3.8.2007
Thanh
Tâm Tuyền
Mù
khơi
(Tiểu
thuyết)
1
2
3
4
5.
Tôi gục đầu xuống vai Châu, muốn ngủ luôn như thế. Sau một cánh cửa,
ánh đèn
bật và tiếng chân người lệt xệt.
"Xuân Hồng. Mày về đấy à?"
"Ừ. Mở cửa hộ tao với…"
Cửa mở hé, đầu đàn bà rối bù ló ra, rồi thụt vào ngay. Tôi gọi bỡn:
"Xuân
Hồng… này". Châu suỵt, bước vào buồng. Gian buồng phơi lộ liễu dưới ánh
đèn
sáng, chật hẹp tồi tàn. Hai chiếc giường lớn kê lệch sát nhau, hở một
lối đi chỉ
vừa một người lách qua, buông hai chiếc mùng trắng mầu nước dưa, đã
choán gần
hết gian buồng.
Châu vẫy tôi còn đứng ngẩn ngơ dưới bực thềm:
"Ông anh tao. Ông ấy say rượu bị du đãng đánh".
Người đàn bà ở chung buồng đứng giữa kẹt hai chiếc giường mặt mũi lem
luốc vì
giấc ngủ dở dang. Châu cũng đứng ở đầu cái kẹt ấy. Tôi đứng giữa khoảng
trống
giữa chiếc giường ngoài và cửa vào.
Khoảng giữa chiếc giường trong và bức tường ngoài, một chiếc tủ gương
và một
bàn nước với hai cái ghế nệm cũ. Trên lưng ghế cả sợi dây kẽm mắc dọc
giữa hai
chiếc giường quần áo treo vắt bừa bãi. Tôi lúng túng ngây ngô, ngó vào
chiếc tủ
gương. Mặt mũi sưng húp thảm hại, râu tóc tua tủa đến kinh tởm. Châu
đóng cửa
buồng, không khí ngột ngạt bưng bít.
"Thôi mày đi ngủ đi. Nhìn cái chó gì mà nhìn".
Người đàn bà chưa quen lẳng lặng vén mùng chiếc giường trong chui vào.
Châu đẩy
lưng tôi lách vào kẹt. Người đàn bà trong mùng nằm quay lưng co quắp ôm
chiếc
gối dài. Từ chân giường ngoài vào đến tường còn một khoảng hẹp, chỗ kín
đáo
nhất, dùng để rửa mặt, thay quần áo. Châu tắt ngọn điện chung, mở bóng
điện
nhợt gắn trên đầu giường nàng. Ánh mờ làm cho gian buồng như nới rộng
thêm một
chút. Tôi đứng dưới chân giường Châu, không biết phải làm gì. Châu thay
quần áo
ngoài bàn nước. Tôi ghé ngồi xuống trông, thấy lờ mờ sau màn giường bên
nửa
chiếc cẳng duỗi của người đàn bà. Trong giường Châu, tấm mền lớn tung
mở xô
lệch như có người nằm ngủ.
"Anh Trường".
Tôi bật lửa đốt thuốc thay câu đáp. Người đàn bà ở chung cựa mình lên
tiếng:
"Đừng hút thuốc, ông anh ơi".
"Nga, mày nói cái gì vậy?"
"Tao sợ mùi thuốc lá thì tao nói. Mày cho tao nói một câu không được
sao?"
"Không được, mày ngủ đi".
"Thì tao ngủ".
Tôi dụi tắt thuốc. Giọng người đàn bà nhõng nhẽo tức cười. Cô ta lăn
tuốt vào
trong, kéo chăn phủ trùm. Châu chịu vào giường bạn lật chăn, vỗ vỗ vào
người
đàn bà bảo khẽ:
"Cho tao gửi…"
"Tao không cho gửi… Để nó bên ấy…"
"Chóng ngoan. Ông ấy cần ngủ…"
"Tao cho nằm nhờ giường tao".
"Bậy nào… Tao không đùa đâu. Nga… Giúp tao…"
Tôi không nín cười nổi nữa. Đột nhiên tiếng khóc ré của một đứa trẻ
ngay sau
lưng tôi làm tắt tiếng cười của tôi. Châu trở sang giường mình, nhoài
người
trên chăn, dỗ đứa trẻ nằm ở trong. Nàng ôm đứa trẻ vào người, nựng nịu
âu yếm.
Đứa trẻ nín ngay ngủ tiếp. Nàng chuyển đứa trẻ sang giường bạn. Người
đàn bà
đặt đứa trẻ nằm sát trong tường. Châu kéo tấm màn hoa dầy ngăn che hai
giường
rồi vào với tôi.
"Anh rửa mặt đi. Để em lấy quần áo anh thay".
Nàng chỉ cho tôi trong chiếc lavabô trong bóng tối, xoay người trở ra
ngoài mở
tủ lách cách. Tôi như bị nhốt trong gian buồng chật, chân tay bị trói
chặt, thụ
động hoàn toàn. Tôi tới đứng gần lavabô, ngây ngất chóng mặt.
"Anh thay quần áo đi anh".
Tôi muốn hôn Châu nhưng nàng ngăn giữ, lắc đầu, lần mở cởi cho tôi
chiếc áo choàng
ngoài và cái quần ướt bẩn. Nàng ném vào tay tôi bộ đồ ngủ đàn bà, mở
vòi nước
chảy mạnh. Nước lạnh giá vỗ lên mặt làm trầy các vết thương, lạnh toát
toàn
thân. Tôi rên rỉ đau đớn. Tôi run lập cập, nghe chừng cơn sốt có thể
chụp xuống
đầu thình lình trong những phút sẽ tới. Châu vực tôi vào giường kéo
chăn đắp.
Tôi yếu nhược quá thể, nước mắt ràn rụa tự nhiên, tôi tưởng mình rồi
tan thành
vũng nước mắt. Châu ôm quặp tôi. Tôi mặc người đàn bà ấp ủ vuốt ve.
"Anh Trường, anh đau lắm phải không? Anh ngủ đi. Anh khổ lắm phải
không? Em
cũng khổ như anh… Em khổ lắm, anh hiểu không?... Không ai hiểu em cả,
em không
thể nói với ai. Em còn có ai đâu… Em không ngờ em lại gặp được anh. Em
không
buồn vì anh không nhìn ra em… Em đâu có quyền buồn anh phải không?
Mười mấy năm rồi… Mười mấy năm rồi… Anh ngủ đi. Đêm nay em làm sao ngủ
được. Em
sẽ thức… em không ngủ, em chỉ muốn nhìn thấy anh. Em sợ nhỡ anh biến đi
mất… Em
biết nếu anh không say, không đời nào em giữ nổi anh, đúng không nào?
Mai anh
tỉnh… mai anh khoẻ… anh lại biến đi chắc chẳng bao giờ em còn hy vọng
gặp lại
anh.
Chẳng bao giờ có phải không anh? Lúc nãy đó, em đã tưởng anh bỏ đi rồi.
Em hiểu
lúc nãy nếu anh không vào, em sẽ như thế nào… Em đâu có thể theo anh
suốt đời…
em biết chứ… nhưng đêm nay, anh là của em… anh ngủ đi…"
Người đàn bà khóc, nước mắt rỏ ấm. Cơn sốt hầm hập kéo đến muộn dìm tôi
vào hôn
mê. Tôi không còn hơi sức chống cưỡng. Tồi đòi uống nước. Châu phải trở
dậy,
lịch kịch. Cốc nước lạnh tanh. Người tôi như bãi cát bỏng hút nước hoài
không
ngớt. Châu nhúng khăn ướt đắp lên trán tôi. Dường như đến một lúc, Châu
mất
bình tĩnh mở đèn sáng cầu cứu người bạn ở chung. Tôi chìm trong cơn mê
muội thảng
thốt, miệng ú ớ rên la… Dường như cửa buồng bị mở, gió lạnh thổi hút
vào đầu
giường muốn cuốn bay mùng ngủ. Tiếng Châu quát gọi bạn đóng cửa. Thoáng
lúc tỉnh,
tôi nghĩ mình sắp chết, không sao qua khỏi, tôi sắp chết… Gương mặt đàn
bà nào
nhìn thấy như nỗi chết lượn lờ.
Tôi bị vùi trong cơn sốt nóng rẫy không biết bao lâu. Tỉnh lại, tôi
thấy mình
nằm dưới mấy lớp chăn dầy ngộp. Châu còn thức, nằm bên quay mặt nhìn
tôi. Nàng
mở mắt nhưng có lẽ đầu óc thiếp mệt. Gian buồng lạnh tanh, ngọn điện
trên trần
bật sáng. Cơn gió lạnh của khí hậu len luồn cùng hơi ấm của thân đàn bà
sát
cận. Cơn sốt đã lui, thân thể tôi khô héo nghe rõi đến xương xẩu. Các
vết
thương ẩn khuất ngầm giấu. Sự đau đớn như được ủ đậy.
"Anh. Anh bớt chưa? Em sợ quá…"
Tôi cười nhếch nhác ra dấu tắt ngọn điện chói. Gian buồng chìm hẳn vào
bóng tối
đặc. Đêm như vẫn còn dài trong tiếng gió thăm thẳm ngoài trời.
"Mấy giờ rồi em?"
"Hơn bốn giờ. Anh ngủ đi".
Hơn bốn giờ, Hằng có lẽ đã thức, thu xếp hành lý, sửa soạn ra bến xe
đón chuyến
xe đầu tiên. Có thể Hằng cũng trải qua một đêm không ngủ. Châu nằm gọn
trong
tay tôi và như đang nghe ngóng hơi thở của tôi.
"Anh. Anh thấy trong mình thế nào? Lúc nãy em lo quá. Nói dại anh mà
chết…
thì thật…"
"Chết thì chôn".
"Mới lúc nãy thế, bây giờ đã thế rồi…"
Trong bóng tối, Châu xoa đầu tôi. Giường bên, người đàn bà mê ngủ lăn
trở. Chiếc
màn dầy ngăn che hai giường không lay động, những chiếc vòng treo rung
chạm vào
sợi dây kẽm.
"Anh ngủ đi. Mai mình nói chuyện…"
"Lỡ mai anh hết nói được thì sao?"
"Anh chỉ được cái đùa nhảm".
"Không nhảm đâu… Lúc nãy anh cũng tưởng chết ngắc rồi. Tại sao… chốc
nữa anh
lại không thể chết nhỉ? Làm sao em biết được".
Tôi biết theo thói quen sau mỗi cơn say điên đảo tâm thần, sẽ là sự
tỉnh thức
tráo trân. Như lúc này. Cơn sốt bốc cháy một hồi qua thiêu luôn giấc
ngủ. Tôi
chỉ thiếp mệt từng lúc, và từng lúc mở banh mắt lơ láo bần thần.
Trong bóng đêm còn vây bọc tôi còn thể nằm yên một chỗ, nhoà lẫn kỷ
niệm của
người đàn bà, rã rời buông thả không còn là tôi. Một cơn say khác, một
cơn say
ngấm qua ngày tháng và một lúc nào thật xa bất ngờ dấy men trong ký ức.
Tôi ôm
Châu hững hờ như chính nàng là kỷ niệm và nhớ Hằng. Hằng đã thật là một
kỷ niệm
xa hút như những ngày trôi mất.
"Nói đùa. Thật đấy. Anh cũng không ngủ được đâu. Em nói lại cho anh
nghe những
gì em đã nói hồi tối… Em buồn ngủ không? Hồi tối anh say quá. Em đã nói
những
gì nào?"
Châu không muốn tôi ôm nàng hững hờ, nàng xích gần mò mẫm trên mặt tôi.
Người
đàn bà lắng nghe sự lạnh nhạt thờ ơ trong hơi thở hâm hấp ngưng điều
hoà của
tôi. Nàng khẽ kêu rít trong răng và tôi tưởng nàng bóp nát tôi như một
cục đất
khô. Một cục đất khô ran, bời rã ném tung thành bụi trong không khí cơn
dục
tình dần dà điện loạn của người đàn bà khiến thân tôi lao đao, lưng
tưởng chừng
nhấc bổng khỏi mặt nệm, mặt mưng nặng vồ vập những trào máu dồn sắp
thoát bùng
qua các vết rách. Tôi chỉ còn là một cái mặt đáng thương, cái mặt bị
đóng nẹp
cứng trong những ghì siết không dám kêu. Cổ họng tôi tức nghẹn. Tôi
thương
người đàn bà đang phải vùng vẫy. Một người trong cơn cô đơn tuyệt đối
trước mắt
người khác. Tôi vùi mặt trong đám tóc vương vãi, vểnh tai đón hết những
tiếng
động trong buồng. Tôi nghe cả tiếng mút tay chùn chụt của đứa nhỏ ở
trong
giường bên, như nằm sát nữa một bên tôi: ngủ đi con… má mầy… Tôi tự
mắng mình
ngu đần đã không nín thinh, đã đánh thức cơn tình của người đàn bà. Cơn
tình
hốt hoảng tuôn từ nguồn dốc chập chùng của những đỉnh mù quá khứ. Tôi
cũng đang
là một kỷ niệm, một kỷ niệm đang phôi pha mòn mỏi hay đang dồn đẩy
huyền hoặc…
Sau rốt sự lịm tắt cũng phải tới. Từ cực điểm của căng thẳng đứt thở,
mê sảng
và rối rít những tiếng thốt kêu không hồn vía, rớt xuống vùng sâu uất
nghẹn dẫy
dụa từng chập và trải ra trong bằng phẳng bẽ bàng.
Châu xa vắng như những ngọn đồi trọc ngoài kia trên đó gió sớm đã bắt
đầu vi
vu. Nàng không dám buông rời tôi, nàng không thể buông rời tôi. Chúng
tôi đang
cùng ủ chung với nhau nỗi trống trải hoang tịch trong một buổi mai mờ
mịt đang
lên ở chốn nào. Tôi bắt buộc phải hôn Châu từng chút nhỏ như đám sương
bụi rơi
trên cỏ. Mắt trĩu nạng, tôi tả tơi như tấm liếp sau trận bão cuồng:
"Em. Nói lại cho anh nghe. Anh Hoạt ra sao? Bây giờ là lúc anh có thể
nhớ
hết. Anh muốn nhớ là anh nhớ, anh muốn quên là anh quên. Óc anh nó buồn
cười là
thế đấy. Em đừng buồn. Anh không muốn em buồn, em nghe chưa. Một mình
anh buồn
là đủ. Một mình…. Xuân Hồng này. Em nghe anh nói không?"
"Dạ".
"Đừng giận anh. Anh vô tâm như thế. Anh bắt buộc phải vô tâm như thế.
Rồi
đến một ngày nào em sẽ thấy em cũng vô tâm như thế. Không thế em chỉ
còn cách
tự vẫn. Em không thể tự vẫn được vậy, thì em phải vô tâm. Không còn
cách nào
khác. Em không vô tâm được thì em cũng phải đóng trò vô tâm. Em phải
quên em là
Châu đi, em là Xuân Hồng. Mai mốt em có thể không là Xuân Hồng. Như anh
là
Trường. Từ mười năm nay anh là Phúc, người ta gọi anh là Phúc và em
cũng nên
gọi cho thân, nếu thân hơn nữa thì Phúc khùng, Phúc điên, Phúc "xi
ních’.
Phúc, mai mốt anh sẽ không còn là Phúc. Anh chẳng là cái gì… thật
tình…"
"Em không dám giận anh. Em biết cái số của em… nhưng em chỉ xin anh lúc
nào em cũng được coi anh là anh Trường để em được là Châu…"
"Em không còn là Châu… nếu em còn là Châu làm sao anh gặp được em đêm
nay.
Em đã là Châu, anh đã củng đầu em rồi ngay lúc mới gặp. Em có chịu như
thế
không?"
"Anh không thể củng em được. Em lớn rồi".
"Anh không củng được em thì anh sẽ… anh sẽ…"
Tôi bỏ rơi câu nói, không kiếm ra điều nghĩ. Tôi cũng đang tự hỏi tôi
sẽ làm
gì. Châu áp tai vào ngực tôi, hơi thở của nàng dầy chìm như vẫn còn bị
nén. Tôi
mơn man cái cổ chất chứa những tiếng nấc đang rình rập.
"Ờ, anh sẽ… đố em biết anh sẽ làm gì?... Em không thể tưởng tượng nổi.
Anh
sẽ giết em chết, em biết không? Anh bóp cổ em chết ngắc ngay lập tức…
Anh đủ
sức… nếu anh không vô tâm".
"Anh có thể bóp cổ em chết bao giờ cũng được… Em mong thế, em sung
sướng".
"Anh đâu còn đủ sức. Anh không thể làm vậy được. Anh đâu còn là Trường,
em
đâu còn là Châu".
"Không. Anh vẫn là anh Trường. Em chỉ biết anh là Trường từ bao nhiêu
năm
nay".
Những tiếng nấc vuột thoát khỏi cổ, ngực Châu giật động càng lúc càng
mạnh. Rồi
nàng khóc một cách ngon lành, nước mắt thấm ướt vai áo tôi. Vừa mệt vừa
giận,
tôi chỉ biết buông tay nằm thở. Tiếng khóc của đàn bà bao giờ cũng
khiến tôi
tức bực. Đó là lối thống trách vô lý khó chịu. Tôi muốn rút lại cánh
tay kê
dưới đầu người đàn bà nhưng bị giữ chặt. Mấy móng nhọn bấm vào cánh tay
đã tê
cứng. Tôi sắp sửa muốn la cho im tiếng khóc đang làm nổi gai ốc cùng
mình, sau
đó trỗi dậy bỏ đi thẳng một mạch.
"Anh… Em làm anh bực mình lắm phải không? Em xin lỗi anh… Anh biết em
không có quyền gì với anh. May mắn gặp anh, em mừng. Em chỉ muốn được
nói hết
với anh. Em không có ý gì khác đâu. Em khóc vô lý quá phải không anh?
Em nghĩ
tủi thân thế thôi… Em vẫn thường hay khóc một mình. Anh đừng để ý… khóc
đấy rồi
cười đấy… chẳng ra cái thứ gì cả…"
Châu cười, tiếng cười hư nguỵ kéo quá dài. Cơn giận đang ngấm ngầm của
tôi bị
khuấy ngầu thêm khó mà lắng. Cơn giận khớp chặt miệng và tôi cứ phải
nuốt những
hơi thừa dồn ứ. Tôi tự hỏi: Cớ sao tôi không đùa được đến cùng. Cớ sao
cứ bỏ
cuộc vào phút chót? Nào có gì quan trọng đâu những tiếng cười khóc ấy
của người
đàn bà dày dạn, tôi biết thế chứ. Sự nghiêm trọng cũng chỉ là một hồi
cần thiết
của trò đùa cho thêm đậm đà màu sắc. Cớ sao không dưng tôi tự tránh ra
phá thối
cuộc chơi vào lúc hấp dẫn nhất.
Có phải là dưng là không hay… Dưng không như thế chăng? Tội nghiệp
Châu. Tội
nghiệp người đàn bà muốn đóng một vai tuồng vẫn mơ ước. Tôi là diễn
viên dở ẹc
đã làm nàng thất vọng đã làm hư hết. Tôi xẹp dí xuống như chiếc bóng
thủng xì
hơi, não nề và chán chường quá đỗi.
"Anh còn ở trên này lâu không?"
"Cũng chưa biết nữa".
"Em cần gặp lại được anh không?"
"Em muốn, tại sao em lại không muốn? Còn anh…"
Bây giờ Châu ngửa mặt trông lên đỉnh màn. Bóng tối đen trong buồng hình
như
loãng hơn. Ý nghĩ của tôi cũng loãng trong giấc chập chờn. Tôi phải khổ
nhọc để
trồi khỏi cơn buồn ngủ ngày càng quánh mắt. Tôi không thể ngủ được, bởi
trời
sắp sáng và tôi cần rời khỏi gian buồng này. Với những vết thương của
đêm qua,
tôi cần ngủ vùi ở chỗ nào biệt tịch trong quên lãng của hết thảy mọi
người,
không muốn ai dòm ngó tới. Tôi nghiêng trở mình, bỏ chân ra ngoài chăn
ấm để
mặc cho khí lạnh ướp giá hai bàn chân. Bất ngờ tôi nghe rõ tiếng nói
của người
đàn bà ở giường bên, tiếng nói như kề sát bên lỗ tai.
"Xuân Hồng… Ông anh mày bớt chưa?"
Tôi quay nhìn Châu đã ngủ không nghe thấy. Người đàn bà lồm cồm ngồi
lên, vén
tấm màn dầy ngăn che, ló đầu sang.
"Để cho Xuân Hồng ngủ".
"Anh thức sớm nhỉ? Anh bớt chưa?"
"Cám ơn cô… Đêm qua tôi làm phiền các cô".
Ngoài đường đã bắt đầu hiện rõ sự im lặng quen thuộc của buổi sáng miền
cao.
Tôi rút tay khỏi đầu Châu, và cũng ngồi dậy trong giường. Người tôi bập
bồng
giống như con lật đật. Người đàn bà buông hai chân xuống đất quơ tìm
đôi dép.
"Anh chứ nằm nghỉ. Không có gì phiền cả đâu. Em với Xuân Hồng như một
vậy…
Hôm qua em cũng sợ cuống cả lên. Thấy anh khoẻ lại em cũng mừng.
Anh nên thương nó, nó đáng thương lắm. Lúc nào em cũng chỉ cầu mong nó
gặp được
người yêu thương nó thật sự. Nó tội lắm. Em chắc nếu anh bỏ đi, không
thương nó
chắc nó khó sống. Em nói thật đấy. Em hiểu nó. Trông thế, nó hay làm
tàng bắt
nạt em nhưng nó yếu xịu à. Dễ trị lắm. Tại em thương nó nên mặc nó…
Anh đừng sợ, anh cứ thẳng cánh với nó và em cam đoan nó sẽ ngoan ngoãn.
Đừng bỏ
nó, tội nghiệp…"
Người đàn bà bật ngọn đèn nhỏ, lò mò ra bàn rề sô đun nước. Ánh điện mờ
cũng
làm tôi choáng váng xây xẩm. Khuôn mặt Châu xanh mét, nhăn nhó trong
giấc ngủ.
"Anh nằm xuống cho khoẻ. Em pha cà phê cho anh uống nhé? Anh cứ coi em
như
là Xuân Hồng. Anh đừng ngại. Em là Nga".
Tôi đành nằm xuống bên Châu, nhắm mắt đờ đẫn. Người đàn bà xê dịch loay
hoay
trong khoảng hẹp. Tôi có cảm tưởng như lúc nào nàng cũng đứng sát trên
đầu tôi,
rình rập những cử động của tôi. Nàng hát nho nhỏ một khúc hát phổ thông
tại vũ
trường. Đường về đêm đêm… mưa rơi ướt bước… chân em…
"Anh uống cà phê nhé".
"Cũng được".
"Anh cứ ở trong ấy. Em mang vào cho".
Người đàn bà chui vào giường, đưa cho tôi cốc cà phê, rồi ngồi luôn
dưới chân.
Nàng bó gối kéo chân phủ ngang ngực, nhìn tôi chăm chăm. Đôi mắt hiện
vẻ tinh
quái, nhưng nét mặt lại khờ khạo một cách kỳ quặc. Trông người đàn bà
như một
chú hề giả gái.
"Anh cho em ngồi đây nha".
"Cô đã ngồi rồi mà".
Tiếng cười của người đàn bà đượm vẻ khác thường nửa như giễu cợt nửa
như ngây
ngô. Châu cựa mình, chép miệng, co người. Tiếng cười nín ngay.
"Anh trông nó có thương không?"
"Cô không đáng thương sao?"
"Em ấy à?... Em không đáng kể chi… Em là đồ bỏ mà…"
Người đàn bà bụm tay cười khục khục. Ngụm cà phê đắng chát, nóng ran
trong
ngực.
"Anh cứ duỗi thẳng chân cho thoải mái. Hôm qua lúc anh lên cơn lạnh, em
với con Xuân Hồng mỗi đứa nằm một bên ôm lấy anh. Anh có biết không? Nó
không
ghen với em đâu mà anh sợ. Mà em với anh làm sao có thể có gì… với nhau
được.
Không khi nào em làm khổ nó, em mong cho nó sung sướng".
Tôi trợn tròn mắt ngắm người đàn bà và không thể tưởng tượng cái cảnh
đã qua.
Thân người đàn bà gầy như que củi. Và tôi bật cười.
"Tại sao cô cứ gán chuyện nhảm nhí hả? Tôi là anh của Xuân Hồng".
"Ông anh quý ơi, ông đừng bịt mắt em. Suốt đêm qua anh chị du dương thế
nào,
em nằm nghe hết… Đừng xạo nghe cha".
"Cô tầm bậy… như thế không được".
"Sao lại không được? Bộ anh không thương Xuân Hồng sao? Anh không tin
là
nó thương anh sao? Anh tưởng mặt mũi anh đẹp trai lắm hả? Anh thử soi
gương lại
coi…"
Người đàn bà vênh váo khiêu khích. Sau mỗi câu, chân lại đạp vào chân
tôi. Tôi
nhột nhạt cùng mình, trao cho nàng tách cà phê bắt phải cầm.
"Chuyện đó không ăn thua gì… tới cô…"
"Sao không ăn thua? Ăn thua lắm chứ. Anh Trường, anh không thể hiểu nó
yêu
anh đến chừng nào. Bữa nay em mới gặp mặt anh nhưng thực ra em đã được
nghe nó
nói về anh mỗi lúc nó khóc. Anh Trường, chỉ có anh Trường mới cứu vớt
được tao.
Tao chỉ còn một hy vọng là gặp lại anh ấy. Nó nói như thế đấy. Nếu
không nó đã
không còn sống đến hôm nay. Anh thử vạch cổ tay trái của nó lên xem.
Anh đếm
coi có mấy vết sẹo trắng là mấy lần nó chết hụt rồi đấy. Anh nhìn kỹ
xem… Một
lần nó tính giết luôn cả thằng nhỏ kia. Anh coi nó kinh không..."
"Thế lúc Xuân Hồng nói về tôi, cô tưởng tượng thấy tôi thế nào? Bây giờ
cô
gặp tôi, có thấy có đúng không? Tôi đâu phải là Trường như Xuân Hồng
vẫn kể với
cô…"
"Em đã nói em không đáng kể mà… Xuân Hồng nó bảo anh là Trường thì đúng
anh là Trường rồi".
Đứa nhỏ thức dậy đòi sữa. Người đàn bà tụt nhanh khỏi giường, ra bàn
pha sữa.
Thằng bé khóc ngất. Tiếng khóc đánh thức Châu.
"Sao anh ngồi đấy anh? Nga ơi… mày cho nó bú hộ tao với…"
"Mày ngủ đi. Tao đang pha cho nó đây".
Người đàn bà lách mình qua chỗ tôi, ghé thì thầm vào tai tôi, trước khi
vào với
đứa nhỏ:
"Anh đừng cho nó biết…"
Châu không mở nổi mắt, với tay kéo tôi bắt nằm.
"Anh ngủ đi. Tại sao anh không chịu ngủ?"
Trời đã sáng tỏ. Bên ngoài vẫn vắng ngắt hiu quạnh. Người đàn bà vừa
cho đứa
nhỏ bú vừa hát ru. Vẫn chỉ một bài hát quay đi quay lại.
"Ngủ chưa anh? Em mệt quá…"
6.
Người đàn ông ấy tự vẫn. Ông ta chết chẳng tự nhiên chút nào. Ông ta
xếp đặt,
sửa soạn kỹ lưỡng cái chết của ông trước mắt người khác. Trong những
người ông
nhắm tới không có tôi, nhưng tôi vẫn phải nhìn. Và lúc này tôi chỉ cười
thầm,
tôi đang nắm ông qua một người khác. Tôi nghĩ đó là đứa con của ông,
chính ông
ta đã sinh ra hắn, không phải tôi.
Hắn là hiện thân của ông. Cái tác điệu cao kỳ tới cùng, ngay trong lúc
khốn nạn
nhất của đời người cái dáng vẻ bí mật, phủ lên mọi cử động một ý nghĩa
bí nhiệm
dành riêng cho một số kẻ được ngầm lựa chọn để gửi gấm, cái giọng nói
như giấu
giếm những xúc động thường tình, nhưng tuôn như bị cuốn hút bởi một sức
lực
mạnh mẽ nuốt chửng cả tâm trí, bởi những ý tưởng chế ngự một đời mình.
Hắn
chính là ông, chính là người đàn ông ấy đang sống trong cái chết ngoạn
mục và
bắt tôi sống cùng theo những bước chân của ông trong những ngày chót
của một
đời người. Một đời người khác thường với một vẻ tầm thường, như trong
cổ tích
ông bụt hiện xuống trong bộ áo ăn mày và chỉ chịu lộ chân tướng sau khi
đã thử
lòng người. Tôi không thể nào chịu nổi một sự ức hiếp kiểu ấy. Chẳng
khi nào
ông loà mắt nổi tôi.
"Đó là những buổi chiều ngút nắng cuối tháng Tư, các anh biết chứ cái
không khí chính trị sau cái ngày… đáng chán nản tuyệt vọng biết nhường
nào… Anh
Khả, anh nhớ chứ, anh xuống gặp tôi, anh hỏi: Phải làm cái gì chứ? QUE
FAIRE?... Phải làm cái gì chứ? Tôi gặp ông ở vườn hoa bên bờ sông, gần
chỗ
người ta đánh cù. Tôi đã đứng với ông suốt cả buổi chiều chẳng còn
chuyện gì để
nói với nhau. Có lẽ lúc ấy ông đã có ý định chọn cái chết… mà tôi không
hay.
Lúc bắt tay từ giã, ông nói với tôi một câu mà đến bây giờ tôi mới hiểu
là lời
trối trăng: Hy vọng là ở lớp các chú… chỉ còn các chú.
Hắn ngửa cổ, phà thuốc lá. Hắn đợi câu nói ngấm vào người nghe. Không
ai nhìn
hắn cả, trừ tôi. Nhưng mọi người chắc chắn đều thấy lởn vởn trước mắt
hình bóng
của ông già ngoài năm mươi tuổi, sự hiện diện của hắn qua hình bóng ấy
vì hắn
là kẻ thừa kế của ông. Còn tôi, tôi trông chính hắn là ông già kia. Hắn
là ông
đồng cho mượn xác và tôi định lên tiếng. Người đàn ông ấy không để cho
tôi kịp
lên tiếng.
"Ông biến mất cả tuần lễ. Ông vẫn như thế nên không ai chú ý. Người ta
nghĩ là ông đã ẩn trú ở một nơi kín nào đấy không muốn liên lạc với bất
cứ ai…
Người ta đang mượn cơ hội đó làm một mẻ lưới lớn, xét hết những ai
không chịu
thần phục. Ông không thể ra mắt".
Đến lúc biết thì không còn nhìn ra nổi xác của ông trương sình nằm
trong nhà
xác công cộng. Đời mà đến thế thì thôi… Ông chết không nhắm mắt. Nghĩ
đến ông
tôi cũng không sao nhắm mắt nổi…
Hắn lại ngửa cổ thổi phà liên tiếp khói thuốc xanh um. Không ai chen
được lời
nào. Hắn đang bầy cái xác chưa nhập quan của một nhân vật cao vời và
mọi người
bắt buộc phải cúi đầu tưởng niệm. Chỉ riêng hắn nằm cùng với xác ấy,
hắn không
phải tưởng niệm ai hết hay hắn chỉ tưởng niệm chính hắn. Thật buồn cười
và cũng
thật đáng giận. Tôi không sao có thể là con đẻ của người đàn ông ấy,
bởi lẽ
chẳng bao giờ tôi đóng nổi vai tuồng đang được trình diễn.
"Có lẽ ông đã nhảy xuống sông chỗ chiếc phi cơ rớt… chỗ anh chàng phi
công
bị bắt ấy… Xác ông lúc nổi lên tấp vào bờ gần đáy, ông vận quần áo mới
nhất, bộ
quần áo của một người vừa tặng ông… Trước khi tự tử, ông đã đi hết thảy
những
chỗ quen, ngồi trò chuyện rất lâu. Ông không gặp tôi. Đó là điều tôi ân
hận hết
sức. Ông có nhắn tôi đến chỗ ông ở. Mãi sau khi chôn ông xong, tôi mới
đến gian
buồng của ông. Tôi đã đọc hết các giấy tờ ông để lại cho tôi.
Đọc xong, tôi càng thương ông hơn, càng thấy mình thật có lỗi. Tôi còn
giữ hết
cái di sản ấy. Tôi sẽ cho đánh máy, gửi mỗi anh có mặt ở đây một bản,
giữ hộ.
Đó là những tài liệu lịch sử không thể nào để tiêu huỷ. Tôi phải nhờ
các anh
giữ cho sau này. Một mình tôi giữ e không chắc chắn… Rồi đến một ngày,
mọi sự
đều phải phơi ra dưới ánh sáng. Không ai bưng bít nổi sự thật hết.
Hắn ném tẩu thuốc lá xuống sân và lần này im lặng thật lâu. Ngoài trời
mảnh
trăng non toả ánh biếc trên những đồi xa như một bức phong cảnh vẽ trên
sân khấu.
Không khí bỗng dưng huyền hoặc thêm. Trong hành lang dài rộng của ngôi
nhà gỗ
những người hiện diện biến thành những bóng bờ bị trói chặt vào chỗ
ngồi của
mình. Tôi nghe rõ mình đang bị đẩy loại ra ngoài vòng thân mật. Tôi
không quen
biết một ai ngoài Khả. Khả ngồi sát bên tôi, duỗi dài trên chiếc xích
đu. Chiếc
ghế đong đưa nghiến khẽ trên mặt gỗ bào nhẵn.
"Các anh đọc, rồi các anh sẽ thấy như tôi… Ông quả thật là người sáng
suốt… sáng suốt nên tuyệt vọng… Không tuyệt vọng sao được… Nếu ông còn
chút mờ
tối, tôi nghĩ thế… phải chi ông còn chút mờ tồi, một chút thôi… người
ta sống
với một chút mờ tối nào đó, tôi nghĩ thế…"
Tôi càng lúc càng bực bội. Tôi nghe mình cất tiếng hỏi:
"Tôi tự hỏi người ta có thể nào lấy cái chết của chính mình để dối gạt
kể
khác hay không?"
Câu hỏi của tôi vang lên như một viên đá nắm lăn lách cách trên một mái
ngói.
Tôi ném tiếp không thể để tiếng động rơi không trơ trẽn.
"Cái chết như sự tự do độc nhất trong đời người được sử dụng để vẽ cuộc
đời theo một ảnh tượng nào đó. Vẽ mình và vẽ người. Tại sao không nhỉ?"
Tôi cười. Tiếng cười của tôi đáp thẳng vào mặt hiện thân của người đàn
ông ngồi
cách tôi một người. Tôi muốn lôi cổ hắn dậy.
"Anh có bao giờ nghĩ như thế hay không?"
Sự xấc láo của tôi khiến mọi người ngơ ngác. Sự khó chịu lan rõ, nhưng
vẫn
không ai phản ứng gì.
"Ông bạn quá hoài nghi…"
"Cứ cho là như thế. Thế anh không bao giờ hoài nghi hay sao? Anh vừa
nói
đến cái chút gì mờ tối ấy và người ta lấy cái chết của mình để làm như
rằng
không có sự mờ tối nào cả?"
"Nhưng ông bạn có biết người đã chết không cái đã?"
"Tôi không biết. Nếu tôi biết thì…"
"Ông bạn đã phỏng đoán cả một đời người dễ dàng quá… nếu không muốn bảo
là
độc đoán. Tôi hy vọng tôi sẽ gửi anh một bản những giấy tờ của ông ấy
để lại và
anh sẽ thay đổi ý kiến".
"Tôi cho là vô ích. Có lẽ tôi sẽ hiểu được một người nếu người ấy còn
sống. Tôi không tính vào những gì được viết ra. Văn chương là thứ mặt
nạ, không
tiết lộ điều gì ráo…"
Tôi cao giọng lúc nào không hay. Tôi tưởng như tôi đang gây gổ với
chính ông.
Ông muốn nói gì, muốn làm gì cũng không thể bịp tôi. Ông chỉ có thể bịp
những
tên cao ngạo một cách ngu muội. Một người nào đó can thiệp:
"Tôi chắc ở đây không có chuyện văn chương chỉ có cuộc đời kinh nghiệm
và
những ý nghĩ được ghi chép… Tôi chắc thế phải không anh Bảo? Ông là một
người
hành động mà… Tôi đã được gặp ông một lần. Lâu lắm rồi… nhưng tôi, tôi
không
thể nào quên ông".
"Anh nói đúng. Các anh đọc và các anh sẽ thấy. Anh gặp ông hồi nào?"
Rõ ràng người ta đang dùng chiến thuật gạt tôi ra ngoài câu chuyện.
Người ta
muốn chôn vùi những câu hỏi của tôi. Tôi không thể chịu. Tôi thấy rõ nụ
cười
khinh bạc nửa miệng của ông ngày nào, nụ cười như được khắc trên đá
thay cho
mọi câu trả lời. Ông lẩn tránh đôi mắt tôi, dáng điệu hèn mọn, nhưng nụ
cười
của ông thầm bảo: Con không hiểu gì hết thảy, con sẽ không bao giờ hiểu
nổi bố…
Trong khi tôi hiểu ông, tôi hiểu ông đóng vai người bố bị đứa con không
hiểu
mình. Tôi làm sao chịu để cho ông đóng vai bố tôi. Không bao giờ. Người
ta lại
tiếp tục câu chuyện về ông không có tôi. Tôi quay hỏi Khả:
"Ai đấy?"
Khả bóc gói thuốc mới trao cho tôi, đáp: "Bảo", rồi không nói thêm gì
nữa. Tôi đốt thuốc hút, buông mình trong ghế nhìn thẳng trước mặt.
Những chiếc cọc gỗ trắng đóng dấu khoảng sân lờ mờ trên nền xầm tối của
rừng
cây thấp. Con đường hiện dưới ánh trăng như một dòng sông cạn. Trong
rừng cây
vẳng tiếng hót khoan nhặt đơn độc của loài chim không rõ tên. Người ta
vẫn tung
hứng những câu nói liên hồi, những tiếng động tạp nhạp phô bầy lòng
kiêu ngạo,
sự giả nguỵ phô trương của sự trống rỗng say sưa theo hấp lực của bóng
ông già
đã chết thối rữa dưới lòng đất… Mấy người phụ nữ bị đẩy lùi vào vị trí
trang
hoàng cho khung cảnh. Một anh người làm từ sau nhà bưng khay cà phê ra.
Trước
dãy chỗ ngồi bày sẵn những chiếc bàn nhỏ, ánh trăng soi nửa mặt bà. Một
phụ nữ
đề nghị: "Chủ nhân cho nghe nhạc". Hắn gạt ngang ý kiến. Vẫn hắn, vẫn
cái giọng trống không chắc nịch trong những câu ngăn. Rồi đó sự im lặng
dồn né.
Sự im lặng vẩn đục hư nguỵ và hèn nhát, tôi phải đập vỡ.
"Anh Bảo này. Anh là Bảo phải không? Tôi muốn hỏi trước anh một câu:
Trong
những trang ghi chép của… cái ông gì đó anh đã đọc, có trang nào ông ta
viết về
cái chuyện… hỏng nhất trong đời không?"
"Có chứ, ông thú nhận đời này là thất bại. Ông bạn có hiểu được tâm sự
của
kẻ bằng lòng thất bại không? Bằng lòng thất bại để…"
"Tôi hiểu… tại cái câu không thành công thì thành nhân… tôi hiểu… Xin
lỗi
anh, tôi muốn hỏi đúng ra là… ông ta có viết trang nào về một sự bẩn
thỉu… xấu
xa nhất trong đời ông… Vâng, bẩn thỉu nhất…"
"Tôi không hiểu rõ ý ông bạn…"
"Tôi muốn nói bẩn thỉu… chẳng hạn như… xin lỗi các bà có mặt ở đây… bẩn
thỉu hèn hạ đại khái như trong một truyện của Dostoievsky, một phụ nữ
bị xã hội
coi là không đứng đắn đã yêu cầu các vị khách của mình mỗi người phải
kể chuyện
ấy ra trước mặt mọi người. Kể ra… có người chết ngất… chắc quý vị ở đây
đều đã
đọc truyện ấy".
"Nếu thế thì không có… không phải ông viết tiểu sử của ông… Vả lại… tôi
không hiểu tại sao ông bạn đặt câu hỏi kỳ vậy? Ông có ý gì thế… Với
người đã
chết?"
"Tôi thành thật xin lỗi… Tôi chẳng có ý gì với người chết… Có lẽ với
người
sống, may ra có. Tôi nói may ra có… Anh không nghĩ có nhiều lối viết
tiểu sử
lắm sao? Lối hay nhất là bắt người khác phải viết… Thí dụ như tôi phải
viết về
ông ta…"
"Ông là một nhà văn? Một người đàn bà xen lời. Thế mà anh Khả chẳng
chịu giới
thiệu…"
"Không, không phải thế. Nếu tôi là nhà văn, tôi viết tiểu sử của tôi
chứ
ai lại mất công viết tiểu sử người khác, nhất là người khác đây chẳng
có dây mơ
rễ má gì với mình. Anh Khả đây mới là nhà văn này…"
"Chắc tôi là nhà văn raté…"
Vợ Khả cười khanh khách vui tươi hết sức tự nhiên. Đó là một người đàn
bà
trưởng giả lịch thiệp thừa tinh khôn khéo léo phá tan bầu không khí gay
go do
tôi tạo nên. Tôi nghe một giọng nói dịu dàng tiếp theo tiếng cười của
vợ Khả:
"Anh Phúc đang nói dối đấy nhé…"
Tôi quay đầu bắt gặp đôi mắt sáng như mắt mèo của Hồng chiếu thẳng về
phía tôi.
Đã lâu tôi không gặp Hồng. Tôi đã nhận ra Hồng ngay lúc mới đặt chân
đến đồn
điền này nhưng tôi chưa nói chuyện với nàng. Suốt buổi chiều, tôi ngủ
hoài
trong phòng riêng và trong bữa cơm đông người, tôi lại ngồi cách xa
nàng mỗi
người một bàn. Tôi không hiểu ý Hồng, tuy nhiên tôi vẫn cười to.
"Tôi nói dối. Đúng tôi đang nói dối. Chị có biết là tôi đang bắt chước
muốn
bày trò chơi yêu cầu mọi người ở đây kể câu chuyện… nhảm nhí nhất đời
mình cho
vui. Không, tôi không dám đề nghị chuyện bẩn thỉu… chỉ cần nhảm nhí
thôi…"
Tiếng một người đàn bà gióng lên vẻ giận dữ: "Ông là ông gì mà ăn nói
kỳ lạ
thế nhỉ? Trò đùa của ông… hơi vô ý thức đấy". Tôi hướng về phía người
ấy
cười to: "Cám ơn bà, bà đã quá lễ phép với tôi… tôi mất dạy mới đúng.
Thưa
quý bà, tôi mất dạy, đúng quá phải không quý bà". Hồng can thiệp, giọng
nhỏ nhưng rạch ròi từng tiếng:
"Anh Phúc… anh nhảm nhí quá".
"Chị Hồng… thì tôi nhảm nhí mà… Chị biết tôi quá sao chị còn mắng
tôi".
Cơn phát khùng làm tôi lố bịch. Những phút này tôi không thể không làm
trò hề,
trò phá thối cuộc họp mặt trưởng giả đáng ghét. Khả kéo tay tôi đứng
lên, xuống
đây xem cái máy điện đi, tôi cúi gập đôi người chào: "Thưa quý bà, kẻ
đê
tiện nhất xin được phép lui…"
Chúng tôi bước xuống sàn. Sau lưng tôi người ta đang nói lớn phủ lấp sự
sửng
sốt tôi nén lại.
"Xin lỗi nhé… Bậy quá".
"Cậu làm sao thế?"
"Cái đầu mình không hiểu sao cứ trục trặc mãi…"
"Cậu cứ thích làm cho nó trục trặc".
"Cũng là một lẽ".
Khoảng sân rộng còn vẻ hoang vu. Tôi ngửng nhìn mảnh trăng treo trên
cao trên
đỉnh đồi mờ biếc, đầu óc dịu trong gió trống mặc dù những nhịp máu còn
bốc trào
lên mặt.
"Vợ tôi nó thích mấy cái trò này. Tôi phải chiều. Tôi không ngờ cậu lại
lên
trúng vào giữa đám này. Hỏng hết cả dự tính của tôi. Tôi định cho cậu
sự yên tĩnh
hoàn toàn để nghỉ ngơi… mà không xong. Đàn bà có những ý muốn chịu
không thấu…
Cậu như thế là sướng…"
Tôi đứng lại ngoài sân trăng. Khả bước vào trong nhà chứa máy điện một
mình,
nhà chỉ có máy không có vách. Tôi nhìn bóng Khả lúi húi quanh chiếc máy
điện
như thấy một người chưa từng quen biết. Khả thay đổi nhiều, mập mạp
nặng nề
hơn, đầu tóc húi ngắn cố giữ vẻ mạnh mẽ gân guốc của một người hoạt
động. Từ
trên hành lang vẳng bay tiếng cười vui của đàn bà. Trong khu rừng cây
đã sát
gần, tiếng chim lại khoan nhặt rành rọt như hót cho mình tôi nghe dưới
các khóm
bụi xào xạc tiếng lá động do các con vật nhỏ rút nhanh.
Khả giựt máy nổ chạy inh tai. Tôi bị choáng váng bất ngờ, tự động sắp
giựt chạy
như con ngựa chứng. Tiếng lịch xịch ngừng ném trả sự bàng hoàng xa
vắng. Tiếng
ồ oà của đám người trên nhà lúc điện bật tắt như một thứ nhịp quái dị.
Khả bước ra sân xoa tay khoan khoái, ngửa mặt hít thở. Trên nhà ánh
vàng đục
nhấp nháy thấp lẻ loi. Nền rừng phía sau đen nghịt to sững đẩy cao đỉnh
trời.
Tôi rời xa tiếng máy động.
"Bảo… Anh chưa gặp nó bao giờ cả. Tên ấy khó chịu thật. Đâu nó cũng đã
từng sang Tầu. Hồi xưa nó là…"
Khả chậc chật trong miệng, bỏ dở chừng câu nói:
"Đêm nay thật tuyệt phải không? Mình bỗng dưng thèm lãng mạn như hồi
trẻ…"
Trên hành lang, vợ Khả gọi chồng. Tiếng gọi lảnh lót vang ngân. Khả làm
như
không nghe, tiếp tục bước cạnh tôi. Có cái gì ngập ngừng không thốt
được ở Khả.
"Nghĩ buồn cười phải không?... Bảo nó là người yêu cũ của "en".
Đàn bà nó dễ xáo động lắm, không làm cách gì nói cho hiểu. "En" tưởng
tôi không biết. Tôi biết rõ cả… Nhưng cậu bảo tôi phải làm thế nào…
Không lẽ
mỗi lúc mình cứ phải dứt khoát chỉ vì một thứ caprice như thế
mệt quá…
"En" nhìn tôi là thứ raté… mà có lẽ mình thế thật… lắm lúc tôi
cũng muốn đập phá tan hoang, muốn ra sao thì ra nhưng tôi lại thấy để
làm gì
mới được… Rồi mình trở thành "hiền giả" không hay…"
Khả cười, tiếng cười chua chát đứt rời lẫn trong tiếng gọi còn ngân.
Khả… Anh…
Khả… Khả…
"Có thật không nói gì hết không?"
"…Đời tịch mịch lặng lẽ… Mỗi người một cách sống, thế thôi. Một ngày
nào,
"en" sẽ bỏ đi, chắc chắn như thế rồi… Tôi chẳng làm gì cả… Như nước
trôi xuôi… Vô vị mà. Mình tự hỏi mình hết cả tham vọng rồi chăng? Rồi
mình lại
tự hỏi cớ sao mình cứ tự hỏi mình?... Tôi nhất định không muốn cái đầu
mình
trục trặc… Trục trặc mất công quá chừng…"
Khả lại cười, lần này tự nhiên ròn rã, tiếng cười cởi bỏ những phiền
luỵ, mở ra
một nền thăm thẳm dưới chân trời hút mắt giữa lũng đồi. Tôi không chịu
nổi sự
bay bổng thoát tục ấy. Có thể Khả đang quên lãng mình một cách hiền giả
như thế
thật. Nhưng tôi không sao chịu nổi.
Tôi quay nhìn bờ rừng để khỏi trông thấy Khả. Tiếng gọi của vợ Khả lại
vọng
tới.
"Thôi cậu tiếp khách đi".
"Ừ, phải về thật… "En" đang trói tôi đây, "en" tưởng như
thế mà… Mình cứ giả đò như chẳng có sự gì cả… mà thật ra cũng chẳng có
sự gì…
nhảm nhí hết phải không?... Tôi lên trên kia nhá. Cậu coi chừng có thể
có rắn…"
Tôi nghe rõ tiếng chân Khả rời xa. Trong nhà người ta mở nhạc, khúc mở
dồn đầy
những nhịp mạnh vỡ nghe xa vẫn hắt hiu như ảo giác. Như ảo giác cả. Tôi
đang
còn trong tầm mắt của những người trên hành lang. Trong rừng đêm, tôi
nhìn thấy
ánh trăng rớt rải loang lổ trên mặt đất rối mắt, gây hoang mang như
tiếng gọi
thấp thoáng: Anh Phúc… Anh Phúc…
7.
"Anh Phúc. Anh mơ mộng thế…"
Hồng đứng cách vài bước. Người bạn gái gầy gò mỏng manh như một tờ
giấy, mặc
chiếc áo hồng nhạt. Màu hồng như tiêu tan giữa khoảng không. Phía sau
khoảng
không vẫn sự rung ngân mơ hồ biêng biếc. Tôi vừa tỉnh giấc, vẫn ngồi
trên đầu
chiếc cọc gỗ.
"Xin lỗi chị nhé".
Hồng bước quanh mấy cục đất lớn, tiến đến một cây cọc khác ở gần. Nàng
đứng tựa
đấy, khoanh tay như ủ lấy mình, hướng mặt về phía tôi. Giữa khung cảnh
chập
chờn những huyền hoặc, Hồng vẫn khô cứng tách rời như đôi mắt to sáng
nổi bật
trên khuôn mặt nhiều nét thẳng cạnh. Đôi mắt long lanh như đôi mắt cú
mèo.
"Ngồi đây dễ chịu thật… ở trên kia nhức đầu quá, chịu không thấu. Tôi
chúa
ghét âm nhạc".
"Chị vẫn khó tính. Thế mà chị còn mắng tôi nhảm nhí…"
"Anh nhảm nhí đáng mắng quá, còn kêu oan cái gì… Còn tôi khó tính nên
cứ ế
chồng, anh thấy tôi có kêu ca như anh đâu".
Lối nói chuyện của Hồng từ ngày nào tôi vẫn thích. Tôi cười giễu cợt
người bạn
gái một cách thật thú vị. Chúng tôi tìm lại được ngay không khí thân
mật ngày
còn sinh viên hoạt động chung với nhau.
"Tôi không gặp chị mấy nay rồi nhỉ?"
"Năm sáu năm gì đấy… Anh mà cũng để ý đến thời gian à? Tưởng chỉ loại
gái
gà như tôi mới lo đến năm đến tháng thôi chứ…"
"Chị chưa già mà… yên chí, tôi vẫn nhìn thấy chị như ngày trước… Lâu
không
gặp, tôi tưởng chị rông luôn rồi. Một dạo nghe nói chị xuất dương kia
mà. Rồi
cũng có nghe chị gặp được tình yêu lớn, đồn tình yêu vĩ đại lắm… đúng
không?"
"Đi thì bây giờ mới sắp đi… Phải đi chứ. Ở đây không ai chịu lấy mình
thì
phải sang Tây sang Mỹ may ra bắt được một anh chàng ngỗng đực nào đó mà
sống
chứ. Đàn ông Việt Nam khôn tổ mẹ".
"Tôi có khôn không?"
"Anh cũng khôn lắm. Nhưng chắc là tôi khôn hơn anh… Dạo ấy mà tôi chụp
anh
thì có lẽ được phải không nào? Nhưng tính tôi lại cứ thích người khôn
hơn mình
nên tôi cứ thấy anh nhảm nhí… Bây giờ tôi nghĩ lại… tôi sẽ bắt mấy anh
chàng
ngu…"
"Nghĩa là tôi lại có thể bị chụp…"
"Anh sợ không?"
Tôi rời chỗ ngửa cổ cười thành tiếng khoan khoái, bông lơn: "Tôi sợ
lắm,
lúc nào tôi chẳng sợ chị".
Trên hành lang hình như không còn ai, người ta kéo vào trong phòng
khách. Trời
bắt đầu khuya lặng, nhạc nghe rõ thêm, không hiểu sao tôi có thể nhớ
ngay chẳng
chút khó nhọc khúc nhạc ấy, khúc lãng mạn kỳ quặc của Wagner.
"Chị chưa trả lời câu thứ hai của tôi. Cái tình yêu vĩ đại của chị ra
sao?"
"Anh có tin không? Anh có tin là có người yêu tôi không?"
"Sao lại không nhỉ?"
Hồng sửa điệu bộ đứng, một bàn tay chống đỡ cằm, đầu nghiêng quan sát
tôi, môi
dưới trề ra một vẻ giễu cợt. Nàng luôn luôn sợ thua ngay trong những
chuyện lặt
vặt không đâu trước đàn ông. Nàng tự vệ bằng sự kiêu hãnh thừa thãi.
Trong tình
thế này, tôi phải tỏ ra nghiêm trang.
"Anh có hiểu tại sao lúc nãy tôi bảo anh nói dối không?"
"Quên, tôi cũng định hỏi chị…"
"Anh thật tình không biết hay làm bộ không biết?"
Không khí đột nhiên nghiêm trọng. Hồng mất hẳn vẻ bông đùa, nét mặt bất
động
cứng cỏi.
"Tôi gặp ông Nguyễn".
Hồng buông câu nói và chờ phản ứng. Sự im lặng vây quanh. Con chim rừng
không
còn thấy hót. Sự im lặng nhẹ thênh lạ lùng đẩy xa thêm các khung cửa
sáng trên
nhà sàn.
"Ông Nguyễn là ông…"
Tôi gật đầu như không. Nhưng tôi vẫn im, chỉ tủm tỉm cười. Tôi không
hiểu do
đâu Hồng rõ được mối quan hệ giữa người đàn ông ấy và tôi.
"Anh thấy không, tôi hiểu khá nhiều về anh. Cả ông Nguyễn nữa…"
Tôi bắt buộc phải đối diện với Hồng, nhìn thẳng vào mắt nàng. Đôi mắt
lúc ấy
sâu tối như khoảng đất rộng ngả thẫm màu. Con trăng gầy yếu đang bị mây
che.
Tôi không nhìn thấy gì cả.
"Anh ngạc nhiên lắm phải không?... Đó là tình yêu vĩ đại của tôi đó".
Hồng xoay lưng bước, dẫn dụ. Chúng tôi đi theo những cây cọc sát theo
bìa rừng.
Và tôi chờ đợi Hồng tiếp lời. Nhưng Hồng thôi không nói nữa. Nàng tiếp
tục bước
chậm, ngó thẳng trước, thỉnh thoảng quay sang nhìn tôi. Trên môi nàng
thoáng nở
nụ cười hóm hỉnh.
Tôi không hiểu ý định người bạn gái. Chúng tôi đã tiến đến góc sân và
Hồng vượt
qua giới hạn các cây cọc. Cánh rừng dứt ở đây, chúng tôi bước lên đường
dẫn vào
đồn điền. Con đường bụi đỏ uốn lượn dưới ánh trăng đã sáng trở lại,
chạy về
phía ngọn đồi thấp.
"Anh không có ý kiến gì hết cả à?"
"Ý kiến gì chị?"
"Về mối tình vĩ đại của tôi… mà anh nói…"
"Tôi không hiểu…"
Hồng đứng khựng ngó tôi chằm chằm. Nhìn mặt người đàn bà, tôi không thể
đoán
nàng đang giận hay đang buồn. Thật tình tôi không mảy may xúc động. Tôi
đang
lâng lâng hít mùi hoa dại nồng nàn bên đường. Tôi đã ở thật xa cái
khung cảnh
tụ tập của bọn trưởng giả mới từ Sài Gòn lên. Chắc chắn ngày mai tôi
rời chỗ
này, nơi tôi định nằm nghỉ ngơi đến hết mùa hè, để khỏi gây rắc rối
phiền phức
cho Khả.
"Anh không hiểu? Như tôi không hiểu vậy. Tôi không ngờ gặp anh ở đây.
Anh
đâu có thích cái không khí này. Chẳng lẽ mai anh cũng đi săn với bọn
họ. Hay
ngồi nhà tán gẫu với bọn đàn bà?"
"Khả với tôi là chỗ thân tình. Tôi ghé chơi, không ở được thì mình đi.
Có
gì là khó khăn…"
"Anh sống thật sung sướng".
"Cám ơn chị… Tôi không lo nghĩ…"
Hồng ghé vào vệ đường ngắt một cánh hoa trong bụi, cầm xoay xoay trước
mũi.
Chúng tôi đã đến gần ngọn đồi trọc, con đường đắp nghiêng leo một độ
dốc thoải.
Tôi bật cười nhưng không khiến Hồng sửng sốt. Chúng tôi vẫn bước song
song, giữ
khoảng cách khá xa.
"Tại sao anh lại cười?"
Tôi không sao trả lời câu hỏi của Hồng. Tại sao tôi cười? Ừ, tại sao
tôi lại
cười? Tôi sung sướng. Buồn cười thật. Sung sướng cũng là thứ quái quỷ
cần triệt
hạ. Tôi không sao giải thích cho người bạn gái cô đơn này hiểu sự sung
sướng,
cái ý niệm hạnh phúc như mầm độc tác hại, đã bị loại trừ đối với tôi.
Hạnh phúc
nào cũng là cảnh đầy đoạ. Sống không phải là cuộc kiếm tìm hạnh phúc
miệt mài
như mang án khổ sai. Không bao giờ tôi dại dột như mang án khổ sai.
Không bao
giờ tôi dại dột muốn hỏi tôi: Mày sướng hay mày khổ? Không bao giờ.
Không nói
ra, ban nãy Khả có vẻ thương hại tôi; cái đầu trục trặc của tôi làm tôi
khổ,
bây giờ Hồng nhìn thấy tôi sung sướng. Và tôi không sao nín cười.
"Tôi hỏi tại sao anh cười?"
"Thôi. Nếu chị không thích tôi cười, thì thôi. Tôi chợt nghĩ đến câu
chuyện buồn cười".
"Chuyện gì thế?"
"Khó nói lắm…"
"Anh mà cũng có chuyện khó nói cơ à? Tôi tưởng anh còn kể vô số chuyện
gì
với chuyện gì nữa".
"Ấy là chị tưởng thế…"
Tôi quay nhìn lại phía sau. Chúng tôi đã qua khỏi khúc quanh. Lớp nhà ở
của đồn
điền không còn thấy. Nhưng tiếng nhạc vẫn vẳng tới. Cơn thịnh nộ dữ dội
của
hành âm nghe xa vô nghĩa, chỉ là một thứ tiếng vang mất hút trong cảnh
rộng.
"Chị vẫn chưa nói rõ…"
Hồng dừng bước. Chúng tôi đã đứng dưới chân đồi. Con đường dốc thẳng
chạy khuất
vào giữa hai cánh rừng dầy.
"Hình như anh không thích nghe bất cứ chuyện gì liên quan đến ông
Nguyễn…
Tôi có cảm tưởng như thế… Anh thù ông Nguyễn lắm? Anh có biết là ông ấy
nhắc
đến anh với tôi luôn…"
"Cám ơn. Cám ơn chị. Nhưng đó không phải là điều tôi muốn biết. Nếu ông
ấy
còn… tôi cũng đã nhờ chị chuyển đến ông rằng tôi cũng thường nhắc đến
ông luôn…
Nhưng ông ấy không còn nữa và như thế là tôi…"
"Anh vẫn không thể bỏ giọng ấy đi sao?"
"Nếu chị không thích… Chị cũng đứng về phe ông ấy. Ai cũng đứng về phe
ông
ấy cả. Tôi một mình một phe…"
"Từ ngày xưa anh vẫn thế. Anh thích làm trái ngược với đa số mà… Phải
không?"
Chúng tôi tiến lên đồi, theo một con đường mòn mờ hiện giữa những bụi
cỏ khô.
Con trăng bây giờ chếch trên đỉnh đầu chúng tôi nghiêng hai chiếc bóng.
Tôi
theo sau gót Hồng.
"Có cái gì đâu mà nói rõ… Tôi đã yêu ông Nguyễn và ông Nguyễn dường như
cũng biết. Dạo ấy, tôi tìm đến thăm ông luôn. Tôi săn sóc ông, lo lắng
cho ông.
Ông cho phép tôi… Chỉ có thế thôi. Rồi một ngày tôi không đến nữa thì
tôi biết
là… tôi không thể đóng trọn đời vai trò của người điều dưỡng… Giản dị
là như
thế. Nhưng bè bạn thì đồn um sùm là một mối tình vĩ đại…"
"Chị không thấy nó vĩ đại ư? Một nhà cách mạng lão thành… và…"
"Và cái gì?"
"Và một… nữ luật sư… thành tích tranh đấu từ ngày sinh viên, đâu phải
thường…"
Hồng vẫn đều bước, không chú ý đến lời lẽ của tôi. Chúng tôi lên đến
đỉnh đồi,
khu đồn điền hiện dưới thấp. Từ những khung ánh sáng nhỏ thoát toả điệu
nhạc
khiêu vũ. Bao giờ người ta mở cuộc dạ vũ thân mật.
"Kể cũng vui… Dưới Sài Gòn bây giờ làm sao được tự do như thế kia".
"Chị cũng bớt khó tính đấy…"
"Có lẽ tại mình đứng đây… Nếu ở trong chắc là cũng thấy bực".
"Việc gì mà bực?"
"Anh sẽ phải nghe mấy câu chuyện tầm phào, nghe mãi… Quanh quẩn về cái
gia
đình họ Ngô, về vụ Luật gia đình, về Nguyễn Hữu Châu, vụ bà cố bị
thương vì
bom…, nhất là cái nhan sắc của bà Nhu. Tôi lúc nãy đã nghe chán rồi".
"Chị nghĩ là những chuyện mình nói với nhau nãy giờ không tầm phào hay
sao?"
"Anh đùa nhảm thật… Tối thiểu anh phải giữ… chút gì với người quá cố
chứ".
"Chút gì? Chị không thấy… tôi vẫn là… chút gì đấy à. Nếu tôi rũ bỏ hoàn
toàn…"
Dường như cảnh trên đồi cao làm tôi nghiêm chỉnh hơn. Sự nghiêm chỉnh
lúc nào
cũng khiến tôi ngập trong cảm giác bải hoải váng vất. Buổi trưa, gió ào
ào
ngoài trời nắng thổi tung cả giấc ngủ đáng lẽ phải tới sau cuộc hành
trình bằng
xe đò nhọc nhằn. Bây giờ tôi mới cảm thấy sự thiếu thốn nôn nao. Mặt
mũi ủ ê
bứt rứt như có đàn kiến bò nhột.
"Tôi hỏi chị một câu nhé… Giả thiết như bây giờ tôi ôm hôn chị… ừ, giả
thử… tôi hôn chị… chị có nghĩ mình "loạn luân" không?"
Hồng há hốc miệng, đôi mày chau nhíu. Mặt nàng xanh mét như trúng gió,
môi dưới
run run mất tự chủ. Tôi trông rõ người bạn gái đang uất nghẹn trong cổ.
Trong trông
rõ… Tà áo của Hồng bị gió thổi bay phất lên mặt nàng, tôi tưởng như
nhìn thấy
người đàn bà có tang chế trùng mặt khóc ngất. Hồng gỡ tà áo xuống, tay
buông
xuôi nắm giữ hai bên mép. Nàng ngó quanh quẩn rồi ngồi xuống trên đám
cỏ.
"Anh "xì níc" quá thể".
"Đó không phải là câu trả lời… Chị nhớ đây chỉ là một câu hỏi, một
trò…"
"Anh không thể nào đứng đắn? Anh định cứ như thế…"
"Tôi không định. Tôi không định gì cả. Tôi chỉ muốn hỏi chị một câu…
Chị
sợ tôi làm ẩu à? Đùa đấy thôi… Tôi hiểu chị nặng tình với ông Nguyễn
thật… Chị
không đùa… như thế là vĩ đại đấy thôi".
Hồng cúi đầu như thừa nhận. Tôi ngồi xuống bên Hồng, nghe rõ hơi thở
bất thường
của người bạn gái. Tôi phát giác Hồng cũng thay đổi, nàng chẳng còn mấy
tự do
như tôi tưởng. Người đàn ông ấy có biệt tài làm cho mọi sự chung quanh
mình trở
thành thiêng liêng. Sự thiêng liêng giá buốt vô cùng.
Tôi đành im. Sự im lặng dồn như một sức mạnh thật khó cưỡng, tôi bị đẩy
trôi
vào trong quên lãng ngây ngất. Chúng tôi ngồi im không rõ bao lâu.
Sương đêm
xuống lạnh. Một lúc Hồng nắm lấy bàn tay tôi thân ái. Bàn tay người bạn
gái
thật khô.
"Anh Phúc. Tôi xin lỗi anh. Tôi hiểu anh".
"Cám ơn chị… chị lại đang tưởng…"
"Thì anh cứ để cho tôi tưởng có được không nào? Tại sao anh cứ thích
phá
những cái tưởng của người khác thế?"
Tôi không đáp. Không thể có lời giải thích nào. Mỗi lời nói chỉ càng
gia tăng
sự ngộ nhận mà tôi muốn đánh tan. Bây giờ thì Hồng đang nghĩ trái ngược
tôi là
kẻ đau khổ, đáng thương. Tôi cũng không thể cười. Tiếng cười vang của
tôi sẽ
đào cái lỗ huyệt trống trải mà trí tưởng tượng của Hồng sẽ mang đặt tôi
nằm
trong đó. Tôi bị gói kín trong sự riêng lẻ đáng lẽ không có. Nếu Hồng
đừng căn
vặn. Nếu như thời trước Hồng đã nói: "Không đời nào tôi để anh hôn tôi
đâu
hay anh thử hôn tôi xem nào. Có gì đâu, chuyện tầm phào…" Hồng không
còn
ưa chuyện tầm phào. Giữa chúng tôi chẳng còn chuyện gì nữa.
Tôi đứng lên trước. Hồng vẫn ngồi im và tôi ngó mông lung. Đáng lý tôi
có thể
nói bao nhiêu điều nữa với người bạn gái lâu ngày không gặp nhưng sao
bỗng
không được, người đàn bà nào đến một lúc cũng khớp mỏ tôi lại. Người
đàn bà nào
cũng xô tôi vào chốn riêng rẽ mù mịt.
"Anh Phúc… Suốt đời anh cứ trốn chạy… anh không mệt à?"
"Tôi trốn chạy cái gì?"
"Tôi làm sao biết được…"
"Giả thiết là chị nghĩ đúng đi. Ừ thì tôi trốn chạy… nhưng trốn chạy
hay
không trốn chạy thì khác nhau chỗ nào… Tôi đoán không lầm thì chắc
trong thời
gian đó, ông Nguyễn và chị hay lấy tôi làm đề tài cho câu chuyện giữa
hai
người".
Hồng khoanh tay bó gối, mặt ngước nhìn áng mây trên đỉnh đầu. Nàng nghỉ
lâu.
Mặt Hồng nhìn nghiêng phơi dưới ánh đêm trông thanh thoát. Tôi đang
muốn nhìn
người bạn gái khác hơn cái ảnh tượng nàng đã cố tạo từ buổi tối.
"Anh không biết là ông ấy hiểu anh rất nhiều… ông ấy thương anh… Tôi
bảo
đảm với anh điều ấy…"
Ông ta thương tôi cũng như tôi có lúc thương hại ông. Lòng thương hại
là thứ
tình cảm lem nhem mập mờ nhất. Nó bôi xoá mọi chân tướng. Mối quan hệ
giữa đàn
ông làm sao có thể chỉ kết bằng cách hư nguỵ ấy.
"Tôi lại phải cám ơn chị nữa".
"Anh không tin… Tôi tin là ông ấy thương tôi như tôi cũng biết thương
ông
ấy chứ. Nhưng cái đó… không phải là chuyện đáng nói giữa chúng tôi…"
Dưới khu đồn điền, một bóng người từ hành lang xuống sân. Cái bóng bé
nhỏ quay
nhìn, có lẽ tìm kiếm chúng tôi. Những cử động rõ rệt, khoan thai. Tôi
nhận ra
Khả. Khả hướng mặt về phía đồi nơi tôi đứng, dáng điệu trông ngẩn ngơ.
"Thôi mình về… Người ta đang kiếm mình dưới kia".
Chúng tôi bước xuống đồi, trở về. Con đường ngược chiều bầy cảnh lạ
lẫm. Lúc ấy
trăng lu, chúng tôi đi, độ dốc kéo nhanh bước và tưởng bị dẫn vào cánh
rừng rậm
rịt bên dưới. Tiếng chim rừng quanh quẩn vài nốt đều đặn đã quen thuộc.
Hồng đi hai tay quấn giữ mép tà áo trước vai hơi co. Dáng điệu của nàng
là dáng
điệu của người con gái học trò đi trên một hè phố mùa đông mưa phùn rả
rích.
Tôi thấy cần nói với Hồng một lời nào đó, lời nó chỉ có nghĩa lấp đầy
nỗi trống
vắng ngăn cách chúng tôi. Lời nói như sự vuốt ve một nỗi cô đơn chung.
Nhưng
tôi ngại… Hồng không giấu vẻ chán nản vì thái độ của tôi.
Trông thấy bóng Khả còn ngoài sân, tôi chậm bước đợi Hồng lên ngang
hàng.
"Chị hãy tưởng tượng xem người đứng kia nếu không phải là Khả nhìn mình
đi
về thế này sẽ nghĩ gì?... Và cả Khả nữa, chị tưởng tượng xem hắn ta
nghĩ gì?
Người ta nghĩ gì nào?"
Hồng lặng thinh không đáp. Tôi choàng tay làm bộ ôm vai người bạn gái
nói khẽ.
Mình hãy cố tạo cho người ta đầy đủ một khúc phim… Một khúc phim mà
người ta
muốn xem.
Hồng vẫn lặng thinh và tôi nắm giữ đầu khớp xương vai nhỏ của người bạn
gái.
Nguồn: Mù khơi, tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền, Kẻ Sĩ xuất
bản lần
thứ nhất, giấy phép số 3727/BTT/PHNT, ngày 03-9-70. In tại ấn quán Cẩm
Hoa, số
339, đường Bến Phú Lâm, Chợ Lớn. Ngoài những bản thường, có in thêm 50
bản đặc
biệt trên giấy trắng dành riêng cho tác giả và nhà xuất bản. Bản điện
tử do
talawas thực hiện.
bản để in
Gửi bài này cho bạn bè