Thành
Phố Tuổi Trẻ
NQT đọc
Nắng Hồng
Trăng Ơi, thơ ấu mãi:
Bài Viết Bên Lề
|
Trân trọng giới thiệu
Tựa
Nguyễn Chí Kham là
một nhà văn trẻ, nói trẻ là đối với lớp
người già đi trước ông một bước. Nhưng đúng ra bây giờ Nguyễn Chí Kham
là nhà văn
trưởng thành ở hải ngoại. Ông đang là một nhà văn đang sung sức, vững
vàng và
tự tin giữa phong trào sáng tác văn chương Việt ngữ. Những tác phẩm của
ông
xuất bản mấy năm vừa qua như: Nắng Hồng Phương Nam,
Thành Phố Tuổi Trẻ... đều là
những truyện dài, rất dài, viết rất đều tay, chứng tỏ sức sáng tác của
Nguyễn
Chí Kham đang ở thời kỳ sung mãn.
Tác phẩm của Nguyễn Chí Kham đều chứa đựng cuộc sống
thời
đại của ông, từ quê nhà sang tới cuộc sống nơi quê người. Những nhân
vật chúng ta
bắt gặp đây đó, ở sở làm, ở khu cư xá, ở phố phường đèn xanh đèn đỏ, ở
siêu
thị, trên xa lộ... và ngay cả những nhân vật xa xưa nơi quê nhà, thành
phố
Quảng trị cũ... cũng đều xuất hiện một cách rất rất gần gũi với người
đọc qua
bút pháp tài tình và chân thật của nhà văn Nguyễn Chí Kham.
Mới đây Nguyễn Chí Kham còn đưa cho tôi đọc tập bản
thảo
“Chuyến Tàu Ngày Mai” mới viết gồm 7 truyện ngắn, tôi lại thấy ở đây
một phong cách
khác hẳn với những bố cục trong truyện dài. Ở những truyện ngắn này
Nguyễn Chí
Kham đã xây dựng nên những câu chuyện rất gọn, giản dị nhưng cũng rất
bất ngờ
và lạ lùng. Điều này chứng tỏ sự đa dạng trong khả năng sáng tác của
tác giả.
Có lần người bạn trẻ đã nói với tôi rằng phải cố gắng làm việc thật
nhiều, viết
thật đều tay, rồi thế nào cũng có lúc sẽ bật ra được tác phẩm mong
muốn. Tôi tự
hỏi giống như cung thủ cứ phóng tên, cứ nhắm bắn nhẫn nại rồi
cũng có lần
phóng trúng đích ?
Tôi trông chờ sự thành công của Nguyễn Chí Kham.
Nhà văn. Có khi. Chỉ cần một tình yêu chân chính.
Thảo Trường
(HB. 5/2007)
*
JLB - Je crois que si l'on
écrit un livre assez long, ce livre devient autobiographique. Sinon, il
n'a aucune vie. Un livre a la vie que l'écrivain lui donne. Dans le cas
de Flaubert, on pourrait parler d'un autre roman : "Don Quichotte". Au
commencement, Don Quichotte n'est rien. Ses histoires sont assez
puériles, mais à la fin, pendant la deuxième partie, Don Quichotte est
déjà Cervantès. Ou Cervantès se confond avec lui. Et quand il meurt,
c'est atroce pour Cervantès, c'est comme si lui-même mourait. C'est un
autre grand livre.
Jorge Luis Borges : Le goût de l'épopée
Propos recueillis par Robert Louit
Magazine Littéraire n°125 - Juin 1977
Borges: Nếu bạn viết một cuốn sách khá dài, nó sẽ trở thành một cuốn tự
thuật. Nếu không, nó sẽ đếch có một đời sống nào hết. Cuốn sách có một
cuộc đời, và đó là cuộc đời mà nhà văn đem lại cho nó. Trong trường hợp
Flaubert, có thể viện thêm một cuốn tiểu thuyết khác: Don Quixote. Vào
lúc thoạt đầu, Don Quixote là cái đếch gì? Những câu chuyện ở trong đó
mới nhăng nhít làm sao, nhưng ở đoạn chót, tức phần hai, Don Quixote đã
là Cervantes. Hay nói một cách khác, Cervantes, Don Quixote nhập vào
nhau. Và khi anh chàng chết, mới thê thảm làm sao! Cứ như thể là
Cervantes, đích thị ông ta, chết. Lại một cuốn tiểu thuyết lớn lao khác.
Bạn có thể đọc bộ ba "Trăng Học Trò, Trăng Tù, Trăng Đất Khách" (1)
theo cách đó: Tức coi đây là tự thuật, cuộc đời, của một nửa miền đất,
qua "ba mùa" trăng. (2)
(1) Trăng Ơi Thơ Ấu Mãi, Nắng Hồng Phương Nam, Thành Phố Tuổi Trẻ.
(2) Ba Mùa, là mượn một tên phim, của Tony Bui.
NQT
*
Ông viết, "Một cuốn sách
phải quậy nát bấy, những vết thương... Một cuốn sách phải là một hiểm
nguy. Những cuốn sách của ông, chúng nguy hiểm theo nghĩa nào?"
"Thì đúng như vậy. Hãy nghe này:... khi cuốn "Précis...." của tôi
ra lò, một tay phê bình của tờ Thế Giới (Le Monde) gởi cho tôi một lá
thư, với lời trách móc: 'Ông không nghĩ đến hậu quả, nếu cuốn sách lọt
vào tay mấy người trẻ tuổi?'. Thật là phi lý! Sách phục vụ lớp trẻ?
Phục vụ như thế nào? Dạy dỗ chúng? Giúp chúng học? Nếu như vậy, chúng
chỉ cần tới trường, tới lớp."
"Không, tôi cho rằng cuốn sách đúng là một vết thương. Nó phải thay đổi
cuộc đời của người đọc, cách này hoặc cách khác.... Một bà viết về tôi,
mới đây, trên tờ Le Quotidien de Paris: 'Cioran viết điều mà người ta
phải nói thầm, khi nhắc lại'. Tôi không viết, theo nghĩa 'làm ra một
cuốn sách', để cho người ta đọc. Không, tôi viết để hất đi một gánh
nặng cho tôi. Nhưng rồi sau đó, khi nghĩ về 'nhiệm vụ của những cuốn
sách của tôi' (la fonction de mes livres), tôi nói với mình, chúng phải
như một vết thương. Một cuốn sách, mà người đọc 'vũ như cẩn' sau khi
đọc nó, là một cuốn sách vứt đi."
Cioran
Kafka
cũng từng nói như vậy: Ông viết cho bạn là Oskar Pollak, vào năm 1904:
"Tôi nghĩ chúng ta chỉ nên đọc những cuốn sách ngoạm, hoặc đâm chúng
ta. Nếu cuốn sách mà chúng ta đọc không lay động chúng ta tỉnh hẳn
người, giống như bị ai đó giáng một cú vào sọ, thì ích chi đâu mà đọc
nó? Sách làm cho chúng ta hạnh phúc? Cám ơn Trời, chúng ta hạnh phúc
biết bao nếu chẳng sách gì hết. Những cuốn sách làm chúng ta hạnh phúc,
chúng ta có thể tự viết lấy. Sách mà chúng ta cần, chúng đập chúng ta
giống như gặp một chuyện bất hạnh đau đớn nhất, như cái chết của một
người thật thân thiết mà chúng ta yêu hơn cả yêu chúng ta, nó làm chúng
ta cảm thấy như bị tống xuất tới một nơi rừng rậm, hẻo lánh, xa hẳn con
người, giống như tự tử. Cuốn sách phải giống như cái rìu phá cái biển
đóng băng ở bên trong chúng ta. Tôi tin như vậy."
(Alberto Manguel trích
dẫn, trong cuốn A History of Reading,
nhà xb
Alfred A. Knopf Canada, 1996)
Nhắc
tới Borges, và qua ông, tới Hồng Lâu
Mộng, tới tác giả của nó: Tào
Tuyết Cần, (1716?) - 1763 (?), giống như phần lớn các nhà văn lớn Trung
Hoa trong lịch sử, viết văn là để giải tỏa nỗi niềm cô phẫn, là để ký
thác những suy tư về con người và thời đại.
Ông vốn sinh ra trong một gia đình đại quí tộc... Năm lần vua Khang Hi
tuần du phương Nam, thì bốn lần ở lại nhà họ Tào... có thể đoán biết
cuộc sống trong phủ Giang hồi đó xa hoa, vương giả thế nào.... Trong Hồng lâu Mộng,
Nguyên Phi về thăm nhà có một buổi mà phải xây cất bao
nhiêu đình tạ... nữa là hoàng đế tuần dự ngự đến nhà.
Nhà ông chẳng những hào môn vọng tộc hiển hách như thế, mà còn có
truyền thống văn chương...Nhưng cuộc sống vàng son đó của gia đình ông
đã trôi qua. Lúc Tào Tuyết Cần lớn lên thì tất cả đã ở đằng sau rồi:
Cha bị khép tội bị cách chức, bị tịch biên gia sản, nhà họ Tào suy sụp
và ông phải về sống ở vùng ngo\ại ô phía tây thành Bắc Kinh trong cảnh
cả nhà rau cháo, rượu thường mua chịu.
Hồng Lâu Mộng có
thể xem là làn phản quang những hồi ức của Tào Tuyết
Cần về cuộc sống quí tộc đã tan vỡ đó.
[Trích Hồng Lâu Mộng bản
tiếng Việt, do nhà Văn Học ở trong nước, xuất
bản]
Bây
giờ người viết thử mô phỏng đoạn trên, ứng vào Nắng Hồng Phương Nam:
Tác giả vốn thuộc vào một miền đất, từ khi bắt đầu lịch sử của nó, đã
thừa mứa miếng ăn cái mặc, đã bao lần họ Trịnh muốn thôn tính nhưng
đành chịu thua, phải trở về lại đất bắc, rồi tới ngày 30 tháng Tư năm
đó... Vào lúc tác giả bắt đầu viết Nắng
Hồng Phương Nam thì tất cả đã ở đằng sau rồi,
cả một miền đất trở thành.... một chân lý không bao giờ thay đổi, cả
một cuộc chiến trở thành tủi nhục, cả những ngày tháng dài cải tạo cũng
đã quá xa rồi, khi ông viết, ông ở bên Mỹ, và Nắng Hồng Phương Nam có thể
xem
là làn
phản quang những hồi ức của tác giả về cuộc sống đã có một thời đẹp đẽ
đó, nếu không phải của tất cả thì cũng là của riêng ông, với một số
người đẹp ở trong quãng đời đó, nhất là quãng đời cải tạo ở miền bắc,
chưa nói đến chuyện nhờ nó mà ông, "người tù - như một nhà văn", hân
hạnh
gặp được Nhất Linh, và luôn cả Loan, tại Hà Nội....
Bạn
có thể cho rằng, người viết quá cay đắng, cay nghiệt, quá... nhưng sự
thực là như thế đó: Nếu Hồng Lâu Mộng chỉ là một giấc mơ ở lầu hồng,
chỉ là cuộc tình tay ba tay tư tay năm tay sáu tay bẩy, giữa Bảo Ngọc
và một mớ con gái đẹp, Nắng Hồng
Phương Nam thật sự chỉ là một cuộc tình, của một anh
chàng sĩ quan đi cải tạo, với một số những người
đàn bà....
Vần
đề còn lại, thật là nhức nhối: Tại sao Hồng Lâu Mộng thành công mà Nắng Hồng Phương Nam... thất bại?
*
Buồn
Nôn thoạt đầu có tên Buồn Phiền: La Mélancolie. Cái tít
này, Sartre mượn của Durer, một họa sĩ Đức (được nhắc tới trong Les
Mots).
Thân
Phận Tình Yêu, của Bảo Ninh, sau đổi là Nỗi Buồn Chiến
Tranh.
Liệu
Nắng Hồng Phương Nam, một cái tên vô thưởng vô phạt,
huề vốn như thế, là nhằm trung tính hóa (neutraliser), những cái tên
như Bếp
Lửa, Nỗi Buồn, Dựa Lưng Nỗi Chết, Mùa Hè Đỏ Lửa, và sau này, Đáy Địa
Ngục, Đại
Học Máu....?
Cũng
vẫn Sartre, trong bài viết về Francois Mauriac, sau in
lại trong Nhận Định I (Văn chương là gì?), cho rằng, "Sách nói cho cùng
chỉ là mớ giấy lộn, nhưng coi chừng, nó còn là một con đại bàng đang
chuyển
động” (nguyên văn: một cái dáng lớn đang chuyển động, une grande forme
en
mouvement).
Con đại bàng đang xỏa hết hai cánh rộng của nó đó, là: Sự
Đọc. La Lecture.....
“Một cuốn tiểu thuyết... nở phồng ra, và được nuôi dưỡng,
bằng thời gian của những độc
giả của
nó (un
roman... se gonfle, et se nourrit avec le temps de ses lecteurs).”
*
Chekhov vốn không viết được truyện dài, và giải thích cho sự không
thể viết của mình: "Chỉ những nhà văn thuộc nòi phong nhã [issu de la
noblesse] mới biết viết tiểu thuyết. Còn chúng ta, thuộc thứ
tiểu-trưởng giả, tiểu thuyết vượt quá sức chúng ta."
[Roger Grenier, Hãy nhìn tuyết rơi (những ấn tượng về Chekhov), nhà xb
Gallimard, tủ sách Folio, 1992]
NQT đọc Nắng Hồng
Nếu như thế, một thằng cu nhà quê Bắc Kỳ như Gấu, làm sao viết
tiểu thuyết?
Thảo nào, nhà thơ LH phong cho Gấu là chuyên gia Tạp Ghi!
|