Về Nguyễn Tuân
BA BÀI VIẾT NGẮN
& MỘT PHÁC THẢO CHÂN DUNG
Vương
Trí Nhàn
Nhân
kỷ niệm một trăm năm
ngày sinh Nguyễn Tuân (10-7-1910 ̶ 10-7-2010), xin
kính trình bạn
đọc Viet-studies ba bài viết ngắn và một phác thảo chân dung nhà văn.
Các bài
khác của chúng tôi vè tác giả này đã in rải rác trong các tập sách Một
số nhà
văn VN hôm nay với Hà Nội, Chuyện cũ văn chương, Nhà văn tiền chiến
& quá
trình hiện đại hóa văn học, Phê bình & tiểu luận…
Huyền
thoại một thời
Theo
kiểu Hemingway
Cùng
với sự phát triển của
các phương tiện thông tin đại chúng, sự tiếp nhận văn chương của con
người thời
nay so với người xưa có thêm những phương tiện mới: nếu muốn , họ có
thể đồng
thời vừa đọc sách một nhà văn, vừa biết rất rõ về nhà văn ấy. Con người
tác giả
không còn là một yếu tố trung tính và càng không được thông tin càng
tốt. Ngược
lại, con người tác giả cũng phải tham gia vào quá trình chinh phục bạn
đọc. Ví
như Hemingway chẳng hạn. Sinh thời, ông là một cá nhân được gần như cả
xã hội
để ý theo dõi. Những cá tính kỳ lạ của ông, khả năng cô độc, khả năng
dai dẳng
ngồi xem đấu bò, đi săn, đi câu giữa đại dương v.v… những cái đó được
người ta
săn tìm truyền tụng đồn thổi bàn tán, không kém gì tác phẩm của ông. Có
người
bảo rằng Hemingway không vô tư trong việc này. Dường như ông cố ý trình
ra
trước xã hội một con người nhà văn như ông muốn. Ông hiểu rằng những
giai thoại
kia giúp cho ông đến với độc giả thêm nhanh chóng, thuận lợi.
Khỏi
phải nói, ai cũng biết
việc tự giới thiệu như thế không phù hợp với thói quen của các nhà văn
lẫn bạn
đọc ở Việt Nam.
Chúng ta thường bảo nhau rằng phương tiện tốt nhất và gần như duy nhất
để nhà
văn đến với bạn đọc là tác phẩm. Trong khi cuốn truyện, bài thơ làm
việc, con
người nhà văn càng không dây dưa vào đấy càng tốt.
Ấy
thế nhưng trong Văn học
Việt Nam
hiện đại cũng đã có một nhà văn dựng tạo sự nghiệp của mình theo kiểu
Hemingway
nói trên. Trong khoảng gần năm chục năm cầm bút ông đã tạo nên quanh
mình cả
núi giai thoại, chính những giai thoại nửa thật nửa bịa đó là một chất
dẫn
truyền rất tốt để tác phẩm của ông có thêm cái lung linh mà người đọc
phải cố
tìm biết.
Nhà
văn đó là Nguyễn Tuân.
Thích
ứng theo hoàn cảnh
Theo
một số nhà văn đương
thời kể lại thì trước Cách mạng , ngay từ khi chưa viết Vang bóng một
thời,
Nguyễn Tuân đã nổi tiếng trong giới làm văn làm báo như một người chơi
ngông,
tiêu tiền như rác, hết sức khinh bạc nói chung là có
những cách ứng xử vượt lên mọi quy
cách thông thường.
Không
có gì lạ khi thấy trong
văn xuôi, những khía cạnh đó của con người chàng Nguyễn vẫn được giữ
nguyên,
thậm chí được tô đậm lên ít chút. Nhà văn công khai lấy chuyện riêng
của mình
ra để viết. Đôi khi ông có đội cho nhân vật một cái tên họ khác đi thì
cũng chỉ
là một sự thay hình đổi lốt sơ sài, lộ liễu. Sự tò mò không bớt đi mà
chỉ càng
được khơi thêm mạnh mẽ. Đọc ông, trong tâm trí bạn đọc luôn luôn dậy
lên những
thắc mắc, không biết giữa ông với những Bạch, Nguyễn, những kẻ xưng tôi
trong
các tùy bút, có mối quan hệ như thế nào. Vậy là sự tiếp xúc của ông với
bạn đọc
đã hình thành. Nó làm cho người ta cứ phải nấn ná giữa các trang sách
để từ đó,
khi đã đọc Nguyễn Tuân một cách kỹ lưỡng, sẽ bắt gặp một con người nữa,
con
người tha thiết với đời mà cũng là con người nhân hậu, tự trọng, hết
lòng cùng
nghề nghiệp, biết gắn bó với vẻ đẹp trong truyền thống nghệ thuật của
ông cha
bằng một óc thẩm mỹ độc đáo. Cái tầng
thứ hai này, cố nhiên, sẽ là lý do để người ta yêu
thích ông lâu dài.
Nhưng nếu không có cái tầng thứ nhất với cả những trò chơi trội độc đáo
của
chàng Nguyễn thì không chắc ngay từ đầu tác phẩm của ông có được sức
cuốn hút
như nó đã có. Xét về tác dụng, huyền thoại mà ông góp phần tạo ra không
thừa,
mà như nghề y cổ truyền, nó là một thứ thang để “dẫn” thuốc cho con
người.
So với
quãng đời trước Cách
mạng, thì từ sau 1945, cuộc sống riêng của tác giả diễn ra theo một
phương
hướng khác hẳn. Cũng như tất cả các đồng nghiệp khác, nhà văn Nguyễn
Tuân từ đó
có thêm một tư cách mới: tư cách chiến sĩ. Con đường để ông đến với bạn
đọc
thường khi là con đường thẳng, không khuất khúc như xưa. Nhưng đó là
trên đại
thể. Nhìn kỹ thì thấy, cách tồn tại của Nguyễn Tuân trong văn học vẫn
có chút
gì khác thường và trong việc đưa tác phẩm của ông đến với bạn đọc, con
người
ông vẫn có một vai trò như không hề thấy ở các nhà văn cùng thời. Hãy
chỉ nói
tới một thời điểm rõ nhất: 20 năm cuối đời ông. Lúc này, tên tuổi
Nguyễn Tuân
vẫn được nhiều người truyền tụng. Đại khái, người ta hay rỉ tai nhau
rằng đấy
là một ngòi bút ngang bướng, sẵn sàng nói ra những câu chướng tai,
thích tự do
cá nhân. và giữa thời chiến mà còn khư khư giữ lấy nhiều nếp sinh hoạt
cầu kỳ,
xa lạ. Không chỉ những người trong giới văn chương mà cả những người
thuộc các
tầng lớp xã hội khác không liên quan lắm với văn chương, cũng biết về
ông như
vậy. Và người ta lại tìm đọc ông để vừa thưởng thức văn tài, vừa cảnh
giác dò
tìm những chỗ ngang ngạnh của ngòi bút. Thế là một lần nữa, Nguyễn Tuân
lại
“ghi điểm”. Xét trên một phương diện nào đó thì sự tò mò mà ông gợi ra
(trong
đó cái sai xen lẫn cái đúng) đã giúp rất
nhiều vào việc phổ biến những bài ký viết về phi công Mỹ và nhiều loại
đề tài
khác mà Nguyễn Tuân cho in những năm cuối đời. Nhờ vậy, điều ông viết
ra (tội
ác và sự kém cỏi của địch, thế mạnh, thế tất thắng của ta) – những cái
đó lại
đến với người đọc sâu sắc hơn. Nếu không ngại dùng chữ huyền thoại thì
có thể
bảo là cho đến lúc nhắm mắt, Nguyễn Tuân luôn luôn tạo được huyền thoại
về
mình, huyền thoại ấy lần này giúp ông làm tròn sứ mệnh một chiến sĩ,
một cán bộ
viết văn mà ông đã tự nguyện mang tất cả tài năng và tâm huyết để thực
hiện. Từ
chỗ là một ngòi bút cô độc (như hai câu thơ cổ ông dùng làm đề từ cho
bài ký
Sông Đà: Chúng thủy giai đông tẩu - Đà giang độc bắc lưu – mọi con sông
đều chảy
ra biển đông, chỉ riêng sông Đà chảy ngược lên phía bắc), ông đã trở
thành một
nhà văn của mọi người như những câu được viết trong sổ tang ông ngày
ông nằm
xuống ba năm về trước.
Vang
bóng một thời
Tìm
hiểu cuộc đời Nguyễn Tuân
chắc nhiều người không thể quên một chi tiết: ngay từ khi chưa đầy 30
tuổi,
người tài tử ấy đã mấy phen ngồi uống rượu ngang ngửa với ông thần
ngông Tản
Đà. Vậy là sự già dặn đến với ông ngay từ lúc trẻ. Chắc chắn, sự già
dặn ấy đã
giúp ông có được cái định hướng độc đáo trong việc tổ chức đời sống của
mình mà
việc tạo huyền thoại, sống trong huyền thoại nói trên, là một ví dụ.
Nay
thì cùng với Nguyễn, tất
cả đã trở thành quá khứ. Trong khi những đứa con tinh thần thật sự của
tác giả,
những Một chuyến đi, Chiếc lư đồng mắt cua, Chùa đàn, Sông Đà, Chuyện
nghề v.v…
dần dần trở lại đúng các vị trí mà chúng phải có, thì những huyền thoại
không
còn giữ được vẻ thiêng liêng kỳ thú ngày nào. Đến với hiện tượng Nguyễn
Tuân
giờ đây, trong lòng không khỏi thoáng qua cảm tưởng thanh vắng y như
đến chùa
nhưng ngày hội đã hết, chỉ còn gác chuông, mái ngói và những pho tượng
trầm tư.
Ai người mau xúc động thấy thế lại còn muốn ngả sang vẻ ngậm ngùi nữa!
Họ quên
mất rằng khi đặt tên cho tác phẩm đầu tay của mình là Vang bóng một
thời,
Nguyễn Tuân đã tự chứng tỏ ông là người có một quan niệm chắc chắn về
thời
gian: thời gian làm nên những giới hạn cho mỗi đời người, song những ai
sống
hết lòng với cái thời của mình, người đó
coi như đã tìm được cách để đến với vĩnh viễn.
1990
-------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn
Tuân và sự độc đáo
trong văn chương
Ở
bất cứ phương diện nào của
nghệ thuật ngôn từ, ông cũng khéo léo đặt cái dấu ấn riêng của mình.
Trước thứ
văn bản “trộn không lẫn” ấy, các loại văn chương không dấu ấn riêng
hiện
ra như một thứ hạng
nhì, hạng ba.
Bước
đầu: từ bỏ
Lúc
mới viết, Nguyễn Tuân cho
“trình làng” một thứ văn chương nhang nhác như “xã hội ba đào ký” của
Nguyễn
Công Hoan, tức là đi vào khắc hoạ những nét kỳ cục buồn cười của chung
quanh.
Nhưng rồi đặt vào hoàn cảnh thị trường văn chương đang hình thành, ông
cảm thấy
không ổn. Phải tìm ra được “mặt hàng riêng” của mình. Có vẻ như ở đây
người ta
phải dám chơi một tiếng bạc “được ăn cả ngã về không”. Và Nguyễn Tuan
đã chấp
nhận. Cái cách viết mới le lói hình thành qua vài bài in trên Đông
Dương tạp
chí của Nguyễn Giang bị ông từ bỏ. Một cuộc phiêu lưu bắt đầu, Nguyễn
Tuân “xăm
xăm băng lối vườn khuya một mình” đi vào con đường độc đạo chưa ai đặt
chân.
Lấy
bản thân làm tài liệu
Mọi
người dễ nhận ra khi đọc
Nguyễn Tuân là ông chỉ viết về chính những gì ông đã sống. Trong khi ở
một số
người cầm bút đương thời có hiện tượng “sống một đằng viết một nẻo” thì
ông
mang chuỗi ngày quý báu của mình đang thể nghiệm vào luôn các trang
viết. Đọc
những bài trong Tuỳ bút I, Tuỳ bút II, Nguyễn... người ta không những
biết ông
gia cảnh thế này, dòng dõi thế kia, mà còn được biết thói quen hút
thuốc và đọc
sách của ông, ý thích lang thang trên các đường phố Hà Nội của ông,
thậm chí
còn được biết ông làm thêm một cái nhà, hoặc đi dự một đám cưới ra sao.
Phải
nói đây là cả một hướng
đi bạo. Ngay ở phương Tây, từ thế kỷ XIX về trước, lối viết đi vào xây
dựng
hình ảnh bản thân đã bị lên án. Pascal từng bảo: “Cái tôi thật đáng
ghét”. Đối
chiếu với thói quen giao tiếp của người phương Đông thì cái cách nói về
bản
thân không biết mệt ấy lại càng khó coi. Nguyễn Tuân lại tình nguyện đi
vào
vùng cấm ấy có phải vì những ý nghĩ thường trực sau:
-
Trong tất cả sự độc đáo
trên đời, chỉ có sự độc đáo của mỗi cá nhân là bền vững nhất, chắc chắn
nhất.
-
Chỗ giống nhau của tất cả
chúng ta là chẳng ai giống ai hết.
-
Vậy cách tốt nhất trong
giao tiếp là cứ hiện đúng như mình vốn có, biết đâu nhờ đó lại tạo nên
sự đồng
cảm.
Montaigne
chắc không thể ngờ
là cái câu ông viết trong Tiểu luận “Tôi chính là chất liệu cho sách
của tôi”
lại được một nhà văn nước Việt thực hiện một cách trọn vẹn.
Một chút quá đáng
Trên
cái hướng lớn là khai
thác bản thân, một động tác nữa được thực hiện để tạo nên vẻ độc đáo
của văn
chương Nguyễn Tuân, đó là ông luôn tìm cách tô đậm những gì khác người
nơi
mình. Trên các trang viết, con người tác giả thường hiện ra đầy thách
thức. Ai
kia quen sống theo khuôn khổ, hẳn không thể thích cách sống ngang tàng
không
chịu ràng buộc của ông. Trong sự chung sống, nếu như người đời thường
trọng sự
khoan hoà nhân ái, thì ông sẵn sàng “lượm những hòn đá thực to ném lung
tung,
bất kể là trúng đích hay trật sang bên cạnh” (Đôi tri kỷ gượng). Cho
đến lời lẽ
hàng ngày của Nguyễn, theo chính ông miêu tả, thường cũng “lủng ca lủng
củng
dấm dẳng cứ như đâm vào họng”. Những người có quen biết ông Nguyễn đều
biết
rằng, thực ra, ở đây tác giả có phần thậm xưng. Đọc kỹ văn của Nguyễn
Tuân,
người ta nhận ra ông không chỉ ích kỷ, mà còn biết lo cho mọi người; có
lúc rất
khinh bạc, nhưng có lúc lại đôn hậu biết điều. Nói chung, phải nhận đó
là một con
người khả ái, bởi ý thức phục thiện và những tinh tế trong đối xử.
Nhưng Nguyễn
Tuân lại cứ thuận miệng mà tố mình lên như vậy là vì ông muốn tạo ra
cho trang
viết một hiệu quả nghệ thuật cần thiết. Và sự hấp dẫn của văn ông là sự
hấp dẫn
của kẻ làm xiếc, kẻ đi trên bờ vực. Theo dõi lời lẽ, cử chỉ của kẻ
thường tỏ ra
khác đời ấy, người bình thường không khỏi nhiều phen kinh sợ, nhưng rồi
ra, lại
được thở phào nhẹ nhõm. Và lúc tới được với con người đích thực nơi
ông, cũng
là lúc người ta hết lời cảm phục.
Độc đáo để thành thực
“Lúc
mới giao thiệp loàng
xoàng với chung quanh, người ta đã không chịu được chàng rồi. Bây giờ
Nguyễn
lại làm sách để ghi lại những cái lố bịch mà sự chung đụng mỗi ngày
càng vạch
rõ thêm, người ta lại càng không thể tha thứ cho chàng được nữa” (Đôi
tri kỷ
gượng).
Trong
lời tự nhận xét trên,
Nguyễn Tuân đã nhìn thấy một sự thực: ở xứ sở này, sự độc đáo trong văn
chương
dường như là chuyện hai lần vô lễ, chung quanh không bao giờ chấp nhận.
Câu hỏi
đặt ra: tại sao ông Nguyễn vẫn xé rào mà đi và cuối cùng lại được kính
trọng? Ở
đây, câu trả lời có liên quan đến một vấn đề cơ bản của nghệ thuật.
Mỗi
khi có dịp tiếp xúc với
bạn đọc, một số cây bút hạng nhì hay tỏ ý phân trần: trong tác phẩm tôi
viết,
tôi không thêm thắt bịa đặt gì cả. Tôi chỉ ghi chép sự thực như nó vốn
có. Ít
ra, tôi đã biết điều, tôi đã khiêm tốn! Khốn khổ, nếu như sự thật trong
nghệ
thuật là cái chuyện bất cứ người trần mắt thịt nào cũng nhìn thấy, thì
các tài
năng làm gì còn có lý do mà tồn tại?! Không, cái gọi là sự thực khách
quan ấy
thường nhàm chán, vô bổ. Ngược lại, cái sự thực mà người ta mong tìm
thấy ở tác
phẩm văn chương bao giờ cũng mang màu
sắc chủ quan của các nhà văn chân chính, nghĩa là chỉ nhà văn đó mới
nhìn ra,
mà những người khác không thể thấy. Nói gọn lại tức là: trong văn
chương, người
ta không độc đáo thì cũng không thể thành thực.
Không dễ bắt chước
Thấy
Nguyễn Tuân “chơi lối
độc tấu” được nhiều người mến mộ, không ít cây bút vỡ ra bài học về sự
độc đáo
và cũng có ý học theo, mà trước tiên là tô đậm cho cuộc sống và văn
chương mình
những vẻ khác đời. Có điều phần lớn những cây bút học đòi này thất bại:
sự độc
đáo trong văn chương ở họ, rút lại là một cái gì dang dở bất thành, cá
tính
hiện ra thành cá tật, đôi khi đọc chướng anh ách và đọc một lần là
người ta sợ,
không dám đọc tiếp.
Đến
được sự độc đáo trong văn
chương, Nguyễn Tuân dựa trên một căn bản văn hoá vững chắc; muốn học
cách khai
thác bản thân như Nguyễn Tuân, trước tiên phải có vốn liếng từng trải
thâm hậu
và bản năng làm người nhạy bén như ông Nguyễn - bằng không, tẩu hoả
nhập ma là
chuyện khó lòng tránh khỏi.
1994
-------------------------------------------------------------------------------
Sự
biến hoá của cái đẹp
Nguyễn
Tuân là người làm gì
cũng có một sự dụng công và chăm chú khác thường. Mỗi khi cần nói về
cái đẹp,
ông lại càng tỏ ra trịnh trọng, như đang phải làm một công việc thiêng
liêng.
Ông đã bàn tới cái đẹp trong mọi hoàn cảnh có thể: Khi phác hoạ một bức
tranh
thiên nhiên; khi bàn về nghệ thuật; khi bắt gặp một kiểu nhân vật, một
con
người, một hình dáng, một cách cư xử. Hồi viết Vang bóng một thời, ngay
trong
những đoạn miêu tả một vài hành động thông thường như việc người này
uống trà,
người kia làm một cái đèn cho con chơi, thậm chí tả một đám cướp dở, ôn
lại ít
ngón nghề trước khi vào việc, ông cũng mỹ lệ hoá hành động của chúng,
làm cho
những hành động ấy hiện ra hấp dẫn kỳ lạ, như là do các nghệ sĩ thực
hiện. Có
vẻ như nếu trên đời này, có một ngôi đền dành để phụng thờ cái đẹp, thì
Nguyễn
Tuân chính là viên tư tế chuyên lo công việc đèn nhang cho người đến
lễ. Rung
cảm trước cái đẹp là dấu hiệu phải có ở một con người lịch lãm thạo
đời. Hiểu
biết về cái đẹp là niềm kiêu hãnh duy nhất mà người tài tử thèm muốn.
Và mỗi
giây phút bắt gặp cái đẹp là một đặc ân, một phút xuất thần của con
người:
Nhiều trang sách của Nguyễn Tuân trước 1945 được viết để nói với bạn
đọc cái
điều tâm huyết ấy. Từ sau 1945, trong hoàn cảnh đầy biến động của hai
cuộc
kháng chiến nối tiếp, nhà văn này vẫn tìm đủ mọi cách để nhắc tới vẻ
đẹp. Hoặc
ông tố cáo tội ác của những kẻ huỷ hoại thẩm mỹ, huỷ hoại nghệ thuật
(như ở bài
Xoè in trong Sông Đà). Hoặc ông lưu ý rằng chúng ta phải tạm thời hy
sinh cái
niềm vui ấy đi để làm những việc cần kíp (“ Trời hãy đừng đẹp nữa” -
một câu
trong bài Giữa hai xuân viết đầu kháng chiến chống Pháp). Và về sau thì
ông lại
để công săn tìm những vẻ đẹp mới mà trong thực tế hôm nay mới xuất hiện.
Đỏng
đảnh, già dặn, quái gở
Cái
đẹp vốn đa dạng như cuộc
sống. Tuy nhiên, người đời vẫn gặp nhau ở một cách hiểu chung về nó,
đại khái,
trong cái vẻ đẹp phải có những nét hài hoà, mới và trẻ thì dễ đẹp; và
theo
truyền thống phương Đông, cái đẹp phải đi đôi với cái thiện. Nhưng đó
là cách
hiểu thông thường! Một người đến với văn chương độc đáo như Nguyễn Tuân
không
thể bằng lòng với cách hiểu đó mà phải đưa ra bằng được những quan niệm
riêng.
Ngay từ 1944, nhà phê bình tờ Tri Tân là Kiều Thanh Quế đã nhận xét:
“Văn
Nguyễn Tuân khi dí dỏm như cô gái làm nũng, khi lại đỏng đảnh như người
đàn bà
khó chiều”. Cái sự đỏng đảnh tai ngược mà Kiều Thanh Quế nói ở đây,
cũng có thể
dùng để nói về quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Tuân. Ông hay nói tới những
vẻ đẹp
già dặn. Trong văn của ông, người đàn bà đẹp thường là những người đứng
tuổi,
thạo đời, giỏi ngón ăn chơi, song lại có học, nhiều khi chơi chua và
hay nói
phũ, để rồi biết dừng lại đúng lúc, và tạo nên sự quyến rũ của riêng
mình. Rộng
ra mà nói, cái đẹp của Nguyễn Tuân thường có khuôn mặt của cái lạ, cái
khác
thường, nói chung đó là những cái đậm, gắt mà người đời cho là ra ngoài
khuôn
khổ. Sự đa dạng của vẻ đẹp mà ông đưa ra có thể thấy ngay ở những từ
xác định
mức độ, sắc thái của cái đẹp được miêu tả. Ngược với cái đẹp hiền hậu
kiểu Thuý
Vân (mà tác giả gọi là một vẻ đẹp “vững chãi và ngu dại”, ông thích cái
đẹp sắc
sảo của Thuý Kiều (Một lần đi thăm nhau). Đi xa hơn, ông nói tới cả cái
đẹp tả
tơi, cái đẹp hỗn độn (Chuyến xe tình), cái đẹp ngột ngột (Đôi tri kỷ
gượng).
Trong những thiên truyện được gọi chung là yêu ngôn, Nguyễn Tuân lại
hay tả lại
sự ám ảnh của những vẻ đẹp oan nghiệt, cái đẹp rờn rợn, khiến cho người
ta vừa
thích vừa sợ (như vẻ đẹp của nhân vật cô gái bán giấy bút trong truyện
Khoa thi
cuối cùng). Cái đẹp qua cách miêu tả của ngòi bút Nguyễn Tuân như vậy
trở nên
thoắt ẩn, thoắt hiện, biên giới của nó như mở rộng hơn, và hồn cốt của
nó sẵn
sàng nhập vào cả những sự vật mà trước kia người ta ít ngờ tới.
Đi
xa nhất trong việc tiếp
nhận
Cùng
với Thạch Lam, Nguyễn
Tuân là một trong những nhà văn tiền chiến tự đặt cho mình là phát hiện
bằng
được cái đẹp vốn tản mát trong đời sống. Thế nhưng sau chỗ xuất phát
chung ấy
thì hai người lại đi theo hai con đường hoàn toàn khác nhau.
Nếu
cái đẹp ở Thạch Lam mang
sắc thái thuần hậu, thì đến Nguyễn Tuân nó đi gần tới sự bất cần đời,
ngạo
nghễ, phá cách (“ Một thằng ăn cắp đã trở nên đẹp đẽ vô cùng khi hắn
cắt túi
người ta rất gọn rất nhanh” - Chuyến xe tình). Sự xuất hiện một quan
niệm cực
đoan như thế trước tiên do sự phát triển nội tại của văn học. Từ những
năm 30,
đời sống tinh thần ở xứ sở có sự biến chuyển nhanh chóng, từ “xanh” đến
“chín”,
từ đơn sơ học lỏm đến lúc có tất cả cái rắc rối phức tạp mà một nền văn
hoá làm
theo mẫu hình phương Tây thường có. Thêm vào đấy phải tính tới môi
trường lớn
mà văn hoá Việt Nam
lúc đó phụ thuộc. Nhìn lại văn chương những năm trước sau 1940, người
ta không
khỏi nhận ra những mảnh vỡ trong mỹ học của các trường phái suy đồi,
siêu thực
(nói chung là có màu sắc duy mỹ) - những trường phái này phát triển ở
Pháp từ
đầu thế kỷ XX, và theo sách báo in ra đều đều mà thấm dần vào xã hội
Việt Nam.
Trên cơ sở một quan niệm hiện đại về quyền tự do của con người, nếu
Nguyễn Tuân
cùng với một số văn nghệ sĩ khác có tiếp nhận chúng một cách dễ dàng
thì cũng
không phải là một điều khó hiểu! Cố nhiên, trong hoàn cảnh riêng của xã
hội
Việt Nam
lúc ấy, những quan niệm hiện đại kia không được nhập cảng một cách trọn
vẹn.
Các nhà văn nhà thơ vốn có một nền học vấn vững chãi như Nguyễn Tuân,
Vũ Hoàng
Chương, hoặc bên hội hoạ như Nguyễn Đỗ Cung v.v... thường không quên
đưa vào
đây những yếu tố duy mỹ trong nghệ thuật phương Đông (Lão Tử, Trang Tử
hoặc
chất huyền hoặc trong Liêu Trai), mặt khác, tiếp nhận tinh thần phá
cách trong
văn hoá dân gian Việt Nam để làm nên những cốt cách riêng. Ở phương
diện này,
Nguyễn Tuân trong thời tiền chiến là một trong những người đi xa nhất.
Theo
sự quy định của thời đại
Từ
sau 1945 tuy vẫn để tâm
săn tìm cái đẹp, song ngòi bút của Nguyễn Tuân lại được hướng dẫn bởi
một mỹ
cảm khác hẳn. Nếu hôm qua, ông hướng về cái đẹp theo cái cách lạnh lùng
khinh
bạc và nghiêng về phân tích nội tâm thì hôm nay, ông ngả sang bao quát
ngoại
giới. Có dịp đi nhiều biết rộng, ông thích thú khi nói tới cái đẹp bao
la lộng
lẫy (và đôi khi hung dữ nữa) của rừng và biển. Nếu hôm qua, ông cảm
nhận một
cách sâu sắc sự oái oăm “cái gì đẹp quá thì chóng tàn”, “cái gì đẹp quá
thì ít
khi được là thực”, thì ngày nay, cái đẹp ấy không yểu mệnh nữa mà trở
nên chắc
thiệt, lành mạnh. Để xác định vẻ đẹp tiêu biểu cho ngày hôm nay, có lần
Nguyễn
Tuân đã đặt hẳn bên cạnh nó mấy chữ mà có lẽ trước khia ông không ngờ
tới: đẹp,
bây giờ phải đồng thời lành, tốt, bổ (bài Cửa Tùng). Tại sao lại có sự
chuyển
biến kỳ lạ như vậy? Người ta chỉ có thể hiểu được điều đó khi đặt hai
giai đoạn
phát triển trong mỹ cảm của Nguyễn Tuân vào hai giai đoạn lịch sử mà
ông đã
sống. Thời đại cũ yêu cầu độc đáo thì ông độc đáo đến ngoa ngoắt, thời
đại nay
yêu cầu sự có ích, thì ông thông thoáng hơn bao giờ hết. Và nếu trước
kia, ông
viết chỉ để dành cho một thiểu số bạn đọc gần gũi với ông, thậm chí
người nghe
thì thích song không hẳn đồng tình với ông thì ngày nay ông thuộc về
một lớp độc
giả đông đảo hơn hẳn. Mỗi thời ông lại phát biểu tư tưởng thời đại theo
một
cách riêng, và đó là điều tạo nên cho văn chương ông sự hấp dẫn.
1995
--------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn
Tuân, người nhập vai
I
Hè
phố Hà Nội vốn khá hẹp,
chỉ có điều may là ở cái thành phố lấy xe đạp làm phương tiện giao
thông chủ
yếu này, người đi bộ có phần ít, phía các phố không phải phố buôn bán,
vỉa hè
thường vắng, bởi vậy, nếu không quá bận, đi bộ lại là cái thú, người ta
có thể
vừa đi vừa nghỉ, thoải mái.
Ở tuổi 76, nhà văn Nguyễn Tuân còn thích nhập
vào hàng ngũ ít ỏi ấy của những người đi bộ trên đường Hà Nội. Mỗi buổi
sáng,
từ nhà mình bên phía Trần Hưng Đạo, ông làm một cuộc đi lại loanh quanh
một số
cơ quan quen thuộc: Hội Nhà văn, nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, báo Văn
Nghệ, nhà
xuất bản Văn học... Những bước ông đi ung dung chậm rãi; quần áo ông
nghiêm
ngắn, chỉnh tề; toàn bộ con người ông trên hè phố gợi người ta nhớ một
cuộc đời
văn học khá thành đạt, tuy không “toà ngang dãy dọc” đồ sộ, nhưng tác
phẩm viết
ra thường có những đường nét riêng độc đáo. Người viết văn là một kẻ đi
đường
không bao giờ mệt mỏi - có lần Nguyễn Tuân đã so sánh vậy. Vả chăng,
hình ảnh
một cuộc hành trình ở đây không chỉ có nghĩa bóng, mà còn có thể hiểu
theo
nghĩa đen của nó. Trước khi có một tuổi già ung dung đi lại trên hè phố
như
thế, gót chân của con người từng trải ấy đã có dịp đặt trên hầu hết
khắp mọi
miền đất nước. Trước Cách mạng, ông từng là khách quen của các chuyến
tàu xuyên
Việt, cứ hứng lên là người lữ hành ấy xách va ly đi, và thích đi đâu là
dừng
lại ở đó: Thanh Hoá, Huế, Hội An v.v... Sau Cách mạng, những chuyến lên
rừng
xuống biển của Nguyễn Tuân càng dày hơn. Một lần nào đó, sau khi đặt
chân lên
một ngọn núi trong dãy Hoàng Liên Sơn, ông hóm hỉnh nói đùa với một nhà
báo
nước ngoài: “Giờ thì ngọn núi đã cao thêm một mét vì có tôi ở trên”.
Một lần
khác, ông đi tới Lũng Cú tột bắc. Một lần khác nữa, đi một chuyến dọc
Cẩm Phả,
Cô Tô, Vân Hải, một thứ huyện đảo “sáu trăm đảo dư”và ông đã xúc động
kêu lên:
“Chao ôi, thấy như mình vừa cầm hẳn vào bàn tay của hạnh phúc, một thứ
hạnh
phúc mà chỉ có Tổ quốc tươi đẹp mới ban nổi cho, và đã ban cho ta đúng
vào lúc
ấy”. Hào hứng, kỳ thú, có nhiều ấn tượng... không kể với riêng một
chuyến nào,
mà với mọi chuyến đi, Nguyễn Tuân đều có thể bằng lòng mà tự bảo vậy;
về phần
mình, những người đọc, chúng ta cũng có thể mượn luôn mấy chữ ấy để
miêu tả
cuộc đời của nhà văn, một cuộc đời đi dài suốt lịch sử văn học nửa thế
kỷ qua.
II
Để
nói về những kẻ sĩ không
chịu sống trong khuôn phép, những trí
thức có học mà không chịu ra làm quan, không để tâm vào hoạn lộ mà chỉ
nhất
định lấy cái tài của mình ra trình diện với đời, trong xã hội phong
kiến, người
ta đã có sẵn chữ tài tử, lãng tử. Thường đấy là những người có tư cách,
không
chịu cúi luồn, khinh bạc, ham chơi. Có điều, cách chơi của họ rất khác
đời. Sự
say sưa khi cầm trên tay quân bài lá bạc, hoặc chén rượu ngon, đối với
họ,
không phải là mục đích cuối cùng. Giữa một xã hội phong kiến cào bằng
nhân
cách, trói buộc người ta trong những quy ước tẻ nhạt, cách chơi của
những bậc
tài tử này là lối chơi của kẻ thạo đời, đã đọc đủ sách thánh hiền nhưng
vẫn
chán, đành lấy việc chơi đùa để khẳng định chỗ hơn người và cả khát
vọng tự do
của mình. Chỉ xét trong phạm vi thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người ta đã
thấy
nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng ở nước ta trước đây là những người như
thế nào.
Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Chu
Mạnh Trinh, Tản Đà. v.v... Cuộc chạy tiếp sức của những bậc tài tử này
cuối
cùng có thêm chàng Nguyễn. Sở dĩ Nguyễn Tuân có thể diễn tả thành thục
người và
cảnh Vang bóng một thời, bởi xét trên nhiều phương diện, ông vốn là một
tài tử
nhà nòi, đã sống thật chín, thật kỹ cái nếp sống phong kiến trái mùa
kia, tức
bản thân ông là một kiểu người vang bóng. Thận trọng và tinh tế, hay
nghĩ về
đời nhưng lại khinh bạc quay mặt đi vì biết không làm sao xoay chuyển
được cuộc
đời, ham tìm những cái dẹp tao nhã, sẵn sàng bạn bầu cùng một ánh trăng
suông,
một nhành hoa lạ... những đặc tính ấy của Nguyễn Tuân thật ra là một sự
thừa kế
có phần tự nguyện nhưng cũng có phần bất đắc dĩ từ nhiều bậc tiến bối.
Ông sống
trong những cung cách sống xưa một cách tự nhiên, cứ để cho nó tha hồ
“hành”
mình và tự nó ngấm vào mình lúc nào không biết. Vào cái thời mà Nguyễn
Tuân lớn
lên, những năm ba mười bốn mươi của thế kỷ này, loại người giữ được cái
chất
tài tử ấy đi dần đến chỗ tuyệt chủng, nhưng chính vì thế, còn rơi rớt
lại ở
người nào đó, nó càng bền chắc và nhiều khi phô ra của cái vẻ khá sặc
sỡ.
Một
lý do nữa khiến cho cái
bản chất lãng tử kia ở Nguyễn Tuân ngày càng được ông giữ gìn là nó có một vai trò đặc biệt giúp ông lập nghiệp. Nó
cần cho ông trong đời. Bởi vậy, ông phải để tâm chăm chút nó và ông đã
làm điều
này một cách có ý thức. Gắn bó với quá khứ trong khi lịch sử đang sôi
nổi nhiều
biến động, giữ lấy chất lãng tử tự do trong lòng một xã hội thực dụng -
ở một
đôi người, cách sống ấy nhiều khi đã gợi nên cảm tưởng về một cái gì
trái
khoáy, lạc lõng, y như cảnh “bức sốt nhưng mình vẫn áo bông” mà Tú
Xương đã tự
chế giễu. Nhưng Nguyễn Tuân không ở vào cái thế bị động đó, bởi ông có
một nghề
lạ, là nghề viết văn, viết báo. Quá trình chuyên môn hoá rất mạnh trong
lòng xã
hội tư sản không làm con người nền nã trong bộ y phục cổ này ngần ngại.
Ngược
lại, với sự hỗ trợ của sách vở và kiến thức, với sự hiểu biết sâu sắc
về hoàn
cảnh, ông có ngay sự thích ứng tối ưu. Nương theo tình thế để sống, lấy
ngay sự
gắn bó với quá khứ làm chỗ mạnh để chọi với đời, con người ông trở
thành một
thứ hàng cao giá mà xã hội lúc đó không phải là không có yêu cầu (dù
chỉ là yêu
cầu rất ít).
Nếu
có một thứ nghề sống,
nghề làm người như cách nói của nhà văn Ý Pavese[1] thì Nguyễn Tuân
trước đây
quả thực đã là một tay nghề có hạng, với nghĩa tốt đẹp của chữ “có
nghề” này.
Từ
sau 1945, với chất thiên
lương và tinh thần yêu nước sẵn có, Nguyễn Tuân lại nhanh chóng phục
thiện, để
đứng vào hàng ngũ Cách mạng. Con người chủ yếu ở ông, từ nay, là con
người cán
bộ, con người chiến sĩ, nghĩa là thành viên của một tập thể có kỷ luật,
tập thể
ấy phấn đấu cho một lý tưởng nhất định, nên mỗi thành viên trong đó
phải làm
tất cả để đóng góp cho sự nghiệp chung. Người ta đã lưu ý tới khá nhiều
những
rơi rớt của con người cũ ở Nguyễn Tuân. Nhưng phải công bằng mà nhận là
những
sở trường cũ, khi được ông khai thác
chính xác, lại giúp cho công việc của
ông rất nhiều. Như sự lịch lãm và những hiểu biết
sâu rộng nhiều lĩnh
vực đời sống, những yếu tố ấy đã là những võ khí tốt, khiến cho người
chiến sĩ
văn nghệ Nguyễn Tuân có được những chiến công phải nói là sáng chói. Sự
độc đáo
của Nguyễn Tuân bấy giờ lại trở nên đắc dụng. Đứng về tác dụng phục vụ
mà xét,
thì những bài viết về Hà Nội đánh Mỹ của ông thuộc vào loại mà trừ phi
Nguyễn
Tuân, không ai làm nổi. Ma toàn bộ sáng tác của tác giả Vang bóng một
thời sau
1945 cũng cần được nhìn nhận theo một tinh thần như thế.
III
Dù
thích hay không thích
phong cách riêng của Nguyễn Tuân thì những người nghiên cứu văn chương
ông
thường vẫn nhấn mạnh đây là ngòi bút hết lòng với nghề và trải qua
nhiều khổ
hạnh trong việc rèn nghề. Vào cái thời mà các tài tử, lãng tử đã nói ở
trên còn
đang là bộ phận chủ yếu trong lực lượng sáng tác văn học, dĩ nhiên, ở
ta chưa
có các nhà văn chuyên nghiệp, người làm văn làm thơ lúc ấy không ai
sống bằng
ngòi bút, chẳng qua nhàn rỗi thì làm, nên việc rèn luyện tay nghề mới
là một
thú vui mà chưa phải là một bức bách không có không được. Từ đầu thế kỷ
XX trở
đi, số người sống trực tiếp bằng ngòi bút bắt đầu xuất hiện, song dẫu
sao vẫn
là nghề mới, lại được tiếng là nghề tự do, nên nhiều người đến với nghề
còn tuỳ
tiện, ỷ tài mà viết, viết không ai in thì bỏ tiền túi ra tự in, chán, ế
hàng,
thì cuốn gói, sang làm nghề khác; những
người biết sống chết với nghề, vừa viết vừa tích luỹ để nâng cao tay
nghề và
nói chung có một quan niệm nghiêm chỉnh về nghề nghiệp, còn là rất ít.
Không những luôn luôn phải được tính tới
trong đám ngoại lệ ít ỏi này, mà Nguyễn Tuân vẫn còn là một mẫu mực
tiêu biểu
của loại nhà văn chuyên nghiệp. Với ông, nghề văn có được ý nghĩa của
một thứ
nghề có căn có cốt; muốn làm nghề đó chỉ có năng khiếu và say mê không
đủ, mà người ta còn phải khổ công học hành
để tự
làm giàu mãi lên, vì biết sự hoàn thiện của nghề là vô cùng vô tận.
Chẳng hạn
riêng về việc đọc. Nguyễn Tuân thường nói tới loại người có “dạ dày” sư
tử, cái
gì cũng ăn và cũng tiêu hoá sạch. Những người viết văn, theo ông, cũng
phải có
một thứ dạ dày như vậy. Ai cũng biết sức đọc của ông thật là đáng kể,
ngày nào
không đọc được một ít thường bứt rứt trong người. Ông đọc và ông tìm
cách thu
hút tất cả lên trang viết. Ây là chưa tính những phút cặm cụi trước
trang giấy
trắng viết, sửa chữa, thêm bớt, viết lại, cốt sao không thể viết hơn
được nữa
mới thôi. Có điều, khi đã có được sự hướng dẫn của một mỹ cảm tốt, sự
khổ hạnh
ở đây không bao giờ đồng nghĩa với lối hùng hục kéo cày của những ngòi
bút bất
tài, mà vẫn có chút gì đó vui vẻ thanh thoát và trong những trường hợp
thành
công, tác phẩm có cái tự nhiên như hoá công ban cho vậy. Một tinh thần
làm nghề
tận tuỵ đã ngưng kết cho trong nó toàn bộ bản lĩnh làm người mà một nhà
văn như
Nguyễn Tuân vốn có. ở chỗ này, chúng ta có thể liên hệ tới một nhận xét
của nhà
văn Xô viết L. Léonov
“Khi
nói tới con người, tôi
cho rằng nói luôn tới nghề nghiệp là một điều cần thiết. Tổng quát mà
nói, tôi
thích những người yêu tột độ một cái gì đó. Đối với tôi, việc đi sâu
vào cách
nhìn đời sống của họ thông qua nghề nghiệp mà họ gắn bó là một chuyện
rất thú
vị. Nghề nghiệp chính là sợi dây xã hội nối kết con người với thời đại”.
Chính
Nguyễn Tuân cũng hiểu
nghề nghiệp một cách sâu sắc và hướng cuộc đời mình vào chỗ gắn bó hết
lòng với
nghề như vậy. Sự liên hệ của ông với thời đại theo nghĩa thông thường
vốn được
tiếng là mỏng mảnh, sơ sài, nhưng nếu hiểu theo nghĩa mà
Léonov nêu ở đây, đó lại là một sợi dây bền
chắc. Sự ham đi, ham quan sát được nâng lên thành bệnh “xê dịch” ở ông,
sự trăn
trở trong việc dùng chữ đặt câu ở ông... tất cả những thói quen ấy có
vẻ đẹp
riêng và sự cần thiết không có không được. Nếu hiểu sự khinh bạc lộ
liễu của
Nguyễn Tuân trước Cách mạng chẳng qua cũng là một cách nhà văn mài sắc
mình để
làm nghề cho thật đắt, chúng ta sẽ không quá thành kiến với nó, và có
thể hiểu
tại sao nó lại tồn tại đồng thời với những phẩm chất ngược lại, như
tinh thần
phục thiện và một tấm lòng biết thông cảm. Chẳng phải từ sau Cách mạng,
khi
không còn thật cần thiết cho nghề nữa, thói quen khinh bạc đó ở ông đã
được gột
rửa rất nhiểu?!
Có
đi có tới, có tìm có thấy,
có gõ thì có mở cho, ở cái đầu cùng của sự hết lòng làm nghề, nhập thân
với nghề,
người ta còn bắt gặp những khi Nguyễn Tuân như mê đi trong ma lực của
ngôn ngữ,
ngòi bút như bị ốp đồng để rồi viết ra những áng văn rờn rợn một thứ
chất kỳ
quái. Trước Cách mạng, cộng với những bế tắc trong tìm tòi nghệ thuật,
nhũng
giây phút tự mê hoặc này đã làm nảy sinh trong ông những trang trang
“yêu
ngôn’, như Xác Ngọc Lam, Đới roi, Rượu bệnh và đỉnh cao là Chùa Đàn.
Sau Cách
mạng, với một liều lượng ít ỏi hơn, lại được sự kiểm soát của một lý
trí tỉnh
táo, những thoáng xuất thần ở ông thỉnh thoảng vẫn có, song thường dễ
chấp
nhận. Đó là, chẳng hạn, trong Sông Đà, những trang miêu tả ngọn núi Lai
Châu,
cuộc đời oan nghiệt của các cô xoè, hoặc khung cảnh con sông Đà chảy
giữa đôi
bờ tiền sử. Trong khi chờ đợi một sự nghiên cứu đầy đủ hơn về lối viết
này của
Nguyễn Tuân, điều chúng ta có thể nói ngay ở đây: thật ra, cách viết đó
không
phải một trường hợp hiếm hoi, một căn bệnh chỉ ông mới có. Trong nhiều
sáng tác
của các nhà văn hiện thực Đông Tây, người ta vẫn thấy các tác giả nói
tới sự
thăng hoa của nghề nghiệp; vào những phút xuất thần như vậy, sản phẩm
mà người
nghệ sĩ tạo ra là tiếng đàn có ma, những bức tranh lung linh như cảnh
thật và
những bài thơ thuộc loại “thi trung hữu quỉ” (chẳng hạn điều này đã
được nói
tới trong tiểu thuyết Kiệt tác vô hình của Balzac hay trong truyện ngắn
Cây vĩ
cầm của Rotsin của Tsékhov v.v...). Gần với chúng ta hơn, mới đây thôi,
đầu
1986, nhà văn Nguyễn Khải cũng viết rất hay về hiện tượng kỳ lạ này:
“
Các cụ thường nói: nghề dạy
nghề, làm mãi một nghề, làm cho say mê, cho tận tuỵ cho tới tột cùng
thì rồi
cũng có ngày đạt tới cái thần của nghề. Làm nghề gì cũng thế, đã đạt
đến cái
thần của nó tức là đã phá bỏ được mọi điều ràng buộc, là người tự do
hoàn toàn
vì không còn gì có thể ngăn trở giữa mình với cái đích. Viết như chơi
như bời
và văn chươg vẫn như mây như sóng, không còn thể loại, không còn chữ
nghĩa,
không còn cả mình với người, riêng với chung, to với nhỏ, cao với thấp,
bi với
hùng. Tất cả đã trở thành một, khêu gợi, lấp lánh, huyền ảo, mỗi lúc
đọc mỗi khác,
mỗi tuổi đọc mỗi khác, như chính nó đã là một hiện tượng tự nhiên mãi
mãi tồn
tại cùng với sự sống”
Từ
những nhận xét loại này,
chúng ta dễ thông cảm hơn với những bột phát của ngòi bút Nguyễn Tuân
và cũng
trân trọng hơn với những tìm tòi chính đáng ở ông.
Cũng
cần phải nói ngay là ở
đoạn trích trên, Nguyễn Khải không chỉ nói riêng tới nghề văn, tuyệt
đối hoá
nó, mà bảo rằng ở bất cứ nghề nào cũng có thể có sự thăng hoa nếu đi
tới tột
cùng. Bản thân Nguyễn Tuân cũng nghĩ như vậy. Với mọi nghề ông đều đề
ra yêu
cầu rất cao, bởi theo ông, nghề nào cũng có chỗ thâm sâu đáng tự hào
của nó.
Một đầu sách nhất của ông mang tên Chuyện nghề in ra đầu 1986. Là người
biên
tập đầu cuốn, sau khi tập hợp bài vở cho tác giả, tôi đặt tạm cho nó
một cái
tên ước lệ là Nói chuyện nghề nghiệp. Theo thói quen hay vặn vẹo chữ
nghĩa của
mình, khi nhìn thấy bốn chữ đó, Nguyễn Tuân lấy bút gạch đi chữ Nói ở
đầu, chữ
nghiệp ở cuối, chỉ để lại hai chữ ở giữa. Cho nó gọn nhẹ, Nguyễn Tuân
bảo vậy.
Và ông nói thêm:
-
Thỉnh thoảng đi với một cán
bộ nào đó, mình mới hỏi: “Ông làm gì?”, “Thưa anh, tôi bên Thanh niên”,
“Thưa
anh, tôi bên Công đoàn”. Mình không hỏi gì nữa, chỉ nghĩ người kia đã
lơ đãng
không trả lời đúng vào câu hỏi mình, hay không có nghề, chắc lý do sau
thì đúng
hơn. Bởi chỉ những người không có tự hào gì về nghề nghiệp mớí lúc nào
cũng
chăm chắm nói về cái nơi làm việc của mình mà thực ra không biết mình
sống ở
đấy bằng nghề gì. Lo hành nghề cho lành nghề đã không xong, lại còn
không nghề
ngỗng rõ ràng, bảo đi làm gì cũng được, nghĩ cũng kỳ đấy chứ. Mà mình
biết,
hạng người đó vô khối. Nên ngay trong cái việc tưởng chỉ có cảm hứng
như viết
văn, cũng phải nhấn vào cái chữ nghề cho thiên hạ thấy!
IV
Tiến
một bước nữa trong việc
làm nghề, con người Nguyễn Tuân còn là con người trò chơi với ý nghĩa
hiện đại
của mấy chữ ấy.
Chúng
hải giai đông tẩu
Đà
giang độc bắc lưu.
Hai
câu thơ chữ Hán ấy không
chỉ đáng làm đề từ cho bài viết ở cuối tập Sông Đà mà lẽ ra, có thể
dùng làm đề
từ cho mọi sáng tác ký tên Nguyễn Tuân và cho toàn bộ cuộc đời con
người đó
nữa. Trong khi mọi con sông khác xuôi sang đông thì sông Đà một mình
ngược lên
hướng bắc, tinh thần của con sông ở đây là tinh thần đi ngược thói
thường, sẵn
sàng phiêu lưu tới những miền chưa ai biết, miễn sao đạt được những
niềm vui
lạ. Chơi là thế! Cũng như chơi là đặt ra quy tắc rồi lại tìm cách phá
bỏ quy
tắc; là kết hợp những cái tưởng như không thể kết hợp được với nhau: là
cảm
giác đóng kịch, cảm giác hội hè; là những hoạt động kèm theo nỗ lực,
rồi từ nỗ
lực mà sinh ra niềm vui và một nhận thức về cuộc sống. Khi bàn về
Picasso, một
nhà nghiên cứu xô- viết từng đưa ra một khái quát: “Con người nói
chung, con
người hiện đại nói riêng, không chỉ là homo sepiens (con người trí
tuệ), homo
faber (con người làm việc), mà còn là homo ludens (con người chơi
nghịch). Và
đây không chỉ là mặt yếu mà còn là sức mạnh tinh thần của hắn, sự đảm
bảo cho
tự do của hắn”. Một khái quát như thế, không chỉ đúng với Picasso mà
còn đúng
với nhiều nhân vật lớn trong nghệ thuật thế kỷ XX, như Charles Chaplin,
Igor
Stravinsky… Chúng tôi nghĩ rằng ít nhiều ở Nguyễn Tuân, cái chất con
người trò
chơi đó, cũng có. Viết chữ đẹp và giỏi cầm trống trong những khi đi hát
ả đào,
thạo về tranh, về tượng, biết nhiều về kỹ thuật sân khấu và kỹ thuật
điện ảnh,
ông sống nghiêm chỉnh mà lại như đang dễ dàng đùa bỡn với đời, đấy là
một lẽ.
Riêng trong việc viết lách, hầu như không bao giờ ông muốn đi theo cái
nếp bình
thường, mà cứ luôn luôn muốn tạo một ấn tượng khác lạ. ở chỗ người ta
quen dùng
chữ Hán, ông tìm bằng được một chữ nôm cùng nghĩa, để rồi những khi
khác, người
ta chỉ hạ những chữ thông thường, thì ông trương lên những chữ thật
hiếm gặp,
những chữ gốc Hán mà phải thuộc loại thông thái bặt thiệp lắm mới biết
dùng.
Ông không nghiêng hẳn về một lối viết nào, khi giản dị, thì giản dị
không ai
bằng mà khi cầu kỳ, thì cũng cầu kỳ không ai bằng. Thế thì bản sắc của
ông ở
đâu? Thưa, ở chính lối ham chơi kia, lối ham chơi như là sẵn sàng từ bỏ
mình để
đóng sang những vai khác, không phải là mình, càng lạ càng thú. Một ví
dụ: Đọc
văn cũng như tiếp xúc riêng với Nguyễn Tuân, người ta biết rằng ông
ghét cay
ghét đắng việc buôn bán và ông từng định nghĩa nghệ thuật là một công
việc: “mà
những con buôn quen sống với đổi chác hàng họ và buôn Tần bán Sở đều
gọi là vô
ích”. Nhưng thỉnh thoảng vai một người bán hàng vẫn len đến, mời gọi
con người
thích tìm những cảm giác lạ ấy. Lần đầu tiên đọc cái tít bài ký của
Nguyễn Tuân
trên một số báo Văn nghệ: Tôi bán năm cành hoa tết, tôi hơi ngờ ngợ,
sau mới
hiểu ra trò nghịch của ông già và tự cắt nghĩa được rằng tại sao, báo
chí vẫn
muồn mời ông viết ít dòng cho các số Tết. Có một lần, ông giải thích về
một cái
bìa mà ông đề nghị hoạ sĩ làm cho một cuốn sách:
-
Cuốn sách chỉ có nhan đề là
ký, ắt chữ ký phải đậm. Và trong hai chữ
tên tác giả, mình muốn lèo thêm một sự nhấn mạnh nữa là cho chữ Tuân nó
cũng
đậm ra. Thế là nhìn vào bìa thật nhanh người ta thấy hai chữ Ký và
Tuân, người
ta đọc ký Tuân, ký Tuân như khi ra chợ, người ta hỏi mua
ký thịt bò, ký đường vậy.
Ai
đã quen đọc văn Nguyễn
Tuân đều biết đấy là lối chơi chữ nhiều khi đã thành một cái tật ở tác
giả. Tuy
nhiên, khi nhà văn đã lấy tên tuổi mình ra mà đùa như thế này, thì có
nghĩa con
người trò chơi đã thành một thứ bản thể thứ hai nơi ông. Lại nhớ đến
Nguyễn
Công Trứ tương truyền về già còn thích bận áo lụa xanh, quần vải đỏ, đi
đâu
đủng đỉnh trên lưng con bò vàng. Lại nhớ Tú Xương với những lời ỡm ờ
khi đi hát
mất ô và lời tự giễu “ở phố hàng Nâu có phỗng sành- Mắt thời thao láo
mặt thời
xanh”. Lại nhớ Tản Đà, đề ở Khối tình con thứ nhất:
Chữ
nghĩa Tây Tàu trót dở
dang
Nôm
na phá nghiệp kiếm ăn
xoàng
Chẳng
lề, chẳng lối, cũng văn
chương
Còn
non, còn nước, còn trăng
gió
Còn
có thơ ca bán phố phường.
Những
người như thế, già từ
khi còn ít tuổi, và cho đến già, cũng vãn còn một đứa trẻ con trong
lòng, cho
nên việc ham chơi đối với họ, cũng là sự thường. Trong một tài liệu
viết về tâm
lý học, tôi đọc được những nhận xét:
“Chơi
là một cách để trẻ tự
thích ứng, tự giáo dục”
“Trò
chơi chính là một hình
thức hoạt động tự do nhất và cũng là tự nhiên nhất của trẻ”.
“Trong
trò chơi, trẻ có dịp
phát biểu suy nghĩ của mình”.
"Trò
chơi trước hết là một sự
tự thực hiện; đứa trẻ không bộc lộ cái gì khác ngoài chính mình”.
...
Lẽ
nào những nhận xét ấy
không thể áp dụng cho “đám trẻ” kỳ lạ này,
những nghệ sĩ lớn trong lịch sử nghệ thuật mà chúng
ta hết lòng yêu và
kính
V
Nếu
như trong văn học sau
1945, có một nhà văn nào tạo ra chung quanh tên tuổi mình cả một huyền
thoại,
thì người đó chính là Nguyễn Tuân. Trong khoảng hơn hai chục năm cuối
đời từng dòng chữ ông viết được soi ngắm
và từng
cử chỉ lời nói của ông được đồn đại rộng rãi. Luôn luôn những người
trong giới
văn học đã bàn về ông và đến hôm nay, những lời bàn ấy cũng chưa ngớt.
Ghi lại
những tiếng dội của cuộc đời và văn chương Nguyễn Tuân trong lòng người
khác,
tưởng cũng là một cách để hiểu con người ông cũng như không khí văn học
một
thời :
-
Nguyễn Tuân rất độc đáo và
tạo ra nhiều bất ngờ ngay trong cách sống hàng ngày. Người quen được
người khác
chiều và ít khi chiều ai, rồi quá đáng, rồi cực đoan, cái đó có cả.
Nhưng sao
vẫn có nhiều người ngưỡng mộ ông? Hình như ngoài chuyện tài năng người
ta vẫn
nhận ở con nguời đó có cái thực rất đáng trọng.
Còn
như đến gần Nguyễn Tuân
ấy ư ? Chuyện ấy đôi khi ngại thật. Trong người ông cùng lúc có cả sức
hút lẫn
sức đẩy người khác, mà đẩy cũng mạnh lắm.
-
Phải công nhận là Nguyễn
Tuân có cái sòng phẳng của ông, ông không giấu cái tật mê thanh, mê sắc
hồi
xưa, song những duyên nợ dềnh dàng ấy, nay cái gì thấy cần phải dẹp đi,
là tự
ông dẹp đi liền. Một chuyện như thế này, không phải tự mồm Nguyễn Tuân
nói ra,
thì ai mà biết được. Đầu tháng 10-1954, ông có chân trong bộ phận cán
bộ về
tiếp quản thủ đô. Địa điểm tập kết là Hạ Hồi, Hà Đông. Trong khi những
anh em
khác chờ xe ô tô thì Nguyễn Tuân mượn bằng được chiếc xe đạp của ông
chủ nhà
trọ để đạp về Hà Nội. Về đến Bờ Hồ ông đang đi quanh quẩn thì nghe có
tiếng
chào : “Kìa, ông đã về”. Thì ra một bà chủ cô đầu. Bà hẹn ông đến chơi.
Nhưng
từ bấy đến khi ông qua đời, cái hẹn ấy ông vẫn chưa trả.
-
Người nặng căn như thế, mà
khi đi theo cách mạng, chuyển cũng đã ghê đấy chứ. Bởi văn chương
Nguyễn Tuân
vốn ghi lại trung thực những gì mà ông đã sống, nên đọc Tuỳ bút kháng
chiến đã
có thể thấy ông đã đi sát mặt trận thế nào. Trong Giữa hai xuân, ông
từng nói
qua về cảm giác lần đầu cầm quả lựu đạn. Và đây, một đoạn trong Lửa
sinh nhật:
“Tôi ngóng giờ khai hoả. Nắm cơm chiều qua dắt theo thắt lưng, suốt một
đêm
hành quân giờ đã thiu. Nhưng thôi, cứ bỏ vào mồm. Tôi gối lên đàn kiến
càng, cố
nhắm mắt. Tai áp sát đất, càng nghe rõ tiếng dội của thuổng đào công
sự”.
-
Ngay đoạn sau này đi viết
Sông Đà lại chả ghê à. Hồi ấy từ Quỳnh Nhai sang Than Uyên đâu đã có
đường cái,
ông phải xin hẳn một con ngựa và một dân quân, cứ theo đường mòn mà đi,
ba ngày
không gặp người đi ngược. Với hoàn cảnh bấy giờ, đi và viết Sông Đà
phải nói là
một chiến công.
-
Kể đi thôi thì còn nhiều
người khác đi bạo hơn ông, nhưng đây là việc đi của nhà văn, nó phải
kèm vào
việc viết. Sở dĩ Nguyễn Tuân viết được về Tây Bắc vì ông biết nhìn ra ở
đấy vẻ
đẹp. Ông xem Tây Bắc là một công trình nghệ thuật. Ngay viết về đường xá ông cũng lấy tiêu chuẩn một cái gì đang hình
thành ra xét.
-
Cũng trên phương diện nhìn
nhận sự khổ hạnh ở Nguyễn Tuân, tôi thấy phải nói đây là một trong số
ít nhà
văn ở ta nhạy cảm về hình thức và có được cách hiểu toàn diện về bản
chất cái
đẹp trong hình thức nghệ thuật. Đọc văn Nguyễn Tuân luôn luôn cảm thấy
hình
thức đứng ra thách thức với nội dung, giữa hình thức với nội dung vừa
sóng đôi
nhau, vừa đuổi bắt nhau. Luôn luôn cảm thấy ông viết rất đặc biệt, mình
không
thể nào bắt chước nổi.
Nhưng
nhiều khi Nguyễn Tuân
cũng đi quá đà, dày vò chữ quá, không được tự nhiên như chính ông muốn.
Cũng là
cái tật như trong cuộc đời hàng ngày của ông.
-
Lại nói chuyện con người
Nguyễn Tuân ư ? Những ai từng được làm quen với sân khấu Nhà hát lớn Hà
Nội
trước Cách mạng đều biết ông rất có duyên với nghề diễn kịch; dù ông
chỉ đóng
những vai phụ, nhưng thông thường, đó là những vai phụ khó quên. Từ
chuyện sân
khấu tôi muốn lên hệ sang chuyện đời. Hiểu nhập vai theo một nghĩa tốt
đẹp, thì
trong cuộc sống hàng ngày, Nguyễn Tuân cũng rất nhập vai, tức là đã
định làm
cái gì thì làm bằng được, làm đến cùng. Chẳn hạn như khi cần vận động
quần
chúng, người cán bộ ấy cũng giỏi lắm. Đã ai từng đi với ông Tuân trong
một
chuyến công tác xuống một đơn vị nào chưa?
Chưa hả. Các anh có thể tưởng tượng được không, khi
nói trước công
chúng, đấy là một nhà thuyết giáo thực thụ. Thành thử, trong Nguyễn
Tuân, bên
cạnh một người lãng tử cuối mùa, một người làm nghề tự do rất cao tay
nghề, như
các anh đã nói, còn thấy có một chính uỷ nữa. Lưu ý tới điều đó, xem nó
như một
yếu tố chủ đạo, ta sẽ cắt nghĩa được Nguyễn Tuân sau Cách mạng.
VI
Ở
trên, khi cần phác ra một
ít nét đại thể về con người Nguyễn Tuân, chúng ta đã nhớ lại các hình
ảnh mà
ông thích thú: Nhà văn như kẻ đi đường không bao giờ mệt mỏi. Nhưng chữ
đi ở
Nguyễn Tuân vốn không chỉ bó hẹp vào sự di chuyển trong không gian mà
có nghĩa
rất rộng: “Ngay cả lúc anh đăm đăm ngồi trứoc trang giấy trắng lạnh
phau giữa
phòng văn, anh cũng vấn là một con người đang đi. Đi vào cái đêm làm
việc của
mình. Đi cho đến chỗ tận cùng của đêm mình” Cái dạng đi này của Nguyễn
Tuân còn
ít được nói tới, nhưng thật ra, chính nó lại là khía cạnh quan trọng
bậc nhất
trong con người Nguyễn Tuân mà những người yêu mến văn ông cần biết.
Nguyễn
Vỹ, một nhà thơ có
quen Nguyễn Tuân từ trước 1945, đã tả ông là một người sống cẩn thận,
đủng
đỉnh, cử chỉ nhỏ nhẹ, đàng hoàng, làm gì cũng đắn đo và có cái vẻ cặm
cụi khác
hẳn với những trò chơi ngông khinh bạc mà chúng ta vẫn nghe kể trong
văn ông.
Thói quen làm việc ấy vẫn còn lại ở
Nguyễn Tuân cho đến cuối đời. Sau những chuyến đi rất dữ: đi dọc, đi
ngang, đi
lên, đi xuống, đường đi nước bước như kẻ bàn cờ trên sông hồ trăng
nước.. nhà
văn trở về căn buồng của mình, ở đó, ông đọc, ông ghi chép, ông lập hồ
sơ cho
những tài liệu cần thiết, nhất là ông suy nghĩ và làm công việc cuối
cùng của
nghề viết là cho tác phẩm hiện lên trên trang giấy. Nguyễn Tuân viết
như thế
nào? Theo lời kể của những người thân của nhà văn, thì ngồi đâu ông
cũng viết
được, không cần bàn. Nhưng tâm linh ông thì tôi tưởng, phải nói là một
sự “nhập
thiền” hoàn toàn, không thể khác được. Những ai đó có dịp đến thăm
Nguyễn Tuân
ở nhà riêng đều biết buồng văn của ông là cả một kho chứa ở
đó ngổn ngang sách vở cổ kim đông tây, từ những cuốn sử ký, địa dư,
sách du ký,
sách dạy nghề, in từ những năm nảo năm nào, tới những tờ báo về nghệ
thuật hoa
viên rồi những bản tin nhanh và tài liệu in rônêô nào đó nói về hoạt
động của
Việt Kiều ở nước ngoài mà bạn đọc xa gần mới gửi cho ông. Rồi tượng,
an-bom và
các loại sách kỷ niệm sau các chuyến đi nước ngoài. Rồi chính ông nữa,
ấy là,
ngoài những ấn bản in ra rải rác ở trong nước và nước ngoài nửa thế kỷ
nay, còn
không ít hình ảnh Nguyễn Tuân trong quá khứ, Nguyễn Tuân khi đóng phim,
đóng
kịch, Nguyễn Tuân trong ảnh của Trần Văn Lưu, Hoàng Kim Đáng, Nguyễn
Tuân trong
nét vẽ của những hoạ sĩ từng giao du với ông và đến thăm ông, những Bùi
Xuân
Phái, Nguyễn Sáng, Trọng Kiệm, Nguyễn Trung v.v.. và v.v... Ngồi viết
giữa một
cảnh tượng văn hoá như thế, là cả một sự thách thức. Sự cặm cụi của
Nguyễn
Tuân, đúng hơn, sự đơn độc của ông lúc này mới có được cái ý nghĩa mà
nó phải
có: ông muốn đối mặt với tất cả. ông muốn thêm vào một cái gì xứng đáng
với
tinh hoa văn hoá đang vây bủa quanh ông và đã là một phần sự sống trong
ông.
Giả
kể có đoán khi viết,
Nguyễn Tuân thường thắp lên mấy nén hương, chắc cũng chả ai nhạc nhiên!
Giữa
một cuộc sống trần tục
xô bồ, trước sau ông vẫn là một nhà văn xem trọng sự thiêng liêng nghề
nghiệp
và sống với nó thành kính thật sự.
Nhìn
lại cả đời văn Nguyễn
Tuân, chúng ta thấy gì ? Chúng ta nghĩ đến sự công bằng. Ai đối xử với
nghề
nghiệp ra sao, sẽ được nghề nghiệp đối xử lại như vậy. Cố nhiên, rộng
hơn câu
chuyện tác phẩm còn có câu chuyện về chính con người đã tạo ra các tác
phẩm này
nữa. Trong sự độc đáo của mình, cuộc đời Nguyễn Tuân có hấp dẫn chúng
ta, nhưng
suy cho cùng, đó không phải là lối nêu gương để chung quanh bắt chước.
Không,
Nguyễn Tuân không thể làm thế. Với tất cả cái hay cái dở, cái tài cái
tật vốn
có, lời kêu gọi của ông giản dị hơn: Mỗi người hãy sống đúng với bản
sắc của
mình.
Thật
vậy, sau khi nói rằng sự
làm người là nghiêm chỉnh, rằng chúng ta phải sống đúng sống tốt, như
cái phần
lương tri trong chúng ta vẫn yêu cầu, cuộc đời Nguyễn Tuân như còn muốn
nhắn nhủ
thêm một điều này nữa: muốn hay không muốn mỗi chúng ta đều là một thực
thể đơn
nhất, riêng biệt, không giống một ai khác và không ai thay thế nổi. Khi
điều đó
không phụ thuộc vào ý muốn của riêng ai mà là một cái gì tất yếu “
không thể
sửa chữa” thì tại sao chúng ta không tạm bằng lòng với mình, yên tâm là
mình,
nó trước tiên giúp ta tự vệ, tức tránh bớt được những dằn vặt vô ích,
mà sau đó
biết đâu chẳng phải là một cách để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng đồng
loại và
do đó trở nên có ích hơn hết?
1985
[1] Cesare Pavese
(1908-1950), tác giả tập tiểu thuyết Il
mestiere di vivere, in 1952, sau khi tác giả qua đời
Nguồn