nqt



 

Khai Bút Đầu Năm: Đi Là Đến. Vượt Biên Là Về Nhà.

 Có thể mượn huyền thoại Cá Vượt Vũ Môn để diễn tả tinh thần tập tiểu luận “Step Across This Line”, [bản bìa mỏng, nhà xb Modern Library Paperback, Random House, 2003],  của nhà văn gốc Ấn Độ, Salman Rushdie, và đây còn là tựa đề của phần Bốn, của cuốn sách, gồm những bài nói chuyện [The Tanner Lectures] về Giá trị Nhân Văn, Human Values, tại đại học Yale, 2002. 

  Hãy bước qua lằn ranh này. 

  Lằn ranh, là “vũ môn”, [the water’s edge, chữ của Rushdie]. Lằn ranh đầu tiên, và thời điểm đầu tiên, khi một sinh vật từ dưới biển nhoi lên vượt qua biên giới đó, và nhận ra một điều, có thể thở được ở phiá bên này, hay bên trên mặt nước. Trước đó, chắc chắn là đã có biết bao sinh vật làm cú vượt như vậy, và đều rớt xuống trở lại, đau đớn, hay ngạt thở, và chết…. Chúng ta cứ thử tưởng tượng đã có bao nhiêu tiền-sinh vật [proto-creatures] làm cú thử đó, kể từ khi khai thiên lập địa? Liệu chăng, khi chúng làm như vậy, là do đã…  chán vị mặn của nước? Sống ở dưới nước mãi như thế, tới một ngày, phổi của chúng phát triển, và chúng mơ hồ nhận ra rằng, có một nơi chốn khác, thích hợp hơn, thú vị hơn cho lồng phổi đó? Cái gì thúc đẩy khiến chúng phớt lờ bản năng muốn sống [the survival instinct]? 

  Nhưng điều này mới thật là quan trọng: những tiền sinh vật như thế đó, tổ tiên của mọi loài trên thế gian này, chúng không có những “động cơ” [motives], theo nghĩa chúng ta hiểu về từ này. Biển chẳng quyến rũ, mà cũng chăng làm chúng thất vọng. Chúng cũng không có “trực giác mơ hồ” như trên, nhưng bị xô đẩy bởi những đòi hỏi, những mệnh lệnh ẩn giấu ở những mật mã di truyền của từng loài. Chẳng có chuyện “mày có dám không?”, hay chủ nghĩa anh hùng, óc phiêu lưu mạo hiểm. Chúng cũng chẳng mơ chuyện đi du lịch từ biển lên cạn, vì tò mò, hay cần việc làm! Cũng chẳng có chuyện tị nạn chính trị! Như các nhà khoa học nói, chỉ là chuyện tình cờ về biến đổi [random mutation], một chọn lọc có tính tự nhiên [natural selection]. Như một cơ may [a chance] chúng vượt…  vũ môn, hóa thành rồng! 

  Một cách nào đó, chúng ta là như vậy. Chuyện vào đời của chúng ta phản ánh cú vượt vũ môn, bước qua biên giới của những phần tử. Như những sinh vật đầu tiên từ bỏ biển cả: Lọt lòng mẹ, chúng ta bỏ lại đằng sau thế giới nước ở trong bụng mẹ [the waterworld] đó, để trở thành những sinh vật của đất trời [denizens of earth and air]. Đâu có chi là lạ lùng, chuyện, sức tưởng tượng dám thách đố, ngạo mạn khoa học, và  nhìn ra ở cú vượt vũ môn đó, ước muốn thay đổi thế giới của nó. Cùng một ước muốn như vậy, Columbus rong thuyền tới tận mép địa cầu và tìm ra tân thế giới. Hình ảnh phi hành gia Amstrong bước những bước chân đầu tiên trên mặt trăng dội lên những chuyển động đầu tiên của “sinh vật của đất trời”. Trong sâu thẳm tận cùng bản chất, chúng ta là những sinh vật vượt biên cương, bước qua lằn ranh, vượt vũ môn. Chúng ta biết điều này qua những câu chuyện chúng ta kể cho nhau nghe; bởi vì chúng ta còn là loài kể chuyện. 

 Có một câu chuyện về một thiếu nữ cá từ bỏ cái đuôi của mình, “chấm dứt luân hồi”, bước vào thế giới loài người, vì tình yêu của một người đàn ông.

 Liệu chăng, chúng ta ra khỏi thế giới nước, là vì tình yêu?

 Câu chuyện cổ tích sau đây, 'Hội nghị Chim', theo Rushdie, do nhà thơ hồi giáo Sufi Muslim, Fariduddin Atar kể. 

Ngày xửa ngày xưa, một con chim thần, the Simurgh, cho một con chim sứ giả bay đi loan báo khắp nơi, yêu cầu trăm loài chim tới tụ họp tại ngôi nhà thần kỳ, huyền hoặc của mình ở trên đỉnh ngọn núi cao Qâf bao trùm mặt đất. Trăm loài chim không quen với ý nghĩ về một chuyến đi nguy hiểm, và cũng vô ích như vậy, nên viện lý do này, hay nọ, để từ chối. Sau cùng chỉ có 36 con chim tham dự chuyến đi. Một hành động có tính cách tông giáo. Một cuộc phiêu lưu thần thánh.  Cũng là tìm tình yêu, như nữ nhân ngư ở trên, nhưng không phải tình yêu của một người đàn ông, mà là một tình yêu dành cho một vị chúa tể, một vị Thượng Đế. Trong chuyến đi, biết bao gian khổ, bao thử thách đều được vượt qua, và đặc biệt mọi biên cương, mọi lằn ranh đều bị bỏ lại ở phía sau, mọi giới hạn của sự sợ hãi đều bị đánh bại… và cuối cùng tới được đỉnh núi, tới được căn nhà thần kỳ, và khám phá ra rằng chẳng có một ai. Chim thần Simurgh không có đó. Sau bao gian truân như vậy, thật là một bất ngờ không chờ đợi và thật mất vui. Tới lúc đó, con chim sứ giả mới giải thích, làm gì có chim thần Simurgh. Bí mật của từ Simurgh là ý nghĩa của chuyến đi: Bẻ đôi chữ “simurgh”, “si” có nghĩa là “khát”, còn “murgh” có nghĩa là “chim”.

Như vậy, bằng vượt “những” lằn ranh, chúng là “cái” mà chúng tìm. Chúng trở thành vị thần chim mà chúng tìm kiếm. 

 Câu chuyện sau đây, là tóm tắt chuyện khoa học viễn tưởng, 'The Making of the Representative fot the Planet 8', của nhà văn Doris Lessing. Ngày xửa ngày xưa, 'lâu lắm rồi'..... có một hành tinh đang trên đà bị huỷ diệt, do khối băng từ phía cực của nó cứ thế nở mãi ra. Tất cả những nền văn minh trên thế giới đó không làm sao chặn được bước tiến của nó. Vào những ngày giờ cuối cùng, nhân loại trên hành tinh kia bèn tụ họp, bầu ra một ban đại diện, ban đại diện này sẽ thực hiện một chuyến vượt qua băng, tới mép bờ bên kia của hành tinh, báo tin dữ, và cũng để gìn chút xíu loài người còn sót lại đó. Trên đường đi, đám người này nhận ra một điều, để sống sót, họ bắt buộc thay đổi: Những cá nhân đó, phải nhập thành một tập thể, cái nhất thể tập thể, this collective entity, hay là Ban Đại Diện, the Representative, là cái điểm tới. Chính chuyến đi, do nhu cầu phải thay đổi để sống sót, đã tạo ra nó: Chúng ta trở thành những biên cương mà chúng ta vượt qua. 

Cuốn sách của Doris Lessing được gợi hứng từ chuyến thám hiểm Nam cực của Scott. Theo giai thoại, đại uý Scott bị thổ dân Hawaii giết. Ông lạc vào đảo đúng vào mùa mà thổ dân tin rằng, đây là thần nhân đem tốt lành đến cho họ.Và ông được đón tiếp, cung phụng như một vị thần. Sau đó, ông dong buồm đi tiếp, nhưng bão tố đẩy ông trở lại, vào đúng mùa mà thổ dân tin, đây là quỉ dữ mang điềm xấu tới. Và họ đem ông ra làm thịt cùng với những tuỳ tùng. 

Doris Lessing tin ở tính thần bí của tư tưởng hồi giáo Sufi, và bà coi chuyến đi của Scott thuộc những chuyến đi mà chính nó là mục đích của nó. Cuộc tìm kiếm Chim Thần là Chim Thần, tìm kiếm Grail là Grail... Trong một bài thơ nhan đề "Ithaka", thi sĩ C.P. Cavafi đưa ra giả dụ: "Điểm tới của Odyssey là Odyssey": 

Đi Là Đến  Vượt  Biên Là Về Nhà 

Setting out on the voyage to Ithaka    
you must pray that the way be long,
Full of adventures and experiences   
 Be quite old when you anchor at the island,       
Rich with all you have gained on the way, 
Not expecting Ithaka to give you riches.  
Ithaka has given you your lovely journey        
Without Ithaka you would not have set out.
Ithaka has no more to give you now       
 
Poor though you find it, Ithaka has not cheated you.
Wise as you have become, with all your experience,
You will have understood the meaning of an Ithaka.

Ra khơi một chuyến nhắm Ithaka
Hãy cầu nguyện, chuyến đi sẽ thật dài,
Đầy phiêu lưu, đầy kinh nghiệm.
Ôi sướng làm sao, khi già, 'bèn' hạ neo tại đảo Ithaka.
Túi chật cứng những mùa gặt trên đường.
Đâu có chờ mong, rằng Ithaka sẽ làm cho ta trở nên giầu có.
Ôi Ithaka, cám ơn mi về chuyến đi tuyệt vời.
Không có mi, làm sao ta ra khơi?
Vậy là đủ, mi đâu cho ta gì, vào lúc này.
Ithaka đâu có lừa gạt chi ta, cho dù mi nghèo nàn tới cỡ đó.
Khi ra khơi, ta mới là một kẻ nghèo nàn.
Nhờ mi, ta khôn ngoan, sau biết bao kinh nghiệm.
 Bây giờ ta hiểu được, Ithaka nghĩa là gì.

 NQT

Chú thích: Ithaka, hay Ithaca là quê hương của Ulysses, trong hùng ca của Homer.