*

 





 

                                                    TÁC PHẨM LÀM NÊN TÁC GIẢ 

                                    SÁCH MỚI CỦA TRẦN MỘNG TÚ
 

            Trân Trọng Giới Thiệu Hai Tác Phẩm Mới của Trần Mộng Tú 

         1.  Trần Mộng Tú - Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm

              (1969-2009)
*

         2. Vườn Măng Cụt –Truyện Ngắn, Tản Văn và Ký
*

 Trình bầy trang nhã và nghệ thuật bởi hai họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp, phụ bản của các họa sĩ nổi tiếng: Nguyễn Đồng,Vũ Thái Hòa, Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Trọng Khôi và Thái Tuấn. 

 Trần Mộng Tú đóng góp với nền văn học hải ngoại ngay từ 1975 đến hôm nay, ngày mai và sẽ tiếp tục viết đến “vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết” (Mạc Đĩnh Chi) 

Tập Thơ Tuyển, 192 trang với 109 bài thơ, đủ thể loại, tác giả tuyển lựa trong bốn mươi năm làm thơ của mình. Sự chọn lựa nào cũng có tính cách riêng tư, nên đôi khi thiếu sót, có thể độc giả sẽ tiếc một bài thơ mình ưng ý nhất sao không có ở đây, nhưng để đền bù lại có những bài thơ hay câu thơ bạn chưa được đọc bao giờ: 

Buổi trưa trong thành phố

lười biếng chẳng ai làm

kẻ duy nhất chăm chỉ

người thợ đóng áo quan

      

        Buổi trưa trong thành phố

        không tiếng chim bay đi

        tiếng đau thương duy nhất

        nến khóc trên quốc kỳ   (1970)

 

        Buổi sáng rửa mặt chạm phải mũi

        mới hay ốc đỏa vẫn còn đây

        bao năm sóng vỗ trên biển mặt

        để lại bờ môi dấu tay ai (2007)

 

        Có người nói khi nằm trong đất

        da thịt tan nhưng tóc vẫn còn

        em sẽ giấu thơ vào trong tóc

        cho người cải táng được tay thơm ( 2008)

 

        Sài Gòn bây giờ khói nhang đã tắt

        góa phụ ngây thơ tóc đã phai xanh

        nhìn lại tấm hình nhận ra cô gái

        khẽ gọi tên cô Trần Thị Chiến Tranh (2008)

 

     VƯỜN MĂNG CỤT , Tập Truyện Ngắn, Tản Văn và Ký là những sáng tác gần đây nhất của tmt, sách dầy 290 trang,  gồm có: 14 Truyện Ngắn, 24 bài Tản Văn và 16 Truyện Thật Ngắn. 

     Giấu một người mẹ về cái chết của con, có đúng không? Người mẹ bao giờ cũng muốn biết về đời sống con mình. Bất cứ ở tuổi nào, nếu còn minh mẫn, bà vẫn luôn luôn muốn được nghe những tin tức về con mình. Bà thà nhận được tin con chết, còn hơn không nhận được tin gì về con cả.

Con người đủ khả năng đương đầu với đau khổ, biết rõ nỗi đau của mình, hơn là sống trong một đám sương mù. Quyền được đau đớn cũng ngang với quyền được sung sướng.  (Tản Văn-Giọt Lệ Giấu Đi) 

Tối hôm đó, Ông Thành trằn trọc trên giường, không sao ngủ được. Ông cứ nhớ mãi câu nói của cháu Lan. “Mẹ con vẽ ra một câu chuyện, mẹ con tin là đã xẩy ra trong đời mình.”

Ông bâng khuâng: Liên mất trí thật, hay Liên yêu mình từ trẻ  mà mình không biết?

Một vườn măng cụt đổ ập xuống giấc mơ của ông trong đêm. (TN-Vườn Măng Cụt)                             

Sách do Tác Giả và Văn Mới xuất bản, ra mắt ngày 8/8/2009 

Muốn có sách với chữ ký của tác giả, xin liên lạc:

tran_mong_tu@hotmail.com  hoặc (425) 562-8744 

Trân Trọng Giới Thiệu.


  Trần Mộng Tú
Giọt Mưa Trời Khóc
*
Nến Muộn

1, 2


Đọc Cô Rơm


Còn lại gì? Cái còn lại, với "Cô Tú", hay Cô Rơm ngày nào, có lẽ những giọt mắt của 1969, nhưng phải đợi đến 1998, mới có dịp đổ xuống: Nước mắt của bao nhiêu năm tụ lại một ngày, nước mắt của những ngày đi đón xác ở Kiên Giang khô lại bây giờ nứt ra như một mạch ngầm của suối bật lên trên mặt đất nứt nẻ.
*
Gấu Em mất 1967, trước Mậu Thân một năm. Khi đó, chiến tranh chưa đến nỗi khốc liệt. Nó lại thuộc tiểu đoàn bảo vệ phi trường Sóc Trăng, nên việc đưa xác về Sài Gòn cũng dễ dàng hơn so với trường hợp Cô Tú. Nhưng những giọt nước mắt của Gấu thì đổ xuống tại một trại tị nạn Thái Lan, khi biết chắc rằng, cuộc đời của gia đình Gấu đã sang một trang khác, chắc là tốt đẹp hơn, và không một thằng VC nào nhìn thấy Gấu khóc hết.
Bây giờ thì tha hồ mà khóc, hình như lúc đó Gấu đã nghĩ như vậy.


  Trang TMT
1, 2

0   MORNING   THAT   BREAKS
         WITHOUT   LOOKING  AT  ME
0 morning that breaks without looking at me,
0 sun that shines without caring that I see you,
   It's for me that you
  Are true and real,
For it's in the foil to my desire
That I feel nature and life to be real.
  In what denies me I feel
  They exist and I am small.
And in this knowledge I become great
Even as the wave which, tossed by storms
  High into the air, returns
  With more weight to a deeper sea.

Fernando Pessoa
Tạm dịch:
Ôi, buổi sáng vỡ òa ra mà không thèm nhìn anh
Ôi mặt trời sáng lòa kia không thèm để ý đến chuyện anh nhìn em
Anh mà có đây, là nhờ em có đó.
Chính vì anh thèm em mà thiên nhiên kia, cuộc đời này là có thực.
Nhưng chính vì chúng chẳng thèm biết đến anh, chối từ anh
mà anh biết chúng hiện hữu,
và anh thì nhỏ bé.
Nhờ biết vậy mà anh trở nên lớn lao.
Chẳng khác chi sóng biển kia, được bão tố đẩy lên cao,
Rồi, nặng nề hơn, rớt bịch xuống biển sâu.
*
Tôi nghĩ Trần Mộng Tú thoạt tiên là người của Thơ... không, không phải là của thơ, mà bản chất Tú chính là Thơ, rồi từ đó tất cả các thuộc tính khác của đời Tú như văn chương, tính tình, rồi đến vai trò người tình, người vợ, người mẹ v.v... đều do từ cái Nguồn Thơ ấy phân phối ra. Ít có một con người nào nhất quán như Tú. Nhìn từ góc cạnh nào cũng nhận ra cái bản chất chung thì rất đôn hậu nhưng lại mới lạ nhạy bén trong sáng tạo, giản dị trong đời thường nhưng phức tạp trong văn chương, tình cảm... Nhưng dù có mới lạ, nhạy bén, phức tạp bao nhiêu cũng không rời xa nét đằm thắm của sự đôn hậu.
Phạm Xuân Đài
Văn chương của Trần Mộng Tú phản ánh thật sáng và rõ một tâm hồn rất nhậy cảm trước những nét đẹp đẽ, tha thiết cũng như xót xa, đau khổ của cuộc sống. Đặc biệt là khi những nét đời ấy được đặt trong khung cảnh của Việt Nam, trong mắt nhìn và trong tấm lòng sóng sánh đầy những thiết tha và nhân ái của người nhìn ngắm chúng. Có sự trộn lẫn của thực tại với hồi ức, của cuộc đời hằn xé với những mộng tưởng thanh xuân. Có nắng mưa, gió sóng, cùng những bụi bặm, náo động của cuộc đời. Nhưng cũng có, trong những dòng văn chân thật ấy, những khoảng thinh lặng cần thiết và ấm áp của tình người.
Bùi Vĩnh Phúc
*
Có một khoảng cách rất lớn giữa những nhận xét trên, với một hai câu thơ “xuất thần” của TMT. Nhận xét của PXĐ như đã manh nha 'một cái gì đó', khi viết:
Nhìn từ góc cạnh nào cũng nhận ra cái bản chất chung thì rất đôn hậu nhưng lại mới lạ nhạy bén trong sáng tạo, giản dị trong đời thường nhưng phức tạp trong văn chương, tình cảm.
Nhưng chính TMT nhận rất rõ về mình, khi viết:
"… trong túi luôn có một bài thơ đang làm dở."
Như thế, tất cả đều chỉ là những bài thơ làm dở, rồi, bất thình lình, thơ bật ra.
*
Gấu bỗng nghĩ đến anh chàng điệp viên James Bond, trong cuốn Tiểu Sử Không Được Phép.
"James Bond: The Unauthorized Biography of 007" by John Pearson.
Bond, chỉ đến "sát na" chót, ở "biên giới của tử sinh", thì mới tìm ra cho mình một đường sống.
*
Có lẽ, sáng tạo nào cũng phải được hiểu như vậy.
Và đều nguy hiểm chết người như vậy !
Nếu đằm thắm, đôn hậu, mà thôi, thì giỏi lắm, cũng chỉ đạt tới "những tình cảm tốt đẹp", và nếu như thế, chúng ta có, câu của Gide, khi đi Liên Xô tham quan trở về:
Tất cả những tình cảm tốt đẹp chỉ đẻ ra một thứ văn chương tồi. Văn chương xã hội chủ nghĩa, viết dưới ánh sáng của Đảng.
*
Cuốn James Bond, Tiểu sử không được phép  Gấu đọc những ngày ở trại tị nạn Thái Lan, khi đã đậu thanh lọc, và chờ gặp phái đoàn, để xin đi tái định cư, và là một trong những cuốn sách đầu tiên làm quen lại với tiếng Anh.
Một trong những xen mà Gấu còn nhớ mãi, xẩy ra khi Cách Mạng Hung bùng nổ, Bond được phái tới Budapest để cứu một nữ điệp viên Anh bị kẹt.
Đến, bị bắt tại trận, ngay khi gặp cô bạn, vì người yêu của cô này là điểm chỉ viên nằm vùng của KGB, và chuyến đi của Bond là chỉ để lọt vô bẫy của họ.
Vào những giờ phút thành phố lọt vào tay cách mạng, đám điệp viên Nga Xô phải rút đi, họ nhốt Bond và cô bạn vô một chuồng..  gấu, trong sở thú Budapest.
Mấy con thú cũng đang phát cuồng, cứ thế tiến đến phía hai người. Và Bond tìm ra cơ may sống sót, đúng vào lúc đó, khi anh chợt nhớ ra là loài gấu, cũng như loài khỉ, có thói quen bắt chước con người. Thế là chàng lùi dần tới chấn song chuồng giam, làm bộ kéo kéo giật giật mấy thanh sắt, như muốn làm chúng doãng ra, để lọt người qua.
Mấy con gấu bắt chước, và, lao ra khỏi chuồng, Bond dắt tay cô bạn gái chuồn theo.
Gấu đã kể chuyện trên một lần, nay kể lại, để tưởng niệm Cách Mạng Hung, những ngày này cách đây 50 năm.
Và để vinh danh một giọt mưa.

Có sự trộn lẫn của thực tại với hồi ức, của cuộc đời hằn xé với những mộng tưởng thanh xuân. Có nắng mưa, gió sóng, cùng những bụi bặm, náo động của cuộc đời. Nhưng cũng có, trong những dòng văn chân thật ấy, những khoảng thinh lặng cần thiết và ấm áp của tình người.
Đây là thứ văn không thể quên thời đi học và những bài luận mẫu, văn chương huề vốn, ba phải, "vãi linh hồn".
Chính cái tính chất vãi linh hồn này dễ làm cho người viết tưởng mình là thi sĩ !
Không phải Gấu, mà là Kundera đã chỉ ra, và mượn cây gậy của Kafka để mà phạng.
Con tim khô héo luôn ngụy trang bằng thứ văn phong ướt đẫm tình cảm.
[Sécheresse du coeur dissimulée derrière un style débordant de sentiments].
Di chúc Kafka
Sự lầm lẫn - tưởng mình là thi sĩ, với những dòng văn đầy nước mắt nước mũi, như trên, theo Gấu, khá nhiều nhà văn nhà quê của chúng ta mắc phải, nào là thì thầm với thơ, nào là ra biển gọi thầm [la lớn còn chẳng ăn ai, ở giữa biển cả, nữa là thầm với thì] - là do không phân biệt được, thế nào là trữ tình, lyrique, thế nào là thơ ca, poétique.
Mỗi khi hơi bị bé cái lầm, cứ tưởng mình là thi sĩ, hãy nhớ câu này của Borges: Thơ là để trao cho thi sĩ.
Hay câu này, của Rilke, [theo Coetzee]:
Rilke chiến đấu cả đời để là một nhà thơ - không phải nhà thơ thuần túy, nhưng thuần túy nhà thơ [not a pure poet, but purely a poet], bởi vì ông cảm thấy.... thơ chỉ có thể viết bởi một người nào đã là nhà thơ [because he felt... that poetry could only be written by someone who was already a poet].
Nguồn
*
Một trong những tác giả tôi đọc sớm sủa nhất, và viết về người đó đầu tiên, khi mới ra hải ngoại, là TMT. Sự say mê tiếng Việt của bà làm tôi sững sờ, khi đó, và viết ra điều này, trên tờ Văn Học của NMG, người tình của bà là tiếng Việt.
Mãi sau này, nhìn lại, tôi mới hiểu điều tôi nói đó, là từ một câu khác, đã đọc từ lâu, và ăn sâu vào tiềm thức.
Câu đó như vầy:
Nhà văn lớn là người kết hôn với đất nước của họ.
Và câu này, cũng đã được tôi sử dụng, khi đọc Nhất Linh. Mối tình lớn của Nhất Linh với Miền Bắc, bật ra, khi ông, trong nhân vật thế thân của mình, là Dũng, buổi trưa hè "ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung" đó, đó, vô tình nhìn thấy cái áo cánh trắng bên vườn hàng xóm, tự hỏi, của ai đấy nhỉ, và chợt nhớ ra là nghỉ hè, và Loan đi học ở tỉnh trở về nhà.
Nhưng với TMT, còn hơn thế nữa. Bà chỉ có thể kết hôn với ngôn ngữ, bởi vì quê hương của bà không còn.
Đây cũng là điều Brodsky nói ra, khi được hỏi, và ông trả lời, tôi hết còn tin vào cái xứ sở đó.
Nhưng, khác Brodsky, những người như TMT, họ chứng kiến cái giây phút hấp hối của xứ sở, khi ngoái nhìn lại, những ngày 30 Tháng Tư 1975. Kinh nghiệm này, Kundera cũng đã từng sống vào năm 1968, khi Liên Xô xâm lăng xứ sở của ông, và ông bảo, nó đau như là một trận cháy nhà. [Trong Le Rideau, Bức Màn]
*
Nhưng mà này, liệu có cái gọi là văn học Việt Nam hải ngoại không đấy, Hai Lúa nhớ, ông nhà văn ra đi từ miền bắc VTH đã có lần nham nhở hỏi lại cái tay phỏng vấn ông.
"Nhưng mà này, có còn cái gọi là Hà Nội.... "
Có thể nói, cũng là cảm giác ấy, của tay nhà văn ra đi từ miền Bắc kia, khi nham nhở như thế đấy, tuy nhiên, bàng hoàng hơn, sửng sốt hơn, sung sướng, hạnh phúc hơn nhiều, khi Hai Lúa gặp một nhà văn ra đi từ Hà Nội, cùng với gia đình của bà, lần "ghé thăm" cựu lục địa.
-Ôi chao, những con người Hà Nội, thứ thượng hảo hạng của nó, sau 1954 cho đến mãi ngày này, mà vưỡn còn, hử?
Thế mình về được rồi!
Phải về rồi!
BVVC
*
Theo Kundera, trong đoạn viết Tiểu thuyết như là không tưởng của một thế giới không biết sự lãng quên, le roman comme utopie d'un monde qui ne connait pas l'oubi, trong Bức Màn, chính cái thế giới thực tầm phào chán ngắt, bị sự quên lãng trấn ngự, chính cái thế giới của thảm kịch của sự vô ích, của chuyện thường ngày ở huyện, của hiện sinh thừa mứa đó, khiến tiểu thuyết biến thành một pháo đài chống lại sự lãng quên: Tác phẩm nghệ thuật hiện ra sừng sững như là một thế giới khác, lý tưởng, kiên cố, vững chắc, trong đó, mỗi chi tiết có sự quan trọng, ý nghĩa của riêng nó... thật xứng đáng để đừng bao giờ quên, không thể nào quên...
Nhưng, cho dù kiên cố thế nào, thì cũng không thoát ra khỏi quyền năng cùa sự lãng quên, và, thế là, mỗi nghệ thuật, lại trang bị thêm cho nó, một thứ võ khí chống lãng quên.
Theo ông, trong trường hợp như thế, thơ có quyền năng riêng của nó, một đặc quyền. Kẻ nào đã từng thuộc một bài sonnet của Baudelaire, thí dụ, là chẳng dám bỏ sót một chữ ! Nếu anh ta yêu nó, là anh ta cứ đọc đi đọc lại, nhiều khi còn ngâm lên ông ổng, cho đến khi thuộc lòng.
Thơ chính là một pháo đài vững chãi nhất của trí nhớ.

"O God, You've done enough, You've robbed me enough. I'm too tired and old to learn to love. Leave me alone for ever".
[Ôi Chúa ơi. Ngài làm như vậy đủ rồi. Ngài trấn lột con như thế đủ rồi. Con quá mệt mỏi và già nua để học yêu thương. Hãy mặc xác con, để cho con yên thân mãi mãi"].
Graham Greene