nqt



Tin Văn 

Chân Dung Nga _ Tôi không phải là con gái ông ta _ Ở đây nói tiếng Nga

Chân Dung Nga

Trong một kỳ Tin Văn, Jennifer có nhắc tới bức hình nhà văn Nga Nabokov khi còn là một cậu con nít nhà giầu, ngồi vắt vẻo trên ghế cao, chân mang vớ dài, tay mở bộ sưu tập bướm. Hai nỗi đam mê lớn của ông đã có ở trong bức hình: mê bướm, và mê làm… phù thuỷ, cầm cây “viết thần”, ra lệnh : hãy nói đi, hồi ức (speak, memory).

Bức hình nói trên, là ở trong tạp chí Điểm Sách Paris (The Paris Review), số Mùa Đông, 1995. Còn hình một vài nhà văn Nga khác. Đây là những hình thật đặc biệt; có những bức lấy ra từ hồ sơ “mật”, hoặc “nghe đồn”, được giấu ở đáy một ống thông hơi thang máy. Đặc biệt hơn nữa, mỗi bức kèm theo một bài viết, do những tác giả đã từng có một mối thân quen đặc biệt với người trong hình, hoặc do chính người phát giác ra bức hình (như hình Andreyev, Babel, và Kharms).

Jennifer xin cống hiến bạn đọc bài viết của Ian Frazier (nhà văn Mỹ, thường viết văn “u mặc”, humor, và “không-giả tưởng”, non-fiction, hiện sống ở Missoula, Montana), về bức hình nhà văn Daniil Kharms. Tiếc rằng ở đây không có điều kiện để in lại bức hình thật “tức cười” của ông.

 Trong số hàng triệu con người bị Stalin sát hại, có một nhà văn tức cười nhất, uyên nguyên nhất, của thế kỷ: Daniil Kharms. Sau khi ông chết ở trong tù, vào năm 1942, khi 37 tuổi, tên và tác phẩm của ông hầu như biến mất, và chỉ còn sống dưới dạng chép tay, lưu truyền giữa những nhóm nhỏ, ở một nơi có tên là Liên Bang Xô Viết.

Thực tình là, không có một độc giả Anh ngữ nào biết về ông. Tôi (Ian Frazier) cũng vậy, cho tới khi đi Nga, trở về, đọc những cuốn sách về nó, và cố gắng học tiếng Nga. Cô giáo của tôi, một người đàn bà trẻ chỉ ở Mỹ được vài tháng, đã ra bài làm ở nhà cho tôi như sau: hãy dịch một đoản văn của Daniil Kharms ra tiếng Anh. Đoản văn “Những mẩu chuyện từ Cuộc Đời Puskhin”, (Anecdotes from the Life of Puskhin) là ở trong CTAPYXA (Bà Già), một tuyển tập nhỏ tác phẩm của Kharms, đã được xuất bản ở Moscow vào năm 1991. Tiếng Nga, hai cuốn từ điển, và một cuốn sách văn phạm, tất cả đều quá mới, lần đọc Kharms đầu tiên của tôi thật là chậm như sên. Cùng với sự mầy mò từng từ, từng câu, niềm hân hoan của tôi gia tăng, khi ý nghĩa của chúng lộ dần ra. Mỗi câu là một tức cười, hơn cả dự đoán của tôi về nó. Một đoạn văn bắt đầu như thế này: “Puskhin mê ném đá”. Những mở đầu như vậy làm cho tôi nghẹt thở: làm sao đoán ra nổi cái gì sẽ tới liền sau đó.

Giữ được chất tiếu lâm, khi chuyển dịch ngôn ngữ, là một điều khó khăn vô cùng, ai nấy đều biết. Nhưng có một hệ quả, ít được biết: đôi khi, trong tiến trình dịch thuật, câu chuyện có vẻ tếu hơn là lúc thoạt đầu chúng ta nghĩ về nó. Trong khi dịch, tôi nghĩ Kharms là một nhà văn tức cười nhất mà tôi đã từng đọc.

Ian Frazier, qua cuốn Văn Chương Phi Lý Đã Mất của Nga (Russia’s Lost Literature of the Absurd), được biết, Kharms ra đời với tên Daniil Ivanovich Yuvachev, tại Petersburg vào năm 1905. Cha ông, một nhà trí thức cách mạng bị cầm tù và đầy đi Siberia. Ông thừa hưởng từ người cha, đam mê chuyện kỳ quái. Ông đau khổ vì “buồn” (that he suffered from melancholy). Mê Gogol, Knut Hamsun và Bach. Một bạn đồng học nói về ông: “Kharms là nghệ thuật” (Kharms is art). Cùng với sự lên ngôi của “nhà vô sản”, và sự vào tù của “nhà quí tộc”, Kharms cảm thấy thích thú trong bộ dạng một nhà quí phái, cộng thêm hàng ria mép giả thỉnh thoảng lại nhinh nhích, hinh hỉnh, cộng thêm chiếc cặp da kè kè bên mình, trong là những… chiếc ly uống rượu bằng bạc! Để lôi kéo khán thính giả cho một buổi trình diễn kịch của nhóm OBERIU, ông di dạo ở chót vót phía bên trên thành phố Saint Petersburg, miệng ngậm ống vố, và la lớn, thông báo cho những bộ hành qua lại phía bên dưới, về “biến cố quan trọng” kể trên!

 Nói tóm lại, một gã vui nhộn, quá vui nhộn đối với chủ nghĩa Cộng Sản. Đối với bất cứ một ấn bản nào của Stalin, về chủ nghĩa Cộng Sản. Sau thành công của vở kịch “Elizabeth Bam”, một hài kịch về một người đàn bà chờ… “được bắt và được giết”, báo chí nhà nước kết án nhóm kịch của ông là… “trò múa may phản động, thơ ca vô nghĩa… chống lại nền chuyên chính vô sản”. Ông bị bắt ở ngay trên đường phố, vào năm 1941. Khi vợ ông đi thăm nuôi, vào năm 1942, bà được thông báo, ông chết hai ngày trước đó. Mười bốn năm sau khi mất, tên tuổi của ông được phục hồi. Những nhà chuyên viết tiểu sử xếp ông vào danh sách: viết chuyện cho nhi đồng.

 

“Tôi không phải là con gái của ông ta!” 

“Trước Bộ kiểm tra Trung ương Đảng
Những năm trong sáng tương lai
Vượt qua lũ nhà thơ bạc lận cờ gian
Tôi sẽ giơ cao tờ chứng minh thư Đảng

Là toàn tập thơ bônsêvích tôi làm”.
(Thơ Mayakovski, Trần Dần dịch, Bùi Ngọc Tấn trích dẫn, trong Chuyện Kể Năm 2000, nhà xb Thời Mới, Canada).

 Nhà thơ Maia là một trong những tiên phong cổ võ cho chế độ mới tại Nga xô. Và cũng là một trong những người đầu tiên thất vọng vì nó, và cuối cùng tự sát bằng súng, vào năm 1930. Bài viết về bức hình của ông trong Điểm Sách Paris, số đã dẫn, là của Francine du Plessix Gray. Sau đây là một vài trích đoạn.

 “Tôi không phải là con gái của ông ta”. Tôi hét vào mặt ba ông nhà văn nhà nước, thuộc Hội Nhà Văn Xô Viết, ngồi đối diện với tôi. Lúc đó là 2 giờ sáng vào một đêm tháng Sáu năm 1979. Chúng tôi đang ở trên xe lửa nhắm hướng Tbilisi, Georgia. Tôi là một trong những thành viên của phái đoàn những nhà văn Mỹ tham dự “ba cái trò lăng nhăng hội thảo văn học” của Hội Nhà Văn Xô Viết, và mấy “đồng nghiệp” người Nga chẳng ngại đêm hôm khuya khoắt, đã xông vào tận toa của tôi, để mà tra vấn về chuyện, có phải ngày xửa ngày xưa, ông nhà thơ lớn của cách mạng Nga đã ngủ với mẹ tôi, và tôi là “thành quả”. Đúng ra là họ cố làm cho tôi tin tưởng như vậy, và đây là một vinh dự của cách mạng!

Sự thực, một gán ghép như vậy không phải là hoàn toàn dựa trên những ước đoán mơ hồ, theo kiểu: không có lửa sao có khói: Mẹ tôi, Tatiana Iacovleva, đào thoát Liên Bang Xô Viết, qua Paris vào năm 1926, đã là một trong hai mối tình lớn lao trong đời nhà thơ cách mạng Maia; ông tự huỷ mình chỉ vài tháng sau khi mẹ tôi kết hôn với một ông Tây, là cha tôi. Và một vài bài thơ tuyệt vời nhất của ông, được đề tặng cho mẹ tôi. Còn nữa: vào đầu thập niên 1970, tờ báo nổi tiếng của Nga Ogonok, đã đăng bài, kèm theo một tấm hình cũ của tôi, khi mười bốn tuổi, trong chiếc bikini, và tuyên bố: rằng con gái của Maia “vưỡn” còn sống, và hiện đang sống ngon lành ở Mỹ.

 Tôi dí vào mặt họ tờ giấy thông hành với ngày sinh tháng đẻ của tôi:

-Đây là những sự kiện sờ sờ.

-Một người nào đó đã ‘ngụy tạo’!

-Ở Mẽo không có chuyện ngụy tạo passeport, giấy khai sinh…

 Cỡ chừng ba hoặc bốn giờ sáng, mấy “văn hữu Nga” của tôi mới chịu trở về toa của họ, thất vọng ra mặt.

Ở đây nói tiếng Nga

Nhân tin thời sự, một người Việt Nam tị nạn, bà Nguyễn Thị Hạnh, đã đốt cờ đỏ sao vàng tại toà đại sứ của nhà nước CS   Luân Đôn, Jennifer tôi bỗng nhớ đến truyện ngắn “Ở đây nói tiếng Nga” (nguyên tác “Govoriat po-rousski”, viết năm 1923, bản dịch tiếng Pháp: Ici on parle russe), của nhà văn Nga Nabokov. Thật hóm hỉnh, và cũng thật “nhân bản”, ông kể về một vụ “đụng độ” giữa người dân Nga lưu vong và nhà nước Liên Xô. Câu chuyện xoanh quay một gia đình tị nạn, sinh sống nhờ một cửa tiệm bán thuốc lá, tại một góc phố trong một tỉnh nhỏ ở Pháp. Người kể câu chuyện là bạn với cậu con trai, từ khi còn đi học. Bữa đó, ông ghé thăm gia đình trước khi đi Paris, và thấy Pétia, cậu con trai, từ ngoài phố chạy về, mặt mày đỏ gay. Hỏi ra mới biết, anh phải tới toà đại sứ, vì cô cháu gái của mẹ anh cần về thăm mẹ của cô ta ở Liên Xô. Trong lúc một nhân viên tòa đại sứ đưa ra hết mẫu đơn này tới mẫu đơn khác, bắt phải kê khai đầy đủ, một nhân viên đứng kế bên, chắc là công an chìm, ghé tai anh ta nói nhỏ: “cái thằng ‘củ xê’ này là thằng nào?” Anh con trai chỉ muốn thoi vào mặt tay công an chìm một cú, nhưng nghĩ lại, còn người thân ở Liên Xô, đành mang nỗi tức giận về nhà. Nghe xong, bà mẹ mắng, “Mày không nhớ tội cũ của mày hả”.Hóa ra là trước đó, ông con đã làm một cử chỉ thật là “dại dột”: nhân một lễ kỷ niệm lớn, anh ghé thăm một nhà sách của nhà nước, và ngỏ ý mua một cái búa bầy trong tủ kiếng, tượng trưng cho cờ búa liềm của giai cấp công nhân ta, được tranh hoàng thật “mát con mắt”. Ông chủ tiệm hồ hởi hỏi khách, cần món gì thêm nữa cho thêm phần long trọng, anh hất đầu về phía bức tượng ngài lãnh tụ, đang đăm chiêu nhìn… núm ruột hàng vạn dậm. Trả tiền xong xuôi, anh cầm cái búa phang thẳng cánh vào bức tượng! Nếu chỉ vậy thôi, thì cũng “xoàng”, phải không các bạn, và chẳng liên can gì tới cái tên truyện. Khi từ Paris trở về, ghé thăm, ông ngạc nhiên thấy không khí có vẻ kỳ bí ở nơi gia chủ. Họ nói về Paris, về người Pháp, và bất thình lình, ông chủ hỏi: “Này, anh bạn nhỏ, nhà tù nào lớn nhất ở Paris?”.

Ông nói không biết, và quay qua chuyện khác, nhưng dù bằng cách nào, câu chuyện cũng lại trở về với… nhà tù!

Cuối cùng, gia chủ đấm lên mặt bàn cái rầm: “Tôi hết chịu nổi rồi, phải nói ra thôi!” Bà vợ lẩm bẩm, “Người ham ăn ham nói như ông, làm sao giữ nổi bí mật. Có nhớ chuyện ông vua tai lừa không?”

Sau khi đã bắt ông thề thốt đủ điều, gia chủ bật mí:

“Chuyện xẩy ra đâu một hai ngày sau khi anh đi Paris. Một người khách ghé tiệm. Anh ta không để ý tới cái bảng đề ở bên ngoài, cho nên đã hỏi tôi bằng tiếng Đức. Nên nhớ là, nếu thằng chả để ý tới cái bảng đề bên ngoài, chắc chắn đã không bước vô tiệm của một người dân Nga lưu vong. Tôi nhận ra ngay cái giọng Nga của thằng chả. Lẽ dĩ nhiên, tôi hỏi thằng chả bằng tiếng mẹ đẻ, anh cần thuốc lá nhãn hiệu gì… Thằng chả ngạc nhiên, và chẳng có vẻ chi hài lòng vì gặp đồng hương nơi xứ người. Hắn ngó tôi, có vẻ kỳ cục, và hỏi bốp chát, “Tại sao ông xác định tôi là người Nga?” Tôi trả lời bằng một giọng hồ hởi, và sau đó, tôi bắt đầu lo lấy thuốc lá cho anh ta. Đúng lúc đó, thằng con tôi trở về. Nó nhìn thấy người khách, và nói với anh ta bằng một giọng dịu dàng nhất trên đời: “Ngọn gió lành nào cho chúng ta gặp lại nhau”. Vừa nói, nó vừa tiến tới gần, và để một cú thật ngọt vào sau ót thằng chả. Không phải một cú nốc ao, mà là một cú “chìm”, nghĩa là thằng chả cứ thế ngủ lịm đi, trong thế đứng như trời trồng, rồi từ từ ngả xuống phía sau.

Sau đó, cả hai cha con kéo thằng chả vô phòng của Pétia, đứa con trai. Cũng may, vừa xong, là có khách ghé tiệm.

Thằng chả chính là viên công an chìm đã gọi Pétia là con củ xê. Lục xoát anh ta, thấy nào súng, nào huy chương, nào thẻ KGB… đủ cả. Ông bố hỏi ông con: Mày tính sao giờ? Quên bà cô của mày còn ở lại hả?

Giết chết thì không dám, thả thằng chả hả, ôi chao, cứ nghe giọng hắn khi thốt ra hai tiếng củ xê, và sau đó, khi đã tỉnh, gầm gừ: tụi mi sẽ biết tay ông… là thấy không thể nào thả hổ về rừng. Thằng Pétia sau cùng nghĩ ra giải pháp: Hãy trả cho Cesar cái gì của Cesar!

Thế là hai bố con loay hoay biến một căn phòng tắm bỏ không, đại bản doanh của chuột, rán thành một xà lim. Thiết kế công trình bắt buộc phải được thực hiện trong khẩn trương, và tuyệt đối yên lặng, vì còn khách hàng ra vào suốt ngày, và lối xóm.

Kể từ ngày đó, ông chủ tiệm thuốc là còn kiêm thêm vai chủ ngục.

Ngày tháng cứ thế qua đi. Người kể chuyện lâu lâu có dịp ghé, cuộc đời cứ thế êm đềm trôi. Qua gia chủ, tù nhân không hề một lần nào than van về chế độ cấp dưỡng. Lúc đầu, anh ta rất giận dữ, và đã từng kiếm cách vượt ngục. Nhưng có vẻ như sau cùng, anh ta nhận thấy, đây mới đúng là… thiên đường. Công việc khấm khá, xà lim ngày càng có thêm đồ dùng phụ trội, nào cái TV, nào cái cassette…

Bà vợ tự hỏi: không hiểu thằng chả ăn vạ tụi này tới ngày nào?….

 
 Jennifer Tran