Nhà văn thường là kẻ bất
công với chính mình: bất công với
những gì hắn đã viết ra. Hắn thường nhìn lại tác phẩm của hắn với con
mắt nghi
ngờ, không toại nguyện. Càng nghi ngờ, không toại nguyện, khi đó là tác
phẩm đầu
tay mà ngày nào, khi “chưa phải là nhà văn”, hắn đã hoàn tất với tất cả
say mê
cuồng nhiệt, tình cảm mà mai đây, khi đã là nhà văn rồi, không dễ dầu
gì hắn tìm
lại được. Với hắn dường như tác phẩm thật sự là tác phẩm hắn đang viết,
sẽ viết,
đang hoàn tất, sẽ không hoàn tất bao giờ. Trong khi cuốn sách đầu tiên,
đối với hắn, chỉ là bước chân
dọ dẫm, những âm vang ngơ ngác của một thời: thời mới lớn. Dường như
tác phẩm đầu
tay của một nhà văn luôn luôn gắn bó vào chính cái thời mới lớn đó. Nó
đánh dấu
một thời mới lớn, nó thể hiện những say mê và ước vọng của thời mới
lớn, nó chính
là cái thời ngu ngơ bất trắc đó. Cho nên trong chủ quan của nhà văn, nó
là cái
gì nhất thiết phải được vượt qua, một cách nào đó, phải được chối bỏ.
Nó không
còn là một khởi điểm. Nó là một lỡ lầm mà nhà văn muốn quên đi như một
nỗi thất
bại. Trường hợp Philippe Sollers mới đây khi lên tiếng phủ nhận và loại
bỏ tác
phẩm đầu tay [Une Curieuse Solitude] ra khỏi toàn bộ tác phẩm của mình
là một
trường hợp điển hình.
Tác
phẩm đầu tay càng sớm trở thành cổ điển, nó càng là lý
do để tác giả nó hoài nghi và phủ nhận chính nó. Phải chăng đó là ý
thức khốn
khổ của nhà văn khi bắt đầu nhận thức rằng mình “chỉ là một nhà văn”,
bắt đầu có
được một cái nhìn thấu suốt qua căn phần và định mệnh “nhà văn” của
mình. Phải
chăng nơi đây, nhà văn cũng không khác gì nhà triết học, nói theo một
bực thầy
hiện đại, chính là kẻ “đời đời khởi nghiệp”. Viết, một cách nào đó, là
viết chống
lại những gì mình đã viết, nhất là chống lại những tình cảm sôi nổi
ngày nào thể
hiện qua những trang sách đầu tiên. Viết, một cách nào đó, là chống lại
tác phẩm
đầu tay của mình, một khi sự "kiêu hãnh của tuổi nhỏ [đã] nhường chỗ
cho sự bình
tĩnh ý thức”, một khi người ta "bắt đầu cầm bút thực sự."
Mấy
ý nghĩ tự phát và chủ quan trên đây đã đến với tôi sau
khi đọc Bếp Lửa và sau khi đọc bài tựa do chính tác giả viết lên đầu
tác phẩm đầu
tay của mình trong lần xuất bản thứ hai [nhà xb Sáng Tạo, 1965]. Tám
năm sau lần
xuất bản thứ nhất [1957-1965], Thanh Tâm Tuyền đã có dịp nhìn lại tác
phẩm đầu
tay của mình như một kẻ đứng ngoài kinh nghiệm của chính mình, nhìn lại
vào nó
bằng một cái nhìn chân thật đến tàn ác, nếu cần.
“Cuốn
sách mỏng mảnh,
yếu ớt và
chưa thành hình dáng này của một người mới lớn”. Tác giả muốn nói gì
với chúng
ta qua lời thú nhận đó? Một cuốn sách chưa thành hình, một tác phẩm dở
dang, đúng
hơn là một kinh nghiệm đã hoàn tất? Cuốn sách của một người mới lớn
liệu có thoát
ngoài kinh nghiệm của chính tâm hồn mới lớn đó? “Lúc hắn viết cuốn sách
này, hắn
chưa phải là một nhà văn, không muốn là nhà văn. Hắn chưa biết mình
muốn gì vì
hắn muốn tất cả.” Tất cả ở đây phải chăng là toàn thể cái kinh nghiệm
sống mà hắn
muốn thể hiện lên những trang sách thứ nhất đó? Cuốn sách đầu tiên, đó
chưa là
kinh nghiệm của tác phẩm mà là tác phẩm của một kinh nghiệm. Cho nên
khi nhìn lại
cuốn sách đầu tiên của mình, để trở lại với một ý nghĩ ở trên, tôi
nghĩ, nhà văn
có thề phủ nhận nó như là tác phẩm chớ không thể phủ nhận nó như là một
kinh
nghiệm, một kinh nghiệm mà chính hắn đã trải qua, một kinh nghiệm làm
biến đổi
tâm hồn hắn, đã dìu hắn đến ngồi vào bàn viết, viết dòng chữ đầu tiên:
“Tôi tìm
Thanh ở chỗ làm việc của nàng…”, dòng chữ đầu tiên hay chính là lời nói
đã tìm được
cơ hội thốt lên và chính hắn cũng tan biến vào lời nói đó, chính hắn là
lời nói đó.
Có
lẽ không phải tình cờ khi phần đông các tác phẩm đầu tay đều
viết ở ngôi thứ nhất. Hay nói một cách đơn giản hơn: nó là lời nói của
một con
người, một kinh nghiệm. Con người đó đã từng sống thật trước khi biến
thành nhân
vật tiểu thuyết và tác giả không là kẻ sáng tạo nên nhân vật tiểu
thuyết của mình:
hắn chính là nhân vật tiểu thuyết đó [Narcisse chết: hắn là kẻ không
biết dùng
chữ, đáng tiếc!].
Tác
phẩm hay là sự tiếp nối của một kinh nghiệm sống , một
thảm kịch sống. Phải chăng trong ý nghĩ đó, Bếp Lửa nhất thiết là một
cuốn sách,
nói theo tác giả, của một người “chưa phải là một nhà văn, không muốn
là một nhà
văn”. Viết Bếp Lửa điều này cũng có nghĩa là sống (một lần nữa) cái
thảm kịch của
chính nó đồng thời mời gọi người đọc tham dự không phải vào một thế
giới phù phép,
giả ảo của chữ nghĩa, mà vào một thế giới còn nồng nàn hơi thở của sự
sống. Nếu
nhận rằng có một hố sâu ngăn cách giữa văn chương và thực tại, giữa chữ
và nghĩa,
thì ở đây, vinh quang của Bếp Lửa chính là ở chỗ nó nó chưa rơi vào sự
sa đọa của
tác phẩm, nó là cuốn sách còn là cuốn sách hiểu trong ý nghĩa đơn sơ
nhất của
danh từ, cuốn sách của một người “chưa phải là một nhà văn”.
Bởi
nhà văn cần thiết
là một con người sa đọa, hắn hy sinh thực tại cho mộng tưởng, hắn hy
sinh thế
giới cho hình ảnh, hắn hy sinh sự sống cho chữ nghĩa vân vân…. Hãy nghe
Thanh Tâm
Tuyền nói: “Mỗi nhà văn chính là kẻ sống sót”. Kẻ sống sót với “sự
thật” của những
người chết “truyền lưu” cho hắn. Nói khác đi, sự thật chính là sứ mạng
của nhà
văn.
Nếu
Bếp Lửa thể hiện một sự thật, một kinh nghiệm, thì thất
bại chính là tên gọi của sự thật, của kinh nghiệm đó. Trong một bài
viết về
Thanh Tâm Tuyền, tôi có đi tới một nhận xét: “Đọc Thanh Tâm Tuyền tức
là một cách
nào đó tham dự vào cuộc phiêu lưu trắc trở của một ý thức lạc loài và
bất hạnh.
[Đi Tìm Tác Phẩm Văn Chương, Huỳnh Phan Anh, nhà xb Đồng Tháp, trang
174].
Nhân
vật Bếp Lửa chính là một trường hợp điển hình của ý thức
khốn khổ đó. Một ý thức khốn khổ hay một ý thức trong cuộc hành trình
vô vọng
giữa hư vô và đổ vỡ. Một ý thức mà giấc mộng “biến cải thế giới”, “thay
đổi cuộc
đời”, “tự do và chọn lựa”…. chỉ là một nỗi “đam mê vô ích", giữa những
thế lực mù quáng của định mệnh và lịch sử không ngừng “lấn áp ở
mọi phía”. Một ý thức, trong cô đơn và bất lực, bị kết án phải “đi một
mình suốt
đời” giữa bốn bề hỗn động, tối tăm.
Cuốn
sách mở ra một cuộc hành trình, hành
trình vào cõi đêm thâu. Trên từng câu ngắn, trên từng ý nghĩa cô đơn,
người đọc
không đọc mà lắng nghe, lắng nghe cái âm vang lạc loài của những bước
chân cô đơn,
quờ quạng.
Thảm
kịch của Bếp Lửa là thảm kịch của con người như một ý thức bị vây
khổn. Nó bị kết án vì nó là một ý thức. Nó khốn khổ vì nó là một ý
thức. Ý thức,
đó chính là căn bệnh khốc liệt nhất, là “con sâu ở giữa tim, giữa hồn,
giữa não”,
là cái chết ngày một lớn lên, là sa mạc ngày càng rộng mở.
Bếp
Lửa hay là định
nghĩa của một con người như một ý thức, một ý thức như một nỗi khốn
khổ. “Đi đâu
cũng chỉ là mày – đau khổ và nhục nhã. Mà nào riêng có đất này hổ nhục
thôi đâu,
mọi nơi mắt mày cũng chỉ nhìn thấy như vậy. Không trốn được đâu, trừ
phi mày trốn
được lòng mày”.
Đi
đâu? Đó là câu hỏi khốc liệt từng phút từng giấy đốt cháy tâm
tư con người giữa sa mạc quạnh hiu bát ngát. Đi đâu rồi cũng vẫn thế, ý
thức đời
đời vẫn là nỗi bất lực đớn đau, ý thức sau cùng chỉ là những tiếng ngọ
nguậy của
bầy cua, nó vô vọng bẻ gẫy và vượt qua những giới hạn của mình, tìm đến
những
chân trời kỳ diệu của ước muốn và mộng tưởng.
Nhân
vật Bếp Lửa không ngừng loay
hoay, tìm kiếm, lặn hụp, phá phách trong một thế giới đầy ắp những cái
ngẫu nhiên,
không thường tồn, không tất yếu. Một thế giới rạn nứt, vô phương hàn
gắn. Một
thế giới về chiều. “Về đâu bây giờ?” Trong cái thế giới âm u, xám ngắt,
câu hỏi
thốt lên, âm thầm nhưng man rợ làm sao, bởi đó là câu hỏi còn là câu
hỏi, bởi đó
là tiếng thét gọi của một ý thức đang lâm vào đường cùng, bởi đáp lại
nó, chỉ có
niềm im lặng của hư vô và bóng tối điệp trùng.
Và cuộc hành trình vẫn tiếp tục, còn mãi mãi với
nhân vật Bếp
Lửa, cuộc hành trình không hứa hẹn về đâu. “Tôi không nhớ mình đang nằm
ở đâu,
mình đến đây làm gì. Chưa bao giờ tôi cảm thấy nỗi tuyệt vọng ghê gớm
đến như
thế. Tôi có thể tự tử được. Nhưng tôi tự nhủ: cũng thế thôi, phải, cũng
thế thôi.”
Họa may, cuộc hành trình kia rồi sẽ đưa người ta tới cái chết, như một
thất bại
sau cùng, như một đoạn đường sau chót của một chuyến phiêu lưu.
Liệu còn có cách kết thúc nào khác cho một câu chuyện như thế?
Cái chết xuất hiện như một người tình đúng hẹn. Cái chết không kết thúc
nhưng
hoàn tất, như người ta hoàn tất một tác phẩm, một công trình có ý
nghĩa, một ý
nghĩa.
“Tôi
có thể tự tử được.” Tưởng tượng nhân vật Bếp Lửa đã thốt lên câu đó
với tất cả sự sung sướng của tâm hồn. Tưởng
tượng đó cũng là câu văn hồn nhiên trong sáng nhất của Bếp Lửa. Bởi
thảm kịch ý
thức đã đạt tới cao độ của nó: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy nỗi tuyệt
vọng ghê gớm
đến như thế.” Cái chết như một cách giải quyết sau cùng. Thất bại sau
cùng cũng
là chiến thắng đầu tiên của ý thức khốn khổ.
Nhưng tại sao nhân vật Bếp Lửa
đã không chấp nhận cái chết lựa
chọn và tự do đó?
Tôi nghĩ rằng, hơn ai hết, hắn thừa nhận rằng cái chết thể hiện sự tự
do tuyệt đối của con người như là một khả năng lựa chọn, đồng thời
chính nó cũng phủ nhận con người như một khả năng lựa chọn, đồng thời
chính nó cũng huỷ diệt khả năng lựa chọn đó. "Cũng thế thôi." Cái chết
không thay đổi được gì. Hơn nữa, cái chết ở đây còn là sự thất bại của
chính sự thất bại.
Trong viễn tượng đó, ta có thể
nói Bếp Lửa là hành trình của một ý thức khốn khổ còn là ý thức khốn
khổ, là kinh nghiệm của một sự thất bại còn là sự thất bại. Chấp nhận
con người như một ý thức khốn khổ, chấp nhận con người như một thất
bại, phải chăng đó cũng là cách chấp nhận chính đời sống này? Cái chết
là khởi điểm của Bếp Lửa nhưng không là cùng đích của nó. Đúng hơn, nó
là sự hình thành của một thái độ. Phải chăng đó cũng là một giá trị cao
cả của Bếp Lửa?
Huỳnh Phan Anh.