jen

Jen @ Niagara Falls


TẠP GHI 2 



AMOR FATI - Nguyễn Hữu Liêm & Bạc Giả

Nguyên Châu
Câu Chuyện Triết Học

Friedrich Nietzsche - Quan Niệm “Amor Fati” và Kiến Thức của Một Thầy Triết.

Trong bài viết nhan đề “Cái Âm Điệu Tủi Thân, Bi Đát” đăng trên báo Văn số 80, tháng 8-2003, Nguyễn Hữu Liêm đã bàn về tương quan giữa âm nhạc và sự mất nước của nhà Nguyễn, của Việt Nam Cộng Hòa...qua giọng hát của một số nữ ca sĩ như Khánh Hà, Khánh Ly, Ý Lan. Những lý luận lẫm cẩm, sai lầm về âm nhạc, về lịch sử và tương lai dân tộc... mà Nguyễn Hữu Liêm vấp phải, đã được nhiều người vạch ra và điều chỉnh. Nay còn lại vấn đề triết học, tưởng cũng cần nói thêm, vì, được biết, Nguyễn Hữu Liêm, ngoài nghề Luật sư, còn làm thầy dạy triết học ở San José City College. Việc chẳng đặng đừng bởi “làm thầy thuốc mà sai chỉ hại chết một người, làm chính trị mà sai hại cả một nước, làm văn hóa mà sai thì hại nhiều thế hệ”.

Cớ sự là sau khi lập luận một cách thiếu căn cứ để chứng minh rằng “Cái thối nát của con người khởi đi từ sư thối nát của âm nhạc. Âm thanh là logos của tâm thức...” Nguyễn Hữu Liêm dẫn chứng triết gia Nietzsche để hỗ trợ cho lập luận của mình. Ông Liêm viết: “Nietzsche trong cuốn The Will to Power có nói tới cái tâm thức amor fati - cái bệnh tủi thân, cái lòng yêu số phận bi đát của mình. Cái bệnh amor fati của dân Việt khởi đi từ truyện Kiều và kéo dài cho đến ngày nay. Từ Kiều qua nhạc Chàm, qua nhạc Huế, qua vọng cổ, qua nhạc bolero đã làm cho miền Nam ngồi xuống vỉa hè, che mặt và lau nước mắt...”

 Qua câu trên, tôi thấy Nguyễn Hữu Liêm quả thật chưa hiểu quan điểm và triết lý của Friedrich Nietzsche, một triết gia Đức cuối thế kỷ 19 (1844-1900). Một triết gia đã gây ảnh hưởng lớn lên tư tưởng của cả Âu châu, chuyển hóa cả một thời đại.

Ảnh Hưởng của Nietzsche Đối với Tư Tưởng Thế Kỷ 20.

 Nietzsche đã viết rằng có một số người được sinh ra sau khi đã qua đời [born posthumously], đây đích thị là trường hợp của bản thân ông ta. Nietzsche mất năm 1900. Sau khi ông qua đời, các triết gia Đức như Max Scheler, Karl Jaspers và Martin Heidegger đã dốc sức vào món nợ của Nietzsche, cùng với các triết gia Pháp như Albert Camus, Jacques Derrida và Michel Foucault, trong nỗ lực cứu con người ra khỏi tình cảnh mà triết lý Hiện sinh gọi là “bị ném vào thế giới” nghĩa là bị bỏ rơi mặc cho định mệnh hành hạ và không chế. Triết lý Hiện sinh, một trào lưu triết học và phê bình văn học đã khởi nguyên từ tư tưởng và triết thuyết của Nietzsche. Do đó, lịch sử của thế kỷ 20 về triết học, thần học và tâm lý học sẽ không thể hiểu được nếu không tìm về Nietzsche.

 Các nhà thần học như Paul Tillich và Lev Shestov thừa nhận đã được lời tuyên bố “Thượng đế đã chết” của Nietzsche soi đường. Martin Buber, một nhà tư tưởng Do thái giáo lớn nhất thế kỷ 20, đã xem triết học Nietzsche là một trong ba ảnh hưởng quan trọng nhất trong cuộc đời ông ta. Martin Buber đã dịch phần đầu cuốn “Also sprach Zarathustra” [Zarathustra đã nói như thế] ra tiếng Ba-lan. Các nhà tâm lý học như Alfred Adler, Carl Jung cũng đã chịu ảnh hưởng Nietzsche rất sâu xa. Sigmund Freud, nhà phân tâm học noi tiếng cũng đã nói về Nietzsche rằng, qua triết học Nietzsche, ông ta đã hiểu sâu được chính mình hơn. Các nhà viết tiểu thuyết như Thomas Mann, Hermaann Hesse, André Malraux, André Gide và John Garner cũng nhận cảm hứng từ Nietzsche và đã viết về Nietzsche. Các thi sĩ và các nhà soạn kịch như George Bernard Shaw, Rainer Maria Rilke, Stefan George và William Butler Yeats cũng thế. Như vậy Nietzsche là một trong những triết gia có ảnh hưởng lớn nhất thời đại. Sự kiện này không những chỉ bắt nguồn từ tư tưởng triết học của Nietzsche mà còn vì ông ta là một nhà văn lỗi lạc của ngôn ngữ Đức quốc.

Triết lý của Nietzsche được mệnh danh là triết học về Siêu Nhân [Ubermench, thường được dịch là “Superman”]. Khái niệm “Siêu Nhân” của Nietzsche được hiểu là một con người có khả năng vượt lên trên mọi giới hạn, mọi ràng buộc của đạo lý thường tình đã có từ bao nhiêu đời và do các tôn giáo đặt định ra. Nietzsche xem mọi lệ luật giáo điều đều là “nô lệ tinh thần”đặt trên căn bản ham muốn và đố kỵ, đó là thứ luân lý của những kẻ hèn yếu, đố kỵ và sợ hãi sức mạnh, sợ cả sự tự hào và tự quyết của bản thân. Theo Nietzsche, những thứ đạo lý thường tình mà thế gian đang theo chỉ ngấm ngầm làm suy yếu nghị lực nhân bản là sức mạnh để đưa con người đến chỗ vĩ đại nhất và hoàn thành những mục đích cao cả nhất. Chính những thứ thường tình này đã sinh ra bi kịch của nhân loại “Die Geburt der Tragodie”(1872). Nietzsche tin rằng thời đại của các tôn giáo cổ truyền đã qua rồi “Gotzen-Dammerung” [Hoàng hôn của Thần tượng] (1889)

 

Câu nói thời danh gây chấn động của Nietzsche là “Thượng đế đã chết” trong tác phẩm nhan đề “Also sprach Zarathustra” [Ainsi parla Zarathustra - Thus spoke Zarathustra]. Vì “Thượng đế đã chết” cho nên cần phải đặt lại vấn đề đối với tất cả các giá trị, tái thẩm định các giá trị để đi đến một lý tưởng mới: “Ubermensch”. Nietzsche ca tụng “Der Wille zur Macht” [Ý chí đưa đến Sức mạnh, Walter Kaufmann dịch ra tiếng Mỹ là “The Will to Power”].

 

Der Wille zur Macht là cuốn sách do người chị của Nietzsche biên soạn dựa theo các ghi chép và bản thảo mà ông ta để lại sau khi chết, xuất bản năm 1901. Đây là tác phẩm mà Nguyễn Hữu Liêm đã chỉ biết bản dịch tiếng Anh, nhưng lại đưa ra để dẫn chứng và gán cho Nietzsche những điều mà sách này không nói tới.

 

Thật vậy, Nguyễn Hữu Liêm viết: “Nietzsche trong cuốn The Will to Power có nói tới cái tâm thức amor fati - cái bệnh tủi thân, cái lòng yêu số phận bi đát của mình. Cái bệnh amor fati của dân Việt khởi đi từ truyện Kiều và kéo dài cho đến ngày nay...”

 

- Trước hết, điều cần phải nói là Nietzsche không có tác phẩm nào mang tên là The Will to Power mà chỉ có cuốn “Der Wille zur Macht”dịch ra Việt ngữ là “Ý chí đưa đến Sức mạnh hay Quyền Lực”. Nguyễn Hữu Liêm dùng The Will to Power mà không nói là bản dịch Anh ngữ cũng không chú thêm tiếng Việt cho người đọc, như vậy là không đúng phép tắc.

 

- Thứ hai, trong Der Wille zur Macht của Nietzsche không đề cập đến cái mà Nguyễn Hữu Liêm gọi là “tâm thức amor fati”. Và tệ hại hơn nữa, là Nguyễn Hữu Liêm đã gán cho chủ trương Amor Fati của Nietzsche một nội dung hoàn toàn trái ngược cả ý nghĩa lẫn chủ trương.

 

-Thứ ba, nội dung của Der Wille zur Macht chỉ có phần mở đầu nói về cái vĩ đại. Cái Vĩ đại chỉ có hai thái độ hoặc là im lặng hoặc chỉ nói với tính chất vĩ đại mà thôi. Tính chất vĩ đại theo Nietzsche, đó là sự ra ngoài quy ước đạo lý [Zyniker / cynic] và với tính hồn nhiên.

 

Nietzsche viết “Cái mà tôi nói đến là lịch sử của hai thế kỷ sắp tới. Tôi mô tả những gì đang đến, những gì không thể xảy ra một cách nào khác: đó là sự xuất hiện của chủ nghĩa Hư vô [ die Ankunft der Nihilismus]. Toàn thể văn hóa Âu châu sẽ di chuyển về nơi tan rã.

 

“Người đang nói ở đây cũng chẳng làm được gì hơn, ngoài việc trầm tư: như một triết gia vốn dĩ cô đơn từ bản năng, đã tìm thấy lợi thế bằng cách đứng bên lề và bên ngoài...” Nietzsche đặt vấn đề: “tại sao sự xuất hiện của chủ nghĩa Hư vô lại trở thành tất yếu? Vì những hệ thống giá trị mà chúng ta đang có từ trước đến nay đã đưa đến những hậu quả chung cuộc; vì hư vô chủ nghĩa đại diện cho kết luận hợp lý sau cùng của những giá trị vĩ đại và các lý tưởng - vì chúng ta phải kinh qua hư vô chủ nghĩa trước khi

chúng ta có thể tìm ra cái giá trị nào, trong số những giá trị này, là giá trị đích thực. Đôi khi chúng ta đòi hỏi những giá trị mới”.

 

Der Wille zur Macht nói về Chủ nghĩa Hư vô. Nietzsche khẳng định không phải nỗi đau khổ xã hội (dù là tâm lý, thể lý hay trí tuệ) là nguyên ủy tạo nên chủ nghĩa hư vô. Hư vô bắt nguồn từ sự cáo chung của Thiên chúa giáo, vì cuộc sinh tồn của thế giới không thể giải thích theo quan điểm Thiên Chúa giáo nữa. Sự bật ngược từ chỗ “Thượng đế là chân lý” đến niềm tin cực đoan “Tất cả đều giả tướng”, “Tất cả đều vô nghĩa”. Như vậy, trong Der Wille zur Macht không có “cái bệnh tủi thân amor fati” mà Nguyễn Hữu Liêm đã đưa ra.

 

Ý Nghĩa Đích Thực Của Amor Fati.-

Về ngôn ngữ, “amor fati” là “tình yêu dành cho số phận hay định mệnh của mình” tiếng Anh tạm dịch là “Love of your fate”. Nội dung của thành ngữ “amor fati” không liên quan gì đến “cái bệnh tủi thân, cái lòng yêu số phận bi đát của mình” như Nguyễn Hữu Liêm đã hiểu. Amor Fati của Nietzsche làm tôi liên tưởng đến mấy câu thơ của Alfred de Vigny trong bài “La Mort du Loup” [Cái chết của con chó sói]:

“Gémir, pleurer, prier, est également lâche.

Fais énergiquement ta long et lourde tâche

Dans la voie où le sort a voulu t'appeler

Puis, après, comme moi, souffre et meurs sans parler” (câu 13-16)

[Rên rỉ, khóc than, cầu nguyện đều là hèn nhát

Hãy kiên cường làm cái nhiệm vụ lâu dài và nặng nề

Trên con đường mà số phận đã muốn gọi

Rồi, sau đó, hãy như ta, chịu đựng và ra đi không nói một lời.]

 

Về triết học, Nietzche đã xem “amor fati” như là một “công thức về sự vĩ đại của con người”. Ông không hề nói “số phận bi đát” như Nguyễn Hữu Liêm đã gán cho amor fati của Nietzsche. AMOR FATI! “Yêu lấy định mệnh của mình” là thái độ của Siêu Nhân chấp nhận cuộc đời với tất cả những gì nó chứa đựng cả đau khổ lẫn hạnh phúc, hoan lạc. Đó là hành động ôm chặt lấy cuộc đời với tất cả đam mê của một chiến sĩ tâm linh. Nietzsche hoàn toàn tin vào sức mạnh toàn năng và vô hạn của Lý trí và Trí tuệ. Amor Fati không phải là lối sống thụ động đối với những hậu quả của cuộc đời, mà chính là dấn thân vào cuộc thách đố với những gì mà đời đang đem lại. Theo Nietzsche, khi con người “Yêu định mệnh của mình” thì nó vượt thoát hết mọi ràng buộc và giới hạn của cuộc đời: Tự do của con người nằm trong sự ưa thích cái đang hiện hữu và cái đã hiện hữu cùng với sự lựa chọn và yêu quý nó như thể là không có cái gì tốt hơn để ta mong muốn. Amor Fati của Nietzsche là nguồn cảm hứng cho một số triết gia hiện sinh Đức như Heidegger và Jaspers với chủ trương sống là lựa chọn giữa những khả thể hiện hữu của cả quá khứ, hiện tại và vị lai. Sự chọn lựa hiện sinh là vô hạn và bình đẳng.

 Tóm lại:

Nguyễn Hữu Liêm đã không hiểu được ý nghĩa của thành ngữ “amor fati” gốc tiếng La-tinh nên đã phạm một sai lầm lớn về kiến thức. Đây là một sai lầm do khả năng lãnh hội yếu kém.

 

Có lẽ vì không hiểu rõ triết lý của Nietzsche, nên Nguyễn Hữu Liêm đem “công thức amor fati” diễn giải thành “cái bệnh tủi thân” rồi gán cho dân tộc Việt Nam. Nguyễn Hữu Liêm viết: “Cái bệnh amor fati của dân Việt khởi đi từ truyện Kiều và kéo dài cho đến ngày nay...” Ở đây, Nguyễn Hữu Liêm đã bộc lộ những yếu kém về kiến thức triết học cũng như văn học.

 

Thật vậy, nhìn chung, đa số dân Việt không hề có được cái “amor fati” của Nietzsche, vì nếu có được tâm trạng này thì người Việt đã trở thành Siêu nhân, không “tủi thân”, không chỉ “ngồi xuống vỉa hè, che mặt và lau nước mắt...” như NHL mô tả nữa. Ở đây, còn thêm một điều lố bịch nữa, đó là, Nguyễn Hữu Liêm chỉ áp dụng cái bệnh tủi than

cho “dân Việt” miền Nam thôi: Cái bệnh amor fati của dân Việt khởi đi từ truyện Kiều và kéo dài cho đến ngày nay. Từ Kiều qua nhạc Chàm, qua nhạc Huế, qua vọng cổ, qua nhạc bolero đã làm cho miền Nam ngồi xuống vỉa hè, che mặt và lau nước mắt...” Thế miền Bắc Xã hội chủ nghĩa của Hồ chí Minh, Lê Duẫn, Trường Chinh...không thuộc dân Nga và Tàu hay sao?

 

Về Văn Học Việt Nam:

Khẳng định rằng “cái bệnh tủi thân của dân Việt khởi đi từ truyện Kiều” chứng tỏ Nguyễn Hữu Liêm chỉ hiểu truyện Kiều ở trình độ lớp 9 mà thôi. Nguyễn Hữu Liêm không nhìn thấy được sự phấn đấu với hoàn cảnh và sự phản kháng định mệnh của nàng Kiều qua câu truyện, thật đáng tiếc cho một người làm thầy dạy Triết. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du đã khẳng định rằng: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” thế thì sao gọi là an phận? Kiều đã hơn hai lần quyết chí vượt khỏi hoàn cảnh: một lần “Sẵn dao tay áo tức thì dỡ ra” định tự tử khi biết mình bị lừa vào lầu xanh; lần thứ hai, quyết định đi theo Sở Khanh để thoát cảnh giam cầm tại lầu Ngưng Bích; lần thứ ba, đêm khuya, một mình thân gái, Kiều liều mạng

“Cất mình qua ngọn tường hoa,

lần đường theo bóng trăng tà về tây...”

Kiều leo qua tường chạy trốn để thoát khỏi “nanh vuốt” và sự nham hiểm của Hoạn Thư...

“Thân ta, ta phải lo âu,

Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này!

Ví chăng chắp cánh cao bay!

Rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa! (2015-2018)

Cả ba lần vượt thoát đều thất bại, Kiều mới chấp nhận định mệnh một cách miễn cưỡng:

“Biết thân chạy chẳng khỏi trời

Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh” (câu 2163-2164).

Xin nêu ra một vài dẫn chứng cụ thể để Nguyễn Hữu Liêm suy gẫm lại về những hiểu biết của mình về Truyện Kiều.

Về Thái Độ Của Người Học Triết.-

 

Triết học là một hành trình đi tìm chân lý cùng tột của sự vật. Người học triết xuất hiện như một kẻ trầm tư suy nghĩ, tiếp nhận, phân tích các sự việc xảy ra trong thời gian và không gian với một thái độ khiêm cung, từ tốn và cởi mở. Thái độ triết học không cho phép sử dụng những thuật ngữ triết học mà không giải thích, chẳng hạn “âm nhạc là logos của tâm thức”. Viết là viết cho người khác đọc, độc giả báo Văn không phải toàn là sinh viên lớp triết ở San Jose City College, làm sao ai hiểu được ông Liêm muốn nói gì? Là một người học triết và đang dạy triết (dù là giáo sư, là phụ giảng hay trợ giáo) đều cần phải tỏ ra có tư cách một nhà giáo, nghĩa là không được phép có thái độ trịch thượng, thiếu lễ độ, những ngôn ngữ của “phường đá cá lăn dưa” Thế mà, trong bài “Cái Âm Diệu Tủi Thân Bi Đát” Nguyễn Hữu Liêm đã sử dụng tối đa loại ngôn ngữ “đầu đường xó chợ này” một cách hằn học đối với đích danh các nữ ca sĩ lớn tuổi bậc chị Khánh Ly, Khánh Hà... Xin trích dẫn một vài thí dụ về ngôn từ của Nguyễn Hữu Liêm:

 

Nói về Khánh Hà, NHL viết “Cái nồng độ nức nở này như là một thứ trade-mark, một gia vị đặc thù, một thứ nước dừa ngọt ngầy ngậy mà bất cứ món ăn nào cô ca sĩ sưng môi này cũng cứ quậy lên không cần phân biệt.” Nói về Ý Lan, NHL viết: “Cũng một bản nhạc đó, mà khi Ý Lan hát lên thì thành ra tức tưởi, bi ai - và đặc biệt là tính đĩ. Hễ đến đoạn nào thay đổi âm khúc thì Ý Lan lắc lư cái đầu, nức nở hóa tiếng ngâm, khàn vô cổ họng cái tiếng lớ để gia tăng cái bi kịch của tính lẳng lơ nhưng đầy tang thương của tiếng hát”. Về cộng đồng tỵ nạn thích nghe Khánh Ly, Khánh Hà và Ý Lan hát, NHL viết: “Cái quần chúng lau nước mắt này bị lưu đày qua đất mới và tiếp tục uống nước dừa tang thương bằng âm nhạc.”

 

Văn tức là người. Qua những câu văn này, người ta có thể biết được bản chất của Nguyễn Hữu Liêm. Một người học triết mà không có thái độ triết học thì làm sao có thế

thấm nhuần triết lý để có thể truyền đạt cho kẻ khác?

 

Nghe Nguyễn Hữu Liêm “xoi tỳ, bới vết” của các nữ ca sĩ hải ngoại, nào là “ca sĩ sưng môi”, nào là “tính đĩ”, “tính lẳng lơ”... người ta không hiểu Nguyễn Hữu Liêm đi nghe nhạc, hay đi khảo sát đạo đức của các ca sĩ? NH.Liêm gán cho ca sĩ trình diễn “Tính đĩ” và “Tính lẳng lơ”, sự kiện này, theo phân tâm học, thì đó là do tâm thức ẩn ức tình dục của người xem, nên nhìn đâu cũng thấy khêu gợi ham muốn nhục dục cả. Vậy NHL không nên vạch áo cho người xem lưng qua những lời không đẹp đối với phái nữ.

 

Ngoài ra, Nguyễn Hữu Liêm đã đưa Khổng Tử và Socrates để hỗ trợ cho lập luận của ông ta về âm nhạc, nhưng Nguyễn Hữu Liêm lại không nhớ lời Khổng tử dạy về đạo làm người. Trong sách Luận Ngữ, Khổng tử đã nói với Tử Trương rằng: “Quân tử vô chúng quả, vô tiểu đại, vô cảm mạn: tư bất diệc thái nhi bất kiêu hồ. Quân tử chỉnh kỳ y quan, tôn kỳ chiêm thị, nghiễm nhiên nhơn vọng nhi úy chi: tư diệc bất oai nhi bất mãnh hồ” nghĩa là “Người đường hoàng, đúng đắn, đối với quần chúng chẳng luận là nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, chẳng hề dám khinh dể ai, như vậy chẳng phải là thư thái mà chẳng cần kiêu mạn hay sao? Người quân tử đội mũ ngay ngắn, y phục chỉnh tề, nhìn ngó một cách tôn nghiêm, sự oai nghi nghiễm nhiên mà co, khiến người trông vào mà kính nể, như vậy chẳng phải là uy nghiêm đằm thắm, chẳng cần phải tỏ ra hung dữ sao?” Nếu là người có uy thế thực sự, có đầy đủ kiến thức thì cần gì phải lớn lối, đằng đằng sát khí, trùng trùng sân mạn, lên tiếng thóa mạ “tha nhân”, dạy đời một cách thiếu lễ độ.

 

Để chấm dứt “chuyện chẳng đặng đừng” này, xin mạn phép nhắc thêm một câu của Khổng tử về đạo làm người : “Bất tri Mạng (mệnh) vô dĩ vi quân tử giã. Bất tri Lễ, vô dĩ lập giã. Bất tri Ngôn vô dĩ tri nhơn giã.” nghĩa là “Chẳng hiểu Mệnh Trời (số phận), chẳng đáng gọi là người quân tử. Chẳng biết Lễ độ (kính trên, nhường dưới, khiêm tốn, thật thà) thì không thể đứng ngang hàng với người được. Chẳng biết ý nghĩa trong lời nói, thỉ chẳng thể nào hiểu được người.”

 

Khổng tử còn đi xa hơn: “Xảo ngôn, lệnh sắc tiễn hỷ nhân”: dùng lời nói xảo quyệt, lừa mị, tô điểm nhan sắc giả tạo, đều là xa rời đức nhân”, vì về phương diện đạo lý hai hành vi trên đều là sự lừa dối người khác.

Trích Đàn Chim Việt