triết của họ. Nếu thiếu, là thiếu những bực đại sư phụ, như Foucault, Derrida… và những ông này, đều được trọng vọng ở Mỹ, và nếu không có Mỹ, sợ rằng, mấy ông cũng chẳng có đất để mà dụng võ. Bảo nước Mỹ thiếu một căn bản triết học, nói như vậy thì cũng giống như người Pháp đã từng chê nước Mỹ là một quốc gia không có lịch sử. Nhưng để đưa ra một cái nhìn cho vấn đề này, ở đây, có lẽ nên viện đến câu trả lời của Steiner, trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ Điểm Sách Paris, khi người phỏng vấn đặt câu hỏi:

 -Nhưng chắc chắn có điều gì liên quan tới tính cách của cuộc sống trí thức và văn chương Mỹ, và nó làm ông giãn ra.

 Steiner: Vâng. Tôi viết một tiểu luận được tái đăng nhiều nhất và bị ghét bỏ – trong số những gì tôi viết, đây có lẽ là bài bị ghét bỏ nhiều nhất – tên là "Thư Khố Vườn Địa Đàng" (The Archives of Eden), trong đó tôi dướn mãi cổ lên mà nói rằng những bảo tàng viện, thư khố, những viện nghiên cứu, đại học Mỹ sẽ là trung tâm của thế giới văn hóa, sống nhờ nghệ thuật, triết học, siêu hình học của Âu Châu. Nói vậy có nghĩa, rằng những Wittgenstein, những Heidegger, những Sartre của trái đất này sẽ vẫn tiếp tục tới, từ một Âu Châu tự sát, bị moi ruột, tan hoang rã rời; rằng tác phẩm loại nhì - chứ không phải loại nhất - đang làm đầy văn hóa Mỹ, và cứ thế tràn lan ra mãi; rằng de Tocqueville đã đúng, khi ông nói về một chủ nghĩa đồng hạng sâu xa, cố hữu, (a deep inherent egalitarianism) ở trong những hy vọng của tâm hồn Mỹ; rằng cái thứ công lý xã hội và chủ nghĩa đồng hạng, và phép lịch sự (decency) – hãy gạch dưới từ này bằng tám cây bút chì đỏ! – trớ trêu làm sao [lại tỏ ra] thù nghịch với một vài phẩm chất triết học dứt khoát thuộc loại thượng hảo hạng và có lẽ [thù nghịch cả với] sáng tạo nghệ thuật

 Về câu nói của Boris Pasternak, tôi sợ rằng HPA không nói hết ý của nhà văn này, bởi vì, như chúng ta đều biết, khi ông được Nobel văn chương, nhà nước Xô Viết đã bắt bí ông: Nếu đi nhận giải Nobel thì đừng về. Chính vì vậy mà ông phải từ chối. Ông quá yêu nước Nga. Và ông biết, với ông, rời khỏi nước, là không thể viết được. Nhưng trường hợp của Brodsky, hay của Solzhenitsyn lại khác hẳn. Hai ông này, phải ra ngoài mới viết được.
"Một nhà văn không thể xa rời tổ quốc mình", nếu nói thế, chẳng lẽ hai ông sau không còn là nhà văn nhà thơ, và không yêu nước Nga, vì đã rời xa tổ quốc yêu quí của họ?

 Về cuốn Nỗi Buồn Chiến Tranh, tôi không hề nghĩ, tác giả của nó, đã từng mơ tưởng một hoang tưởng, rằng, cuốn tiểu thuyết của ông, sẽ là một “sơ đồ tư tưởng.

 NQT

 Phụ lục: Thư độc giả, và bạn.

 [Mấy cái meo này, tôi nhận được, từ một độc giả tới email trang Tin Văn, địa chỉ, www.tanvien.net hoặc từ bằng hữu, tới mail riêng. NQT]

  Anh NQT thân mến,

 …. Nay tôi cũng vừa mới đọc bài viết của HPAnh trên Tuổi Trẻ [trên net], và cũng thấy hơi phiền ông này về vài chỗ: thí dụ chuyện viết về nhà văn lưu vong, và chuyện triết học ở Mỹ. Hãy gác chuyện lưu vong qua đã, bây giờ chỉ nói chuyện triết học ỡ Mỹ có nghèo nàn hay không. Câu nói của HPA chứng tỏ ông ấy chưa kịp sinh hoạt với môi ttường triết học của Mỹ… Tôi gửi email này để có dịp anh thân mật chuyển thông tin này cho HPA vì tôi biết anh và HPA cũng là chỗ tri giao.

 Đa số trường đại học, và ngay cả cộng đồng ở Mỹ cũng có những department of Philosophy, trong đó đầy những lớp căn bản về triết học cho năm thứ nhất và thứ nhì. Sau đó, ai chuyên về triết thì học thêm lên. Các loại triết thường được giảng dậy là: Analytic Philosophy, Continental Philosophy, Philosophy of Language, Ethics (Moral Philo), Metaphysics, có đại học như North-Western University of Illinois hay Duquesne Univ. ở Pennsylvania hay có khi UC Irvine, CA cũng thường nghiên cứu Existentialism, hay Phenomenology, của Husserl, hay các tác giả hiện đại như M. Foucault, J. Derrida, J. Habermas. Đó là chưa kể các ngành khác, như Political Philo, Social Philo, Philo of Mathematics, Philo of History… Các vị giáo sư các trường lớn, chừng 10 năm giảng dậy, là có in sách về đề tài chuyên môn của họ. Chỉ xin kể một số những tên tuổi gần đây nhất, về Analytic Phil và Phil of Language (có liên quan tới Literary Theories & Criticism) của Mỹ, là: R. Rorty, Donald Davidson, David Lewis, W. Sellars, hay khá lẫy lừng là W. Quine (Analytic Phil), John Rawls (Political Phil),… thì đủ biết triết Mỹ phong phú đa dạng không thể bảo là nghèo nàn được… xin anh khuyên HPA nên tìm hiểu lại. Chắc là vì mới qua một năm nên HPA chưa biết. Vì có chút cảm mến khi đọc cuốn Văn Chương và Kinh Nghiệm Hư Vô của HPA hơn 20 năm trước nên mới có email này…

 Trước thềm năm mới…

 Thân mến,

TN

 -Ôi, trả lời phỏng vấn trong nước như vậy là ổn rồi, cho anh coi cái này, còn tệ hơn...

-Nhưng đây là ông bạn chí thân của tui...

-Ô, nếu thế, phạng như vậy là còn nhẹ lắm! Nếu cần, viết thư riêng, phạng cho đã!
*

.-Mày viết như vậy, về thằng T. là nặng lắm đấy!

 ******

 Những câu đối đáp qua email bắt Gấu chạy ngược về dĩ vãng, những ngày mới quen biết anh bạn HPA. Nhưng cái tin về cô bé LH ngày nào cả anh cả Gấu tôi đều biết, làm cho tôi nóng nảy hơn. L.H hay Bông Hồng Đen, La Rose Noire, theo như Gấu tôi đuợc biết, sắp sửa từ biệt Gấu tôi và cuộc đời này.

  Từ biệt Gấu, thì từ lâu rồi, từ những ngày Gấu chưa lập gia đình

   Nhưng chả lẽ lại bắt đầu viết về những kỷ niệm tuyệt vời nhất trong đời một người, bằng những lời lẽ cay đắng về một người bạn từ thuở tuyệt vời nhất đó?

  Tôi quen HPA là qua ông anh của BHĐ [Bông Hồng Đen]. Qua ông anh, tôi biết cô em, lúc ấy còn bé tí, mới mười một tuổi, và không thuộc típ người nẩy nở sớm, ốm tong teo, da ngăm ngăm đen, cặp mắt long lanh, cái răng khểnh, khi cười, là cười bằng răng, còn riêng cặp mắt long lanh đó, thì như chiếu thẳng vào tận tim đen, tâm hồn đen tối của tôi, như hỏi thẳng thừng, anh yêu tôi, có phải không?

  Tuy học triết, và đã từng tụng hết cuốn Hữu Thể và Hư Vô của Sartre, kinh nghiệm đọc Sartre của HPA và của tôi có những điểm giống nhau. Với cuốn sách triết dầy trên năm, bẩy trăm trang, anh chỉ giữ lại hình ảnh khép lại nó: con người là một đam mê vô ích.

 Tôi cũng chỉ mê mỗi câu này, khi đọc ba chớp ba nhoáng giữa hữu thể [L.H], và hư vô [cuộc chiến đang rình mò?] thời gian yêu L.H và được nàng đáp lại.

  Cũng vậy, hai chúng tôi đều đọc Buồn Nôn, không cùng lúc, nhưng cùng thời, trong một quán chệt, có hủ tíu, bánh mì xí mại, cà phê túi, hồng xà, có gần như ở bất cứ một góc nào đó của Sài Gòn. Với tôi, là một tiệm nơi Chợ Đũi, đối diện rạp ciné không còn nhớ nổi tên, buổi sáng từ Phú Nhuận chạy chiếc solex tới, thường là gọi hủ tíu, cà phê, và ngồi chờ L.H đưa em gái tới trường học, thì cũng vẫn trường  Kiến Thiết trước đó cô bé đã từng học.

  Và tôi từ biệt ông Sartre, hai đứa đi lang thang trong vườn Bờ Rô, trên đường đưa cô bé về nhà.

  Hay tại quán đầu đường Gia Long/Lê Văn Duyệt, không có hẹn, mà chỉ ngồi gần nhà em, để thỉnh thoảng ngưng đọc Sartre, hay Dostoievky, và ngó lên căn phòng trên lầu ba.

  Và cả hai đứa chúng tôi đều tin rằng còn nhiều độc giả khác nữa, không thể quên cái xen anh chàng Tự Học [L' Autodidacte] bị tay quản thủ thư viện người Corse đánh cho sặc máu mũi, vì cái tội vẫy gọi nhau làm người, đam mê làm người, say mê chủ nghĩa nhân bản, trong Buồn Nôn... Gấu tôi sẽ còn trở lại với nhân vật Tự Học này, vì , nếu thiếu anh, những ngày mới lớn của Gấu tại Sài Gòn sẽ nghèo đi rất nhiều.

  Vả chăng, đây cũng là nhân vật ám ảnh Roequentin cho tới ngày cuối cùng, của Nhật Ký [tức Buồn Nôn].

  Ôi chao, [tôi] đang học làm người!

  Ôi chao, làm người đã, rồi hãy làm nhà văn!

  Nói gì thì nói, thế hệ của chúng tôi, trên toàn thể thế giới, bắt đầu lớn vào những năm 1960, tôi muốn nói những người mê đọc, và quá chút nữa, mê viết, và quá chút nữa, hy vọng viết được, đều không ít thì nhiều ảnh hưởng, hoặc Sartre, hoặc Camus. Một số nhà văn đã thành danh, thí dụ như Grass, LLosa, hay Paz… đều viết về những tháng phân vân giữa hai ông thầy kể trên. Grass, nhà văn Đức, sinh năm 1927 trong một lần phỏng vấn, cho biết, ông chọn Camus, và sau này, ông nghĩ là đã chọn đúng. LLosa, [sinh 1936, Arequipa, Peru] đã chọn Sartre, và sau đó, đã thất vọng.

 [Sau đây sẽ tóm tắt một số suy nghĩ của Grass, LLosa, và của Paz về Sartre]

  Ở Việt Nam, Thanh Tâm Tuyền trong cuốn tiểu thuyết đầu tay, Bếp Lửa, đã để cho nhân vật Tâm làm quen với một cô đầm, và cô đầm này, là một sinh viên khuynh tả, đã từng gặp Sartre….

  Trong một bài viết về La Nausée, tôi có nhắc tới một kỷ niệm về nó, một lần ngồi Pagode, vào cái thời mới tập tành viết, và đã dám hùng dũng tuyên bố với bậc đàn anh, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, là Gấu tôi mê cuốn đó lắm! Ông trợn mắt, không tin, và hỏi gặng lại:

  -‘Cậu’ hiểu nó hả?

  -Em nghĩ là… hiểu!

  Ông thở dài than:

  -Vậy là cậu hơn tôi rồi!

  Bao nhiêu năm sau, giờ này, ngồi viết những dòng này, Gấu tự hỏi chính Gấu: Mi hiểu La Nausée của Sartre?

 Cứ cho như mi hiểu đi,  như vậy thì mi có hiểu được Bông Hồng Đen, “của mi” không?

 Bởi vì, có thể đây là hậu quả của hai cái việc hiểu trên:

 Nếu hiểu Sartre , không hiểu LH!

 Và nếu hiểu LH, không hiểu Sartre!

 [Liệu có thể coi Hữu Thể và Hư Vô: một cuốn tự thuật, về cuộc tình  của Sartre và Simone de Beauvoir: một là Hữu, một là Vô?]

  3.

 “Ông bạn của tui” có thể coi mình là một nhà văn di dân…

  Brodsky, trong một buổi nói chuyện tại Vienna, năm 1987, về nhà văn lưu vong, đã xin cử tọa trầm ngâm một phút, để nghĩ tới, thí dụ, một di dân tại Tây Đức mà thực tại, môi trường sống, thiên nhiên, con người ở nơi đó chẳng hề muốn, hay những thuyền nhân Việt Nam đang ở đầu ngọn sóng, nơi biển cao, hay đã được tạm trú trong những trại tị nạn Đông Nam Á…. hàng triệu triệu con người như thế đó, đã tạo nên hiện tượng gọi là thiên di, là dời đổi từ chỗ này tới nơi khác [migration]. Ông viết, cho dù bất cứ một tên gọi, di dân, tị nạn, lưu vong… tất cả đều có chung một “chân lý” - đúng như ông bạn của tui đã phát biểu, “Tôi là một nhà văn VN sinh sống tại Mỹ do hoàn cảnh riêng của gia đình” - là, chạy từ một chỗ tồi tệ tới một nơi chốn khác khấm khá hơn. Từ một chế độ bạo tàn, con người chỉ lưu vong, để có được tự do dân chủ.

  Theo nghĩa đó, lưu vong đối với một nhà văn, chính là về nhà, về cái chỗ mà anh ta được thoải mái ngồi viết! Hoàn cảnh riêng gia đình, đối với anh bạn của tôi, thể nào cũng le lói từ đó, một hy vọng: Sang Mẽo, mình có nhiều điều kiện viết lách hơn, so với ở VN. Vẫn theo nghĩa đó, VN không còn là nhà của một nhà văn như là HPA. Thành thử, đi đâu, ở đâu, tôi vẫn là người VN, là một “chân lý” cần phải xét lại, đối với một nhà văn VN.

 Tôi đã từng đọc một bài viết, bằng tiếng Anh, ghi lại một cuộc phỏng vấn của một nhà văn nhà nước VN, đi ngao du nước ngoài, với tư cách là một nhà văn nhà nước VN. Xin phép cho tôi không nhắc tới tên nhà văn này ở đây. Ông ta tuyên bố, khi được hỏi, rằng, ở VN bi giờ, chúng tôi được tự do, muốn viết gì thì viết! Một nhà phê bình trẻ tuổi, ở trong nước, trong một cuộc phỏng vấn do đài BBC thực hiện, đã than thở, văn học VN bi giờ ẹ lắm, nhưng giải thích thêm, không phải nhà nước cấm viết, cấm đụng tới những đề tài "tế nhị", mà là do nhà văn VN không có tài, viết dở như hạch!

 Một ông khác, [nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nhà dịch thuật Dương Tường], trên diễn đàn Talawas, nói huỵch toẹt: nhà văn chúng ta... dốt quá!

 Viết tới đây, tôi bỗng nhớ tới một nhân vật mà Hemingway nhắc tới, ở ngay chương đầu Mặt Trời Vẫn Mọc. Anh chàng nhà văn võ sĩ này than thở với bạn, tôi phải đi Phi Châu mí viết được! Bạn trả lời, với cái đầu 'bò" như thế, đi đâu cũng chẳng viết được!

 Nhà văn VN ở Đức, PTH,  có lần trả lời phỏng vấn, cứ bật cái PC lên, là đã thấy Việt Nam [theo nghĩa, ở nhà] rồi, tha hồ mà viết!

 Thành thử cái chuyện ở nhà, đi, và viết văn, nó cũng nhiêu khê chứ không đơn giản. Đi đâu, cũng vác theo cái đầu bò, hay là dốt quá, ẹ quá, dù có ban cho đủ thứ tự do, dân chủ, chưa chắc đã đẻ ra tác phẩm!

 3.

 ….. Mà HPA tham dự ngay những ngày đầu.

 Cần phải viết thêm ở đây: Tôi không nghĩ bạn tôi là một tay cách mạng 30 tháng Tư, theo một cái nghĩa thảm hại, là, bạn tôi thuộc trong số những người chạy theo cơ hội, đón gió trở cờ.

  HPA đã từng tin, như bất kỳ một người miền nam nào đã từng tin vào người anh em ruột thịt ở miền bắc. Với riêng cá nhân tôi, tôi biết chắc chắn có… ba người. Hai người đã mất, chỉ còn HPA, những ngày đó, đó. Tôi không nghĩ bạn tôi vẫn còn tin tưởng vào người anh em ruột thịt, và cái câu nói “Tôi không bao giờ là nhà văn lưu vong”, nó có nhiều nghĩa lắm, có khi còn có cả cái nghĩa “Tôn Phu Nhân Qui Thục” nữa đấy!

  ABC [Milosz], La Nausée [Sartre], và Bông Hồng Đen [Gấu].

 Với Gấu tôi, cuốn ABC của Milosz có thể là từ nhân vật Tự Học, Autodidacte, đọc sách theo vần abc tên các tác giả, của Sartre, trong La Nausée. Đây là một cuốn sách với những đầu vào [entry] xếp theo thứ tự abc. Nhưng theo Milosz...

 "Nếu bạn không ưa cả Cộng Sản lẫn Tư Bản, thì chỉ còn có một chỗ cho bạn dung thân, là Quần Đảo Galapagos".

 Sartre viết về Camus.

 [Nhưng Bông Hồng Đen của Gấu, thì có mắc mớ gì tới La Nausée của Sartre?]

  Nói tới Camus, Gấu tôi nhớ, có lần ngồi Pagode, nhà thơ TTT chê Kẻ Xa Lạ, khi so sánh đoạn tử tội Meursault gặp ông thầy tu, với cũng một xen như vậy, trong Đỏ và Đen, thì Camus không đáng là học trò của Stendhal.

 Ấy là mấy chục năm sau, thằng em diễn lại câu phán của ông anh, qua... tưởng tượng.

 Quả thế thực, nhưng theo Gấu tôi, phải tính tới cái tuổi của người đọc, khi đọc bất cứ một tác giả.

 Stendhal là phải già già một chút mới đọc được. Còn me-xừ Meursault không kịp có tuổi già. Những nhân vật như thế, là phải "chết non", mượn lại từ của ông anh.

 Và có những tác phẩm, bạn không nên đọc sớm quá, và nên để dành! Lời khuyên của ông bà chúng ta, chớ đọc Phan Trần, chớ đọc Thuý Vân Thuý Kiều, là có thiện ý chứ không liên quan tới đạo đức. Cái cảnh:

 "Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,

 Rành rành trước mắt một tòa thiên nhiên"

 chỉ 'trở thành hiện thực', khi bạn vừa đọc xong câu đó, là bèn thực hành liền!

 Theo nghĩa đó, một độc giả của tờ TLS [số đề ngày 20, tháng Hai, 2004, mục Sổ Tay] sung sướng la lên rằng, may quá, tới hơn nửa đời người, mới đọc Hamlet. Đúng là một món quà quí báu dành để đọc vào lúc xế bóng về chiều, mái tóc muối tiêu [a mid-life gift to himself]...

 NQT