MỘT
Trứng Âu Cơ
và đôi chân màu môn luộc.
Các
bạn thân mến, không, chúng tôi không bao giờ chết, chúng
tôi vẫn sống mãi trong xã hội tươi đẹp này, cái xã hội mà chúng tôi đã
góp máu
xương xây dựng chúng”.
Bàn
tay xậm nâu, đầy những đường gân nổi, lấm tấm những nốt
đồi mồi đen, đang run run vuốt thẳng những trang bản thảo viết tay rồi
sau đó
rút kính xuống lau, ông Bảy Háp có vẻ nôn nóng đợi chờ chúng tôi phát
biểu ý
kiến. Nôn thì đâu phải một mình ông nôn. Còn một tháng nữa Tết rồi. Năm
nay,
giờ này các đoàn khác đều chuẩn bị tuồng Tết đâu ra đó. Chỉ có cái gánh
Thanh-Xuân này già kén kẹn hom để rồi bao nhiêu kịch bản khá đều bị nơi
khác
phỗng tay trên hết.
Tuồng
“Huyền thoại một vầng trăng” tôi xin được của Lâm
Thành sớm hơn ai hết nhưng trưởng đoàn Năm Cơ cứ sợ nhân vật phản diện
trong ấy
hơi giống sếp mình qua một chi tiết nhỏ nên cứ bàn ra. Chẳng ngờ, đoàn
Hương
Trầm đưa lên duyệt, sếp gật đầu cái rụp làm cả đám tiếc ngẩn ngơ.
Kịch
bản “Người mất quê hương” cũng do tôi nài nỉ tác giả
Bích-La cho người chuyển thể, phó đoàn Bảy Dự lại sợ anh Hai Ðê vốn đã
rất
không ưa những kịch bản đề cập tới chuyện vượt biên nên đề nghị đoàn
không nên
dại dột đụng vô. Ôi, mà cái anh Hai Ðê đó có cảm tình với ai đâu, ngoài
những
sáng tác của ảnh. Tất cả đều là những chuyện không lường trước được.
Nhiều
tuồng, ai cũng thấy không ra tuồng, nhưng vì anh Hai khen tận nóc nhà
nên các
nhà phê bình chung quanh cũng xúm lại, khen theo tuốt trời xanh. Lại có
tuồng,
anh Hai rút cái kính hiển vi ra dí vào một câu nói, coi như đứt vốn cả
đoàn...
Sợ cho nhiều vô, rốt rồi đoàn Ánh Dương liều mạng dựng, anh Hai có ghé
coi,
khen tuồng đáp ứng được sự mong đợi của quần chúng. Diễn viên bên đó
lãnh lương
cữ 4, cữ 5. Lúc đó, lãnh đạo đoàn Thanh Xuân mới ngồi than trời trách
đất.
Bây
giờ, thì đã quá trễ rồi. May sao, năm nay là năm kỷ niệm
hai mươi năm Tết Mậu Thân, Sở Văn hóa có phát động phong trào viết kịch
về biến
cố lịch sử nầy. Nghe nói đâu được năm, bẩy vở gì đó. Nhưng ngoài đoàn
kịch nói
Hồng Ðăng lãnh một cây vàng của Sở để làm vở “Lại một mùa xuân”, đa số
các kịch
bản nầy đều không được các đoàn còn lại săn đón cho lắm. Mùa xuân, khán
giả sợ
nói đến cái chết, chiến tranh. Mà nhắc lại Mậu Thân thì làm sao xa lìa
những
điều đó được. Ða số các đoàn đều tìm cách lánh né. Ðoàn Thanh Xuân thì
lúc này
không còn kén chọn nữa rồi.
Ông
Bẩy Háp là một tác giả viết tương đối cẩn thận. Những vở
trước của ông (mà ngó bộ vở này cũng vậy) đạt yêu cầu cao về chính trị,
nhưng
không bán vé được. Ông được Năm Cơ mời đọc vì ông có chân trong Hội
Ðồng Nghệ
Thuật của Sở, vở sẽ không sợ bị duyệt tới, duyệt lui trong thời gian
cấp bách.
Bẩy Dự thì hy vọng một tay đạo diễn có nghề nào đó sẽ cứu được vở về
mặt doanh
thu.
Mọi
người đều có vẻ e dè, không muốn phát biểu sau khi ông
Bẩy đọc xong lời thoại cuối cùng của nhân vật nữ chính: “không, chúng
tôi không
bao giờ chết, chúng tôi vẫn sống mãi”. Trong những buổi này, cái Hội
Ðồng Nghệ
Thuật của đoàn tôi, thường thì không biết nói gì. Ðúng hơn là ít ai dám
nói
thẳng những ý nghĩ của mình, có chăng thì cũng chỉ là những ý kiến hết
sức phụ,
hết sức râu ria, Nói gì thì nói, người trực tiếp lãnh đủ là diễn viên
chúng
tôi. Ở nhiều đoàn, các diễn viên chính thường giữ vai trò quan trọng
trong việc
chọn vở. Ở đoàn nầy cũng vậy, mọi người đều có vẻ như đợi chờ phát biểu
của tôi
và Khánh Huy. Huy thò tay dưới bàn, bấm khẽ vào tay tôi, nháy mắt, ra
hiệu xù
đi. Dĩ nhiên là tôi không thích vở “Mùa xuân, em vẫn đợi” nầy rồi. Vấn
đề đặt
ra không có gì mới. Cái nhìn về các nhân vật Mỹ, sĩ quan Ngụy vẫn đơn
sơ như
hồi mới giải phóng ở các vở kịch phường khóm nghiệp dư. Hình ảnh anh
giải phóng
quân đẹp một cách bài bản, không thuyết phục. Nhân vật nữ trong ấy cũng
không
có gì đặc sắc so với những cô gái tôi đã gặp ngoài đời nhưng tôi phải
phát biểu
như thế nào đây cho ông Bẩy Háp đừng buồn, để thuyết phục Năm Cơ, Bẩy
Dự đừng dại
dột mà đầu tư vào mặc dù cái thời hạn một tháng khắc nghiệt đang lù lù
trước
mắt.
Và
tôi sẽ phát biểu gì đây khi máu vẫn đang âm ỉ chảy giữa
hai chân tôi. Tôi ngó ra ngoài cửa sổ. Những áng mây trôi uể oải luời
biếng.
Trên cành xanh cây muồng hực hở hoa vàng. Những con chim tôi không biết
tên
đang lượn trên nệm hoa. Màu nâu của chúng sáng hơn màu nâu của trái
muồng một
chút. Trắng, xanh, lục, nâu, vàng, đó là những màu của bức tranh ngoài
cửa sổ.
Tôi muốn nhìn nó để quên đi mầu đỏ ám ảnh của máu. Không phải máu của
tôi mà
máu của con tôi.
Năm
Cơ đã phát biểu xong. Ông đề nghị nên bớt người chết đi.
Cứ giữ kiểu khăn sô trắng xóa sân khấu kiểu đó thì Tết phải diễn tuồng
cũ. Ít
nào cũng phải mồng 10 mới dám khai trương vở này. Bẩy Dự đề nghị có lẽ
phải
ráng mời cho được đại đạo diễn Huỳnh Ba. Ông sẽ phá được sự nặng nề của
những
cái chết cuối vở. Ðoàn Giang, phó đoàn ngoại vụ thì đề nghị bỏ hẳn đoạn
cuối đi
làm ông Bẩy Háp phản đối quá trời. Ông kêu nhân vật của ông đẹp nhất
trước lúc
chết mà bỏ đi thì còn gì là tuồng. Khánh Huy thì nói rất gọn. Anh cho
biết anh
không thích nhân vật nam chính trong vở. Nếu dựng, anh đề nghị giao
Minh Hiền
đóng, anh sẽ ngồi ghế dự bị, đúp vai. Ông Bẩy Háp hỏi anh có yêu cầu
sửa đoạn
nào không. Huy chỉ nói, vai không hợp với cháu, vậy thôi!.
Tới
phiên tôi phát biểu rồi đây. Theo một cách thức khá phổ
biến, tôi mở đầu bằng vài lời ngợi khen rồi cố gắng trình bày những suy
nghĩ
của mình cho thật tế nhị. Sợi gân máu hai bên thái dương của ông Bẩy
Háp giật
mạnh. Nó lại làm tôi liên tưởng tới những giọt máu cứ tiếp tục rỉ ra
bên dưới
của tôi. Ðột nhiên tôi không muốn nói gì nữa hết. Tại sao giờ nầy tôi
ngồi đây?
Ờ, tại sao giờ nầy tôi lại ngồi đây, không đi nhanh tới Bệnh Viện Phụ
Sản cho
rồi?. Không trốn được sự thật đâu, Châu ơi! Trần Thị Bội Châu! Ðào cải
lương
Bội Bội Châu! Ôi, tôi có là gì đi nữa thì tính mạng của con tôi cũng
đang nguy
hiểm vô cùng.
Tôi
chợt đứng phắt dậy, xem đồng hồ, xin lỗi phải đi vì có
hẹn quan trọng. Năm Cơ la làng chói lói, không được, quan trọng gì cũng
không
bằng sinh mạng của bẩy chục con người ta trong cái Tết nầy, cô phải ở
lại gút
cho xong có dựng hay không để còn tính tới. Bắt chước Khánh Huy, tôi
cũng nói
gọn. Nếu có dựng, chú để Thảo Uyên đóng thay. Cháu sẽ đúp như Khánh Huy
vậy.
Rồi tôi hối hả đi ra khỏi phòng. Có tiếng than lớn của ông Bẩy Háp sau
lưng.
Ðào kép chánh không ai chịu đóng thì còn gì tuồng của tôi nữa. Ðoàn
Giang phóng
mấy bậc cầu thang dẫn xuống tầng dưới rượt theo tôi. Ở lại một chút đã
bà ơi,
không dựng vở nầy thì phải kiếm ngay một vở khác, không thôi Tết hát
tuồng cũ,
chết chùm cả đám. Tôi nói, để mai đi! Tôi còn ở lại đây giây nào thì
người chết
là tôi, còn các anh coi vậy chớ còn sống lâu lắm.
Trên
cầu thang xoắn đi xuống, hai chân tôi run rẩy mềm oặt.
Tôi la tôi! Tại sao lại nghĩ tới chữ chết trong lúc nầy. Tôi ngồi xuống
ở bậc
thang cuối cùng. Dần, vợ anh Hai Bảo Vệ đang dỗ con, vội bỏ đó lại đỡ
tôi. Tôi
nói kêu giùm tôi chiếc xích lô lại Bệnh Viện Phụ Sản. Chị ta lại đét
thằng con
một cái rồi mới đi. Thằng nhỏ khóc nấc lên. Tôi ngó nó. Nước mắt tôi
muốn ứa
ra. Nó lem luốc, nước mắt nước mũi chảy lòng thòng. Cái đầu hớt lam
nham bôi
thuốc xanh vì đầy ghẻ chốc. Cái lưỡi đỏ hỏn của nó đang cong giật giữa
mấy hột
răng đen vàng vì bị xiết ăn. Chiếc áo đầm cũ dường như của chị nó để
lại đã ố
vàng đen xỉn và rách te hai bên hông. Nhưng ơi trời, nó có thật! Còn
con tôi.
Hà Anh Ngạc! Tôi gọi tên nó âu yếm, thầm thì. Con hãy sống, nghe con!.
Dần
định đỡ tôi ra xe nhưng tôi ra dấu tự đi được. Chị cho
biết đã ngã giá hai trăm năm chục đồng, khoe vậy là rẽ được ít nhất năm
chục
đồng. Tôi mở bóp ra cho chị một trăm đồng, bảo cho thằng Ty ăn kẹo.
Thằng nhỏ
khôn lanh nghe nói tới tên mình là im bặt tiếng khóc. Trên mặt nó có
một vẻ gì
đó nghi ngờ và nó chỉ thật sự cười khi mẹ nó dí tờ giấy bạc vào mũi nó
rồi giật
đi lúc nó quơ chụp. Nó đã biết thế nào là mùi tiền. Tôi bỗng nhớ tới
tựa đề của
một truyện trinh thám ngày xưa “Tiền và Máu”. Phải chăng, bây giờ đó là
hai ám
ảnh lớn nhất của tôi. Còn nghệ thuật? Còn khán giả? Còn ánh đèn sân
khấu? Còn Hà
Thạch Hãn - chồng tôi?, còn nồi cơm toàn gánh?, còn những ai ai?
Anh
xích lô nhìn ra tôi là đào Bội Bội Châu. Anh khoe anh đã
khóc khi xem “Ðời cô Nguyệt”, “Vực thẳm non cao”, “Tình sử Nùng Lan”,
“Anh hùng
gánh củi”, “Chín đỏ sầu riêng”à Anh hỏi tôi sao khóc được trên sân khấu
hay quá
vậy? Tôi nói đùa, cứ bôi dầu cù là vô là khóc được ngay. Anh biết tôi
giỡn nên
cứ theo gặng hỏi mãi. Làm sao trên quãng đường trị giá hai trăm năm
chục đồng
xích lô tôi có thể nói hết cho anh hiểu cách ép tim để nước mắt chảy ra
ngoài.
Khi
tôi bước xuống xích lô, nhiều người bán hàng quanh cổng
bệnh viện dường như đã có xem tôi diễn, cũng cười ngỏn ngoẻn như đã
quen tự
kiếp nào. Anh xích lô cương quyết không lấy tiền. Tôi liếc vội nhìn lên
tấm nệm
bọc vải màu xanh lợt của anh, sợ mình làm bẩn thì ê mặt nhưng may quá,
không
sao! Tôi bước hết sức chậm vào bên trong tựa trẻ em tập đi như là tôi
sợ nếu
bước nhanh quá con tôi sẽ vỡ oà ra mất. Vậy mà có đêm diễn, tôi đã đi
những
đường vũ đạo xoạc cẳng gần 180 độ khi bụng vẫn đau dần. Có tiếng xì xào
bàn tán
sau lưng tôi. “Chồng cổ đâu sao không đưa cổ tới? ”. - “Tao biết mặt
thằng cha
đó rồi”. - “Nghe nói làm báo “Hoa Niên”. - “Ðâu có, chuyển qua Ðài Phát
Thanh
rồi”. - “Ðẹp trai không mậy?”. - “Dĩ nhiên là phải đẹp!”.
Khán
giả của em đang nói về anh đó Hãn. Dù sao tên anh cũng
đã gắn với tên em rồi. Dĩ nhiên là phải đẹp! Còn con nữa. Hà Anh Ngạc!
Dĩ nhiên
là con cũng phải đẹp, nghe con! Tôi lên phòng sản bệnh kiếm bác sĩ
quen. Cô ta
la như thường lệ. Ði giờ nầy làm sao siêu âm được. Tôi đã nói với chị
rồi. Sáng
dậy sớm, khoan đi tiểu cho bụng căng to mới dễ siêu. Tôi nói nhỏ, nhưng
lúc
trước bụng tôi mới một tháng. Còn bây giờ đã lớn bộn rồi, có thể không
cần
nước. Bác sĩ Thái Hoa đẩy tôi. Ði uống nước đi bà nội, cho chắc ăn! Tôi
cầm tờ giấy
của Thái Hoa xuống đóng tiền rồi lấy thẻ. Khi tôi đưa 200 đồng, cô thâu
ngân
trả lại. Tưởng tiền bị rách té ra không phải. Tiền phí tổn đã tăng 500
đồng.
Thời gian đã trôi qua. Nếu không có gì bất trắc, giờ nầy con đang tượng
hình
dần. Không biết cái gì hình thành trước. Trái tim hay bộ não, cái miệng
hay bàn
tay?.
Tôi
lại bước những bước đi của trẻ nhỏ tiến dần xuống phòng
siêu âm với miếng phiếu số 28 trên tay. Số bù trất. Sẽ không còn gì.
Quang cảnh
rất đông đúc trước cửa phòng. Những người chồng đưa vợ đi lăng xăng mở
bi-đông
nước đem theo cho vợ uống. Có những cô vợ nhăn nhó đòi đi đái vì không
chờ nổi
đến lượt mình. Cô gái ngồi nhận hồ sơ nơi cửa bị cự nự vì cứ để mấy
người không
có phiếu nhưng quen biết sao đó với những người đồng nghiệp khác, được
vào
trước. Tôi tới bên bình lọc nước, rót đầy mấy ca uống rồi kiếm chỗ ngồi
đợi.
Ðôi kính đen to vẫn không dấu được tôi. Một bà hình như người Tàu ngồi
nép sát
tấm thân khá đồ sộ để nhường một chỗ trên băng gỗ cho tôi.
Dọc
hành lang chúng tôi ngồi, người tới lui tấp nập. Những
chiếc xe đẩy mang nước, thuốc, dụng cụ y tế chạy tới chạy lui. Có cả
những bệnh
nhân được ngồi trên xe lăn đưa đến đây xếp hàng. Cô y tá ló mặt ra cho
biết
phải nghỉ một tiếng để bảo dưỡng máy. Chị vợ năn nỉ xin anh chồng cho
đi đái
nãy giờ, nay được dịp chạy xổ đi. Nhiều tiếng chưởi lầm bầm. Có tiếng
nói:
- “Ðám
ăn
gian chen trước chạy re vô cầu tiêu hết rồi, chưởi ai nghe!”.
- Có
bầu bì
không nên dối gian kẻo sanh con có đường ăn không đường ỉa.
Cô
gái ngồi nhận hồ sơ cảm giác người ta nói xiên xỏ mình
nhưng cố tình bơ đi. Cô còn quá trẻ, mặt sáng, hơi gầy như tôi hồi còn
con gái.
Hãn
sẽ lại nổi nóng nếu trưa nay tôi không về đúng hẹn dể
dùng cơm chung như đã hứa. Sau khi máy chạy lại, tôi rất muốn xin được
ưu tiên
nhưng lại thấy mắc cỡ vì ý nghĩ này. Những người phụ nữ đang ngồi đây,
ai lại
không có một người đang đợi ở nhà, không chồng thì con, hoặc một người
thân nào
đó. Có tiếng xôn xao ở phía thang máy. Người ta chỉ cho chúng tôi thấy
chiếc xe
hơi đang mở cánh cửa sau chờ chở người bệnh về. Nghe nói bà ta bị thai
trứng.
Mổ xong, bác sĩ chê nên người nhà thuê xe mang về.
Thai
trứng! Tôi đã được thấy những mẫu thai trứng được ngâm
formol cất trong những thẩu thủy tinh đậy nắp. Chúng nằm chung với
những cái
thai bất thường khác trong một căn phòng cuối dãy hành lang nầy. Khi
tôi còn là
con gái, đang học năm cuối của trường Nghệ Thuật Sân Khấu, đi vào đây
diễn một
vở kịch ngắn vui về kế hoạch hóa gia đình cho nhân viên bệnh viện nầy
xem nhân
ngày 8/3. Trong lúc chúng tôi đứng coi, một đứa bé gái khoảng mươi tuổi
chen
vào coi đã bị cha nó, một ông già làm thợ hồ cho dãy nhà mới gần đó,
kêu con
ra, bợp cho một bợp vào đầu. Nhiều người không cho con gái chưa sinh đẻ
coi, sợ
bị ảnh hưởng xấu cho đứa con tương lai. Y như những người mẹ sắp có con
thường
treo tranh ảnh những đứa bé xinh xắn với hy vọng con mình sẽ đẹp như
vậy. Bỗng
dưng, như hiện rõ trước mặt tôi từng cái lọ thủy tinh với những thai
nhi dị
dạng chất đầy phòng. Những mảng trứng như san hô hoặc những chùm nho li
tià
Thuở ấy, tôi đã tò mò quan sát kỹ. Quá kỹ! Sau nầy, qua những buổi hội
họp, có
dịp làm quen với bác sĩ Phi, phó giám đốc của bệnh viện nầy, một nhân
vật khá
nổi tiếng của thành phố, chị nói riêng với tôi:
-
“Tôi thường dự những hội nghị thế giới, trình chiếu những
thai nhi dị dạng ấy với lời phỏng đoán rằng đó là một trong những hậu
quả của
chất độc mầu da cam. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều người phụ nữ nước
ngoài ói
mửa, bước ra khỏi phòng chiếu khi mới xem một vài hình ảnh đầu tiên.
Hình như
những người phụ nữ ấy cũng đang cấn thai. Ðôi khi tôi cũng tự hỏi, nên
chăng,
cứ đi làm công việc vạch vết thương mình ra cho thiên hạ xem như vậy!”.
Chiếc
thang máy hạ xuống, mở ra. Chiếc băng ca bằng inox
được đẩy tới. Ðập vào mắt tôi là hai bàn chân trắng tím như mầu khoai
môn luộc
của người sản phụ mang trong lòng chùm thai trứng. Chiếc mền nâu sọc đỏ
trùm
kín mặt, đầu. Ðột nhiên tôi muốn ói! Cùng lúc đó cửa phòng siêu âm mở,
không
biết đã đến số 28 của tôi hay vì tôi là đào cải lương Bội Bội Châu mà
người ta
đẩy tôi vào.
Phụ
trách máy siêu âm té ra cũng là một người quen. Cô ta
trùng tên với tôi. Cô nói:
-
“Bác sĩ Thái Hoa biểu chị làm siêu âm mấy lần rồi bây giờ
mới đi được đó hả?”.
Tôi
kể mấy lần trước, tôi đã lấy số rồi, uống đầy một bụng
nước rồi, nhưng sắp được gọi bổng phải về. Một phần vì công việc. Tôi
không dám
cà kê thêm vì sợ Hãn nổi nóng nếu cứ bị ngồi ăn một mình. Cô gái tên
Bạch Châu
cười:
-
“Chị làm như cái máy siêu âm nầy là ông kẹ không bằng.
Phải biết tình hình để liệu mà chữa trị chớ”.
Tôi
nằm trên giường, kéo xệ quần xuống, hơi mắc cỡ với Bạch
Châu vì chiếc quần lót bằng vải thô của mình. Vâng, tôi, nữ diễn viên
nổi tiếng
Bội Bội Châu không dám mua một chiếc quần lót rẽ tiền bằng vải trơn
láng của
Việt Nam mà phải chắt mót những mảng vải vụn lại để may thành quần nhỏ.
Gia
đình tôi cứ thắc mắc sao tôi làm ra tiền khá nhiều nhưng không hiểu
tiền chạy
đi đâu hết. Mẹ tôi thường đay nghiến, nó lại dồn tiền lo cho thằng Hãn
thôi,
chớ gia đình nầy đâu có hưởng được cái gì. Dẹp! Lại tiền và máu, máu và
tiền!.
Cô
y tá phụ với Bạch Châu dường như biết tôi mắc cỡ nên giả
lơ quay mặt đi. Bạch Châu xoa một chất gì như mở trên da bụng tôi, vùng
dưới lỗ
rún, rồi bắt đầu di chuyển máy. Tôi ngó chiếc máy màu xanh sắt đang
chuyển động
dọc ngang trên bụng và nhìn lên khung ảnh xanh nhợt có những vùng
trắng, chấm
đen. Bạch Châu nói rất nhỏ nhưng phòng khá yên lặng nên nghe thật rõ:
-
“Thai trứng rồi, Bội Châu ơi!”.
Thật
tình mà nói, tôi tưởng cô ta đùa. Nhưng khi nhìn kỹ vẻ
mặt Bạch Châu, thấy cô y tá phụ việc đang hí hoáy ghi, tôi hiểu rằng
không ai
đùa những trường hợp như vậy. Tôi không nghe máu chảy giữa hai chân
mình nữa.
Nhưng tôi cảm giác vùng bụng mình mở hoác ra. Thằng bé tuột ra đang bò
chạy ở
đâu đó, nước mắt chảy ràn trên mặt. Tôi gọi rất nhỏ: “Con ơi!”.