*

























  

Antoine Marie Roger de Saint-Exupéry (1900 - 1944)

Văn sĩ và phi công người Pháp, một anh hùng trong đời thực, người nhìn sự phiêu lưu mạo hiểm dưới góc độ của một thi sĩ - hoặc đôi khi với con mắt trẻ thơ. “Hoàng tử bé” là tác phẩm nổi tiếng nhất của Saint-Exupéry, ra đời vào năm 1943 và đã trở thành một trong số các tác phẩm văn học cổ điển dành cho trẻ em trong thế kỷ hai mươi. Ông tham gia Chiến tranh Thế giới lần II với cương vị phi công chiến đấu. Máy bay của ông bị bắn rơi trên vùng trời nước Pháp vào năm 1944.

" Những người lớn, chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ. " (trích “Hoàng tử bé”, 1931)

Antoine de Saint-Exupéry sinh ở Lyons ngày 29 tháng 6 năm 1900 trong một gia đình quí tộc địa phương lâu đời. Cha ông là một chuyên viên công ty bảo hiểm, mất năm 1904 vì chứng đột quị. Mẹ ông, bà Marie de (Fonscolombe) Exupéry (1875- 1972), đưa các con đến Le Mans vào năm 1909, tại lâu đài Saint-Maurice-de-Rémens của người dì. Tại đây, ông đã trải qua những năm tháng tuổi thơ giữa những người thân của mình. Ông theo học các trường dòng Jesuit ở Montgré và Le Mans, và cả trường Công giáo ở Thụy Sĩ (1915-1917). Sau khi thi rớt trường dự bị đại học, ông đăng ký học môn kiến trúc ở trường cao đẳng Beaux-Arts.

Bước ngoặt của cuộc đời ông xảy ra khi ông nhập ngũ vào năm 1921, và được gởi đến Strasbourgh để dự khóa huấn luyện phi công. Vào ngày 9 tháng 7 năm 1921, ông bay chuyến đầu tiên một mình với kiểu máy bay Sopwith F-CTEE. Ông lấy bằng phi công vào năm 1922, và sau đó định cư ở Paris nơi ông khởi sự viết văn. Tiếp theo đó là những năm kém may mắn. Cuộc đính hôn của ông với nữ văn sĩ Louise de Vilmorin bị hủy bỏ, và ông cũng không thành công trong việc viết lách và kinh doanh. Ông phải làm hàng loạt nghề từ quản thủ thư viện đến buôn bán động cơ. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn Người lái máy bay (L'Aviateur) xuất bản vào năm 1926 trên tạp chí văn học Le Navire d'argent. Sau đó, ông tìm thấy một công việc thực sự, là chuyên chở thư tín cho công ty thương mại hàng không Aéropostale ở Bắc Phi trong 3 năm, với nhiều lần chết hụt. Vào năm 1928, ông làm giám đốc vùng bay Cap Juby ở Rio de Oro, sâu trong sa mạc Sahara. Ông yêu thích sự cô độc của sa mạc và mô tả vẻ đẹp hoang dã của nó trong các tác phẩm “Hoàng tử bé” và Thành trì (1948). Trong vòng 3 năm, Saint-Exupéry viết tiểu thuyết “Tàu thư phương nam” (1929), ngợi ca lòng dũng cảm của những phi công đầu tiên, những con người đã bất chấp hiểm nguy trong cuộc đua tranh tốc độ, để chiến thắng các đồng nghiệp đưa thư của họ theo đường tàu hỏa và đường thủy. Một mạch truyện khác trong tác phẩm này mô tả cuộc tình bất thành của tác giả với nữ văn sĩ Louise de Vilmorin. Tàu thư phương nam được đạo diễn Robert Bresseo dựng thành phim vào năm 1937.

Vào năm 1929, Saint-Exupéry đến Nam Mỹ làm công việc chuyên chở thư tín qua dãy Andes. Kinh nghiệm này làm nên cốt truyện của tiểu thuyết thứ hai, “Bay đêm”, đã trở thành một bestseller trên bình diện quốc tế, đoạt giải Femina, và được được đưa lên màn ảnh vào năm 1933, với các ngôi sao điện ảnh Clark Gable và Lionel Barrymore. Trong câu chuyện, Rivière, người phụ trách sân bay kiên nghị, đã từ bỏ tất cả các toan tính về hưu và xem công việc chuyên chở thư tín như là mục đích đời mình. 'Chúng ta không cần đến sự vĩnh cửu', ông nghĩ. 'Điều mà chúng ta cần là không để những hành động và sự việc đột nhiên mất đi ý nghĩa thực sự của chúng. Nhờ đó, thế giới xung quanh chúng ta sẽ mở toang ra từ mọi phía.' (trích “Bay đêm”)

Saint-Exupéry lập gia đình năm 1931 với Consuelo Gomez Castillo, và khởi sự làm phi công thử nghiệm cho Air France và các công ty hàng không khác. Ông viết cho tờ Paris-Soir mô tả sự cố khẩn cấp ở Moscow năm 1936, và sáng tác hàng loạt bài viết về Cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Saint-Exupéry sống cuộc đời phiêu bạt, rày đây mai đó : ông mua một máy bay hiệu Caudron Simoun (F-ANRY) với số tiền còn lại của mình, và trải qua một tai nạn máy bay ở Libya, sau đó mua một máy bay Caudron Simoun khác vào năm 1937 và lại gặp tai nạn chấn thương nghiêm trọng ở Guatemala trong một vụ rớt máy bay.

Với sự động viên của người bạn André Gide, Saint-Exupéry viết một quyển sách về nghề lái máy bay. “Cõi người ta”, ra đời năm 1939, đoạt giải Grand Prix du Roman của Viện Hàn Lâm Pháp 1939 và giải National Book Award ở Mỹ. Đạo diễn Jean Renoir (1894-1979) muốn dựng thành phim và thảo luận với tác giả, chủ yếu về các chủ đề văn học mà ông ghi nhận. Vào thời điểm đó Renoir làm việc ở Hollywood nơi người ta dựng phim trong phim trường. Renoir đưa ra ý tưởng dựng phim ngay tại chính các địa điểm được mô tả trong truyện. Điều này sẽ có lợi thế để thành công ở Mỹ, nhưng tiếc thay, không ai muốn sản xuất bộ phim.

Sau khi nước Pháp bị thất thủ trong Chiến tranh Thế giới lần II, Saint-Exupéry gia nhập quân đội, thực hiện hàng loạt phi vụ, mặc dù ông bị xem như là không đủ khả năng lái máy bay chiến đấu do mắc phải hàng loạt chấn thương trước đây. Tuy vậy, Saint-Exupéry vẫn được phong tặng huân chương Croix de Guerre [Croix de Guerre : huân chương được nhà nước Pháp trao tặng cho các cá nhân hoặc đơn vị có thành tích trong Chiến tranh Thế giới lần II.]. Ông rời Mỹ năm 1942 và bị phê phán bởi những người đồng hương vì đã không ủng hộ lực lượng Nước Pháp Tự Do của de Gaulle ở London. Phi công chiến tranh (1942) mô tả chuyến bay tuyệt vọng của ông trên giới tuyến quân địch, khi nước Pháp đã thực sự bị đánh bại. Năm 1943 ông tái gia nhập không lực Pháp đóng ở Bắc Phi (trong phi đoàn người ta gọi ông một cách thân mật là Saint-Ex hay "thiếu tá Ex") và xuất bản tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, Hoàng tử bé (1943), một truyện ngụ ngôn trẻ em dành cho người lớn. Cuốn sách đã được dịch sang gần năm mươi ngôn ngữ.

   “Hoàng tử bé” (1943, Le Petit Prince) - minh họa bởi chính tác giả. Câu chuyện về một phi công phải hạ cánh khẩn cấp trong sa mạc. Anh gặp một cậu bé, người hóa ra là một hoàng tử từ hành tinh khác đến. Hoàng tử kể về những cuộc phiêu lưu của em trên Trái Đất và về bông hồng quí giá trên hành tinh của em. Em thất vọng khi phát hiện ra hoa hồng là loài bình thường như bao loài khác trên Trái Đất. Một con cáo sa mạc khuyên em nên yêu thương chính bông hồng của em và hãy tìm kiếm trong đó ý nghĩa của cuộc đời mình. Nhận ra điều ấy, hoàng tử quay trở về hành tinh của em.

Ngày 31 tháng 7 năm1944, Saint-Exupéry cất cánh từ đường băng hẹp ở Sardinia trong một phi vụ trên vùng trời miền Nam nước Pháp. Và vào cái ngày định mệnh đó, "thiếu tá Ex" đã ra đi mãi mãi, không bao giờ trở về nữa... Trường hợp của ông được xem như là mất tích. Sau này, người ta đoán rằng, máy bay của ông bị bắn rơi trên vùng biển Địa Trung Hải hay có lẽ ông đã gặp phải tai nạn. Saint-Exupéry để lại bản thảo dang dở của tác phẩm Thành trì và một vài ghi chép mà chúng được xuất bản sau ngày ông mất.

    "Tự do và áp bức là hai mặt của cùng một điều tất yếu, nơi mà tồn tại điều này thì không thể tồn tại điều kia" (trích “Thành trì”, 1948). Quyển sách phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của Saint-Exupéry đối với chính trị, và những tư tưởng then chốt sau cùng của ông.

Sự nghiệp văn chương :

 

    * L'AVIATEUR, 1926 - Người lái máy bay

    * COURRIER-SUD, 1929 - Tàu thư phương nam - Southern Mail - dựng phim 1937, đạo diễn Robert Bresseo

    * VOL DE NUIT, 1931 - Bay đêm - Night Flight - dựng phim 1933, đạo diễn Clarence Brown, với các ngôi sao điện ảnh John Barrymore, Clark Gable, Helen Hayes, Myrna Loy, Lionel Barrymore

    * TERRE DES HOMMES, 1939 - Cõi người ta - Wind, Sand, and Stars

    * PILOTE DE GUERRE, 1942 - Phi công chiến tranh - Flight to Arras

    * LETTRE À UN OTAGE, 1943 - Thư gửi một con tin - Letter to a Hostage

    * LE PETIT PRINCE, 1943 (illust. by Saint-Exupéry) - Hoàng tử bé - The Little Prince

    * LA CITADELLE, 1948 - Thành trì - The Wisdom of the Sands

    * OUVRES COMPLÈTES, 1950 (7 vols.)

    * OUVRES, 1953

    * LETTRES DE JEUNESSE, 1923-31, 1953

    * CARNETS, 1953

    * LETTRES À SA MÈRE, 1955

    * UN SENS À LA VIE, 1956 - Cảm nhận cuộc sống - A Sense of Life

    * LETTERS DE SAINT EXUPÉRY, 1960

    * LETTRES AUX AMÉRICAINS, 1960

    * ECRITS DE GUERRE, 1939-1944, 1982 - Những ghi chép trong thời chiến - Wartime Writings